Cộng hòa Artsakh
nhà nước ly khai cũ tại Nam Kavkaz (1991-2023) From Wikipedia, the free encyclopedia
nhà nước ly khai cũ tại Nam Kavkaz (1991-2023) From Wikipedia, the free encyclopedia
Artsakh, tên chính thức là nước Cộng hoà Artsakh[f] hay nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh[g][6] từng là một nhà nước ly khai tại vùng Nam Kavkaz, có lãnh thổ được quốc tế công nhận là một bộ phận của Azerbaijan. Từ năm 1991 đến năm 2023, Artsakh kiểm soát một phần lớn của tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh cũ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan, bao gồm cả thủ phủ tỉnh là Stepanakert. Artsakh từng trở thành một lãnh thổ bị Azerbaijan bao quanh từ năm 2020 cho đến năm 2023, khi một phần lớn phần lãnh thổ từng do Artsakh kiểm soát rơi vào tay Quân đội Azerbaijan.[7]
Cộng hòa Artsakh
Cộng hòa Nagorno-Karabakh |
|||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Tên bản ngữ
| |||||||||
1991–2023[a] | |||||||||
Tổng quan | |||||||||
Vị thế | Nhà nước không được công nhận | ||||||||
Thủ đô | Stepanakert 39°49′2″B 46°45′2″Đ | ||||||||
Thành phố lớn nhất | capital | ||||||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Armenia[b] Tiếng Nga[c] | ||||||||
Sắc tộc (Điều tra 2015)[2] |
| ||||||||
Tên dân cư | Artsakhi | ||||||||
Chính trị | |||||||||
Chính phủ | Cộng hòa tổng thống đơn nhất[d] | ||||||||
Tổng thống | |||||||||
• 1994–1997 (đầu) | Robert Kocharyan | ||||||||
• 2023 (cuối) | Samvel Shahramanyan | ||||||||
Lập pháp | Quốc hội | ||||||||
Lịch sử | |||||||||
Độc lập từ Liên Xô | |||||||||
20 tháng 2 năm 1988–12 tháng 5 năm 1994 | |||||||||
• Quyền tự trị | 2 tháng 9 năm 1991[3] | ||||||||
• Độc lập | 10 tháng 12 năm 1991 | ||||||||
27 tháng 9–10 tháng 11 năm 2020 | |||||||||
19–20 tháng 9 năm 2023 | |||||||||
• Đầu hàng | 28 tháng 9 năm 2023 | ||||||||
• Chính thức giải thể | 1 tháng 1 năm 2024 | ||||||||
Địa lý | |||||||||
Diện tích | |||||||||
• Tổng cộng | 3.170 km2[4] 1.224 mi2 | ||||||||
Dân số | |||||||||
120000 | |||||||||
145053 | |||||||||
Kinh tế | |||||||||
GDP (PPP) | Ước lượng 2019 | ||||||||
• Tổng số | 713 triệu USD | ||||||||
4.803 USD | |||||||||
Đơn vị tiền tệ |
| ||||||||
Thông tin khác | |||||||||
Múi giờ | UTC+4 (AMT) | ||||||||
Giao thông bên | right | ||||||||
Mã điện thoại | +374 47[e] | ||||||||
Tên miền Internet | .am, .հայ (thực tế) | ||||||||
| |||||||||
Hiện nay là một phần của | Azerbaijan |
Khu vực Nagorno-Karabakh có cư dân chủ yếu là người Armenia, từng được cả Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan và Đệ nhất Cộng hòa Armenia tuyên bố chủ quyền khi hai quốc gia này giành độc lập vào năm 1918 trong bối cảnh Đế quốc Nga sụp đổ. Một cuộc chiến ngắn nhằm tranh giành khu vực nổ ra vào năm 1920. Tranh chấp này phần lớn bị gác lại sau khi Liên Xô thiết lập quyền kiểm soát tại khu vực và thành lập tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh bên trong CHXHCNXV Azerbaijan năm 1923. Trong suốt thời kỳ Liên Xô, người Armenia tại tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh bị phân biệt đối xử nặng nề. Chính quyền Azerbaijan Xô viết nỗ lực đàn áp văn hóa và bản sắc Armenia tại Nagorno-Karabakh, gây áp lực buộc người Armenia rời khỏi khu vực và khuyến khích người Azerbaijan định cư tại đây, nhưng người Armenia vẫn chiếm thế đa số.[8]
Vào cuối thập niên 1980 ngay trước khi Liên Xô sụp đổ, khu vực này lại nổi lên thành một vấn đề tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. Năm 1991, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh và tỉnh Shahumyan lân cận, dẫn đến tuyên bố độc lập. Xung đột bùng phát thành chiến tranh toàn diện vào năm 1992.[7] Được hỗ trợ từ Armenia, Artsakh giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Thỏa thuận đình chiến được ký kết vào năm 1994, tình hình đóng băng khiến lãnh thổ này trở nên độc lập trên thực tế, có một chính phủ tự xưng tại Stepanakert, nhưng vẫn phụ thuộc nặng nề và tích hợp chặt chẽ với Armenia, trên thực tế giống như là một phần của Armenia trong nhiều phương diện.[9][10] Mặc dù Armenia chưa bao giờ chính thức công nhận khu vực độc lập, nhưng họ trở thành quốc gia hỗ trợ tài chính và quân sự chính cho lãnh thổ.[11][12] Năm 2017, một cuộc trưng cầu dân ý trong khu vực thông qua hiến pháp mới, chuyển đổi hệ thống chính phủ từ bán tổng thống sang dân chủ tổng thống, và đổi tên nước từ Cộng hòa Nagorno-Karabakh thành Cộng hòa Artsakh, nhưng cả hai tên đều là chính thức.
