Một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam From Wikipedia, the free encyclopedia
Thánh Gióng (chữ Nôm: 聖揀), hiệu là Phù Đổng Thiên Vương (chữ Hán: 扶董天王) hay Sóc Thiên vương (朔天王), là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam, một trong bốn vị thánh mà người Việt gọi là Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông được xem là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
Triều đại nhà Lý, Lý Công Uẩn đã truy tôn ông là Xung Thiên Thần Vương (冲天神王). Có ý kiến cho rằng, Phù Đổng Thiên vương hay Thánh Gióng là một biến thể của Tỳ Sa Môn từ Ấn Độ.[1][2]
Câu chuyện của Phù Đổng Thiên vương được ghi lại khá sớm trong hai tác phẩm chuyên sưu tầm chuyện ma quái ở Việt Nam trước thời Lê sơ là Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái. Trong đó, Việt điện u linh tập lại phiên dịch ra thành Sóc Thiên vương hay Vệ Linh Sơn thần, khác với Phù Đổng Thiên vương.
Xét sách Thiền uyển tập anh, đời Lê Đại Hành Hoàng đế, Đại sư Khuông Việt họ Ngô thường đi chơi núi Vệ Linh ở quận Bình Lỗ, ngắm xem phong thủy, thấy cảnh trí rất đẹp nên muốn dựng từ am ở đó. Đêm mộng thấy một vị thần mình mặc áo giáp vàng, tay bên tả cầm giáp vàng, tay bên hữu xách cái bảo tháp, theo sau hơn mười người, trạng mạo cổ quái đáng sợ, đến trước bảo rằng: "Ta là Tỳ Sa Môn Đại Vương, kẻ tùy tùng đều là quỷ Dạ Xoa cả, Thiên đế có sắc bảo qua ở nước này để phù hộ cho hạ dân, với người có duyên nên mới đến đây nói chuyện".
Sư giật mình tỉnh dậy kinh hãi, nghe trong núi có tiếng hò hét, lòng rất lấy làm ghét. Sáng ngày, Sư vào núi thấy một cây rất to, cành lá rườm rà, lại có mây sắc trùm trên ngọn cây, mới bảo thợ rừng đốn xuống, quả y như trong mộng, liền khắc tượng lập đền. Năm Thiên Phúc nguyên niên [tức năm 980], quân Tống vào cướp, vua nghe đền nay linh ứng, bảo Sư đến đền cầu đảo.
Trong Việt điện u linh tập ghi nhận, truyền thuyết về Sóc Thiên vương vốn là câu chuyện dân gian có nhiều dị bản và đặc biệt không rõ thời gian nào, cũng không đề cập thời Hùng Vương như chúng ta thường biết. Theo đó chuyện kể rằng, Sóc Thiên vương sinh ở một làng kia, lúc còn nằm nôi, trong nước có giặc, vua sai sứ giả đi mộ khắp dân gian xem có ai phá được giặc thì ban cho tước lộc. Thiên vương dậy hỏi mẹ, mẹ mới bảo rõ ràng như vậy, Thánh Gióng nói: "Thế thì mẹ đem nhiều cơm đến đây cho con ăn".
Chốc lát ăn hết vài chén cơm. Mấy tháng sau, cao lớn hơn trượng, tự ra ứng mộ, Sứ giả đưa đến Kinh sư, vua trông thấy cả mừng hỏi rằng: "Bây giờ ngươi muốn xin gì?" Tâu: "Xin cho tôi một thanh gươm dài, và một con ngựa sắt".
Vua ban cho, rồi Vương cầm gươm nhảy lên ngựa, hét lên một tiếng, xông vào trong trận, chém quân giặc chết ngổn ngang. Giặc tan rồi, bờ cõi được yên lặng. Thiên vương phi ngựa về núi Vệ Linh, trèo lên cây đa mà bay lên trời, để áo và dấu tích lại, đến nay (thời Trần) vẫn còn, người trong thôn gọi cây ấy là cây Dịch Phục. Người trong nước lấy làm lạ, lập đền thờ tế, dùng trà bánh đồ chay mà cúng, nếu có cầu khấn việc gì đều được linh ứng.
Triều nhà Lý cũng đến cầu đảo, dựng đền thờ ở làng Cảo Hương bên hồ Tây mà thờ tự. Bây giờ làm vị Phúc thần chép tại Tự Điển.
