Lê Duẩn
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1960–1986 From Wikipedia, the free encyclopedia
Remove ads
Lê Duẩn (7 tháng 4 năm 1907 – 10 tháng 7 năm 1986) là một chính trị gia Việt Nam, Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1976 và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1986. Ông là Tổng Bí thư có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, với 25 năm, 303 ngày giữ chức vụ này. Theo một số nhận định, Lê Duẩn là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn thứ hai tại Việt Nam trong thế kỷ 20, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.[1]
Remove ads
Lê Duẩn sinh tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thuộc Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Trong thập niên 1920, khi đang làm thư ký cho Công ty Đường sắt Đông Dương, ông bắt đầu tiếp xúc với tư tưởng cách mạng, từ đó tham gia vào các hoạt động chính trị. Năm 1930, ông trở thành một trong những đảng viên sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Bị bắt giữ năm 1931 vì hoạt động cách mạng, Lê Duẩn trải qua sáu năm tù ở Côn Đảo trước khi được trả tự do vào năm 1937. Giai đoạn 1937–1939, ông tiếp tục tham gia hoạt động Đảng và giữ các vị trí lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, sau khi tổ chức phong trào nổi dậy trong cao trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông lại bị bắt và chỉ được trả tự do sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong cuộc Chiến tranh Đông Dương (1946–1954), Lê Duẩn đảm nhận vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng tại miền Nam. Từ năm 1951 đến 1954, ông là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến chống Pháp tại Nam Bộ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève năm 1954, ông tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong việc duy trì lực lượng cách mạng ở miền Nam. Ngay từ giữa những năm 1950, Lê Duẩn đã trở thành người kiên quyết thúc đẩy chủ trương thống nhất đất nước bằng đấu tranh vũ trang. Chính luận cương Đề cương cách mạng miền Nam do ông soạn thảo năm 1956 đã trở thành nền tảng chỉ đạo cho đường lối của Đảng trong giai đoạn tiếp theo.
Đến cuối thập niên 1950, Lê Duẩn vươn lên trở thành nhà hoạch định chính sách hàng đầu, thay thế dần vai trò lãnh đạo của Trường Chinh sau cuộc cải cách ruộng đất. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III năm 1960, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất, chính thức trở thành nhân vật quyền lực thứ hai sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt thập niên 1960, khi sức khỏe Hồ Chí Minh giảm sút, Lê Duẩn dần đảm nhận vai trò điều hành tối cao trong các vấn đề quốc gia. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969, Lê Duẩn trở thành lãnh đạo cao nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp tục theo đuổi đường lối cứng rắn trong Chiến tranh Việt Nam. Ông chủ trương đẩy mạnh các chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành thắng lợi quyết định trước Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Đỉnh cao của chiến lược này là cuộc Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, dẫn đến sự kiện Việt Nam thống nhất.
Sau năm 1976, khi đất nước thống nhất, Lê Duẩn chính thức giữ chức Tổng Bí thư. Trong giai đoạn này, ông kiên trì theo đuổi mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo hướng kế hoạch hóa tập trung, cải tạo công thương nghiệp tư nhân, đồng thời triển khai các chính sách kinh tế – xã hội theo định hướng XHCN trên phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam phát động cuộc chiến tranh tại Campuchia tháng 12 năm 1978 nhằm lật đổ chế độ Khmer Đỏ, qua đó thiết lập chính quyền thân Việt Nam tại Phnom Penh vào đầu năm 1979. Sự kiện này kéo theo phản ứng gay gắt từ Trung Quốc, dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngày vào tháng 2 năm 1979. Trong bối cảnh bị cô lập, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với Liên Xô và gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) vào năm 1978.
Trong những năm cuối đời, trước khủng hoảng kinh tế kéo dài và áp lực cải cách ngày càng gia tăng, Lê Duẩn vẫn kiên trì duy trì mô hình kinh tế tập trung. Ông giữ chức Tổng Bí thư cho đến khi qua đời vào ngày 10 tháng 7 năm 1986 tại Hà Nội. Người kế nhiệm ông trên cương vị này là Trường Chinh. Trong hoạt động chính trị, ông từng sử dụng các bí danh như "Lê Dung" và thường được gọi thân mật là "anh Ba".
