Pop-punk
thể loại nhạc rock kết hợp các yếu tố của punk rock với power pop hoặc pop From Wikipedia, the free encyclopedia
Pop-punk (hay punk-pop, hoặc viết tắt không có dấu gạch nối) là một thể loại nhạc rock kết hợp các yếu tố của punk rock với power pop hoặc pop. Định nghĩa của thể loại là tiết tấu nhanh, nhịp điệu sôi động và chú trọng vào cấu trúc bài hát pop truyền thống cũng như các đề tài về thanh thiếu niên và phản ngoại ô. Dòng nhạc khác với các tiểu thể loại punk khác ở chỗ lấy cảm hứng lớn từ các ban nhạc ở thập niên 1960 như the Beatles, the Kinks và the Beach Boys. Thể loại nhạc đã phát triển trong suốt lịch sử của nó, bổ sung các yếu tố của new wave, college rock, ska, hip hop, emo, nhóm nhạc nam pop và thậm chí cả hardcore punk. Đôi khi có thể xem dòng nhạc này tương tự như power pop và skate punk.
Pop-punk xuất hiện vào cuối thập niên 1970 với các nhóm nhạc như Ramones, the Undertones và Buzzcocks đặt nền tảng. Những ban nhạc punk ở thập niên 1980 như Bad Religion, Descendents và the Misfits (tuy họ không nhất thiết phải chơi nhạc pop-punk) đã tác động pop-punk. Dòng nhạc mở rộng thị trường vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 nhờ hàng loạt ban nhạc ký hợp đồng với Lookout! Records, gồm Screeching Weasel, the Queers và the Mr. T Experience. Giữa thập niên 1990, thể loại trở nên cực kỳ thịnh hành và thâm nhập vào thị trường đại chúng với các ban nhạc như Green Day và the Offspring. Thể loại trải qua thêm một lần thịnh hành nữa vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 với lá cờ đầu là Blink-182, kế đến là các nghệ sĩ đương thời tiếp nối trào lưu như Sum 41, New Found Glory, Good Charlotte và Avril Lavigne. Ngoài ra Warped Tour đóng vai trò quan trọng trong việc chắp cánh cho các nghệ sĩ pop-punk triển vọng.
Sự thịnh hành của pop-punk trên thị trường đại chúng kéo dài đến giữa và cuối thập niên 2000, khi những nghệ sĩ như Fall Out Boy, My Chemical Romance và Paramore gặt hái thành công thương mại lớn. Đến thời điểm này, đa số nghệ sĩ pop-punk đều khó phân biệt với những nghệ sĩ bị gắn mác "emo", tới mức các nghệ sĩ emo crossover như Fall Out Boy và Paramore phổ cập một phong cách chịu ảnh hưởng của pop-punk, gọi là emo pop. Đến thập niên 2010, nhạc pop-punk trên thị trường đại chúng trở nên thất thế, khi mà các ban nhạc rock và nhạc xoay quanh guitar trở nên khan hiếm so với nhạc pop xoay quanh dance trên đài phát thanh. Tuy nhiên trong thời gian này, một nhóm nghệ sĩ underground đã mang tới màu sắc thô ráp và giàu cảm xúc hơn tới định nghĩa của thể loại này, gồm the Story so Far, the Wonder Years và Neck Deep. Đầu thập niên 2020, một làn sóng pop-punk mới bắt đầu lấy lại chỗ đứng của dòng nhạc trên thị trường đại chúng với nhiều nghệ sĩ mới như Machine Gun Kelly, KennyHoopla và Yungblud.
Định nghĩa và đặc điểm

Pop-punk được nhiều nguồn miêu tả là một nhánh của punk,[1] biến thể của punk,[2][3][4] hình thái nhạc nhạc pop,[5] và thể loại tương phản với punk như kiểu của post-punk.[4] Dòng nhạc đã phát triển về mặt phong cách suốt lịch sử của nó, kết hợp thêm các yếu tố từ new wave, college rock, ska, rap, emo và nhóm nhạc nam.[3] Một vài biến thể của pop-punk được ghi nhận là trung thành với punk rock truyền thống, thể hiện chất âm thanh "thô ráp, gai góc, hát cao vút như tiếng hét và không hề thân thiện với đài phát thanh". Những biến thể khác lại được trau chuốt hơn và phù hợp với đài phát thanh đại chúng.[6]
Các cây viết của The A.V. Club miêu tả pop-punk là một nhánh của punk "cơ bản đã tồn tại lâu đời như chính punk" với nguồn gốc trong "nhạc pop cổ điển của the Beatles, the Kinks và the Beach Boys. Loại nhạc này thường kết hợp những giai điệu ngọt ngào với những đoạn riff ồn ào, ngang ngược."[1] Theo Ryan Cooper của About.com, "pop-punk là phong cách vay mượn nhiều từ The Beatles và nhạc pop ở thập niên 60 hơn các tiểu thể loại khác của punk".
Có một sự chồng chéo đáng kể giữa power pop và pop-punk, nên hai phong cách này thường bị gộp làm một.[1] Ấn phẩm mạng Revolver thừa nhận rằng khi mà pop-punk và power pop thường có thể xem là một, thì "khái niệm cốt lõi rất đơn giản—những bài hát giàu giai điệu được gói lại bằng thái độ của punk."[7] Trong cuốn The Encyclopedia of Punk Music and Culture (2006) của Brian Cogan, pop-punk được mô tả là "phiên bản bắt tai và tốc độ hơn của power pop."[8] AllMusic định nghĩa "punk-pop" là "một nhánh post-grunge của alternative rock" kết hợp cấu trúc và tiết tấu nhanh của punk rock với "giai điệu và đổi hợp âm" của power pop.[9] Ở thập niên 1990, có một sự chồng chéo giữa pop-punk và skate punk.[10] Nhà báo âm nhạc Ben Myers ghi rằng hai thuật ngữ này là đồng nghĩa.[11]
Cây viết nhạc rock Greg Shaw (tác giả nhiều bài về power pop và được ghi nhận là người hệ thống thể loại vào thập niên 1970) ban đầu định nghĩa chính power pop là phong cách lai của punk và pop.[12] Giọng ca Billie Joe Armstrong của Green Day (từng miêu tả power pop là "thứ nhạc tuyệt vời nhất Trái Đất mà chẳng ai thích)[13] nhận định rằng thuật ngữ pop-punk là nghịch hợp (oxymoron): "Bạn chỉ có thể là punk hoặc không mà thôi."[3] Trong cuốn Shake Some Action: The Ultimate Guide to Power Pop (2007), nam diễn viên Robbie Rist thấy rằng đa phần thể loại chỉ gồm các ban nhạc pop "đặt thêm biệt hiệu 'punk' để cho bọn trẻ nghĩ rằng chúng đang chọc cáu cha mẹ."[5]
Ngay cả trong giai đoạn hình thành vào năm 1978, pop-punk không chỉ đơn giản là phiên bản punk dễ nghe và nhẹ nhàng hơn. Loại nhạc này nổi loạn không kém, có điều lại nổi loạn trước chính punk: tính hư vô, tư thế của trai hư (bad-boy pose), giễu cợt bằng giai điệu, coi thường tình cảm trai gái và trên hết là coi trọng bản thân thái quá. Theo một cách nào đó, pop punk đã trở thành một loại nhạc post-punk riêng...