Câu chuyện này khiến các người[cần dẫn nguồn] ghi chú đời sau của sách[cần dẫn nguồn] (khoảng thời Lê trung hưng) dấy lên nghi vấn, vì nơi Sóc Thiên vương hóa vốn là nơi hóa của Đổng Thiên vương, nhưng chuyện này lại khác. Lời bình cụ thể là:
Câu chuyện về Phù Đổng Thiên vương trong Lĩnh Nam chích quái được hợp nhất với Sóc Thiên vương của Việt điện u linh tập.
Hùng Vương cậy nước mình giàu mạnh, mà chểnh mảng việc triều cận Bắc phương. Vua nhà Ân(1766 TCN - 1122 TCN) mượn cớ tuần thú sang xâm lược. Hùng Vương nghe tin, triệu tập quần thần hỏi kế công thủ. Có người phương sĩ tâu rằng: "Sao không cầu Long Vương đưa quân âm lên giúp!" Vua nghe lời, bèn lập đàn, bày vàng bạc lụa là lên trên, ăn chay, thắp hương, cầu đảo ba ngày. Trời nổi mưa to gió lớn, bỗng thấy một cụ già cao hơn chín thước, mặt vàng bụng lớn, mày râu bạc trắng, ngồi ở ngã ba đường mà cười nói ca múa. Những người trông thấy biết là kẻ phi thường, mới vào tâu vua. Vua thân hành ra vái chào, rước vào trong đàn. Cụ già không ăn uống cũng không nói năng. Vua nhân hỏi: "Nghe tin quân Bắc sang xâm lược, ta thua được thế nào, ngài có kiến văn xin bảo giúp". Cụ già ngồi im một lúc, rút thẻ ra bồi, bảo vua rằng: "Ba năm nữa giặc Bắc sẽ sang, phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ binh mà giữ nước, lại phải đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ, kẻ nào phá được giặc thì phân phong tước ấp, truyền hưởng lâu dài. Nếu được người giỏi, có thể dẹp được giặc vậy".
Dứt lời, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân. Ba năm sau, người biên giới cấp báo có giặc Ân tới. Vua làm theo lời cụ già dặn, sai sứ đi khắp các nơi cầu hiền tài. Tới làng Phù Đổng, có một phú ông tuổi hơn sáu mươi, sinh được một người con trai vào giữa ngày mồng 7 tháng giêng, ba tuổi còn không biết nói, nằm ngửa không ngồi dậy được. Người mẹ nghe tin sứ giả tới mới nói dỡn rằng: "Sinh được thằng con trai này chỉ biết ăn, không biết đánh giặc để lấy thưởng của triều đình, báo đáp công bú mớm". Người con nghe thấy mẹ nói, đột nhiên bảo: "Mẹ gọi sứ giả tới đây". Người mẹ rất lấy làm kinh ngạc, kể lại với hàng xóm. Hàng xóm cả mừng, tức tốc gọi sứ giả tới. Sứ giả hỏi: "Mày là đứa trẻ mới biết nói, mời ta đến làm gì?".
Đứa trẻ nhỏm dậy bảo sứ giả rằng: "Mau về tâu với vua rèn một ngựa sắt cao mười tám thước, một thanh kiếm sắt dài bảy thước, một roi sắt và một nón sắt. Ta cưỡi ngựa đội nón ra đánh, giặc tất phải kinh bại, vua phải lo gì nữa?"
Sứ giả mừng rỡ vội về tâu vua. Vua vừa kinh vừa mừng nói rằng: "Ta không lo nữa".
Quần thần tâu: "Một người thì làm sao mà đánh bại được giặc?" Vua nổi giận nói: "Lời nói của Long Quân ngày trước không phải là ngoa, các quan chớ nghi ngờ gì nữa! Mau đi tìm năm mươi cân sắt luyện thành ngựa, kiếm, roi và nón".
Sứ giả tới gặp, người mẹ sợ hãi cho rằng tai họa đã đến, bèn bảo người con. Con cả cười bảo rằng: "Mẹ hãy đưa nhiều cơm rượu cho tôi ăn, việc đánh giặc mẹ chớ có lo". Người con lớn lên rất nhanh, ăn uống tốn rất nhiều, người mẹ cung đốn không đủ. Hàng xóm sửa soạn trâu rượu bánh quả rất nhiều mà người con ăn vẫn không no bụng. Vải lụa gấm vóc rất nhiều mà mặc vẫn không kín thân, phải đi lấy hoa lau buộc thêm vào cho kín người. Kíp đến lúc quân nhà Ân tới chân núi Trâu Sơn ở Vũ Ninh, người con duỗi chân đứng dậy cao hơn 10 thước (có chỗ nói là trượng), ngửa mũi hắt hơi liền hơn mười tiếng, rút kiếm thét lớn: "Ta là thiên tướng đây!" rồi đội nón cưỡi ngựa. Ngựa chồm lên, hí dài một tiếng mà phi như bay, nháy mắt đã tới trước quân vua, vỗ kiếm đi trước, quan quân đều theo sau, tiến sát đồn giặc. Quân giặc bỏ chạy, còn lại tên nào đều la bái kêu lạy Thiên tướng rồi cùng đến hàng phục. Ân vương bị chết ở trong trận.