Từ năm 1994 đến năm 2020, quân đội Armenia và Azerbaijan bị ngăn cách qua một đường tiếp xúc không chính thức,[13] xảy ra một số sự cố chết người lẻ tẻ trong giai đoạn này.[14] Năm 2020, một cuộc chiến mới diễn ra trong khu vực,[7] Azerbaijan giành được chiến thắng và giành lại tất cả các huyện xung quanh Nagorno-Karabakh từng bị chiếm đóng và một phần đáng kể lãnh thổ được Artsakh tuyên bố chủ quyền.[9][12][14] Vào tháng 9 năm 2023, Azerbaijan phát động một cuộc tấn công khác. Vào ngày 28 tháng 9, tổng thống của Artsakh ký sắc lệnh giải thể tất cả các tổ chức của nước cộng hòa trước ngày 1 tháng 1 năm 2024, chấm dứt sự tồn tại của nước cộng hòa.[15] Đến ngày 1 tháng 10 năm 2023, gần như toàn bộ cư dân trong khu vực đã chạy sang Armenia.[16]
Theo các học giả, các chữ khắc có niên đại từ thời kỳ Urartu đề cập đến khu vực này dưới nhiều tên khác nhau: "Ardakh", "Urdekhe" và "Atakhuni".[17][18][19] Trong Geographica, nhà sử học cổ điển Strabo đề cập đến một vùng của Armenia mà ông gọi là "Orchistene", được một số người tin là phiên bản tiếng Hy Lạp từ tên cũ của Artsakh.[20][21][22]
Theo một giả thuyết khác do David M. Lang đưa ra, tên cổ của Artsakh có thể bắt nguồn từ tên Quốc vương Artaxias I của Armenia (190–159 TCN), người sáng lập triều đại Artaxiad và vương quốc Đại Armenia.[23]
Từ nguyên dân gian cho rằng cái tên này có nguồn gốc từ "Ar" (Aran) và "tsakh" (rừng, vườn) (tức là các khu vườn của Aran Sisakean, nakharar đầu tiên của vùng đông bắc Armenia).[24]
Tên gọi "Nagorno-Karabakh" thường được sử dụng trong tiếng Anh, xuất phát từ tên tiếng Nga có nghĩa là "Karabakh miền núi". Karabakh là một từ tiếng Turk/Ba Tư được cho là có nghĩa là "khu vườn đen". Tên tiếng Azerbaijan của khu vực này là "Dağlıq Qarabağ", có cùng ý nghĩa với tên tiếng Nga. Thuật ngữ "Artsakh" thiếu những ảnh hưởng phi Armenia như là "Nagorno-Karabakh". Nó được hồi sinh để sử dụng trong thế kỷ 19 và là thuật ngữ ưa thích được người dân địa phương sử dụng, trong tiếng Anh, tiếng Nga cũng như tiếng Armenia.[25] "Karabakh miền núi" đôi khi được sử dụng trực tiếp trong tên tiếng Anh chính thức "Cộng hòa Karabakh miền núi". Điều này phản ánh nỗ lực thoát khỏi những liên tưởng tiêu cực với "Nagorno-Karabakh" do chiến tranh."[26]
Trong thời gian trước khi Liên Xô giải thể, xung đột Nagorno-Karabakh lại hồi sinh. Năm 1987–88, một phong trào quần chúng bắt đầu tại Nagorno-Karabakh và Armenia Xô viết, kêu gọi chính phủ Liên Xô chuyển khu vực này sang cho Armenia, trích dẫn luật tự quyết trong hiến pháp Liên Xô.[27] Bắt đầu với bạo động chống lại người Armenia tại thị trấn Sumgait của Azerbaijan vào tháng 2 năm 1988, xung đột ngày càng trở nên bạo lực và các nỗ lực của Moskva nhằm giải quyết tranh chấp đã thất bại. Vào mùa hè năm 1988, các cơ quan lập pháp của Armenia Xô viết và tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh thông qua các nghị quyết tuyên bố thống nhất Nagorno-Karabakh với Armenia, nhưng bị các chính phủ Azerbaijan Xô viết và trung ương Liên Xô bác bỏ.[28]
Azerbaijan tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào ngày 30 tháng 8 năm 1991, và chính thức giành được chủ quyền sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 21 tháng 9 năm 1991. Sau đó, vào ngày 27 tháng 11 năm 1991, quốc hội đã thu hồi quyền tự trị của khu vực Nagorno-Karabakh, khiến các nhà lãnh đạo địa phương kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập khỏi Azerbaijan vào ngày 10 tháng 12 năm 1991.[13] Kết quả là khoảng 99% người dân tộc Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh bỏ phiếu ủng hộ ly khai. Artur Mkrtchyan được chọn làm tổng thống vùng Nagorno-Karabakh sau cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 28 tháng 12 năm 1991. Vào ngày 2 tháng 1 năm 1992, Tổng thống Ayaz Mutallibov của Azerbaijan đặt vùng Nagorno-Karabakh dưới quyền kiểm soát trực tiếp của tổng thống, và Nagorno-Karabakh chính thức tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào ngày 6 tháng 1 năm 1992.[13]
Tuyên bố này bị Azerbaijan bác bỏ, dẫn đến bùng nổ chiến tranh toàn diện giữa một bên là Armenia và Nagorno-Karabakh và một bên là Azerbaijan. Chiến tranh Nagorno-Karabakh thứ nhất kết thúc bằng đình chiến vào tháng 5 năm 1994, kết quả là các lực lượng Armenia kiểm soát lãnh thổ của tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh trước đây cũng như hầu hết bảy huyện lân cận của Azerbaijan.[29] Theo UNHCR, cuộc xung đột khiến cho hơn 600.000 người di tản nội bộ trong Azerbaijan.[30]
Cộng hòa Artsakh trên thực tế trở thành một quốc gia độc lập, nhưng được tích hợp chặt chẽ với Armenia, nhưng lãnh thổ này vẫn được quốc tế công nhận là một bộ phận của Cộng hòa Azerbaijan. Giáo sư Matt Qvortrup nhận định các nước Tây Âu đạo đức giả khi háo hức công nhận một số quốc gia độc lập từ Nam Tư, nhưng không thể hiện sự quan tâm tương tự đối với cuộc trưng cầu dân ý tại Nagorno-Karabakh.[31]
Giao tranh không liên tục trong khu vực vẫn tiếp tục sau lệnh ngừng bắn năm 1994 nhưng không có thay đổi đáng kể về lãnh thổ,[32] đến năm 1994 thì Nhóm OSCE Minsk khởi xướng nỗ lực hòa giải quốc tế nhằm kiến tạo một tiến trình hòa bình.[33][34][35]
Vào ngày 27 tháng 9 năm 2020, giao tranh nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan vì vấn đề Artsakh,[36][37] có thể đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.[38] Đến tháng 11, Azerbaijan tái chiếm nhiều lãnh thổ, chủ yếu ở phần phía nam của khu vực, cùng với thị trấn chiến lược Shushi. Thỏa thuận đình chiến được ký vào ngày 10 tháng 11 năm 2020 giữa Armenia, Azerbaijan và Nga, tuyên bố chấm dứt giao tranh và xác định Armenia sẽ rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng còn lại xung quanh Nagorno-Karabakh. Thỏa thuận bao gồm điều khoản triển khai Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới khu vực.[39][40]
Không có quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nào công nhận Artsakh,[41] nhưng một số quốc gia không được công nhận và được công nhận hạn chế đã công nhận Artsakh.[42] Nhiều chính quyền địa phương khác nhau từng kêu gọi chính phủ quốc gia của họ công nhận Artsakh.[43]
Vào tháng 12 năm 2022, một số người Azerbaijan tự xưng là các nhà hoạt động môi trường đã chặn hành lang Lachin, con đường duy nhất nối Nagorno-Karabakh với Armenia và thế giới bên ngoài.[44] Ngày 23 tháng 4 năm 2023, lực lượng Azerbaijan lắp đặt một trạm kiểm soát trên hành lang Lachin.[45] Cuộc phong tỏa dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người dân tại Artsakh; khiến 120.000 cư dân trong khu vực bị mắc kẹt.[46][47]
Ngày 19 tháng 9, Azerbaijan phát động một cuộc tấn công quân sự. Ngày hôm sau, chính phủ Cộng hòa Artsakh đồng ý giải giáp và lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Các cuộc đàm phán ban đầu giữa đại biểu của cộng đồng người Armenia tại Karabakh và Chính phủ Azerbaijan diễn ra vào ngày 21 tháng 9 tại Yevlakh để thảo luận về an ninh, quyền lợi và "hội nhập".[48] Các cuộc đàm phán kết thúc mà không có thỏa thuận chính thức, tuy nhiên, Tổng thống Azerbaijan cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ tiếp tục.[49] Vào ngày 24 tháng 9, thường dân dân tộc Armenia bắt đầu sơ tán hàng loạt vì lo sợ bị đàn áp và thanh lọc sắc tộc nếu họ vẫn ở lại.[48][50]
Vào ngày 28 tháng 9, Tổng thống Artsakh Samvel Shahramanyan ký một sắc lệnh tuyên bố rằng tất cả các tổ chức nhà nước sẽ bị giải thể trước ngày 1 tháng 1 năm 2024, chấm dứt sự tồn tại của nước cộng hòa.[51] Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đến thăm khu vực này vào ngày 15 tháng 10 và chính thức kéo cờ Azerbaijan tại tòa nhà từng được sử dụng làm Phủ Tổng thống Artsakh.[52]
Artsakh là một nhà nước độc lập trên thực tế, có quan hệ chặt chẽ với Armenia và sử dụng cùng loại tiền tệ là dram. Theo Human Rights Watch, "từ khi bắt đầu cuộc xung đột Karabakh, Armenia đã cung cấp viện trợ, vũ khí và tình nguyện viên. Sự can dự của Armenia vào Artsakh leo thang sau cuộc tấn công của Azerbaijan vào tháng 12 năm 1993. Cộng hòa Armenia bắt đầu gửi lính nghĩa vụ và quân đội chính quy cùng binh sĩ của Bộ Nội vụ đến chiến đấu tại Artsakh."[53] Chính trị của Armenia và Artsakh gắn bó với nhau đến mức Robert Kocharyan từng là Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Nagorno-Karabakh từ năm 1994 đến năm 1997, sau đó là thủ tướng Armenia từ năm 1997 đến năm 1998, và tổng thống thứ hai của Armenia từ năm 1998 đến 2008.
