sản phẩm mỹ nghệ từ đất sét From Wikipedia, the free encyclopedia
Đồ gốm là các sản phẩm chứa đựng được tạo hình và các đồ vật khác bằng đất sét và các vật liệu gốm khác, được nung ở nhiệt độ cao để tạo cho chúng một hình dạng cứng và bền. Các loại chính bao gồm đồ đất nung, đồ sành và đồ sứ. Nghề gốm là nghề hay quy trình sản xuất các sản phẩm như vậy. Nơi mà các đồ gốm như vậy được làm bởi một thợ gốm được gọi là xưởng gốm. Định nghĩa về đồ gốm được Hiệp hội Thử nghiệm và Vật liệu Hoa Kỳ (ASTM) sử dụng là "tất cả các loại gốm nung có chứa đất sét khi hình thành, ngoại trừ các sản phẩm kỹ thuật, kết cấu và vật liệu chịu lửa".[1] Trong khảo cổ học, đặc biệt là thời kỳ cổ đại và tiền sử, "đồ gốm" thường chỉ có nghĩa là các loại chai, lọ, hũ, bình, chum, chóe, vại, còn các loại hình vật hay người làm từ cùng một vật liệu được gọi là "terracotta". Đất sét như là một phần của vật liệu được sử dụng được yêu cầu bởi một số định nghĩa về gốm, nhưng điều này là không rõ ràng.
Đồ gốm là một trong những phát minh lâu đời nhất của con người, có nguồn gốc từ thời kỳ đồ đá mới, với các đồ vật bằng gốm như bức tượng Vệ nữ Dolní Věstonice thuộc văn hóa Gravette được phát hiện ở Cộng hòa Séc có niên đại từ 29000-25000 TCN,[2] và các bình gốm được phát hiện tại Giang Tây, Trung Quốc, có niên đại tới 18000 TCN. Các cổ vật gốm thời đồ đá mới và tiền đồ đá mới đã được tìm thấy, ở Jōmon Nhật Bản (10500 TCN),[3] Viễn Đông Nga (14000 TCN),[4] châu Phi hạ Sahara (9400 TCN),[5] Nam Mỹ (9000-7000 TCN),[6] và Trung Đông (7000 - 6000 TCN).
Đồ gốm được chế tạo bằng cách tạo hình cho xương gốm (thường là đất sét) thành các đồ vật có hình dạng mong muốn và nung chúng đến nhiệt độ cao (600-1600 °C) trong các đống lửa, hố nung hoặc lò nung và gây ra các phản ứng dẫn đến thay đổi vĩnh viễn làm tăng cường độ và độ cứng của đồ vật. Nhiều đồ gốm là hoàn toàn thực dụng, nhưng một số cũng có thể được coi là đồ gốm mỹ nghệ. Một tạo hình đất sét có thể được trang trí trước hoặc sau khi nung.
Đồ gốm bằng đất sét có thể được chia thành ba nhóm chính: đồ đất nung, đồ sành và đồ sứ. Chúng đòi hỏi vật liệu đất sét ngày càng cụ thể hơn, và nhiệt độ nung ngày càng cao. Cả ba được làm thành các đồ vật tráng men và không tráng men, phục vụ cho các mục đích khác nhau. Tất cả cũng có thể được trang trí bởi các kỹ thuật khác nhau. Trong nhiều ví dụ, một đồ gốm thuộc về nhóm nào là rõ ràng ngay lập tức, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Các đồ gốm frit của thế giới Hồi giáo không sử dụng đất sét, vì vậy về mặt kỹ thuật nằm ngoài các nhóm này. Đồ gốm lịch sử của tất cả các loại này thường được nhóm lại hoặc như là đồ gốm "cao cấp", "tinh xảo", tương đối đắt tiền và được làm tỉ mỉ, kỹ càng, cẩn thận, và theo quan điểm thẩm mỹ của văn hóa có liên quan, hoặc thay vào đó như là đồ gốm "thô lậu", "phổ biến", "dân gian" hoặc "quê mùa", hầu hết không được trang trí, hoặc rất đơn giản và thường được làm không kỹ càng.
Tất cả các hình thức gốm sớm nhất được làm từ đất sét nung ở nhiệt độ thấp, ban đầu là trong các hố nung hoặc trong các đống lửa ngoài trời. Chúng được nặn bằng tay và chưa được trang trí. Đồ đất nung có thể được nung ở nhiệt độ thấp chỉ 600 °C, và thường được nung dưới 1.200 °C.[7] Bởi vì đồ đất nung mộc không tráng men là xốp nên nó có tính thiết thực hạn chế trong việc lưu trữ chất lỏng hoặc làm bộ đồ ăn. Tuy nhiên, đồ đất nung đã có một lịch sử liên tục từ thời kỳ đồ đá mới cho đến ngày nay. Nó có thể được tạo ra từ nhiều loại đất sét, một số trong đó được nung để có màu nâu, nâu da bò hoặc đen, với sắt trong các khoáng vật cấu thành dẫn đến màu nâu đỏ. Các loại màu đỏ được gọi là terracotta (đất nung), đặc biệt là khi không tráng men hoặc được sử dụng trong điêu khắc. Sự phát triển của men gốm làm cho gốm không thấm nước trở thành có thể, cải thiện tính phổ biến và tính thực tế của đồ đựng bằng gốm. Việc bổ sung trang trí cho đồ đất nung đã phát triển trong suốt lịch sử của nó.
