Remove ads
From Wikipedia, the free encyclopedia
Hệ động vật ở Việt Nam là tổng thể các quần thể động vật bản địa sinh sống trong lãnh thổ Việt Nam hợp thành hệ động vật của nước này. Việt Nam là nước nhiệt đới thuộc vùng Đông Nam Á có sự đa dạng sinh học cao. Sự đa dạng của động vật ở Việt Nam phản ánh sự phong phú của hệ thực vật nơi đây[1]. Do sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới và sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên. Một dải rộng các thảm thực vật bao gồm nhiều kiểu rừng phong phú đã được hình thành ở các độ cao khác nhau. Nhiều loại môi trường sống khác nhau tạo ra nhiều cơ hội cho các sinh vật phát triển vì nó cho phép chúng phân tách khỏi những loài khác bằng cách thay đổi nơi ở và thức ăn[1].
Từ đó, hệ động vật Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng cả về chủng loài lẫn sinh khối và số lượng. Hệ động vật Việt Nam không những giàu về thành phần loài mà còn có nhiều nét độc đáo, đại diện cho vùng Đông Nam Á và có nhiều loài đặc hữu. Mặc dù vậy, sự gia tăng dân số và nạn săn bắn động vật trái phép dẫn đến nguy cơ cao trong việc mất đi tính đa dạng sinh học và đẩy nhiều loài động vật ở đây vào nguy cơ tuyệt chủng, động vật hoang dã ở Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng nhiều, hiện đã lên gần 1.000 loài do người dân săn bắt, buôn bán trái phép để làm thực phẩm, bào chế thuốc và làm thú cảnh[2].
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh khốc liệt với bom đạn và chất độc hóa học với quy mô lớn và tàn khốc. Quân đội Mỹ đã ném một lượng bom khổng lồ và rải khoảng hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ và phát quang xuống một diện tích khoảng 24,67% tổng diện tích lãnh thổ Nam Việt Nam, trong đó phần lớn là chất độc da cam, là chất có chứa tạp chất độc dioxin. Với số lượng rất lớn bom đạn và chất độc hóa học đã rải, lặp đi lặp lại nhiều lần trong quãng thời gian dài không những đã làm chết cây cối, động vật mà còn gây ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài và làm đảo lộn các hệ sinh thái tự nhiên. Nhiều động vật bị chết do bom đạn, một số phải lẩn trốn và rời lãnh thổ Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái nơi đây.
Trong văn hóa và lịch sử, các loài vật ở Việt Nam cũng được ghi chép qua những thư tịch cổ, những truyền thuyết, thần thoại, câu chuyện dân gian, rồi đến cả những ghi chép của người Tây phương. Đặc sắc chính là các loài vật tiêu biểu của nước Nam đã được khắc trang nghiêm trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. Hệ động vật Việt Nam được phản ánh qua truyền thông với nhiều chương trình phim tài liệu của Việt Nam và nước ngoài, ở trong nước có nhiều loạt phim về đất nước-con người, phản ánh non nước ở Việt Nam, đã có nhiều chương trình truyền hình trong nước về thế giới động vật giới thiệu về các loài động vật ở Việt Nam. Kênh truyền hình Animal Planet đã công chiếu chuyên đề về hệ động vật ở Việt Nam với các loạt phim như: Loạt phim Đông Dương hoang dã (Wildest Indochina): Vietnam: Phoenix from the Ashes (Việt Nam: Con phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn) và Loạt phim Mê Kông: Linh hồn của một dòng sông (Mekong-Soul Of The River: Vietnam), hay 01 tập trong sê-ri: Finding Bigfoot, loạt phim về truy tìm các sinh vật đã tuyệt chủng.
Cho đến nay,[khi nào?] có nhiều số liệu thống kê khác nhau về số lượng các loài động vật ở Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau, một phần nguyên nhân do thời điểm thống kê có khác nhau và ngày càng có nhiều động vật được phát hiện thêm nữa góp phần gia tăng số loài được thống kê, nhìn chung các số liệu thống kê không quá khác biệt hoặc trái ngược và cùng phản ảnh tính đa dạng phong phú của hệ động vật Việt Nam.
Nhuyễn thể có trên 2.500 loài, quan trọng nhất là mực, sò, điệp, nghêu với khả năng khai thác mực 60.000-70.000 tấn/năm, nghêu 100.000 tấn/năm[8], trong khoảng 2.500 loài động vật thân mềm, trong đó có ý nghĩa kinh tế cao nhất là mực và bạch tuộc (cho phép khai thác 60 - 70 nghìn tấn/năm), còn rất nhiều loài đặc sản quí như bào ngư, đồi mồi, và có thể khai thác vây cá, bóng cá, ngọc trai[9]. Ở vùng nước nội địa có 700 loài động vật không xương sống trong đó 55 loài giáp xác, 125 loài hai mãnh vỏ và chân bụng[8]. Với 1600 loài giáp xác, 2.500 loài sò trai[10]. Vùng biển Việt Nam có nhiều với 300 loài cua biển, 40 loài tôm he, gần 3 trăm loài trai, ốc, hến, 100 loài tôm. Trong đó nhiều loại đặc sản có giá trị xuất khẩu cao.
Cho đến nay đă thống kê và xác định được 794 loài động vật không xương sống trên cạn. Các môi trường sống của động vật nhuyễn thể là trong các vùng đất liền của thành đá vôi nơi 310 loài động vật thân mềm được báo cáo trong đó chỉ có 50% được xác nhận qua kiểm tra thực địa. Nhiều loài loài mới đang tiếp tục được phát hiện. Một trong những loài ốc đã được xác định trong những năm 2000. Các loài động vật thân mềm mới được báo cáo trong các động vật hoang dã của Việt Nam là: Leptacme cuongi, Oospira duci, Oospira smithi, Oospira (Atractophaedusa) pyknosoma, Clausiliidae, Phaedusinae, Megalophaedusini và Leptacme[6]
Động vật không xương sống cho đến nay là nhóm động vật lớn nhất cả về số lượng loài lẫn sinh khối. Một số nhóm có các đặc điểm như khả năng di chuyển thấp như ốc và các động vật thân mềm khác khiến chúng dễ hình thành các loài đặc hữu. Các núi và hang đá vôi, có lẽ có nhiều loài đặc hữu, có chứa các quần xã của các loài chưa được khám phá. Tình trạng bảo tồn của các loài động vật không xương sống ở Việt Nam còn ít được biết đến. Riêng ở Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã có 58 loài động vật không xương sống thuộc 7 lớp, 22 bộ ở 21 hang động. Trong 58 loài này, có nhiều loài mới lần đầu được công bố[11]
Đối với các loài thủy sinh, thành phần loài cá các thủy vực nước ngọt nội địa Việt Nam bao gồm trên 700 loài và phân loài, thuộc 228 chi, 57 họ và 18 bộ. Riêng họ cá chép có 276 loài và phân loài thuộc 100 chi và 4 họ, 1 phân họ được coi là đặc hữu ở Việt Nam. Phần lớn các loài đặc hữu đều có phân bố ở các thủy vực sông, suối, vùng núi. Tổng số loài sinh vật biển đã biết ở Việt Nam có khoảng 11.000 loài, trong đó cá có 2.458 loài (khoảng 130 loài có giá trị kinh tế), động vật phù du có 657 loài, tôm biển có 225 loài. Danh sách khu hệ cá biển của Việt Nam đến tháng 1 năm 2005 là 2.458 loài, tăng 420 loài so với danh sách được lập năm 1985 (có 2.038 loài) và đã phát hiện thêm 7 loài thú biển mới. Người dân miền biển thường lý giải tên gọi của một vài loại cá theo cảm quan về hình dáng và màu sắc, chẳng hạn như cá chìa vôi có cái miệng dài như cái chìa vôi ăn trầu, cá bã trầu có màu sắc hồng hồng của bã trầu, cá rựa có hình cái rựa đốn củi[12] Vị trí, địa lý và khí hậu đặc biệt đã tạo cho vùng biển Đông sự đa dạng sinh học cao so với các nước trên thế giới, cả về cấu trúc thành phần loài, hệ sinh thái và nguồn gen. Trong đó không ít loài thủy quái có độ hung dữ và kích thước khổng lồ của chúng[13]
Động vật đáy ở Việt Nam cũng phong phú và đa dạng với các loài động vật thân mềm (Mollusca), mười chân (Decapoda), giun nhiều tơ (Polychaeta), giun ít tơ (Oligochaeta), chân đều (Isopoda), chúng phân bố ở sinh cảnh bãi triều cửa sông, bãi triều lầy có rừng ngập mặn, cồn cát ven biển, rừng ngập mặn, bãi triều lầy không có rừng ngập mặn, vùng cao triều (vùng trên triều), trung triều (vùng triều giữa) và hạ triều (vùng triều thấp), vùng có nền đáy cát, cồn cát vùng cửa sông ven biển, vùng có nền đáy bùn cát, vùng cửa sông, vùng nền đáy cát bùn, nền đáy bùn nhão, nền bùn hữu cơ trong rừng ngập mặn, một số nhóm loài không trực tiếp sống ở nền đáy mà sống bám vào giá thể là cây ngập mặn.
Chỉ tính riêng một cuộc khảo sát tại ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy được 350 loài động vật đáy thuộc 6 ngành (Annelida, Arthropoda, Brachiopoda, Cnidaria, Mollusca, Sipuncula) với 11 lớp, 38 bộ, 106 họ, 206 chi. Trong đó có loài sam ba gai đuôi (Tachypleus tridentatus) trong diện nguy cấp. Ngành Chân khớp (Arthropoda) có số lượng phong phú nhất với 153 loài, 84 chi, 38 họ, tiếp đến là ngành Thân mềm (Mollusca) với 147 loài, 81 chi, 42 họ, ngành Giun đốt (Annelida) với đại diện là lớp Giun nhiều tơ - Polychaeta (47 loài, 38 chi, 23 họ), 3 ngành còn lại là ngành Tay cuốn (Brachiopoda), ngành Cnidaria và ngành Sá sùng (Sipuncula) chỉ có một loài duy nhất.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, có 39 loài sinh vật có chứa chất độc có khả năng gây chết người tại vùng biển Việt Nam, trong đó có 22 loài cá, một loài mực tuộc, hai loài ốc, ba loài cua, một loài sam và 10 loài rắn biển. Ngoài ra còn có hai loài cá nóc nước ngọt mới được phát hiện ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổng cộng là 41 loài sinh vật độc. Đa số những loài sinh vật độc hại nói trên đều có ở vùng biển Việt Nam, từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, như các loài cá nóc, cá bống vân mây, loài so và rắn biển, nhưng cũng có một số loài như ốc biển, cua, mực đốm xanh chỉ mới gặp ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Phần lớn những loài này sống cả ở ngoài khơi và vùng ven bờ, các vùng vịnh, đầm phá, các cửa sông lớn… Riêng hai loài cá nóc nước ngọt được xác định là cá nóc chấm xanh (Chelonodon nigroviridis) và cá nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti) mới chỉ phát hiện được ở đồng bằng sông Cửu Long[14].
Có gần 500 loài lưỡng cư và bò sát đã được ghi nhận ở Việt Nam. Chúng phân bố rộng khắp trên Việt Nam, sống trên núi, vùng đồng bằng, hải đảo, và trong các môi trường nước ngọt và nước biển. Tuy nhiên, các môi trường sống có nhiều loài nhất của Việt Nam là các khu rừng thường xanh lá rộng trên núi và ở vùng đồng bằng. Sự phức tạp về cấu trúc của chúng cung cấp nhiều nơi cư trú sinh thái trong tán lá nhiều tầng, tầng cây bụi và trên cũng như dưới mặt đất trong các khu rừng. Một phần lớn khu hệ lưỡng cư và bò sát của Việt Nam là đặc hữu mặc dù chúng không tập trung đồng đều trong các nhóm phân loại, thay đổi từ 6% ở rùa và 9% ở rắn đến 30% ở thằn lằn và 37% ở lưỡng cư.
Có 58 loài mới đã được mô tả gồm 33 loài ếch và 25 loài bò sát (4 loài rắn, 8 loài thằn lằn, và 3 loài rùa). Đã khám phá ra sự phong phú tiềm ẩn trong các nhóm loài của ếch xanh (Rana livida), rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons) và rùa dứa (Cyclemys dentata). Trong năm 2013, có 5 loài ếch nhái và 10 loài bò sát mới được công bố[15]. Loài mới được phát hiện ngay trong vườn nhà ở vùng đồng bằng hay trong các khu rừng nhiệt đới ở vùng núi cao. Số loài bò sát và ếch nhái mới được phát hiện ở Việt Nam trong 5 năm gần đây có thể xếp ở vị trí cao trong các nước ở vùng Đông Nam Á. Các loài trước kia chưa chưa từng được tìm thấy tại Việt Nam, như thằn lằn cá sấu (Shinisaurus crocodilurus). Một số loài có thể sử dụng những loại môi trường do con người biến đổi và có phân bố rộng như loài nhái bầu (Microhyla) sinh sản trong các vùng nước tù của ruộng lúa. Thạch sùng đuôi sần (Hemidactylus frenatus) sử dụng các bức tường được chiếu sáng để bắt côn trùng. Rắn giun thường (Ramphotyphlops braminus) sống ở vườn trái cây và các vùng ẩm ướt khác.
Đặc trưng đa dạng loài ở Việt Nam gồm Số lượng các loài sinh vật nhiều, sinh khối lớn. Tính bình quân trên 1 km2 lãnh thổ Việt Nam có gần 7 loài động vật, với mật độ hàng chục nghìn cá thể. Đây là một trong những mật độ đậm đặc các loài sinh vật so với thế giới. Cấu trúc loài rất đa dạng. Do đặc điểm địa hình, do phân hóa các kiểu khí hậu, cấu trúc các quần thể trong nội bộ loài thường rất phức tạp. Có nhiều loài có hàng chục dạng sống khác nhau. Khả năng thích nghi của loài cao. Thích nghi của các loài được thực hiện thông qua các đặc điểm thích nghi của từng cá thể, thông qua chuyển đổi cấu trúc loài. Loài sinh vật ở Việt Nam nói chung có đặc tính chống chịu cao đối với các thay đổi của các yếu tố và điều kiện ngoại cảnh[1].
Nhìn chung, hệ động vật Việt Nam rất phong phú về chủng loại:
Riêng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi sinh sống của 113 loài thú lớn, nổi bật nhất là hổ và bò tót Việt Nam, loài bò rừng lớn nhất thế giới, 302 loài chim, trong đó có 35 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới, 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới), 259 loài bướm, 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 bộ linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang. Phong Nha-Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng trong các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.
Hệ động vật Việt Nam không những giàu về thành phần loài mà còn có nhiều nét độc đáo, đại diện cho vùng Đông Nam Á. Cũng như thực vật giới động vật giới Việt Nam có nhiều dạng đặc hữu, hơn 100 loài và phân loài chim và 78 loài và phân loài thú là loài đặc hữu. Có rất nhiều loài dộng vật có giá trị thực tiễn cao và nhiều loài có ý nghĩa lớn về bảo vệ như: Voi, tê giác, bò rừng, bò tót, trâu rừng, bò xám, nai cà tông, hổ, báo, cu li, vượn, voọc vá, voọc xám, voọc mũi hếch, sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh, cò quắm lớn, ngan cánh trắng, nhiều loài chim trĩ, cá sấu, trăn, rắn và rùa biển. Riêng trong số 25 loài thú linh trưởng đă được ghi nhận ở Việt Nam có tới 16 loài, trong đó có 4 loài và phân loài đặc hữu của Việt Nam, 3 phân loài chỉ phân bố ở Việt Nam và Lào, 2 phân loài chỉ có ở vùng rừng hai nước Việt Nam-Campuchia.
Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu so với các nước trong vùng phụ Đông Dương. Trong số 21 loài khỉ có trong vùng phụ này thì ở Việt Nam có 15 loài, trong đó có 7 loài đặc hữu của vùng phụ. Có 49 loài chim đặc hữu trong vùng phụ, ở Việt Nam có 33 loài trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam, so với Miến Điện, Thái Lan, Malaixia, Hải Nam, mỗi nơi chỉ có 2 loài, Lào một loài và Campuchia không có loài đặc hữu nào cả. Khi xem xét về sự phân bố của các loài ở trong vùng phụ Đông Dương nói chung, số loài thú và chim và các hệ sinh thái có ngụy cơ bị tiêu diệt nói riêng và sự phân bố của chúng.