Tuy nhiên, chính phủ Armenia nhiều lần chống lại áp lực nội bộ để thống nhất hai bên do các cuộc đàm phán đang diễn ra dưới bảo trợ của Nhóm OSCE Minsk. Trong nghiên cứu của Dov Lynch thuộc Viện Nghiên cứu An ninh của WEU, "việc Karabakh độc lập cho phép nhà nước mới Armenia tránh được quốc tế kỳ thị vì hành vi xâm lược, bất chấp thực tế là quân đội Armenia đã chiến đấu trong cuộc chiến 1991–94 và tiếp tục duy trì Đường Tiếp xúc Karabakh và Azerbaijan.", Lynch cũng trích dẫn rằng "sức mạnh của lực lượng vũ trang Armenia và liên minh chiến lược của Armenia với Nga, được chính quyền tại Stepanakert cho là lá chắn quan trọng bảo vệ nhà nước Karabakh".[54] Một số nguồn nhìn nhận Artsakh hoạt động trên thực tế giống như là một phần của Armenia.[55][56][57]
Đại biểu của Armenia, Azerbaijan, Pháp, Nga và Hoa Kỳ gặp nhau tại Paris và tại Key West, Florida, vào đầu năm 2001.[58] Bất chấp những tin đồn rằng các bên gần đạt được giải pháp, chính quyền Azerbaijan – cả trong thời kỳ nắm quyền của Heydar Aliyev và sau khi con trai ông Ilham Aliyev lên cầm quyền năm 2003 – đã kiên quyết phủ nhận rằng bất kỳ thỏa thuận nào đã đạt được tại Paris hoặc Key West.
Các cuộc đàm phán sâu hơn giữa các tổng thống Azerbaijan và Armenia là Ilham Aliyev và Robert Kocharyan được tổ chức vào tháng 9 năm 2004 tại Astana, Kazakhstan. Một đề xuất là rút lực lượng chiếm đóng khỏi các lãnh thổ Azerbaijan tiếp giáp với Artsakh và sau đó tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tại Artsakh và Azerbaijan về tình trạng tương lai của khu vực.[59]
Ngày 10 và 11 tháng 2 năm 2006, Kocharyan và Aliyev gặp nhau tại Rambouillet, Pháp, để thảo luận về việc giải quyết xung đột. Các cuộc đàm phán không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.[59] Azerbaijan chính thức yêu cầu trước tiên quân đội Armenia rút khỏi tất cả các khu vực của Azerbaijan bên ngoài Nagorno-Karabakh, và tất cả những người phải di dời được phép trở về nhà của họ.
Các cuộc đàm phán được tổ chức trong đại sứ quán Ba Lan tại Bucharest vào tháng 6 năm 2006.[60] Một lần nữa, các nhà ngoại giao Mỹ, Nga và Pháp lại tham dự cuộc hội đàm kéo dài hơn 40 phút.[61] Theo Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Vardan Oskanyan, không có tiến bộ nào đạt được trong cuộc họp này.[62] Bất đồng lớn giữa hai bên trong hội nghị là địa vị của Artsakh. Giải pháp của Azerbaijan là trao cho Artsakh "địa vị tự trị cao nhất được áp dụng trên thế giới".[63] Armenia tán thành một cuộc bỏ phiếu phổ thông của người dân Artsakh để quyết định tương lai của họ.[64]
"Tiến trình Praha" do Nhóm OSCE Minsk giám sát đã được đưa ra vào mùa hè năm 2006. Quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Bryza nói với Radio Free Europe rằng Nhóm Minsk ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý tại Karabakh để quyết định trạng thái cuối cùng của họ.[65]
Armenia không công nhận các yêu sách của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh và tin rằng lãnh thổ này phải có quyền tự quyết.[66] Chính phủ Armenia và Artsakh đều lưu ý rằng nền độc lập của Artsakh được tuyên bố vào khoảng thời gian Liên Xô giải thể và các thành viên của liên bang trở nên độc lập.[67][68] Chính phủ Armenia khẳng định rằng chính phủ Artsakh phải được tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận nào về tương lai của khu vực, và từ chối nhượng lại lãnh thổ bị chiếm đóng hoặc cho phép người tị nạn quay trở lại trước khi tổ chức các cuộc đàm phán về tình trạng của khu vực.[69]
Năm 2009, Tổng thống Cộng hòa Nagorno-Karabakh Bako Sahakyan tuyên bố rằng "Artsakh sẽ không bao giờ là một phần của Azerbaijan. An ninh Artsakh cũng không bao giờ nên là một điều khoản thương mại. Về các vấn đề khác, chúng tôi sẵn sàng thảo luận chúng với Azerbaijan."[70] Năm 2010, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tuyên bố rằng "Karabakh chưa bao giờ là một phần của Azerbaijan độc lập: Nó được sáp nhập vào Azerbaijan theo quyết định của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhân dân Karabakh không bao giờ chấp nhận quyết định này và ngay từ cơ hội đầu tiên đã ly khai khỏi Liên Xô một cách hoàn toàn phù hợp với luật pháp Liên Xô cùng luật pháp quốc tế được áp dụng".[71]
Năm 2008, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố rằng "Nagorno-Karabakh sẽ không bao giờ độc lập; quan điểm này cũng được các nhà hòa giải quốc tế ủng hộ; Armenia phải chấp nhận thực tế" và rằng "vào năm 1918, Yerevan đã được trao cho người Armenia. Đó là một sai lầm lớn. Hãn quốc Iravan là lãnh thổ của người Azeri, người Armenia là khách ở đây".[72]
Vào ngày 14 tháng 3 năm 2008, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết với 39 phiếu ủng hộ và 100 phiếu trắng, tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan, và yêu cầu Armenia rút quân ngay lập tức khỏi tất cả các vùng lãnh thổ chiếm đóng.[73]
