Sông Thạch Hãn (hay còn gọi là sông Ba Lòng, sông Quảng Trị) là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.[1] Đây là con sông gắn liền với lịch sử Quảng Trị. Tại vùng hạ nguồn thì sông Thạch Hãn nối với sông Bến Hải qua sông Cánh Hòm, và nối với sông Ô Lâu qua sông Vĩnh Định, nên có thể xếp chung ra "hệ thống sông Bến Hải–Thạch Hãn–Ô Lâu".
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm Có tuổi hai mươi thành sóng nước Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
Lời người bên sông. Bản gốc của cựu binh Lê Bá Dương, theo đăng ký quyền tác giả do Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Việt Nam cấp.[2]
Phiên âm: Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành, Tịch hà yểm ái viễn sơn minh. Tây phong hà xứ xuy trần khởi, Bất dĩ niên tiền triệt để thanh.
Dịch nghĩa: Trên dòng sông Thạch Hãn một mái chèo khua ngang, Ráng chiều lấp loáng soi sáng ngọn núi xa. Gió tây từ đâu xua cát bụi đến, Làm cho dòng sông không còn trong suốt như năm trước nữa.
Bản gốc: 石捍江 石捍江流一棹橫, 夕霞晻曖遠山明。 西風何處吹塵起, 不以年前徹底清。
Thạch Hãn giang (石捍江, Sông Thạch Hãn), Nguyễn Khuyến
Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở bảo Trấn Lao Bảo chảy về Đông,… qua phía Bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn, đến ngã ba cổ Thành chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy lên Đông Bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Vĩnh Phước ở phía Tây chảy vào, qua huyện Đăng Xương (tức huyện Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Đại Độ gặp sông Điếu Ngao (sông Điếu Ngao qua cửa Điếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt. Một nhánh chảy xuống Đông Nam, chảy vào sông Vĩnh Định, gặp sông Nhùng (Mai Đàn) từ phía Tây tới, rồi theo hướng Nam tới huyện lỵ Phong Điền thì gặp sông Thác Ma sau đó chảy ra Phá Tam Giang