Chỉ trong hai năm 1992 và 1994 đã phát hiện được ba loài thú lớn, trong đó có hai loài thuộc vùng rừng Hà Tĩnh là loài sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và loài mang lớn hay còn gọi là mang bầm (Megamuntiacus vuquangensis), nơi mà trước đây không lâu đã phát hiện loài trĩ cuối cùng trên thế giới, loài gà lam đuôi trắng hay còn gọi là gà lừng (Lophura hatinhensis). Ngày 21 tháng 10 năm 1994 một loai thú lớn mới thứ ba là loài bò sừng xoắn (Pseudonovibos spiralis) ở Tây Nguyên, được công bố và năm 1997 một loài thú lớn mới nữa được mô tả đó là loài mang Trường Sơn (Megamuntiacus truongsonensis) tìm thấy lân đầu tiên ở vùng Hiên, thuộc tỉnh Quảng Nam. Ở vùng Vũ Quang trong những năm gần đây phát hiện được thêm một loài cá mới cho khoa học là Opsarichthys vuquangensis.
Khai thác nguồn lợi từ tài nguyên động vật hoang dã tại Việt Nam cho thương mại có giá trị đáng kể. Đối với các loài động vật, việc khai thác thương mại dao động từ 3.700 và 4.500 tấn, nhiều loài động vật được săn lùng, giết hại cho mục đích y học, làm vật nuôi, thú kiểng, đồ trang trí hoang dã và quan trọng là một nguồn thực phẩm từ thịt rừng, nhưng không bao gồm buôn bán các loài thủy sản. Côn trùng cũng là một nguồn có giá trị thương mại với các loài bọ cánh cứng Coleopterus và Bộ Cánh vẩy (Lepidoptera) góp phần hướng tới một thị phần lớn[5] Ở Việt Nam, nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản cung cấp công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 1,1 triệu người, tương ứng với 2,9 % lực lượng lao động có công ăn việc làm. Thủy sản cũng có những đóng góp đáng kể cho sự khởi động và tăng trưởng kinh tế nói chung[17] Hàng năm có thể khai thác 1,2 –1,4 triệu tấn hải sản,có độ sâu cho phép khai thác ở nhiều tầng nước khác nhau.
Về giá trị của động vật đáy thì có 91 loài có giá trị làm thực phẩm, trong đó nhiều loài giá trị kinh tế cao và xuất khẩu, Các loài có giá trị thực phẩm chủ yếu là các loài giáp xác lớn (46 loài) và thân mềm (38 loài). Nhiều loài được khai thác làm thực phẩm hàng ngày hay được thu mua lại để bán đi, các loài có giá trị thực phẩm và xuất khẩu, hầu hết các loài giáp xác, Thân mềm đều có thể sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi như thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm thức ăn cho cá, cua và cả tôm. Trong số 92 loài có giá trị thực tiễn, có nhiều loài được khai thác ở mức độ cao và nguồn lợi tự nhiên của các loài đều có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.
Các loài được khai thác mạnh như: cua bùn, tôm sú, tôm rảo, tôm sông, ghẹ hoa, cáy bùn, ngao dầu, ngao Bến Tre, ngó đỏ, sò lông, ốc móng tay, trùng trục, hến nước mặn, hàu sông. Có 4 loài có giá trị kinh tế cao được nuôi trồng trong các ao đầm như: tôm sú (Penaeus monodon), cua bùn (Scylla serrata) hoặc trên các bãi triều như: ngao dầu (Meretrix meretrix), nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata). Trong các đầm nuôi, số lượng loài Giáp xác lớn (Malacostraca) và Hai mảnh vỏ (Bivalvia) giảm đáng kể so với ở trong rừng ngập mặn, ngược lại số lượng Thân mềm Chân bụng lại tăng về mật độ và sinh khối.
Để đáp ứng cho nhu cầu của 80 triệu dân đã và đang không ngừng tăng, Việt Nam đã và đang phải khai thác một cách ồ ạt các loại tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng, biển, động vật, thực vật làm cho các loại tài nguyên bị cạn kiệt một cách nhanh chóng, đặc biệt là động vật hoang dã. Một nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã cảnh báo rằng gần 10% các động vật hoang dã ở Việt Nam đang bị đe dọa tuyệt chủng. Việt Nam bị cả thế giới lên án và xếp hạng thứ 16 trong số 152 quốc gia được nghiên cứu về tỷ lệ của các loài động vật hoang dã có nguy cơ bị đe dọa cao nhất[3] Trong khi hàng loạt các động vật đã chính thức tuyệt chủng như Tê giác Việt Nam, việc bảo vệ các loài động vật lớn đã được có gắn giải quyết nhưng chưa đến nơi, đến chốn. Khi mà tê giác Việt Nam đã tuyệt chủng thì người anh em của chúng là tê giác Java, sống ở nước ngoài, được coi là một loài rất hiếm đã được tìm thấy (khoảng 20 cá thể) đã được nỗ lực để tăng quy mô dân số của chúng[18].
Nhu cầu về động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ động vật hoang dã tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng đã làm suy giảm nghiêm trọng sự đa dạng sinh học. Các loài bị khai thác bất hợp pháp chủ yếu là rắn, kỳ đà, tê tê, hổ, gấu, voi… Tỉ trọng các cá thể được khai thác gồm thú rừng 20%, rắn 45%, rùa 30% với hơn 66% sử dụng làm thực phẩm (thịt rừng). Chính nhu cầu lớn này đã khiến Việt Nam đang nằm trong nước có số loài hoang dã bị đe dọa, top 15 nước về số loài thú bị đe dọa. Số loài động vật nguy cấp quý hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 418 loài (năm 2007), trong đó có 116 loài mức nguy cấp rất cao, 9 loài từ nguy cấp lên mức coi như đã tuyệt chủng. Theo ước tính của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) trong vòng 40 năm, 12 loài động vật quý hiếm đã bị biến mất hoàn toàn ở Việt Nam. Đặc biệt là những loài động vật quý hiếm như hổ, tê giác biến mất.
Một thống kê cho biết đã có hơn 147 loài động vật hoang dã ở trên cạn, 40 loại côn trùng, 90 loại bướm và hàng trăm loại thực vật khác đang bị khai thác và buôn bán ở Việt Nam. Đặc biệt, có ít nhất 37 loại động vật hoang dã đang trên đà bị tận diệt. Có 74 loại thú, 26 loại chim bị suy giảm mạnh về số lượng do thói quen săn bắt động vật để làm thức ăn, làm cảnh và thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, do thu lợi lớn từ việc buôn bán động vật nên nhiều người dân săn bắt theo kiểu tận diệt, tận thu để bán cho các nhà hàng hoặc bán sang Trung Quốc[19]. Tổ chức Theo dõi Tình trạng buôn bán động vật hoang dã quốc tế (TRAFFC), Quỹ Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWE) thì Việt Nam được liệt vào danh sách một trong những quốc gia có số lượng tội phạm buôn bán động vật hoang dã lớn nhất; là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới, điểm nóng về buôn bán và sử dụng mật gấu, buôn bán ngà voi. Việt Nam cũng là quốc gia nhận thẻ đỏ trong việc bảo tồn tê giác, hổ. Trong khi đó, những quy định về chế tài, xử lý tội phạm về buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn còn quá thiếu, quá lỏng lẽo, chưa đủ sức răn đe, công tác quản lý và thực thi pháp luật còn bộc lộ nhiều hạn chế, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng săn bắt, buôn bán, giết hại động vật hoang dã tăng nhanh. Thiếu trầm trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của việc săn bắt, buôn bán và giết hại động vật hoang dã thì sự đa dạng về mặt sinh học của Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng [19].
Năm 2011, tê giác Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Năm 1998 hổ Đông Dương phân bố tại 47 điểm tại Việt Nam, trong đó có 15 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên. Hổ phân bố tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng, Kon Tum, Đắk Lắk. So với những năm 1970, số lượng hổ đã giảm sút một cách nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần nếu không có các biện pháp bảo tồn hữu hiệu. Hổ còn tồn tại trong tự nhiên chủ yếu tại các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia, nơi rừng còn ít bị tác động và có chế độ bảo vệ khá nghiêm ngặt. Theo điều tra tại hai tỉnh Quảng Nam và Bắc Kạn, hổ còn sinh sống tại khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tỉnh Quảng Nam và không có bất cứ dấu vết nào cho thấy hổ còn tồn tại ở khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tỉnh Bắc Kạn. Hiện trạng hổ phân bố rải rác ở nhiều sinh cảnh bị chia cắt. Một số địa phương ở tỉnh Kon Tum, Sông Mã (Sơn La), Lạc Dương (Lâm Đồng), Quảng Nam, Lai Châu có số lượng hổ trên 7 cá thể còn các nơi khác chỉ có 2 đến 5 cá thể. Số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn khoảng 28 - 47 cá thể sinh sống rải rác ở các khu rừng hẻo lánh và đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt diệt do bị săn bắt, buôn bán và mất nơi sinh sống. Bên cạnh đó, số hổ nuôi nhốt cũng chỉ có 112 cá thể và hoạt động này hiện chưa khẳng định sẽ hỗ trợ được công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên.
Việc mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Việt Nam, việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và gần các vùng được bảo vệ chỉ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương trong các vùng này. nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu ở Việt Nam như: Cà đác (Rhinopithecus avunculus) khoảng 300 cá thể chỉ phân bố ở rừng núi Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Thái Nguyên, voọc Cát Bà (Trachypithecus francoisi poliocephalus) khoảng 70 – 80 cá thể, duy nhất chỉ có ở vùng núi đá VQG Cát Bà (Hải Phòng), Voọc quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) chỉ phân bố ở Cúc Phương, khu Vân Long (Ninh Bình) khoảng 200 cá thể, Voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus francoisi hatinhensis) khoảng 500 cá thể chỉ có ở Hà Tĩnh, Quảng Bình (Phong Nha Kẻ Bàng), Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis) chỉ phân bố các tỉnh Bắc Trung Bộ, Sóc đen Côn Đảo (Ratufa bicolor condorensis) chỉ có ở đảo Côn Sơn - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chim bồ câu Nicoba (Caloenas nicobarica) chỉ gặp ở Côn Đảo. Cá cóc Tam Đảo (Parasometriton deloustali) chỉ phân bố ở vùng núi cao Tam Đảo (Vĩnh Phúc)[20].
Trong hơn 270 loài thú đã được thống kê ở Việt Nam, trong đó có 7 loài thú mới được mô tả, hầu hết chúng là các loài có kích thước lớn thuộc các nhóm hươu và linh trưởng[1] Nếu tính cả phân loài (phụ loài) thì nhóm thú ở Việt Nam lên đến 310 loài. Bên cạnh loài dơi tai Trường Sơn (Myotis annamiticus), 18 loài dơi mới được ghi nhận. Tổng số các loài dơi ở Việt Nam lên đến gần 100, xấp xỉ một phần ba tổng số loài thú. Sau dơi, các bộ có nhiều loài nhất ở Việt Nam là bộ Gặm nhấm (64 loài), bộ Ăn thịt, bộ Linh trưởng (19 loài) và thú móng guốc (chủ yếu là bộ Guốc chẵn), trong đó có lợn rừng, hươu nai và trâu rừng, bò rừng (bộ Artiodactyla có 18 loài). Tê tê (bộ Pholidota: 2 loài) và đồi (bộ Scandentia: 2 loài). Các loài đặc hữu không phân bố đồng đều trong thú, với đa số là các nhóm có phân bố giới hạn tập trung ở linh trưởng (17 loài trong đó khỉ và vượn là nhiều nhất), tiếp theo sau với số lượng ít hơn nhiều là thú móng chẵn (6 loài).
Trong số các quần xã thú nổi bật là nhóm các động vật ăn cỏ lớn và các động vật ăn thịt đi kèm theo, trong đó có voi (Elephas maximus); tê giác một sừng Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus); hai loài bò rừng gồm bò tót (Bos gaurus) và bò banteng (Bos javanicus), nai cà tông (Cervus eldii); nai (Cervus unicolor) và sơn dương (Capricornis milneedwardsii). Phân bố cùng với các loài thú lớn này là động vật ăn thịt, trong đó có hổ (Panthera tigris), báo hoa mai (Panthera pardus), báo gấm (Pardofelis nebulosa), chó rừng (Canis aureus), chó sói lửa (Cuon alpinus). Các quần thể thú này đã bị giảm số lượng đáng kể do săn bắn. Ba loài có phân bố tự nhiên trong môi trường sống này ở Việt Nam là bò xám (Bos sauveli), trâu rừng (Bubalus arnee) và một phân loài của hươu vàng Đông Dương (Axis porcinus annamiticus).
Việt Nam có 3 trong số 5 họ linh trưởng của châu Á: vượn (họ Hylobatidae), khỉ và voọc (họ Cercopithecidae) và cu li (Lorisidae). Hiện có 19 loài và 8 phân loài ở Việt Nam. Bên cạnh sự phong phú về số lượng loài và số lượng lớn các loài đặc hữu, rất nhiều loài linh trưởng ở Việt Nam bị đe dọa ở mức toàn cầu. Ở Việt Nam, Vọc là một trong những động vật bị tàn sát dã man nhất. Năm 2011 xảy ra vụ 21 con voọc chà vá chân đen đã bị thợ săn bắn hạ tại vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận), là cuộc thảm sát voọc lớn nhất được ghi nhận ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Do Voọc sống rất ân tình, bắn được con voọc đầu đàn thì cả bầy sẽ quây quanh, bỏ ăn bỏ uống đến mấy ngày tiếc thương mà không di chuyển đi đâu nên khá dễ để bị thợ săn bắn hạ liên tục[21]
Bốn loài và hai phân loài vượn của Việt Nam có phân bố hầu như là không giao nhau. Tất cả các loài vượn ở Việt Nam đều là vượn đen thuộc chi Nomascus. Vượn đen Đông Bắc (Nomascus nasutus) được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp. Loài vượn này đặc hữu ở miền Bắc Việt Nam.
Năm loài và 1 phân loài có phân bố tại Việt Nam trong đó có Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis fascicularis), Khỉ đuôi dài Côn Đảo một phân loài có phân bố chỉ giới hạn ở quần đảo Côn Đảo (Macaca fascicularis condorensis), Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina): Trong đó ở Việt Nam phân bố loài khỉ đuôi lợn Bắc. Đây là loài khỉ có ở Đà Nẵng, một cá thể trong loài này đã gây ra vụ tấn công các nữ du khách nước ngoài ở đèo Hải Vân và tạo ra vụ vây bắt lớn. Hiện nay, tình trạng báo động về nạn săn bắt các loài khỉ rừng đưa về làm vật nuôi hay làm thức ăn đang diễn ra ở Việt Nam[22] Nhiều nơi, hàng trăm con khỉ thuộc danh sách động vật nguy cấp cần bảo vệ bị người dân nuôi nhốt, xiềng xích, có cá thể bị đứt tay chân, hôi thối và ruồi nhặng bu kín[23].
Voọc là nhóm linh trưởng độc đáo ở Việt Nam. Có 08 loài và 4 phân loài thuộc 3 chi (giống) khác nhau, chiếm 44% tổng số phân loài của linh trưởng tại Việt Nam. Voọc là nhóm linh trưởng bị đe doạ nhiều nhất ở Việt Nam. Chúng đôi khi bị săn bắn và giết hại một cách dã man theo kiểu thảm sát làm trò đùa[21][24]
Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) thường ở rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá, sống thành đàn khoảng 10 - 15 con. Loài này phân bố ở Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định. Voọc chà vá chân xám chỉ có ở Việt Nam, là một trong 25 loài linh trưởng đang trong tình cảnh nguy cấp nhất trên thế giới. Hiện chỉ còn khoảng 2.000 con sống trong tự nhiên.
Chà vá chân đỏ (Pygathrix nemaeus). Thân hình chúng thon nhỏ, lông nhiều màu, trán màu đen, lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực chúng có màu hung đỏ từ rực rỡ đến nhạt. Loài Chà vá chân nâu phân bố Từ Thanh Hóa (19030 độ vĩ bắc) dọc dãy Trường Sơn tới Gia Lai, Kontum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh. Chà vá chân nâu sống trong rừng già, rừng nguyên sinh trên núi cao 500 - 1.000 m so với mặt biển. Voọc chà vá chân nâu sống trong rừng nguyên sinh trên núi cao, kiếm ăn cả ở rừng thứ sinh, rừng hỗn giao, nương rẫy. Loài này thường ăn quả, lá cây rừng, ngô, khoai, sắn, rau xanh.
Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) có thân hình thon nhỏ, chân, tay dài, lưng màu xám đen, đầu trắng xám. Hai bên thái dương chúng có viền lông nâu đỏ. Mặt nhiều lông dài màu trắng xám. Chà vá chân đen sống ở rừng kín nửa rụng lá và rừng cây họ Dầu Dipterocarpaceae. Loài này sống ở Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai.
Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus poliocephalus) là loài đặc hữu của Việt Nam. Trước đây, chúng xuất hiện ở đảo Cát Chiên thuộc Quảng Ninh, nhưng hiện chỉ còn tìm thấy chúng ở đảo Cát Bà thuộc Hải Phòng; trên thế giới không tìm thấy cá thể nào. Khi trưởng thành, đầu và vai con đực lông màu trắng nhạt, con cái lông màu thẫm hơn. Voọc đầu trắng sống ở rừng cây gỗ và dây leo mọc trên vách đá ở độ cao 100 –150 m so với mặt nước biển. Chúng chủ yếu ăn lá, quả cây rừng là đa, huyết dụ, lá và quả cây độc như lá ngón, hạt mã tiền. Sống ở rừng cây gỗ và dây leo mọc trên vách đá ở độ cao 100 – 150 m so với mặt biển. Khi gặp nguy hiểm, nó phát tiếng kêu báo hiệu cho cả đàn tìm nơi ẩn nấp.
Cà đác (Rhinopithecus avunculus) là một trong số 25 loài linh trưởng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và là loài đặc hữu của Việt Nam. Voọc mũi hếch có bộ lông nâu đen. Lông trên đầu và quanh mặt trắng nhạt. Không có mào lông trên đỉnh đầu. Nơi sống của voọc mũi hếch có phần đa dạng hơn các loài voọc khác. Chúng thường ở những vùng cây cao trên núi đất và Thung lũng hơn rừng cây núi đá, vùng sườn đồi dưới chân núi có rừng hỗn giao cây gỗ và tre nứa. Chúng sống ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh
Voọc quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri). Bộ lông của chúng màu đen, có mào lông trên đỉnh đầu, đuôi dài hơn thân. Loài đặc hữu này của Việt Nam thường sống thành đàn 5 đến 10 con do con đực già làm đầu đàn. Nơi sống ưa thích của voọc mông trắng là vùng rừng thứ sinh cây gỗ cao 4 – 5 m, mọc trên vách đá có hang động. Mùa đông chúng ngủ trong hang đá, mùa hè ngủ trên vách đá cửa hang. Voọc mông trắng sống ở Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi). Chúng có bộ lông đen tuyền, trên má có vệt lông màu trắng kéo dài quá tai, đỉnh đầu có mào lông đen, đuôi lông màu đen, không xù xì. Voọc đen má trắng ăn chồi non, lá cây và rất ít quả cây rừng. Loài này sống trên những vách núi đá vôi ở độ cao không lớn có nhiều cây gỗ và dây leo. Mỗi đàn có vùng lãnh thổ hoạt động riêng nên chúng không xâm phạm lẫn nhau, chúng có thể sống ôn hòa với các loài khỉ khác. Chúng sống ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Chỉ có một chi cu li (Nycticebus) phân bố tại Việt Nam, tất cả cu li đều được phân loại trong cùng một loài (N. coucang). Đến nay 2 loài đã được công nhận. Tại Việt Nam, cu li lớn được xếp vào Danh mục các loài thực vật, động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại [25]. Cu li nhỏ được xếp vào Danh mục các loài thực vật, động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại [25].
Voi Việt Nam là một trong ba loài trong bộ Proboscidea còn lại trên trái đất ngày nay. Việt Nam từng có từ 1500-2000 cá thể phân bố khắp Việt Nam. Số lượng voi đã giảm xuống nhanh chóng và tới năm 2002 chỉ có từ 59 đến 80 cá thể còn sống sót trong tự nhiên. Voi ở Việt Nam tập trung ở Vườn Quốc gia Yok Don và Cát Tiên ở miền Nam Trung Bộ và phân bố rải rác dọc theo vùng biên giới phía Tây với Lào và Campuchia. Cho đến năm 2000, xấp xỉ 150 cá thể voi đã được thuần hóa còn sống chủ yếu tập trung tại tỉnh Đắk Lắk. Voi Việt là loài động vật để lại nhiều dấu ấn trong nền văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Thú có móng guốc ở Việt Nam có chung một đặc điểm, chúng là một trong số các loài thú bị đe dọa nhiều nhất bởi những giá trị chúng đem lại, đặc biệt là nguồn thịt rừng và các sản phẩm như sừng, lông, da. Trong số xấp xỉ 20 loài thú móng guốc đã từng có phân bố tại Việt Nam, 3 loài đã bị tuyệt chủng và 2 loài khác cũng nhiều khả năng đã không còn tồn tại. Thú có móng guốc ở Việt Nam bị đe dọa bởi săn bắt và mất môi trường sống. Thú có móng guốc cũng chiếm đa số trong số các loài thú mới được công nhận ở Việt Nam, với 4 loài mới được mô tả và 2 loài khác được phát hiện lại kể từ năm 1992. Trong số các loài còn lại, chỉ có 5 loài không bị coi là bị đe dọa toàn cầu. Bò tót Đông Dương (thuộc loại sắp nguy cấp): Chúng thường xuyên va chạm với con người môi trường sống bị lấn chiếm, điển hình là trường hợp con bò tót ở sân bay Phú Bài, Huế và con bò tót ở Ninh Thuận về tấn công người và giao phối với những con bò cái nhà cho ra thế hệ bò tót lai. Sơn dương Đông Dương: thuộc loại sắp nguy cấp, sừng chúng được gọi là linh dương giác, là một vị thuốc quý. Sao la (thuộc loại nguy cấp). Hươu xạ Cao Bằng (Moschus berezovskii), bị săn bắt rất nhiều để lấy xạ có mùi thơm, được coi là gần bị đe dọa. Bò rừng có ở giữa Biên Hòa, Bà Rịa đến Phan Rí, Đắc Rinh, Phan Thiết, Lâm Đồng, sông La Ngà. Hiện nay có từ Kontum, Đắk Lắk (Đắc Min, Easúp) đến Đồng Nai (Nam Cát Tiên), Sông Bé (Bù Gia Mập). Bò xám sống ở Gia Lai, Kontum (Sa Thấy), Đắk Lắk (Yokđôn), Sống Bé (Bù gia Mập). Cheo cheo Nam Dương phân bố Lạng Sơn (Yên Bình, Hữu Lũng), Vĩnh Phú (Tam Đảo), Thanh Hóa (Thường Xuân, Hồi Xuân), Nghệ An (Quỳ Châu, Phủ Quỳ), Hà Tĩnh (Hương Khê), Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai (La Ngà, Vĩnh An).
Có 39 loài thuộc 6 họ động vật ăn thịt đã được liệt kê ở Việt Nam. Do bản năng săn mồi và khả năng đặc biệt, động vật ăn thịt thường có xung đột với con người. Vì tiềm năng vốn có của chúng, động vật ăn thịt cũng dễ bị tác động của việc săn bắt để phục vụ mục đích tiêu dùng và làm thuốc truyền thống.
Có 08 trong số 10 loài thú họ Mèo châu Á có phân bố ở Việt Nam. Hầu hết chúng đều có phạm vi phân bố rộng khắp trên cả nước trừ mèo gấm. Chúng sống ở nhiều kiểu rừng khác nhau. Hầu hết các loài thú họ Mèo tại Việt Nam đang trong tình trạng nguy cấp rất cần được bảo vệ. Việt Nam là địa bàn phân bố của hai loài thú lớn họ Mèo là hổ Đông Dương và báo Đông Dương.
Ở Việt Nam, họ mèo khá phong phú về chủng loại và được gọi bằng nhiều tên: mèo, miu, miêu, mão... Với mỗi loài, mỗi địa phương, mỗi dân tộc dùng một vài tên gọi đặc trưng, như mèo rừng (Việt) còn được gọi là cáo khua (Mường), tu hen meo (Thái), tu hin meo (Tày)... Mèo rừng Việt Nam gồm 4 loài. Phổ biến nhất là mèo rừng thường (Felis bengalensis), sống khắp vùng rừng núi và trung du, thân dài chừng 40–60 cm, nặng khoảng 3–5 kg, lông vàng trắng điểmnhững vệt và đốm đen nâu. Ba loài kia quý hiếm hơn nhiều, đều có tên trong sách đỏ: mèo ri (hay mèo núi, mèo rừng Á - Felis chaus), mèo gấm (Felis marmorata) và mèo cá (hay mèo đuôi ngắn - Felis viverrina).
Một số loài thuộc họ mèo của Việt Nam có thể kể đến là: Hổ Đông Dương (Panthera tigris corbeti) là loài mèo ăn thịt lớn nhất ở Việt Nam và là động vật ăn thịt đầu bảng trong hệ động vật Việt Nam. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 trở về trước, hổ phân bố ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Thức ăn của hổ đa dạng gồm các loài thú móng guốc là chủ yếu (gồm hươu nai, hoẵng và lợn rừng), thú nhỏ, chim, bò sát, chúng còn ăn cả cá. Nhiều con hổ còn vào làng bản, khu dân cư để bắt gia súc, gia cầm và thỉnh thoảng tấn công và ăn thịt người. Chúng được tôn xưng là Chúa sơn lâm và ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn hóa Việt. Quần thể hổ ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia có hổ phân bố bị giảm đi đáng kể do nạn săn hổ, bắt để nấu cao (cao hổ cốt), mất môi trường sống và suy giảm nguồn thức ăn. So với hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam, hoạt động buôn bán hổ có tính chất hoàn toàn khác biệt do số lượng ít và giá trị cao của loài động vật này. Các đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để che giấu hành vi bất hợp pháp của mình. Các đối tượng buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức. Việt Nam đã tham gia vào công ước bảo tồn hổ và tổ chức Ngày Quốc tế Hổ đầu tiên ở Việt Nam.
Mèo nhà được thuần hóa từ mèo rừng, tuy nhiên các loài ở châu Á hiện vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác. Mèo gấm (Pardofelis marmorata) có bộ lông đẹp nhất trong họ hàng nhà mèo rừng. Mèo ri (Felis chaus) là loài mèo được biết đến ít nhất ở Việt Nam. Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra chúng ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), giáp với biên giới Campuchia vào những năm 1976-1978 và hiện nay hầu như không còn bất cứ ghi nhận mới về loài này ở Việt Nam. Mèo rừng hay mèo cá (Prionailurus viverrinus) hay mèo báo (tiếng Mường: cáo khua) là những con mèo rất giỏi bơi lội và bắt cá. Sống ở rừng thứ sinh nghèo, trên các savan cây bụi, các bãi cây ven nương rẫy, đến tận sinh sống tại các vùng rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Chúng vận động nhanh nhẹn, leo trèo, bơi lội giỏi. Kiếm ăn đêm, ngày ngủ trong hốc cây, hang đá, trong bụi rậm hay trên chạc cây to kín. Thường ngồi rình mồi, đợi khi con mồi đi qua, nhảy ra vồ và ngoạm vào gáy. Mèo rừng ăn chuột, sóc, chim, lưỡng cư và các loại côn trùng (cào cào, châu chấu). Thức ăn ưa thích là chuột. Mèo rừng hung tợn, hay rình bắt gà vịt ăn[26]. Báo hoa mai Đông Dương sống ở các tỉnh miền núi từ Bắc tới Nam. Chúng sống trong nhiều kiểu rừng, rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh và cây bụi kề rừng. Chỗ ở không cố định. Thức ăn chủ yếu là các loài thú khác như nai hươu, hoẵng, lợn rừng, khỉ và động vật nuôi như trâu bò, dê. Báo gấm sống ở Tuyên Quang (Chiêm Hoá), Lài Châu (Mường Tè), Lạng Sơn (Bắc Sơn, Hữu Liên), Sơn La (Thuận Châu, Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Sông Mã), Vĩnh Phú (Thanh Sơn), Hòa Bình (Đà Bắc), Gia Lai, Kontum (Sa Thầy, Kon Hà Nừng).
Họ Chó ở Việt Nam phân bố tại nhiều khu rừng, chúng thường được gọi là chó rừng, chó sói. Một trong số 4 loài chó ở Việt Nam. Sói rừng ở Tây Nguyên (Gia Lai, Kontum). Lần đầu tiên đã tìm thấy loài này ở Đắk Lắk. Chúng thường sống ở các khu rừng ven nương rẫy, có thể gần các trạng trại hay khu dân cư trong rừng. Chó rừng thường theo Hổ để ăn các mẩu thịt hổ để lại. Sói lửa có ở Lai Châu, Lào Cai (Sapa), Bắc Thái, Sơn La (Mộc Châu), Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Sói lửa có phân bố rộng ở các tỉnh miền núi. Chúng sống ở rừng, thường cư trú và hoạt động ở rừng già, những lúc săn đuổi mồi có thể về gần bản làng. Chúng còn tấn công cả gia súc ở một số nơi và được gọi là cơn ác mộng của đồng bào Tây Bắc trước kia.
Hai loài gấu khác nhau về kích thước, sở thích về môi trường sống và về dạng thức ăn gồm Gấu ngựa (U. thibetanus) có kích thước lớn hơn chủ yếu ăn thực vật. Gấu chó (U. malayanus) nhỏ hơn ăn cả thực vật và côn trùng. Năm 2005, có tới 4.600 con gấu được nuôi tại nhà dân. Số này được bắt từ tự nhiên hoặc nhập khẩu trái phép từ các nước xung quanh như Lào, Campuchia, hoặc tại các khu rừng ở Việt Nam. Việt Nam còn 1.800 con gấu được nuôi tại hộ gia đình[27]
Có 13 loài thuộc 3 nhóm chính đã được thống kê tại Việt Nam gồm Chồn và chồn mactet (phân họ Mustelinae), Lửng (phân họ Melinae), Rái cá (phân họ Lutrinae). Các loài rái cá của Việt Nam là những loài chồn bị đe dọa nhiều nhất. Việt Nam là nơi sinh sống của bốn loài rái cá, cả bốn loài đều đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi sự tác động đến sinh cảnh sống của chúng và nạn săn bắt để lấy da, làm thuốc và lấy thịt[28].
Có 10 loài trong số cầy có phân bố tại Việt Nam gồm Cầy vằn (Chrotogale owstoni) là loại bị đe dọa toàn cầu và xếp vào loại sắp nguy cấp. Cầy rái cá (Cynogale lowei) tại tỉnh Bắc Kạn. Cầy Tây Nguyên (Viverra tainguensis). Cầy giông (Viverra zibetha).
Có 01 loài là loài Chồn bay Sunda (Cynocephalus variegatus) phân bố ở miền Trung và Nam Việt Nam.
Có 18 loài thú ăn côn trùng đã được ghi nhận tại Việt Nam. Những loài này thuộc 3 nhóm: chuột voi (2 loài), chuột chù (12 loài) và chuột chũi (4 loài).
Có 02 loài tê tê phân bố ở Việt Nam có phạm vi phân bố không giao nhau gồm Tê tê vàng (Manis pentadactyla) phân bố giới hạn ở miền Bắc. Tê tê Java (Manis javanica) giới hạn ở miền Trung và miền Nam.
Có 02 loài Đồi sống ở Việt Nam: Đồi Bắc (Tupaia belangeri) sống nửa trên cạn. Nhen (Dendrogale murina) chủ yếu sống trên cây.
Có xấp xỉ 65 loài phân bố ở Việt Nam là những động vật hoang dã dễ quan sát nhất, đặc biệt là sóc. Sóc là loài chuột bay, phi thân rất giỏi. Nó dùng đuôi lông mềm làm bánh lái khi chuyền từ ngọn dừa này sang ngọn dừa khác. Làm tổ sinh con trên ngọn dừa, ngọn cau, sóc sinh sản theo cấp số nhân. Chừng ba tháng nó lại sinh một lứa, mỗi lứa 3-4 con. Do trái cây là nguồn thực phẩm sinh sống của sóc nên nhà vườn phải chịu nhiều thiệt hại lớn, đôi khi mất trắng[29]. Hơn 40 loài gặm nhấm còn lại tại Việt Nam thuộc về họ Chuột (Muridae) rất đa dạng. Chúng có khả năng tăng số lượng nhanh, đẻ sớm và mau, thường tạo ra các lứa có số lượng rất lớn. Hiện nay, ở Việt Nam có 43 loài chuột khác nhau và đa phần chúng là loài gây hại cho nông nghiệp và là loài gây hại trong nhà[30][31].