—Cây viết Jason Heller của Vice[4]
Trong một bài viết về pop-punk, Rolling Stone nhận định rằng thuật ngữ là một cái mác có hiệu lực ngược về trước dành cho các ban nhạc punk "luôn ủng hộ việc sáng tác ca khúc hay bên cạnh lập trường chống độc tài và sự chú trọng vào tốc độ, súc tích và sự đơn giản bằng ba hợp âm của punk lại phù hợp tự nhiên với những giá trị cốt lõi của nhạc pop."[3] Jason Heller của Vice cho rằng "sự tôn trọng công khai dành cho truyền thống và sáng tác ca khúc nhạc pop" là một đặc trưng chính của pop-punk.[4] Bill Lamb (từ trang About.com) viết rằng pop-punk là một biến thể của nhạc punk có "nền tảng phần trống và guitar nặng và tốc độ, song được hỗ trợ bởi những giai điệu nhạc pop như phần lớn punk rock ở thập niên 70." Alter the Press! định nghĩa pop-punk là "thể loại có nguồn gốc từ việc pha trộn punk rock với tính dễ cảm của pop".[2]
Về mặt ca từ, pop-punk thường diễn tả các chủ đề khát khao, quan hệ tình cảm, đau khổ, ma túy, ngoại ô và sự nổi loạn ở tuổi thiếu niên.[1][14] Một số phần lời ca khúc pop-punk chú trọng vào những câu đùa và hài hước.[1] Amanda Petrush của The New Yorker tóm lược rằng "tính thô ráp" của pop-punk "không nằm ở phần nhạc" mà bằng truyền tải "phổ trải nghiệm của con người - tất cả những niềm khát sao và sự thiếu tự tin ấy."[3]
Lịch sử thể loại
Nguồn gốc (thập niên 1970–thập niên 1980)
Tháng 3 năm 1977, John Rockwell của New York Times là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ pop punk để miêu tả nhóm Tom Petty and the Heartbreakers.[15]
Khi những ban nhạc như Green Day, The Offspring, NOFX và Rancid giúp pop punk bùng nổ trong các năm 1994/1995, giới đại chúng đã xem đây là một sự "phục hưng punk" (punk revival) vì đây là lần đầu tiên punk thật sự hiện diện trên thị trường đại chúng kể từ làn sóng các ban nhạc đầu tiên ở thập niên 70. Nhưng như nhiều người biết khi ấy và giờ đây thậm chí còn nhiều người biết hơn nữa, sự bùng nổ của pop punk giữa thập niên 90 chẳng phải là phục hưng cái gì cả. Đó là đỉnh điểm của một thứ âm thanh đã sôi sục trong giới underground từ đầu thập niên 1980. [...] Khi làn sóng punk đầu tiên bắt đầu lắng xuống và nhường chỗ cho âm thanh new wave dễ tiếp cận và được lòng giới đại chúng hơn, một nhóm các ban nhạc đã đưa âm thanh tốc độ, ồn ào của Ramones và Dead Boys theo hướng cực đoan hơn: hardcore. Một khi các ban nhạc hardcore nhận ra họ có thể kết hợp tốc độ, cường độ và tính đơn giản của thể loại nhạc với giai điệu bắt tai, tươi sáng, thì pop punk đã ra đời.
Andrew Sacher, Brooklyn Vegan[16]
Từ lâu, punk rock đã có chung tính dễ cảm với nhạc pop, đặc biệt từ cuối thập niên 1970.[11] Trong cuốn sách Rock and Roll: A Social History (2018), tác giả Paul Friedlander liệt kê các nghệ sĩ người Anh làm đại diện của "làn sóng tổng hợp pop punk mới" xảy ra ở cuối thập niên 1970: Elvis Costello and the Attractions, the Police, the Jam, Billy Idol, Joe Jackson, the Pretenders, UB40, Madness, the Specials, the Beat. Tương tự, Friedlander nhắc tên các nghệ sĩ người Mỹ gồm Talking Heads, Blondie, the B-52s, the Motels và Pere Ubu.[17]
Heller cho rằng nhóm Ramones đã tạo tiền đề cho pop-punk với album đầu tay vào năm 1976, nhưng 1978 mới là năm mà thể loại này "trở nên thành công".[4] Ông lưu ý rằng một bộ phận ban nhạc "hiển nhiên là các ban nhạc pop punk theo định nghĩa về thuật ngữ ngày nay, song vào năm 1978, sự khác biệt vẫn chưa rõ ràng đến thế. Nhiều nhóm nhạc punk thời đấy đưa một hoặc hai bài nhạc pop của họ vào danh sách tiết mục - đôi lúc vừa tạo hiệu ứng mỉa mai, vừa rất nghiêm túc."[4] Heller còn thừa nhận rằng nhiều "nhóm pop punk triển vọng vào năm 1978 giống như power pop - một thể loại song song đang phát triển lúc bấy giờ. Song power pop khởi đầu sớm hơn và là hiện tượng giàu chất của người Mỹ hơn".[4] Trong số các ban nhạc pop-punk giàu sức ảnh hưởng ở cuối thập niên 1970, có một nhóm tên là Buzzcocks.[19] Sau đó, một cây viết của LA Weekly nhận xét album tuyển tập Singles Going Steady (1989) là "tiền đề cho các ban nhạc punk rock ưa dùng các câu chuyện du dương về tình yêu đã đánh mất và khao khát nổi dậy chống lại cỗ máy."[20] Tương tự, Cooper xem album là một trong những tác phẩm punk giàu sức ảnh hưởng nhất và nói thêm rằng "bội âm nhạc pop [của Buzzcocks] đã biến họ thành nguồn ảnh hưởng chính lên các ban nhạc pop punk ngày nay."[21] Heller ví the Undertones là "ban nhạc phá cách nhất" của dòng nhạc trong thời gian này, đặc biệt đĩa đơn "Teenage Kicks" của họ vào năm 1878 là "một trong những bài nhạc pop punk kinh điển ấn tượng và dứt khoát nhất."[4]