Đồ sành là đồ gốm được nung trong lò nung ở nhiệt độ tương đối cao, từ khoảng 1.100 °C đến 1.200 °C, cứng hơn và không thấm đối với chất lỏng.[8] Người Trung Quốc đã phát triển đồ sành từ rất sớm và phân loại đồ sành cùng với đồ sứ là đồ gốm cao cấp. Ngược lại, đồ sành chỉ có thể được sản xuất ở châu Âu từ cuối thời trung cổ, vì các lò nung ở châu Âu kém hiệu quả hơn, và loại đất sét phù hợp cũng ít phổ biến hơn. Nó vẫn là một vật phẩm đắt tiền ở Đức cho đến thời Phục hưng.[9]
Đồ sành rất cứng và hữu dụng, và phần lớn luôn luôn mang tính thực dụng dành cho nhà bếp hoặc để làm đồ đựng hơn là đồ đặt trên bàn. Những đồ sành "mỹ nghệ" được coi trọng ở Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây, và tiếp tục được sản xuất. Nhiều loại hình đồ sành thực dụng cũng đã được đánh giá cao như một dạng đồ mỹ nghệ.
Sứ được làm bằng vật liệu gia nhiệt, thường bao gồm cao lanh, trong lò nung đến nhiệt độ từ 1.200 và 1.400 °C (2.200 và 2.600 °F). Nhiệt độ này cao hơn so với sử dụng cho các loại khác, và đạt được những nhiệt độ này cũng như nhận ra những vật liệu cần thiết là một thách thức lâu dài. Độ dai, độ cứng và độ trong của sứ, so với các loại gốm khác, phát sinh chủ yếu từ thủy tinh hóa và sự hình thành của khoáng vật mullit trong tạo hình ở những nhiệt độ cao này.
Mặc dù đồ sứ lần đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng theo truyền thống, người Trung Quốc không coi nó là một loại khác biệt, nhóm nó với đồ sành là đồ gốm "cao lửa" (瓷, từ), trái ngược với đồ đất nung là đồ gốm "thấp lửa" (陶, đào). Điều này gây nhầm lẫn khi đồ sứ lần đầu tiên được tạo ra. Độ trong mờ và độ trắng nhất định đã đạt được từ thời Đường (618-906), và một lượng đáng kể đồ sứ đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, độ trắng hiện đại chỉ đạt được muộn hơn, trong thế kỷ 14. Đồ sứ cũng được sản xuất tại Triều Tiên và Nhật Bản từ cuối thế kỷ 16, sau khi cao lanh phù hợp được tìm ra tại các quốc gia đó. Đồ sứ không được sản xuất một cách hiệu quả bên ngoài Đông Á cho đến thế kỷ 18.[10]
Trước khi được định hình, đất sét phải được chuẩn bị. Nhào trộn giúp đảm bảo độ ẩm đều khắp trong khối đất. Không khí bị mắc kẹt trong đất sét cần phải được loại bỏ. Điều này được gọi là khử không khí và có thể được thực hiện bằng một máy gọi là máy nhào đất chân không hoặc bằng tay bằng cách lèn. Lèn cũng có thể giúp tạo ra một độ ẩm đồng đều. Một khi khối đất sét đã được nhào trộn và khử khí hoặc lèn, nó được tạo hình bởi một loạt các kỹ thuật. Sau khi đã được định hình, nó được sấy khô và sau đó đưa vào nung.
Xương hay thân là các thuật ngữ để chỉ hình dạng gốm chính của một vật, nằm phía dưới bất kỳ lớp men hoặc trang trí nào. Thành phần chính của xương là đất sét. Có một số vật liệu được gọi là đất sét. Các tính chất làm cho chúng khác nhau bao gồm: Độ dẻo là tính dễ uốn của xương; độ thấm nước là mức độ mà chúng hấp thụ nước sau khi nung; và độ co ngót là mức độ thu nhỏ kích thước của xương khi nước được loại bỏ. Các xương đất sét khác nhau cũng khác nhau theo cách mà chúng phản ứng khi nung trong lò. Một xương đất sét có thể được trang trí trước hoặc sau khi nung. Trước một số quá trình định hình, đất sét phải được chuẩn bị. Mỗi loại đất sét khác nhau này bao gồm các loại và các lượng khoáng vật khác nhau xác định các đặc tính của đồ gốm tạo ra. Có thể có các khác biệt khu vực về các tính chất của nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất đồ gốm, và những điều này có thể dẫn đến các sản phẩm độc đáo có đặc trưng địa phương. Thông thường, đất sét và các vật liệu khác được trộn lẫn để tạo ra các xương đất sét phù hợp với các mục đích cụ thể. Một thành phần phổ biến của các xương đất sét là khoáng vật kaolinit. Các khoáng vật khác trong đất sét, chẳng hạn như fenspat, hoạt động như các chất trợ dung làm giảm nhiệt độ thủy tinh hóa của xương. Sau đây là danh sách các loại đất sét khác nhau được sử dụng để làm đồ gốm.[14]
Đồ gốm có thể được định hình bằng một loạt các phương pháp bao gồm:
Đồ gốm có thể được trang trí theo nhiều cách khác nhau. Một số trang trí có thể được thực hiện trước hoặc sau khi nung.
