xe tăng chiến đấu chủ lực From Wikipedia, the free encyclopedia
T-72 là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Liên Xô, được sản xuất vào năm 1971 và ra mắt vào năm 1977. Mặc dù có hình dạng rất giống T-64, T-72 được các kỹ sư của nhà máy Uralvagonzavod phát triển từ khung gầm của T-62 (cũng của Uralvagonzavod) kết hợp với những chi tiết kỹ thuật tiên tiến từ T-64 (của Phòng thiết kế Morozov và Nhà máy Malyshev).[4]
T-72 | |
---|---|
T-72 tại Bảo tàng Xe tăng Worthington, Canada. | |
Loại | Tăng chiến đấu chủ lực |
Nơi chế tạo | Liên Xô |
Lược sử hoạt động | |
Phục vụ | 1973 - nay |
Sử dụng bởi | Xem Các quốc gia sử dụng
|
Trận | Xem Lịch sử chiến đấu |
Lược sử chế tạo | |
Giá thành | 280.000 rúp (T-72B, thời giá 1986) |
Giai đoạn sản xuất | 1971 - nay |
Số lượng chế tạo | 25.000+ |
Các biến thể | Xem Các phiên bản |
Thông số | |
Khối lượng | 41 tấn 41,5 tấn đối với T-72M [1] 41,5 tấn (không có ERA) đối với T-72M1[2] 44,5 tấn đối với T-72B[2] 44,5 tấn đối với T-72S[3] |
Chiều dài | 6,9 m 6,67 m (9,53 m với nòng pháo phía trước) đối với T-72A[3] 6,95 m (9,53 m với nòng pháo phía trước) đối với T-72M1, T-72B và T-72S[3][2] |
Chiều rộng | 3,6 m 3,59 m (3,37 m không có tấm giáp chắn sườn) đối với T-72A, T-72M1, T-72B và T-72S[3][2] |
Chiều cao | 2,2 m 2,19 m đối với T-72A[3] 2,23 m đối với T-72M1 và T-72B[2] 2.22 m đối với T-72S[3] |
Kíp chiến đấu | 3 (chỉ huy, lái xe và pháo thủ) |
Phương tiện bọc thép | T-72 Ural (nguyên bản đầu tiên), T-72M và T-72M1 (các phiên bản xuất khẩu): Giáp thép thông thường T-72A, T-72B (các phiên bản dành cho quân đội Liên Xô): Giáp composite; đèn hồng ngoại và ống phóng lựu đạn khói có giáp bảo vệ; T-72B3 (phiên bản hiện đại hóa của Nga): Giáp composite thế hệ 3; thép có độ cứng cao, tungsten và chất dẻo cùng với ceramic Độ dày quy đổi ra thép tiêu chuẩn: 380 mm (15 in) trước tháp pháo (T-72 Ural và T-72M) 420 mm (16,6 in) trước tháp pháo (T-72M1) 500 mm (19,7 in) trước tháp pháo (T-72A)[2] 520 mm (20,5 in) trước tháp pháo (T-72B)[2] |
Vũ khí chính | Pháo nòng trơn 125 mm 2A46M T-72A, T-72B, T-72S và T-72BM có thể phóng tên lửa 9M119 Svir qua nòng pháo |
Vũ khí phụ | Súng máy đồng trục PKMT 7,62 mm (2.000 viên đạn)[2] súng máy phòng không hạng nặng 12,7 mm DShK 1938/46 hoặc NSVT (300 viên đạn) phía trên vị trí chỉ huy[2] |
Động cơ | Các loại động cơ 12-xylanh: V-46-6 đối với T-72 "Ural" V-84 làm lạnh bằng khí đối với T-72B và T-72S[3] V-92S2 đối với T-72B2/B3 V-92S2F đối với T-72B3M 780 hp (582 kW) với T-72 "Urał" 840 hp (626 kW) với Objekt 172-2M "Buffalo" và T-72B 1.000 hp (746 kW) với T-72B2/B3 1.130 hp (840 kW) với T-72B3M |
Công suất/trọng lượng | 19 hp/tấn (14,2 kW/tấn) với T-72 "Urał" 20,5 hp/tấn (15.3 kW/tấn) với Objekt 172-2M "Buffalo" và T-72B 22,1 hp/tấn (16.7 kW/tấn) với T-72B2/B3 24,9 hp/tấn (18.6 kW/tấn) với T-72B3M |
Hệ thống treo | Thanh xoắn |
Khoảng sáng gầm | 490 mm[2] |
Sức chứa nhiên liệu | 1200 lít (317 gal)[2] |
Tầm hoạt động | 450 km, với thùng nhiên liệu đặt ngoài tăng lên 600 km 460 km, với thùng nhiên liệu đặt ngoài tăng lên 700 km cho T-72A, T-72M1 và T-72S[3][2] 500 km, với thùng nhiên liệu đặt ngoài tăng lên 900 km cho T-72B[3][2] |
Tốc độ | 60 km/h (37 mph) trên đường tốt[3][2] 45 km/h trên đường đất ghồ ghề[3] |
T-72 nhanh chóng trở thành xe tăng chủ lực trong Quân đội Liên Xô những năm 1970 và là niềm tự hào của Lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô. Ngay lúc nó ra đời, những mẫu xe tăng cùng thời như M60A3 Patton và Leopard I trở thành "đồ bỏ". Tuy nhiên, thời gian "tại vị" của nó không dài. Từ cuối thập niên 1980 trở đi, các phiên bản đời đầu của nó đã trở nên lạc hậu so với các loại xe tăng như T-80U, M1 Abrams, Leopard 2, Challenger,... Dù vậy, các phiên bản hiện đại hóa của T-72 như T-72BM "Rogatka", T-72B3 vẫn được đánh giá là một trong những loại xe tăng hiện đại nhất trên thế giới. Một phiên bản hiện đại hóa của T-72 chính là T-90, loại xe tăng hiện đại bậc nhất thế giới trong thập niên 2010.
Hiện nay, T-72 vẫn còn được sử dụng tương đối rộng rãi ở 40 quốc gia với nhiều phiên bản từ cũ tới mới, thậm chí vẫn được xem là đối thủ đáng gờm của các xe tăng hiện đại của phương Tây. Bản thân Nga vẫn đang sử dụng hàng ngàn xe tăng T-72 và vẫn đang nâng cấp chúng để tiếp tục phục vụ trong quân đội của mình.
T-72 đã tham gia rất nhiều cuộc chiến tranh ở châu Âu và trên thế giới như: Chiến tranh Lebanon 1982, Chiến tranh Chechnya lần 1 và lần 2, Chiến tranh Kosovo, chiến tranh Vùng Vịnh 1991, chiến tranh Syria 2014,...
Chiếc T-64 sản xuất cuối thập niên 1960 là loại tăng hiện đại nhất của Liên Xô và thế giới thời đó. Tuy nhiên, chi phí sản xuất, bảo trì quá cao cùng với các trục trặc kỹ thuật ban đầu liên quan đến động cơ, xích xe tăng và pháo tăng khiến cho T-64 chỉ được sản xuất hạn chế và chỉ trang bị cho các đơn vị tinh nhuệ của Hồng quân Liên Xô, cũng không được phép xuất khẩu cho các nước đồng minh (để tránh bị lộ bí mật công nghệ).
Yêu cầu lúc đó là phải chế tạo ra một mẫu xe tăng chủ lực mới đơn giản, rẻ tiền, kinh tế, không dùng quá nhiều linh kiện kỹ thuật cao để có thể trang bị rộng rãi cho Hồng quân cùng quân đội các nước đồng minh, nhưng sức mạnh của nó phải gần bằng T-64 và vượt trội hơn T-62. Và thế là, dự án "Obyekt 172" do Leonid Karchev chế tạo ra đời. Mẫu thử nghiệm "Obyekt 172M" được Valeri Venidikov hoàn thiện. Nhà máy xe tăng Uralvagonzavod đảm trách sản xuất. Sau khi thiết kế được quân đội Liên Xô thông qua vào năm 1971, nhà máy Chelyabinsk cũng lập tức đình chỉ sản xuất các loại xe tăng T-55 và T-62 để tập trung vào T-72.
Thế là, trong khi T-64 chỉ được sản xuất và trang bị hạn chế trong nội bộ Liên Xô, T-72 nhanh chóng trở thành loại xe tăng chủ lực phổ biến của Hồng quân Liên Xô và của quân đội nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước tư bản lớn. Theo tính toán của Liên Xô, T-72 là một thiết kế rất hiệu quả dựa trên tiêu chí tính năng - giá thành. Sức chiến đấu của T-72B chỉ kém hơn T-80U khoảng 10%, trong khi giá thành lại rẻ chỉ bằng 1/3 (theo thời giá năm 1986, T-72B có giá chỉ 280.000 rúp, trong khi T-80U có giá tới 824.000 rúp)[5].
T-72 vẫn kế tục kiểu dáng thấp bé của các dòng xe tăng tiền nhiệm T-55, T-62 và T-64. Nhìn chung, về bề ngoài, T-72 rất giống với T-64. T-72 có 6 bánh xích chạy bọc viền cao su và 3 bánh lăn hồi chuyển. Hệ thống nhìn đêm của xạ thủ gắn bên phải súng chính. Trên tháp pháo được trang bị 1 đại liên 12,7mm NSV có bệ xoay nhưng không có hệ thống bắn tự động trong xe, ngoài ra còn 1 khẩu đại liên đồng trục 7,62mm. Ống thông hơi gắn bên trái tháp pháo. T-72 có khoang động cơ rộng hơn T-64 và bộ tản nhiệt nằm gần đuôi xe.[cần dẫn nguồn]
Nhiều nước khác cũng tham gia sản xuất T-72 hoặc các mẫu tăng giống như T-72, có nước sản xuất công khai hợp pháp, có nước sản xuất "chui". Đã có hơn 25.000 xe tăng T-72 thuộc mọi phiên bản được sản xuất trên thế giới. Xe tăng T-64 và các hậu duệ của nó là T-80, T-84 có chất lượng cao hơn T-72. Tuy nhiên, các bản nâng cấp của T-72, nhất là sau năm 1985 trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều: nó đã vượt qua T-64 và đạt sức mạnh gần bằng T-80 (trong khi giá thành vẫn rẻ).
T-72 có độ cơ động cao hơn so với T-62, với động cơ diesel V-12 có công suất 780 mã lực[4], đến năm 1985 được trang bị động cơ V-84 công suất 840 mã lực, đến T-72B3 thì được trang bị động cơ 1000 mã lực giống T-90[3]. Động cơ của T-72 được thiết kế rất tốt trong việc thải khói và chạy rất êm, giảm rất nhiều độ dằn xóc gây mệt mỏi cho tổ lái chứ không như T-62. Mặc dù có khoang động cơ lớn hơn T-64, nhưng do trọng lượng nặng hơn (41 tấn) nên T-72 được cho rằng có tốc độ thấp hơn T-64: 60km/h trên đường nhựạ và 45km/h trên đường gồ ghề. Mẫu T-72B còn được tăng cường động cơ V-12 piston làm mát bằng không khí, công suất 840 mã lực, có thể chạy bằng ba loại nhiên liệu: Diesel, Benzen, Kerosene. 2 bình nhiên liệu phụ 200 lít có thể gắn sau đuôi xe. Mặc dù T-72 không kín nước, nó có thể gắn ống thở dùng cho việc lội nước qua nơi sâu, việc chuẩn bị lội nước mất khoảng 20 phút.[4] Nếu xe tăng chết máy giữa sông, nó sẽ chìm do giảm áp suất hoặc cần 6 giây để tái khởi động.