Remove ads
Thiếu thời
Lê Duẩn, tên khai sinh là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7 tháng 4 năm 1907[2] (cũng có nguồn cho là 1908),[3][4] tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).[3][5] Gia đình Lê Duẩn thuộc tầng lớp lao động, sinh sống chủ yếu bằng nghề thủ công. Cha ông, Lê Văn Hiệp, làm nghề thợ mộc, là con út trong một gia đình có 9 người con, là một người thông thạo chữ Nho và từng thi đỗ khoá sinh.[6][a] Mẹ ông, Võ Thị Đạo, xuất thân từ một gia đình làm nông tại cùng địa phương.[7] Ông nội, Lê Văn Thống, từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ 19.[6] Lê Văn Nhuận là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, nhưng hai người con đầu mất sớm nên trở thành con trai trưởng.[8] Do điều kiện kinh tế, gia đình Lê Duẩn sau đó đã chuyển đến sống gần chợ Sãi ở làng Hậu Kiên lân cận, nơi thuận lợi hơn cho công việc làm ăn. Tuy nhiên, đời sống người dân ở đây vẫn rất cơ cực, chủ yếu sống bằng nghề thủ công và làm thuê. Ông Hiệp tuy cố gắng làm lụng, nhưng thu nhập vẫn chỉ vừa đủ để nuôi gia đình.[9]
Lê Văn Nhuận được gia đình cho học chữ Hán trước khi theo học chữ Quốc ngữ từ các thầy đồ trong làng từ rất sớm. Năm 1914, khi lên 7 tuổi, ông theo học tại trường phủ Triệu Phong.[10] Trong thời gian này, ông thường theo mẹ đi lễ ở các chùa quanh vùng. Ông đặc biệt yêu thích không khí thanh tịnh nơi cửa Phật, có thể ngồi hàng giờ nghe tụng kinh và chiêm bái tượng Phật. Dù nhà nghèo, chỉ có mình ông được đi học, nhưng ông vẫn dành thời gian dạy em gái học chữ.[11] Năm 1920, Nhuận thi đỗ Sơ học yếu lược với kết quả khá và trở thành một trong số ít học sinh địa phương có thể tiếp tục học ở cấp bậc cao hơn. Với tấm bằng trong tay, ông theo học Trường Tiểu học Pháp–Việt Quảng Trị, nơi được giảng dạy theo chương trình của chính quyền bảo hộ, bao gồm các môn học bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.[12] Bất chấp gia cảnh khó khăn, Nhuận vẫn duy trì thành tích học tập tốt và nổi bật với sự cần mẫn, đặc biệt hứng thú với các môn lịch sử và văn học và thường xuyên đọc những tác phẩm của Phan Bội Châu. Năm 1923, ông thi đậu bằng tiểu học, trở thành học sinh đầu tiên của làng Hậu Kiên tốt nghiệp bậc này.[13]
Phát triển tư tưởng cách mạng

Năm 1924, Lê Văn Nhuận vào Huế để thi vào Trường Quốc học, khoá học 1924 – 1925.[13] Tuy nhiên, do mắc bệnh thương hàn trong thời gian ôn thi, ông không đạt kết quả như mong muốn và chỉ được nhận vào học dự thính.[b] Sau thời hạn sáu tháng, Nhuận không được chuyển sang diện học chính thức và bị buộc phải thôi học.[14] Tuy nhiên, ông vẫn quyết định ở lại Huế để ôn luyện, nuôi hy vọng thi lại. Tháng 11 năm 1925, chính quyền thuộc địa tổ chức phiên toà xét xử Phan Bội Châu, tuyên án tử hình. Sự kiện này đã khơi dậy làn sóng phản đối mạnh mẽ khắp cả nước. Tại Huế, học sinh các trường đồng loạt hưởng ứng phong trào đòi giảm án cho cụ Phan. Lê Văn Nhuận tích cực tham gia vào phong trào này. Những trải nghiệm tại Huế được cho là để lại dấu ấn sâu sắc trong nhận thức chính trị và thế giới quan đang hình thành của ông.[15]