Bad Religion (thành lập năm 1979) đã giúp đặt nền móng cho phong cách pop-punk sẽ xuất hiện ở thập niên 1990.[22] Họ và một số ban nhạc khác trong giới nhạc hardcore punk ở Nam California chú trọng vào cách tiếp cận giai điệu hơn so với những nhóm cùng thời. Theo Myers, Bad Religion "đã sắp xếp lớp lang âm thanh giận giữ và mang màu sắc chính trị của họ với phần hòa âm mượt mà". Myers nói thêm rằng một ban nhạc nữa là Descendents, "đã sáng tác những ca khúc gần như [nhạc surf] lấy cảm hứng từ Beach Boys về những cô nàng, ẩm thực và tuổi trẻ".[11] Cách thức sáng tác vừa tích cực vừa mỉa mai của nhóm bắt đầu tách họ ra khỏi giới nhạc hardcore nghiêm túc hơn. Đĩa LP đầu tay Milo Goes to College (1982) của Descendents mang đến khuôn mẫu ở Mỹ, làm phổ biến các bài nhạc giàu giai điệu hơn ở làn sóng punk đầu tiên.[20] Nhiều ban nhạc pop-punk (kể cả Blink-182) xem Descendents là nguồn ảnh hưởng lớn. Descendents đã mở đường cho các ban nhạc pop-punk tương lai với đề tài về thù ghét phụ huynh, chật vật tìm người yêu và xa lánh khỏi xã hội. Ban nhạc horror punk The Misfits cũng tác động tới pop-punk bằng album Walk Among Us ra mắt năm 1982 - tác phẩm tiền thân của pop-punk sau này với hòa âm giọng hát và các giai điệu lấy cảm hứng từ nhạc pop. Hình ảnh gothic của Misfits đã truyền cảm hứng cho các ban nhạc pop-punk hậu bối như Alkaline Trio và My Chemical Romance. Marginal Man (ban nhạc hardcore punk ở Washington D.C.) đã kết hợp hardcore punk với tiến trình hợp âm có tính giai điệu và phần hát vừa mang giai điệu vừa làm sạch (clean vocal) - chịu ảnh hưởng từ power pop, jangle pop và new wave.[16]
Mở rộng ở thị trường underground (cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990)

Ở cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, những ban nhạc pop-punk như Green Day, the Queers, The Mr. T Experience và Screeching Weasel xuất hiện từ hãng thu âm Lookout Records với âm thanh chịu ảnh hưởng của Buzzcocks, Ramones và the Undertones.[4][23][24] Tháng 8 năm 1992, nhạc punk rock và pop-punk ở California đầu thập niên 1990 gây được sự chú ý của tạp chí Spin, khi ấn phẩm đăng mẩu truyện có nhan đề "California Screamin'" nói về giới nhạc underground punk rock đầu thập niên 1990 tại California. Bài viết có nhắc đến các ban nhạc pop-punk như Screeching Weasel và Green Day.[25] Album My Brain Hurts (1991) của Screeching Weasel đã tác động tới nhiều ban nhạc pop-punk hậu bối,[26] khi mà Blink-182, Allister[27] và Alkaline Trio[28] xem nhóm là nguồn ảnh hưởng.[29] Social Distortion (nổi bật với thể hiện các thể loại nhạc như punk truyền thống và cowpunk) đã gặt hái thành công nhất định bắt đầu ở đầu thập niên 1990, trước khi pop punk bùng nổ trên thị trường đại chúng vào năm 1994.[16] Cuối cùng, album trùng tên (1990) và Somewhere Between Heaven and Hell (1992) của nhóm đều giành chứng nhận vàng ở Hoa Kỳ.
Phổ biến ở thị trường đại chúng (giữa thập niên 1990 đến thập niên 2000)
1994–1997: Gây đột phá trên thị trường đại chúng

Sau sự bùng nổ của Nirvana và nhạc grunge ở đầu thập niên 1990, cả Green Day và Bad Religion ở California đều ký với các hãng thu âm lớn vào năm 1993. Đến năm 1994, pop-punk nhanh chóng trở nên phổ biến trên thị trường đại chúng, ngay trước khi grunge bắt đầu thoái trào. Nhiều ban nhạc punk rock và pop-punk xuất thân từ giới nhạc punk California ở cuối thập niên 1980. Một vài ban trong số này (đặc biệt là Green Day và the Offspring) đã giúp khơi lại sự quan tâm đến punk rock ở thập niên 1990.[30] Green Day xuất thân từ giới nhạc punk ở số 924, Phố Gilman, Berkeley, California.[31] Sau khi được tín đồ hâm mộ ở thị trường underground, ban nhạc ký kết với Reprise Records và phát hành album đầu tay với hãng thu âm lớn mang tên Dookie vào năm 1994. Dookie đã bán ra bốn triệu bản tính đến cuối năm, cho ra một số đĩa đơn được phát liên tục trên MTV, thậm chí ba bài còn vươn đến vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Modern Rock Tracks.[32] Thành công thương mại vang dội của Green Day đã mở đường cho các ban nhạc pop-punk ở Bắc Mỹ ở thập niên tiếp theo.[33] Năm 1999, Dookie giành được chứng nhận bạch kim của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA). Năm 1994, The Offspring cũng gặt hái thành công trên thị trường đại chúng với album Smash có được sáu chứng nhận bạch kim của RIAA.