Tốc độ tối đa của T-72 là 60km/h trên đường bằng phẳng và 45km/h trên đường ghồ ghề. Tuy nhiên, tốc độ sẽ cao hơn ở các phiên bản sau (được trang bị động cơ mạnh hơn) và nếu tổ lái có nhiều kinh nghiệm vận hành. Ví dụ, trong cuộc thi Tank Biathlon vào ngày 12/8/2019, đội tuyển xe tăng Nga đã đưa chiếc T-72B3 của họ đạt tốc độ tới 84km/h trên đường đất bằng phẳng.
Mặc dù to hơn T-64, T-72 vẫn bị cho là "mi-nhon" hơn các xe tăng phương Tây. T-72BM nặng nhất nhưng cũng không quá 48 tấn, còn M1 Abrams bản nhẹ nhất là 61 tấn. Một số trục đường rất nhỏ tại Liên Xô chỉ thiết kế riêng cho T-72 di chuyển, xe tăng phương Tây không thể đi được trên những trục đường này vì chúng có kích thước quá lớn. Tuy nhiên, để đánh đổi lấy trọng lượng nhẹ và giáp dày, khoang lái của T-72 trở nên khá chật hẹp, khiến cho tổ lái nhiều khi bị căng thẳng và mau mệt mỏi, nhưng dù sao thì khoang lái của T-72 vẫn rộng hơn một chút so với T-64.
Giáp trụ của T-72 thay đổi tùy theo phiên bản, các phiên bản cao cấp có giáp dày gấp đôi những phiên bản cấp thấp. Nhưng nhìn chung, T-72 có hệ thống giáp bảo vệ tốt hơn nhiều so với T-62 nhờ sử dụng giáp dày hơn, phẩm chất tốt hơn và thừa hưởng những công nghệ mới từ T-64[4].
Nguyên mẫu T-72 (T-72 Ural) và các phiên bản giá rẻ dùng cho xuất khẩu (T-72M, T-72M1) dùng giáp thép đúc liền khối. Giáp trước của T-72 Ural, T-72M được đánh giá là đủ sức chống lại các loại đạn APFSDS cỡ 105mm vào giữa thập niên 1970 trên các xe tăng phương Tây cùng thời.
Giáp trước tháp pháo trên mẫu T-72 Ural, T-72M và T-72M1 (phiên bản xuất khẩu của T-72) là thép đúc liền khối, dày tương đương 380mm thép cán đồng nhất RHA tiêu chuẩn. Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu đạn đạo gửi do tình báo Mỹ vào năm 1977, đạn xuyên giáp động năng (APFSDS) kiểu M735 cỡ 105mm (loại đạn hiện đại nhất của Mỹ khi đó, ra đời năm 1976) cũng chỉ có thể xuyên được mặt trước T-72 Ural nếu may mắn bắn trúng những điểm yếu nhỏ ở mặt trước xe (xác suất vào khoảng 22%)[6].
Với các phiên bản T-72 cao cấp trang bị cho quân đội Liên Xô như T-72A (năm 1979) và T-72B (năm 1985), khả năng phòng thủ còn được tăng lên một cách đáng kể nhờ việc tăng cường độ dày các chi tiết giáp, đặc biệt là giáp trước tháp pháo, cũng như sự tiếp nhận giáp phức hợp và với việc độn thêm các vật liệu phi kim mới. T-72A/B sử dụng giáp composite và trang bị thêm váy bảo vệ hông. Do sự tăng lên rõ rệt của độ dày gò trán tháp pháo T-72A/B, nên trong quân đội Mỹ, nó được gọi bằng tên lóng không chính thức là "Dolly Patton" do gợi đến tượng bán thân của các nữ diễn viên Mỹ.
Mặt trước của T-72A được cấu tạo bởi 3 lớp: thép - thép phức hợp - thép. Trong đó, lớp thép ngoài và trong cùng dày 80mm và 20mm. Còn lớp thép phức hợp (gồm hỗn hợp sứ + chất dẻo hoặc vật liệu nhựa có độ bền cao) được kẹp ở giữa, dày 104mm. Mặt trước của thân xe nghiêng 68 độ làm tăng thêm độ dày của vỏ thép và tăng khả năng chống đạn xuyên giáp. Xe tăng cấu tạo bằng vật liệu composite có khả năng chống đạn cao hơn 20-25% và trọng lượng nhẹ hơn 14-18% so với xe tăng thông thường. Ngoài ra, hai bên sườn xe tăng T-72A còn được thiết kế tấm quây nhằm bảo vệ thân xe. Phần trong thân xe được lắp đặt tấm lót bằng nhựa thấm chì nhằm bảo vệ trong trường hợp xe trúng đạn. Phía dưới mũi xe có thể lắp đặt xẻng ủi đất để đào hố ẩn nấp khi cần. Khi xẻng thu lại sẽ trở thành một lớp giáp bổ sung cho đầu xe.
Phiên bản T-72B tiếp tục được tăng cường thêm vỏ giáp so với T-72A (hai bên má tháp pháo được tăng cường thêm vật liệu composite, giáp trước thân xe được hàn thêm tấm thép dày 16mm nghiêng 68 độ).
Vào năm 1982, Liên Xô được tiếp cận với loại đạn APFSDS M111 cỡ 105mm tiên tiến nhất của Mỹ vào thời điểm đó. Loại đạn này đã được thử nghiệm trên giáp trước của xe tăng, bao gồm cả T-72A. Các cuộc thử nghiệm cho thấy mặt trước tháp pháo (dày tương đương 450 - 500mm thép RHA khi chống APFSDS) vẫn an toàn, nhưng mặt trước thân xe T-72A (như T-64A, T-64B, T-80B) có mức bảo vệ tương đương 360mm thép RHA thì không đủ sức chống lại loại đạn này. Nhằm tăng cường lớp giáp trước thân xe, từ năm 1984, những chiếc T-72A được hàn thêm một lớp thép dày 16mm nghiêng 68 độ, khiến độ dày tương đương của lớp giáp trước thân xe tăng lên 405mm để chịu được loại đạn M111.[7] Kể từ năm 1988, giáp xe tiếp tục được gia cố bằng tổ hợp giáp phản ứng nổ Kontakt-5.
Sau này, thử nghiệm của Đức năm 1991 với một chiếc T-72M1 cho thấy, mặt trước tháp pháo của T-72M1 vẫn có thể chịu được đạn APFSDS cỡ 105mm kiểu mới (chế tạo cuối thập niên 1980)[8] Nhìn chung, vào thập niên 1980, mặt trước của T-72M1 phiên bản xuất khẩu có thể chống đỡ được các loại đạn APFSDS cỡ 105mm của xe tăng M60 Patton và Leopard 1 (đối thủ phương Tây cùng thời của T-72) từ khoảng cách 2.000m[4], hoặc chịu được đạn nổ lõm (HEAT) cỡ 105mm từ mọi cự ly. Thậm chí, năm 2003, một chiếc T-72M1 của Iraq được báo cáo là đã chịu được một phát đạn nổ lõm cỡ 120mm trên xe tăng M1 Abrams của Mỹ bắn vào mặt trước tháp pháo[9].
Các phiên bản T-72A/B (các phiên bản cao cấp chỉ được dành riêng cho quân đội Liên Xô) thì được trang bị thêm giáp composite, đạt độ dày tương đương 500 - 550mm thép cán tiêu chuẩn ở mặt trước tháp pháo, có thể chịu được mọi loại đạn cỡ 105mm ngay cả ở cự ly gần.
Các mẫu T-72 ở đầu thập niên 1980 trở đi được trang bị thêm giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ 1 tên là Kontakt-1, đến năm 1986 thì T-72 được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ 2 tên là Kontakt-5. Kontakt-5 có khả năng giảm 50% sức xuyên phá của đạn nổ lõm và giảm 25% độ xuyên phá của đạn xuyên giáp động năng. Phiên bản T-72B khi được gắn Kontakt-5 sẽ đạt độ dày bảo vệ tương đương 780 - 800mm thép cán tiêu chuẩn ở mặt trước tháp pháo khi chống đạn APFSDS hoặc đạt gần 1.200mm thép khi chống đạn nổ lõm. Trong suốt 20 năm (1985-2005), các chỉ số này là không thể xuyên phá bởi các loại đạn pháo cỡ 120mm của M1 Abrams, Leopard 2 hoặc Leclerc (các loại xe tăng chủ lực của phương Tây giai đoạn 1990-2020). Phải tới khoảng năm 2010, khi công nghệ phát triển hơn thì đạn pháo APFSDS cỡ 120mm của xe tăng NATO mới có thể xuyên được lớp giáp này, nhưng cũng chỉ ở cự ly gần hơn 1.500 mét.
Không chỉ thân xe mà nóc xe của T-72 cũng được tăng cường đáng kể, độ dày đạt 65 - 70mm thép cán tiêu chuẩn (gấp đôi độ dày nóc xe của các xe phương Tây cùng thời như M1 Abrams, Leopard 2...) nhằm mục đích chống lại đạn xuyên cỡ 30mm của máy bay cường kích diệt tăng như A-10 Thunderbolt II hay trực thăng vũ trang AH-64 Apache, giúp tăng khả năng sống sót nếu gặp phải máy bay địch.
Năm 1991, Tây Đức đã đem 1 chiếc T-72M1 của quân đội Đông Đức ra thử nghiệm độ bền của giáp xe trước hỏa lực pháo 105mm (khi đó là cỡ pháo tiêu chuẩn trên xe tăng NATO như M60 Patton, Leopard 1,...), kết quả như sau[10]:
Cần lưu ý là chiếc T-72 thử nghiệm chỉ là phiên bản T-72M1 dành cho xuất khẩu, có vỏ giáp mỏng hơn so với T-72A, T-72B nội địa của Liên Xô và cũng không được trang bị giáp phản ứng nổ. Thử nghiệm này khiến Đức và phương Tây rất ngạc nhiên, buộc họ phải tăng tốc nghiên cứu ra các loại đạn xuyên giáp kiểu mới để có thể đánh bại T-72. NATO cũng loại bỏ pháo 105mm bởi nó đã tỏ ra vô dụng, thay vào đó là cỡ pháo 120mm mạnh hơn.
Tháng 5/1996, Quân đội Hoa Kỳ cũng đã đem một số chiếc T-72A có trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5 ra bắn thử. Kết quả là đạn xuyên giáp cỡ 120mm loại M829A1 (loại đạn hiện đại có lõi Urani nghèo trang bị cho xe tăng M1A2 của Hoa Kỳ khi đó, sức xuyên ~650mm thép RHA ở cự ly 2000 mét theo cách tính của Mỹ hoặc ~550mm theo cách tính của Liên Xô) đã không thể xuyên thủng giáp trước của chiếc T-72A mục tiêu, kể cả ở cự ly gần. Quân đội Mỹ cũng đã thử nghiệm pháo 30mm GAU-8 Avenger (của máy bay cường kích diệt tăng A-10 Thunderbolt II), pháo 30mm M320 (của máy bay trực thăng AH-64 Apache) bắn vào nóc xe của T-72A, và bắn thử một loạt các tên lửa chống tăng tiêu chuẩn của NATO vào mặt trước T-72A - tất cả đều có cùng một kết quả: không thể xuyên thủng giáp trước của T-72A gắn thêm Kontakt-5. Thử nghiệm này cho thấy khả năng bảo vệ cao của giáp phản ứng nổ Kontakt-5, khi được trang bị loại giáp này thì ngay cả một xe tăng T-72A (phiên bản ra đời năm 1979) cũng có thể chống lại hỏa lực trên xe tăng hiện đại năm 1995 của phương Tây.
