Remove ads
Tỉnh cũ của Việt Nam From Wikipedia, the free encyclopedia
Cần Thơ là một tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
Cần Thơ
|
|
---|---|
Tỉnh | |
Tỉnh Cần Thơ | |
Hành chính | |
Quốc gia | Việt Nam |
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long |
Tỉnh lỵ | Thành phố Cần Thơ |
Phân chia hành chính | 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện |
Thành lập | 1/1/1900 |
Giải thể | 1/1/2004 |
Địa lý | |
Diện tích | 2.997,33 km² |
Dân số (26/11/2003) | |
Tổng cộng | 1.878.226 người |
Mật độ | 626 người/km² |
Khác | |
Biển số xe | 65 |
Tỉnh Cần Thơ có vị trí địa lý (tại thời điểm 1992–2003):
Thời L. Bocquillon làm chủ tỉnh, tỉnh Cần Thơ được chia thành 9 tổng:
Tỉnh Cần Thơ có 5 quận trực thuộc:
1. Quận Châu Thành có 2 tổng với 16 làng:
2. Quận Cầu Kè có 2 tổng với 13 làng:
3. Quận Ô Môn có 2 tổng với 15 làng:
4. Quận Phụng Hiệp có 2 tổng với 14 làng:
Toàn tỉnh Cần Thơ có 1 thành phố, 6 huyện với 15 phường, 6 thị trấn và 73 xã:
Toàn tỉnh Cần Thơ có 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện với 20 phường, 13 thị trấn, 89 xã:
Cần Thơ vốn là đất cũ thuộc huyện Vĩnh Định và sau đó là huyện Phong Phú của tỉnh An Giang thời Nam Kỳ Lục tỉnh dưới triều nhà Nguyễn độc lập. Lúc bấy giờ, tỉnh lỵ toàn tỉnh An Giang cũ đặt tại thành Châu Đốc (ngày nay là thành phố Châu Đốc của tỉnh An Giang), còn Cần Thơ chỉ là nơi đặt lỵ sở của huyện Phong Phú.
Ngày 21 tháng 6 năm 1867, quân Pháp chiếm gọn tỉnh An Giang. Lúc này, Pháp thành lập ngay hạt thanh tra Tân Thành trên địa bàn phủ Tân Thành của tỉnh An Giang cũ, với lỵ sở hạt đặt tại Sa Đéc. Vùng đất Cần Thơ lúc này vẫn là huyện Phong Phú thuộc về hạt thanh tra Tân Thành. Huyện Phong Phú có địa giới hành chính Bắc giáp phủ Tân Thạnh và phủ Lạc Hóa, Tây - Bắc giáp huyện Tây Xuyên, Đông - Nam giáp huyện Vĩnh Định, phía Nam có nhiều rừng tràm và hổ báo. Huyện Phong Phú được phân cấp hành chính cơ sở gồm 8 tổng (3 tổng cũ, 5 tổng mới phía Nam sông Hậu). Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.
Ngày 16 tháng 8 năm 1867, thực dân Pháp chính thức đổi tên gọi tất cả các địa danh cấp tỉnh và hạt thanh tra theo tên gọi địa điểm nơi đặt lỵ sở tỉnh hoặc hạt thanh tra. Khi đó, tỉnh An Giang được đổi tên thành tỉnh Châu Đốc, và hạt thanh tra Sa Đéc thuộc tỉnh Châu Đốc cũng được thành lập do đổi tên từ hạt thanh tra Tân Thành cũ.
Ngày 4 tháng 12 năm 1867, huyện Phong Phú được tách ra khỏi hạt thanh tra Sa Đéc để thành lập mới hạt thanh tra Cần Thơ, với lỵ sở đặt tại Cần Thơ.
Ngày 5 tháng 6 năm 1871, hạt thanh tra Cần Thơ lại bị giải thể và nhập địa bàn vào hạt thanh tra Sa Đéc.
Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú thuộc hạt Sa Đéc với vùng Bắc Tràng thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây để lập thành một hạt mới, lấy tên là hạt Trà Ôn do Toà Bố hạt lúc bấy giờ đặt tại Trà Ôn và tỉnh trưởng lúc đó là Deseravalle. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Hạt thanh tra Trà Ôn khi đó gồm 11 tổng, 119 thôn[1]:
|
|
Các tổng Tuân Lễ, Tuân Giáo, Bình Lễ, Thành Trị nguyên trước thuộc các huyện Vĩnh Trị và Tuân Ngãi của tỉnh Vĩnh Long; riêng tổng An Trường trước thuộc huyện An Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang cũ.
