bộ sách hệ thống tư tưởng Trung Hoa cổ đại. From Wikipedia, the free encyclopedia
Kinh Dịch (chữ Nôm: 經易), nguyên danh Dịch Kinh (chữ Hán: 易經), là một sách bói toán cổ xưa của Trung Quốc, nằm trong hàng ngũ những kinh điển cổ xưa nhất của nền văn hóa này. Kinh Dịch dùng hệ thống ký hiệu đặc biệt để diễn tả sự chuyển hóa của sự vật, qua đó thể hiện quan điểm triết học và vũ trụ quan của văn hóa Trung Hoa cổ. Ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm là thông qua các quẻ âm dương để phản ánh sự vận hành của vạn vật trong tự nhiên. Người bói toán đưa ra câu hỏi với thần linh và dùng các quẻ để tiên đoán tương lai.
Kinh Dịch | |
---|---|
Trang bìa của một ấn bản Kinh dịch thời nhà Tống (k. 1100) | |
Thông tin sách | |
Quốc gia | Trung Quốc |
Ngôn ngữ | Tiếng Hán thượng cổ |
Chủ đề | Bói toán, vũ trụ học |
Translation | Kinh Dịch tại Wikisource |
Kinh dịch | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Trung | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Phồn thể | 易經 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Giản thể | 易经 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bính âm Hán ngữ | Yì Jīng | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nghĩa đen | "Sách về sự biến đổi" | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Việt | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chữ Quốc ngữ | Kinh Dịch | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chữ Hán | 經易 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Triều Tiên | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Hangul | 역경 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Hanja | 易經 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Nhật | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Kanji | 易経 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Hiragana | えききょう | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Là một tác phẩm bói toán, Kinh Dịch được dùng cho một hình thức chiêm bốc cổ của Trung Quốc gọi là "bốc Dịch", trong đó người ta sử dụng các bó cỏ thi để gieo ra sáu số ngẫu nhiên từ 6 đến 9. Mỗi một tổ hợp số này tương ứng với 1 trong 64 quẻ, và các quẻ này có thể tra cứu trong Kinh Dịch. Những quẻ này được sắp xếp theo một thứ tự được gọi là "Văn Vương quái tự". Việc giải nghĩa các quẻ Dịch đã trở thành đề tài tranh luận của nhiều học giả qua các thời đại. Nếu phân theo các trường phái, Dịch có thể chia thành Nho môn Dịch, Đạo gia Dịch, Dịch Thuật bói toán. Trong quá trình luận giải Dịch của Nho gia, đã hình thành hai trường phái chính là Tượng số phái và Nghĩa lý phái.
Tác phẩm này chủ yếu được chia thành hai phần là "Kinh" và "Truyện". Phần "Kinh" nguyên gốc có tên là Chu Dịch, còn phần "Truyện" là phần chú giải, lý thuyết và cách sử dụng phần Kinh. Theo truyền thuyết, Chu Dịch do Chu Văn Vương biên soạn, và giới học thuật hiện nay cho rằng tác phẩm này được hình thành và phát triển từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu. Ban đầu, Kinh Dịch chỉ là một cuốn cẩm nang bói toán vào thời Tây Chu (khoảng 1000–750 TCN). Trải qua thời Chiến Quốc tới thời Tần–Hán (khoảng 500–200 TCN), Kinh Dịch dần trở thành một tác phẩm vũ trụ luận, với phần luận giải triết lý được gọi là "Thập Dực". Từ thế kỷ thứ 2 TCN, Kinh Dịch chính thức trở thành một trong Ngũ kinh của Nho giáo, đóng vai trò then chốt trong việc thực hành chiêm bốc tại Đông Á và được các nho gia bình chú qua nhiều thế hệ.