MTV và các đài phát thanh như KROQ-FM của Los Angeles đóng vai trò quan trọng trong thành công của dòng nhạc trên thị trường đại chúng.[34] Warped Tour (bắt đầu vào năm 1995) giúp đưa punk tiến xa hơn đến thị trường đại chúng ở Hoa Kỳ.[35] Với sự nổi lên lần nữa của punk rock, một bộ phận trong tiểu văn hóa punk rock lo ngại rằng âm nhạc đang bị thị trường đại chúng chiếm hữu.[34] Một số người hâm mộ punk rock chỉ trích Green Day vì đã "bán rẻ mình" (selling out) và phản đối nhạc của họ là quá nhẹ nhàng, nhiều màu sắc pop và không phải punk rock đích thực.[32][36][37] Họ cho rằng bằng việc ký kết với các hãng thu âm lớn và xuất hiện trên MTV, những ban nhạc như Green Day đã được đưa vào hệ thống mà nhạc punk được tạo ra, tạo nên thách thức với dòng nhạc này.[38]
1997–2004: Làn sóng thứ hai trên thị trường đại chúng

Năm 1997, Blink-182 phát hành album gây đột phá mang tên Dude Ranch và ban nhạc đã trình diễn tại Vans Warped Tour năm ấy. "Dammit" (đĩa đơn thứ hai của album) thường xuyên được phát trên các đài phát thanh modern rock và album có được chứng nhận vàng của 1998.[39] Đến năm 1999, Blink gặt hái thành công vang dội hơn nữa với Enema of the State. Nhà báo Matt Crane miêu tả đĩa nhạc đã khởi đầu cho "một làn sóng nhạc pop punk mới". Ông nói thêm: "Ở bất kỳ thời điểm nào vào cuối thập niên 90/đầu thập niên 2000, chẳng có gì lạ khi thấy Blink-182 và Sum 41 trên MTV. Bạn không thể thoát được đâu. Pop punk đã thịnh hành và nó đã trở thành lựa chọn của [thính giả] đại chúng mà không cần phải bàn cãi."[18] Lamb miêu tả các ban nhạc thuộc làn sóng pop-punk thứ hai (dẫn đầu bởi Blink-182) là "âm nhạc của họ có sự tươi sáng thân thiện với đài phát thanh, song vẫn duy trì phần lớn tốc độ và lập trường của nhạc punk rock truyền thống". Enema of the State lấy được năm chứng nhận bạch kim của RIAA, còn ca khúc "All the Small Things" trong album đạt vị trí thứ sáu (hạng cao nhất) trên the Billboard Hot 100.[40] Album đầu tay All Killer No Filler của Sum 41 có ba lần đoạt chứng nhận bạch kim tại quê nhà Canada. Ca khúc "Fat Lip" trong album từng giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard alternative airplay của Hoa Kỳ[41] và vị trí thứ tám trên UK singles chart.[42]
Trong khoảng thời gian này, một giai đoạn mới của dòng nhạc mang tên "Kỷ nguyên Drive-Thru Records" đã xuất hiện, khi mà một số ban nhạc ký kết với các hãng thu âm độc lập đã gây được chú ý trên thị trường đại chúng, mà cụ thể là những nghệ sĩ đã ký hợp đồng với Drive-Thru Records. Ví dụ về các ban nhạc như vậy gồm New Found Glory, Allister, Fenix TX, the Early November, Something Corporate, the Starting Line, Midtown, Hellogoodbye, Rx Bandits và the Movielife.[43] Một bài viết vào năm 2017 của tạp chí Upset nhận xét New Found Glory là "ban nhạc pop punk nhất quán và giàu sức ảnh hưởng nhất 20 năm qua",[44] còn Alternative Press nhận xét bài hát "Best of Me" của the Starting Line là một trong những ca khúc giàu sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử dòng nhạc.[45]

Album Let Go (2002) của Avril Lavigne tạo nên tiền lệ cho thành công của những nghệ sĩ pop-punk có nữ hát chính. Nhà báo Nick Laugher nhận định, "không thể phủ nhận" rằng đĩa nhạc đã đưa pop-punk tiến vào thị trường đại chúng, "làm mờ ranh giới giữa dòng nhạc và nhạc pop thuần túy, biến [pop-punk] trở thành một trào lưu văn hóa thay vì một thể loại nhạc."[46] Các nhà phê bình và ấn phẩm khác lưu ý rằng nhờ những bản 'thánh ca' nhạc pop chịu sự điều khiển của punk của Lavigne,[47][48][49] cô đã nổi tiếng và có được danh xưng là "nữ hoàng" của thể loại này.[50][51] Về phần mình, Lavigne thích miêu tả nhạc của cô là "pop rock nặng" hơn là punk.[52][53] Những ban nhạc pop-punk khác có được danh tiếng gồm Good Charlotte, Simple Plan và MxPx.[18] Album The Young and the Hopeless (2002) của Good Charlotte đã đoạt ba đĩa bạch kim. Album đầu tay No Pads, No Helmets...Just Balls (2002) của Simple Plan giành được cú đúp chứng nhận bạch kim, còn tác phẩm kế tiếp của ban nhạc là Still Not Getting Any... (2004) cũng giành đĩa bạch kim.
Tại Liên hiệp Anh, Busted và McFly gây được chú ý nhờ kết hợp âm nhạc pop-punk với thẩm mỹ của nhóm nhạc nam.[54][55] Album đầy tay cùng tên (2002) của Busted giành được bốn chứng nhận bạch kim và album thứ hai - A Present for Everyone có ba lần đoạt chứng nhận bạch kim. Album đầu tay Room on the 3rd Floor (2004) của McFly giành vị trí số một trên UK Albums Chart[56] và đoạt hai chứng nhận bạch kim.
2004–2010: Kỷ nguyên emo pop và neon pop-punk

Khi pop-punk và emo hợp nhất lại thành emo pop, hãng thu âm Fueled by Ramen trở thành trung tâm của trào lưu, khi họ là đơn vị phát hành hàng loạt album bán chạy đoạt đĩa bạch kim từ các ban nhạc như Fall Out Boy, Panic! at the Disco và Paramore. Bài hát "Sugar, We're Goin Down" (2005) của Fall Out Boy nhận được đông đảo lượt phát sóng, leo lên vị trí số 8 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Hoa Kỳ.[57] Plain White T's (một ban nhạc emo pop khác của Illinois) đã gặt hái thành công lớn trên thị trường đại chúng. Album Every Second Counts (2006) của nhóm này leo lên vị trí thứ 10 trên bảng Billboard 200, còn đĩa đơn "Hey There Delilah" của họ giành vị trí quán quân.[58] Ban nhạc đến từ New Jersey My Chemical Romance là một trong những gương mặt của emo pop ở thập niên 2000. Hai album Three Cheers for Sweet Revenge (2004) và The Black Parade (2006) của nhóm này đều bán được hơn ba triệu bản cho mỗi album, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ. The Black Parade ra mắt ở vị trí số hai trên Billboard 200. Đĩa đơn chủ đạo của album là "Welcome to the Black Parade" chiếm ngôi đầu bảng xếp hạng Alternative Songs của Hoa Kỳ và giành vị trí thứ chín trên Billboard Hot 100.[59] Album thứ ba Louder Now (2006) của Taking Back Sunday ra mắt ở vị trí thứ hai trên Billboard 200.[60]