Ngày 23 tháng 2 năm 1876, dưới thời tỉnh trưởng Sa Đéc là Schneider, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy toàn bộ huyện Phong Phú, hợp thêm một phần nhỏ thuộc phía nam tỉnh Vĩnh Long cũ và một phần huyện An Xuyên thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang cũ (tức tổng An Trường) để lập hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Hạt Cần Thơ thuộc khu vực Bassac (Hậu Giang). Chánh tham biện hạt Cần Thơ đầu tiên là Nicolai (1876 - 1886), Villard (1877, 3 tháng), Lebrun Bocquillon (1887 - ?)... Hạt Cần Thơ chia làm 9 tổng, 119 làng, dân số 53.910 người:
|
|
Ngày 28 tháng 1 năm 1892, lập mới tổng Định Hòa ở vùng đất phía nam của hạt tham biện Cần Thơ.
Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định đổi tên gọi tất cả các hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province) và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 trên toàn cõi Nam Kỳ. Như vậy, tỉnh Cần Thơ (province de Cantho) là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Bên dưới cấp tỉnh ban đầu chia thành các tổng (canton) trực thuộc.
Năm 1904, toàn tỉnh Cần Thơ có 10 chợ như sau[2]:
|
|
Năm 1903, Tỉnh trưởng Cần Thơ Delanoue chia đôi tổng Định Hòa để lập thêm tổng Định Phước. Năm 1904, tỉnh Cần Thơ gồm 10 tổng trực thuộc: An Trường, Bình Lễ, Định An, Định Bảo, Định Hòa, Định Phước, Định Thới, Thới Bảo Thổ, Thành Trị, Tuân Giáo.
Năm 1913, Toàn quyền Đông Dương cho thành lập 4 quận (circonscription) trực thuộc tỉnh Cần Thơ: Châu Thành, Cầu Kè, Ô Môn, Rạch Gòi. Tên các quận này vốn được lấy theo tên làng hoặc tên chợ nơi đặt quận lỵ. Riêng quận Châu Thành được thành lập trên địa bàn một số tổng thuộc khu vực nơi đặt tỉnh lỵ Cần Thơ và các vùng phụ cận.
Năm 1915, tỉnh Cần Thơ có 189.837 người Kinh, 14.369 người Miên, 5.762 người Hoa, 3048 người Minh Hương, 127 người Âu và 313 người các dân tộc khác. Tỉnh trưởng Cần Thơ lúc đó là Tholance (từ tháng 3-1915 đến tháng 11-1915).
Năm 1917, do quận lỵ được dời từ Rạch Gòi về Phụng Hiệp, thực dân Pháp giải thể quận Rạch Gòi để thành lập mới quận Phụng Hiệp[3]. Tỉnh trưởng lúc này là Caillard (từ 11-1915 đến 4-1917).
Năm 1917, tỉnh Cần Thơ có diện tích 2.191 km², gồm 4 quận, 10 tổng, 94 làng[4]:
Ngày 10 tháng 7 năm 1921, tỉnh Cần Thơ thành lập mới thêm quận Trà Ôn, bao gồm tổng Bình Lễ của quận Cầu Kè chuyển sang và tổng Định An của quận Phụng Hiệp chuyển sang.
Tỉnh lỵ Cần Thơ đặt tại làng Tân An thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành. Ngày 18 tháng 12 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Cần Thơ có Ủy ban thành phố, thị trưởng do chủ tỉnh bổ nhiệm và có ngân sách riêng. Tuy nhiên sau này vẫn thường gọi là thị xã Cần Thơ. Thị xã Cần Thơ được thành lập do tách phần đất khu vực tỉnh lỵ và vùng phụ cận vốn thuộc địa bàn làng Tân An trước đó.
Ngày 24 tháng 12 năm 1932, địa bàn tỉnh Cần Thơ được chia lại thành 5 quận[3]:
Tên quận mới được lấy theo tên gọi nơi đặt quận lỵ mới. Trong đó, quận Cái Răng có quận lỵ mới đặt tại Cái Răng, còn trước đó quận lỵ quận Châu Thành cũ đặt tại ngay tỉnh lỵ Cần Thơ. Đồng thời, quận Cái Vồn có quận lỵ mới đặt tại Cái Vồn, còn trước đó quận lỵ quận Trà Ôn cũ đặt tại Trà Ôn[3].