Kinh Dịch đã tạo nên nền tảng cho hệ thống tư tưởng và văn hóa Trung Quốc ở giai đoạn phát triển sơ khai. Nho gia tôn vinh Kinh Dịch là "tác phẩm đứng đầu trong các kinh điển", trong khi Đạo gia xem đây là "một trong ba tác phẩm huyền bí". Kinh Dịch không chỉ có ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực triết học, toán học, văn học, y học cổ truyền, kinh tế, pháp luật và mỹ học Trung Quốc, mà còn lan truyền ra nước ngoài. Từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, Kinh Dịch đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cách nhìn nhận của người phương Tây về tư tưởng triết học Á Đông. Ngày nay, giới học thuật quốc tế đã mở rộng nghiên cứu Kinh Dịch, bao trùm hầu hết các lĩnh vực khoa học nhân văn truyền thống và khoa học xã hội.
Cốt lõi của Kinh Dịch là một văn bản bói toán thời Tây Chu có tên Chu Dịch (周易).[1] Chu Dịch là tác phẩm đứng đầu trong Lục kinh, cùng với Liên Sơn và Quy Tàng hợp thành Tam Dịch.[2] Dù hiện nay chỉ còn Chu Dịch được lưu truyền, nhưng năm 1993, khi khai quật các thẻ tre thời Tần tại Vương Gia Đài ở Giang Lăng, Hồ Bắc, các nhà khảo cổ đã phát hiện một văn bản khớp với phiên bản Quy Tàng của Mã Quốc Hán, xác nhận sự tồn tại của hai trong bộ ba Tam Dịch.
Thời điểm xuất hiện của Chu Dịch vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Các học giả cổ đại như Tư Mã Thiên, Ban Cố, Khổng Dĩnh Đạt và học giả hiện đại Cố Hiệt Cương cho rằng Chu Dịch hình thành vào những năm đầu thời Tây Chu. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ như Trần Mộng Gia và Lý Kính Trì cho rằng tác phẩm này được hoàn thiện vào cuối thời Tây Chu, trong khi Liêu Bình và Lục Khản Như lại cho là vào thời Xuân Thu. Ngoài ra, các học giả như Trần Ngọc Sâm và Trần Hiến Du cho rằng Chu Dịch không xuất hiện trước thời Tiên Tần mà là vào thời Tây Hán. Tuy nhiên, các thẻ tre Chu Dịch được phát hiện tại các mộ phần cuối thời Chiến Quốc (khoảng 475–221 TCN) bác bỏ quan điểm này.
Dựa trên sự so sánh ngôn ngữ trong Chu Dịch với các văn tự khắc trên đồng có niên đại, nhà Hán học người Mỹ Edward Shaughnessy đã xác định thời điểm biên soạn của văn bản hiện hành vào khoảng cuối thế kỷ 9 TCN, trong những năm đầu trị vì của Chu Tuyên vương (trị. k. 827 – 782 TCN).[3] Một bản sao của Chu Dịch trong bộ sưu tập các thẻ tre và gỗ tại Bảo tàng Thượng Hải, được phát hiện năm 1994, cho thấy rằng văn bản này đã được sử dụng phổ biến trong xã hội Trung Quốc vào khoảng năm 300 TCN, mặc dù vẫn có một vài biến thể nhỏ cho đến thời Chiến Quốc.[4]
Tên gọi Chu Dịch có nghĩa là “sự biến đổi” (易; dịch) của triều đại nhà Chu. Từ "biến đổi" này có thể được giải thích theo nhiều cách, có thể là sự chuyển hóa của các quẻ, các hào trong quẻ, hoặc các con số thu được từ quá trình bói toán. Phùng Hữu Lan từng đề xuất rằng từ "dịch" ban đầu có nghĩa là "dễ", ám chỉ một hình thức bói toán đơn giản hơn so với bói bằng mai rùa và xương, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng nào rõ ràng cho giả thuyết này. Ngoài ra, còn có một truyền thuyết dân gian cổ đại cho rằng chữ "dịch" thể hiện chu kỳ của ngày đêm, ẩn ý mặt trời và mặt trăng. Các nhà Hán học hiện đại cho rằng ký tự này có thể bắt nguồn từ hình ảnh mặt trời ló ra từ mây, hoặc sự chuyển hóa của chất chứa trong một vật sang hình dạng khác.