Có nhóm thỏ rừng có phân bố ở Việt Nam. Có 02 loài thỏ có phân bố ở Việt Nam thuộc chi Nesolagus:
Trong số 91 loài dơi của Việt Nam, 11 loài thuộc nhóm Megachiroptera và số còn lại thuộc 5 họ của nhóm microchiroptera. Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm ở phía Bắc Việt Nam vào năm 1997 xác định được 3,5% số lượng loài trên toàn thế giới.
Có xấp xỉ 20 loài sống trong vùng biển của Việt Nam. Chúng khác nhau về kích thước
Bò biển (Dugong dugon) hay còn gọi là Cá cúi là loài duy nhất của Việt Nam thuộc bộ này và sống ở vùng nước nông ven bờ của Côn Đảo và Đảo Phú Quốc. Chúng được tìm thấy ở vùng biển Côn Đảo (khoảng 30 con) và Phú Quốc. Từ cuối thập niên 1990 vì môi trường bị ô nhiễm nhóm cá cúi ở Côn Đảo bị đe dọa và số cá cúi đã giảm. Sang đầu thập niên 2000 vùng Côn Đảo còn khoảng 10 con và Phú Quốc còn dưới 100 con. Mãi đến năm 2002 nhà chức trách tỉnh Kiên Giang mới thi hành lệnh cấm săn bắt cá cúi. Cá cúi bị đe dọa bởi nạn săn bắn vì thịt cá cúi có tiếng là ngon. Vì chúng bơi rất chậm, cá cúi dễ bị sa lưới. Ngoài ra cặp nanh của cá cúi với cấu trúc giống ngà voi nên cũng gây ra thị trường buôn nanh khiến chúng bị săn bắt.
Chim ở Việt Nam là nhóm động vật được biết đến nhiều nhất. Chim nhìn chung dễ quan sát và nhận biết hơn thú vì hầu hết tất cả các loài đều xuất hiện vào ban ngày, các tiếng hót và tiếng kêu đặc trưng cho từng loài. Tại Việt Nam và Đông Dương chủ yếu tập trung vào khu hệ chim. Cho đến nay, hầu hết 850 loài chim đã được ghi nhận tại Việt Nam. Các khu rừng ở vùng đồng bằng là môi trường sống quan trọng cho gà lôi của Việt Nam (họ Phasianidae) cũng như cho nhiều loài chim có kích thước trung bình trong đó có chim đuôi cụt (họ Pittidae), giẻ cùi và ác là (họ Corvidae) và cu rốc đít đỏ (Psilopogon lagrandieri). Các khu rừng trên núi nằm trên 1.000m là nơi cư trú của các quần xã lớn và đa dạng của chim sẻ, trong đó có 3 loài khướu và hai loài đặc hữu của Việt Nam. Các vùng đồng cỏ ướt và rừng ngập nước của châu thổ sông Mê Kông là nơi cư trú của các loài chim nước lớn (thủy cầm hay thủy điểu), trong đó có cò và hạc (họ Ciconiidae), quắm (họ Threskiornithidae), diệc (họ Ardeidae) và cốc (họ Phalacrocoracidae) cũng như các chim ăn thịt như đại bàng đầu xám (Ichthyophaga ichthyaetus). Các bãi bồi và các dải cát dọc theo cửa sông và các đảo ở vùng ven biển phía Bắc là bến đỗ và nơi trú đông quan trọng cho rất nhiều loài chim nước, trong đó có vịt (họ Anatidae), mòng bể (họ Laridae), choi choi (họ Charadriidae) và cò thìa (Platalea minor, thuộc loại nguy cấp).
Số lượng các loài chim của Việt Nam không phân bố đồng đều theo các nhóm phân loại. Một số nhóm, trong đó có chim đớp ruồi (30 loài; thuộc tông (tộc) Muscicapini), khướu (26 loài; tông Garrulacinae) và khướu (79 loài, tông Timaliini) chiếm một tỷ lệ lớn số lượng loài của Việt Nam. Chúng cũng chiếm tỷ lệ phần trăm lớn (tương ứng với 71, 67 và 63%) trong tổng số các loài của mỗi nhóm có phân bố ở Đông Nam Á. Các thành viên của các nhóm khác có ít loài hơn, như cu rốc (10 loài, họ Megalaimidae) và nuốc (3 loài, tông Harpactini), là các thành viên quan trọng trong các loài của Việt Nam. Các nhóm khác chỉ có một hoặc một vài loài đại diện, trong đó có ô tác (Houbaropsis bengalensis), là loài chim ôtit (họ Otididae) duy nhất có phân bố ở Đông Dương. Có 02 họ chim đặc hữu là họ Chim xanh (Chlorposeidae) và họ Chim lam (Irenidae). Cả hai họ này đều có đại diện tại Việt Nam.
Cúm núm hay còn gọi là gà nước, sống ở những cánh rừng tràm nội địa và sát biên giới Tây Nam, nhất là An Giang. Người miền Tây không lạ với loại chim rừng này, bởi nó được xem là món khoái khẩu của dân miệt vườn lẫn người thành thị. Cúm núm thuộc loài chim rừng, ăn uống theo thiên nhiên, thịt thơm[32] Cúm núm tuy thân hình mộc mạc, thiếu bộ lông sặc sỡ nhưng bù lại tiếng kêu của nó phải thuộc hạng bậc thầy của các loài chim nước[33][34]. Ở Việt Nam, tiếng kêu của cú mèo hay cú lợn đã bị mặc định là mang lại xui xẻo, là tiếng gọi vong hồn từ một nơi xa thẳm. Tiếng kêu oang oang vào buổi tối, đặc biệt lúc khuya khoắt là những cơ sở để nhiều người quan niệm cú báo điềm gở. Cú mèo và cú lợn là hai loài khác nhau. Chúng cũng thuộc hai họ riêng biệt, chỉ giống nhau về thời gian hoạt động, tập tính săn bắt mồi ban đêm và sống ở các vùng làng mạc, bìa rừng, một số ít ở thành thị. Thực chất, cú đóng vai trò là thiên địch trong việc săn bắt chuột, loài gặm nhấm phá hoại mùa màng, nông sản của người dân.
Các loài bò sát của Việt Nam nằm trong 3 bộ: nhóm rắn có nhiều loài (172 loài) và thằn lằn (110 loài) đều nằm trong bộ Squamata và nhóm rùa ít đa dạng hơn (với 34 loài thuộc bộ Testudines) và cá sấu (2 loài thuộc bộ Crocodilia). Số lượng các loài rắn đặc hữu có lẽ cao nhất ở các vùng núi, trong khi đó thằn lằn dường như có nhiều loài đặc hữu ở miền Nam, trong đó có 8 loài ở Côn Đảo ngoài khơi phía Đông Nam của Việt Nam. Số lượng loài rắn và thằn lằn phân bố đều ở các vùng đồng bằng và vùng núi của Việt Nam, trong khi đó rùa nhìn chung là các loài sống ở vùng đồng bằng và số lượng loài cao nhất tập trung trong môi trường sống này cả ở miền Bắc và miền Nam.
Các nhóm bò sát có số lượng loài cao nhất là tắc kè (họ Gekkonidae: 32 loài) và thằn lằn bóng (họ Scincidae: 42 loài), cả hai họ này đều là thằn lằn, và rắn nước (họ Colubridae: 130 loài), là nhóm rắn rất đa dạng. Các nhóm có số lượng loài thấp ở Việt Nam nhưng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các loài trên toàn cầu gồm có rắn mống (họ Xenopeltidae: cả 02 loài) và thằn lằn giun (họ Dibamidae: với 06 trong tổng số 19 loài). Chi thằn lằn chân ngón cũng là giống có nhiều loài mới được công bố nhất với khoảng hơn 30 loài mới được công bố trong 2 thập kỷ gần đây ở Việt Nam. Bò sát chiếm một phần đáng kể trong số các loài động vật có xương sống ở Việt Nam mà sự tồn tại của chúng trong tự nhiên bị đe dọa bởi việc khai thác nhằm mục đích buôn bán. IUCN liệt kê hơn 3 phần tư số lượng các loài rùa vào loại bị đe dọa toàn cầu, trong đó có 3 loài đặc hữu.
Việt Nam là quốc gia đa dạng về các loài thằn lằn trong đó có nhiều loài đặc hữu
Tổng cộng có 26 loài lùa cạn ở Việt Nam đã được mô tả cụ thể, trong đó có 01 loài rùa du nhập[35][36]
Với đặc thù là vùng rừng nhiệt đới, Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn, mỗi loài đều có những đặc tính sinh thái và sắc màu khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện và môi trường sống, trong đó có 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc hai họ Rắn lục và họ Rắn hổ. Nhiều loài có nọc độc gây chết người chỉ sau thời gian ngắn[37]. Các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam:
Các loài rắn có kích thước lớn ở Việt Nam
Một số loài rắn thường được nuôi nhiều ở Việt Nam:
Một số loài Rắn mới được phát hiện:
Các quần xã lưỡng cư ở Việt Nam, đặc biệt là ếch, cóc, nhái rất đa dạng, năm 1999 ghi nhận 100 loài, vào cuối năm 2004 tổng số loài đã tăng lên hơn gấp rưỡi số lượng loài đã biết, khoảng 250 loài. Hầu hết tất cả những loài mới được mô tả này đều có phân bố từ các vùng rừng thường xanh ẩm cận núi và trên núi ở miền Bắc Việt Nam và dọc theo dãy Trường Sơn. Có 15 loài lưỡng cư vào loại bị đe dọa toàn cầu
Ở Việt Nam, ếch nhái là nhóm có số lượng loài lớn nhất (55 loài) và đa dạng nhất về hình thái và các tập tính sinh sản. Các loài thuộc họ này có thể sống trên cạn, trên cây, sống dưới nước, hoặc trong hang và chúng có thể sinh sản trong các dòng suối chảy xiết, chảy chậm, các vũng nước, hoặc vùng nước tù.
Việt Nam có 43 loài ếch cây, trên thực tế có số lượng ít hơn ếch nhái. Chúng rất thích nghi sống trên cây, các đĩa dính lớn trên ngón chân cho phép chúng trèo trên các bề mặt dựng đứng và bám vào các cành cây. Cả chân trước và chân sau đều có màng, đôi khi rộng, và những loài này thường có cơ thể bẹt và có các nếp da nằm ở chân. Các mẫu ếch cây ở Việt Nam được thấy ở các cánh rừng nằm ở vùng đất trũng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Bình, Bình Thuận, Đồng Nai, các loài ếch này đang có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và sự xâm lấn của con người[46].
Việt Nam là quốc gia có đang dạng các loài cá, kể cả cá nước ngọt và cá nước mặn, chúng là những nguồn lợi thủy sản, hải sản quan trọng của Việt Nam.
Cá nước ngọt hay còn được gọi là các loại cá đồng, cá sông, cá suối, cá hồ. Ở Việt Nam, các loài cá nước ngọt rất phong phú và đa dạng, đồng thời cá nước ngọt là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho người Việt. Một số thống kê ban đầu cho biết các vực nước trong đất liền của Việt Nam có khoảng 450 loài, có thể chiếm 80% tổng số các loài cá, khoảng một nửa các loài này chỉ được biết từ một địa điểm duy nhất. Hầu hết 50% các loài nghi nhận được trong các cuộc khảo sát ở sông Đồng Nai là các thống kê mới về loài trong lưu vực sông này. Bị giới hạn trong môi trường nước khiến cá nước ngọt có kiểu phân bố về số lượng loài khác với các loài sống trên cạn khác và cũng là các mối đe dọa chính đến sự tồn tại của chúng. Một dữ liệu khác cho thấy cá nước ngọt có đến 544 loài, cá nước lợ cũng có 186 loài. Trong đó nhiều loại đặc sản có giá trị xuất khẩu cao[47] Việt Nam có tới 544 loài cá nước ngọt, trong đó 243 loài cá ở các sông miền Bắc, 134 loài ở miền Trung và 255 loài ở miền Nam, chỉ có 70 loài có giá trị kinh tế. Có 186 loài cá nước lợ mặn, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế như cá song (cá mú), cá hồng, cá tráp, cá vược (cá chẽm), cá măng, cá cam, cá bống, cá bớp, cá đối, cá dìa[8].
Về mặt địa sinh học, có 03 khu hệ cá chính được hình thành ở Việt Nam:
Các mối đe dọa đối với cá nước ngọt trong đất liền gồm có việc xây đập làm thay đổi dòng chảy, phá rừng nằm trong lưu vực sông dẫn đến xói mòn và lắng đọng, chặt rừng bên cạnh sông suối gây ảnh hưởng đến nhiệt độ nước, thay đổi hàm lượng oxy và gây ô nhiễm. Đánh cá quá mức, bao gồm cả việc sử dụng thuốc nổ, và phương pháp chích điện cũng là mối đe dọa thường nhật. Các loài được coi là bị đe dọa nhiều nhất hiện nay là các loài cá lớn ở sông Mê Kông. Bên cạnh các loài được ghi nhận, có các loài mới được công bố phát hiện, mới đây là 12 loài cá nước ngọt mới được phát hiện trong các cuộc điều tra tại Phú Quốc. Trong số đó có những loài khá phổ biến ở Phú Quốc và quen thuộc với người dân địa phương[49]. Ở miền Tây, loài cá vùng nước ngọt, người ta phân biệt hai loài cá sông và cá đồng. Cá sông còn được hiểu là cá trắng và cá đồng còn được gọi là cá đen. Loài cá sông là loài cá sống trong các sông rạch, còn loài cá đồng là các loài cá sống trên các lung vũng, đìa bàu, nói chung là sống trên đồng. Phân biệt khá tương đối vì sông nước Miền Tây và đồng ruộng nơi này có mùa nước lên và nước giựt, nên khi nước lên thì cá đen cá trắng gì cũng tràn lên đồng, đến khi nước giựt thì cá trắng về sông, nhiều loại cá đen cũng theo nước giựt rút xuống các kinh rạch giống như cá trắng.
Cá nheo đặc biệt là những loài cá lớn sống ở sông Mê Kông, là nguồn cung cấp thực phẩm chính ở Việt Nam. Nhiều loài cá này là loài di cư, di chuyển trong năm giữa các vùng để đẻ trứng, trưởng thành và kiếm ăn. Chúng thường di cư qua biên giới. Chúng thường là các mục tiêu dễ dàng của những ngư dân khi chúng di cư thành đàn lớn. Những loài cá nheo mới đang được phát hiện với tốc độ nhanh ở Việt Nam, trong đó có sông Mê Kông với 8 loài mới đã được mô tả từ năm 2000 đến 2004.
Khoảng 115 loài cá chạch sông hay cá chạch suối chuyên hóa cho đời sống ở nơi nước chảy xiết. Cơ thể của chúng thon dài và dẹt theo mặt phẳng ngang và một số loài đã biến đổi vây ngực và vây hông thành các đĩa bám nằm ở bụng để giúp chúng sống sót trong các dòng suốt chảy xiết. Cơ thể nhỏ - loài lớn nhất có chiều dài khoảng 14 cm – và sống khá đơn độc, cá chạch suối thường không phải là mục tiêu của ngư dân mà thường bị giết ngẫu nhiên. Cá chạch thuộc họ này có khả năng là vật chỉ thị cho tình trạng của các con suối vì chúng nhạy cảm với các thay đổi môi trường nhỏ. Mức độ phong phú về loài của chúng mới chỉ bắt đầu được biết đến. Có 20 loài mới đã được mô tả, chủ yếu từ trung tâm của dãy Trường Sơn từ năm 2000 đến năm 2004.
Ngoài ra, vùng sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long còn có các loại cá như:
Cá biển hay cá bể, cá đại dương là thuật ngữ chỉ về các loài cá sống ở những vùng biển. Chúng là những loài đã được người Việt khai thác tuy nhiên còn chưa nhiều vì phương tiện còn thô sơ, lạc hậu và chủ yếu là đánh bắt gần bờ, mặc dù trong những năm gần đây việc đánh bắt xa bờ đã được chú trọng.
Nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, biển Việt Nam có sự đa dạng về thành phần các giống loài hải sản, nhất là cá biển. Biển Việt Nam có hơn 2038 loài cá, trong đó có khoảng 130 loài có giá trị kinh tế, thương mai[50] và 30 loài thường xuyên được đánh bắt, khai thác[51]. Trong 2.038 loài được chia thành 4 nhóm sinh thái chủ yếu[8]:
Ở Việt Nam đã có 635 loài cá sống ở rạn san hô với 62 họ, trong đó có bốn họ đông nhất:
Riêng vùng biển Nha Trang có 398 loài. Hai vùng tập trung nhiều loài cá nhờ rạn san hô còn nguyên trạng là Hòn Mun và Hòn Gốm, ở Quần đảo Trường Sa, 219 loài thuộc 44 họ, trong đó có 159 loài đặc hữu với các loài cá quý hiếm như: cá mao tiên, cá bàng chài, cá hóa chuột, cá thia được ưa chuộng ở các nước Philippines, Indonesia, Úc
Tổng trữ lượng cá trong vùng biển Việt Nam khoảng 3 triệu tấn, trong đó gần 1,6 triệu tấn cá đáy và 1,4 triệu tấn cá nổi, có thể đánh bắt từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn /năm. Một đánh giá cho thấy trữ lượng cá biển trong toàn vùng biển là 4,2 triệu tấn, trong đó sản lượng cho phép khai thác là 1,7 triệu tấn/năm, bao gồm 850 nghìn tấn cá đáy, 700 nghìn tấn cá nổi nhỏ, 120 nghìn tấn cá nổi đại dương[52]. Trữ lượng đến 4,2 triệu tấn, sản lượng khai thác tối đa bền vững (maximum sustainable yield, MSY): 1,7 triệu tấn/năm. Sản lượng khai thác cho phép hằng năm khoảng 1,4-1,5 triệu tấn. Sản lượng khai thác cá biển hằng năm hiện nay khoảng 1,2- 1,3 triệu tấn. Cá biển chiếm khoảng 65% tổng số sản phẩm cá của Việt Nam, 35% còn lại là cá nuôi và cá nước ngọt. Các nguồn lợi hải sản ở các vùng biển ven bờ với mức nước sâu dưới 50m đã được xem là khai thác cạn kiệt[52].
Theo nghiên cứu năm 2005 về hiện trạng nguồn lợi hải sản Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hải sản (RIMFb) tiến hành tổng trữ lượng hải sản biển Việt Nam ước đạt 4,061 triệu tấn, trong đó trữ lượng cá nổi nhỏ khoảng 1,73 triệu tấn (chiếm 42,6%), cá đáy khoảng 1,174 triệu tấn (28,9%), cá nổi đại dương khoảng 1,156 triệu tấn (28,5%). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng khả năng khai thác của toàn bộ vùng biển Việt Nam khoảng 1,8 triệu tấn trong đó cá đáy chiếm khoảng 26,1%, cá nổi nhỏ 48,1%, cá nổi đại dương 25,7%[50]. Theo số liệu thống kê, khả năng cho phép khai thác cá biển Việt Nam bao gồm cả cá nổi và cá đáy ở vùng gần bờ có thể duy trì ở mức 600.000 tấn. Nếu kể cả các hải sản khác, sản lượng cho phép khai thác ổn định ở mức 700.000 tấn/năm.
Sự phân bố trữ lượng cá ở các vùng biển như sau:
Theo vùng và theo độ sâu, nguồn lợi cá cũng khác nhau[52]. Vùng biển Đông Nam Bộ cho khả năng khai thác hải sản xa bờ lớn nhất, chiếm 49,7% khả năng khai thác cả nước, tiếp đó là Vịnh Bắc Bộ (16,0%), biển miền Trung (14,3%), Tây Nam Bộ (11,9%), các gò nổi (0,15%), cá nổi đại dương (7,1%)[52].
Tổng số loài thủy sản ở vùng biển Tây Nam của Việt Nam có tới 2.000 loài, trong đó có hơn 80 loài có giá trị kinh tế cao và cá đáy chiếm 70% số loài, với trữ lượng cá, tôm khoảng 610.000 tấn, trong đó vùng ven bờ quanh các đảo và vùng ven biển có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, tức là hàng năm có thể khai thác trên 268.000 tấn.[53] Tại các vùng biển nông như Vịnh Bắc bộ, biển Đông Tây Nam Bộ, đối tượng thường cho sản lượng cao là cá liệt, cá lượng, cá khế, cá phèn khoai, cá trác, cá hố, cá mối, cá nục sồ. Vùng biển miền Trung và giữa biển Đông là các loại cá thu ngừ, cá kiếm cờ, cá nục heo, cá ó, cá dơi. Nghề câu khơi thương bắt gặp cá ngừ vây vàng, cá mập, cá ngừ mắt to, cá cờ và cá kiếm[50]
Do đặc điểm của vùng biển nhiêt đới nên cá biển của Việt Nam phần lớn là các loài kích thước nhỏ và chu kỳ sinh sản ngắn. Bị chi phối bởi đặc thù của vùng biển nhiệt đới, nguồn lợi thủy sản Việt Nam có thành phần loài đa dạng, kích thước cá thể nhỏ, tốc độ tái tạo nguồn lợi cao. Chế độ gió mùa tạo nên sự thay đổi căn bản điều kiện hải dương học, làm cho sự phân bố của cá cũng thay đổi rõ ràng, sống phân tán với quy mô đàn nhỏ. Tỷ lệ đàn cá nhỏ có kích thước dưới 5 x 20m chiếm tới 82% số đàn cá, các đàn vừa (10 x 20m) chiếm 15%, các đàn lớn (20 x 50m trở lên) chỉ chiếm 0,7% và các đàn rất lớn (20 x 500m) chỉ chiếm 0,1% tổng số đàn cá. Số đàn cá mang đặc điểm sinh thái vùng gần bờ chiếm 68%, các đàn mang tính đại dương chỉ chiếm 32%. Phân bố trữ lượng và khả năng khai thác cá đáy tập trung chủ yếu ở vùng biển có độ sâu dưới 50m (56,2%), tiếp đó là vùng sâu từ 51 - 100m (23,4%)[52].
Nguồn lợi cá biển có thành phần loài đa dạng, kích thước cá thể nhỏ, tốc độ tái tạo nguồn lợi cao. Cá biển ở vùng biển Việt Nam thường sống phân tán, ít kết đàn; nếu có kết đàn thì kích thước đàn không lớn. Tỉ lệ đàn cá nhỏ (có kích thước dưới 100 m2) chiếm tới 82% tổng số đàn cá, các đàn cá vừa (200 m2) chiếm 15%, các đàn cá lớn (trên 1.000 m2) chỉ chiếm 0,1%. Ở các vùng, tùy theo đặc tính sinh trưởng mà có loài cá rất hiếm. Cá thần tiên là loài cá sống rất đơn lẻ, không thành bầy. Nhiều khi cả vùng biển rộng 1km2 chỉ có chừng 10 con. Các loài cá như bàng chài, cá thìa lại sống tập trung thành từng đàn, mỗi đàn có khi tới 1.000 con. Số đàn cá mang đặc điểm sinh thái vùng gần bờ chiếm 68%, các đàn cá mang tính đại dương chỉ chiếm 32%[8].
Vùng biển gần bờ là nơi tập trung nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế, song do áp lực khai thác lớn nên nguồn lợi cá biển ở vùng này đã có dấu hiệu suy giảm. Hiện nay, ngành thủy sản đang đẩy mạnh việc mở rộng phạm vi khai thác ra vùng biển xa bờ với các đối tượng khai thác có kích thước và giá trị cao hơn. Đồng thời nghề nuôi cá biển cũng đang được phát triển. Đã hình thành các mô hình nuôi công nghiệp phục vụ xuất khẩu đối với một số loài như cá song (cá mú), cá chẽm (cá vược), cá hồng, cá giò. Một số loài khác cũng đang được tiến hành nuôi thử nghiệm như cá tráp, cá chim biển, cá bơn, cá chình[51] Việt Nam đã nghiên cứu thành công và nhập công nghệ sản xuất giống khoảng 10 loài cá biển nuôi, gồm: cá vược, cá giò, cá hồng mỹ, cá hồng bạc, song song với việc nghiên cứu công nghệ sản xuất giống đã có công nghệ nuôi những đối tượng như cá vược, cá giò, cá song, cá chim[54]
Nằm trong khu hệ cá biển cận nhiệt đới, biển Việt Nam khá đang dạng về thành phần loài hải sản, trong đó có cả các loài độc hại và cá nóc biển là một trong những loài đó. Trong 41 loài sinh vật độc ở biển Việt Nam có năm loại cá cực độc là: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang, trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất[55]. Đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc cá nóc. Cá nóc chứa độc tố độc hại từ trong nội tạng. Độc tố trong các loài cá nóc khác nhau, ở các bộ phận khác nhau thì có hàm lượng khác nhau. Hàm lượng độc tố trong cơ thể còn thay đổi theo mùa, vùng địa lý và giai đoạn phát triển của cá thể. Nội quan của cá nóc, đặc biệt là gan, tuyến sinh dục thường có chứa hàm lượng độc tố nhiều nhất do đó chúng cực độc. Ở một số loài cá nóc độc thì da và thịt cá nóc cũng có chứa hàm lượng độc tố đủ để gây chết người. Cá bống vân mây tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung. Chúng có đầu to, thân cá ngắn và tròn, toàn thân màu nâu đỏ, mỗi bên thân có bốn vệt đen hình đám mây, màng vây lưng và màng vây đuôi có nhiều hàng chấm đen. Trong cá bống vân mây có độc tố tetrodotoxin, tương tự độc tố của cá nóc. Nhiều người dân vẫn nhầm lẫn giữa cá bống vân mây và cá bống hoa. Ở nhiều địa phương người dân vẫn sử dụng lẫn lộn tên giữa 2 loài cá này.
Ở Việt Nam có khoảng 67 loài cá nóc thuộc bốn họ. Chúng phân bố khá rộng và được bắt gặp gần như ở toàn vùng biển Việt Nam[56]. Trữ lượng cá nóc ở biển Việt Nam ước tính khoảng 37387 tấn, trong đó vùng biển miền Trung chiếm khoảng 44,6%; vùng biển Đông Nam Bộ chiếm 20,6%; vùng biển Tây Nam Bộ chiếm 21,6% và vùng biển vịnh Bắc Bộ chiếm khoảng 14,9% tổng trữ lượng. Phân bố và trữ lượng các họ cá nóc là:
Chiếm ưu thế trong sản lượng cá nóc khai thác là phân họ cá nóc tròn (Tetraodontinae), gồm các loài: cá nóc tro (Lagocephalus lunaris), cá nóc xanh (Lagocephalus wheeleri), cá nóc vàng (Lagocephalus spadiceus). Họ cá nóc nhím và họ cá nóc hòm có năng suất khai thác rất thấp. Loài cá nóc vàng, cá nóc thu là những loài có trữ lượng nhiều và chiếm ưu thế so với các loài khác. Không phải loài cá nóc nào cũng độc và thịt cá nóc trắng và ngon. Ở một số tỉnh Miền Trung nước ta, như Khánh Hòa, Bình Thuận, cá nóc hòm (còn gọi là cá bò hòm, cá tăng thiết giáp) được xem là một trong những loài hải sản có giá trị. Ở nhiều địa phương, các loài cá nóc thuộc họ phụ cá nóc tròn vẫn được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản hay làm mồi câu, cá nóc còn được sử dụng làm đồ mỹ nghệ (cá nóc nhím), nuôi làm cá cảnh (cá nóc da báo, cá nóc dẹt va-lăng, cá nóc hòm...).
Cá là loại thực phẩm rất tốt cho cơ thể. Chất béo của cá rất đặc biệt, chúng chứa các chất béo chưa bão hòa - là chất rất có lợi cho hoạt động màng tế bào của con người; giúp làm giảm nồng độ mỡ xấu trong máu; và có khả năng giữ lại mỡ máu tốt. Một số loài cá tốt cho sức khỏe[57][58]
Một số loài cá có kích thước lớn
Ở vùng biển, giáp xác có 1.640 loài, quan trọng nhất là các loài trong họ Tôm he, tôm hùm, cua biển với khả năng khai thác 50.000-60.000 tấn/năm. Ở vùng nước nội địa có 55 loài giáp xác[8]. Còn nhiều nguồn lợi tự nhiên như trên 1.600 loài giáp xác, sản lượng cho phép khai thác 50 - 60 nghìn tấn/năm, có giá trị cao là tôm biển, tôm hùm và tôm mũ ni, cua, ghẹ[52].
Có ba loài tôm nước ngọt có giá trị kinh tế của Việt Nam là
Tôm nước mặn hay còn gọi là tôm biển, tôm bể gồm các loại tôm có nhiều kích cỡ và nhiều trong số chúng có giá trị kinh tế ở Việt Nam. Chẳng hạn như:
Tôm hùm ở Việt Nam phân bố tự nhiên và được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Mùa khai thác con giống chủ yếu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4, 5 năm sau. Ở Việt Nam có 7 loài tôm hùm hay chính xác là tôm rồng (Panulirus.spp) gồm:
Danh sách phân chia theo nhóm:
Danh sách các loài tôm (chia theo loài)
Các loài Tôm, cua sống ở tầng đáy:
Cua, ghẹ, còng, cáy, rạm, vọp, ba khía là những động vật giáp xác quen thuộc ở Việt Nam, trong đó cua, ghẹ là những hải sản có giá trị về thực phẩm và xuất khẩu và có nhiều loài là đặc sản. Các loài cua có ghi nhận ở Việt Nam:
Các loài cua sống ở tầng đáy:
Về cua nước ngọt, ở Việt Nam có loài cua đồng thường dùng để chỉ chung cho những loài cua nước ngọt sống trong môi trường đồng ruộng và thường gặp nhất là cua đồng có tên khoa học Somanniathelphusa sinensis sinensis H.Milne-Edwards thuộc họ Parathelphusidae.[71] Ngoài ra, ở Việt Nam phổ biến có hai loài Scylla paramamosain (cua sen) và loài Scylla olivacea (cua lửa). Cua xanh hay cua bùn Scylla serrata Phân bố khắp các vùng biển và trong các ao, đầm nước lợ. Cua bùn Scylla paramamosain khắp vùng biển Việt Nam, nhiều nhất là vùng biển miền Trung và Nam Bộ.
Về cua biển hay còn gọi là cua bể, Có thể phân chia thành 03 loại cua biển gồm: cua gạch, cua thịt, cua nước. Cua gạch và cua thịt đều rất ngon và bổ dưỡng[72]. Về ghẹ, ghẹ biển có nhiều loại như ghẹ hoa, ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, nhưng ghẹ xanh được đánh giá là có giá trị hơn cả do thịt của nó ngọt như cua xanh Đại Tây Dương, ghẹ biển xanh là loại ghẹ ngon nhất, nhiều người cho rằng ăn ghẹ biển xanh ngon hơn cả cua vì độ ngọt mà thanh mát của thịt ghẹ xanh. So với những loại ghẹ khác thì ghẹ xanh có kích thước lớn hơn, Ghẹ biển đỏ so với Ghẹ biển xanh thì chất lượng kém hơn. Món cua, ghẹ ngon bổ thường có mặt trong thực đơn đãi khách, bữa ăn tươi, tiệc và giá cá có nhiều loại[73] Ngoài ra còn có các loại của biển cỡ nhỏ khác cũng khá phổ biến là còng hay còn gọi là dã tràng, và loài Cáy là loại cua biển nhỏ sống ở vùng duyên hải.
Trong các loài cua biển ở Việt Nam, bên cạnh những loài cua ăn được còn có những loại cua biển có chứa độc tố, gây ngộ độc chết người hoặc chịu những hậu quả nghiêm trọng cho hệ thần kinh và sức khỏe.