Ngày 27 tháng 6 năm 1934, do có một số quận có nơi đặt quận lỵ lại lần nữa dời về địa điểm cũ, chính quyền thực dân Pháp lại một lần nữa lấy lại tên gọi cũ cho một số quận ở tỉnh Cần Thơ. Trong đó, đổi tên quận Cái Răng thành quận Châu Thành như cũ, đổi tên quận Cái Vồn thành quận Trà Ôn như cũ. Quận Châu Thành vẫn gồm 2 tổng là Định Bảo và Định An; quận Trà Ôn vẫn gồm 2 tổng là An Trường và Bình Lễ. Như vậy cho đến năm 1945, tỉnh Cần Thơ bao gồm 5 quận: Châu Thành, Ô Môn, Phụng Hiệp, Cầu Kè, Trà Ôn.
Ngày 30 tháng 11 năm 1934, chính quyền thực dân Pháp lại sắp xếp đất đai thị xã Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ thành 5 khu phố và 1 khu phố ngoại ô để thu thuế thổ trạch.
Từ năm 1876 đến năm 1954, địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ thời Pháp thuộc vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh Đông Dương, chính quyền kháng chiến của Việt Minh có điều chỉnh một phần địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1956 cũng thống nhất dùng danh xưng là xã, tuy nhiên vẫn gọi là quận cho đến năm 1975. Lúc bấy giờ, tỉnh Cần Thơ là một trong 21 tỉnh ở Nam Bộ.
Trong 2 năm 1948 và 1949, tỉnh Cần Thơ nhận thêm huyện Thốt Nốt từ tỉnh Long Xuyên; nhận các huyện Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành và thị xã Rạch Giá từ tỉnh Rạch Giá vừa bị giải thể và nhận huyện Kế Sách từ tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, tỉnh Cần Thơ giao hai huyện Trà Ôn và Cầu Kè về cho tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 1951, hai huyện Trà Ôn và Cầu Kè lại thuộc tỉnh Vĩnh Trà, vốn là một tỉnh được phía chính quyền Việt Minh thành lập do hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh trước đó. Đến năm 1954, tỉnh Vĩnh Trà bị giải thể, chia lại thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như cũ.
Ngày 29 tháng 12 năm 1952, chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp quyết định công nhận đô thị tỉnh lỵ Cần Thơ trở thành thị xã hỗn hợp (commune mixte) Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ.
Tuy nhiên, việc thay đổi phân chia sắp xếp hành chính trong tỉnh Cần Thơ của chính quyền Việt Minh trong giai đoạn này lại không được phía chính quyền Quốc gia Việt Nam thân Pháp của Bảo Đại và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa công nhận. Đến năm 1954, chính quyền Việt Minh lại quyết định tái lập tỉnh Rạch Giá. Tháng 10 năm 1954, các huyện Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành và thị xã Rạch Giá cũng trở lại thuộc tỉnh Rạch Giá. Đồng thời, huyện Thốt Nốt cũng trở lại thuộc tỉnh Long Xuyên, huyện Kế Sách trở lại thuộc tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, tỉnh Cần Thơ cũng nhận lại các huyện Trà Ôn và Cầu Kè như cũ.
Sau hiệp định Genève năm 1954, ban đầu chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa ban đầu vẫn duy trì tên gọi tỉnh Cần Thơ như thời Pháp thuộc.
Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 17 tháng 2 năm 1956 - dưới thời Tỉnh trưởng Đặng Văn Quang (từ tháng 1-1956 đến tháng 4-1957), theo Sắc lệnh số 16-NV, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quyết định thành lập tỉnh Tam Cần bao gồm phần đất được tách ra từ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ. Hai quận Trà Ôn và Cầu Kè khi đó thuộc về tỉnh Tam Cần. Tuy nhiên, đến cuối năm 1956, tỉnh Tam Cần lại bị giải thể, sáp nhập vào tỉnh Trà Vinh và sau đó đổi tên là tỉnh Vĩnh Bình. Từ năm 1957, các quận Trà Ôn và Cầu Kè cùng thuộc về tỉnh Vĩnh Bình.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143-NV để " thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Dinh được thành lập do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh đặt tại Cần Thơ và vẫn giữ nguyên tên là "Cần Thơ", về mặt hành chánh thuộc xã Tân An, quận Châu Thành.
Ngày 23 tháng 2 năm 1957, dưới thời viên tỉnh trưởng Phong Dinh là Đỗ Văn Chước, tỉnh này được nhận lại quận Long Mỹ (gồm cả vùng đất Vị Thanh) như cũ. Ngày 24 tháng 12 năm 1961, tách vùng đất ở Long Mỹ, Vị Thanh sáp nhập vào địa bàn tỉnh Chương Thiện vừa mới thành lập. Sau đó, các quận, các tổng, xã trong tỉnh Phong Dinh và tỉnh Chương Thiện đều phân chia lại. Sau năm 1965, các tổng đều bị giải thể, các xã trực thuộc quận.
Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Phong Dinh mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ.
Tháng 7 năm 1956, chính quyền Cách mạng cũng cho thành lập tỉnh Tam Cần và đến cuối năm 1956 cũng giải thể tỉnh này. Lúc này, hai huyện Trà Ôn và Cầu Kè cũng được đưa về tỉnh Tam Cần, sang năm 1957 lại được phía chính quyền Cách mạng giao về cho tỉnh Trà Vinh. Năm 1957, huyện Long Mỹ trở lại thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1958 - dưới thời Tỉnh trưởng là Đỗ Văn Chước (từ tháng 4-1957 đến tháng 12-1959) , huyện Kế Sách lại chuyển về thuộc tỉnh Cần Thơ.
Năm 1963, huyện Thốt Nốt thuộc tỉnh An Giang (trước năm 1956 là tỉnh Long Xuyên) lại được đưa về tỉnh Cần Thơ. Tháng 6 năm 1966, thành lập thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Tháng 10 năm 1966, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ được chia ra thành hai huyện là Châu Thành A và Châu Thành B. Cuối 1967 nhập lại là Châu Thành. Sau nhiều lần chia tách rồi sáp nhập Châu Thành Vòng Cung vào Châu Thành A, Châu Thành B nhập lại là huyện Châu Thành.
Năm 1969, tách thị xã Cần Thơ khỏi tỉnh Cần Thơ trực thuộc khu Tây Nam Bộ. Năm 1971, thị xã Cần Thơ trở lại thuộc tỉnh Cần Thơ.
Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tách thị xã Cần Thơ ra khỏi tỉnh Cần Thơ, hình thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9, bao gồm thị xã Cần Thơ và 6 xã vùng ven thuộc các huyện Ô Môn, Châu Thành trước đó.
Như vậy cho đến năm 1976, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ là hai đơn vị hành chính ngang bằng nhau. Tỉnh Cần Thơ khi đó bao gồm các đơn vị hành chính trực thuộc: thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Ô Môn, huyện Long Mỹ, huyện Thốt Nốt và huyện Kế Sách.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc "nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước". Theo Nghị quyết này, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cần Thơ (ngoại trừ huyện Thốt Nốt), tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.
Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Cần Thơ (có cả huyện Thốt Nốt), tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh.
Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang. Tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang lúc đó là thành phố Cần Thơ, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Khi mới thành lập, tỉnh Hậu Giang gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng, thị xã Vị Thanh và 11 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu.
Ngày 15 tháng 12 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 330-CP[5] về việc hợp nhất huyện Long Mỹ và thị xã Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang thành một đơn vị hành chính lấy tên là huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Hậu Giang. Thị xã Vị Thanh chuyển xuống thành thị trấn Vị Thanh thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Ngày 26 tháng 10 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng của ban hành Quyết định số 119-HĐBT[6] về việc tách huyện Long Mỹ thành hai huyện Long Mỹ và huyện Mỹ Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 6 tháng 4 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng của ban hành Quyết định số 64-HĐBT[7] về việc đổi tên huyện Mỹ Thanh thành huyện Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang.
Từ đó cho đến cuối tháng 3 năm 1992, tỉnh Hậu Giang cũ gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng và 12 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu.
Ngày 5 tháng 5 năm 1990, thành phố Cần Thơ được Trung ương công nhận là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Cần Thơ gồm thành phố Cần Thơ và 6 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Cần Thơ.
Tỉnh Cần Thơ chính thức được tái lập và đi vào hoạt động trở lại từ tháng 4 năm 1992. Tỉnh Cần Thơ lúc đó có diện tích 2.965,36 km², dân số là 1.832.045 người, bao gồm thành phố Cần Thơ và 6 huyện: Châu Thành, Long Mỹ, Ô Môn, Phụng Hiệp, Thốt Nốt, Vị Thanh. Tỉnh lị là thành phố Cần Thơ.
Ngày 1 tháng 7 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 45/1999/NĐ-CP[8] về việc thành lập thị xã Vị Thanh, đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy và thành lập các phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh và huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ.
Ngày 6 tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP[9] về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để thành lập huyện Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, tái lập huyện Châu Thành A trên cơ sở 22.139 ha diện tích tự nhiên và 163.357 nhân khẩu của huyện Châu Thành.
Từ đó cho đến cuối năm 2003, tỉnh Cần Thơ gồm 9 đơn vị hành chính trực thuộc: thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn, huyện Thốt Nốt.
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11[10] về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang như sau:
Như vậy, tỉnh Cần Thơ chính thức bị giải thể kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2004.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.