Theo truyền thuyết, Chu Dịch thường được cho là do Chu Văn vương và Chu công Đán biên soạn. Từ thời Hán, nhiều học giả cho rằng Phục Hy là người sáng tạo Bát quái (八卦), nhưng vì Phục Hy là nhân vật huyền thoại nên hiện tại vẫn chưa có khẳng định chắc chắn.[5] Theo Hệ từ, một trong Thập Dực, Phục Hy thường ngửa mặt xem sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, cúi mặt xem dòng chảy sông suối để nắm được sự biến đổi của thế giới mà tạo ra Bát quái "để hiểu tường tận sự linh diệu và sáng suốt của vạn vật và phân loại muôn loài". Tuy nhiên, chính Chu Dịch lại không đề cập đến truyền thuyết này và cũng không nói gì về nguồn gốc của nó.[6] Sách Chu Lễ lại khẳng định rằng các quẻ của Chu Dịch có nguồn gốc từ một tập hợp ban đầu gồm tám quẻ đơn.[7] Đến thời Hán, có nhiều quan điểm khác nhau về mối liên hệ lịch sử giữa các quẻ đơn và quẻ kép.[8] Vào thế kỷ thứ 2, học giả Mã Dung đưa ra quan điểm rằng Chu Dịch là thành quả của sự hợp tác giữa Phục Hy, Chu Văn Vương, Chu Công và Khổng Tử. Tuy nhiên, quan điểm truyền thống này hiện không còn được chấp nhận rộng rãi.[9]
Nhà cổ văn tự học Cao Hanh cho rằng Chu Dịch không phải là công trình của một cá nhân tại một thời điểm mà là thành quả của nhiều thế hệ. Hiện nay, giới học thuật thường nhận định Chu Dịch hình thành từ đầu thời Tây Chu và đạt độ hoàn thiện vào giữa thời Xuân Thu. Các vật liệu liên quan đến Dịch học được khai quật gần đây cho thấy, các ký hiệu khắc trên mai rùa từ thời Phục Hy (khoảng bảy đến tám nghìn năm trước) có thể là khởi nguồn của Bát Quái; văn hóa Dương Thiệu (khoảng năm đến sáu nghìn năm trước) đã xuất hiện các ký hiệu số liên quan đến Dịch học và các quẻ trùng lặp. Khoảng bốn nghìn năm trước, thời Nghiêu Thuấn đã có ký hiệu chữ "Nhật" (日, dạng cổ ), được xem là tên nguyên thủy của quẻ Ly, và thời Thương cách đây ba nghìn năm đã có nhiều quẻ sáu hào. Những vật liệu như mai rùa và đồ đồng khắc quẻ từ Kỳ Sơn và Phù Phong, Thiểm Tây, cho thấy Chu Dịch đã phổ biến mạnh trong thời kỳ này.
Giới học thuật thường phân biệt tác giả phần ký hiệu và phần văn tự của Chu Dịch. Đối với sáu mươi tư quẻ, Khổng Ứng Đạt từng đưa ra bốn giả thuyết rằng tác giả có thể là Phục Hy, Thần Nông, Hạ Vũ hoặc Chu Văn vương. Về các câu từ trong quẻ và hào, các học giả cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho là do Chu Văn vương sáng tác, có người lại cho là của Chu công Đán. Hiện nay, quan điểm phổ biến trong giới học thuật là Chu Dịch được tạo ra từ các quẻ trùng do Chu Văn vương sáng tác, còn các câu từ trong quẻ và hào là tác phẩm của Chu công Đán.
