Ninh Kiều
Quận nội thành thuộc thành phố Cần Thơ From Wikipedia, the free encyclopedia
Quận nội thành thuộc thành phố Cần Thơ From Wikipedia, the free encyclopedia
Ninh Kiều là quận trung tâm của thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Quận Ninh Kiều là nơi tập trung chủ yếu các cơ quan ban ngành và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục của thành phố Cần Thơ.
Ninh Kiều
|
|||
---|---|---|---|
Quận | |||
Quận Ninh Kiều | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Thành phố | Cần Thơ | ||
Trụ sở UBND | 215 Nguyễn Trãi, khu vực 1, phường Thới Bình | ||
Phân chia hành chính | 8 phường | ||
Thành lập | 2/1/2004 | ||
Tổ chức lãnh đạo | |||
Chủ tịch UBND | Huỳnh Trung Trứ | ||
Chủ tịch HĐND | Trần Tiến Dũng | ||
Bí thư Quận ủy | Nguyễn Tiền Phong | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°01′58″B 105°45′34″Đ | |||
| |||
Diện tích | 29,22 km² | ||
Dân số (2022) | |||
Tổng cộng | 292,368 người | ||
Mật độ | 7.057 người/km² | ||
Dân tộc | Chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 916[1] | ||
Biển số xe | 65-B1-B2-M1 | ||
Website | ninhkieu | ||
Quận Ninh Kiều được thành lập theo Nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 2 tháng 1 năm 2004 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phần lớn các phường nội thành của thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ cũ. Quận có bến Ninh Kiều, là một địa danh du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ. Nơi đây đặt trụ sở của nhiều ban ngành của thành phố, điển hình là Ủy ban nhân dân thành phố tại số 2 đại lộ Hòa Bình, phường Tân An.
Địa danh Ninh Kiều đã xuất hiện ở Cần Thơ từ năm 1958, ban đầu chỉ là tên của một bến sông và không được dùng chính thức trong các tên gọi đơn vị hành chính. Từ năm 2004, Ninh Kiều chính thức trở thành tên một quận thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Hiện nay, trung tâm hành chính quận Ninh Kiều được đặt ở đường Nguyễn Trãi, phường Thới Bình.
Trận Ninh Kiều là một trận thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra năm 1426, còn gọi là trận Chúc Động. Ninh Kiều là chiếc cầu bắc qua sông Ninh Giang (sông Đáy), khi quân Minh tháo chạy qua sông, nghĩa quân Lam Sơn đã tập kích và chặt đứt cầu, quân Minh chết đuối làm nghẽn cả một khúc sông. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có nhắc đến sự kiện này trong câu:
Ninh Kiều ngày ấy nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Năm 1957, Tỉnh trưởng tỉnh Phong Dinh (tên gọi khác của tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn 1956-1975) thời Đệ nhất Cộng Hoà của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ông Đỗ Văn Chước đã cho lập nơi bến sông này một công viên cây kiểng và bến dạo mát.
Do đề xuất của ông Ngô Văn Tâm, Trưởng ty Nông nghiệp, đồng thời phụ trách đoàn Thanh Niên 4T (tức Khuyến Nông), ông Đỗ Văn Chước đã đệ trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm xin đặt tên công viên và bến là Ninh Kiều. Ông đã dựa vào lịch sử Việt Nam, lấy tên một địa danh lịch sử chiến thắng quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi thống lãnh. Trận đánh diễn ra vào ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ (tức ngày 13 tháng 9 năm 1426), khi nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, Đô Bí Lý Triển và Trịnh Khả mai phục giặc ở Ninh Kiều và đã chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt trên 2000 quân Minh. Tướng giặc là Trần Trí phải tháo chạy về Đông Quan (Hà Nội ngày nay) chờ quân cứu viện..
Ngày 4 tháng 8 năm 1958, ông Lâm Lễ Trinh, người quê quán Cái Răng (Cần Thơ), Bộ trưởng Nội vụ thời Đệ nhất Cộng Hoà, đã từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dự lễ cắt băng khánh thành, đọc Nghị định đặt tên công viên và bến Ninh Kiều theo đề nghị của ông Đỗ Văn Chước. Đến nay, quanh khu vực bến được đổi tên thành quận Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều trở thành một điểm nhấn du lịch của Cần Thơ.
Quận Ninh Kiều nằm ở trung tâm thành phố Cần Thơ, có vị trí địa lý:
Quận Ninh Kiều có diện tích 29,22 km², dân số năm 2019 là 280.494 người, mật độ dân số đạt 9.599 người/km².[2]
Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất quận Ninh Kiều ngày nay chính là địa bàn thôn Tân An và thôn Thới Bình. Hai thôn này ban đầu cùng thuộc tổng Định Bảo, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), hai thôn Tân An và Thới Bình vẫn thuộc tổng Định Bảo, tuy nhiên lại chuyển sang thuộc sự quản lý của huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Lúc bấy giờ, ngoài việc gọi theo địa danh hành chính chính thức, thôn Tân An còn được gọi bằng địa danh tên Nôm phổ biến hơn là "Cần Thơ".
Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Ngày 1 tháng 1 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ là Bonard quyết định đặt huyện Phong Phú thuộc hạt Sa Đéc, đồng thời lập Toà Bố tại Sa Đéc. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Đéc gồm có 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú. Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành hạt mới lấy tên là hạt Trà Ôn, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Ngày 5 tháng 1 năm 1876, các thôn đổi thành làng. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt tham biện Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ.
Chính quyền thực dân Pháp về sau đã đổi tên gọi các đơn vị hành chính cấp hạt theo địa điểm đóng trụ sở. Đặc biệt, lúc bấy giờ từ việc địa danh "Cần Thơ" ban đầu chỉ là tên gọi trong dân gian để chỉ vùng đất thôn Tân An dọc theo con sông Cần Thơ, chính quyền thực dân Pháp đã chính thức hóa tên gọi "Cần Thơ" bằng những văn bản hành chính để chỉ địa danh cấp hạt và sau này là cấp tỉnh ở xứ Nam Kỳ: "hạt Cần Thơ", "tỉnh Cần Thơ". Ngoài ra, tên gọi nơi đặt lỵ sở hạt và sau này là tên gọi nơi đặt tỉnh lỵ cũng đều được gọi bằng địa danh "Cần Thơ".
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, tất cả các hạt tham biện ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Cần Thơ. Tổng Định Bảo ban đầu trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ Cần Thơ đặt tại làng Tân An thuộc tổng Định Bảo. Năm 1913, thực dân Pháp thành lập quận Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ. Từ đó, tổng Định Bảo trực thuộc quận Châu Thành, vốn là nơi đặt tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ. Lúc bấy giờ, làng Tân An vừa đóng hai vai trò là nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành và tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ.
Thời Pháp thuộc, vùng đất quận Ninh Kiều ngày nay tương ứng với làng Tân An, làng Thới Bình cùng thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Sau này, chính quyền thực dân Pháp cho giải thể làng Thới Bình và sáp nhập vào địa bàn làng Tân An. Bên cạnh đó, về sau làng An Bình cũng được thành lập do tách đất từ làng Tân An. Địa bàn làng Tân An khi đó vẫn bao gồm cả vùng đất phía nam sông Cần Thơ, tương đương với các phường Hưng Phú và Hưng Thạnh của quận Cái Răng ngày nay.
Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143-NV để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Dinh được thành lập do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh đặt tại Cần Thơ và vẫn giữ nguyên tên là "Cần Thơ", về mặt hành chánh thuộc xã Tân An, quận Châu Thành.
Vào thời Việt Nam Cộng hòa, trong giai đoạn 1956-1970, xã Tân An và xã An Bình cùng thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh. Lúc này, phần đất nằm ở phía nam sông Cần Thơ vốn trước đó thuộc xã Tân An cũng được tách ra để thành lập mới xã Thuận Đức. Sau năm 1965, cấp tổng bị bãi bỏ, các xã trực thuộc quận. Ban đầu, xã Tân An vẫn đóng hai vai trò là nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành và tỉnh lỵ Cần Thơ của tỉnh Phong Dinh. Tuy nhiên, về sau quận lỵ quận Châu Thành lại được dời về Cái Răng, về mặt hành chánh thuộc địa bàn xã Thường Thạnh.
Ngày 30 tháng 9 năm 1970, theo Sắc lệnh số 115-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm, thị xã Cần Thơ được chính thức tái lập và là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh. Khi đó, thị xã bao gồm các xã Tân An, Thuận Đức, ấp Lợi Nguyên thuộc xã An Bình và ấp Bình Nhựt thuộc xã Long Tuyền cùng thuộc quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh trước đó.
Thị xã Cần Thơ khi đó gồm hai quận:
Như vậy, ngoại trừ các phường Hưng Phú, Hưng Thạnh thuộc quận Cái Răng và phường An Thới thuộc quận Bình Thủy ngày nay, các phường còn lại của quận 1 (quận Nhứt) và quận 2 (quận Nhì) khi đó đều thuộc địa bàn quận Ninh Kiều ngày nay. Đơn vị hành chính bên dưới trực thuộc phường là các khóm.
Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Phong Dinh mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ, đồng thời vẫn duy trì thị xã Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn 1956-1972.
Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hình thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9, là đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng với tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì các đơn vị hành chính cấp quận, phường và khóm bên dưới giống như phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến đầu năm 1976. Sau năm 1975, chính quyền Cách mạng cho thành lập mới phường Cái Khế trên cơ sở tách đất từ phường An Hòa.
Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới: tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, quận 1 (quận Nhứt) và quận 2 (quận Nhì) cũng bị giải thể, các phường xã trực thuộc thành phố do thành phố Cần Thơ lúc này chuyển thành thành phố cấp huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[3] về việc chia một số phường xã thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Lúc này vùng đất quận Ninh Kiều ngày nay có những thay đổi như sau:
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam quyết nghị chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ.[4]
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam quyết nghị chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang.[5] Ngày 2 tháng 1 năm 2004, quận Ninh Kiều và các phường thuộc quận được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Cái Khế, An Hòa, Thới Bình, An Nghiệp, An Cư, An Hội, Tân An, An Lạc, An Phú, Xuân Khánh, Hưng Lợi và xã An Bình thuộc thành phố Cần Thơ cũ. Phường An Bình cũng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã An Bình. Tại thời điểm này, quận Ninh Kiều có 2.922,04 ha diện tích tự nhiên và 206.213 nhân khẩu với 12 đơn vị hành chính trực thuộc.[6]
Từ tháng 2 năm 2007, phường An Khánh được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 441 ha diện tích tự nhiên và 7.731 nhân khẩu của phường An Bình.[7] Từ ngày 1 tháng 3 năm 2020, hai phường An Hội và An Lạc được sáp nhập vào phường Tân An.[8] Ngày 1 tháng 11 năm 2024, ba phường An Cư, An Nghiệp, An Phú được sáp nhập vào phường Thới Bình;[9] từ thời điểm này, quận Ninh Kiều có 8 phường trực thuộc.
Quận Ninh Kiều có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 8 phường: An Bình, An Hòa, An Khánh, Cái Khế, Hưng Lợi, Tân An, Thới Bình, Xuân Khánh.
|
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc quận Ninh Kiều | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn ước đạt 128.455 tỉ đồng, tăng 3,56% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách ước thực hiện 1.584,6 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng được 31.215 tỉ đồng (tăng 12,8%), giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ được 10.907 tỉ đồng (tăng 16,9%) và giá trị sản xuất nông nghiệp được 2.307 tỉ đồng (tăng 3,4%) so năm 2019[11]
Trên địa quận Ninh Kiều bàn hiện có 4.492 doanh nghiệp, 21 hợp tác xã và 20.370 hộ kinh doanh cá thể và 4.286 cơ sở nhỏ, không có địa điểm kinh doanh cố định đang hoạt động; so với năm 2011, tăng 1.914 doanh nghiệp, 4.023 hộ kinh doanh, giảm 144 cơ sở nhỏ. Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2012-2020 tăng 12,78%/năm.Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2012-2020 đạt 106.084 tỉ đồng, tăng bình quân 15,09%/năm...[12]
Một số trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Học viện đóng trên địa bàn quận Ninh Kiều:
Hiện nay, trên toàn quận Ninh Kiều là nơi tập trung các bệnh đa khoa, chuyên khoa của thành phố như: Bệnh viện Đa khoa Trung Ương, Bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Đa Khoa Cần Thơ, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện quốc tế Vinmec, Bệnh viện Quân Y 121, Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt, Bệnh viện mắt Sài Gòn - Cần Thơ, Bệnh viện Đột quỵ và Tim mạch, Bệnh viện Công An TP. Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Hoà Hảo cùng với 3 bệnh viện đang trong giai đoạn triển khai và xây dựng như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh Hình Trung Ương, Bệnh viện Gan mật Trung Sơn.
Một số cơ quan thuộc chính phủ và thành phố trên địa bàn quận Ninh Kiều
• Bến Ninh Kiều
• Bảo tàng Quân khu 9
• Bảo tàng Thành phố Cần Thơ
• Nhà thi đấu đa năng
• Nhà hát Tây Đô
• Công viên Lưu Hữu Phước
• Công viên văn hoá sông Hậu
• Chợ đêm Tây Đô
• Chùa Ông
• Museum of Tarot - Bảo Tàng Tarot
• Chùa Khmer Munirensay - វត្ត មុនីរង្សី
• Chùa Quang Đức
• Chùa Thới Long Cổ Tự
• Chùa Phật Học
• Chợ Đêm Cần Thơ
• Công Viên Bến Ninh Kiều
• Cầu đi bộ Cần Thơ
• Nhà thờ chính toà Thánh Tâm Chúa Giê-su - Giáo phận Cần Thơ
• Khám Lớn Cần Thơ
• Trung tâm thương mại Sense City
• Tổ hợp thương mại, khách sạn Vincom Cần Thơ
Hiện nay trên địa bàn quận Ninh Kiều đã và đang hình thành một số khu đô thị, trung tâm thương mại cao cấp như:
• Khu đô thị An Bình
• Bệnh viện Ung bướu
• Dự án toà tháp đôi Căn hộ Chung cư cao cấp Thiên Quân – Marina Plaza cao 23 tầng[13]
• Chung cư Rivera Park Cần Thơ cao 27 tầng
• Trung tâm hội nghị quốc tế 35 tầng
• Tổ hợp văn phòng TD Plaza cao 24 tầng
• Chung cư Ngô Hữu Hạnh được dự kiến xây dựng mới khoảng 18 tầng
• Wink Hotel Can Tho 19 tầng
• Tổ hợp toà nhà ĐH FPT Cần Thơ cao 19 tầng
• Tháp đôi bệnh viện gan mật Trung Sơn cao 14 tầng
• Dự án mở rộng bệnh viện đại học Y Dược cao 15 tầng
• Dự án tổ hợp khách sạn thương mại Sense City giai đoạn II cao 19 tầng
• Dự án toà nhà ngân hàng SHB cao 17 tầng
• Dự án trung tâm thương mại Aeon Mall[14]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.