Men là lớp che phủ thủy tinh trên đồ gốm, mục đích chủ yếu là trang trí và bảo vệ. Một sử dụng quan trọng của men là làm cho các đồ chứa bằng gốm xốp trở thành không thấm đối với nước và các chất lỏng khác. Men có thể đắp vào bằng cách rắc bột men mịn chưa nung lên trên bề mặt đồ gốm hoặc bằng cách phun, nhúng, quét, chải một lớp vữa mỏng bao gồm men chưa nung và nước. Màu của men sau khi nung có thể khác biệt đáng kể so với màu trước khi nung. Để ngăn không cho đồ gốm tráng men dính vào lò khi nung, hoặc là một phần nhỏ của đồ vật đem nung (như chân đế) không được tráng men hoặc là các "cựa" chịu lửa đặc biệt được sử dụng làm giá kê. Chúng sẽ được gỡ ra và loại bỏ sau khi nung.
Một số kỹ thuật tráng men chuyên dụng bao gồm:
Nung tạo ra các thay đổi không thể đảo ngược trong xương gốm. Chỉ sau khi nung thì đồ vật hay vật liệu mới được gọi là đồ gốm. Trong gốm thấp lửa thì các thay đổi bao gồm thiêu kết, là sự hợp nhất cùng nhau của các hạt thô hơn trong xương gốm tại các điểm tiếp xúc của chúng với nhau. Trong trường hợp của sứ, trong đó các vật liệu khác nhau và nhiệt độ nung cao được sử dụng, các tính chất vật lý, hóa học và khoáng vật học của các thành phần hợp thành trong xương gốm bị biến đổi mạnh. Trong mọi trường hợp thì lý do đem nung là để làm cứng vĩnh cửu các đồ vật tạo ra, và chế độ nung phải thích hợp với các vật liệu được sử dụng để làm ra chúng. Như một chỉ dẫn thô sơ thì các đồ đất nung hiện đại thông thường được nung ở khoảng nhiệt độ từ 1.000 °C (1.830 °F) đến 1.200 °C (2.190 °F); đồ sành từ khoảng 1.100 °C (2.010 °F) đến 1.300 °C (2.370 °F); và đồ sứ từ khoảng 1.200 °C (2.190 °F) đến 1.400 °C (2.550 °F). Trong quá khứ, đạt được các nhiệt độ cao là một thách thức lâu dài, và đồ đất nung có thể chỉ được nung ở nhiệt độ thấp tới 600 °C (1.112 °F), đạt được trong các hố nung nguyên thủy.
Nung đồ gốm có thể được thực hiện theo một số phương pháp, với lò nung là phương pháp nung thông thường nhất. Cả nhiệt độ nung tối đa lẫn thời gian nung đều ảnh hưởng tới các đặc trưng cuối cùng của sản phẩm gốm. Vì thế, nhiệt độ tối đa bên trong lò nung thường được duy trì là một hằng số trong một khoảng thời gian để làm cho đồ đem nung ngấu nhằm tạo ra độ chín theo yêu cầu trong xương gốm.
Khí bên trong lò nung trong quá trình nung cũng có thể ảnh hưởng tới bề ngoài của đồ gốm thành phẩm. Môi trường oxy hóa, sinh ra từ sự cung cấp dư thừa không khí vào lò, có thể gây ra sự oxy hóa đất sét và men. Môi trường khử, sinh ra từ sự hạn chế không khí vào lò hoặc do đốt than thay vì đốt củi, có thể tước đoạt oxy từ bề mặt đất sét và men. Điều này có thể ảnh hưởng tới bề ngoài của đồ gốm đem nung và một số loại men chứa các khoáng vật giàu sắt trở thành màu nâu trong môi trường oxy hóa nhưng lại có màu xanh lục trong môi trường khử. Môi trường khí bên trong lò nung có thể điều chỉnh để tạo ra các hiệu ứng phức tạp trong lớp men.
Các lò nung có thể được cấp nhiệt bằng đốt củi, than, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng hay bằng điện. Khi sử dụng làm nhiên liệu, than và củi có thể sinh ra khói, mồ hóng, tro trong lò nung, gây ảnh hưởng tới bề ngoài của các đồ nung không được che chắn, bảo vệ. Vì lý do này, các đồ nung trong là đốt củi hay lò đốt than thường được đặt bên trong các sạp nung gốm hoặc các hộp gốm để bảo vệ chúng. Các lò nung hiện đại đốt khí ga hay lò điện là sạch sẽ hơn và dễ kiểm soát hơn so với các lò củi hay lò than kiểu cũ và thường rút ngắn được thời gian nung. Trong mô phỏng phương Tây của kỹ thuật nung gốm Raku truyền thống của Nhật Bản thì các đồ gốm được đưa ra khỏi lò nung khi còn nóng đỏ và được bao phủ trong tro, giấy hay dăm gỗ để tạo ra bề ngoài cacbon hóa khác biệt. Kỹ thuật này cũng được sử dụng tại Malaysia trong việc tạo ra labu sayong (bình đựng nước hình bầu hồ lô) truyền thống.[33][34]
Tại Mali, các gò nung gốm được sử dụng thay cho các lò xây bằng gạch hay đá. Những chiếc bình chưa nung, theo phong tục đầu tiên sẽ được những người phụ nữ và thanh nữ trong làng mang đến nơi sẽ dựng gò nung. Nền của gò nung được làm bằng cách đặt các thanh củi trên mặt đất, sau đó:
[...] những chiếc bình được đặt trên và giữa các thanh củi, sau đó cỏ được chất thành đống cao để làm thành gò nung. Mặc dù gò nung xếp nhiều bình của nhiều phụ nữ, những người có quan hệ họ hàng thông qua dòng họ đằng chồng, nhưng mỗi phụ nữ phải chịu trách nhiệm về những cái bình của chính mình hoặc của chính gia đình mình trong gò.
