Remove ads
lãnh đạo tôn giáo người Việt Nam From Wikipedia, the free encyclopedia
Ngô Minh Chiêu (1878-1932) được các tín đồ đạo Cao Đài công nhận là môn đệ đầu tiên của Đức Cao Đài Tiên Ông. Được tín đồ Cao Đài phái Chiếu Minh tôn phong là Ngôi Hai Giáo chủ, chỉ đứng sau Cao Đài Thượng đế[1].
Tên thật của ông là Ngô Văn Chiêu, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1878[2] tại làng Bình Tây, tổng Tân Phong Hạ, hạt Chợ Lớn trong một ngôi nhà nhỏ ở phía sau chùa Quan Đế[3].
Được xem là có dòng dõi quan lại ở Huế, đến đời cha ông là Ngô Văn Xuân thì đã suy, di về cư ngụ tại khu Hòa Hưng, sau đó kết hôn với bà Lâm Thị Quý, gọi Lâm Thị Tiền. Ngô Văn Chiêu là con trai duy nhất của ông bà.[4]
Gia cảnh nghèo khó, song thân ông đều làm công cho một nhà máy xay lúa ở Bình Tây. Sau khi sinh ông một thời gian, hai ông bà có việc làm ăn phải đi xa, nên gởi ông lại cho người cô ruột là Ngô Thị Đây, ở làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, hạt Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho). Ông Phu, chồng bà Đây là một người Hoa kiều, có tiệm bán thuốc Bắc tại chợ Mỹ Tho. Hai ông bà vốn không có con, vì vậy hết lòng nuôi cháu ăn học.
Năm 12 tuổi, nhờ sự hướng dẫn của Đốc phủ sứ Lê Công Sủng[5], bấy giờ đang làm tùng sự tại Tòa Bố Mỹ Tho, Ngô Văn Chiêu làm đơn xin học nội trú trường Collège de My Tho, bấy giờ còn gọi là trường Collège le Myre de Vilers.
Sau khi học ở Collège de My Tho một thời gian, Ngô Văn Chiêu thi đậu vào trường Collège Chasseloup Laubat tại Sài Gòn. Năm 21 tuổi, ông thi đậu bằng Thành Chung. Ngày 23 tháng 3 năm 1899, ông được chính quyền thực dân thu dụng làm Thư ký Sở Tân Đáo ở Sài Gòn[6].[7]. Cũng năm này, ông lập gia đình và rước cha mẹ ruột từ Hà Nội về Sài Gòn phụng dưỡng.
Chịu ảnh hưởng của người dượng rể vốn là một tín đồ Minh Sư đạo, từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với văn hóa Đạo giáo, nên rất tôn sùng các vị thần tiên, đặc biệt rất hâm mộ hình thức cơ bút để giao tiếp với giới thần tiên, vốn khá thịnh hành bấy giờ.
Theo các tài liệu của Cao Đài, năm 1902, trong một lần đến đàn cầu cơ tại Thủ Dầu Một để cầu thọ cho mẹ và hỏi về tương lai, ông được cơ bút giáng một bài kệ khuyên ông lo tu hành ngày sau sẽ đắc đạo. Từ đó ông sống cuộc đời khắc kỷ như một tín đồ Đạo giáo, thường xuyên tổ chức hoặc tham gia các đàn cơ bút để hình thành đường lối tu luyện.
Ngày 1 tháng 1 năm 1903, Ngô Văn Chiêu được chuyển sang làm việc ở Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Ngày 1 tháng 5 năm 1909, ông được chuyển làm Thư ký Tòa Bố tỉnh Tân An. Thời gian làm việc ở đây, ông đã mua một căn nhà tại Tân An và rước mẹ về ở chung. Riêng cha ông vẫn ở lại Sài Gòn với người vợ kế.
Năm 1917, Ngô Văn Chiêu thi đậu vào ngạch Tri huyện[8]. Do vậy, thời gian này ông còn được gọi là quan huyện Chiêu.