Đã xác định được 800 loài nhuyễn thể có vỏ ở Việt Nam. Trong đó lớp chân bụng (Gastropoda) có 15 loài, lớp hai mảnh vỏ (Bivalvia) có 26 loài có giá trị kinh tế cao. Nhuyễn thể có vỏ là nhóm động vật thủy sản có độ đa dạng sinh học phong phú. So với các loại thịt động vật, thực phẩm từ động vật thân mềm vó vỏ có hàm lượng đạm cao, trong đó có nhiều amino acid rất cần thiết cho con người, lượng mỡ thấp, nhiều thành phần muối vô cơ, giá trị dinh dưỡng rất cao. Nhiều loại được xem là thực phẩm bổ dưỡng quý. Ngoài ra, vỏ của chúng cũng có tác dụng làm đồ trang sức đắt tiền, làm dược phẩm. Nhuyễn thể có vỏ phân bố ở khắp vùng biển Việt Nam, từ độ sâu 0m đến vùng biển sâu xa bờ. Có thể chia thành 2 nhóm:
Nhóm ốc bãi triều sống trong đáy bùn cát hoặc cát sỏi, bám trên đá ở vùng trung và hạ triều, thường tập trung thành từng bãi từ vài chục, vài trăm, có khi lên tới hàng nghìn hecta, thuần loại hoặc xen kẽ một số loài. Đây là các đối tượng loài có giá trị thực phẩm, được khai thác thường ngày, một số loài có giá trị xuất khẩu. Hiện nay những loài này cũng được nuôi bán tự nhiên ở một số vùng ven biển. Nhóm sống tầng triều chúng được khai thác nhiều ở vùng dưới triều và có giá trị xuất khẩu, Các loài trai cỡ lớn có giá trị thực phẩm và mỹ phẩm cao, Ngoài ra cũng còn nhiều loài trai ốc cỡ nhỏ khác. Tổng sản lượng khai thác tự nhiên ở biển và ven biển các loài nhuyễn thể có vỏ thuộc hai lớp chân bụng và hai mảnh vỏ ước đạt 300.000 – 350.000 tấn/năm. Trong đó sản lượng cao nhất là dắt (130.000 – 150.000 tấn/năm, nghêu (50.000 – 60.000 tấn/năm), sò huyết (40.000 – 50.000 tấn/năm), Nhiều đối tượng nhuyễn thể có vỏ đã được nuôi như hà, nghêu, trai ngọc, sò huyết, ốc hương, bào ngư vành tai, ngao, vẹm xanh, tu hài, trai ngọc, ốc hương, điệp, bào ngư[75]
Động vật thần mềm hai mảnh vỏ là một trong những nhóm loài có tính đa dạng thành phần loài cao trong hệ sinh thái rừng ngập mặn Việt Nam. Trong khu hệ động vật rừng ngập mặn ven biển Bắc Bộ, chúng chiếm khoảng 80 loài trong tổng số 389 loài động vật đáy. Trong khu hệ động vật rừng ngập mặn Đồng Nai, chúng chiếm 9 loài trong tổng số 57 loài động vật đáy. Tuy nhiên, do tình hình khai thác quá mức, vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyển đổi hình thức sản xuất nên nguồn lợi Động vật thần mềm hai mảnh vỏ đang bị giảm sút, một số loài bị cạn kiệt hoặc không thấy xuất hiện trong khu hệ động vật rừng ngập mặn[76] Bước đầu đã xác định được 66 loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ thuộc 21 họ trong 4 vùng rừng ngập mặn địa diện điển hình (Vườn Quốc gia Cà Mau, Long Sơn, Hưng Hòa, Nghệ An). Trong đó Vườn Quốc gia Cà Mau có mức đa dạng thành phân loài cao nhất (48 loài thuộc 18 họ), tiếp đến là Long Sơn (37 loài thuộc 16 họ), Đồng Rui (30 loài thuộc 17 họ) và Hưng Hòa (21 loài thuộc 12 họ).
Các họ có mức đa dạng loài cao như: Veneridae (10 loài), Arcidae (8 loài), Tellinidae (7 loài), Solenidae (6 loài), Mytilidae (6 loài), Ostreidae (5 loài). Một số loài có tỷ lệ bắt gặp cao như dòm nâu (Modiolus philippinarum), hàu cửa sông (Crassostrea rivularis), vạng (Geloina coaxans), ngán (Austriella corrugata), ngao dầu (Meretrix meretrix), điệp tròn (Placuna placenta). Một khảo sát cho thấy động vật thân mềm hai mảnh vỏ tại 4 vùng rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Cà Mau, Long Sơn, Hưng Hòa, Đồng Rui có 3 dạng phân bố chính là
Với khu hệ động vật rừng ngập mặn Đồng Rui, ngán (Austriella corrugata) và vạng (Geloina coaxans) là những đối tượng động vật thân mềm hai mảnh vỏ đang được khai thác ngoài tự nhiên với sản lượng lớn, mang lại giá trị kinh tế cao, khai thác vào những ngày triều kiệt. Trong khi đó, với khu hệ rừng ngập mặn Long Sơn, trùng trục (Phereonella acutidens), điệp tròn (Placuna placenta) lại được khai thác nhiều. Các loài có tiềm năng là hàu cửa sông (Crassostrea rivularis), ngán (Austriella corrugata), vạng (Geloina coaxans)[76].
Ở Việt Nam, họ Ngao có khoảng 40 loài, trong đó ngao dầu (Meretrix meretrix) phân bố rộng ở Cô Tô, Yên Hưng, Yên Lập - Quảng Ninh; Cồn Lu, Cồn Ngạn - Nam Định; Kim Sơn - Ninh Bình; Lạch Trường và Biện Sơn - Thanh Hóa, Cửa Sót, Thạch Hà, Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Vùng ven biển phía Bắc có ngao dầu (Meretrix meretrix Linnaeus. 1758), ngao mật (Meretrix lusoria Rumplius), vùng ven biển phía Nam có nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata) phân bố nhiều ở các tỉnh Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre[77]. Nghêu thì được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển như Biển Đồng Châu Tiền Hải Thái Bình Tiền Giang (Gò Công Đông),[78] Bến Tre (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (Cầu Ngang, Duyên Hải), Sóc Trăng (Vĩnh Châu), Bạc Liêu (Bạc Liêu, Vĩnh Lợi, Ngọc Hiển) ven biển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số tỉnh duyên hải Bắc và Trung bộ.[79][80]
Tại Việt Nam, Có 02 họ hến là Cyrenodonax và Cyrenobatissa (miền Bắc Việt Nam) và có 4 loài hến thường gặp là[84]:
Hàu hay hào hay Điệp ở Việt Nam gồm có:
Các loài động vật hai mảnh vỏ sống ở tầng đáy có thể kể đến là:
Ở Việt Nam, số lượng các loại sò, điệp khá đa dạng và phong phú. Đối với việc khai thác của con người, tuy không nhiều và phong phú như các loại ốc, những món ăn từ sò vẫn luôn có sức hấp dẫn rất riêng[89]. Tuy vậy, Sò là một món hải sản có hương vị nhưng trong sò chứa rất nhiều các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Một số loài sò thông dụng được biết đến nhiều ở Việt Nam hiện nay.
Các loại sò sống ở tầng đáy:
Ở Việt Nam có đa dạng các loại ốc từ ốc nước ngọt, ốc biển và ốc cạn. Vùng sông nước Cửu Long Giang với đặc điểm địa hình là kênh rạch chằng chịt đồng hoang ngập nước mênh mông, nhiều ao đìa, lung bàu cỏ dại mọc đầy là môi trường lý tưởng cho các loài ốc sinh sống và phát triển. Ở miền Tây Nam bộ gần như chỗ nào có nước tự nhiên là có ốc sinh sống[97] Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung của các loại hải sản nói chung hay sò, ốc nói riêng với những món ốc quen thuộc như ốc hương, ốc mỡ, sò lông, sò huyết và những món ốc lạ như ốc cánh tiên, ốc súng, ốc tai tượng[98] Bên cạnh đó, nhiều loài ốc biển cũng mang độc tố. Việt Nam đã xác định được ít nhất ba loài ốc cối (Conus) chứa độc tố dưới dạng nọc độc (venom) có khả năng gây chết người, trong tự nhiên, ốc cối sử dụng độc tố làm vũ khí săn mồi, có khả năng gây tê liệt con mồi trong thời gian rất nhanh, độc tố này bị bất hoạt ở nhiệt độ cao nên không gây ra ngộ độc thực phẩm[99]. Nhiều loại ốc phổ biến có thể kể đến là:[100]
Ốc nước ngọt là vật chủ trung gian thường gắn liền với các bệnh sán nhiễm qua đường thức ăn gây bệnh ở gan, phổi, ruột người và động vật[111]:
Các loại ốc sinh sống ở tầng đáy có thể kể đến là:
San hô cứng là bộ đa dạng và quan trọng nhất của ngành Cnidaria ở Việt Nam, với hơn 300 loài san hô tạo rạn đã được mô tả. Môi trường biển của Việt Nam cũng có hơn 20 loài san hô có xương dạng quạt và 17 loài san hô mềm (bộ Alcyonaria). Nhìn chung khu hệ san hô ở Việt Nam ít đa dạng hơn so với các vùng khác của Đông Nam Á (Philipin có số lượng loài nhiều hơn gấp hai lần). Có một số các nguyên nhân tự nhiên có thể làm giảm sự phong phú và số lượng loài san hô như Lượng nước ngọt chảy ra biển, đặc biệt từ sông Hồng và sông Mê Kông, làm giảm độ mặn và gây lắng đọng và cả hai yếu tố này có thể ức chế sự phát triển của san hô. Số lượng loài san hô ít hơn mong đợi có thể do các dòng hải lưu chiếm ưu thế trong thời kỳ sinh sản của san hô không chảy từ các vùng có số lượng loài cao (các đảo ở thềm lục địa Sunda) làm hạn chế việc lấy thêm nhiều loài san hô khác.
Bờ biển Việt Nam đã biết có khoảng 50 loài Hải sâm. Holothuria là chi gồm nhiều loài ở biển Việt Nam (hiện biết 11 loài). Loài có xúc tu chia nhánh ở vịnh Bắc bộ thường gặp các loài trong họ Cucumariidae. Nhiều Loài không có chân ống, hình dạng chung giống giun. Bờ biển sâu (10-50m) có đáy là bùn cát hay bùn nhuyễn, Hầu hết được dùng với tên Hải sâm. Có nhiều loài Hải sâm, ở vịnh Bắc bộ Việt Nam phổ biến có các loại
Biển Việt Nam từ Khánh Hòa đến Côn Đảo có nhiều loài hải sâm,
Cầu gai được coi là một hải sản quý của biển rất có lợi cho sức khỏe. Ở Việt Nam, cầu gai có nhiều ở vùng biển miền Trung và đảo ngọc Phú Quốc. Cầu gai thường được nấu cháo, ăn sống hay nướng mỡ hành.
Chỉ vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng có loài hà này, nên trở thành một đặc sản của Hạ Long. Hà bắt buộc phải khai thác tự nhiên vì không nuôi cấy nhân tạo được. Việc khai thác hà ở Việt Nam là công việc khó khăn nguy hiểm vì vỏ hà rất sắc nhọn và thường bám ở những vách đá cheo leo.
Sứa biển: Mùa sứa biển bắt đầu từ sau tết Nguyên đán và kéo dài tới tận mùa hè. Sứa là một món ăn ngon, quen thuộc thường được dùng để làm gỏi, nấu bún. Ăn sứa vào mùa chúng sinh sản rất nguy hiểm. Mùa Xuân - Hè là thời điểm sinh sản của sứa biển, nên chúng thường tích lũy nhiều độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Sứa còn sống chứa nhiều độc tố, vô tình chạm phải sẽ gây dị ứng, rát, bỏng. Độc tố của sứa biển khi xâm nhập vào cơ thể con người có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, tụt huyết áp. Ngoài ra còn có các động vật sống ở tầng đáy khác như:
Về sá sùng: Ở vùng biển Việt Nam hiện đã biết 21 loài của ngành Sá sùng. Thường gặp là các chi
Một số loài được dùng làm thực phẩm như
Có rất nhiều dạng ký sinh trùng gây bệnh sống ký sinh trên các loại thực phẩm, từ hải sản, thịt gia súc, gia cầm tới rau quả. Việt Nam có hầu hết các loại ký sinh trùng đã được mô tả trên thế giới với mức phổ biến khác nhau. Giun sán là những ký sinh trùng phổ biến ở Việt Nam và số người mắc loại ký sinh trùng cũng tương đối nhiều[113] Hàng đầu là các bệnh giun sán: giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi, giun chỉ. Mầm giun sán rất phổ biến trong thức ăn tái sống.[114] Người Việt Nam hầu như ai cũng chứa giun sán trong cơ thể, lý do không chỉ vì tập quán ăn uống, mà còn do khí hậu nóng ẩm[114]. Trong 90 triệu người Việt Nam chiếm khoảng 80% dân số đang nhiễm phải giun, 60 triệu người Việt Nam nhiễm giun, cứ 10 người Việt Nam thì có bảy, tám người bị nhiễm giun, sán. Khoảng 70 – 80 % người dân nhiễm ít nhất một loại giun sán nào đó. Khoảng 3/4 dân số Việt Nam bị nhiễm giun, tỷ lệ nhiễm ở nam cao gấp 3 lần nữ[114][115][116]
Sán là một loài ký sinh phổ biến và nguy hiểm, người bị nhiễm sán còn gọi là bệnh sán lải. Tỉ lệ nhiễm sán tập trung nhiều ở Việt Nam do điều kiện vệ sinh dơ dáy bẩn thỉu và có nhiều loại thủy hải sản nhiễm sán[118]
Việt Nam có trên 110 loài giun đất, nhưng chỉ có 06 tới 08 loài được nuôi để sử dụng và sản xuất phân bón. Trong số đó có loài Eisenia Fetida (giun quắn) và đặc biệt là loài Perionyx excavatus (thường gọi là giun đỏ hay giun Quế) là được nuôi phổ biến. Vùng núi phong phú về số lượng loài nhưng mật độ và sinh khối thấp hơn đồng bằng (tức là ở vùng núi có nhiều loài nhưng ít cá thể, vùng đồng bằng ít loài nhưng nhiều cá thể), mùa mưa có số lượng loài, mật độ và sinh khối thấp hơn mùa khô, trừ vùng đồng bằng, hệ số đa dạng giảm dần theo mức độ tác động của con người lên các sinh cảnh nhưng, mật độ và sinh khối thì lại tăng.
Riêng ở An Giang một khảo sát cho thấy có 27 loài giun đất, thuộc 7 chi và 5 họ, chi Pheretimachiếm ưu thế (19 loài). 01 loài mới gặp lần đầu ở Việt Nam (Drawida barwelli), có 06 loài mới ghi nhận lần đầu ở An Giang (Lampito mauritii, Pheretima bahli, Pheretima californica, Pheretima peguana, Glyphidrilus papillatus, Dichogaster bolaui), có 11 loai chưa định được tên khoa học đến loài. Khu hệ giun đất ở An Giang có mật độ và sinh khối trung bình là n = 64 con/m2. Ph. posthuma là loài chiếm ưu thế nhất. Chi Pheretima trong họ Megascolecidae có số lượng loài phong phú nhất (19 loài, chiếm 70,37%), kế đến là chi Drawida có 3 loài (chiếm 11,11%), các chi còn lại mỗi chi có 1 loài (chiếm 3,70%).
Có 3 nhóm loài khác nhau trong nhóm có manh tràng ở An Giang.
Một khảo sát khác cho thấy có 17 loài giun đất được tìm thấy ở vành đai sông Tiền, thuộc 7 chi và 5 họ. Trong đó, có 3 loài mới ghi nhận lần đầu ở Nam Bộ (Dichogaster bolaui, Gordiodrilus elegans, Pheretima campanulata). Chi Pheretima có số loài nhiều nhất chiếm 58,82% tổng số loài trong cả vành đai. phân bố của các loài giun đất ở vành đai sông Tiền. Có 17 loài giun đất được tìm thấy ở vùng này. Trong số đó có 3 loài Dichogaster bolaui, Gordiodrilus elegans, Pheretima campanulata mới được tìm thấy lần đầu ở đồng bằng sông Cửu Long. Chi Pheretima có số loài nhiều nhất. Có đủ 3 nhóm hình thái sinh thái ở vùng này, trong đó nhóm thảm mục có số loài ít nhất mỗi sinh cảnh đều có 1 loài ưu thế đặc trưng cho chính nó.
Các loài giun đất trong vùng này chủ yếu là nhóm ở nông, có 2 loài thuộc nhóm dao động (Ph. elongata, Ph. juliani), không có loài nào thuộc nhóm ở sâu. vùng vành đai sông Tiền có 17 loài giun đất, thuộc 7 giống và 5 họ, có 6 dạng chưa định được tên khoa học đến loài. Trong các loài đã được xác định tên có 3 loài mới ghi nhận lần đầu ở Nam Bộ (Dichogaster bolaui, Gordiodrilus elegans, Ph. campanulata). Nét đặc trưng của khu hệ giun đất vành đai sông Tiền là chi Pheretima trong họ Megascolecidae có số lượng loài nhiều nhất, kế đến là chi Drawida có 2 loài, các giống còn lại mỗi chi có 1 loài.