Đi đến đất Sóc Sơn huyện Kim Hoa, Thiên tướng cởi áo cưỡi ngựa mà lên trời, hôm đó là ngày mồng 9 tháng 4, còn để vết tích ở hòn đá trên núi. Hùng Vương nhớ công ơn đó mới tôn là Phù Đổng Thiên vương, lập miếu thờ ở nhà cũ trong làng, lại ban cho một ngàn mẫu ruộng, sớm hôm hương lửa. Nhà Ân đời đời, 644 năm không dám ra quân.
Sau Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần vương, lập miếu ở làng Phù Đổng cạnh chùa Kiến Sơ, lại tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu hai mùa tế lễ.
Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ toàn thư, kỷ Hồng Bàng Thị ghi chép lại về Thánh Gióng như sau:
Kho truyện cổ tích của nhà sưu tầm lớn Nguyễn Đổng Chi cũng ghi lại truyền thuyết này, song lại thêm một số yếu tố hoàn toàn khác.
Câu chuyện về Phù Đổng Thiên vương, qua thời gian trở thành Thánh Gióng là kết quả của cả một quá trình thêm thắt kéo dài của dân gian. Truyện trên do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm là một ví dụ điển hình, nó đã được thêm thắt và gần như tách biệt hẳn so với những ghi chép từ Lĩnh Nam chích quái hay cả Toàn thư. Về sau, truyện về Thánh Gióng còn được nhân dân một số địa phương vùng Bắc Ninh, Bắc Giang phát triển, thêm thắt, ghép vào một số tình tiết hoặc thần kỳ hoặc không, làm cho câu chuyện phong phú hơn. Ví dụ:
Cao Huy Đỉnh đã sưu tập rất nhiều những mẩu chuyện này trong quyển "Người anh hùng làng Dóng". Sau đây là một số dị bản truyện Thánh Gióng, những dị bản này đều mang hình thức thần tích:
Trong tín ngưỡng và văn hóa của người Việt Nam hiện đại, Thánh Gióng thể hiện tinh thần và sức mạnh của người Việt trong đấu tranh chống ngoại xâm, giữ nước. Theo truyền thuyết, ông sinh ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm và hóa thánh trên đỉnh núi Sóc ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Đại Nam Quốc sử Diễn ca (lịch sử Việt Nam dưới dạng văn vần) có đoạn:
Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là Làng Cháy.
Câu chuyện thờ tự Đổng Thiên vương được ghi chép trong Việt điện u linh tập.
Xét truyện Báo Cực chép rằng: Đời truyền Vương vốn là thần Thổ Địa chùa Kiến Sơ giáng sinh. Xưa kia Thiền sư Chí Thành ở chùa Kiến Sơ tại làng Phù Đổng có lập đền thờ Thổ Địa ở bên hữu chùa để làm nơi tụng niệm cho thanh tĩnh. Năm tháng chầy lâu, mất cả sự tích, bọn thầy tang môn không rõ chứng cứ. Thổ dân bản xứ ưa việc ma quỷ thì đốt hương khấn vái, lạm xưng là Dâm Từ. Kịp đến lúc Thiền sư Đa Bảo sửa lại chùa, cho đền thờ ấy là Dâm Từ muốn đập phá đi.
Ngày kia ở gốc cây cổ thụ nơi Thần từ có đề bài kệ rằng:
Cách đó ít lâu, Thần lại ứng hiện tám câu kệ rằng:
Sư lấy làm lạ, mới lại thiết đàn làm chay, cúng dùng toàn đồ chay cả. Lý Thái Tổ đang lúc tiềm long, biết sư Đa Bảo là người có hạnh cao mới kết làm đàn việt. Sau khi đã chịu truyền ngôi, thân ngự đến chùa, nhà sư đón giá đi ngang qua bên chùa; Sư lớn tiếng hỏi rằng:"Phật tử, ngươi hãy thung dung mừng Tân Thiên Tử chứ?"