Phát ngôn viên Quân đội Hoa Kỳ đã phát biểu sau buổi thử nghiệm: "Những ảo tưởng rằng xe tăng Liên Xô là yếu kém, được duy trì bởi sự thất bại của phiên bản T-72 hạ cấp (T-72M) mà Liên Xô xuất khẩu cho Iraq trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, cuối cùng đã chấm dứt. Kết quả của các thử nghiệm cho thấy rằng nếu một cuộc đối đầu NATO - Khối Warsaw nổ ra ở châu Âu, kỹ thuật Liên Xô là ngang ngửa (hoặc thậm chí vượt trội) trong lĩnh vực tăng thiết giáp"[11]
Năm 2006, Nga cho ra mắt loại giáp phản ứng nổ thế hệ 3 tên là Relikt, trang bị cho T-72B nâng cấp (T-72BM Rogatka). So với Kontakt-5, Relikt có hiệu quả gấp đôi khi chống đạn xuyên giáp động năng, tức là có thể giảm 50% sức xuyên phá của đạn xuyên giáp động năng. Nếu trang bị loại giáp phản ứng nổ này, T-72B có thể đạt độ bảo vệ ~ 1.050mm thép chống đạn xuyên giáp động năng, mức độ này là rất khó xuyên phá với pháo cỡ 120mm trên xe tăng phương Tây, kể cả khi sử dụng các loại đạn APFSDS mới nhất.
Bên cạnh hệ thống phát hiện phóng xạ PAZ, T-72 còn được trang bị hệ thống chống phóng xạ (trừ các phiên bản xuất khẩu), hệ thống bảo vệ NBC (bảo vệ trước vũ khí hạt nhân, sinh học, hoá học). T-72 có thiết bị tạo màn khói ngụy trang giống như các mẫu T-55, T-62, các ống phóng lựu đạn khói được lắp ở 2 bên hông tháp pháo.[4]
Tuy nhiên, giống như phần lớn xe tăng Liên Xô, hòm đạn của T-72 đặt ở khoang chính và không cách biệt với tổ lái. Vì vậy, nếu vỏ giáp khoang chính bị bắn thủng, các đám cháy trong xe có thể làm hòm đạn bị kích nổ nếu tổ lái không kịp chữa cháy, có khi hòm đạn nổ làm cả tháp pháo bị hất tung lên không trung.
Độ dày lớp giáp của T-72 quy đổi ra lớp thép tiêu chuẩn được ghi trong bảng dưới:
Phiên bản | Mặt trước tháp pháo (chống đạn xuyên động năng APFSDS) | Mặt trước tháp pháo (chống đạn nổ lõm HEAT) | Mặt trước thân xe (chống đạn xuyên động năng APFSDS) | Mặt trước thân xe (chống đạn nổ lõm HEAT) |
---|---|---|---|---|
T-72 'Ural'[12] 1973[13][14] | 380 mm (15 in) | 450 mm (18 in) | 335 mm (13,2 in) | 410 mm (16 in) |
T-72A (1979-1985)[15][16]/1988 | 450–500 mm (18–20 in) | 500–560 mm (20–22 in) | 360–420 mm (14–17 in) | 490–500 mm (19–20 in) |
T-72M 1980[14] | 380 mm (15 in) | 410 mm (16 in) | 335 mm (13,2 in) | 450 mm (18 in) |
T-72M1[12] | 380 mm (15 in) | 490 mm (19 in) | 400 mm (16 in) | 490 mm (19 in) |
T-72B + Kontakt 1[12][17] 1985 | 540 mm (21 in) | 900–950 mm (35–37 in)[18] | 480–530 mm (19–21 in) | 900 mm (35 in) |
T-72B + Kontakt 5[17][19] 1988[20] | 770–800 mm (30–31 in) | 1.180 mm (46 in) | 690 mm (27 in) | 940 mm (37 in) |
T-72B + Relikt (T-72B3M) | 1.100 mm (43 in) | Ít nhất 1.300 mm (51 in) | 960–1.060 mm (38–42 in) | Ít nhất 1.100 mm (43 in) |
Một số phiên bản T-72 trong thập niên 1980 đã được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động (APS - Active Protection Systems) tên gọi Drozd. Drozd là hệ thống APS cho xe tăng làm việc tin cậy và được trang bị thực tế đầu tiên trên thế giới. Hệ thống được thiết kế vào khoảng 1977-1978 bởi nhóm thiết kế do A. Shipunov của KBP dẫn đầu. Hệ thống cải tiến tốt hơn Drozd-M (1030М Дрозд) và sau đó là Drozd-2 ra đời năm 1983, sau đó hệ thống này được trang bị cho cả các xe đời cũ như T-54, T-62, T-64. Drozd-2 tăng cường bảo vệ 4 mặt và góc cao, bắn ra chùm đạn hình dẹt tăng chiều cao, từ đó, các Drozd-M được gọi là Drozd-1. Hệ thống gồm radar 24,5 GHz, khi phát hiện đạn chống tăng với tốc độ 70 m/s-700 m/s bắn vào xe ở cự ly 7 mét, hệ thống tự động kích hoạt đạn chùm đặt trong các ống phóng cỡ 107mm, đạn này phóng ra và phát nổ, tạo chùm mảnh văng để phá hủy quả đạn chống tăng trước khi nó kịp lao vào xe. Trong chiến tranh ở Afghanistan, Drozd đã thể hiện tốt vai trò bảo vệ khi 80% số đạn RPG-7 bắn về phía T-72 đã bị hệ thống này phá hủy trước khi nó kịp gây hư hại cho xe. Nhờ hệ thống này, thiệt hại của T-72 do bị du kích Afghanistan phục kích được hạn chế đáng kể.
Đến đầu thập niên 1990, phiên bản hiện đại hóa T-72BU (chính là T-90) đã được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động ARENA-E (hệ thống này được phát triển để thay thế Drozd). ARENA-E được thiết kế để lắp đặt trên nhiều phương tiện chiến đấu khác nhau, có khả năng bảo vệ xe tăng trước tên lửa chống tăng, đạn chống tăng các loại với góc bảo vệ đạt tới gần 300 độ xung quanh xe (trừ hướng phía sau có bộ binh). Hệ thống gồm một radar sóng mm lắp trên nóc tháp pháo, máy tính điều khiển và 26 hộp phóng đạn đánh chặn lắp xung quanh tháp pháo. Nguyên lý hoạt động của hệ thống như sau: radar sẽ quét xung quanh xe, nếu phát hiện tên lửa/rocket phóng về phía xe tăng, thông số mục tiêu (vị trí, vận tốc, hướng bay) sẽ được cảm biến thu nhận rồi truyền về cho máy tính điều khiển, máy tính sẽ kích hoạt vũ khí đánh chặn (gồm 26 khối nổ chứa trong các hộp lắp xung quanh xe), hộp đạn sẽ tung ra 1 quả đạn nổ cách xe tăng khoảng 7 - 10 mét, phóng ra hàng nghìn mảnh nhỏ để phá hủy tên lửa hay đầu đạn của vũ khí chống tăng. Với các mục tiêu có tốc độ bay từ 50 – 70 m/s thường được coi là không nguy hiểm với xe tăng nên máy tính của hệ thống ARENA không ra lệnh đánh chặn, chỉ những mục tiêu có vận tốc trên 70 m/s, thiết bị phóng đạn mới được kích hoạt. ARENA cung cấp khả năng bảo vệ hữu hiệu trước đạn chống tăng có tốc độ bay đạt tới 700m/giây và thời gian phản ứng là khoảng 0,07 giây. Sau khi đánh chặn, chỉ từ 0,2 - 0,4 giây sau, xe đã có khả năng đánh chặn tiếp 1 quả đạn khác.
Phiên bản xuất khẩu của ARENA là ARENA-E, có giá khoảng 300.000 USD/hệ thống (thời giá năm 2000). Do giá khá cao nên ARENA-E không được gắn kèm T-90, khách hàng muốn trang bị thì phải chi thêm tiền để mua, do đó ít khi thấy T-72 các phiên bản xuất khẩu được gắn ARENA-E. Năm 2017, Nga tiếp tục cải tiến và cho ra mắt phiên bản hiện đại hóa là ARENA-M, có khả năng đánh chặn được nâng cao hơn[21]
Các phiên bản hiện đại hóa sâu của T-72 (T-72BM Rogatka, T-72B3 và T-90) còn có thể được trang bị hệ thống đo ngăn chặn quang điện tử học TShU-1-7 Shtora-1 (tiếng Nga: Штора-1, có nghĩa là "Bức màn chắn") sản xuất bởi Elektromashina. Shtora được thiết kể để phá hoại sự chỉ định mục tiêu bằng laser và thiết bị đo xa của tên lửa điều khiển chống tăng đang bay đến. Shtora-1 là một thiết bị gây nhiễu âm điện quang (electro-optical), khi hoạt động nó sẽ làm nhiễu quá trình điều khiển đường ngắm bán tự động (semiautomatic command to line of sight - SACLOS) của hệ thống định hướng của tên lửa chống tăng có điều khiển, làm nhiễu máy dò laser và máy chỉ thị mục tiêu của kẻ địch. Shtora-1 có trường quan sát tới 360 độ theo chiều ngang và từ -5 đến +25 độ theo chiều dọc, nó có 12 ống phóng đạn tạo màn khói, cả hệ thống cân nặng 400 kg. Có thể nói Shtora-1 là một hệ thống tiêu diệt mềm hay hệ thống trả đũa, có tác dụng "lái" cho tên lửa của địch bay chệch hướng hoặc khiến xạ thủ ngắm bắn bị "mù" trong một thời gian. Trong Triển lãm quốc phòng quốc tế (IDEX) được tổ chức tại Abu Dhabi năm 1995, hệ thống này lắp đặt vào một xe tăng trưng bày của Nga.[22]
Nguyên lý hoạt động của hệ thống Shtora-1 như sau: Hai đèn hồng ngoại OTShU-7-1, mỗi chiếc ở một bên của tháp pháo, liên tục phát ánh sáng hồng ngoại công suất lớn để làm giả tín hiệu hồng ngoại, khiến hệ thống điều khiển bắn của tên lửa chống tăng nhầm lẫn giữa tín hiệu tên lửa và Shtora, làm nó đưa ra chỉ dẫn sai cho tên lửa dẫn tới việc tên lửa bay chệch hướng. Ngoài ra, khi các cảm biến của hệ thống phát hiện xe tăng đã bị chiếu tia hồng ngoại hoặc laser định vị thì máy tính sẽ tính toán xác định các thông số về hướng chiếu của tia laser, và sau đó sẽ phát lệnh phóng các quả đạn khói về phía đó. Đạn khói nổ sẽ tạo thành màn khói chỉ trong chưa đầy 3 giây kéo dài khoảng 20 giây, phạm vi của màn khói cách xe khoảng 70 mét để che kín xe tăng. Khi gặp màn khói này, tín hiệu điều khiển bằng laser sẽ bị nhiễu và tên lửa sẽ mất điều khiển, nó chỉ còn bay theo quán tính. Trong khi đó, xe tăng tiếp tục cơ động và di chuyển tới vị trí khác, khiến tên lửa trượt mục tiêu.[22]
Khi sử dụng cả Shtora-1 và ARENA-E, T-72 sẽ có khả năng tạo thế phòng thủ 4 lớp: lớp đầu tiên là Shtora-1 gây nhiễu; nếu gây nhiễu không thành công thì lớp phòng thủ thứ 2 là ARENA sẽ đánh chặn quả đạn; nếu việc đánh chặn thất bại thì lớp phòng thủ thứ 3 là giáp phản ứng nổ sẽ làm giảm sức công phá của quả đạn trước khi nó tác động đến lớp phòng thủ thứ 4 là vỏ giáp chính của xe tăng. Khả năng sống sót của xe tăng sẽ tăng lên nhiều lần nhờ sự phối hợp này.