Có 6 loài giun đất chung với khu hệ giun đất Phnômpênh (trung lưu sông Mêkông). Nổi bật trong số này là Pheretima posthuma chiếm mật độ và sinh khối cao nhất ở khu hệ Phnômpênh giống với đặc trưng phân bố của chúng ở vùng thượng nguồn sông Tiền, riêng L. mauritii gặp duy nhất ở cù lao ven biển. Khi so chúng với 13 loài giun đất được ghi nhận ở Nam Bộ cho đến nay, có 8 loài giống nhau. Nhìn chung, phần lớn các loài giun đất đã được xác định tên khoa học ở vành đai sông Tiền đều có vùng phân bố rộng. Chúng có mặt ở hầu hết các vùng, miền ở Việt Nam từ Đông Bắc đến Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ, cho đến tận Nam Bộ. Đáng chú ý, có hai loài Ph. houlleti (ở Đông Dương) và Ph. juliani chỉ gặp trong lưu vực sông Mêkông. Dựa vào các đặc điểm phân biệt của 3 nhóm hình thái – sinh thái giun đất, có thể sắp xếp các loài giun đất ở vành đai sông Tiền thành các nhóm sau:
Ngoài ra, còn có Tuyến trùng (Nematodes): Truyến trùng xâm nhập vào rễ làm vách tế bào, ngăn cản rễ hút dinh dưỡng của chuối[119].
Đỉa và vắt có cùng một tổ tiên, nhưng trong quá trình tìm kiếm thức ăn, có thể do môi trường sống và thức ăn có sự khác biệt, chúng tiến hóa để phù hợp với môi trường và thức ăn ưa thích của chúng. Con vắt sống trên rừng, hút máu động vật ở cạn, trong khi đỉa lại sống ở chỗ nước không quá mạnh, hút máu cá, ếch nhái và các loài động vật khác rơi xuống nước[120].
Việt Nam là quốc gia đa dạng về các loại côn trùng với hơn 5.500 loài. Tại Pù Mát, Tổng cộng hiện đã xác định được 1.084 loài thuộc 64 họ, của 7 bộ. Trong đó có 71 loài đặc hữu Bước đầu đã xác định được 78 loài thuộc 40 chi, 9 phân họ Kiến có mặt tại Pù Mát[122] Ghi nhận được 756 loài thuộc 68 họ, 10 bộ. Vường quốc gia Cát Tiên[48]. Tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng xác định được sự có mặt của 369 loài côn trùng thuộc 40 họ, 13 bộ. Có hai loài côn trùng được xếp vào dạng quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam là Bọ ngựa xanh Mantis religiosa và Bướm phượng đuôi nheo Lamproptera curius[123]. Vườn quốc gia Hoàng Liên: Bọ cánh cứng ăn lá có 89 loài, 40 giống và 9 phân họ Bọ cánh cứng. Kẹp kìm có 18 loài thuộc 7 giống, trong đó 4 loài chỉ tìm thấy ở Hoàng Liên[124].
Chỉ riêng kết quả khảo sát về thành phần côn trùng gây hại và thiên địch tại Cần Thơ ghi nhận có 13 có bộ thuộc lớp côn trùng (Insecta) hiện diện với 75 họ, bao gồm các bộ như bộ Cánh màng (Hymenoptera), bộ Hai cánh (Diptera), bộ Cánh vẩy Lepidoptera), bộ Cánhđều (Homoptera), bộ Cánh cứng (Coleoptera), bộ Cánh thẳng (Orthoptera), bộ Cánh nửa cứng (Hemiptera), bộ Cánh bằng (Isoptera), bộ Cánh lưới (Neuroptera), bộ Đuôi bật (Collembola), bộ Chuồn chuồn (Odonata), bộ Đuôi kìm (Dermaptera)và bộ Cánh tơ (Thysanoptera), trong đó có 5 bộ chiếm đa số là bộ Cánh màng(Hymenoptera), bộ Hai cánh (Diptera), bộ Cánh vẩy (Lepidoptera), bộ Cánh cứng(Coleoptera) và bộ Cánh đều (Homoptera).
Ở Việt Nam có khoảng 130 loài bướm các loại (theo thống kê chung nhất của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), chúng được phân bố tương đối đều trên các vùng miền của Việt Nam[125]. Mặc dù vậy, thống kê về số lượng loài bướm ở từng vùng lại đa dạng hơn rất nhiều theo như thống kê của từng vùng. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có 270 loài bướm ngày, chiếm khoảng 1/4-1/5 tổng số loài bướm ngày đã phát hiện ở Việt Nam[123], một khảo sát khác đã ghi nhận được 261 loài bướm thuộc 11 họ. Hầu hết các nhóm bướm ở Việt Nam đều có mặt ở vùng Phong Nha-Kẻ Bàng với số loài chiếm tới 1/4-1/5 tổng số loài bướm của Việt Nam[126]. Vườn quốc gia Hoàng Liên ghi nhận được 304 loài, thuộc 138 chi, 10 họ. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng miền khác, các loài bướm đặc hữu như Bayasa polla, Papilio krishna cùng nhiều loài khác thuộc họ Bướm xanh Lycaenidae (Chrysozephyrus spp và Neozephyrus spp)[124] Vường quốc gia Cát Tiên Riêng các loài bướm đã xác định được 450 loài, chiếm hơn 50% tổng số loài bướm được ghi nhận ở Việt Nam. Các loài quý hiếm có 2 loài là bướm phượng và bướm phượng cánh sau vàng, bướm phượng cánh kiếm[48][127]. Vườn quốc Gia Pù Mát có tổng cộng có 459 loài bướm bao gồm: 365 loài bườm ngày, 94 loài bướm đêm (83 loài bướm sừng và 11 loài bướm Hoàng đế). Trong đó có 7 loài bướm ngày và 4 loài bướm đêm (bườm sừng) là những loài mới ở Việt Nam. Ngoài ra còn có 3 loài bướm ngày nằm trong sách đỏ Việt Nam được xếp hạng ở mức VU (Sẽ nguy cấp) [122]. Ở Cúc Phương, loài bướm phổ biến nhất là bướm trắng (chủ yếu là loài Appias albinas).[128]. Trong số 46 loài cần bảo vệ thì Việt Nam có 4 loài là Teinopalpus aureus, Teinopalpus imperialis, Troides helena và Troides aeacus. Trong số các loài này thì loài bướm đuôi kiếm đốm vàng (Teinpalpus aureus) bị săn bắt ráo riết nhất do có giá trị thương mại cao. Trên thế giới loài bướm đuôi kiếm đốm vàng (Teinpalpus aureus) phân bố hẹp, loài này phân bố rải rác từ miền Bắc (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vào tới nam Trung bộ (Đắc Nông). Các địa điểm mới phát hiện có sự phân bố của loài này là Pù Mát (Nghệ An), Đắc Nông, Đắk Lắk. Việt Nam có hai loài phụ, Hai loài phụ này rất giống nhau, chỉ khác nhau ở ô cánh của cánh sau[129].
Ở Vùng Cúc Phương có mặt 370 loài, ở Tam Đảo có 360 loài và ở Hoàng Liên có 302 loài; đồng thời, thành phần loài bướm ở Hoàng Liên rất khác với cácvùng khác ở Việt Nam. Tổng số 157 loài bướm (trừ hai họ Lycaenidae và Hesperiidae) đã được ghi nhận. Trong đó, Cúc Phương có số loài nhiều nhất 99 loài, tiếp đến là Tam Đảo 98 loài và Hoàng Liên ít nhất với 80 loài. Một số loài có sốlượng cá thể nhiều như Catopsilia pomona, Penthema darlisa, Euploea mulciber, Euploea tulliolus, Euploea eunice ở Cúc Phương. Cúc Phương có số lượng loài nhiều nhất, số lượng cá thể quan sátđược nhiều hơn hẳn so với ở Tam Đảo và Hoàng Liên. Loài bướm cả Appias albina ở Cúc Phương có số lượng lớn nhất, hàng ngàn cá thể bay dọc đường. Bốn loài có giá trị bảo tồn ghi nhận được ở ba vùng nghiên cứu là
Trong số các loài có giá trị bảo tồn, Tam Đảo có 3 loài là Teinopalpus aureus, Troides aeacus và Troides helena. Cúc Phương có 2 loài là Troides aeacus và Troides helena. Hoàng Liên có 2 loài là Teinopalpus imperialis và Troides helena. Hai loài Teinopalpus là những loài phân bố rải rác trong rừng núi trung bình đến núi cao ở một số vùng Việt Nam. Một số loài chỉ thấy phân bố ở vùng núi cao như Hoàng Liên mà không thấy ở Tam Đảo và Cúc Phương là Teinopalpus imperialis, Bysa lattereillei, Papilio bootes, Chilasa epycides, Graphium eurous, Aporia agathon, Delias belladonna, Callerebia narasingha, Lethe siderea, Ypthima frontier, Athyma opalina, Calinaga buddha bedoci. Loài Papilio bootes xuất hiện ở ven suối độ cao 1200-1300m. Loài Byasa lattereilei phân bố cao hơn, thấy ở độ cao 1800-2000m.
Hoàng Liên có 210 loài bướm lớn, Tam Đảo có 232 loài bướm lớn và Cúc Phương có 198 loài bướm lớn. Tỷ lệ các loài bướm lớn ghi nhận được trong tháng 4 năm 2012 dao động từ 38% đến 50% tổng số loài bướm lớn. Tổng số 157 loài bướm lớn đã ghi nhận chiếm 38-50% tổng số loài bướm lớn của các vùng. Các loài có giá trị bảo tồn là Troides helena, Troides aeacus, Teinopalpus aureus, Teinopalpus imperialis. Trong cùng thời gian điều tra, càng lên cao, tỷ lệ % loài ghi nhận được sovới tổng số loài của vùng có xu hướng giảm đi.
Một số loài:
Việt Nam đã xác định được 09 bộ thuộc nhóm Côn trùng ở nước: Phù du (Ephemeroptera), Chuồn chuồn (Odonata), Cánh lông (Tricoptera), Cánh úp (Plecoptera), Cánh nửa (Hemiptera), Cánh cứng (Coleoptera), Hai cánh (Diptera), Cánh rộng (Megaloptera), Cánh vảy (Lepidoptera). Chỉ riêng Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trong khu vưc̣ Tây Bắc Viêṭ Nam có 53 loài thuộc 31 chi và 11 họ, xác định được 10 loài ghi nhận mới cho khu hệ côn trùng của Việt Nam. Một ngiên cứu mới nhất xác định bước đầu đã thu thập được 20 họ thuộc 04 bộ với tổng số 77 loài, số lượng mẫu thu đượ 376 mẫu côn trùng nước[131]. Trước đó tại Vường quốc gia Hoàng Liên cũng đã xác định được 186 loài thuộc 145 giống, 56 họ của 9 bộ côn trùng nước. Trong đó bộ Phù du có số loài lớn nhất với 57 loài (30,6%), tiếp đến là bộ Cánh lông với 36 loài (19,4%), hai bộ Chuồn chuồn và bộ Cánh cứng cùng thu được 20 loài (10,8%), bộ Cánh nửa với 18 loài (9,7%), bộ Hai cánh với 17 loài (9,1%), bộ Cánh úp thu được 16 loài (8,6%), bộ Cánh vảy và bộ Cánh rộng chỉ thu được duy nhất một loài (0,5%).
Việt Nam có nhiều loại côn trùng gây hại cho cây trồng nhất là các loại cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn), cây ăn trái, hoa màu, và các loại cây trồng khác. Các loại cây ăn quả là các cây thường bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh gây hại. Mức độ bị hại, thời gian sâu bệnh gây hại thay đổi rất nhiều tuỳ thuộc vào giống cây, vào kỹ thuật canh tác và vào các điều kiện sinh thái của vùng trồng. Mía cũng là cây trồng chứa nhiều dưỡng chất rất hấp dẫn đối với sâu bọ và các loài vật gây hại khác. Ngoài ra, sự có mặt thường xuyên của cây mía trên đồng ruộng cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bọ và các loại bệnh cây ẩn náu tồn tại. Việt Nam hiện nay có trên 20 loài sâu bọ hại mía[132].
Riêng tại Cần Thơ đã ghi nhận có 44 loài côn trùng gây hại trên ruộng đậu thuộc bộ Cánh vẩy, bộ Cánh đều, bộ Cánh cứng, bộ Hai cánh, bộ Cánh nửa cứng, bộ Cánh tơ và bộ Cánh thẳng. Thành phần loài gây hại khá phong phú. Trong các loài gây hại chỉ có loài sâu đục trái Etiella zinckenella là có tần số xuất hiện cao hiện diện trên tất cả các ruộng đậu nành. Kế đến là các loại rầy mềm và sâu ăn tạp. Cụ thể là
Ở Việt Nam có 03 loài ruồi đục quả quan trọng và nguy hiểm nhất là[133][134]:
Ngoài ra, tại Việt Nam, có các loài côn trùng gây hại phổ biến sau đây:
Việt Nam cũng là nơi tồn tại nhiều loại côn trùng có hại cho con người. Trong cuộc sống hàng ngày thường xuyên phải gặp những loại côn trùng gây hại cho sức khỏe và cuộc sống phổ biến như các loài ruồi, muỗi, kiến, gián, mối, mọt, chấy, rận, mạt, rệp, ve, bét, bọ chét[138]
Việt Nam là quốc gia với rất nhiều ruồi, các loài ruồi thường thấy ở Việt Nam gồm có: Ruồi giấm, ruồi ăn xác chết, ruồi nhặng (lằng/ruồi xanh), ruồi nhà, ruồi đàn, ruồi trâu:
Là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam trở thành môi trường lý tưởng cho loài muỗi sinh sôi, phát triển, muỗi đốt là nguyên nhân làm nhiễm trùng da, gây sốt (sốt siêu vi) và truyền nhiễm các bệnh nguy hiểm. Ở Việt Nam, vào mùa hè và mùa mưa hàng năm, sự phát triển của muỗi thường xuyên gây nên các dịch bệnh làm tử vong nhiều bệnh nhân. Hai loài muỗi phổ biến và nguy hiểm ở Việt Nam gồm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường được gọi là muỗi vằn (Aedes aegypti) và muỗi truyền bệnh sốt rét thường được gọi là muỗi đòn xóc (Anopheles).
Loài kiến khi di chuyển rồi bò vào thức ăn mang theo một lượng vi khuẩn lớn ảnh hưởng đến con người và là tác nhân truyền bệnh gián tiếp, đó là cách bệnh như: Tiêu chảy, dịch sốt, ho… Không chỉ có vậy khi bị kiến đốt con bị phát ban, gây mẩm ngứa, dị ứng rất nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như vết đốt của kiến lửa không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cảm giác nhói buốt dai dẳng.
Ở Việt Nam, theo các tài liệu đã công bố cho đến nay đã phát hiện 11 loài gián, trong đó có 7 loài phân bố toàn cầu, 04 loài gián phân bố ở vùng. Cụ thể là:
Gián nhà được coi là loài gây hại, có hại cho sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của con người. Chúng có tập tính sống ở những nơi bẩn thỉu, hủy hoại và làm thức ăn bị nhiễm khuẩn, đồng thời có thể gặm nhấm làm hư hỏng một số vật dụng như quần áo, vải vóc, bìa gáy sách vở. Chúng vừa ăn vừa nôn mửa những thức ăn mà chúng đã tiêu hóa một phần và đào thải phân rải rác khắp nơi. Các chất bài tiết, nôn mửa từ miệng gián, các tuyến trên cơ thể của gián có mùi hôi đặc biệt, rất khó chịu và đọng lại rất lâu trên những vật dụng mà nó đã đi qua. Những loài gián nhà thường gặp trong nhà ở Việt Nam là:
Việt Nam nằm hoàn toàn trong vùng phân bố của mối do đó suốt từ Bắc đến Nam vùng nào cũng có mối, mối có mặt cả vùng nông thôn đến thành thị. Riêng ở các vùng núi mối có thể có mặt trên những đỉnh núi cao trên 1700m. Ở Việt Nam có khoảng 106 loài mối. Mối là côn trùng có hại. Nó phá hoại nhà cửa, đê điều, hồ chứa nước, thuyền bè, cầu cống thậm chí mối còn tấn công con người khi phá tổ của chúng. Nhiều loài mối khi xâm nhập vào công trình chúng thường gây thiệt hại nhiều mặt và to lớn cho công trình. Nhà cửa, kho tàng; đê đập và cây bị các loài mối gây hại ở mức độ khác nhau. Trong đó có một số nhóm loài gây hại thường gặp là các chi:
Bên cạnh những loài côn trùng gây hại thì còn có rất nhiều loại côn trùng có ích, nhóm này thường được gọi là côn trùng thiên địch. Các loài côn trùng thiên địch thường hạn chế được các côn trùng gây hại cho cây trồng. Chưa có số liệu cuối cùng về nhóm này. Riêng tại Cần Thơ, một khảo sát về thành phần thiên địch của sâu hại trên ruộng đậu đã phát hiện được 52 loài có ích và 33 loài côn trùng chưa xác định rõ vai trò trong hệ sinh thái hiện diện trong các bộ như Coleoptera, Hemiptera, Hymenoptera, Diptera, Orthoptera, Neuroptera, Odonata và Dermaptera. Nhóm côn trùng có ích chiếm tỷ lệ cao nhất (38,2%), kế đến là nhóm côn trùng gây hại (35,1%) và nhóm chưa xác định rõ vai trò trong hệ sinh thái nông nghiệp chiếm 26,7%. Thành phần nhóm loài côn trùng có ích hiện diện trên các ruộng đậu thì bộ Cánh màng chiếm tỷ lệ cao nhất (33%), tiếp theo là bộ Hai cánh (26%), bộ Cánh cứng (14%), bộ Cánh nửa cứng, bộ Cánh thẳng và các bộ côn trùng khác (4%). Có 85 loài thiên địch của sâu hại và côn trùng chưa xác định rõ vai trò. Trong đó, bộ Coleoptera có 14 loài, bộ Cánh nửa cứng có 03 loài, bộ Cánh màng có 33 loài, bộ Hai cánh có 26 loài, bộ Cánh thẳng có 02 loài, bộ Cánh lưới có 02 loài, bộ Chuồn chuồn có 02 loài, bộ Đuôi kìm có 01 loài. Hầu hết côn trùng thuộc nhóm chưa xác định được vai trò trong hệ sinh thái thuộc bộ Hai cánh.