Ngày 20 tháng 5 năm 2010, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết "về sự cần thiết của Chiến lược EU cho Nam Kavkaz", trong đó tuyên bố rằng EU phải theo đuổi một chiến lược để thúc đẩy ổn định, thịnh vượng và giải quyết xung đột ở Nam Kavkaz.[74][75]:3,38
Ngày 26 tháng 6 năm 2010, các nước đồng chủ tịch của Nhóm OSCE Minsk là Pháp, Nga và Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố chung, tái khẳng định "cam kết hỗ trợ các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan khi họ hoàn thiện các Nguyên tắc cơ bản vì giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh".[76]
Trong chuyến thăm Stepanakert vào tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trình bày các mục tiêu phát triển chiến lược của Armenia trong ba thập kỷ tới. Ông không đưa ra điều khoản đặc biệt nào cho Nagorno-Karabakh vì "Artsakh là Armenia và không có lựa chọn thay thế nào".[77]
Artsakh là một nền dân chủ tổng thống (chuyển đổi từ chế độ bán tổng thống sau trưng cầu dân ý năm 2017). Chức vụ thủ tướng bị bãi bỏ và quyền hành pháp thuộc về tổng thống, người này vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ. Tổng thống được bầu trực tiếp với tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp.[6]
Quốc hội là cơ quan lập pháp đơn viện, có 33 thành viên được bầu với nhiệm kỳ 5 năm.[78] Các cuộc bầu cử diễn ra trong hệ thống đa đảng; vào năm 2009, tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ Freedom House xếp hạng Cộng hòa Artsakh ở trên Armenia và Azerbaijan về các quyền dân sự và chính trị.[79]
Artsakh phụ thuộc nhiều vào Armenia, và trong một số khía cạnh trên thực tế hoạt động và được quản lý giống như một phần của Armenia. Tuy nhiên, Armenia ngần ngại trong việc chính thức công nhận Artsakh.[10][80]
Các tài liệu thành lập Cộng hòa Nagorno-Karabakh là Tuyên bố của Cộng hòa Nagorno Karabakh và Tuyên ngôn độc lập nhà nước của Cộng hòa Nagorno Karabakh. Trong một thời gian dài không có hiến pháp nào được ban hành, thay vào đó nước cộng hòa tuyên bố pháp luật Armenia được áp dụng trên lãnh thổ của mình thông qua một điều luật năm 1992. Ngay cả khi luật mới được thông qua, chúng thường là bản sao của luật Armenia tương đương.[81]
Ngày 3 tháng 11 năm 2006, tổng thống lúc bấy giờ của Cộng hòa Nagorno-Karabakh là Arkadi Ghukasyan ký sắc lệnh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp Nagorno-Karabakh.[82] Cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào ngày 10 tháng 12 cùng năm, và có tới 98,6% số phiếu tán thành hiến pháp.[83] Điều đầu tiên của văn kiện mô tả Cộng hòa Nagorno-Karabakh, hay còn gọi là Cộng hòa Artsakh, là "một nhà nước dân chủ, có chủ quyền dựa trên công bằng xã hội và pháp quyền."[84][85]
Cuộc bỏ phiếu bị chỉ trích gay gắt từ các tổ chức liên chính phủ như Liên minh Châu Âu, OSCE và GUAM, họ bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý và cho rằng nó bất hợp pháp.[86] Đồng minh của Azerbaijan là Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích.[87]
Một cuộc trưng cầu dân ý khác được tổ chức vào ngày 20 tháng 2 năm 2017, với 87,6% phiếu ủng hộ xây dựng hiến pháp mới. Hiến pháp này cùng với những thay đổi khác đã biến chính phủ từ mô hình bán tổng thống sang mô hình tổng thống hoàn toàn. Tên gọi được đổi từ "Hiến pháp Cộng hòa Nagorno Karabakh" thành "Hiến pháp Cộng hòa Artsakh", mặc dù cả hai đều là tên chính thức của đất nước.[6][88][89] Cuộc trưng cầu dân ý được cho là một phản ứng đối với Đụng độ Nagorno-Karabakh 2016.[90]
Bộ Ngoại giao có trụ sở tại Stepanakert. Vì không có thành viên hoặc quan sát viên nào của Liên Hợp Quốc công nhận Artsakh, nên họ không có mối quan hệ đối ngoại nào mang tính chất ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, Cộng hòa Artsakh điều hành năm cơ quan đại diện thường trực và một cục Thông tin Chính trị-Xã hội tại Pháp. Phái đoàn thường trực của Artsakh tồn tại ở Armenia, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Úc và một cho các quốc gia Trung Đông có trụ sở tại Beirut.[91] Mục tiêu của các văn phòng là trình bày quan điểm của Cộng hòa về các vấn đề khác nhau, cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa bình.
Trong bài phát biểu năm 2015, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tuyên bố rằng ông nhìn nhận Nagorno-Karabakh là "một phần không thể tách rời của Armenia".[92]
Cộng hòa Artsakh không phải là thành viên hay quan sát viên của Liên Hợp Quốc hay bất kỳ cơ quan chuyên môn nào của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, họ là thành viên của Cộng đồng Dân chủ và Quyền lợi của các quốc gia, thường được gọi là "Cộng đồng các quốc gia không được công nhận", và được công nhận bởi Transnistria, Abkhazia và Nam Ossetia.