Khi một gò nung hoàn thành và mặt đất xung quanh đã được quét sạch các vật liệu dễ cháy còn sót lại thì một người thợ gốm cao tay nghề thắp lửa. Một nắm cỏ được châm lửa và người phụ nữ chạy vòng quanh gò nung để chạm ngọn đuốc đang cháy vào đám cỏ khô. Một số gò nung vẫn được xây dựng khi những gò nung khác đã được đốt cháy.[35]
Phần lớn thời gian trong lịch sử nghề gốm là thuộc thời kỳ tiền sử, thuộc về các văn hóa trước khi có chữ viết trong quá khứ. Vì thế, phần lớn lịch sử này chỉ có thể được tìm thấy trong các đồ tạo tác của khảo cổ học. Do đồ gốm là khá bền nên các đồ gốm và mảnh gốm tồn tại qua nhiều thiên niên kỷ tại các di chỉ khảo cổ, và thường là loại đồ tạo tác phổ biến nhất và quan trọng nhất còn sót lại. Nhiều văn hóa tiền sử được đặt tên theo đồ gốm, đó cũng là cách thức dễ dàng nhất để nhận dạng các di chỉ chứa chúng và các nhà khảo cổ học đã xây dựng và phát triển các đặc điểm nhận dạng các loại hình khác biệt từ thành phần hóa học của các mảnh gốm nhỏ.
Để đồ gốm và nghề gốm trở thành một bộ phận của một văn hóa nào đó thì một số điều kiện nói chung phải đạt được. Chúng bao gồm:
Đồ gốm có thể đã được phát hiện ra một cách độc lập tại nhiều nơi khác nhau, có lẽ là do ngẫu nhiên tạo ra nó ở đáy các đống lửa trên nền đất sét. Tất cả các dạng bình, chậu sớm nhất đã biết tới nay đều là gốm nung trong hố và được làm bằng cách đắp các cuộn đất sét, một công nghệ khá đơn giản để học. Các đồ vật gốm sớm nhất đã biết là các bức tượng nhỏ kiểu Gravette (công nghiệp/văn hóa Gravette) như những gì đã phát hiện tại Dolní Věstonice (Cộng hòa Séc ngày nay). Vệ nữ Dolní Věstonice là tượng Vệ Nữ (Venus), một bức tượng tạo hình người phụ nữ khỏa thân, có niên đại tới 29000–25000 TCN.[2]
Các mảnh gốm được tìm thấy tại Trung Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn từ 12.000 và có lẽ lâu đời tới 18.000 năm trước.[4][44] Tại thời điểm năm 2012, đồ gốm sớm nhất được tìm thấy tại bất kỳ đâu trên thế giới,[45] có niên đại tới 19.000-20.000 năm trước ngày nay, được tìm thấy tại động Tiên Nhân (hương Đại Nguyên, huyện Vạn Niên, địa cấp thị Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc).[46][47]
Các loại đồ gốm thời kỳ đầu khác còn bao gồm cả các cổ vật khai quật được tại hang Ngọc Thiềm (trại Bạch Thạch, trấn Thọ Nhạn, huyện Đạo, địa cấp thị Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), có niên đại đến năm 16000 TCN,[44] và những gì tìm thấy trong lưu vực sông Amur ở Viễn Đông Nga có niên đại tới năm 14000 TCN.[4][48]
Di chỉ Odai Yamamoto I thuộc về thời kỳ Jōmon hiện tại có đồ gốm cổ nhất đã biết tại Nhật Bản. Cuộc khai quật năm 1998 đã phát hiện ra các mảnh đồ đất nung có niên đại tới 14500 TCN.[49] Thuật ngữ "Jōmon" (縄文, thằng văn) có nghĩa là "vằn dây" hay "vân dây" trong tiếng Nhật. Nó dùng để nói tới các vằn trên bình, lọ hay tượng do việc sử dụng que và dây thừng trong quá trình sản xuất ra các đồ vật này. Một nghiên cứu gần đây đã làm sáng tỏ đồ gốm Jōmon đã được những người tạo ra nó dùng như thế nào và vào việc gì.[50]
Dường như nghề gốm đã phát triển độc lập tại châu Phi Hạ-Sahara trong thiên niên kỷ 10 TCN, với các vật tìm thấy có niên đại ít nhất là 9400 TCN từ miền trung Mali,[5] và tại Nam Mỹ vào khoảng 9000-7000 TCN.[6][51] Các vật tìm thấy tại Mali có niên đại giống như của các vật tương tự được tìm thấy tại Đông Á – vùng tam giác giữa Siberia, Trung Quốc và Nhật Bản – và trong cả hai khu vực thì chúng đều gắn liền với các thay đổi khí hậu tương tự (vào cuối thời kỳ băng hà thì đồng cỏ phát triển và mở rộng, cho phép những người săn bắt-hái lượm mở rộng môi trường sống của mình), được đáp ứng một cách độc lập bằng các phát triển tương tự trong cả hai văn hóa: tạo ra đồ gốm để đựng hạt các loại lương thực hoang dại (như kê trân châu) và tạo ra các mũi tên nhỏ để săn chim thú điển hình của các vùng đồng cỏ.[5] Ngoài ra, việc tạo ra đồ gốm trong trường hợp của văn minh Jōmon sơ kì có thể là do sự khai thác chuyên sâu các sinh vật nước ngọt và nước mặn của những người lục lọi tìm kiếm thức ăn vào cuối thời kỳ băng hà, là những người đã phát triển các đồ đựng bằng gốm để chứa các mẻ đánh bắt của họ.[50]