Tài liệu phương Tây (nhất là vào thời Chiến tranh Lạnh) thường chỉ trích xe tăng T-72 có hệ thống ngắm bắn chất lượng thấp. Điều này một phần là do tuyên truyền chính trị, một phần khác là bởi các phát bắn thiếu chính xác của tổ lái các nước ở châu Á, châu Phi (do các nước này huấn luyện tổ lái sơ sài, áp dụng chiến thuật kém). Một nguyên nhân khác là những mẫu T-72 mà phương Tây thu được thời đó đều chỉ là những phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng (T-72M hoặc T-72M1). Sau thời Chiến tranh Lạnh, khi các thông số của T-72 được công bố rộng rãi, có thể thấy hệ thống ngắm bắn trên T-72 đã được thiết kế tốt, phù hợp cho những chiến thuật được thiết kế và có một số điểm ưu việt hơn so với các xe tăng phương Tây vào thập niên 1970, và vẫn có khả năng nâng cấp rất tốt sau khi các thiết kế mới hơn ra đời.
Tất nhiên, hệ thống ngắm bắn trên T-72 thời đó không hiện đại bằng dòng xe cao cấp T-80, nhưng điều đó là đương nhiên với dòng xe tăng giá rẻ như T-72. Cũng như Liên Xô, quân đội các cường quốc thời đó duy trì 2 dòng vũ khí khác nhau: dòng cao cấp (giá đắt) để sản xuất số lượng nhỏ, và dòng thấp cấp (giá rẻ) để sản xuất số lượng lớn. Hoa Kỳ thời đó cũng trang bị 2 dòng xe tăng: các hệ thống tốt nhất được dành cho dòng xe tăng cao cấp M1 Abrams, trong khi dòng xe tăng M60 Patton chỉ được trang bị các hệ thống kém hơn.
T-72 được trang bị vũ khí và đạn dược giống như T-64[4], nhưng hệ thống điều khiển hoả lực kém hơn T-64. Để giảm chi phí chế tạo (T-72 là dòng xe tăng giá rẻ sản xuất đại trà), các phiên bản T-72 thập niên 1980 không có hệ thống điều khiển bắn tự động như dòng xe tăng "cao cấp" T-64/T-80. Hệ thống ngắm bắn 1A40-1 tuy đơn giản và đáng tin cậy nhưng không có các tính năng hiện đại như hệ thống điều khiển hỏa lực 1A45 "Irtysh" sử dụng trên T-80U/UD. Đến đầu thập niên 1990, các phiên bản nâng cấp của T-72 là T-72BU và T-90 mới được trang bị hệ thống điều khiển bắn tự động.
Pháo thủ được cung cấp một bản sao của bảng điều khiển chính của người chỉ huy. Bên cạnh việc có thể khởi động hệ thống điều khiển hỏa lực, điều khiển hệ thống thông gió, bật hệ thống chiếu sáng, pháo thủ có thể hoàn toàn kiểm soát hầu hết các thiết bị điện trong xe tăng thay cho người chỉ huy nếu cần thiết. Điều này có nghĩa rằng T-72 về mặt lý thuyết có thể được vận hành chỉ với tổ lái 2 người (nếu người thứ 3 bị thương vong trong chiến đấu).
Phiên bản T-72 đời đầu (năm 1974) được trang bị hệ thống kính tiềm vọng TKN-3M dành cho chỉ huy. TKN-3M có độ phóng đại 5x cố định trong kênh ngày và 3x trong kênh đêm, nó sử dụng công nghệ khuếch đại ánh sáng thế hệ thứ 1, với khả năng nhìn ban đêm ở hai chế độ: thụ động hoặc chủ động (đi kèm đèn hồng ngoại L-2 "Luna" công suất 600 W). Đây là cải tiến đáng kể so với hệ thống nhìn đêm trên T-55 và T-62 (chỉ có chế độ chủ động bằng đèn hồng ngoại). Ưu điểm nổi bật nhất của kính nhìn đêm chế độ thụ động là không cần dùng đèn hồng ngoại nên không phát ra tín hiệu hồng ngoại, giúp xe tăng không bị lộ vị trí. Công nghệ nhìn đêm thụ động là một tính năng mới, khá hiện đại ở xe tăng thập niên 1970. Trong chế độ hoạt động thụ động, với điều kiện đêm tối không trăng và có ánh sao (độ sáng 0,005 lux), một chiếc xe tăng địch có thể được xác định rõ ở cự ly 400 mét (cự ly này có thể tăng thêm vào buổi đêm có ánh trăng).
Phiên bản T-72B (năm 1985) được trang bị hệ thống nhìn đêm TKN-3MK sử dụng công nghệ khuếch đại ánh sáng thế hệ thứ 2. Cự ly quan sát đã tăng lên so với TKN-3M, một chiếc xe tăng địch có thể được xác định rõ ở cự ly 500 mét trong buổi đêm có độ sáng 0,005 lux. Hệ thống này nói chung vẫn kém hơn đáng kể so với các hệ thống nhìn đêm trang bị cho loại xe tăng cao cấp và đắt tiền T-80, nhưng bù lại thì giá thành cũng rẻ hơn nhiều, đây là điều cần thiết để duy trì mức giá rẻ của T-72.
Thiết bị nhìn đêm của T-72 gắn bên phải súng chính thay vì bên trái như T-64. Tuy nhiên, ở mẫu T-72 đầu tiên, nó vẫn nằm bên trái. Thiết bị ngắm 1K13-49 có thể dùng cho hai chức năng: nhìn đêm và làm thiết bị dẫn bắn tên lửa chống tăng qua nòng.
Đối với pháo thủ, phiên bản T-72 đời đầu (năm 1974) được trang bị hệ thống xác định khoảng cách cho pháo thủ bằng hình ảnh quang học lập thể TPD-2-49 (được trang bị cho T-64A vào năm 1967). Nó có độ chính xác ± 200 mét ở khoảng cách 4 km, hoặc ± 30 mét ở phạm vi 1 km. So với xe tăng NATO cùng thời kỳ, TPD-2-49 có tính năng ít nhất là ngang bằng so với thiết bị tương tự trên xe tăng Leopard 1 của Đức, và vượt trội so với hệ thống M17 trên xe tăng M60A1 của Mỹ.
Phiên bản nâng cấp T-72 Model 1976 đã thay thế TPD-2-49 bằng hệ thống TPDK-1 xác định tầm bắn bằng laser, tích hợp với máy tính đạn đạo có thể tính toán đường đạn dựa trên nhiệt độ môi trường xung quanh, nhiệt độ nòng pháo, áp suất khí quyển. Hệ thống này có sai số tối đa 10 mét ở khoảng cách 3 km, hoặc 15 mét ở khoảng cách 4 km. Nó giúp tăng đáng kể khả năng bắn trúng mục tiêu di chuyển ở khoảng cách trên 2.000 mét hoặc xa hơn. Hệ thống TPDK-1 ra đời năm 1974, là thiết bị rất tiên tiến ở thời bấy giờ và vượt trội so với xe tăng phương Tây. Phải tới năm 1978, xe tăng M60A3 của Mỹ mới có hệ thống xác định tầm bắn bằng laser AN/VVG-2. Các xe tăng Leopard 1 của Đức đã không có máy đo xa bằng laser cho đến khi những năm 1980, và các xe tăng của Anh phải đến năm 1988 mới có thiết bị này.
TPDK-1 phát triển để trở thành hệ thống kiểm soát hỏa lực 1A40, nó bắt đầu được dùng trên phiên bản T-72A (từ năm 1982). Hệ thống 1A40 bao gồm kính nhìn đêm kiểu TPN-3-49 và hệ thống điều khiển tên lửa 9K112 Kobra. Nhược điểm của 1A40 là thiếu tính tự động hóa, nên một số thao tác vẫn phải thực hiện thủ công. Ở thời điểm giữa thập niên 1980, hệ thống này đã lạc hậu hơn so với các hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động hóa toàn diện trang bị trên T-80 (T-72 không được trang bị để tiết kiệm chi phí chế tạo).
Hệ thống 1A40 được cải tiến tiếp thành 1A40-1 trên T-72B kể từ năm 1985, so với 1A40 thì nó khác ở chỗ có hệ thống ngắm cải tiến TPDK-1M bao gồm máy đo xa laser cải tiến.
Đối với pháo thủ, T-72 các phiên bản đời đầu cũng như các phiên bản xuất khẩu (ngoại trừ T-72S) được trang bị kính ngắm đêm TPN-1-49-23 (hệ thống này từng được trang bị cho T-64B vào năm 1976). TPN-1-49-23 có thể được sử dụng trong chế độ khuếch đại ánh sáng thụ động hoặc ở chế độ chủ động, nhờ ánh sáng phát ra từ đèn chiếu hồng ngoại L-2AG "Luna-2". Cự ly phát hiện xe tăng trong buổi đêm có độ sáng 0,005 lux là 800 - 1.300 mét với đèn hồng ngoại chủ động hoặc 500 - 800 mét với chế độ thụ động (có thể đạt 1.000 mét vào đêm trăng, và khoảng hơn 1.300 m trong buổi tối chạng vạng). Các phiên bản nâng cấp T-72A, T-72B thì được trang bị kính ngắm đêm tiên tiến hơn là TPN-3-49, cự ly phát hiện xe tăng trong buổi đêm có độ sáng 0,005 lux tăng lên 800 mét (với chế độ thụ động) hoặc 1.300 mét (với đèn hồng ngoại chủ động). Nhìn chung, cự ly phát hiện mục tiêu ban đêm của T-72A, T-72B kém hơn xe tăng T-80U (đạt 1.500 - 1.700 mét ở chế độ thụ động), M60A3 của Mỹ (đạt 1.300 mét ở chế độ thụ động), nhưng cao hơn so với xe tăng Chieftain MK-3 của Anh.
Các phiên bản T-72 hạ cấp (bị cắt giảm tính năng) dành cho xuất khẩu như T-72M, T-72M1 thường không có hệ thống thiết bị xác định tầm bắn bằng laser, cũng thường chỉ được kính ngắm ban đêm kiểu cũ, tức là không có cải tiến gì nhiều so với T-62 đời đầu, và thậm chí còn kém hơn so với phiên bản T-62M của quân đội Liên Xô. Vì vậy, khả năng tác chiến ban đêm và bắn trúng mục tiêu ở cự ly xa của T-72M/T-72M1 sẽ kém hơn nhiều so với T-72A/T-72B (các phiên bản cao cấp dành riêng cho quân đội Liên Xô). Về sau, một số nước đã tự nâng cấp, mua bổ sung các thiết bị này để nâng cao khả năng chiến đấu cho T-72 của nước mình.
Các phiên bản T-72 hiện đại hóa vào đầu thế kỷ 21 thường loại bỏ các hệ thống ngắm bắn, nhìn đêm đã cũ để thay bằng các thiết bị mới (nguồn cung có thể đến từ nhiều nước khác nhau, tính năng cũng khác nhau), ví dụ như Agava-2 của Nga, SAGEM-produced ALIS của Pháp, các thiết bị này có thể dùng để dẫn bắn tên lửa chống tăng vào ban đêm.[4] Ví dụ như phiên bản T-72B3 của Nga (năm 2011) và một số phiên bản T-72 xuất khẩu được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực SOSNA-U, nó sử dụng camera ảnh nhiệt thế hệ thứ 2 Catherine-FC do Pháp thiết kế, máy tính đạn đạo và con quay hồi chuyển kiểu mới. Trong điều kiện địa hình bằng phẳng, SOSNA-U có thể được xác định mục tiêu xe tăng ở khoảng cách 10,5 km vào ban ngày, và lên tới 3,3 km vào ban đêm thông qua thiết bị ảnh nhiệt.
Năm 2016, quân đội Nga cũng giới thiệu hệ thống nhìn đêm nội địa là "IRBIS-K" do hãng Krasnogorsky Zavod sản xuất, nó có cự ly phát hiện xe tăng đối phương là khoảng 3.240 - 4.000 mét, nó sẽ thay thế camera ảnh nhiệt Catherine-FC trong những xe T-72B3M của quân đội Nga (để không bị phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu).