Theo cây viết Andrew Sacher của Brooklyn Vegan, sau thành công của những ban nhạc "cực kỳ nổi tiếng" ở thập niên 2000 như Fall Out Boy, Paramore và My Chemical Romance, "ranh giới giữa pop punk và emo dường như chẳng còn tồn tại nữa."[16] Cuối thập niên, một số ban nhạc pop-punk đi theo định hướng âm nhạc khác, như Panic! at the Disco sáng tác đĩa nhạc Pretty. Odd. (2008) theo phong cách baroque và lấy cảm hứng từ The Beatles, còn Fall Out Boy thử nghiệm với glam rock, blues rock và R&B trong album Folie a Deux (2008). Cả hai tác phẩm đều khiến người hâm mộ bối rối và phản ứng dữ dội. Folie a Deux tiêu thụ kém hơn những album trước của Fall Out Boy, thể hiện sự phản ứng dữ dội từ nhóm người hâm mộ trung thành của họ vì nhóm nhạc này đã thử nghiệm phong cách âm nhạc khác so với âm thanh pop-punk xây dựng tên tuổi của họ.[61][62]
Cuối thập niên 2000, một thể loại pop-punk gây chú khác đã xuất hiện gọi là neon pop-punk - phong cách pop-punk kết hợp nhiều yếu tố hơn của pop và nhạc điện tử so với truyền thồng của dòng nhạc.[63] Những nhóm nhạc nổi tiếng theo phong cách này thời bấy giờ gồm All Time Low, the Maine, the Cab,[63] Metro Station,[64] Boys Like Girls, Cobra Starship và Forever the Sickest Kids.[65] Đĩa đơn "Shake It" (2007) của Metro Station giành vị trí thứ 10 trên Billboard Hot 100[66] và vị trí thứ sáu trên UK Singles Chart.[67] Đĩa đơn "Dear Maria, Count Me In" (2008) của All Time Low giành được cú đúp chứng nhận bạch kim ở Hoa Kỳ,[68] trong khi album Nothing Personal (2009) của nhóm giành vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng Billboard Digital Albums chart.[69] Album đầu tay Can't Stop Won't Stop (2008) của The Maine đoạt hạng chín trên bảng xếp hạng Billboard Digital Albums Chart.[70] Album Hot Mess của Cobra Starship giành vị trí thứ tư trên Billboard 200.[71] Album thứ hai Love Drunk (2009) của Boys Like Girls giành hạng tám trên bảng Billboard 200.[72]
Thoái trào trên thị trường đại chúng (thập niên 2010)
Đầu thập niên 2010, pop-punk đánh mất sự phổ biến trên thị trường đại chúng khi các ban nhạc rock và âm nhạc chú trọng vào guitar trở nên hiếm gặp hơn trên đài phát thanh nhạc pop chú trọng vào dance.[73] Một vài nghệ sĩ (như New Found Glory) đã chứng kiến lượng khán giả đến xem hòa nhạc của mình giảm dần.[74] Devon Maloney của MTV viết: "Những ban nhạc pop punk và emo không giành suất diễn chính ở Coachella hoặc Bonnaroo. Hiếm hoi lắm mới thấy họ được góp mặt trên các sân khâu lễ hội nhạc đại chúng" và lưu ý rằng pop-punk cũng biến mất trên mặt báo theo cách tương tự. Những tạp chí duy nhất đưa hình các ban nhạc pop-punk là những ấn phẩm thị trường ngách như Alternative Press và đôi khi là tạp chí tuổi thiếu niên, trong tạp chí pop-punk giàu sức ảnh hưởng AMP ngừng xuất bản vào năm 2013.[75] Sự thoái trào trên thị trường đại chúng của thể loại, cộng với sự việc nhiều sân khấu biểu diễn cỡ trung bình gắn liền với dòng nhạc đóng cửa đã khiến cho nhiều địa điểm tổ chức và hãng thu âm trở lại hoạt động theo hình thức DIY - những hoạt động từng góp phần xây dựng nên trào lưu punk.[76][77]
Đến năm 2012, những ban nhạc pop-punk gặt hái thành công nhỏ trên thị trường đại chúng đã trở lại với hình thức hoạt động nguyên thủy. Cách hoạt động này từng được xem là "phong cách hoạt động vi mô làm thu hút sự chú ý của thị trường đại chúng ngay từ đầu."[75] Chad Gilbert của New Found Glory viết trên một trang báo thuộc mục bình luận cá nhân của bài viết trên Alternative Press có nhan đề "Why Pop-Punk's Not Dead—And Why It Still Matters Today" (Vì sao pop-punk chưa chết và vì sao nó vẫn có vai trò quan trọng ngày nay): "Đây không phải một thể loại nhạc đã chết, hay lý do không có bài hát nào được phát trên đài phát thanh để chứng minh điều đó cũng không quan trọng... Pop-punk có ý nghĩa với nhiều người và với tôi, một ban nhạc chơi dòng nhạc này thành công khi hoạt động lâu dài, đi lưu diễn nhiều và trung thực với người hâm mộ của bạn."[74]
Đến thập niên 2010, nhiều ban nhạc pop-punk đã tan rã. "Dù cơ bản từng là những ngôi sao nhí, giờ đây các thành viên của họ là nhạc sĩ trưởng thành hi vọng thoát khỏi những cạm bẫy tuổi thiếu niên từng mang lại sự nghiệp cho họ."[75] Fall Out Boy và Paramore (những nhóm nhạc đã gặt hái thành công đại chúng trong loại nhạc này) có hai album quán quân (Save Rock and Roll và Paramore) cùng có mặt trên Billboard 200. Fall Out Boy cùng với các ban nhạc pop-punk khác từng đạt đỉnh sự nghiệp ở giữa thập niên 2000 bắt đầu thử nghiệm nhiều mặt pop của pop punk hơn nhằm duy trì tính kết nối và giữ được sự quan tâm của người hâm mộ trung thành, đồng thời thu hút sự chú ý của thế hệ khán giả mới hơn có thể không thích âm thanh truyền thống của họ hoặc không liên kết nhiều đến những chủ đề punk ở thập niên 1970.[78] Sự nổi tiếng của họ đã dấy lên những cuộc bàn luận về tình trạng của dòng nhạc. Maloney cho rằng những đĩa nhạc này có thể không được xem là pop-punk.[75]