Một số loài khác như:
Những món ăn nổi tiếng từ côn trùng ở Việt Nam: Bọ xít, châu chấu, trứng kiến, đuông dừa, nhộng ong có hình hài dễ gây cảm giác sợ, nhưng khi vào tay các đầu bếp Việt đều trở thành những món ngon[141].
Việt Nam cũng là quốc gia có sự phong phú và đa dạng của các động vật thuộc lớp Hình nhện (Anachida). Một cuộc khảo sát trên các ruộng khảo sát ở Cần Thơ còn phát hiện nhiều loài nhện bắt mồi thuộc lớp Arachnida, và một số loài thuộc lớp Chilopoda, lớp Diplopoda. Một số loài thuộc lớp hình nhện thường bắt gặp ở Việt Nam là:
Các loài nhện ở Việt Nam không độc như nhiều đồng loại của chúng ở châu Phi hay Nam Mỹ. Vết đốt của nhện thường làm da phồng lên, đỏ và nhức. Đôi khi gây chóng mặt, sốt nhưng không đến nổi quá nguy hiểm. Ở Việt Nam, nhện còn được gọi là nhền nhện.
Ở Việt Nam có hai loài bọ cap phổ biến là bọ cạp đen và bọ cạp nâu. Bọ cạp ở Việt Nam có độc tính không cao, vết chích của bọ cạp Việt Nam thường gây sưng, nóng, đỏ và đau nhức trong vòng 12 giờ, nhưng không gây chết người. Có khi nạn nhân chỉ cảm thấy hơi bị ngứa rát ở chỗ bị cắn nhưng liền sau đó có người bị chóng mặt, đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi, buồn nôn, cứng chân tay, nặng hơn là co giật toàn thân, bị rối loạn nhịp tim.[145] Loại bọ cạp có màu đen, càng to và dài như càng cua, đuôi dài, có con đuôi to. Nếu bị bọ cạp lớn hơn ngón tay cái đốt, nọc độc sẽ rất mạnh, người lớn mất vài ngày mới khỏi. Riêng trẻ em khi bị bọ cạp đốt nên đưa đi bác sĩ để được khám chữa kịp thời[146]
Bọ cạp chúa (bọ cạp đen An Giang) ở vùng biên giới An Giang, núi Sam, là loài có đốt, thường sống dưới những hòn đá hoặc khe vách, chúng thường trú ẩn trong các tầng đá hoặc lớp đất xốp dưới lá cây mục. Ban đêm bò cạp bò rất nhanh và hung dữ, nhưng ban ngày thì nằm một chỗ, rất lành. Đầu và ngực bọ cạp vùng này ngắn, bụng dài, có nọc độc. Bò cạp chúa được đồn thổi là thần dược, ăn bọ cạp nướng ăn là sung dược tăng sức mạnh đàn ông. Trong Đông y loài này được dùng làm thuốc trấn kinh, chữa trẻ em kinh phong, uốn ván, ngâm rượu uống chữa chứng đau nhức[147][148][149]
Trước những nguy cơ và hiểm họa tuyệt chủng hàng loạt của các loài động vật Việt Nam dẫn đến mất cân bằng sinh thái, đe dọa đến cuộc sống hiện tại. Với sự lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới hay ở châu Á cũng như các cơ quan của Liên Hiệp quốc, trong công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam, chấm dứt tình trạng buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã ở Việt Nam, Chính quyền Việt Nam cũng đã phải có những đánh giá, quan tâm đến hiện trạng bi đát của hệ động vật và bắt đầu có một số nỗ lực bảo tồn hệ động vật mong manh hiện còn. Dựa dẫm vào nguồn tài trợ của các tổ chức bảo vệ động vật, Chính quyền Việt Nam cũng đã từng bước khoanh vùng và xác định những vùng bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Một kết quả quan trọng là đã xác định các vùng vườn quốc gia hay công viên quốc gia tạo thành hệ thống các Vườn quốc gia ở Việt Nam. Năm 1966, Việt Nam có vườn quốc gia đầu tiên là vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình. Hiện nay Việt Nam có 30 vườn quốc gia với tổng diện tích các vườn quốc gia khoảng 10.350,74 km² (trong đó có 620,10 km² là mặt biển), chiếm khoảng 2,93% diện tích lãnh thổ đất liền. Đến tháng 8 năm 2015, Việt Nam đã có 31 vườn quốc gia. Các vường quốc gia hiện nay là 1-Ba Bể, 2- Bái Tử Long, 3-Hoàng Liên, 4-Tam Đảo, 5-Xuân Sơn, 6-Ba Vì, 7-Cát Bà, 8-Cúc Phương, 9-Xuân Thủy, 10-Bạch Mã, 11-Bến En, 12-Phong Nha-Kẻ Bàng, 13-Pù Mát, 14-Vũ Quang, 15-Núi Chúa, 16-Phước Bình, 17-Bidoup Núi Bà, 18-Chư Mom Ray, 19-Chư Yang Sin, 20-Kon Ka Kinh, 21-Yok Đôn, 22-Bù Gia Mập, 23-Cát Tiên, 24-Côn Đảo, 25-Lò Gò-Xa Mát, 26-Mũi Cà Mau, 27-Phú Quốc, 28-Tràm Chim, 29- U Minh Hạ, 30-U Minh Thượng. Mới nhất, đã thành lập Công viên động vật hoang dã quốc gia Ninh Bình
Trên cơ sở các vườn quốc gia đang tồn tại, thế giới đã công nhận tiếp một số vùng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, 2000 [152]. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, 2011 [153]. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, 2004 [154]. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, 2004 [155]. Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, 2006 [156]. Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, 2007 [157]. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, 2009 [158]. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, 2009 [159]. Khu dự trữ sinh quyển Langbian vào năm 2015. Ngoài ra, tính đến năm 2013, Việt Nam có 6 khu Ramsar (bảo tồn sinh thái vùng đất ngập nước): Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định. Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai. Hồ Ba Bể - Bắc Kạn. Vườn quốc gia Tràm Chim[160], huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Vươn quốc gia Côn Đảo (2014).
Các khu đang đề xuất gồm: Khu dự trữ sinh quyển Cúc Phương - Ngọc Sơn - Pù Luông: thuộc địa bàn 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.[161] Khu dự trữ sinh quyển cửa sông Cửu Long: nằm ở ven biển 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.[162] Khu dự trữ sinh quyển Hoàng Liên Sơn: thuộc địa phận tỉnh Lào Cai với 3 vùng lõi là Vườn quốc gia Hoàng Liên, khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn và khu rừng đặc dụng Y Tý. Khu dự trữ sinh quyển Kon Ka Kinh: thuộc địa phận các tỉnh Gia Lai và Bình Định với 3 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu bảo tồn Kon Chư Răng và khu bảo tồn An Toàn (An Lão). Khu dự trữ sinh quyển Ba Bể: thuộc địa phận 2 tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang với các vùng lõi là Vườn quốc gia Ba Bể và các khu rừng cấm Tát Kẻ-Bản Bung (khu dự trữ thiên nhiên Na Hang)
Đối với công tác bảo tồn các loài chim, BirdLife International công nhận (để bảo tồn) danh sách 60 vùng chim quan trọng tại Việt Nam. Những vùng chim quan trọng này đều nằm trong phạm vi của các vườn quốc gia ở Việt Nam và để bảo vệ những loài chim ở Việt Nam. Cũng theo phân tích của tổ chức BirdLife quốc tế năm 1998 đã xác định có ba vùng chim đặc hữu: Vùng đất thấp Trung Bộ, Cao nguyên Đà Lạt và Vùng đất thấp Nam Việt Nam. Gần đây đã phát hiện thêm hai vùng khác là: Phân vùng Cao nguyên Kon Tum và Vùng núi đông-nam Trung Quốc. Ngoài ra Việt Nam còn có một phần của Phân vùng chim đặc hữu Núi Fansipan và Bắc Lào. Đến nay, Việt Nam đã xác định được 06 Vùng chim đặc hữu tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đã phối hợp với các Tổ chức Động vật thế giới và Tổ chức động vật châu Á để thành lập các địa điểm bảo tồn và cứu hộ động vật (Trung tâm cứu hộ động vật, Trạm cứu hộ động vật hay còn gọi là Bệnh viện Động vật), Dù vậy, hiện Việt Nam chỉ có một nơi được gọi là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tổng hợp đúng nghĩa đóng tại huyện Sóc Sơn - Hà Nội. Tuy nhiên, kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm này do Chính quyền Hà Nội lo nên cũng èo uột. Các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã chưa được đầu tư về điều kiện và kinh phí nên hiệu quả hoạt động kém, chưa đúng tầm, mới chỉ là nơi lưu giữ động vật bị thu giữ chứ chưa phải là cứu hộ theo đúng nghĩa. Ngoài ra Việt Nam vẫn chưa có lực lượng chuyên trách về cứu hộ động vật hoang dã, các bác sĩ thú y ở Việt Nam chủ yếu được đào tạo từ các trường đại học trong nước nên chỉ có chuyên môn ở vài loài gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) hay gia súc (heo, bò, trâu)[163]
Tính đến năm 2012, Việt Nam có ba nơi có chức năng cứu hộ nhiều loài động vật hoang dã là: Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội), Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh)[164][165][166] với nguồn vốn đầu tư chủ yếu được tổ chức Wildlife at Risk (WAR-Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã) tài trợ thông qua dự án "Gấu" và Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (Kiên Giang)[167] do Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) tài trợ<. Ngoài ra còn có nhiều trạm tập trung cứu hộ từ một đến hai loài hoặc một nhóm loài như: Trạm cứu hộ thú linh trưởng quý hiếm và rùa ở Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) với Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê, Chương trình Bảo tồn Rùa; Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thuộc dự án của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF)[168], linh trưởng ở Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng) với tên gọi Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp ở Vườn Quốc gia Cát Tiên; Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng – Quảng Bình.
Một biện pháp bảo tồn động vật hoang dã nữa là thông qua các tổ chức cơ sở quy mô vừa và nhỏ nhất là các vườn thú (Sở thú), công viên, lâm viên ở nội đô, các khu du lịch sinh thái hay Khu du lịch quốc gia. Điển hình là các địa điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh như Thảo Cầm Viên Thành phố Hồ Chí Minh, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên là những nơi còn lưu giữ và bảo tồn nhiều động vật quý hiếm của Việt Nam, trong đó có Saigon Safari Park thuộc Thảo Cầm Viên Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên diện tích 456,85 ha để trưng bày thú hoang dã kết hợp với phục vụ vui chơi giải trí tại xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây, là một công viên với mô hình sinh thái quy mô nhất Việt Nam, còn giữ vai trò là một công viên quốc gia, nơi đây sẽ bảo tồn, lưu giữ, nhân giống các loài động thực vật quy hiếm. Bên cạnh đó còn có khu du lịch sinh thái Vàm Sát, khu du lịch sinh thái Bình Quới – Thanh Đa, khu du lịch Văn Thánh với phong cách nguyên sơ miền Tây sông nước.
Một số địa điểm khác như Vườn thú Đại Nam thuộc Khu du lịch Đại Nam là một vườn thú của Việt Nam. Tại đây những con thú được nhốt trong các chuồng rộng, tương tự như Thảo cầm viên Thành phố Hồ Chí Minh. Vườn thú rộng mát với khuôn viên 12,5 hécta, có 100 loài động vật có vú, chim chóc, bò sát trong đó có 800 con và các loài cá cảnh. Có các loài như: sư tử trắng, tê giác trắng, hổ trắng, công trắng, ngựa vằn, rùa da báo, hươu cao cổ, Hà mã, hổ Đông Dương, Khỉ sóc Nam Mĩ, Báo lửa, Nai cà tong, Hồng hoàng, Linh dương sừng kiếm[169]. Khu thú nhỏ được nhốt và ngăn cách bởi các tấm kính. Các chuồng thú ở Đại Nam thường không nuôi một loài thú đơn điệu mà là một tổ hợp các loài chim – thú – bò sát có cùng tập tính sinh hoạt chung sống hài hòa trong một môi trường sinh thái đa dạng.
Vườn thú Hà Nội còn có tên là Vườn thú Thủ Lệ hay Công viên Thủ Lệ đang lưu giữ một số động vật quý nhưng hiện nay đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, việc chăm sóc cho các loài động vật bị bỏ bê; Vườn thú được chia làm nhiều khu: Khu bò sát nuôi rắn, kỳ đà, cá sấu. Khu chim chóc có công, trĩ, uyên ương, hạc, cò, sếu, các loài chim hót như họa mi, khướu, Khu thú dữ gồm hổ, báo, sư tử, gấu, hàng trăm loài thú móng guốc như hươu, nai, dê. Vườn thú đã có hơn 40 loài đặc hữu quý hiếm nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam như: Hổ Đông Dương, Báo gấm, Beo lửa, Cầy vằn, Báo hoa mai, Gà lôi lam đuôi trắng, các loại chim họ Trĩ, cá cóc Tam Đảo. Hiện nay Vườn thú Thủ Lệ đã có gần 600 cá thể thuộc hơn 100 loài bao gồm: 35 loài thú, 50 loài chim, 5 loài bò sát lưỡng cư, 40 loài cá nước mặn.
Ở miền Trung có Khu du lịch Trại Bò (huyện Diễn Châu, Nghệ An) rộng trên 100 ha, là nơi nuôi nhốt những loài thú quý hiếm có tên trong sách Đỏ[170] nơi đây hiện có 18 loài động vật quý hiếm như hổ, tê giác, hà mã, bò tót, sư tử với số lượng hơn 100 cá thể. Riêng hổ, Trại Bò có 33 cá thể trong đó có 11 con hổ trắng, đơn vị sẽ đưa về thêm nhiều loài động vật mới như hươu cao cổ, báo, beo, sư tử trắng và một số loài khác[171]. Ở Đà Nẵng có Vườn thú tại Công viên 29 tháng 3 thành phố Đà Nẵng. Khu vườn thú công viên khá nhỏ, chỉ nuôi nhốt vài loại động vật: nai, khỉ. Công viên 29/3 hiện có 14 con nai, trong đó có 5 – sáu con nai đực được nuôi trong diện tích khoảng 400m2 để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Vườn thú này có sự việc nhân viên Công viên xẻ thịt nai ngay vườn thú[172][173][174][cần dẫn nguồn]
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng của Đồng Tháp là một địa điểm có nhiều loài chim quý. Vườn chim Thung Nham thuộc Khu du lịch sinh thái Thung Nham là nơi cư ngụ của 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, đa dạng các loại chim như cò, vạc, diệp, le le, mòng két, chích chòe lửa, cho tới sáo đá, ở vườn chim có hai loài chim đặc biệt quý hiếm được ghi trong sách đỏ là Hằng Hạc và Phượng Hoàng. Khu du lịch sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam, Khu du lịch sinh thái Đập Nha Trinh, khu du lịch sinh thái Thác Đa, khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng ở Đồng Nai, khu du lịch Khu du lịch Tam Chúc, ngoài ra còn có khu du lịch ở Cù lao An Bình trong tua du lịch miền Tây, là một cù lao xanh nằm giữa dòng sông Tiền, được hợp thành từ 4 xã với diện tích khoảng 60km2 trở thành điểm hẹn du lịch miệt vườn. Khu du lịch Hồ Ea Kao, Hồ Ea Súp Thượng, Hồ Lắk, Bãi Khem.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.