Theo Hiến pháp Artsakh, quân đội nằm dưới quyền chỉ huy dân sự của chính phủ.[93] Quân đội Phòng thủ Artsakh được chính thức thành lập vào ngày 9 tháng 5 năm 1992 với mục đích phòng thủ chống lại Azerbaijan, nhưng sau đó bị giải tán vào ngày 21 tháng 9 năm 2023 theo các điều khoản trong thỏa thuận đình chiến sau Cuộc tấn công quân sự năm 2023 của Azerbaijan.[94]
Họ từng chiến đấu với quân đội Azerbaijan để đạt được lệnh đình chiến vào ngày 12 tháng 5 năm 1994.[95] Vào thời kỳ đỉnh cao, Quân đội Phòng thủ Artsakh bao gồm khoảng 18.000–20.000 binh sĩ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 8.500 công dân đến từ Artsakh phục vụ trong quân đội; khoảng 10.000 người đến từ Armenia. Ngoài ra còn có 177–316 xe tăng, 256–324 chiến xa khác, 291–322 súng và súng cối. Armenia cung cấp vũ khí và các nhu yếu phẩm quân sự khác cho Artsakh. Một số tiểu đoàn của quân đội Armenia được triển khai trực tiếp đến khu vực Artsakh.[96]
Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh thứ nhất khiến cho 597.000 người Azerbaijan phải di dời (con số này bao gồm 230.000 trẻ em được sinh ra từ những người di tản nội bộ và 54.000 người đã trở về)[97] bao gồm Artsakh, và 220.000 người Azerbaijan, 18.000 người Kurd và 3.500 người Nga chạy trốn từ Armenia đến Azerbaijan từ năm 1988 đến năm 1989. Chính phủ Azerbaijan ước tính rằng 63% người di tản nội bộ sống dưới mức nghèo so với 49% của tổng dân số. Khoảng 154.000 người sống tại thủ đô Baku. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, 40.000 người di tản nội bộ sống trong các trại, 60.000 người trong hầm trú ẩn và 20.000 người trong các toa tàu. 40.000 người di tản nội bộ sống tại các khu định cư do EU tài trợ, và UNHCR cung cấp nhà ở cho 40.000 người khác. Hàng chục nghìn người sống trong bảy khu lều trại, tại đó nguồn cung cấp nước và vệ sinh kém gây ra các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, lao và sốt rét.[98][99]
Trong Chiến tranh năm 2020, Tổng thống Aliyev cho biết ông có ý định cho những người tị nạn quay trở lại khu vực.[100][101] Trong khi nhiều thành phố cũ này không thể ở được,[102] Chính phủ Azerbaijan và một số công ty Azerbaijan đã công bố kế hoạch xây dựng lại cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các vùng lãnh thổ mới được kiểm soát.[103][104] Quân đội Azerbaijan tiến hành rà phá bom mìn trước khi tái định cư, quá trình này có thể mất 10–13 năm.[105]
280.000 người—hầu như tất cả người dân tộc Armenia tại Azerbaijan phải chạy trốn trong cuộc chiến tranh 1988–1993—đang sống trong hoàn cảnh giống như người tị nạn tại Armenia.[106] Một số rời khỏi đất nước này, chủ yếu là đến Nga. Con cái của họ sinh ra tại Armenia sẽ tự động có được quyền công dân. Do đó, số lượng của họ có thể giảm liên tục do rời đi và yêu cầu hủy đăng ký để nhập quốc tịch. Trong số này, khoảng 250.000 người chạy trốn khỏi Azerbaijan (các khu vực bên ngoài Nagorno-Karabakh); khoảng 30.000 đến từ Nagorno-Karabakh. Tất cả đều được đăng ký với chính phủ với tư cách là người tị nạn.[106]
Cả hai bên xung đột trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh thứ nhất đều đặt bom mìn trong khu vực. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tuyên bố rằng 123 người đã thiệt mạng và hơn 300 người bị thương do mìn gần khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, kể từ khi thỏa thuận đình chiến năm 1994 chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 6 năm giữa các lực lượng dân tộc Armenia và Azerbaijan cho đến năm 2005.[107]
HALO Trust, một tổ chức phi chính phủ về rà phá bom mìn có trụ sở tại Anh, là tổ chức quốc tế duy nhất tiến hành rà phá bom mìn tại Nagorno Karabakh.[108] Họ đã phá hủy 180.858 loại đạn dược vũ khí nhỏ, 48.572 đơn vị "vật liệu nổ khác", 12.423 bom chùm, 8.733 mìn sát thương và 2.584 mìn chống tăng từ năm 2000 đến năm 2016.[109] Đến năm 2018, họ đã rà phá 88% số bãi mìn trên lãnh thổ, với mục tiêu dọn sạch phần còn lại vào năm 2020. Các thành phố chính Stepanakert và Shusha, cũng như xa lộ chính Bắc-Nam đã được dọn sạch và an toàn cho việc đi lại. Nỗ lực rà phá bom mìn phần lớn được tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).[110]
Cộng hòa Artsakh có địa hình miền núi, đặc điểm này là nguồn gốc tên cũ của họ (từ tiếng Nga có nghĩa là "Karabakh miền Núi/Cao nguyên"). Diện tích khu vực là 3.170 km2 (3,170000000×109 m2).[4] Vùng nước lớn nhất là hồ chứa Sarsang, và các con sông lớn là Tartar và Khachen.[111] Đất nước này nằm trên một cao nguyên dốc về hướng đông và đông nam, với độ cao trung bình là 1.100 m (3.600 ft) trên mực nước biển.[112] Hầu hết các con sông trong nước đều chảy về Thung lũng Artsakh.[112]
Địa chất của Artsakh chủ yếu là một phần của lưu vực tiền địa Kussary-Divichi—phần phía bắc lưu vực tiền địa Đại Kavkaz. Máng được lấp đầy bởi nước sâu có độ tuổi từ Oligocen đến Đệ tứ, molasse và đá trầm tích biển.[113]
Khí hậu êm dịu và ôn hòa. Nhiệt độ trung bình là 11 °C (52 °F), dao động hàng năm trong khoảng từ 22 °C (72 °F) vào tháng 7 và −1 °C (30 °F) trong tháng 1. Lượng mưa trung bình có thể đạt tới 710 mm (28 in) ở một số vùng và có sương mù hơn 100 ngày một năm.[112] Hơn 2.000 loại thực vật tồn tại ở Artsakh và hơn 36% diện tích đất nước là rừng. Đời sống thực vật trên thảo nguyên chủ yếu bao gồm thảm thực vật bán sa mạc, trong khi hệ sinh thái vùng cận núi cao và lãnh nguyên núi cao có thể được tìm thấy trên rừng ở vùng cao nguyên và vùng núi.[112]
Artsakh được chia thành bảy tỉnh và một thành phố hành chính đặc biệt. Theo các nhà chức trách của Artsakh, họ bao gồm các lãnh thổ mà nước cộng hòa Nagorno-Karabakh từng tuyên bố: Tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh (NKAO), vùng Shahumyan và tiểu khu Getashen; và những lãnh thổ từng là một phần của Cộng hòa Artsakh trước Chiến tranh Nagorno-Karabakh thứ hai.[114][115][116]
Tính đến năm 2022, lãnh thổ Artsakh bao gồm hầu hết bốn huyện của tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh cũ, còn huyện thứ năm là tỉnh Hadrut hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Azerbaijan. Cũng được Artsakh yêu sách là vùng Shahumyan của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan, nằm dưới quyền kiểm soát của Azerbaijan kể từ Chiến tranh Nagorno-Karabakh thứ nhất. Mặc dù vùng Shahumyan không phải là một phần của tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh, nhưng các đại biểu từ Shahumyan đã tuyên bố độc lập cùng với tỉnh, và tuyên bố độc lập của Artsakh bao gồm vùng Shahumyan trong biên giới của mình.[117]
Sau khi kết thúc Chiến tranh Nagorno-Karabakh thứ hai, một thỏa thuận đình chiến được ký kết, theo đó hầu hết các lãnh thổ do Cộng hòa Artsakh kiểm soát được chuyển giao cho Azerbaijan kiểm soát, nhưng Cộng hòa Artsakh tiếp tục yêu sách các vùng lãnh thổ này.[114][115][116]
Sau tuyên bố độc lập của Cộng hòa Artsakh, chính phủ Azerbaijan bãi bỏ tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh và thành lập các huyện của Azerbaijan để thay thế. Kết quả là, một số đơn vị hành chính của Artsakh tương ứng với các huyện của Azerbaijan, trong khi các đơn vị khác có biên giới khác nhau.[118]
|
Vào tháng 9 năm 2023, hầu hết người Armenia tại Artsakh đã chạy trốn khỏi đất nước. Theo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, 100.417 người đã từ Artsakh đến Armenia.[120] Năm 2015, dân số cả nước là 145.000 người, trong đó 99,7% là người Armenia.[2] Thành phần dân tộc này thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ so với cuộc điều tra dân số năm 1979 và 1989, khi người Azerbaijan lần lượt chiếm 23 và 21,5%. Tỷ lệ sinh hàng năm được ghi nhận ở mức 2.200–2.300 bé mỗi năm, tăng từ gần 1.500 vào năm 1999.