2012–2016: Phục hưng trong giới underground

Đầu thập niên 2010, một làn sóng mới của các nhóm nhạc pop-punk đã xuất hiện,[79][80] mà dẫn đầu là the Wonder Years, State Champs, Neck Deep, Real Friends và Knuckle Puck.[81] Dave Beech của Clash lưu ý rằng những nhóm này "[u] tối và trưởng thành hơn" so với trước. Họ chịu ảnh hưởng và "đôi khi hờ hững" trước nhạc emo thập niên 1990.[80] Bình luận viên âm nhạc Finn McKenty cũng nhắc đến hardcore punk là nguồn ảnh hưởng nổi bật trong giai đoạn này.[81] Trong đĩa The Upsides (2010) của Wonder Years, giọng ca Dan Campbell hát về "His early twenties soul-searching and tales of strife",[a] gây "dấu ấn với một thế hệ [mới] và truyền cảm hứng cho vô số người bắt chước theo."[82] Sự việc đã đẩy Campbell lên vị trí "tiên phong của làn sóng mới" và album tác động đến một làn sóng mới của các ban nhạc pop-punk.[82] Rock Sound điền tên album The Greatest Generation của The Wonder Years vào danh sách những album hay nhất năm 2013, họ nhận xét tác phẩm là "album định nghĩa xem liệu đây có phải là năm tuyệt vời nhất của dòng nhạc trong cả một thập kỷ không."[83] Kerrang! nhận xét album "đã xé nát các bản thiết kế", đẩy dòng nhạc tiến tới "những đỉnh cao phát minh mới, cả về mặt ca từ và âm nhạc."[84] Album What You Don't See (2013) của The Story So Far "đã củng cố vị trí của họ trên đầu bảng xếp hạng nu pop punk".[85] Đầu năm 2014, ban nhạc người Wales Neck Deep phát hành album đầu tay mang tên Wishful Thinking. Về sau, Rock Sound ghi danh album là "đĩa nhạc pop punk vĩ đại nhất mọi thời của Liên hiệp Anh."[86] Trong giai đoạn này, mẫu áo phông in hình "Defend Pop Punk" và một khẩu AK-47 của Man Overboard trở thành biểu tượng phổ biến trong giới nhạc,[87] đến mức một số ấn phẩm đã miêu tả giai đoạn này là "Defend Pop Punk Era".[b][88][89][90]
Tôi nghĩ pop-punk là một con thây ma. ... Nó im ắng một lúc rồi được hồi sinh theo kiểu gần như bất tử vậy. ... Trở lại thời điểm [pop-punk] là dòng đại chúng, bạn sẽ thấy nó trên MTV và những phương tiện tương tự. Giờ đây loại nhạc này đã khác, nó có cơ hội chiến đấu và đang bò trên đường trở lại. Loại nhạc bắt đầu với một đám đông khá chọn lọc, nhưng giờ đây nó đang mở rộng, tiếp cận được ngày càng nhiều người hơn nữa.[91]
– Kelen Capener của The Story So Far (2012)
Album cùng tên (2014) của ban nhạc người Úc 5 Seconds of Summer ra mắt ở vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard 200 và ở nhiều quốc gia khác.[92] Nhà báo Harriet Gibsone của The Guardian miêu tả album là "cơn sốt cuồng loạn vốn chỉ là đặc quyền của một nhóm nhạc nam (boyband) đình đám".[93] Tuy nhiên, việc phân ban nhạc vào thể loại pop-punk đã gây tranh cãi. Alternative Press miêu tả ban nhạc này quan trọng với khâu tiếp thị giới nhạc pop-punk.[92] Còn trong một buổi phỏng vấn của Terry Bezer với tạp chí Clash, anh miêu tả họ "không phải là pop-punk... [song] là một cánh cổng giá trị cho những cậu nhóc mới lớn bắt đầu những bước đi đầu tiên đến với những ban nhạc... có nhiều giá trị hơn."[94] Trong khoảng thời gian này, một số nghệ sĩ pop khác chịu ảnh hưởng pop-punk đã có được sự chú ý của khán giả đại chúng như Charli XCX[95] và Halsey.[96]
Từ đầu đến giữa thập niên 2010, một số ban nhạc pop-punk bắt đầu những chuyến lưu diễn kỷ niệm hoạt động, họ trình bày đầy đủ một vài album nổi tiếng nhất của mình. Khi mà một vài thành viên của những ban nhạc này có cảm xúc lẫn lộn về những tiết mục ấy, thì hiện tượng những tour diễn này bán vé chạy khá thường xuyên, tốt hơn cả khoảng thời gian đầu.[75] Những nhân viên chiêu thị tại các câu lạc bộ ở Liên hiệp Anh đã tạo ra những đêm nhạc như để trân trọng giá trị lâu dài của dòng nhạc.[97] The Warped Tour vẫn thu hút tới hàng trăm ngàn người tham dự mỗi năm. Năm 2012, tour diễn thu hút đến 556.000 khán giả dự nhạc hội, đạt lượng khán giả cao thứ ba của sự kiện.[75] Bobby Olivier của The Star-Ledger viết: "Thể loại nhạc... tiếp tục tự chuyển mình và Warped chính là vũ hội pop punk."[98]
Năm 2016, Rolling Stone đăng tin rằng pop-punk "vẫn là một trong những thể loại rock nổi tiếng và chiếm ưu thế nhất". Tạp chí tiến hành một cuộc thăm dò của độc giả để chọn ra "10 album pop-punk hay nhất mọi thời đại". Kết quả chung cuộc của danh sách gồm Green Day (Dookie, American Idiot, Nimrod), Blink-182 (Enema of the State, Take Off Your Pants and Jacket, Dude Ranch), the Ramones (Ramones), the Offspring (Smash), Jimmy Eat World (Bleed American) và Generation X (Valley of the Dolls).[99]
2016–2019: Sự quan tâm mới của thị trường đại chúng