Vũ khí chính của các phiên bản T-72 đều là pháo nòng trơn 125 ly, tuy nhiên khẩu pháo này được cải tiến liên tục. Các phiên bản đầu được trang bị loại pháo 2A26-M2 (tên khác là D-81T), trong khi các phiên bản sau (T-72A model 1979) được trang bị loại pháo 2A46 (tên khác là D-81TM). So với D-81T, loại 2A46 có khả năng bắn chính xác hơn (do được bọc ốp cách nhiệt làm giảm độ cong nòng) và tuổi thọ nòng pháo cao hơn (800 phát so với 600 phát bắn sử dụng liều phóng tối đa), đồng thời có thể dễ dàng tháo gỡ khỏi tháp pháo để sửa chữa ngay cả trong điều kiện chiến trường. Kể từ năm 1981, T-72A được trang bị kiểu pháo mới 2A46M, nó có độ chính xác tăng thêm 50% so với 2A46, áp suất buồng đốt tăng từ 450 Bar lên 510 Bar để bắn được đạn APFSDS kiểu mới. Phiên bản T-72B thì trang bị loại 2A46-M1, T-72S là 2A46-M4. Đến phiên bản T-72B3 thì sử dụng pháo 2A46-M5, có tuổi thọ nòng được nâng cao thêm nữa (đạt 1.200 phát bắn), áp suất buồng đốt tăng lên 608 Bar để bắn được đạn APFSDS kiểu mới, độ tản mát của đạn giảm 15-20%, và độ chính xác khi bắn trong lúc di chuyển đã tăng 1,7 lần[23]
Các khẩu pháo 2A26-M2 chỉ có thể chịu được 160 đến 170 phát đạn APFSDS trước khi trở nên không an toàn để bắn. Pháo 2A46-M2 trên T-72B có thể bắn được 220 đạn APFSDS hiện đại (có động năng cao), khẩu pháo 2A46-M5 thì có thể chịu được tới 500 phát bắn với loại đạn này[24].
Khẩu pháo có thể nâng lên +14 độ hoặc hạ thấp -6 độ khi hướng về trước. Bởi tháp pháo nhỏ và thấp nên góc hạ nòng của T-72 thường thấp hơn so với xe tăng phương Tây (xe tăng phương Tây có thể hạ nòng khoảng 8-10 độ). Phương Tây cho rằng đây là nhược điểm, bởi xe tăng sẽ không tận dụng được chiến thuật "Hull-Down" (nấp thân xe sau mô đất dốc, chỉ để hở một phần tháp pháo) khi phòng thủ. Tuy nhiên, các nhà thiết kế Liên Xô không xem đây là một nhược điểm, mà thực sự đó là đặc điểm đáng giá để giúp thu nhỏ tháp pháo. Bởi phương thức tác chiến chủ yếu của xe tăng không phải là phòng ngự mà là cơ động tấn công, tháp pháo nhỏ sẽ giúp giảm đáng kể xác suất trúng đạn khi tác chiến vận động. Nhiệm vụ ẩn nấp phòng ngự là của lực lượng pháo tự hành chống tăng chứ không phải là của xe tăng. Ngoài ra, nếu bắt buộc phải bố trí phòng thủ (vốn ít khi diễn ra) thì T-72 vẫn hoàn toàn có thể dùng lưỡi ủi đất (gắn trước thân xe) để tự đào hố ẩn nấp kiểu "Hull-Down" chỉ trong vài phút.
Trong thiết kế của T-72 có áp dụng giải pháp đột phá của T-64 là hệ thống nạp đạn tự động, giúp làm giảm số thành viên trong tổ lái từ 4 người của T-62 xuống còn 3 người, đồng thời giúp giảm kích thước tháp pháo (điều này giúp xe khó bị trúng đạn hơn cũng như làm giảm bớt khối lượng xe tăng). Dù mang pháo mạnh, giáp dày hơn hơn nhưng tháp pháo của T-72 lại nhỏ hơn T-62, điều này rất có lợi trong chiến đấu (xe khó bị trúng đạn và dễ ẩn nấp hơn).
T-72 không dùng thiết bị nạp đạn hiện đại (nhưng phức tạp và đắt) của T-64 và T-80 (T-72 dùng hệ thống nạp ngang, còn T-64 dùng hệ thống phát động dọc). Tốc độ nạp vẫn tốt (6,5-8 giây/viên, tùy vị trí ổ quay) nhưng độ tin cậy thấp hơn, dễ có trục trặc nếu bảo dưỡng kém. Thiết bị tự nạp sẽ đẩy nòng súng lên cao 3 độ nhằm ấn đuôi nòng xuống để nạp đạn, nhưng không ảnh hưởng đến tầm ngắm độc lập của pháo thủ. Nói chung việc nạp đạn cũng không gây nhiều phiền hà, và vỏ đạn cũng dễ cầm hơn.
Pháo chính của các phiên bản T-72 là giống nhau về cỡ nòng, nhưng sức mạnh hỏa lực giữa các phiên bản thì rất khác nhau tùy theo hệ thống điều khiển hỏa lực và loại đạn sử dụng. ở thời điểm cuối thập niên 1980, những phiên bản của T-72 có thể chia làm ba nhóm:
Sau này, Nga tiếp tục cải tiến và cho ra đời những loại đạn 125mm mới. Đạn xuyên giáp động năng kiểu mới 3BM-69 (lõi bằng uranium nghèo) hoặc 3BM-70 (lõi bằng tungsten) chế tạo năm 2005 có thể xuyên thủng 800 - 900mm thép cán tiêu chuẩn ở cự ly 2.000m[26], có khả năng xuyên thủng giáp trước của các loại xe tăng hiện đại nhất của phương Tây ở thập niên 2010 như M1A2, Leopard 2A7... từ khoảng cách 1.500 tới 3.000 mét.
Các phiên bản T-72 chất lượng cao dành riêng cho quân đội Liên Xô (T-72B trở về sau) còn có khả năng phóng tên lửa chống tăng 9M119 Svir qua nòng pháo để tiêu diệt mục tiêu từ cự ly xa. Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại kết hợp với 9M119 Svir cho phép T-72B có thể tấn công và tiêu diệt các loại xe cơ giới và máy bay trực thăng trước khi những thứ này kịp tấn công lại T-72B. Nó có thể vừa di chuyển với vận tốc 30 km/h vừa có thể tiêu diệt xe tăng địch từ cự ly tới 5–6 km với độ chính xác đạt trên 90%, kể cả khi xe tăng địch đang di chuyển với vận tốc 70 km/h (trong khi xe tăng dùng đạn pháo thông thường rất khó có thể bắn trúng mục tiêu di động ở khoảng cách trên 2.500 mét)[27][28]). Trong một cuộc thử nghiệm cấp Nhà nước năm 1999, 24 tên lửa 9M119 đã được bắn vào các mục tiêu trong cự ly 4–5 km và tất cả chúng đều trúng mục tiêu (tất cả những phát bắn tên lửa được thực hiện bởi các kíp lái thiếu kinh nghiệm). Trong cuộc triển lãm ở Abu Dhabi, một xạ thủ có kinh nghiệm đã bắn 52 tên lửa ở khoảng cách 5 km và tất cả các tên lửa đều trúng mục tiêu[29][30]
Trong tương lai, theo thông báo tại Russian Expo Arms-2008 của ông Sergei Maev, lãnh đạo Rosoboronexport, T-72 cải tiến sẽ còn được trang bị hỏa lực mạnh hơn với loại tên lửa cải tiến có tầm bắn đạt 6–7 km[31].
Ngoài ra, T-72 có thể trang bị thêm đạn xuyên giáp BK-27 HEAT (đạn nổ mạnh chống tăng), loại đạn mới phát triển gần đây có thêm mũi 3 cạnh tăng khả năng xuyên giáp quy ước và giáp ERA. Đạn BK-29 với đầu đạn cứng dùng để đối phó với giáp cảm ứng, đạn MP nổ văng mảnh thì dùng để sát thương bộ binh. Nếu đạn BK-29 HEAT-MP được sử dụng thì nó có thể thay thế hoặc bổ sung cho loại đạn Frag-HE (hiện đang được NATO dùng). Tầm bắn tối đa của pháo là 9,1 km, của tên lửa là 5–6 km.[4]
Ngoài ra, hệ thống kích nổ Ainet cũng được lắp đặt trên T-72 cải tiến (T-72B2/B3), để cho phép kích nổ loại đạn ghém HE-FRAG sau khi nó bay được một đoạn đường nhất định, quãng đường này quyết định bởi hệ thống đo khoảng cách bằng laser do pháo thủ sử dụng. Hệ thống này giúp làm tăng khả năng chống bộ binh và chống trực thăng của T-72.[32]
Trang bị vũ khí thứ hai gồm một đại liên đồng trục 7,62mm PKT và một đại liên NSV 12,7mm gắn trên nóc xe để đối phó với các mục tiêu trên không và trên bộ (vào cuối thập niên 1990, NSV được thay thế bằng đại liên Kord). Đại liên phòng không được điều khiển từ xa ở trong xe (đây là công nghệ mà T-72 được thừa hưởng từ T-64), vì vậy có thể được xạ thủ ngắm bắn khi đang ngồi phía trong xe tăng mà không cần phải nhô người ra ngoài tháp pháo, giúp giảm khả năng thương vong cho xạ thủ (ở các thế hệ xe tăng cũ như T-54 và T-62, muốn ngắm bắn khẩu đại liên 12,7mm thì xạ thủ phải mở nắp xe và nhô người ra ngoài bắn súng bằng thủ công, nên dễ bị trúng đạn của đối phương và còn khiến xe bị hở nắp). Súng NSV có tốc độ bắn 650-750 viên/phút, tầm bắn xa nhất 2 km, tầm bắn hiệu quả là 1600 mét và có khả năng tấn công các mục tiêu trên không có tốc độ bay từ 100 – 300 m/s, số đạn 12,7mm trên xe là chừng 300 viên. Đại liên đồng trục PKT hoặc PKMT cỡ 7,62 ly có khối lượng 10,5 kg, số đạn dược của nó là khoảng 2.000 viên (8 băng đạn với 250 viên/băng, mỗi băng đạn nặng chừng 9,5 kg). Ngoài ra T-90 còn được trang bị súng ngắn và 10 quả lựu đạn F-1 đặt ở phía trong khoang xe để tổ lái sử dụng trong trường hợp phải rời khỏi xe tăng và ra ngoài.[22][31]
Cuối thập niên 1980, phương Tây cho ra đời các loại xe tăng mới như Leopard 2A4 của Đức, M1A1HA của Mỹ... Để duy trì ưu thế kỹ thuật, Liên Xô đề ra 2 dự án hiện đại hóa chiếc T-72B và được tiến hành song song, bao gồm:
Đến năm 1991, đã có 6 mẫu thử của T-72BI được chế tạo, các thử nghiệm cho thấy nó có tiềm năng rất lớn. Nếu được sản xuất, đây chắc chắn sẽ là loại xe tăng hiện đại nhất thế giới, không có đối thủ ngang tầm từ phương Tây. Tuy nhiên, việc Liên Xô tan rã khiến kinh phí quốc phòng bị cắt giảm, và chương trình T-72BI bị đình chỉ. Quân đội Nga quyết định lựa chọn T-72BU là dự án được tiếp tục do nó đòi hỏi ít kinh phí hơn. Về sau, dự án này đã phát triển thành loại xe tăng T-90.
Lần đầu tiên T-72 được sử dụng trong chiến trận vào năm 1982 để chống lại cuộc xâm chiếm quân sự của Israel vào Liban. Ở thời điểm này, quân đội Syria có khoảng 150 xe tăng T-72 Ural mua của Liên Xô năm 1979 (những chiếc tăng này được Syria gọi là loại T-79, trong đó con số 79 thể hiện năm nhận hàng). Trong số 150 xe tăng này, Syria chỉ huy động một số lượng nhỏ để chiến đấu chống lại Israel, còn phần lớn được trang bị cho các đơn vị dự bị chiến lược nên không tham chiến.