Tại Nhật Bản, thời kỳ Jōmon có lịch sử lâu đời về phát triển đồ gốm Jōmon với đặc trưng là các vết hằn của dây thừng trên mặt đồ gốm, được tạo ra bằng cách quấn/ép dây thừng vào khối đất sét trước khi nung. Đồ sành tráng men được tạo ra có lẽ từ thế kỷ 15 tại Trung Quốc. Một dạng đồ sứ Trung Hoa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đáng kể của Trung Quốc kể từ thời Đường (618–906) trở đi.[8] Các thợ gốm Cao Ly/Triều Tiên đã làm đồ sứ có lẽ từ thế kỷ 14.[52] Người Triều Tiên đã đem nghệ thuật làm đồ sứ sang Nhật Bản trong thế kỷ 17.[53]
Trái với châu Âu, giới thượng lưu Trung Quốc sử dụng đồ gốm rộng khắp trên bàn ăn, vì các mục đích tôn giáo hay dùng để trang trí và các tiêu chuẩn đối với đồ gốm tinh xảo là rất cao. Từ thời Tống (960–1279) trở đi trong vài thế kỷ thì giới thượng lưu ưa chuộng các đồ vật có màu trơn và tạo hình tinh xảo; trong thời kỳ này đồ sứ thật sự (theo định nghĩa phương Tây) đã được hoàn thiện trong sứ Định (定瓷, Định từ) sản xuất tại lò gốm Định (定窯, Định diêu), mặc dù nó chỉ là một trong năm lò gốm danh tiếng (五大名窯, Ngũ đại danh diêu; bao gồm lò gốm Nhữ tại Nhữ Châu (nay thuộc Bình Đỉnh Sơn, Hà Nam), lò gốm Quân tại Vũ Châu (nay thuộc Hứa Xương, Hà Nam), lò gốm Quan thời Bắc Tống tại Biện Kinh (nay là Khai Phong, Hà Nam) và thời Nam Tống tại Lâm An (nay là Hàng Châu, Chiết Giang), lò gốm Định tại Định Châu (nay là Khúc Dương, Bảo Định, Hà Bắc) và lò gốm Ca tại Long Tuyền, Xử Châu (nay là Long Tuyền, Lệ Thủy, Chiết Giang).) trong thời Tống. Thể loại đồ gốm sứ cao lửa truyền thống Trung Hoa bao gồm cả các loại đồ sành như gốm Nhữ, sứ xanh Long Tuyền (gốm men ngọc Long Tuyền) và gốm Quan. Các loại đồ gốm trang trí như gốm Từ Châu có địa vị thấp hơn, mặc dù chúng vẫn được chấp nhận dùng để làm gối.
Sự xuất hiện của gốm hoa lam có lẽ là sản phẩm thời Nguyên-Mông (1271–1368) được các nghệ nhân và thợ thủ công trên khắp đế quốc rộng lớn này phát tán. Cả thuốc màu coban được sử dụng để tạo màu xanh lam và phong cách vẽ trang trí dựa theo hoa lá cỏ cây, nguyên thủy được vay mượn từ thế giới Hồi giáo, nơi mà người Mông Cổ cũng đã chinh phục. Cùng lúc đó, đồ sứ Cảnh Đức Trấn, được làm tại các xưởng gốm Hoàng gia, đã giữ vai trò chủ đạo không thể tranh cãi trong sản xuất và nó vẫn được duy trì cho đến nay. Phong cách trang trí tỉ mỉ, công phu, mới mẻ này đã được ưa chuộng tại triều đình, và dần dần người ta thêm nhiều màu sắc khác vào.
Bí quyết làm đồ sứ như vậy đã được tìm hiểu trong thế giới Hồi giáo và muộn hơn là ở châu Âu, khi các đồ mẫu được nhập khẩu từ phương Đông. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để mô phỏng nó ở Ý và Pháp. Tuy nhiên, nó đã không được sản xuất bên ngoài thế giới phương Đông cho tới tận năm 1709 khi được sản xuất ở Đức.[54]
Đồ gốm kiểu vân dây ép chìm thuộc về truyền thống gốm 'đồ đá giữa' đã được những người săn bắt-hái lượm Vindhya phát triển tại miền trung Ấn Độ trong thời đại đồ đá giữa.[55][56] Kiểu đồ gốm này cũng được tìm thấy trong các khu vực cận kề, nhưng vào khoảng thời gian muộn hơn là thời kỳ tiền-đồ đá mới.[57] Kiểu đồ gốm sớm này cũng được tìm thấy tại di chỉ Lahuradewa, hiện nay là truyền thống gốm cổ nhất đã biết tại Nam Á, có niên đại tới 7000-6000 TCN.[58][59][60][61] Đồ gốm làm trên bàn xoay bắt đầu được làm trong thời kỳ Mehrgarh II (5500–4800 TCN) và Merhgarh III (4800–3500 TCN), được biết đến như là gốm thời kỳ đồ đá mới và gốm thời kỳ đồng đá. Đồ gốm, bao gồm cả các vật phẩm như bình/lọ Ed-Dur, đã bắt nguồn trong các khu vực ven sông Saraswati/sông Ấn và được tìm thấy tại một số di chỉ thuộc văn minh sông Ấn.[62][63]
Mặc dù có hồ sơ tiền sử rộng khắp về đồ gốm, bao gồm cả các đồ gốm có trang trí, nhưng lại có rất ít đồ gốm "tinh xảo" hay xa xỉ được làm ra trong thời kỳ lịch sử ghi chép được tại tiểu lục địa này. Ấn Độ giáo không khuyến khích ăn uống bằng đồ gốm và có lẽ điều này là lời giải thích chủ yếu cho sự không phát triển của đồ gốm tinh xảo/xa xỉ. Hầu hết các bình gốm truyền thống của Ấn Độ là những chiếc bình hoặc lọ lớn để đựng, hoặc những chiếc cốc nhỏ hay đèn, thường được coi là đồ dùng một lần. Ngược lại, tại đây có các truyền thống lâu đời về các hình tượng điêu khắc, thường khá lớn, bằng đất nung.