Cuối thập niên 2010, thể loại pop-punk đã tác động đến sự phát triển của emo rap. Nhiều rapper emo có được sự chú ý của thị trường đại chúng trong thời gian này. Đặc biệt, Lil Peep, Lil Uzi Vert, Juice WRLD và XXXTentacion đều lên tiếng về tình yêu và ảnh hưởng của họ từ pop-punk.[100][101] Thậm chí ở thập niên 2010, rapper emo Wicca Phase Springs Eternal còn là thành viên của ban nhạc pop-punk giàu ảnh hưởng Tigers Jaw.[102] Sự việc đã đem lại sự quan tâm mới đến thể loại trong văn hóa đại chúng,[100][101] khiến cho một số nghệ sĩ nổi tiếng phát hành các bài hát pop-punk đến tận cuối thập niên. Ngày 5 tháng 9 năm 2018, rapper emo Lil Aaron và ca sĩ nhạc pop Kim Petras đã phát hành ca khúc pop-punk "Anymore".[103] Ngày 13 tháng 2 năm 2019, Yungblud và ca sĩ nhạc pop Halsey phát hành bài hát pop-punk "11 Minutes" hợp tác cùng Travis Barker.[104] Bài hát giành chứng nhận vàng ở Hoa Kỳ,[105] đoạt vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard Bubbling under Top 100 Chart[106] và được trình bày tại lễ trao giải iHeartRadio Music Awards 2019.[107] Ngày 7 tháng 9 năm 2019, Machine Gun Kelly (một rapper đã thành danh suốt cả thập kỷ) đã phát hành bài hát pop-punk "I Think I'm Okay" hợp tác cùng Yungblud và Travis Barker. Đây là sản phẩm đầu tiên của anh theo thể loại này. Ca khúc đã được đề cử tại giải âm nhạc Billboard 2019[108] và đoạt chứng nhận bạch kim chỉ trong một năm.[109] Ngày 12 tháng 7 năm 2019, Cold Hart và Yawns của nhóm nhạc emo rap giàu ảnh hưởng GothBoiClique đã phát hành album pop-punk Good Morning Cruel World.[110] Ngày 18 tháng 9 năm 2019, rapper emo Lil Tracy phát hành ca khúc pop-punk "Beautiful Nightmare".[111]
Tháng 10 năm 2019, một bài viết của Mic chỉ ra rằng emo rap đã mang đến sự quan tâm cho một làn sóng mới của các nhóm nhạc pop-punk như Stand Atlantic, Doll Skin, Waterparks và ban nhạc 93PUNX của rapper Vic Mensa.[112] Alternative Press cũng chỉ ra rằng những ban nhạc Anh gồm Trash Boat, Boston Manor và As It Is đã có "những đóng góp nổi bật cho kỷ nguyên phục hưng gần đây nhất của dòng nhạc".[113]
Tái thịnh hành trên thị trường đại chúng (2020–nay)

Tháng 9 năm 2020, Machine Gun Kelly phát hành album phòng thu thứ năm Tickets to My Downfall - album đầu tiên của anh hoàn toàn theo chất liệu pop-punk. Album giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard 200, trở thành album nhạc rock đầu tiên nắm ngôi đầu bảng kể từ Fear Inoculum của Tool vào tháng 9 năm 2019.[114] Nhật báo Evening Standard ghi nhận album đã "thu hẹp khoảng cách" giữa giới nhạc pop punk hiện đại và sự quan tâm của thị trường đại chúng vốn phát triển từ giới nhạc emo rap.[108] Bài hát "My Ex's Best Friend" trích từ album Tickets to My Downfall đã giành vị trí thứ 21 trên Billboard Hot 100. Nhờ hiện tượng này, một số phương tiện truyền thông bắt đầu ghi công anh là người dẫn đầu sự phục hưng của pop-punk (pop-punk revival).[115][116][117]
Một bài viết của Kerrang! ghi nhận Machine Gun Kelly cũng như Yungblud đã giúp thể loại có lại được sự chú ý của thị trường đại chúng. Ngoài ra, ấn phẩm nhắc đến TikTok là một trong nhân tố chính, khi mà các video gắn nhãn #poppunk nhận được 400 triệu lượt xem tính đến ngày 21 tháng 1 năm 2021. Trên ứng dụng ấy, các xu hướng lan truyền (viral trend) xuất hiện nhờ sử dụng các bài nhạc của những ban nhạc pop-punk như All Time Low, Simple Plan và Paramore.[118] Thậm chí một số nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok bắt đầu phát hành nhạc theo thể loại này trong khoảng thời gian đó. Đáng chú ý, TikToker Jxdn bắt đầu phát hành nhạc pop-punk music vào tháng 2 năm 2020,[119] trong Huddy (lúc ấy tên là LilHuddy) làm điều tương tự vào năm 2021 khi ra mắt đĩa đơn đầu tay "21st Century Vampire".[120] Sự việc khiến Polygon đặt tên cho làn sóng nghệ sĩ mới này là "TikTokcore".[121] Cây viết Al Shipley của Spin miêu tả pop-punk và mối liên hệ của dòng nhạc với hip hop là "thế lực thương mại không thể ngăn cản" của năm 2020.[122]
Our Culture Mag xem KennyHoopla là một "nhân tố chính trong [sự trở lại] của dòng nhạc",[123] còn Kerrang! mệnh danh anh là "thủ lĩnh thế hệ pop punk mới".[124] Bài hát pop-punk "Good 4 U" (2021) của Olivia Rodrigo giành vị trí nhất bảng xếp hạng đĩa đơn của Billboard.[125] Theo tạp chí Slate, đó là "bài nhạc rock quán quân Hot 100 đầu tiên trong nhiều năm qua".[126] Những ấn phẩm như the Face, the Independent và USA Today cho rằng làn sóng này có tính đa dạng về chủng tộc, giới tính và khuynh hướng tình dục nhiều hơn so với các thời đại trước.[127][128][129] Tháng 2 năm 2021, một bài viết của Louder Sound coi những nghệ sĩ như Meet Me at the Altar, Yours Truly, Noah Finnce và Jxdn là "tái tạo diện mạo mới cho pop-punk năm 2021".[130]
Năm 2023, Cassadee Pope (từ ban nhạc đã ngừng hoạt động tên là Hey Monday) thông báo cô đã bỏ dòng nhạc đồng quê và trở lại với gốc rễ pop-punk, khi cô cho phát hành các đĩa đơn "People That I Love Leave", "Almost There" và "Coma" (bài hợp tác với Taylor Acorn).[131][132] Tháng 8 năm 2023, Rodrigo phát hành ca khúc "Bad Idea Right?" (tác phẩm có những ảnh hưởng của pop-punk và indie rock) trích từ album phòng thu thứ hai mang tên Guts. Bài hát giành vị trí nhất bảng Hot Rock & Alternative Songs của Billboard.[133] Ngày 18 tháng 10 năm 2024, Bruno Mars và ca sĩ K-pop Rosé phát hành đĩa đơn pop-punk "Apt.".[134] Ca khúc trở thành một trong những bài thành công nhất về lượng streaming tại cả Hoa Kỳ lẫn thế giới, xếp đầu các bảng xếp hạng streaming toàn cầu thường nhật trên thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu của Spotify.[135]
Các nhánh và tiểu thể loại
Emo pop
Giữa thập niên, Emo pop trở nên phổ biến với các hãng thu âm như Fueled by Ramen - đơn vị chuyên phát hành album đạt đĩa bạch kim từ các ban nhạc như My Chemical Romance, Fall Out Boy, Panic! at the Disco, Red Jumpsuit Apparatus và Paramore.[136] Maloney viết: "Khi mà nhiều người hâm mộ pop punk kiên quyết phủ nhận bất kỳ liên hệ nào giữa nghệ sĩ yêu thích của họ và cái nhãn "emo," các ban nhạc kết hợp hai yếu tố này đã dần đưa hai thể loại vào chung một bối cảnh."[75]