Nghe có tiếng: "Vâng!", tức thì thấy da cây có đề bốn câu thơ rằng:
Thái Tổ xem thấy liền đọc biết được ý tứ, bèn ban hiệu là Xung Thiên Thần vương; bài thơ tự nhiên biến mất. Vua lấy làm lạ, mới bảo thợ tạc tượng thần, nghi dung hùng vĩ, và tám người đứng hầu. Sơn thếp xong rồi thì làm lễ cáo thành, lại thấy ở dưới cây Đại thụ có đề bốn câu thơ:
Nhà sư đem bài kệ ấy tâu lên vua, nhưng Lý Thái Tổ không hiểu là nói gì. Sau triều Lý được tám đời, truyền ngôi cho nhà Trần. Chữ bát cùng chữ bát đồng âm, nhất bát như bát. Lý Huệ Tông tên là Sảm (旵), trên [là] chữ nhật, dưới [là] chữ sơn, nên gọi là nhật đăng sơn, thì ra thần diệu như thế. Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu [năm 1285 đời Trần Nhân Tông], sắc phong Dũng Liệt Đại vương. Năm thứ 4, gia phong hai chữ Chiêu Ứng. Năm Hưng Long thứ 21 [năm 1313] đời Trần Anh Tông, gia phong hai chữ Uy Tín.
Người bình của sách khi ghi đến đây, bàn rằng:
Chùa Kiến Sơ nay ở tại làng Phù Đổng, bên đền thờ Thiên Vương, thời Xung Thiên Thần vương tức là huy hiệu Thiên vương. Việt Sử chép vua Lý Thái Tổ truy phong Xung Thiên Thần Vương, dựng miếu bên chùa Kiến Sơ, thì rõ ràng là việc của Thiên vương, mà sao đây lại chép là việc thần Thổ Địa, thì chẳng biết ra làm sao vậy.
Mấy bài kệ ở trong bản chép này, nếu chẳng là của người lão luyện bút nghiên thì cũng là của kẻ thâm thúy truyền học, chứ không phải là của kẻ thắp nhang tầm thường mà có thể xê xích muôn một vậy. Hoặc là khí tốt Đức Giang, tinh anh đúc lại làm Thiên vương mà thần là phụ thuộc vậy chăng? Ví bằng lấy Thổ Địa làm Thiên vương, tớ này chẳng dám tin chắc vậy.
Hoặc giá lại bảo: Chí Thành Thiền Sư, sau khi chết, anh khí không tan, thường giả hình ở thần Thổ Địa những thi đề đều do Chí Thành Thiền Sư làm ra cả. Xem như Dâm Từ muốn phá rồi lại không phá, lại sửa sang mà cúng lễ nữa. Ngẫm nghĩ lời thơ thì là của Thiền Sư làm ra cũng chưa biết chừng.
Đền miếu Phù Đổng đứng vào bậc nhất, bốn tổng lớn như Thắng, Đồng, Minh, Viên tuế tiết phụng tự rất là thành kính, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 4 có hội, làm hội lớn của Bắc Giang. Các tổng miền thượng du ở sát núi Vệ Linh là chín tổng, mỗi khi đến lệ đại hội thì lấy đồ lỗ bộ bằng đồng thực mà nhóm lại đánh nhau để diễn lại vũ công của Thiên vương.
Đền thờ ở làng Cảo Hương làm cảnh đẹp cho Kinh đô, đến đầu năm làm lễ tế đầu Xuân thì thực là nơi đô hội của cả một phương. Am linh chói lọi, chín tầng trời hâm mộ đoái hoài, làm lặng bụi dơ mà phục hồi bờ cõi, suối trong nước lặng, nước Việt ta yên ổn vững vàng như bàn thạch Thái Sơn, thực là nhờ sức hiển tướng của Thiên vương vậy.
Hội đền Gióng được tổ chức long trọng tại nhiều nơi trong đó có hai nơi: là hội Gióng ở đền Sóc, huyện Sóc Sơn vào ngày mồng 6 tháng 1 âm lịch và hội đền Phù Đổng, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm vào ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phong dao Kinh Bắc xưa có câu: "Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, Mồng chín đâu đâu cũng kéo về xem hội Gióng".
Tượng đài Thánh Gióng được khánh thành ngày 5 tháng 10 năm 2010, trên đỉnh núi Sóc, thuộc khu du lịch tâm linh đền Sóc - Chùa Non, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Tượng được đặt tại nơi tương truyền rằng sau khi dẹp xong giặc Ân, cậu bé làng Phù Đổng đã cởi áo giáp, vẫy chào quê hương bay về trời.[3]
Tên Phù Đổng Thiên Vương dưới tên Thánh Gióng còn được đặt cho những con đường trên cả nước.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.