T-72 Ural chỉ là phiên bản đầu tiên của T-72, xe không có giáp composite, không có thiết bị đo xa laser, chỉ có kính nhìn đêm đời đầu, cũng không được trang bị loại đạn xuyên giáp kiểu mới, tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo 9M119 Svir (NATO: AT-11 Sniper) và hệ thống bảo vệ Drozd. Tuy nhiên, các xe tăng T-72 Ural của Syria vẫn chứng minh sự vượt trội của mình trước kỹ thuật thiết giáp phương Tây mà Israel trang bị (gồm chủ yếu là các loại M48 Patton và M60 của Mỹ, và loại Magach do Israel cải tiến dựa trên M48 và M60). Sự thể hiện nằm ở khả năng cơ động lớn, sự phòng thủ cao và hỏa lực mạnh của các xe tăng T-72. Pháo 105mm trên xe tăng Centurion, M60 và Magach, loại pháo tăng chủ yếu của phương Tây thời điểm đó, đã không thể xuyên được giáp trước của T-72 Ural kể cả từ cự ly gần. Trên các tấm giáp đầu của một vài chiếc T-72 đã đếm được khoảng 10 vết lõm từ đạn xuyên giáp của địch. Mặc dù vậy, các phát đạn không xuyên qua được vỏ giáp, xe tăng vẫn duy trì được khả năng chiến đấu và không bị loại khỏi vòng chiến. Ngược lại, đạn pháo 125mm trên T-72 đủ khả năng bắn xuyên giáp trước xe tăng địch ở tầm xa 1.500 mét hoặc thậm chí xa hơn, kể cả với loại xe tăng Magach được trang bị giáp phản ứng nổ Blazer. Theo lời từ một sĩ quan Liên Xô làm cố vấn trong quân đội Syria, sau khi bị trúng đạn 125mm từ cự ly khoảng 1.200 mét, tháp pháo của xe tăng Israel đã bị vỡ tung từ đốc pháo. Theo tài liệu của Syria, các xe tăng T-72 của họ đã tiêu diệt 33 xe tăng địch mà không chịu tổn thất nào (11 xe T-72 bị mất trong cuộc chiến đều là do bị bộ binh Israel trang bị tên lửa chống tăng BGM-71 TOW phục kích trên núi bắn vào nóc xe)[33].
Sau cuộc chiến, Syria đã tặng cho Liên Xô 1 chiếc xe tăng Magach tịch thu được của Israel để Liên Xô nghiên cứu các công nghệ trên xe tăng phương Tây, một nước đi khiến tình đồng chí càng thêm nồng thắm. Đổi lại, Liên Xô đã ưu ái xuất khẩu 300 chiếc T-72A cho Syria. Đây là phiên bản T-72 cao cấp vốn dành riêng cho quân đội Liên Xô, và ngay cả các nước trong Khối hiệp ước Warsaw khi đó cũng chỉ được mua những chiếc T-72M1, một phiên bản "hạ cấp" của T-72A (đến năm 1996, nước duy nhất không thuộc Liên Xô cũ là Hungary mới mua được T-72A từ Belarus). Tại Syria, những chiếc tăng này được biết đến là loại T-82, trong đó 82 thể hiện năm nhận hàng.
Sau cuộc chiến, Tổng thống Syria Hafez al-Assad đã ca ngợi T-72 là "xe tăng tốt nhất trên thế giới", nhấn mạnh rằng không có chiếc T-72 nào bị xe tăng Israel phá hủy trong cuộc chiến[34]
T-72 tiếp tục tham gia trong Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Trong suốt cuộc chiến, Iraq đã mua tổng cộng 1.038 chiếc T-72M và T-72M1 (các phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng của T-72), chủ yếu là từ Ba Lan[35].
Adar Forouzan, một đại đội trưởng xe tăng Iran cho biết: "Trong giai đoạn đầu cuộc chiến, một tiểu đoàn xe tăng T-72 Iraq đã vô hiệu hóa thiết giáp của Iran trong nhiều cuộc giao tranh mà được cho là không bị tổn thất gì, thậm chí cả pháo chống tăng M68 105mm và tên lửa chống tăng TOW cũng hoàn toàn không hiệu quả". Ít nhất một trận giao tranh với các đơn vị T-62 và T-72 chống lại thiết giáp của Iran đã khiến Iran mất hơn 100 xe tăng với tổn thất của Iraq giới hạn khoảng một chục chiếc - hầu hết trong số đó là T-62.[37]
Tướng Iraq là Ra'ad Al-Hamdani phát biểu "Sư đoàn thiết giáp số 16 Iran, trang bị xe tăng Chieftain, đã thất bại trong trận đánh với Lữ đoàn thiết giáp số 10 Iraq trang bị T-72. Thật khó để một lữ đoàn thiết giáp có thể tiêu diệt cả một sư đoàn trong 12 giờ, nhưng điều đó đã xảy ra; đó là một thảm họa cho người Iran".[38]
Cả hai bên, Iraq và Iran, đều ghi nhận T-72 là xe tăng đáng sợ nhất trong cuộc chiến[39][40]. Pháo 105mm trên xe tăng Iran cũng như tên lửa chống tăng BGM-71 TOW đều không thể bắn thủng giáp trước của T-72[41][42] Không chỉ vượt trội về tính năng, T-72 cũng thể hiện khả năng hoạt động tốt tại khí hậu sa mạc nhiều bụi cát, trong khi xe tăng Anh, Mỹ thường bị trục trặc khi hoạt động ở đây. Một viên chức cao cấp Iran, Afzali, trong tháng 6 năm 1981, đã ca ngợi các xe tăng T-72 "có khả năng cơ động và hỏa lực vượt trội xe tăng Chieftain của Anh", và "không có bất cứ thông số nào của Chieftain có thể so sánh được với T-72. Iran không có các phương tiện hữu hiệu để chống lại T-72".[43]
Mặc dù tham gia nhiều trận đánh lớn, T-72 bị tổn thất rất ít và gần như hoàn toàn bất khả xâm phạm trong cuộc chiến chống lại Chieftain và M60 Patton của Iran, đồng thời gây ra tổn thất rất nặng nề cho Iran. Trong suốt Chiến tranh Iran-Iraq, khoảng 60 chiếc T-72 bị phá hủy, đối lại chúng đã phá hủy hàng trăm xe tăng của Iran. Sau thành công của T-72, Iraq đã từ chối mua xe tăng Chieftain do Anh chào bán, mà tìm cách tự sản xuất loại xe tăng T-72 dựa trên việc copy phiên bản T-72M cùng với những công nghệ mua từ Trung Quốc, loại xe tăng này có tên là Sư tử Babylon[35].
Trong quá trình Iraq tấn công Kuwait, Iraq huy động 690 xe tăng, gồm các loại T-55, T-62 và T-72.[44] Về phía Kuwait cũng có lực lượng xe tăng khá mạnh gồm 281 xe, bao gồm 6 xe M83 (phiên bản T-72 do Nam Tư sản xuất), 165 xe tăng Chieftain, 70 xe tăng Vicker và 40 xe tăng Centurion.[45]
Vào sáng 2/8/1990, gần Mutla Pass, 1 trận đấu tăng đã xảy ra giữa các xe tăng Vicker MK-1 (trang bị pháo 105mm) của Lữ đoàn cơ giới số 6 Kuwait và những chiếc T-72 thuộc Lữ đoàn xe tăng số 17 Iraq. Sử dụng chiến thuật phục kích, quân Kuwait đã hạ được 1 xe T-72, nhưng xe tăng Iraq phản công và giành chiến thắng, chỉ huy Lữ đoàn cơ giới số 6 bị bắt sống.[46] Phần lớn xe tăng của Lữ đoàn cơ giới số 6 bị tiêu diệt, chỉ còn 20 xe tăng Vicker còn sót lại đã phải bỏ chạy sang lãnh thổ Arab Saudi.
Tổng kết chiến dịch tấn công Kuwait, nhờ ưu thế tấn công bất ngờ, số lượng lớn hơn và kinh nghiệm trận mạc dày dạn hơn, quân đội Iraq đã thu được thắng lợi lớn. Quân đội Iraq chỉ thiệt hại khoảng 120 xe tăng và xe thiết giáp bị phá hủy[47] trong khi quân Kuwait tổn thất tới 250 xe tăng, 36 pháo tự hành M-109 cỡ 155mm, 20 pháo tự hành AMX-F3 cỡ 155mm, trên 850 xe thiết giáp bị phá hủy hoặc thu giữ[48][49][50][51]
Trong thời gian chiến dịch "Bão táp sa mạc" vào đầu năm 1991, T-72 tiếp tục được quân đội Iraq sử dụng chống lại liên quân do Mỹ chỉ huy. Lực lượng T-72 của Iraq khi đó khá đông đảo (khoảng 900 chiếc, gồm các phiên bản xuất khẩu T-72M và T-72M1 được mua từ Ba Lan), tuy nhiên phần lớn số xe T-72 này được bố trí ở các đơn vị Vệ binh Cộng hòa đóng quanh thủ đô Baghdad, nên thực tế Iraq chỉ huy động khoảng 300 xe T-72 để chống lại quân Mỹ, còn phần lớn các đơn vị xe tăng của Iraq chỉ được trang bị xe tăng kiểu cũ là T-54/55 hoặc T-62.
Lần này thì lực lượng xe tăng Iraq đã bị quân Mỹ đánh thiệt hại nặng bởi sự kết hợp của máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II, trực thăng AH-64 Apache và xe tăng M1 Abrams. Khoảng 150 chiếc T-72M/M1 của Iraq đã bị phá hủy trong chiến dịch này[52] Nguyên nhân chủ yếu là sự yếu kém của binh lính Iraq, việc bị không kích dữ dội và các mẫu T-72M của Iraq là phiên bản xuất khẩu đã bị cắt giảm rất nhiều tính năng so với T-72A/B dành cho quân đội Liên Xô.
Các xe tăng T-72M/M1 của Iraq là phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng, nó thua kém hoàn toàn cả về hỏa lực và vỏ giáp so với các phiên bản T-72A và T-72B của quân đội Liên Xô:
Một loạt các thông số kỹ thuật quan trọng của T-72M/M1 phần nào đó có thể sánh được với M1 và M1IP, hai phiên bản đầu tiên của M1 Abrams vẫn còn được trang bị pháo chính 105mm, nhưng với M1A1HA (phiên bản tăng cường giáp và trang bị pháo 120mm mới nhất của Mỹ khi đó, ra đời năm 1988), T-72M không có chỉ số kỹ thuật nào so sánh được. Phiên bản kiểu mới M1A1HA có thiết kế giáp đầu xe khá tốt, có các loại đạn xuyên giáp dưới cỡ nòng mạnh với lõi đạn bằng uranium nghèo, các khí tài quan sát, thông tin liên lạc hiện đại, đồng thời hệ thống điều khiển vũ khí được tăng cường khả năng tự động hóa theo tiêu chuẩn hiện đại vào năm 1990. Trong các phiên bản T-72 thời đó, chỉ có T-72A/B dành riêng cho quân đội Liên Xô là có thể sánh được với M1A1HA.
Ngoài ra, thất bại của Iraq còn có sự góp phần của những nguyên nhân khác như:
Với một loạt những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan như vậy, không có gì bất ngờ khi T-72M/M1 của Iraq thất bại trong phần lớn những trận đối đầu với xe tăng của Mỹ.