Đơn vị cơ bản của Chu Dịch là “quẻ” (卦, quái), được tạo thành từ sáu vạch ngang xếp chồng lên nhau gọi là "hào" (爻). Mỗi vạch có thể liền (biểu trưng cho dương) hoặc đứt (biểu trưng cho âm). Phiên bản hiện hành của Chu Dịch có tổng cộng 64 quẻ, mỗi quẻ đều kèm theo tên quẻ (quái minh 卦名), một câu giải thích ngắn về quẻ gọi là "lời Thoán" (thoán từ 彖辭) và sáu câu giải nghĩa riêng cho từng vạch gọi là "lời Hào" (hào từ 爻辭). Các câu giải nghĩa này đều được dùng để dự đoán kết quả khi gieo quẻ. Tuy nhiên, không rõ lý do tại sao lại có hai cách giải quẻ khác nhau, và cũng chưa rõ rõ khi nào nên ưu tiên dùng lời Thoán, khi nào thì ưu tiên dùng lời Hào.
Sách bắt đầu với bốn chữ "Nguyên hanh lợi trinh" (元亨利貞), một cụm từ thường xuất hiện trong các câu luận quẻ và đã trở thành phần quan trọng trong việc giải nghĩa Kinh Dịch từ thế kỷ 6 TCN. Edward Shaughnessy cho rằng, khi tiến hành bói toán, nếu kết quả ban đầu là "nguyên hanh lợi trinh" thì quá trình bói toán sẽ diễn ra thuận lợi, mang lại điều may mắn hoặc kết quả tốt. Chữ "trinh" (貞) còn được dùng trong văn tự bói toán từ thời nhà Thương, đầu thời Chu với nghĩa là "bói". Nó cũng mang ý nghĩa chính trực, đúng đắn và được học giả Trịnh Huyền thời Đông Hán định nghĩa là “tìm hiểu tính chính xác” của một hành động dự định.
Tên của các quẻ thường được lấy từ những chữ xuất hiện trong các câu luận hào tương ứng, nhưng trong năm trường hợp (quẻ 2: Khôn, 9: Tiểu Súc, 26: Đại Súc, 61: Trung Phu và 63: Ký Tế) có ký tự khác xuất hiện mà mục đích vẫn chưa rõ ràng. Tên các quẻ có thể được chọn ngẫu nhiên từ các câu luận hào, nhưng cũng có khả năng các câu luận hào lại được phát triển từ tên của các quẻ. Các câu luận hào, chiếm phần lớn nội dung sách, có tính chất ngắn gọn và đầy bí ẩn. Mỗi câu luận hào bắt đầu với từ chỉ số thứ tự của hào, như "sơ, nhị, tam, tứ, ngũ, thượng", và số 6 cho hào đứt hoặc số 9 cho hào liền. Hai quẻ đầu tiên có thêm một câu luận hào đặc biệt, gọi là "dụng". Sau thứ tự của hào, các câu luận có thể đưa ra những lời tiên tri hoặc dự đoán. Một số câu luận hào cũng chứa yếu tố thơ ca hoặc đề cập đến các sự kiện lịch sử.
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy, trong thời nhà Chu, bói toán chủ yếu dựa vào thuật "bói quẻ", tức là sử dụng các con số ngẫu nhiên để suy đoán ý chỉ của thần linh. Chu Dịch đóng vai trò như một cuốn sách hướng dẫn cách gieo quẻ, và thân cây cỏ thi làm công cụ chính để tiến hành quá trình này. Tuy nhiên, phương thức chuyển đổi thân cây cỏ thi thành các con số và quá trình chọn ra các hào từ phép đọc hào vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Trong các quẻ Dịch, hào đứt được dùng để biểu thị các số 6 (六) và 8 (八), trong khi hào liền tượng trưng cho các số 7 (七) và 9 (九). Sách Đại Tượng truyện, một tác phấm xuất hiện muộn hơn Chu Dịch, mô tả chi tiết cách gieo quẻ thông qua các phép tính trên một bó gồm 50 thân cỏ thi, tạo ra kết quả từ 6 đến 9. Tương tự Chu Dịch, phương pháp bói toán bằng cỏ thi đã tồn tại từ thời Tây Chu, nhưng cách thức chi tiết của phương pháp này đã bị thất truyền qua thời gian. Phương pháp bói Dịch hiện đại trên thực tế là kết quả của quá trình tái tạo, phục dựng dựa trên các ghi chép từ thời cổ đại.