Báo cáo của OSCE công bố vào tháng 3 năm 2011 ước tính dân số của "bảy vùng lãnh thổ bị chiếm đóng xung quanh Nagorno-Karabakh" là 14.000 người, và cho biết "dân số không có sự tăng trưởng đáng kể từ năm 2005."[121][122] Một báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế được công bố vào tháng 12 năm 2019 đã ghi nhận dân số của các vùng lãnh thổ này là 17.000 người, hay 11,48% tổng dân số: 15.000 người tại phía tây và tây nam của tỉnh cũ và 2000 người ở huyện Agdam.[123]
Cho đến năm 2000, tỷ lệ di cư ròng của đất nước ở mức âm.[124] Trong nửa đầu năm 2007, có 1.010 ca sinh và 659 ca tử vong, với tổng số 27 người di cư.[125]
Theo nhóm tuổi: 15.700 (0–6), 25.200 (7–17) 75.800 (18–59) và 21.000 (60+)
Dân số theo tỉnh (2006):
Dân số Cộng hòa Artsakh (2000–2008)[126][127]
Năm | Dân số (nghìn) | Đô thị (nghìn) | Nông thôn (nghìn) | Tỷ suất sinh | Tỷ suất tử | NGR | Nhập cư ròng |
---|---|---|---|---|---|---|---|
2000 | 134,4 | 68,4 | 66,0 | 16,6 | 8,8 | 7,7 | 16,1 |
2001 | 135,7 | 68,7 | 67,0 | 17,0 | 7,9 | 9,1 | 11,5 |
2002 | 136,6 | 69,3 | 67,3 | 16,0 | 9,1 | 6,9 | 4,9 |
2003 | 137,0 | 69,1 | 67,9 | 15,0 | 9,0 | 6,0 | 1.3 |
2004 | 137,2 | 69,8 | 67,4 | 15,3 | 9,5 | 5,8 | −2.6 |
2005 | 137,7 | 70,5 | 67,2 | 14,6 | 9,2 | 5,4 | 1.7 |
2006 | 137,7 | 70,8 | 66,9 | 15,3 | 9,0 | 6,3 | −3,2 |
2007 | 138,8 | 71,6 | 67,2 | 15,4 | 8,8 | 6,6 | −1,4 |
2008 | 139,9 | 72,7 | 67,2 | 17,3 | 9,4 | 7,9 | 2,6 |
Các dân tộc của tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh (1926–1989) và Cộng hòa Artsakh (2015) theo dữ liệu điều tra dân số[128]
Dân tộc | 1921[129] | 1926 | 1939 | 1959 | 1970 | 1979 | 1989 | 2005 | 2015 1 | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
# | % | # | % | # | % | # | % | # | % | # | % | # | % | # | % | # | % | |
Armenia | 122.800 | 89 | 111.694 | 89,1 | 132.800 | 88,0 | 110.053 | 84,4 | 121.068 | 80,5 | 123.076 | 75,9 | 145.450 | 76,9 | 137.380 | 99,7 | 144.683 | 99,7 |
Azerbaijan | 15.400 | 11 | 12.592 | 10,0 | 14.053 | 9,3 | 17.995 | 13,8 | 27.179 | 18,1 | 37.264 | 23,0 | 40.688 | 21,5 | 6 | 0 ,0 | ||
Nga | 596 | 0,5 | 3.174 | 2,1 | 1.790 | 1,4 | 1.310 | 0,9 | 1.265 | 0,8 | 1.922 | 1,0 | 171 | 0,1 | 238 | 0,2 | ||
Ukrainia | 436 | 0,3 | 193 | 0,1 | 140 | 0,1 | 416 | 0,2 | 21 | 0,0 | 26 | 0,0 | ||||||
Yezidi | 16 | 0,0 | ||||||||||||||||
Assyria | 16 | 0,0 | ||||||||||||||||
Gruzia | 15 | 0,0 | ||||||||||||||||
Khác | 416 | 0,3 | 374 | 0,2 | 568 | 0,4 | 563 | 0,4 | 436 | 0,3 | 609 | 0,3 | 159 | 0,1 | 59 | 0,0 | ||
Tổng | 138.500 | 125.300 | 150.837 | 130.406 | 150.313 | 162.181 | 189.085 | 137.737 | 145.053 | |||||||||
Biên giới lãnh thổ của tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh và Cộng hòa Artsakh là khác nhau. Dân số của các vùng lãnh thổ do Artsakh chiếm đóng xung quanh Nagorno-Karabakh có ít nhất là 201.016 và nhiều nhất là 421.726 người vào năm 1989.[130] |
Tiếng Armenia giữ vai trò là ngôn ngữ nhà nước duy nhất và là ngôn ngữ chính thức tại Cộng hòa Artsakh,[131] cũng là ngôn ngữ mẹ đẻ của hơn 99% dân số. Dưới thời cai trị của Liên Xô, người dân tộc Armenia tại Nagorno-Karabakh trở nên thông thạo tiếng Nga hơn so với người Azerbaijan trong khu vực cũng như người Armenia tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Armenia. Rất ít người Armenia học tiếng Azerbaijan và ngôn ngữ này bị loại bỏ tích cực sau Chiến tranh Nagorno-Karabakh. Mặc dù tiếng Nga vẫn được sử dụng nhất định sau thời gian này, và được cho là ngôn ngữ thứ hai nhưng nó không được sử dụng rộng rãi ở cấp độ bản ngữ.[26]
Tiếng Nga được sử dụng rộng rãi tại Arstakh, có những nỗ lực được thực hiện từ cuối năm 2020 tại quốc hội để đưa tiếng Nga làm một ngôn ngữ chính thức bổ sung; lời biện minh chính thức cho điều này là tiếng Nga đã là ngôn ngữ thứ hai của nhiều người dân và nó sẽ tạo ra "điều kiện để hợp tác sâu sắc hơn trên mọi lĩnh vực, [cũng như góp phần] phát triển các mối quan hệ trong khuôn khổ pháp lý."[132] Quốc hội Artsakh thông qua một dự luật xác nhận tư cách chính thức của tiếng Nga vào ngày 25 tháng 3 năm 2021.[131]
Thủ đô và thành phố lớn nhất tại Artsakh là Stepanakert (55.200 dân vào năm 2015), tiếp theo là Martuni (5.700), Martakert (4.600), Chartar ( 4.000), Askeran (2.300), Haterk (khoảng 1.600), Berdashen (khoảng 1.600), Vank (khoảng 1.600), Noragyugh (khoảng 1.500), Ivanyan (khoảng 1.400), Taghavard (khoảng 1.300) , Gishi (khoảng 1.100), Karmir Shuka (khoảng 1.100), Sos (khoảng 1.100), Aygestan (khoảng 1.100) và Khnapat (khoảng 1.000).[133][134] Danh sách này chỉ bao gồm các thị trấn Artsakh giữ được sau cuộc chiến năm 2020.