Easycore
Easycore (có những tên gọi ít phổ thông hơn là popcore, dudecore, softcore, happy hardcore và EZ)[137] là thể loại nhạc kết hợp pop-punk với các yếu tố của metalcore.[138] Dòng nhạc thường sử dụng các đoạn breakdown, giọng hát screaming, tiến trình hợp âm trưởng, các đoạn riff và synthesizer. Nguồn gốc của dòng nhạc bắt nguồn từ những ban nhạc pop-punk đầu những năm 2000 như Sum 41 và New Found Glory. Album cùng tên và Stick and Stones của New Found Glory cùng bài hát "Fat Lip" của Sum 41 là một trong những sản phẩm đầu tiên và giàu ảnh hưởng nhất theo dòng nhạc này được phát hành. Tên gọi của phong cách bắt nguồn từ tour diễn "Easycore tour" - sự kiện có sự tham gia của A Day to Remember, Four Year Strong và New Found Glory. Bản thân cái tên "easycore" cũng là chơi chữ dựa trên cái tên "hardcore punk".[137]
Neon pop-punk
Neon pop-punk (hay còn gọi đơn giản là neon pop)[139] là một loại hình nhạc pop-punk chú trọng vào đàn synthesizer.[140] Cây viết Tyler Sharp của Alternative Press ghi chép rằng tuy đây không phải trường hợp đầu tiên mà "một ban nhạc quyết định đưa các phím đàn mơ hồ vào tiến trình hợp âm của họ, song đây chính là thời điểm để công thức ấy hoàn thiện."[140] Kika Chatterjee của Alternative Press nói thêm rằng cuối thập niên 2000 "mang đến những giai điệu bập bùng rực rỡ của đàn synth, làm thay đổi toàn bộ định nghĩa của [pop punk]", khiến dòng nhạc bị gán nhãn "neon".[141] Sharp chỉ ra album đầu tay Underdog Alma Mater (2008) của Forever the Sickest Kids là "một khoảng khắc lớn" với dòng nhạc.[142]
Phê bình
Theo Iain Ellis của PopMatters, cộng đồng nhạc punk rock thường coi pop-punk là "quá ủy mị, giả tạo, bắt chước và vô hồn".[143] Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2003, tay guitar Steve Diggle của Buzzcocks cho rằng punk đã trở thành một "chiếc ô khổng lồ". Anh bình luận: "Bạn biết đấy, công bằng mà nói với các ban nhạc như Green Day và những nhóm khác, họ được truyền cảm hứng từ chúng tôi, The Clash và các nhóm tiền bối khi họ còn rất nhỏ, nhưng xuất thân của họ thì khác. Khi chúng ta bắt đầu, nhạc punk với tôi là punk của the Clash, [Sex] Pistols và Buzzcocks ở nơi đây [Liên hiệp Anh], còn ở [Hoa Kỳ] thì là punk của nhóm Dolls, Iggy và Ramones. Chúng tôi phát minh ra phong cách của mình hệt như cách của the Clash và Ramones. Nhưng trong các ban nhạc hậu bối thì một vài nhóm trong số họ chỉ bắt chước những nhóm tiền bối, còn tôi muốn họ chơi nhạc theo phong cách riêng nhiều hơn một chút."[144]
Green Day bị cáo buộc bán rẻ mình (selling out) vì họ đã ký với một hãng thu âm lớn và tham gia vào thị trường đại chúng kể từ khi phát hành Dookie.[145] John Lydon của ban nhạc Sex Pistols ở thập niên 1970 phê bình Green Day và cho rằng nhóm này không phải một ban nhạc punk: "Đừng cố nói với tôi rằng Green Day là ban nhạc punk. Họ chẳng phải punk, họ chỉ là những kẻ kém chất lượng và hùa theo đám đông bằng những thứ họ chẳng tự nghĩ ra. Tôi nghĩ họ đúng là những kẻ giả tạo."[146] Billie Joe Armstrong (ca sĩ chính và tay guitar của Green Day) phát biểu: "Đôi khi tôi nghĩ bọn tôi đã trở nên thừa thãi vì giờ đây bọn tôi đã là một ban nhạc lớn rồi, chúng tôi kiếm được rất nhiều tiền. Chúng tôi không còn là [ban nhạc] punk rock nữa. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ và nói: 'Bạn có thể lấy chúng tôi khỏi môi trường punk rock, song không thể lấy punk rock khỏi chúng tôi được.'"[145]
Blink-182 cũng vấp phải rất nhiều sự phê bình từ người hâm mộ punk rock. Họ bị cáo buộc đã bán rẻ mình với phong cách pop-punk lấy cảm hứng từ nhạc pop. Lydon coi Blink-182 là "đám nhóc đần độn ... bắt chước theo nghệ sĩ hài kịch."[147] Tom DeLonge (ca sĩ kiêm tay guitar của Blink-182) đáp lại lời phê bình: "Tôi yêu tất cả những lời phê bình ấy, vì bọn tạp chí ấy thật khốn kiếp! Tôi cực kỳ ghét việc Maximum Rocknroll và bọn tạp chí kia nghĩ rằng chúng biết punk là như thế nào. Tôi nghĩ punk chọc cáu người ta nhiều hơn là tuân theo những quan điểm thuần chay kia."[148]
Trong buổi phỏng vấn vào tháng 11 năm 2004, Deryck Whibley (ca sĩ chính và tay rhythm guitar của Sum 41) chia sẻ: "Thậm chí chúng tôi còn chẳng tự nhận mình là [ban nhạc] punk. Chúng tôi chỉ là ban nhạc rock thôi. Chúng tôi muốn làm gì đó khác đi. Chúng tôi muốn làm việc của riêng mình. Âm nhạc với chúng tôi luôn như vậy đấy."[149] Nghệ sĩ lead guitar Dave Baksh của Sum 41 nhắc lại phát biểu của Whibley: "Chúng tôi chỉ tự nhận mình là [ban nhạc] rock thôi... Nói chúng tôi là [ban nhạc] punk thì dễ hơn, đặc biệt xunhg quanh là lũ nhóc nghĩ chúng biết punk là gì. Cái chuyện chẳng dựa trên bất cứ quy tắc gì có lẽ là một trong những quy tắc nghiêm ngặt nhất thế giới."[150]
Nhà phê bình âm nhạc Jeff Terich của Treblezine nhận định rằng cuộc tranh cãi về tính đúng sai của "pop-punk" thật thừa thãi. Anh chỉ trích những cuộc bàn luận về việc các nhóm punk dần trở nên thương mại hóa và nhuốm màu thị trường đại chúng hơn, xuất hiện nhiều "như nấm mốc đen vậy, nhưng mỉa mai thay tất cả [nhóm] punk đều là pop hết. Ramones? Nhóm pop đấy. The Clash? Cũng pop. Còn The Buzzcocks? Đúng rồi họ cũng là nhóm pop luôn."[151]
Xem thêm
- Danh sách album pop-punk
- Danh sách ban nhạc pop-punk
- Skate punk
- Scene (tiểu văn hóa)
- Post-hardcore
Tham khảo
Đọc thêm
Liên kết ngoài
Wikiwand - on
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.