Đồ gốm tại Đông Nam Á cũng đa dạng như các nhóm sắc tộc sinh sống tại khu vực này. Mỗi nhóm sắc tộc có bộ tiêu chuẩn riêng của mình khi đề cập tới nghệ thuật gốm. Các đồ gốm được làm ra vì nhiều lý do khác nhau, như để mua bán, đựng thức ăn và đồ uống, sử dụng trong nhà bếp, phục vụ cho các nghi lễ ton giáo và chôn cất.[64][65][66][67]
Khoảng 8000 TCN trong thời kỳ đồ đá mới tiền gốm và trước khi phát minh đồ gốm, dân cư của một số khu định cư ban đầu đã trở thành những chuyên gia trong chế tác các đồ đựng đẹp và rất tinh xảo từ đá, sử dụng các vật liệu như thạch cao tuyết hoa hoặc granit được tạo hình và đánh bóng bằng cát. Các nghệ nhân đã sử dụng các đường vân trong vật liệu để tạo ra hiệu ứng thị giác tối đa. Những đồ vật như vậy đã được tìm thấy rất nhiều ở thượng nguồn sông Euphrates, vùng ngày nay là miền đông Syria, đặc biệt là tại di chỉ Bouqras.[68]
Lịch sử sớm nhất về sản xuất đồ gốm tại Lưỡi liềm Màu mỡ bắt đầu thời kỳ đồ đá mới gốm và có thể chia ra thành 4 thời kỳ nhỏ là: thời kỳ Hassuna (7000–6500 TCN), thời kỳ Halaf (6500–5500 TCN), thời kỳ Ubaid (5500–4000 TCN) và thời kỳ Uruk (4000–3100 TCN). Vào khoảng 5000 TCN thì làm đồ gốm đã phổ biến rộng khắp trong khu vực này và lan tỏa sang các khu vực bên cạnh.
Làm đồ gốm bắt đầu trong thiên niên kỷ 7 TCN. Các dạng sớm nhất được tìm thấy tại di chỉ Hassuna, được tạo hình bằng tay từ các tấm, với các bình/chậu không trang trí, không tráng men và thấp lửa làm từ đất sét màu nâu ánh đỏ.[41] Trong thiên niên kỷ kế tiếp, đồ gốm được trang trí bằng các thiết kế tinh tế, nhiều họa tiết và các tạo hình tự nhiên, được chạm khắc và đánh bóng.
Sự phát minh ra bàn xoay gốm tại Mesopotamia trong thời gian khoảng 6000-4000 TCN (thời kỳ Ubaid) đã cách mạng sản xuất đồ gốm. Các thiết kế lò nung mới hơn có thể nung gốm từ 1.050 °C (1.920 °F) đến 1.200 °C (2.190 °F) đã cho phép thực thi các khả năng mới và sự chuẩn bị đát sét kiểu mới. Sản xuất bây giờ được các nhóm nhỏ thợ gốm thực hiện cho các đô thị nhỏ chứ không còn là các thợ thủ công riêng lẻ cho từng gia đình. Hình dạng và phạm vi sử dụng gốm và đồ gốm đã mở rộng vượt ra ngoài các bình/lọ đơn giản để chứa đựng và đem theo thành các dụng cụ nhà bếp, chậu cây và bẫy chuột.[69] Theo dòng phát triển của khu vực với các tổ chức và hình thái chính trị mới ra đời thì đồ gốm cũng trở nên tinh tế và biến đổi hơn. Một số đồ gốm được làm bằng cách đúc khuôn, cho phép gia tăng sản lượng để phục vụ cho nhu cầu của dân số tăng lên. Tráng men được sử dụng phổ biến hơn và đồ gốm cũng được trang trí nhiều hơn.[70]
Trong thời kỳ đồng đá ở Mesopotamia, đồ gốm Halaf đạt được mức cao về năng lực và sự phức tạp kỹ thuật chưa từng thấy cho đến khi có sự phát triển của đồ gốm Hy Lạp với các sản phẩm gốm Corinthia và Attica.