Từ năm 1989 đến năm 1994, dân số trên lãnh thổ do Artsakh kiểm soát giảm đáng kể, chỉ còn lại khoảng 40% dân số trước chiến tranh. Phần lớn là do cư dân Azerbaijan di dời và thiệt mạng tại cả tỉnh tự trị cũ và các vùng lãnh thổ xung quanh, khiến một số khu đô thị cũ gần như trống rỗng. Nhóm thiểu số người Nga cũng giảm hiện diện, khiến dân số gần như 100% là người Armenia. Bắt đầu từ năm 1995, dân số bắt đầu tăng do sinh sản và nhập cư.[135]
Mặc dù lãnh thổ chiếm được bên ngoài tỉnh tự trị cũ ban đầu được xem là một con bài thương lượng tiềm năng, nhưng dần dần nó bắt đầu được cả quan chức và người dân nói chung cho là một phần của đất nước.[25] Chính phủ có trụ sở tại Stepanakert đưa ra nhiều chương trình khác nhau nhằm đưa những người định cư lâu dài Armenia đến những vùng đất bị suy giảm dân cư, bao gồm cả các khu vực người Azerbaijan từng sinh sống trước đây, được ưu tiên hàng đầu là những khu vực giáp Armenia – Lachin và Kalbajar.[136] Lachin là chìa khóa kết nối trên bộ giữa Armenia và tỉnh tự trị Nagorno–Karabakh trước đây, và Kalbajar có nguồn tài nguyên nước được cả Artsakh và Armenia sử dụng.[25]
Azerbaijan cho đây là hành vi vi phạm Điều 49 của Công ước Genève thứ tư, mà Armenia tham gia vào năm 1993, theo đó "Thế lực chiếm đóng sẽ không trục xuất hoặc chuyển một bộ phận dân thường của họ vào lãnh thổ mà họ chiếm đóng".[137] Đảng cầm quyền của Azerbaijan cáo buộc phía Armenia thay đổi một cách giả tạo tình hình nhân khẩu học và thành phần dân tộc của khu vực bị chiếm đóng để có thể đưa ra các yêu sách trong tương lai đối với chúng.[138]
Hầu hết người Armenia tại Artsakh theo đạo Cơ đốc và là tín đồ của Giáo hội Tông truyền Armenia, là một giáo hội Chính thống giáo Đông phương. Một số giáo phái Chính thống Đông phương và Tin lành cũng tồn tại.[111][139] Vào đầu thế kỷ 5, người phát minh ra bảng chữ cái Armenia là Mesrop Mashtots thành lập ngôi trường đầu tiên sử dụng chữ viết của ông tại Amaras.[140][141]
Giáo dục tại Artsakh là bắt buộc và miễn phí cho đến 18 tuổi. Hệ thống giáo dục được kế thừa từ hệ thống cũ của Liên Xô.[142]
Hệ thống trường học của Artsakh bị hư hại nghiêm trọng do xung đột 1991–1994. Nhưng chính phủ Cộng hòa Artsakh đã xây dựng lại nhiều trường học từ viện trợ đáng kể của Armenia và từ quyên góp của cộng đồng người Armenia hải ngoại. Trước cuộc chiến tranh năm 2020, Artsakh có khoảng 250 trường học với quy mô khác nhau, trong đó có hơn 200 trường nằm tại các khu vực. Số lượng học sinh ước tính hơn 20.000, với gần một nửa ở thủ đô Stepanakert.
Đại học Nhà nước Artsakh được thành lập từ nỗ lực chung của chính phủ Artsakh và Armenia, có cơ sở chính tại Stepanakert. Lễ khai giảng trường đại học diễn ra vào ngày 10 tháng 5 năm 1992. Đại học Quản lý Yerevan cũng mở chi nhánh tại Stepanakert.
Tình hình kinh tế xã hội của Cộng hòa Artsakh bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc xung đột 1991–1994. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài sau đó cũng đến. Nguồn gốc của hầu hết vốn mạo hiểm đến từ người Armenia sống tại Armenia, Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Iran và Trung Đông.
Đáng chú ý là lĩnh vực viễn thông được Karabakh Telecom phát triển[143] đầu tư hàng triệu đô la vào hạ tầng điện thoại di động, thuộc một công ty Liban. Karabakh Telecom bị ngắt kết nối liên lạc bên ngoài vào ngày 27 tháng 9 năm 2023.[144]
Khai thác đồng và vàng được phát triển kể từ năm 2002, khi phát triển và triển khai hoạt động tại mỏ Drmbon.[145] Khoảng 27–28 nghìn tấn (trọng lượng ướt) cô đặc được sản xuất[146] với hàm lượng đồng trung bình 19–21% và hàm lượng vàng 32–34 g/t.[147] Azerbaijan nhìn nhận bất kỳ hoạt động khai thác nào ở Nagorno-Karabakh là bất hợp pháp và tuyên bố sẽ thuê một công ty kiểm toán quốc tế để xác định thiệt hại.[148]
Hệ thống ngân hàng được quản lý bởi Artsakhbank (một ngân hàng Armenia có trụ sở tại Yerevan thực hiện các chức năng của ngân hàng nhà nước Nagorno-Karabakh) và một số ngân hàng Armenia khác. Nước cộng hòa cũng sử dụng dram Armenia.
Nghề trồng nho và chế biến nông sản, đặc biệt là rượu vang (lưu kho rượu, bảo quản rượu, rượu cognac) là một trong những hướng phát triển kinh tế ưu tiên.[149]
Trước chiến tranh năm 2020, nước cộng hòa phát triển ngành du lịch hướng tới Armenia và cộng đồng người Armenia hải ngoại. Nước cộng hòa này nhận lượng khách du lịch tăng mạnh trong vài năm trước đó nhờ có nhiều điểm tham quan văn hóa tại Artsakh. Trước cuộc chiến năm 2020 có chín[150][cần nguồn thứ cấp]
khách sạn tại Stepanakert. Cơ quan phát triển Artsakh cho biết có 4.000 khách du lịch đến thăm Artsakh vào năm 2005. Con số này tăng lên 8.000 vào năm 2010 (không bao gồm du khách đến từ Armenia).[151] Cơ quan này hợp tác với Cơ quan Phát triển Du lịch Armenia (ATDA) vì Armenia là cách duy nhất mà khách du lịch (chủ yếu là người dân tộc Armenia) có thể tiếp cận Artsakh. Bộ Ngoại giao Artsakh ghi nhận việc mở rộng liên tục về khu vực địa lý của du khách.[152] Cơ sở hạ tầng du lịch được phát triển xung quanh các địa điểm như các tu viện trưng bày lịch sử Armenia trong khu vực,[25] còn các địa điểm Hồi giáo hiếm khi được khôi phục,[153] trong khi một số thành phố ma và khu vực gần tiền tuyến không cho phép khách du lịch.[25]
Các điểm du lịch bao gồm:
Các điểm tham quan du lịch khác bao gồm:
Đường mòn Janapar là một đường mòn được đánh dấu, xuyên qua những ngọn núi, thung lũng và thôn làng Artsakh, với các tu viện và pháo đài trên đường đi.[154] Con đường này được chia thành các chuyến đi bộ ban ngày, đưa khách du lịch đến một ngôi làng khác nhau mỗi đêm.[155]
Chi phí lưu trú tại Artsakh tương đối rẻ so với phần còn lại của khu vực và dao động trong khoảng 25–70 USD cho một người tính đến tháng 5 năm 2017.[150]