Vào năm 1996, Iraq vẫn còn 776 xe tăng T-72 trong số 1.038 xe T-72 mà họ từng đặt mua[54] Tới năm 2003, số xe T-72 còn hoạt động tụt xuống còn khoảng 375 chiếc (do nhiều chiếc bị hỏng hóc mà không có phụ từng thay thế). Tuy nhiên, trong Cuộc xâm lược Iraq (2003) do Mỹ phát động, phần lớn số xe T-72 của Iraq không còn được thấy tham chiến (một phần do quân Iraq tránh giao chiến trực diện mà dùng chiến thuật du kích, phần khác là do lính tăng Iraq đã đào ngũ). Đến năm 2010, chính phủ mới tại Iraq đã có ý định nâng cấp vài trăm chiếc T-72 để sử dụng tiếp.
Trong Chiến tranh Chechen lần thứ nhất, T-72 của quân đội Nga không gặp phải đối thủ thiết giáp ngang cơ, phần lớn nguy hiểm mà chúng gặp phải là từ vũ khí chống tăng của bộ binh.
Do khi đó Liên Xô vừa tan rã nên quân đội Nga lúc đó gặp khủng hoảng về nhân sự và tài chính, họ phải sử dụng các xe tăng chưa chuẩn bị sẵn sàng cho chiến đấu (chưa được gắn giáp phản ứng nổ, một số linh kiện bị hư hỏng, tổ lái chưa được huấn luyện kỹ…), các phân đội gồm nhiều tân binh nên không có sự phối hợp tốt giữa xe tăng và lính bộ binh trong điều kiện chiến tranh đường phố. Trong khi đó, các chiến binh Chechen được chuẩn bị tốt, nhiều người từng là cựu binh trong quân đội Liên Xô nên có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lại được trang bị số lượng lớn các khí tài chống tăng vác vai. Nhiều xe tăng Nga trong quá trình chiến đấu ở đường phố ở Grozny đã bị trúng 6 – 7 phát đạn từ súng RPG-7 hoặc tên lửa chống tăng. Hỏa lực chống tăng được ngắm sẵn vào những chỗ dễ bị tổn thương nhất của xe tăng như 2 bên hông xe, đuôi xe, nóc buồng động lực và phía sau tháp pháo. Trong 1 tháng chiến đấu, trong số 200 xe tăng ban đầu, đã có 62 xe tăng các loại của quân Nga bị phá hủy (một vài nguồn thống kê thiệt hại bao gồm: 15 chiếc T-72B và 5 chiếc T-72A, 18 chiếc T-80B hoặc T-80BV, còn lại là T-62). Đáng chú ý, trong số 62 xe tăng bị mất, chỉ có 1 xe bị phá hủy do trúng đạn vào khu vực có giáp phản ứng nổ, trong khi có những xe tăng bị trúng nhiều phát đạn nhưng vẫn sống sót do có giáp phản ứng nổ bảo vệ. Điều này cho thấy thiệt hại của quân Nga là do sự chuẩn bị không kỹ lưỡng và chiến thuật vụng về, chứ không phải là do thiết kế xe tăng. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng của giáp phản ứng nổ đối với xe tăng trong tác chiến đô thị.[55]
Trong một số trường hợp, sự khéo léo trong hoạt động của kíp xe cho phép mang tới kết quả tốt. Ví dụ như trong tháng 1 năm 1995, xe tăng T-72B từ lữ đoàn bộ binh cơ giới 131 ("Maikopsky") đã bị tấn công đồng thời từ một số tổ súng phóng lựu RPG-7. Bằng sự cơ động khéo léo, chiếc T-72 cuối cùng đã tiêu diệt được các chiến binh Chechen và rời khỏi trận địa an toàn. Trên thân xe và tháp pháo sau đó đếm được bị trúng 7 phát đạn, nhưng không có phát đạn nào xuyên qua giáp. Năm 1995, một xe T-72 đã bị trúng liền 4 quả tên lửa AT-4 Spigot. Mặc dù vậy, các tên lửa chống tăng chỉ làm nổ các phần tử giáp phản ứng nổ, kíp xe và xe tăng vẫn duy trì được khả năng chiến đấu và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong Chiến tranh Chechen lần thứ hai, thiệt hại về tăng thiết giáp của Quân đội Nga ít hơn đáng kể so với cuộc chiến lần thứ nhất. Đã có số lượng lớn các sĩ quan có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, sự huấn luyện các kíp xe và tổ chức phối hợp chính xác, cùng sự đảm bảo về kỹ thuật trong các hoạt động chiến đấu (xe được trang bị đầy đủ giáp phản ứng nổ). Ví dụ như đại đội tăng thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 205 trong khi giải phóng khu vực Ctaropromulov thuộc Grozny tháng 12 năm 1999 đến tháng 1 năm 2000. Ví dụ như ở Grozny, hỏa lực địch chỉ làm bị thương một xe tăng của đại đội này và chỉ trong thời gian ngắn nhất nó đã được đưa đến phân đội sửa chữa của lữ đoàn, không ai trong kíp xe bị thương vong. Khoảng thời kỳ từ tháng 10 năm 1999 đến tháng 8 năm 2000, đại đội T-72 này không thiệt hại bất kỳ một người hay một chiếc xe tăng nào.
Lớp giáp phản ứng nổ của T-72 đã bảo vệ nó an toàn trước hầu hết các phát bắn trúng từ vũ khí chống tăng của bộ binh địch, kể cả khi xe bị trúng đạn vào hông (là nơi có vỏ giáp mỏng hơn phía trước). Tính từ năm 1997 tới 2003, quân Chechen chỉ phá hủy được 3 chiếc T-72, trong đó duy nhất 1 chiếc bị phá hủy trong Chiến tranh Chechen lần thứ hai[56][57]
Trong cuộc chiến ở Nam Ossetia (2008), những chiếc T-72 được sử dụng cho cả hai bên, phục vụ cho quân đội Gruzia và Nga. Trong cuộc xung đột, phía Nga mất 2 xe tăng T-72[58], và theo nguồn của Nga thì phía Gruzia mất khoảng 60 xe tăng T-72 bị phá hủy và bắt giữ (chủ yếu là loại cải tiến T-72SIM-1 của Israel).[59]
Vào sáng ngày 9 tháng 8, một trận đánh xe tăng đã diễn ra giữa một nhóm xe tăng T-72 của Nga và lực lượng vượt trội về số lượng xe bọc thép của Gruzia. Trận chiến tiếp tục cho đến khi quân Gruzia rút khỏi Tskhinvali. Một xe tăng dưới sự chỉ huy của Yakovlev đã tiêu diệt ít nhất 7 đơn vị xe bọc thép của đối phương, một xe tăng khác dưới sự chỉ huy của Mylnikov đã tiêu diệt 8 đơn vị xe bọc thép. Trong nhóm 4 chiếc T-72 của Nga, một chiếc bị mất.[60][61] Tháp của một trong những chiếc T-72 của Gruzia, bị phá hủy do vụ nổ, được dựng lên như một đài kỷ niệm.[62]
Xe tăng T-72 được cả hai bên sử dụng[63][64][65](theo các nguồn khác, chỉ có DPR và LPR [66]) trong cuộc xung đột vũ trang ở miền đông Ukraine. Các đội hình vũ trang của DPR và LPR sử dụng xe T-72B năm 1989, T-72BA, T72B1[67] và T-72B3[68]. Vào tháng 10 năm 2014, các phóng viên Reuters đã công bố hình ảnh những chiếc T-72 bị cháy rụi với một số thay đổi mà họ tìm thấy trên lãnh thổ Ukraine, cách Donetsk 40 km. Bất chấp việc xe tăng T-72 đã được rút khỏi Lực lượng vũ trang Ukraine, do thiếu xe bọc thép vì quân đội Ukraine bị tổn thất, Bộ Quốc phòng Ukraine đã ra lệnh đưa các đơn vị này về kho để phục vụ.[69]
Năm 2020, cuộc chiến tại Syria kéo dài sang năm thứ chín, kể từ khi những cuộc biểu tình bùng nổ ngày 26/01/2011. Hơn 120.000 quân của Chính phủ Syria bị thương vong và hơn 500.000 dân thường đã thiệt mạng trong 9 năm chiến tranh.
Trước chiến tranh, Quân đội Syria có trong tay lực lượng tăng - thiết giáp có số lượng rất lớn với khoảng hơn 5.000 xe tăng, 4.500 xe thiết giáp cùng 850 pháo tự hành các loại. Tuy có số lượng lớn, nhưng không phải toàn bộ số xe tăng, thiết giáp này đều có thể hoạt động, thực tế nhiều chiếc đã bị hư hỏng hoặc bị loại biên chờ bán phế liệu từ lâu, các xe còn hoạt động cũng chủ yếu là các xe đời cũ như T-55, T-62. Những chiếc T-72 là loại xe tăng hiện đại nhất của nước này, nhưng chủ yếu là các phiên bản T-72M1 và T-72A đã cũ kỹ, chúng đã không được nâng cấp suốt gần 30 năm, cũng ít khi được trang bị giáp phản ứng nổ.
Trong bối cảnh tác chiến đô thị hay ở các vùng địa hình hiểm trở, các loại xe tăng - thiết giáp Syria dễ trở thành mục tiêu của các loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hay của các súng chống tăng cá nhân như RPG-7, những thứ mà quân đối lập được trang bị rất nhiều nhờ viện trợ từ nước ngoài. Quân đối lập sử dụng lối đánh "du kích hiện đại": thay vì ở nguyên một chỗ và chờ kẻ địch lọt vào tầm ngắm, họ sẽ sử dụng tốc độ cao và khả năng cơ giới tốt bằng xe tải, xe ôtô tự chế, tấn công ào ạt một mục tiêu với tốc độ cực cao và nhanh chóng chạy mất trước khi quân Syria kịp tổ chức lại đội hình để phản công.
Nhờ viện trợ từ nước ngoài, phiến quân nổi dậy được trang bị rất nhiều hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ mới do nhiều quốc gia chế tạo như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Israel... Trong đội hình của quân nổi dậy có rất nhiều xạ thủ chống tăng giàu kinh nghiệm trong tác chiến diệt xe tăng thiết giáp, tổ chức thành các tổ săn tăng nhỏ gồm từ 2 tới 3 người, cơ động, thoắt ẩn thoắt hiện, rất khó phát hiện để tiêu diệt. Trong khi đó, Bộ binh cơ giới Syria đã không làm tốt vai trò của mình, và xe tăng Syria thường phải tác chiến mà không có bộ binh yểm trợ, xe tăng với tầm quan sát hạn chế sẽ dễ bị bộ binh địch tiêu diệt. Thế nên việc nhiều xe tăng Quân đội Syria bị hủy diệt là điều dễ hiểu.
Tính đến ngày 30/10/2018, quân đội Syria đã để mất gần 1.400 xe tăng - xe thiết giáp các loại. Số xe bị mất bao gồm cả các xe đã bị bắn cháy, bắn hỏng trong chiến sự, cũng như các xe bị lực lượng đối lập chiếm được. Về xe tăng chiến đấu chủ lực, quân đội Syria mất 763 xe, bao gồm 239 xe tăng T-55, 173 xe tăng T-62 (gồm 26 xe T-62M), 347 xe tăng T-72, và 4 xe tăng T-90. Về xe bọc thép bánh xích, tổn thất lên đến 532 xe, gồm 520 xe BMP-1 và 12 xe BMP-2, và 38 tổ hợp pháo cao xạ tự hành 4 nòng ZSU-23-4 Shilka. Ngoài ra, 36 khẩu pháo tự hành 2S1 Gvozdika (cỡ nòng 122mm) và 3 khẩu 2S3 Akatsiya (cỡ nòng 152mm) bị mất.