Các cư dân đầu tiên của châu Âu đã phát triển nghề gốm trong văn hóa gốm đai thẳng hơi muộn hơn một chút so với Cận Đông, vào khoảng 5500–4500 TCN. Ở Tây Địa Trung Hải cổ đại, đồ đất nung được tô vẽ công phu đã đạt đến trình độ nghệ thuật rất cao trong thế giới Hy Lạp; với một lượng lớn đồ đất nung còn sót lại từ các mộ hầm. Đồ gốm Minos có đặc trưng là họa tiết trang trí phức tạp theo các chủ đề thiên nhiên.[71] Văn hóa Hy Lạp cổ điển bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1000 TCN với nhiều chủng loại đồ gốm được làm thủ công khá kỹ, bao gồm hình người như một loại họa tiết trang trí. Bàn xoay gốm khi đó đã được sử dụng thường xuyên. Mặc dù những người thợ gốm đã biết đến tráng men, nhưng nó không được sử dụng rộng rãi. Thay vì thế, nước áo đất sét xốp hơn được sử dụng để trang trí. Một loạt các hình dạng cho các mục đích sử dụng khác nhau đã được phát triển sớm và về cơ bản không thay đổi trong lịch sử Hy Lạp.[72]
Đồ gốm Etrusca tinh xảo chịu nhiều ảnh hưởng của đồ gốm Hy Lạp và thường được các thợ gốm và họa sĩ vẽ gốm Hy Lạp nhập khẩu. Đồ gốm La Mã cổ đại ít sử dụng việc tô vẽ mà sử dụng sự trang trí khuôn đúc, cho phép sản xuất công nghiệp hóa ở quy mô lớn. Phần lớn những thứ mà các tài liệu học thuật tiếng Anh viết là Samian ware (đồ gốm Samos) đỏ của Đế quốc La Mã thời kỳ đầu trên thực tế được sản xuất tại khu vực ngày nay thuộc Đức và Pháp, nơi các doanh nhân lập ra các xưởng gốm lớn.
Đồ gốm hầu như không được nhìn thấy trên bàn ăn của giới thượng lưu từ thời kỳ Hy Lạp hóa cho đến thời kỳ Phục Hưng, và phần lớn các đồ gốm thời Trung cổ là thô lậu và tiện dụng, do giới thượng lưu sử dụng các loại bát/chén kim loại. Nhập khẩu từ châu Á làm hồi sinh sự quan tâm đến đồ gốm tinh xảo, những thứ mà các nhà sản xuất châu Âu cuối cùng đã học được cách làm, và từ thế kỷ 18 trở đi thì đồ sứ và các đồ gốm châu Âu khác của một lượng lớn các nhà sản xuất đã trở nên cực kỳ phổ biến.
Đồ gốm Hồi giáo thời kỳ đầu theo các hình thức của các khu vực mà người Hồi giáo chinh phục. Tuy nhiên, cuối cùng tại đây đã có sự giao lưu chéo giữa các khu vực. Điều này đáng chú ý nhất là các ảnh hưởng Trung Hoa tới đồ gốm Hồi giáo. Giao thương giữa Trung Quốc và thế giới Hồi giáo diễn ra thông qua hệ thống các trạm buôn bán trên con đường tơ lụa kéo dài. Các quốc gia Hồi giáo đã nhập khẩu đồ sành và muộn hơn là đồ sứ từ Trung Quốc. Trung Quốc lại nhập khẩu các khoáng vật xanh coban từ Ba Tư do người Hồi giáo cai trị để trang trí đồ sứ hoa lam của họ để sau đó xuất khẩu sang thế giới Hồi giáo.
Tương tự như vậy, nghệ thuật Hồi giáo đã góp phần vào một loại hình đồ gốm lâu dài được xác định như là đồ gốm Moor Tây Ban Nha ở Andalucia (Tây Ban Nha thời kỳ Hồi giáo). Các kiểu đồ gốm Hồi giáo độc đáo cũng được phát triển, bao gồm đồ gốm frit (đồ gốm thủy tinh nghiền), đồ gốm men láng và các loại men chuyên dụng như men thiếc, dẫn đến sự phát triển của maiolica phổ biến.[73]
Một điểm nhấn chính trong sự phát triển gốm ở thế giới Hồi giáo là việc sử dụng tấm lát (ngói, gạch ốp lát) và các tấm lát trang trí.
Hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra sự phát triển độc lập của nghề gốm trong các văn hóa thổ dân châu Mỹ, với niên đại sớm nhất được biết đến từ Brasil, từ 9.500 đến 5.000 năm trước và 7.000 đến 6.000 năm trước.[6] Xa hơn về phía bắc ở Trung Bộ châu Mỹ, niên đại bắt đầu từ kỷ nguyên Cổ xưa (3500 – 2000 TCN) và vào thời kỳ hình thành (2000 TCN – 200). Các văn hóa này đã không phát triển đồ sành, đồ sứ hoặc đồ tráng men như được tìm thấy ở Cựu Thế giới. Gốm sứ Maya bao gồm những chiếc bình được trang trí tinh xảo, thường là những chiếc cốc, với những phong cảnh tô vẽ tỉ mỉ cùng một số hình và văn bản. Một vài văn hóa, bắt đầu từ văn minh Olmec, đã làm ra những tác phẩm điêu khắc bằng đất nung, và các tác phẩm điêu khắc hình người hay con vật cũng là những loại bình được sản xuất ở nhiều nơi, với những chiếc bình chân dung Moche là một trong những loại tinh xảo nhất.