Sau khi rời Huế, Lê Văn Nhuận trở về Quảng Trị, nhưng không lựa chọn gắn bó lâu dài với làng quê.[16] Ông vào Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, ban đầu làm gia sư, sau đó, từ tháng 5 năm 1926, chuyển sang làm thư ký tại Sở Hỏa xa Đà Nẵng.[3] Trong môi trường lao động công nghiệp, Nhuận bắt đầu tiếp xúc với phong trào yêu nước của thanh niên trí thức và công nhân.[17] Trong thời gian này, ông tích cực tham gia tuyên truyền tư tưởng ái quốc, vận động quần chúng tẩy chay hàng ngoại, hưởng ứng phong trào tưởng niệm Phan Chu Trinh và đòi cải thiện điều kiện sống của công nhân.[18] Sau đó, Nhuận cùng một số bằng hữu đã thành lập "Hội Ái hữu Lái xe Trung Kỳ" (Association amicale des Annamites du Centre Annam) với mục đích tập hợp, đoàn kết và nâng cao ý thức tổ chức của công nhân.[19] Dưới hình thức tương trợ nghề nghiệp, hội thực chất là một diễn đàn để tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Trong bối cảnh phong trào yêu nước trong nước và trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, Nhuận nhờ mối quan hệ với nhóm ái quốc tại Bưu điện Đà Nẵng và những người hoạt động trong giới lao động đã được tiếp cận các ấn phẩm như Việt Nam hồn, Tân thế kỷ, cùng các tác phẩm của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin.[20] Cũng trong thời điểm này, ông bắt đầu sử dụng bí danh "Lê Duẩn".[21]
Năm 1927, khi tuyến đường sắt Vinh – Đông Hà hoàn thành, Lê Duẩn được điều ra Hà Nội công tác, đảm nhiệm vị trí thư ký tại depot của Sở Hỏa xa Đông Dương.[22] Dù công việc tương đối ổn định, ông không xem đây là con đường lâu dài, mà coi đó là cơ hội để tiếp xúc với tầng lớp công nhân và phong trào cách mạng ở đây. Tại Hà Nội, ông sống cùng hai người bạn tại một căn hộ thuê ở ngõ Gạch, đường Yên Phụ.[23] Hằng ngày, ông đi bộ đến nơi làm việc, thuộc khu vực ga Hàng Cỏ. Từ các mối quan hệ trong giới lao động và thông qua hiệu sách Văn Khê thư quán trên phố Hàng Gai do Nguyễn Tạo,[24] một thành viên Tân Việt Cách mệnh Đảng điều hành, ông có cơ hội nghiên cứu thêm lý luận Marx–Lenin[25] cũng như kinh nghiệm cách mạng quốc tế thông qua các ấn phẩm như Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc hay báo Thanh niên.[26] Trong bối cảnh nội bộ Tân Việt chia rẽ, Lê Duẩn cùng nhiều đồng chí chuyển sang hoạt động trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội,[27] tổ chức do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, có tổ chức chặt chẽ và đường lối cách mạng rõ ràng hơn.[28] Tại đây, ông đảm nhiệm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt là công nhân ngành đường sắt tại các khu vực như Hà Nội, Gia Lâm. Ngoài giờ làm việc, ông tích cực tổ chức các cuộc sinh hoạt bí mật, phát tán truyền đơn và kết nạp các công nhân có tư tưởng cách mạng vào tổ chức.[29]
Remove ads
Con đường vươn tới quyền lực
Hoạt động cách mạng (1930–1945)
Tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập thông qua việc hợp nhất các tổ chức cộng sản đang hoạt động trong nước.[30] Trong bối cảnh đó, Lê Duẩn trở thành một trong những đảng viên đầu tiên tại Hà Nội. Sau Hội nghị Trung ương Đảng vào tháng 10 năm 1930, ông được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác biên soạn tài liệu tuyên truyền và phổ biến đường lối hoạt động.[31] Đồng thời, ông tham gia chỉ đạo các hoạt động vận động và đấu tranh của công nhân tại một số trung tâm công nghiệp như Hà Nội và Hải Phòng.[32] Vào cuối tháng 4 năm 1931, sau các sự kiện như Khởi nghĩa Yên Bái và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chính quyền thuộc địa tăng cường đàn áp các phong trào chính trị. Trong bối cảnh đó, Lê Duẩn tham gia tổ chức các cuộc biểu tình tại Hải Phòng nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động và bị lực lượng mật thám Pháp bắt giữ.[33] Ông bị kết án 20 năm tù và lần lượt bị giam giữ tại Sơn La và sau đó là Côn Đảo.[34][35]