Tả truyện và Quốc ngữ là hai tác phẩm chứa đựng những ghi chép sớm nhất của việc sử dụng Chu Dịch trong bói toán. Trong khoảng thời gian từ năm 671 đến 487 TCN, hai cuốn sách này ghi nhận hơn hai mươi lần gieo quẻ bằng cỏ thi do các chiêm bốc sư chuyên nghiệp thực hiện cho vua chúa. Mặc dù các sự kiện được liệt kê khá chi tiết, nhưng cách thức thực hiện bói toán không được giải thích rõ ràng và các câu chuyện ấy cũng không chứa đựng thêm bất kỳ lời bình hay quy tắc hay cách chú giải nào. Người ta chỉ sử dụng các quẻ và lời hào được sử dụng để đưa ra lời giải. Đến thế kỷ 4 TCN, Chu Dịch không chỉ đơn thuần là một công cụ bói toán, mà đã trở thành một tài liệu uy tín được người ta thường xuyên trích dẫn trong các cuộc tranh luận, ngay cả khi nội dung của những tranh luận này không liên quan trực tiếp đến bói toán. Dù Tả truyện không ghi nhận việc dân thường bói toán, nhưng các bản ghi chép từ thời nhà Tần, tìm thấy ở Thủy Hổ Địa, cho thấy rằng dân gian cũng sử dụng Chu Dịch để giải đáp các câu hỏi về kinh doanh, sức khỏe, con cái, hoặc chọn ngày lành.
Hình thức bói Dịch phổ biến nhất ngày nay là kết quả của quá trình phục dựng từ những phương pháp cổ xưa, được ghi chép trong các thư tịch như Đại Tượng truyện (niên đại 300 TCN) và sau đó là Hoài Nam tử và Luận hành (thời Hán). Dựa trên những mô tả trong Đại Tượng truyện, nhà Lý học Chu Hi thời Tống đã phục hồi lại phương pháp gieo quẻ bằng cỏ thi, và cách thức này vẫn còn được sử dụng rộng rãi khắp Đông Á cho đến ngày nay. Trong thế kỷ 20, học giả Cao Hanh cũng đã nỗ lực phục dựng cách thực hiện gieo quẻ Dịch số theo cách riêng, và phương pháp của ông có một số khác biệt so với phiên bản của Chu Hi. Một phương pháp gieo quẻ bằng đồng xu, xuất hiện từ thời Đường, vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Ngoài ra, trong thời hiện đại, một số phương pháp gieo quẻ khác cũng xuất hiện, sử dụng xúc xắc hoặc lá bài, phục vụ cho những mục đích khác nhau. Một phương pháp khác, gọi là Mai Hoa Dịch số, không sử dụng bất kỳ công cụ vật lý cụ thể nào, mà chỉ dựa vào khả năng quan sát, nhận thức về các yếu tố tự nhiên và toán học để đưa ra kết quả dự đoán.
Trong các điển tích từ Tả truyện, khi nói về các hào của quẻ, người ta thường dùng giới từ "chi" (之), để chỉ một hào trong quẻ này liên quan đến một quẻ khác, nơi mà hào đó mang hình thức khác. Sau này, khi một số học giả cố gắng phục dựng lại cách gieo quẻ thời cổ đại, từ "chi" được hiểu như một động từ, có nghĩa là "chuyển thành", cho rằng một quẻ có thể biến đổi thành quẻ khác (hào biến). Tuy nhiên, trong Tả truyện, không có bằng chứng nào cho thấy hào có thể thay đổi. Trong 12 trường hợp được trích dẫn trong sách, các quẻ gốc luôn được dùng để đưa ra tiên đoán, không có sự chuyển đổi nào giữa các quẻ.