Tính đến cuối năm 2019, ước tính đã có hơn 1.500 chiếc xe tăng các loại của Quân đội Syria bị phá hủy hoặc bị chiếm mất, trong đó có 370 xe tăng T-55, 470 xe tăng T-72, 6 xe tăng T-90, 177 xe tăng T-62 và 505 xe tăng không rõ loại. Họ còn mất khoảng gần 1.000 xe thiết giáp và pháo tự hành các loại, gồm 686 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, 16 xe chiến đấu bộ binh BMP-2, 60 xe cứu thương bọc thép dựa trên khung gầm BMP-1AMB-S, 97 tổ hợp pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 Shilka, 54 pháo tự hành 2S1 Gvozdika cỡ 122mm, 5 pháo tự hành 2S3 Akatsiya cỡ 152 mm.
Tuy nhiên, qua tổng kết kinh nghiệm tác chiến, một số các đơn vị tinh nhuệ của Quân đội Syria, cụ thể là đặc nhiệm Tiger dưới sự chỉ huy của tướng Suheil al-Hassan đã phát triển các chiến thuật mới làm giảm đáng kể thiệt hại. Họ phát triển chiến thuật "Thành lũy Syria": Các bờ tường bằng cát hoặc đất được xây dựng dọc phòng tuyến hoặc xung quanh điểm đóng quân, xe tăng sẽ chạy dọc bờ tường đó để đánh trả quân địch. Để xây tường chắn, Quân đội Syria huy động các xe ủi dân dụng hành quân cùng đội hình với xe quân sự. Bờ tường sẽ được dựng lên bí mật trong đêm nhằm phục vụ mục đích phòng thủ hoặc tấn công. Các xe tăng sẽ triển khai đội hình cách nhau 20 - 100 mét và tập trung hỏa lực vào một mục tiêu cụ thể, kíp lái được yêu cầu vừa chạy vừa bắn. Xe tăng liên tục di chuyển giữa các bờ tường và ụ đất, dừng lại và khai hỏa ở các khe hở trong giây lát trước khi chạy sang chỗ khác, khiến hỏa lực chống tăng của đối phương không kịp thao tác để tấn công mục tiêu di chuyển liên tục. Sau khi áp dụng chiến thuật mới, thiệt hại của thiết giáp Syria giảm đáng kể, điều này một lần nữa chứng minh rằng: tính năng của vũ khí chỉ là yếu tố bổ sung, còn yếu tố con người và chiến thuật hợp lý mới là nhân tố chính quyết định thắng bại trong chiến đấu.
T-72 đã chứng tỏ là một tầm quan trọng với cả hai bên trong Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022.[70] Số xe tăng chính của Nga là T-72B3 (biến thể năm 2011 & 2016) và T-72B (biến thể năm 1985).[71] Chúng đã phải đối mặt với tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin và NLAW của Mĩ và đồng minh viện trợ cho Ukraina.[72] Để phòng thủ trước các tên lửa chống tăng này, Nga đã lắp lên nóc tháp pháo những tấm lưới thép. [73][74] Một vài chuyên gia quân sự cho rằng, những tấm lưới thép này dùng để chống lại các vũ khí tấn công đột nóc.[75][76] Những thay đổi này làm tăng trọng lượng của xe tăng, làm tăng độ bộc lộ của chúng và gây khó khăn cho kíp lái khi thoát khỏi xe tăng.[77] Các nhà phần tích cũng suy đoán rằng chúng cũng được sử dụng như một biện pháp đói phó với RPG-7 được bắn từ trên cao trong môi trường tác chiến đô thị, với máy bay không người lái cảm tử hay máy bay không người lái mang vũ khí chống tăng, điều này có vẽ như là được rút ra từ kinh nghiệm ờ Chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020.[78][79] Sự khác nhau của các tấm giáp là do chúng không phải là một trang bị tiêu chuẩn mà là một trang bị do kíp xe tự làm từ hàng rào sắt và các tấm lưới.[80]
So với nhiều đồng sự của Liên Xô, T-72 có rất rất nhiều phiên bản. Và, như đã nói, ngoài Liên Xô, một số quốc gia khác như Tiệp Khắc, Ấn Độ, Ba Lan và Nam Tư cũ cũng tham gia sản xuất T-72 theo kiểu riêng của mình[4]. Nhiều phiên bản "nhái" T-72 được chế tạo có hoặc không có giấy phép trong quân đội nhiều quốc gia, các nước có mua T-72 cũng tự nâng cấp chúng theo khả năng của mình, từ đó sinh ra vô số phiên bản T-72 khác nhau: Iraq có Sư tử Babylon, Nam Tư có M-84, Ấn Độ có Ajeya, Nam Phi có gói nâng cấp T-72 Tiger và Syria có T-72 Adra, Pakistan có Al-Khalid...
- Năm 1994, Slovakia đã phối hợp với Pháp cải tiến phiên bản T-72M1 thành phiên bản T-72M1A và T-72M2 với hệ thống điều khiển hoả lực mới EFCS3-72, thay trọng liên phòng không 12,7mm bằng pháo 20mm hoặc 30mm.[cần dẫn nguồn]
- Israel cũng đã trang bị hệ thống dẫn đường định vị toàn cầu GPS cho xe tăng T-72, nâng công suất động cơ lên 1000 sức ngựa, có thiết bị ảnh nổi bằng laser TKN-3B và có các súng phóng lựu đạn khói ngụy trang.[cần dẫn nguồn]
- Nga đã cung cấp cho Ấn Độ bản thiết kế nâng cấp cho loại xe tăng T-72M1 đạt tính năng hiện đại như của xe tăng T-72S.[cần dẫn nguồn]
T-72M2 - Thiết kế xe tăng nội địa, dựa trên T-72M1 của Liên Xô, với các thiết bị tầm nhiệt và tầm nhìn ban đêm mới, giáp cải tiến (lên đến 650 mm) và lớp bọc chống bức xạ, váy bên cao su, lớp phủ ức chế C4I và IR.
Dưới thời Saddam Hussein, Iraq đã tự chế tạo phiên bản T-72 của mình với tên gọi T-72 "Sư tử Babylon", dựa theo mẫu T-72M mua được từ Đông Âu, kết hợp với một số linh kiện điện tử nhập của Trung Quốc. Phiên bản này cũng sử dụng pháo 125mm, nhưng thiếu các thiết bị nhìn đêm, máy đo xa và máy tính đường đạn. Phiên bản T-72 này được đánh giá là yếu hơn so với T-72M nguyên bản (chưa nói tới các phiên bản T-72 cao cấp dành riêng cho quân đội Liên Xô), tuy vậy nó vẫn vượt trội hơn nếu so với những chiếc xe tăng M48 Patton, M60 của nước đối thủ là Iran. Theo nguồn Nga, khoảng 100 chiếc Sư tử Babylon đã được chế tạo trước khi dây chuyền chấm dứt hoạt động do Iraq bị cấm vận vũ khí.[cần dẫn nguồn]
Đầu thập niên 2010, theo Nhật báo tin tức quốc phòng Mỹ đưa tin, Iraq đang lên kế hoạch cải tiến hơn 2.000 xe tăng T-72 vừa mua từ các nước Đông Âu. Tập đoàn Defense Solutions of Exton, Pa của Mỹ sẽ đảm nhận việc tháo khung và tiến hành lắp đặt các thiết bị mới cho số xe tăng này. Tim Ringgold - Tổng giám đốc Defense Solutions of Exton, Pa nói: "Chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả những chiếc xe tăng theo hợp đồng sau đó sẽ tháo toàn bị "nội thất" bên trong và thay thế chúng bằng những trang bị hiện đại. Sau khi hoàn thành số tăng chiến trường có từ thời kỳ Liên Xô này sẽ có khả năng chiến đấu trong cả điều kiện ban đêm và ban ngày" – Ông Tim Ringgold nói thêm.[cần dẫn nguồn]
Tổng giám đốc Defense Solutions of Exton, Pa cho biết ông hy vọng sẽ nhận được hợp đồng yêu cầu chính thức từ phía các quan chức của chính quyền Iraq về thương vụ quy mô lớn này trong tương lai gần.
Chiến tranh ở Iraq tái bùng nổ dữ dội vào năm 2014. Không rõ hợp đồng nâng cấp T-72 của Iraq được tiến hành tới đâu, nhưng Iraq đã đặt mua khoảng 200 chiếc T-90SM vào năm 2017.
Al-Khalid là sản phẩm hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc. Nó cũng có cơ chế nạp đạn tự động. Trang bị giáp liên hợp và phản ứng nổ. Hệ thống ngắm bắn có nguồn gốc phương Tây, hoàn toàn vi tính hóa. Al Khalid có bộ nguồn phụ trợ, cung cấp điện khi động cơ không hoạt động. Nó có hệ thống cảnh báo laser tiên tiến.[cần dẫn nguồn]
Al Khalid cũng được trang bị pháo 125mm, cơ số đạn 39 viên. Thân và tháp pháo đều dùng hàn, không sử dụng đinh rivet. Xe được bảo vệ khỏi các tác nhân NBC, cùng với hệ thống dập lửa. Ngoài ra, nó có hệ thống bảo vệ chủ động bằng laser, dùng tia laser để làm 'lóa' cảm biến nhiệt của tên lửa, cũng như làm tổn thương mắt của đối phương nếu chiếu vào thiết bị quang học. Khung gầm của nó cũng gần như giống với T-72. Động cơ Diesel 1200 mã lực.[cần dẫn nguồn]
Xe nặng 48 tấn, tổ lái 3 người, tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 450–600 km. Vượt dốc 40%, chướng ngại vật cao 0.8m, hào rộng 3m, lội nước 1.2m, 5m nếu có trang bị ống thông khí.
Hợp đồng mua thiết bị xe tăng do Islamabad ký với Ukraina có tổng trị giá 100 triệu USD. Theo đó, Pakistan sẽ nhập 285 động cơ và hệ thống truyền động để nâng cấp các xe tăng al-Khalid hiện thời, trong khoảng thời gian 3 năm. Xe tăng al-Khalid được Trung Quốc và Ukraina hợp tác sản xuất và bán cho quân đội Pakistan. Theo hãng tin ITAR-TASS, loại động cơ mới trên có công suất 1.200 mã lực. Nó sẽ cho phép al-Khalid di chuyển với vận tốc tối đa 65 km/h. Trong khi đó, Giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc phòng Ukraina Valentin Badrak tiết lộ, nước ông chỉ cung cấp máy móc và thùng chứa nhiên liệu cho xe tăng al-Khalid của Pakistan. Ông cũng khẳng định hợp đồng này không hề làm thay đổi cán cân quân sự hiện nay tại khu vực Nam Á. Giữa những năm 1990, Ukraina đã bán 320 xe tăng T-80UD (T-84), do Liên Xô cũ thiết kế, cho Islamabad. Hành động đó khiến Ấn Độ phải xem xét việc mua xe tăng T-90 của Nga để lấy lại cân bằng quân sự.[cần dẫn nguồn]
Type-96 là loại cuối cùng trong chương trình xe tăng thế hệ hai của TQ. Phiên bản thử nghiệm mang tên Type-85. Xe được trang bị pháo nòng trơn 125mm, cơ chế nạp đạn tự động, cả hai đều copy từ T-72 của Nga. Tốc độ bắn tối đa 8 viên/phút, tổng số đạn 41 viên. Nó có khả năng phóng tên lửa chống tăng từ nòng pháo, ví dụ như AT-11 của Nga mà TQ có bản quyền để sản xuất, nhưng chỉ dùng được khi xe tăng đứng yên, có 1 súng máy PK 12,7mm và 1 súng máy đồng trục 7,62mm. Nặng 42,5 tấn. Type-96 bắt đầu được đưa vào trong biên chế từ năm 1997, khoảng 1.500-2.000 chiếc đã được sản xuất. Nó có thể dùng để chống trực thăng. Tầm bắn 4–5 km. Các thông số về khả năng cơ động gần giống Al-Khalid.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.