Năm 1936, tình hình chính trị tại Pháp có sự biến động sau khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền.[36] Trước áp lực từ chính quốc, chính quyền thuộc địa Đông Dương thi hành chính sách ân xá, trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị, trong đó có Lê Duẩn.[37][38] Sau khi được trả tự do, ông trở về Trung Kỳ và tìm cách tái lập liên lạc với tổ chức Đảng. Tháng 3 năm 1938, được phân công giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ,[37] phụ trách công tác tổ chức và tuyên truyền tại khu vực miền Trung.[39] Trong thời kỳ phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển, ông tham gia tổ chức các hoạt động công khai nhằm đòi hỏi quyền lợi dân sự và cải thiện đời sống người lao động.[40] Giai đoạn này, phương thức hoạt động của ông kết hợp giữa hình thức công khai và bí mật nhằm mở rộng ảnh hưởng cách mạng trong xã hội.[41] Sang năm 1939, ông được bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giúp ông bước vào hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng thời điểm đó.[37]

Từ cuối năm 1939, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa Pháp tăng cường các biện pháp đàn áp đối với các lực lượng chính trị đối lập.[42] Chính sách "hòa bình dân chủ" trước đó bị chấm dứt, nhiều tổ chức công khai, trong đó có Mặt trận Dân chủ Đông Dương, bị giải thể. Hoạt động của các tổ chức cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật, nhiều đảng viên bị bắt, hệ thống tổ chức bị gián đoạn, buộc phải chuyển sang hoạt động bí mật.[43] Trong bối cảnh đó, Lê Duẩn tiếp tục duy trì các cơ sở tổ chức của Đảng tại khu vực miền Trung. Ông giữ vai trò liên hệ với các nhóm công nhân, nông dân và thanh niên,[44] đồng thời tổ chức khôi phục hệ thống cơ sở ở các địa phương như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chiến dịch truy quét trước đó của chính quyền thuộc địa.[45] Bên cạnh đó, ông còn đảm nhận nhiệm vụ liên lạc giữa các tỉnh miền Trung và Trung ương, vận chuyển tài liệu, truyền đơn và thông tin chỉ đạo. Đến cuối năm 1940, sau sự kiện quân đội Nhật Bản được phép đổ bộ vào Đông Dương theo thỏa thuận với chính quyền Pháp, nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra ở một số địa phương. Trong quá trình tổ chức hoạt động tại Quảng Trị, Lê Duẩn bị người Pháp bắt giữ lần thứ hai.[46] Sau quá trình điều tra và xét xử, ông bị kết án 10 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo lần hai.[35]
Trong thời gian bị giam giữ, Lê Duẩn cùng một số tù nhân chính trị tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi, thảo luận chính trị và giữ liên lạc trong điều kiện bí mật.[47] Tháng 3 năm 1945, khi Nhật Bản tiến hành đảo chính Pháp tại Đông Dương và tuyên bố "trao trả độc lập" cho Việt Nam, cục diện chính trị khu vực biến chuyển đột ngột. Đến cuối tháng 4 năm 1945, hệ thống thuộc địa của Pháp hoàn toàn sụp đổ, kéo theo sự tan rã của bộ máy quản lý nhà tù. Trong bối cảnh đó, Lê Duẩn được một nhóm đồng chí tổ chức giải thoát khỏi nơi giam giữ. Sau khi được đưa ra khỏi Côn Đảo, ông trở về miền Trung và nhanh chóng tham gia vào các hoạt động chính trị trong tình hình mới. Khi Nhật Bản lâm vào thế thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông liên hệ với các cơ sở Đảng tại địa phương để phối hợp với Trung ương và các cấp bộ chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.