Tuy nhiên, những người đến Artsakh mà không có sự đồng ý và cho phép trước của chính phủ Azerbaijan sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Azerbaijan vì nước này nhìn nhận Artsakh là lãnh thổ của họ bị [Quân đội Armenia chiếm đóng bất hợp pháp.[156]
Trước cuộc chiến năm 2020, Lễ hội rượu vang Artsakh diễn ra hàng năm ở Togh kể từ năm 2014. Lễ hội được tổ chức vào thứ Bảy của tuần thứ ba của tháng 9 hàng năm.[157] Nó nhằm mục đích khôi phục truyền thống sản xuất rượu vang Artsakh. Theo truyền thống, lễ hội đi kèm với ca hát và nhảy múa dân tộc Armenia. Lễ hội phát triển thành ngày lễ quốc gia.[158]
Hệ thống giao thông đã bị hư hại do cuộc xung đột 1991–1994. Xa lộ Bắc-Nam Artsakh tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống giao thông.[159]
Trước chiến tranh năm 2020, xa lộ Hadrut-Stepanakert-Askeran-Martakert 169 kilômét (105 mi) là huyết mạch của Artsakh, và 25 triệu đô la được quyên góp trong các buổi truyền hình của Hayastan All-Armenian Foundation được phân bổ để xây dựng con đường.[159][160]
Một tuyến đường mới từ thủ đô Armenia Yerevan đến Stepanakert được lên kế hoạch để bỏ qua quãng đường 8–9 giờ lái xe qua hành lang Lachin.[161] Tuyến đường đã được khai trương vào tháng 9 năm 2017.[162] Con đường thứ ba được lên kế hoạch vào năm 2019.[163] Sau cuộc chiến năm 2020, một con đường mới dự kiến được xây dựng dọc hành lang Lachin để tránh Shusha.[164]
Chính quyền Liên Xô đã mở một tuyến đường sắt tại tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh vào năm 1944. Tuyến đường này nối thủ phủ Stepanakert và Yevlax tại Azerbaijan. Nó được xây dựng theo khổ tiêu chuẩn 1520 mm của Nga. Do Chiến tranh Nagorno-Karabakh thứ nhất, tuyến đường sắt bị hư hỏng nặng và bị đóng cửa.[165]
Sân bay Stepanakert là sân bay dân sự duy nhất của Cộng hòa Artsakh, nằm cách thủ đô khoảng 8 kilômét (5 dặm) về phía đông, nhưng đóng cửa kể từ khi bắt đầu chiến tranh vào năm 1990. Từng có kế hoạch mở các chuyến bay thường xuyên đến Yerevan, Armenia, của hãng hàng không nhà nước Artsakh Air.[166]
Truyền thông tại Artsakh gồm điện thoại, vệ tinh và các dịch vụ và quy định liên lạc khác trong khu vực. Karabakh Telecom là công ty viễn thông duy nhất tại Artsakh, được thành lập vào ngày 1 tháng 2 năm 2002[167] bởi doanh nhân người Liban gốc Armenia Pierre Fattouch.[168] KT cũng được điều hành bởi Tổng Giám đốc Ralf Yerikian, một doanh nhân người Liban gốc Lebanon.[169]
"Chúng tôi là những ngọn núi của chúng tôi" của Sargis Baghdasaryan là một tượng đài nằm tại Stepanakert.[170] Tác phẩm điêu khắc được nhiều người cho là biểu tượng của Cộng hòa Artsakh. Đây là một tượng đài lớn về một người đàn ông và phụ nữ Armenia cao tuổi được đẽo từ đá tuff, đại diện cho người miền núi Artsakh. Nó còn được gọi là Tatik yev Papik ("Bà và ông") trong tiếng Armenia. Tác phẩm điêu khắc được thể hiện nổi bật trên quốc huy của Artsakh.[171][172]
Bảo tàng Nhà nước Artsakh là bảo tàng lịch sử của Cộng hòa Artsakh. Tọa lạc tại số 4 Phố Sasunstsi David tại Stepanakert, bảo tàng cung cấp nhiều loại đồ tạo tác cổ và các bản thảo Cơ đốc giáo. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật gần đây hơn, có niên đại từ thế kỷ 19 cho đến Thế chiến thứ hai và từ các sự kiện trong Chiến tranh giành độc lập Karabakh.
Azat Artsakh ( Artsakh tự do) là tờ báo chính thức của Cộng hòa Artsakh. Nó được in hàng ngày và được cung cấp bằng tiếng Armenia, tiếng Anh và tiếng Nga.[173] Các chủ đề điển hình bao gồm xung đột Nagorno-Karabakh, diệt chủng người Armenia và các vấn đề khác liên quan đến người Armenia. Ngoài Azat Artsakh, nhiều phương tiện truyền thông in ấn được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, thường cung cấp các phần tiếng Nga và tiếng Anh ngoài phần tiếng Armenia.
Do Artsakh không được công nhận, các đội thể thao trong nước không thể thi đấu ở hầu hết các giải đấu quốc tế. Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Artsakh. Stepanakert có một sân vận động bóng đá được xây dựng tốt. Từ giữa những năm 1990, các đội bóng từ Artsakh bắt đầu tham gia một số giải đấu trong nước tại Armenia. Lernayin Artsakh FC đại diện cho thành phố Stepanakert. Tại Artsakh, các câu lạc bộ bóng đá trong nước thi đấu tại Giải bóng đá Artsakh được thành lập vào năm 2009. Đội tuyển bóng đá quốc gia Artsakh được thành lập vào năm 2012 và chơi trận đấu đầu tiên với Đội tuyển bóng đá quốc gia Abkhazia tại Sokhumi.[174][175] Ngoài ra cư dân còn có hứng thú với các môn thể thao khác như bóng rổ và bóng chuyền. Chèo thuyền được tổ chức tại thị trấn Martakert. Các đội thể thao và vận động viên Artsakh cũng tham gia Đại hội thể thao liên Armenia được tổ chức tại Armenia.
Danh sách 'ngày nghỉ lễ trong nhà nước:[176]
Ngày[111] | Tên gọi | Tên gọi địa phương | Ghi chú |
---|---|---|---|
31 tháng 12 – 1 tháng 1 | Tết Dương lịch | ||
6 tháng 1 | Giáng sinh | tiếng Armenia: Սուրբ ծնունդ | |
28 tháng 1 | Ngày Bảo vệ quê hương | ||
20 tháng 2 | Ngày Hồi sinh Artsakh | tiếng Armenia: Արցախի վերածննդի օր | |
8 tháng 3 | Ngày Quốc tế Phụ nữ | tiếng Armenia: Կանանց միջազգային օր | |
7 tháng 4 | Ngày Làm mẹ và Sắc đẹp | tiếng Armenia: Մայրության և գեղեցկության օր | |
24 tháng 4 | Ngày tưởng niệm diệt chủng người Armenia | tiếng Armenia: Մեծ Եղեռնի զոհերի հիշատակի օր | |
1 tháng 5 | Ngày đoàn kết của người lao động | tiếng Armenia: Աշխատանքի օր | |
9 tháng 5 | Ngày Chiến thắng, Lực lượng Vũ trang & Giải phóng Shushi | tiếng Armenia: Հաղթանակի, զինված ուժերի և Շուշիի ազատագրման օր | |
28 tháng 5 | Ngày Cộng hòa Armenia thứ nhất | tiếng Armenia: Հանրապետության օր | |
1 tháng 6 | Ngày Quốc tế thiếu nhi | tiếng Armenia: Երեխաների համաշխարհային օր | |
29 tháng 6 | Ngày tưởng niệm liệt sĩ và mất tích trong chiến đấu | ||
2 tháng 9 | Ngày Cộng hòa | ||
7 tháng 12 | Ngày tưởng niệm động đất Armenia | ||
10 tháng 12 | Ngày Hiến pháp |
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.