Trong Kinh Dịch chính thống, các quẻ được sắp xếp theo thứ tự Văn Vương, lấy tên từ Chu Văn Vương, người sáng lập nhà Chu và được cho là đã cải cách phương pháp giải quẻ. Thứ tự này thường ghép cặp các quẻ với phiên bản lật ngược của chúng; tám quẻ bất biến khi lật ngược thì được ghép với phiên bản nghịch đảo của chính chúng, nơi hào âm và hào dương hoán đổi vị trí. Một cách sắp xếp khác, được tìm thấy tại Mã Vương Đôi năm 1973, phân loại các quẻ thành tám nhóm, mỗi nhóm có cùng một thượng quái. Tuy nhiên, bản thảo cổ nhất, được phát hiện năm 1987 và hiện lưu giữ tại Thư viện Thượng Hải, gần như chắc chắn tuân theo thứ tự Văn Vương. Có ý kiến cho rằng một chiếc bàn chải gốm thời Tây Chu cũng mang dấu vết bốn quẻ trong thứ tự này. Dù thứ tự sắp xếp nào là cổ nhất, không có bằng chứng cho thấy các tác giả nguyên thủy của Chu Dịch coi trọng việc sắp xếp quẻ. Việc gán số, dù là theo hệ nhị phân hay thập phân, là một phát kiến của thời hiện đại.
Trong Kinh Dịch, âm dương thể hiện qua vạch đứt và vạch liền, trong đó âm là vạch đứt (⚋), dương là vạch liền (⚊). Sự kết hợp của ba hào âm dương tạo thành tám quẻ đơn, gọi là bát quái: Càn (乾, ☰), Đoài (兌, ☱), Ly (離, ☲), Chấn (震, ☳), Tốn (巽, ☴), Khảm (坎, ☵), Cấn (艮, ☶), và Khôn (坤, ☷).
Sự hòa hợp giữa hai quẻ đơn tạo ra 64 quẻ kép, là toàn bộ hệ thống lục thập tứ quái của Kinh Dịch.
Bảng dưới đây hiển thị các quẻ theo thứ tự Văn Vương.
1 乾 (Càn) |
2 坤 (Khôn) |
3 屯 (Truân) |
4 蒙 (Mông) |
5 需 (Nhu) |
6 訟 (Tụng) |
7 師 (Sư) |
8 比 (Tỷ) |
9 小畜 (Tiểu Súc) |
10 履 (Lý) |
11 泰 (Thái) |
12 否 (Bĩ) |
13 同人 (Đồng Nhân) |
14 大有 (Đại Hữu) |
15 謙 (Khiêm) |
16 豫 (Dự) |
17 隨 (Tùy) |
18 蠱 (Cổ) |
19 臨 (Lâm) |
20 觀 (Quan) |
21 噬嗑 (Phệ Hạp) |
22 賁 (Bí) |
23 剝 (Bác) |
24 復 (Phục) |
25 無妄 (Vô Vọng) |
26 大畜 (Đại Súc) |
27 頤 (Di) |
28 大過 (Đại Quá) |
29 坎 (Khảm) |
30 離 (Ly) |
31 咸 (Hàm) |
32 恆 (Hằng) |
33 遯 (Độn) |
34 大壯 (Đại Tráng) |
35 晉 (Tấn) |
36 明夷 (Minh Di) |
37 家人 (Gia Nhân) |
38 睽 (Khuê) |
39 蹇 (Kiển) |
40 解 (Giải) |
41 損 (Tổn) |
42 益 (Ích) |
43 夬 (Quải) |
44 姤 (Cấu) |
45 萃 (Tụy) |
46 升 (Thăng) |
47 困 (Khốn) |
48 井 (Tỉnh) |
49 革 (Cách) |
50 鼎 (Đỉnh) |
51 震 (Chấn) |
52 艮 (Cấn) |
53 漸 (Tiệm) |
54 歸妹 (Quy Muội) |
55 豐 (Phong) |
56 旅 (Lữ) |
57 Thuần Tốn |
58 兌 (Đoài) |
59 渙 (Hoán) |
60 節 (Tiết) |
61 中孚 (Trung Phu) |
62 小過 (Tiểu Quá) |
63 既濟 (Ký Tế) |
64 未濟 (Vị Tế) |
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.