[19] Dù không trực tiếp tham gia các hoạt động chống Nhật trong phần lớn thời gian do bị giam giữ, Lê Duẩn vẫn được phân công đảm nhận những vị trí quan trọng trong hệ thống lãnh đạo của Đảng, dựa trên quá trình hoạt động chính trị liên tục từ những năm đầu và lý lịch từng là tù nhân chính trị lâu năm.[48]
Chiến tranh Đông Dương (1945–1954)

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tình hình miền Nam nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân đội Pháp, với sự hỗ trợ của người Anh và lực lượng Nhật đầu hàng, nổ súng tái chiếm Sài Gòn.[49] Trước tình thế đó, Xứ ủy Nam Bộ cùng Ủy ban Nhân dân Nam Bộ tổ chức Hội nghị cán bộ mở rộng khẩn cấp tại ấp Cây Mai (Chợ Lớn), quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ nhằm chỉ đạo cuộc chiến chống Pháp.[50] Tháng 10 năm 1945, Lê Duẩn được bầu làm quyền Trưởng Xứ ủy Nam Bộ. Ông cùng tập thể Xứ ủy chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức chính quyền cách mạng các cấp, phát động phong trào kháng chiến toàn dân.[51]
Trong bối cảnh địa hình phức tạp và sự hiện diện của nhiều lực lượng vũ trang địa phương như Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên,[52] miền Nam trở thành chiến trường khó kiểm soát. Để củng cố tổ chức Đảng tại đây, Trung ương cử các đơn vị từ miền Bắc vào tăng cường tổ chức Đảng. Tuy nhiên, các lực lượng cộng sản tại Nam Bộ lúc này hoạt động gần như độc lập, đặc biệt dưới sự chỉ huy của Trần Văn Giàu và Nguyễn Bình, với các chiến thuật vượt ngoài định hướng của Trung ương. Trước tình trạng đó, năm 1948, Trung ương cử Lê Đức Thọ vào miền Nam nhằm tăng cường kiểm soát và điều phối lại hoạt động Xứ ủy. Tại đây, Lê Đức Thọ lần đầu gặp Lê Duẩn – bắt đầu mối quan hệ chính trị gắn bó lâu dài. Cùng nhau, họ xây dựng mạng lưới lãnh đạo hiệu quả để kiểm soát cả các nhóm cộng sản và phi cộng sản tại Nam Bộ.[53]
Năm 1951, dù không tham dự Đại hội Đảng lần thứ II, Lê Duẩn vẫn được bầu vắng mặt vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị.[54] Cùng thời điểm, nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào kháng chiến, Trung ương Đảng quyết định thay thế Xứ ủy Nam Bộ bằng Trung ương Cục miền Nam.[55] Lê Duẩn tiếp tục được phân công làm Bí thư, đảm nhiệm toàn diện công tác chỉ đạo chính trị và quân sự tại khu vực này.[56] Việc này khiến ông vào thế đối đầu trực tiếp với Nguyễn Bình — một tư lệnh quân sự có khuynh hướng độc lập trong tư duy chiến lược và tác chiến, vốn không hoàn toàn phù hợp với đường lối chung của Trung ương.[57] Sau đó, người này được triệu hồi về Hà Nội nhưng đã tử nạn trên đường đi trong một sự kiện được cho là có nhiều uẩn khúc. Cái chết của Nguyễn Bình đã tạo điều kiện cho Lê Duẩn, cùng với Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, củng cố vững chắc vị thế lãnh đạo tại miền Nam.[58]

