Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần (1830) tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre). Thân phụ ông tên là Phan Văn Tấn, "làm quan khâm sai Chưởng tiền dinh Đô thống chế, đã bị triều đình nhà Nguyễn phạt chín đời không được làm quan"[1], thuộc dòng dõi Phan Văn Triệu, một võ tướng đã từng giúp Nguyễn Ánh chống nhau với Tây Sơn, về sau được liệt vào miếu Trung hưng công thần tại cố đô Huế.
Với tài học đó, Cử Trị có thể ra làm quan, nhưng buồn vì thời cuộc cứ rối ren... ông không ra làm quan, mà về sống đạm bạc bằng việc dạy học ở làng Bình Cách (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An). Sau, ông tị địa về Vĩnh Long, rồi về Phong Điền (Cần Thơ). Ở đó, ông dạy học, bốc thuốc và làm thơ...
Phan Văn Trị sáng tác nhiều nhưng hiện chỉ mới tìm được khoảng trăm bài bao gồm thơ vịnh vật như: "Con mèo", "Cái cối xay", "Hột lúa", "Con rận", "Cào cào", "Con cóc",... và chùm thơ họa lại 10 bài thơ của Tôn Thọ Tường.
Trước khi thực dân Pháp đến, Phan Văn Trị thường vịnh cảnh, vịnh vật để bày tỏ chí hướng, ước muốn giúp đời, cứu dân hoặc để phê phán những người bất tài, hám danh. Đến khi quân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, ông làm thơ yêu nước.
Lòng yêu nước ấy chan chứa trong bài thơ tiêu biểu sau:
Thất tỉnh Vĩnh Long
Tò te kèn thổi tiếng năm ba,
Nghe lọt vào tai, dạ xót xa.
Uốn khúc sông rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành phụng ủ sầu hoa
Tan nhà cám nỗi câu ly hận,
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm cười hết nói nỗi quan ta.
Và khi quân Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm nổ ra tại Láng Hầm, cạnh Phong Điền. Để tỏ lòng tiếc thương những nghĩa sĩ đã bỏ mình, Phan Văn Trị đã làm hai câu đối thật xúc động:
Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết.
Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đãi sầu nhan.
Tạm dịch:
Kiếm võ ngút trời, Ba láng sông sâu tràn hận huyết.
Sao văn sa đất, Trà Niềng thôn xóm thảy sầu mang.[3]
Mặt khác, nói về mảng thơ mang tính chiến đấu của ông, nhà thơ Bảo Định Giang nêu nhận xét:
Sau Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị xông xáo tiến lên đánh địch như một dũng sĩ. Ngòi bút trong tay ông trở thành ngọn giáo, nhằm thẳng vào bọn bán nước, đánh rất đau, khiến đối phương không cựa quậy được...
Và một điều ai cũng rõ: Phan Văn Trị dùng bút đánh Tôn Thọ Tường, không đơn giản như đánh một tên tay sai võ biền dung tục ...mà đối thủ của ông là bạn cũ, từng xướng họa với ông ở Thi xã Bạch Mai[4] ngày nào... Để rồi bằng sức mạnh chính nghĩa, Phan Văn Trị đã giáng cho đối thủ của mình những đòn bất ngờ, giành thế chủ động từ đầu đến cuối..."[5]
Trong Bản lược đồ văn học VN, GS. Thanh Lãng cũng đã viết:
Phan Văn Trị là phát ngôn viên cho phe chủ chiến. Chính ông đã đập vỡ cái thành trì yên lặng của nhà Nho, xung phong đứng ra tố cáo và kết án phái chủ hòa. Mỗi khi phe địch lên tiếng biện hộ, thanh minh... là ông lại viết bài vạch trần mưu mô, tâm địa thấp hèn của họ. Cái mới mà Phan Văn Trị đưa vào văn học thế hệ này chính là ở chỗ đó...[6]
Đề cập vai trò của ông trong cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường, Từ điển văn học (bộ mới) có đoạn:
Bị dư luận lên án gay gắt, Tôn Thọ Tường làm bài thơ "Từ Thứ quy Tào" để ngụy biện, chống đỡ cho hành động phản dân hại nước của y. Phan Văn Trị công kích luận điệu của Tường bằng bài thơ "Hát bội".
Cuộc bút chiến dưới hình thức họa thơ nổ ra từ đó. Tôn Thọ Tường làm 10 bài thơ liên hoàn tự thuật, tán dương sức mạnh vật chất của thực dân, cho rằng lực lượng kháng chiến non kém khó mà địch nổi, và trong thực tế cuộc kháng chiến đang lâm vào cảnh bi thảm. Cho nên người trí thức khôn ngoan là phải biết tùy thời mà ở.
Họa lại những bài thơ ấy, Phan Văn Trị đã mắng Tôn Thọ Tường bằng những lập luận sắc sảo, bằng những hình tượng độc đáo, rất đắt... Trong cuộc họa thơ này, Phan Văn Trị đã lôi cuốn được đông đảo sĩ phu Nam Kỳ vào cuộc như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu...[7].
Trích một bài thơ họa:
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây,
Chẳng đã nên ta phải thế này.
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,
Cồn Rồng dầu mặc muội tro bay.
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thủa,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá, há lung lay.