Ngày 15 tháng 11 năm 1919, mẹ ông qua đời. Thời gian sau đó, ông thường lập đàn cầu cơ cùng các ông Đoàn Văn Kim, hương bộ Lê Kiển Thọ, thầy giáo Nguyễn Văn Vân, nhà giáo kiêm soạn giả Trần Phong Sắc. Tương truyền, trong một lần cầu cơ tại nhà ông, cơ bút lần đầu tiên đã giáng xưng danh hiệu "Cao Đài Tiên Ông". Ngày 1 tháng 3 năm 1920, ông được bổ đến làm việc tại Tòa Bố Hà Tiên. Đêm trung thu năm Canh Thân (tức Chủ nhật ngày 26 tháng 9 năm 1920), ông cùng các ông Cao Văn Sự, Nguyễn Thành Diêu lập đàn tại nhà ông Lâm Tấn Đức. Lần thứ hai cơ bút lại giáng xưng Cao Đài.
Ngày 26 tháng 10 năm đó, Ngô Văn Chiêu được bổ ra Phú Quốc trấn nhậm. Nơi đây "... phần nhiều là còn giữ được cái phong tục, cái đức tính cổ thời, rõ là xã hội 'gia vô bế hộ'. Nhà ở không bao giờ có làm cửa. Những nhà hào phú muốn làm cửa là cho tốt coi chớ ban đêm cũng vẫn không khóa. Cửa bỏ ngỏ mà không bao giờ có kẻ trộm."[9]. Việc quan nhàn rỗi, ông thường lên núi Dương Đông, lập đàn cầu cơ tại một Phật đường của đạo Minh Sư[10], thuộc tông Hoằng Tế, tục gọi là chùa Quan Âm, cách dinh quận chừng 500 mét. "Chùa cất trên tuyệt đỉnh, trước mặt thì có núi cao bình án, sau lưng thì có biển rộng hoành triều, rất được thế non nước. Tường đá rào tre quanh co, các thứ nhàn hoa cổ thụ, u ảo thanh tịnh vô cùng."[9]. Cũng chính tại đây, mùng Một Tết Tân Dậu (tức thứ Ba ngày 8 tháng 2 năm 1921), ông chính thức đi vào đường tu tập với đạo hiệu Minh Chiêu.[11]
Vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Minh Sư, thời gian đầu tu tập của ông được sự hướng dẫn tu sĩ Minh Sư, vốn sở trường về Thiền pháp[7]. Bên cạnh đó, ông cũng hình thành những nền tảng đầu tiên của đạo Cao Đài như:
Sau một thời gian tu tập, vì lý do cá nhân, ông dời điểm tu từ chùa Quan Âm (Minh Sư đạo) sang chùa Sùng Hưng (Phật giáo). Tại đây ông tranh thủ đến tu tập sau giờ làm việc, tiếp tục hoàn thiện lối tu Nội giáo tâm truyền dưới sự hướng dẫn của Đức Cao Đài về Tân Pháp Cao Đài.
Ngày 1 tháng 1 năm 1924, chính quyền thực dân thăng Ngô Văn Chiêu lên ngạch Tri phủ, 6 tháng sau, ngày 29 tháng 7, đổi ông về Sài Gòn làm việc ở Dinh Thống đốc và công tác ở Phòng Nhì (2e bureau). Đây là một cơ quan dân sự, có nhiệm vụ: "Chuyên về công việc cầu đường, nhà cửa, cùng các sở coi việc. Chịu giấy làm giá cả. Giấy hiệp đồng, lãnh biện vật hạng cùng công việc làm. Suy tính, làm giấy lãnh tiền về đồ dùng cùng công việc làm. Các kho dự trữ, cấp phát vật hạng. Đồ dùng xưa cùng đồ công nhu cho các phòng. Việc đường sá. Phân đường lộ, lấy mực cất nhà, mực đường. Xét dọn bộ sổ vật hạng, cùng bộ sổ công việc làm."[12][13]. Hai năm sau, ông được thăng lên ngạch Đốc phủ sứ[1]. Chính vì thế mà nhiều tài liệu ngày nay ghi ông là quan Phủ Ngô Văn Chiêu.
Sau khi về Sài Gòn, Ngô Văn Chiêu vẫn tiếp tục tu luyện theo pháp môn riêng. Vốn có mối giao hảo với đạo Minh Sư, vì vậy ông thường ghé chùa Ngọc Hoàng để tu tập. Thời gian này, ông bắt đầu khai đạo cho nhóm bạn hữu Vương Quang Kỳ (tùng sự Soái phủ Nam Kỳ, ngạch Tri phủ), Nguyễn Văn Hoài (ngạch thông phán), Võ Văn Sang (ngạch thông phán), Đoàn Văn Bản (đốc học Đa Kao). Sau đó các ông này cũng có độ thêm một số đệ tử nữa cùng tu luyện với Ngô Văn Chiêu, nhưng những hoạt động giai đoạn nầy còn trong phạm vi một nhóm tu đơn tịnh luyện, chứ chưa phát triển thành một Tôn giáo.