Các chứng cứ chỉ ra sự phát minh độc lập về đồ gốm ở châu Phi hạ Sahara. Năm 2007, các nhà khảo cổ học Thụy Sĩ đã phát hiện ra những mảnh gốm cổ nhất của châu Phi tại Ounjougou ở miền trung Mali, có niên đại ít nhất là 9400 TCN.[5] Trong các thời kỳ sau này, mối quan hệ của sự du nhập nghề làm xoong nồi ở một số vùng của châu Phi hạ Sahara với sự phổ biến của ngữ chi Bantu đã được công nhận từ lâu, mặc dù các chi tiết vẫn còn gây tranh cãi và đang chờ thêm các nghiên cứu cũng như chưa đạt được sự đồng thuận.[74]
Nghề gốm Ai Cập cổ đại bắt đầu sau năm 5000 TCN, từ Levant lan tỏa ra. Có nhiều giai đoạn phát triển riêng biệt trong nghề gốm tại đây, với những đồ gốm rất tinh xảo được sản xuất vào thời kỳ Naqada III, khoảng 3200 đến 3000 TCN. Trong thời kỳ đầu của các văn minh Địa Trung Hải tại khu vực Lưỡi liềm Màu mỡ, Ai Cập đã phát triển một loại gốm không đất sét mà sau này người ta gọi là đồ gốm faenza Ai Cập.[note 1] Một loại xương gốm tương tự vẫn được làm ở Jaipur, Ấn Độ. Trong thời kỳ đế quốc Hồi giáo Umayyad (661-750), Ai Cập là điểm kết nối giữa trung tâm Hồi giáo sơ khai ở Cận Đông với Iberia, dẫn đến phong cách ấn tượng của nghề gốm.
Tuy nhiên, nó vẫn có giá trị khi xem xét đồ gốm như một hồ sơ khảo cổ về sự tương tác tiềm tàng giữa các dân tộc, đặc biệt là ở những khu vực có rất ít hoặc không có lịch sử thành văn. Do châu Phi chủ yếu mang nặng tính truyền khẩu và vì thế thiếu một lượng lớn các nguồn lịch sử thành văn, nên đồ gốm có một vai trò khảo cổ có giá trị. Khi đồ gốm được đặt trong bối cảnh của các mẫu hình ngôn ngữ và di cư, nó trở thành một thể loại đồ tạo tác xã hội thậm chí còn thịnh hành hơn.[74] Theo đề xuất của Olivier P. Gosselain, có thể hiểu được phạm vi tương tác giữa các văn hóa bằng cách xem xét kỹ chuỗi vận hành (chaîne opératoire) của sản xuất gốm sứ.[75]
Các phương pháp được sử dụng để sản xuất đồ gốm ở châu Phi hạ Sahara sơ kỳ được chia thành ba thể loại: các kỹ thuật nhìn thấy bằng mắt (kỹ thuật trang trí, nung và sau nung), các kỹ thuật liên quan đến vật liệu (lựa chọn hoặc xử lý đất sét v.v.), và các kỹ thuật nặn hoặc tạo hình đất sét.[75] Ba thể loại này có thể được sử dụng để xem xét mối quan hệ mật thiết trong sự tái xuất hiện của một loại đồ gốm cụ thể nào đó ở các khu vực khác nhau. Nói chung, các kỹ thuật dễ thấy (thể loại đầu tiên trong số các kỹ thuật được đề cập ở trên) là dễ dàng bắt chước và có thể chỉ ra mối liên hệ xa hơn giữa các nhóm, chẳng hạn như buôn bán trong cùng một thị trường hoặc thậm chí tương đối gần trong các khu định cư.[75] Các kỹ thuật đòi hỏi nhiều nhân bản nghiên cứu (như lựa chọn đất sét và tạo hình đất sét) có thể chỉ ra mối liên hệ gần hơn giữa các dân tộc, vì những phương pháp này thường chỉ được các thợ gốm và những người trực tiếp sản xuất truyền đạt cho nhau.[75] Mối quan hệ như vậy đòi hỏi khả năng giao tiếp hiệu quả của các bên có liên quan, ngụ ý về các chuẩn mực tiếp xúc có từ trước hoặc ngôn ngữ chung giữa hai bên. Do đó, các mô hình phổ biến kỹ thuật làm xoong nồi có thể nhận thấy thông qua các phát hiện khảo cổ học cũng cho thấy các mô hình tương tác xã hội.
Polynesia, Melanesia và Micronesia
Đồ gốm được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ trên khắp các hòn đảo của châu Đại Dương. Nó được cho là thuộc về một văn hóa khảo cổ cổ đại gọi là văn hóa Lapita. Một dạng đồ gốm khác được gọi là đồ gốm trơn được tìm thấy tại khắp các di chỉ ở châu Đại Dương. Mối quan hệ giữa đồ gốm Lapita và đồ gốm trơn không hoàn toàn rõ ràng.
Thổ dân châu Úc chưa từng làm đồ gốm.[76] Sau khi người châu Âu tới Úc định cư, họ đã tìm thấy những mỏ đất sét được thợ gốm Anh phân tích là có chất lượng tốt để làm đồ gốm. Chưa đầy 20 năm sau, những người châu Âu đến Úc và bắt đầu làm ra đồ gốm. Kể từ đó, sản xuất gốm sứ, bao gồm đồ gốm sản xuất hàng loạt và đồ gốm nghệ nhân đã phát triển mạnh ở Úc.[77]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.