Năm 1952, Lê Duẩn được triệu tập ra Hà Nội dự Hội nghị Trung ương và sau đó sang Bắc Kinh điều trị sức khỏe.[59] Trong thời gian ở Trung Quốc, ông có cơ hội quan sát trực tiếp các chính sách cải cách ruộng đất do chính quyền Mao Trạch Đông triển khai. Khi trở lại Việt Nam năm 1953, ông bày tỏ lo ngại trước việc mô hình cải cách tương tự đang được áp dụng tại miền Bắc Việt Nam, đặc biệt sau khi nhận thấy những hậu quả xã hội mà chính sách này gây ra tại Trung Quốc.[60] Cũng trong thời điểm này, Lê Duẩn lần đầu tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trẻ hơn ông nhưng đã giữ vị trí cao hơn trong Bộ Chính trị và có mối quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảm giác bị "gạt ra bên lề" ngày càng rõ khi ông bị điều vào vùng Liên khu V, tỉnh Quảng Ngãi, để phụ trách công tác huấn luyện cán bộ, xa rời các chiến dịch trọng điểm như Điện Biên Phủ do tướng Giáp trực tiếp chỉ huy. Theo nhận định của sử gia Nguyễn Thị Liên Hằng, mối quan hệ giữa hai người ngay từ đầu đã tồn tại những căng thẳng tiềm ẩn. Việc không được tham gia vào các chiến dịch trọng yếu, cùng với sự điều chuyển được mô tả là "gần như bị lưu đày", khiến Lê Duẩn có thể đã cảm thấy bất bình trước vị thế ngày càng nổi bật của Võ Nguyên Giáp.[58]
Ở lại miền Nam sau Hiệp định Genève (1954–1957)
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết vào tháng 7 năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền.[61] Lê Duẩn được Trung ương cử trở lại miền Nam để phổ biến nội dung thỏa thuận, tổ chức việc tập kết lực lượng và chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào năm 1956 nhằm thống nhất đất nước.[62] Trong hội nghị lãnh đạo khu vực tại Bạc Liêu vào tháng 10 năm 1954, ông đã phải giải thích rõ những giới hạn và bất định của Hiệp định, đồng thời cảnh báo rằng phía Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm có thể sẽ không thực hiện nghiêm túc các cam kết về tổng tuyển cử.[63] Dù được yêu cầu tập kết ra Bắc sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Lê Duẩn ba lần gửi điện xin ở lại miền Nam và chỉ đến lần thứ ba mới được Trung ương chấp thuận.[64] Ông quay trở lại Cà Mau bằng xuồng nhỏ và được nhóm cán bộ thân tín như Võ Văn Kiệt hộ tống lên Bến Tre.[65]
Cuối năm 1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam và tái lập Xứ ủy Nam Bộ, với Lê Duẩn được phân công làm Bí thư. Ông tổ chức lại cơ cấu lãnh đạo tại miền Nam bằng cách chia khu vực thành ba liên tỉnh khu (Đông, Trung, Tây Nam Bộ) và một khu đặc biệt là Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong thời gian này, mặc dù Trung ương vẫn chủ trương ưu tiên đấu tranh chính trị nhằm thực hiện Hiệp định Genève thông qua con đường hiệp thương và tổng tuyển cử, Lê Duẩn cho rằng cần chủ động xây dựng lại mạng lưới tổ chức để ứng phó với khả năng xung đột. Ông tiến hành khảo sát nhiều địa phương, chỉ đạo củng cố cơ sở cách mạng cả ở nông thôn và đô thị, đồng thời tìm cách điều phối hoạt động giữa các nhóm địa phương trong bối cảnh thiếu liên lạc trực tiếp với miền Bắc.[66]
Năm 1955, Lê Duẩn di chuyển lên Sài Gòn, đặt cơ sở hoạt động bí mật tại số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, Quận 1.[67][68] Tại đây, vào tháng 8 năm 1957, ông soạn thảo bản đề cương chính trị có tên Đường lối cách mạng miền Nam, trong đó ông đề xuất phương hướng kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang nhằm giải phóng miền Nam trong trường hợp Hiệp định Genève không được thực thi đầy đủ.[69] Bề ngoài, ông ủng hộ chính sách đấu tranh chính trị hòa bình do Trung ương đề ra, phù hợp với tình hình miền Nam và chủ trương quốc tế. Tuy nhiên, nội dung thực chất nhấn mạnh việc xây dựng lực lượng quần chúng "làm cách mạng lật đổ Mỹ – Diệm".