Song song với phong trào cầu cơ ảnh hưởng của Đạo giáo, một phong trào cầu cơ chịu ảnh hưởng của phong trào Thông linh học (Spiritisme)[14] của Pháp trong một nhóm công chức người Tây Ninh đang làm việc ở Sài Gòn cũng phát triển, lan tràn khắp cả Nam Kỳ[15]. Trong đó, quan trọng nhất có nhóm cầu cơ ở đường Arras[16], ban đầu gồm 4 người:
Do nhóm có 3 thành viên chính (nam giới) mang họ Cao và họ Phạm, nên còn được gọi là nhóm Cao - Phạm.
Ban đầu nhóm dùng phương pháp xây bàn và được cho là tiếp xúc với Thượng đế qua danh hiệu AĂÂ vào khoảng tháng 7 năm 1925[18].
Khoảng trung tuần tháng 9 năm 1925, nhóm chuyển sang dùng đại ngọc cơ để cầu cơ theo phương pháp cổ truyền của Đạo giáo. Theo các tài liệu đạo Cao Đài, thì giữa tháng 12 năm đó, nhóm được Thượng đế xưng danh Cao Đài lần đầu tiên.
Nhóm về sau phát triển thêm nhiều người, quan trọng nhất là việc thu nhận thêm Lê Văn Trung, cựu Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, người về sau giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển đạo Cao Đài.
Với sự liên hệ của ông Vương Quang Kỳ, giữa các nhóm hầu cơ bắt đầu có sự liên hệ qua lại. Ngày 21 tháng 2 năm 1926, trong một buổi cầu cơ tại nhà ông Vương Quang Kỳ, có mời các nhân vật có danh tiếng của các nhóm cầu cơ cùng đến dự, một bài thờ được lưu truyền là cơ giáng của Thượng đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những tín đồ đầu tiên của đạo, với ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả:
Trong đó có tên:
Trong bài thơ còn nêu tên Hườn, Minh, Mẫn là ba nhân sĩ trí thức tham dự buổi cầu cơ.
Kể từ đó, những nền tảng giáo lý của Cao Đài được hoàn chỉnh dần và thống nhất giữa các tín đồ đầu tiên, đồng thời cũng hình thành dần pháp môn Ngoại giáo công truyền (hay hình nhi hạ học) theo cách gọi của phái Chiếu Minh, hay Cơ Phổ độ theo cách gọi của Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
Với pháp môn mới này, các thành viên tích cực[19] đã đi phổ độ và thu nạp thêm nhiều người. Đàn cơ ở nhà ông Kỳ không còn đủ sức chứa hàng trăm tín đồ đến tu tập, phải dời đến nhà ông Bản[20], về sau hình thành nên Thánh thất Cầu Kho, được xem là thánh thất đầu tiên của đạo Cao Đài. Không lâu sau, 5 đàn cơ nữa được thành lập, phát triển số tín đồ nhanh chóng lên số hàng chục ngàn người.
Việc phát triển số lượng tín đồ nhanh chóng đòi hỏi phải có người lãnh đạo với quyền vị chính thức. Vì vậy, giữa tháng 4 năm 1926, thông qua việc giáng cơ, các tín đồ đầu tiên đã tôn xưng ông Chiêu là Giáo tông và may sẵn bộ đạo phục riêng cho ông.
Tuy nhiên, sự mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện giữa hai nhánh tu tập. Ông Chiêu với cách tu tập Nội giáo tâm truyền, rất chọn lọc tín đồ gia nhập, chủ thuyết bình đẳng ngôi vị giữa các tín đồ, có phần không hài lòng hoạt động phổ độ rộng rãi và sự gia tăng tín đồ nhanh chóng của nhánh Ngoại giáo công truyền. Vì vậy, ông từ chối ngôi vị Giáo tông, xuất tiền hoàn trả chi phí may đạo phục lại cho nhóm Cơ Phổ độ[21]. Từ đó, ông không tham gia vào hoạt động phổ độ nào nữa, mà chỉ tuyển chọn một số ít tín đồ riêng để tu tập theo lối Nội giáo tâm truyền[22]. Nhóm tu của ông từ đó có tên gọi là Cơ Tuyển độ, không có liên quan gì đến các hoạt động phát triển của nhóm Cao Đài Phổ độ. Tuy vậy, các tín đồ Cao Đài ngày nay vẫn kính ngưỡng ông là Trưởng huynh của tất cả các tín đồ Cao Đài[1].