Đức độ và tài năng của Phan Văn Trị đã làm cho nhiều người cảm phục. Trong số đó có cai tổng Định Bảo tên là Lê Quang Chiểu[8] xem ông như một bậc thầy, nên đã giới thiệu người em gái con cô con cậu là Đinh Thị Thanh[9](1835 – 26 tháng 6 năm 1911) kết duyên cùng ông Trị.
Ông Chiểu cũng cho người dựng một mái nhà tranh lá cho Phan Văn Trị nương náu và khi ông Trị mất đã được chôn trên phần đất của vị cai tổng này.
Ngày trước, mộ Phan Văn Trị chỉ là một nấm mồ bằng đất giản dị[10]. Năm 2005, chính quyền cùng nhân dân đã cho xây dựng đền thờ, trùng tu phần mộ Phan Văn Trị và cải táng mộ vợ ông ở gần đó về nằm cận kề, trong khu đất rộng, phía trước là con lộ trải nhựa rộng khoảng 5 m và con rạch Cái Tắc, thuộc ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ thành một nơi khang trang, rộng rãi và đẹp đẽ[11]; hàng năm đều có tổ chức lễ giỗ trọng thể.
Trước 1975, vì là vùng chịu nhiều bom đạn, nên cơ ngơi bằng gạch bề thế của ông Chiểu cũng đã đổ nát hết, và căn nhà tre lá của cử nhân Trị cũng không còn sót lại bất cứ vật dụng gì. Tại xã Thạnh Phú Đông, quê hương Phan Văn Trị, đầu năm 1998, chính quyền huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) cũng đã cho xây dựng nhà tưởng niệm Phan Văn Trị. Công trình đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày mất của ông (22 tháng 6 năm 1999).
Hiện nay, nhiều trường học, đường phố ở nhiều nơi mang tên Phan Văn Trị.
Đền thờ Phan Văn Trị.
Phong cảnh trong khu đền thờ và mộ Phan Văn Trị.
Phong cảnh trong Khu đền thờ và mộ Phan Văn Trị (ảnh 2).
Theo "Phan Văn Trị, thân thế và hành trang" của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Nhà xuất bản Văn hoá nghệ thuật, Sở Văn hoá Thông tin Bến Tre, 1-1986.
Vùng Ba Láng - Trà Niềng, khi xưa được gọi là Láng Hầm, nay thuộc thành phố Cần Thơ. Trà Niềng là tên một con rạch ở thị trấn Phong Điền, nằm cách khu đền mộ của nhà thơ Phan Văn Trị khoảng vài trăm mét.
Bạch Mai thi xã gây được tiếng vang vào khoảng giữa thập niên 1850. Đó là nơi hội tụ của các vị khoa bảng như: Phan Hiển Đạo, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông... Xu hướng chung của nhóm là ca ngợi thiên nhiên đất nước, đề cao thú vui của kẻ sĩ. Khi quân Pháp đánh chiếm vùng Gia Định thì thi xã cũng tan rã luôn.
Sau này, Cai tổng Chiểu cũng bỏ luôn quyền chức, đứng về phía những sĩ phu và nhân dân yêu nước. Trong trận bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, ông Chiểu cũng có làm 10 bài thơ họa lại để đả kích Tôn Thọ Tường. Ông Chiểu về sau sưu tập thơ văn, tác giả cuốn Quốc âm thi hiệp tuyển.
Bà Đinh Thị Thanh trước đây mang họ Trần, nhưng do cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm nổ ra ở Láng Hầm - Ba Láng (Cần Thơ) vào năm 1868. Lãnh tụ Sâm đã giết chết cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh, nên từ đó dòng họ Đinh phải đổi sang họ Trần vì sợ bị trả thù và bị chính quyền bắt bớ...Và lúc Phan Văn Trị còn khỏe, cả nhà sống lây lất nhờ nghề dạy học của ông, cho nên đến khi ông mất, gia cảnh sa sút rất nhanh, bà Thanh phải làm nghề giã gạo mướn để kiếm sống qua ngày. Sau bà tục huyền với ông Trụ, một người cùng nghề, nhưng chẳng bao lâu sau thì bà mất. Trước khi được cải táng, mộ bà nằm cạnh mộ em gái tên Đinh Thị Nhàn, ở gần trường phổ thông cơ sở Nhân Ái I. Người quản lý khu mộ Phan Văn Trị còn cho biết: Ông Phan Văn Trị sống với bà Thanh có bốn người con (2 trai, 2 gái; gồm Phan Thị Đào, Phan Phước Tùng, Phan Văn Đường và Phan Thị Mai), nhưng tứ tán đã lâu. Ở Phong Điền hiện nay không còn con cháu ông Trị, chỉ thỉnh thoảng có một nhóm người nói là cháu chắt của ông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm viếng...
Năm 1942, hai ông là Kiều Thanh Quế và Lê Thọ Xuân đã đến Phong Điền, gặp được học trò của Phan Văn Trị là Hồ Kim Đính, khi ấy đã già yếu và đang lâm bệnh nặng. Nhờ ông Đính chỉ dẫn, hai ông mới tìm ra ngôi mộ Phan Văn Trị đang nằm ở sau nhà ông Lê Quang Thừa. Đó là một nấm mộ "không có bia, không tam cấp đá, không có gò đất đắp vun lên..." (theo Kiều Thanh Quế, Hoài niệm vong linh Cử Trị: ngôi mả hoang. Tạp chí Tri Tân, Hà Nội, số 75, 1949, tr.19-20). Như vậy, tấm bia rêu phong (ảnh), chắc có sau cuộc viếng thăm này.