Nhóm tín đồ theo pháp môn của ông được ông đặt tên là Chiếu Minh, một cách gọi láy trệch đi tên của ông. Các môn đồ của Chiếu Minh đều ghép chữ Minh vào tên gọi để làm đạo hiệu. Chiếu Minh phát triển dần dần trở thành một nhánh tu kín khổ hạnh của đạo Cao Đài. Một nhóm môn đệ Chiếu Minh ở Cần Thơ đã hình thành Chiếu Minh đàn và nghĩa trang Chiếu Minh.
Tuy vẫn tiếp tục làm việc ở Sài Gòn, ông vẫn thường xuyên và theo dõi các nhóm tu tập Chiếu Minh ở miền Tây Nam Kỳ. Tháng 12 năm 1931, do sức khỏe kém, ông xin nghỉ việc ở Soái phủ Nam Kỳ, về Cần Thơ dưỡng bệnh. Các đệ tử Chiếu Minh dựng cho ông một căn nhà nhỏ cạnh nghĩa trang Chiếu Minh để ông tĩnh dưỡng và tu tập.
Tuy nhiên, sức khỏe ông càng lúc càng yếu. Ngày 30 tháng 3 năm 1932, ông đi thăm núi Tà Lơn lần thứ hai và tỏ ý sẽ thoát xác nơi đây. Các môn đệ đi theo hết sức khẩn khoản, ông mới bằng lòng trở về Cần Thơ. Ngày 18 tháng 4 năm 1932, ông cùng người con gái thứ 5 là bà Ngô Thị Nguyệt và một số môn đệ tháp tùng đi xe về nhà ở tỉnh Tân An. Khi xe qua phà Mỹ Thuận thì ông qua đời vào khoảng 3 giờ chiều.
Khi biết ông đã qua đời, các môn đệ tháp tùng đã đưa di thể của ông trở về Cần Thơ. Theo ý nguyện lúc sinh thời, các môn đệ Chiếu Minh đã liệm di thể ông trong tư thế ngồi thiền, dùng một áo quan hình lục giác (hình khối sáu mặt, tương ứng sáu chữ Nam mô Cao Đài Tiên ông), đường kính 0,8m, cao 1,20m, sau đó dùng xe đẩy ra nghĩa trang Chiếu Minh chỉ cách đó khoảng 200m. Lục giác được đặt trên một nền đã xây sẵn, sau đó xây gạch bao kín chung quanh. Bên ngoài xây thành một cái tháp.
Tín đồ đưa tang từ các nơi đổ về Cần Thơ rất đông, lên tới hàng ngàn người. Tang lễ trở thành sự kiện đăng trên các báo.
Cuối năm 1899, ông lập lập gia đình với bà Bùi Thị Thân, người làng Thạnh Trị, tổng Thuận Trị, hạt Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho) lúc bấy giờ đang buôn bán tại chợ Mỹ Tho. Ông bà có với nhau 9 người con, gồm:
Thời gian ông làm việc tại Tân An, ông đã mua một căn nhà tại số 31 đường Lagrange, xã Bình Lập (nay là nhà số 27 đường Phan Đình Phùng, Tân An, Long An) và rước mẹ về ở chung. Riêng cha ông vẫn ở lại Sài Gòn với người vợ kế[23]. Ngôi nhà tại Tân An vẫn còn hầu như nguyên trạng cho đến ngày nay.
Mẹ ông qua đời tại Tân An ngày 15 tháng 11 năm 1919. Cha ông mất khi nào không rõ nhưng ngày 4 tháng 9 năm 1946 hương chức làng Lợi Bình Nhơn, tổng Hưng Long, tỉnh Tân An có chứng thực ông Ngô Văn Xuân chết tại làng này, nhưng không có sổ khai tử tại làng[24]
Bà Thân qua đời ngày 30 tháng 12 năm 1955 tại Tân An.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.