[70] Ông phân biệt giữa đấu tranh hợp pháp kiểu cải lương và đấu tranh chính trị cách mạng dựa vào lực lượng quần chúng. Lê Duẩn cho rằng Đảng phải sẵn sàng lãnh đạo quần chúng nổi dậy như trong Cách mạng Tháng Tám. Ông chỉ trích một số cán bộ chưa hiểu rõ sức mạnh quần chúng nên chưa phát động được phong trào cách mạng đúng mức.[71] Tình hình miền Nam lúc bấy giờ nhanh chóng trở nên phức tạp khi Ngô Đình Diệm triển khai chính sách đàn áp phong trào cộng sản, truy quét các tổ chức kháng chiến.[72] Khi tình hình an ninh ở Sài Gòn trở nên rủi ro, Lê Duẩn tạm thời rút lên Đà Lạt ẩn náu trong một thời gian ngắn, trước khi trở lại tiếp tục hoạt động.[68]
Trở về Bắc (1957–1960)

Sau thời gian hoạt động bí mật ở miền Nam, Lê Duẩn được Trung ương triệu hồi ra Hà Nội vào tháng 4 năm 1957. Ông di chuyển qua ngả Campuchia, Hồng Kông và Quảng Châu, sử dụng một hộ chiếu Campuchia dưới danh tính một người Hoa nhằm bảo đảm an toàn.[73][74] Vào thời điểm này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm một nhân sự mới cho vị trí lãnh đạo cấp cao, trong bối cảnh một số lãnh đạo kỳ cựu đang đối mặt với khủng hoảng uy tín do các sai lầm trong Cải cách ruộng đất và Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm. Lê Duẩn, người không trực tiếp liên quan đến hai chiến dịch trên, được xem là một ứng cử viên "trung lập" có khả năng thay thế, nhờ lý lịch cách mạng và kinh nghiệm lãnh đạo ở miền Nam.[75]
Sau khi trở về Hà Nội, Lê Duẩn đã nổi lên như một nhân vật trung tâm trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, khi được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Bí thư sau khi Trường Chinh phải từ chức do những sai lầm trong cải cách ruộng đất.[76] Dù Hồ Chí Minh tạm thời kiêm nhiệm chức vụ này, ông chỉ giữ vai trò tượng trưng và dần chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ lãnh đạo trẻ hơn như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Lê Duẩn.[77] Theo William J. Duiker, việc Lê Duẩn trở thành người được chọn phản ánh tầm nhìn chiến lược, khả năng tổ chức và sự tận tụy của ông trong công tác cách mạng, đặc biệt là ở miền Nam, nơi ông được xem như "Cụ Hồ miền Nam".[78] Đồng thời, tư cách là người miền Nam giúp ông đại diện cho khu vực phía Nam vĩ tuyến 17, trong bối cảnh thống nhất đất nước dần trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Hà Nội.[79]
Trong nội bộ Đảng Lao động Việt Nam lúc này xuất hiện sự phân hóa giữa hai xu hướng lớn: một phe ưu tiên củng cố miền Bắc và một phe chủ trương đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam.[80] Lê Duẩn cùng với Lê Đức Thọ và Phạm Hùng là những người tiêu biểu của xu hướng thứ hai. Họ cho rằng việc tăng cường hỗ trợ cho phong trào cách mạng miền Nam không chỉ cần thiết về mặt chiến lược, mà còn có thể tạo ra sự gắn kết trong Đảng, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng.[81] Trong bối cảnh đó, Lê Duẩn tìm cách giành quyền soạn thảo Nghị quyết 15, văn kiện quan trọng định hướng chiến lược đối với miền Nam. Ban đầu, nhiệm vụ soạn thảo được giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.[82] Tuy nhiên, do tiến độ trì hoãn và có thể dưới ảnh hưởng vận động từ phía Lê Duẩn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển giao công việc này cho ông. Lê Duẩn cùng với Phạm Hùng đã chỉnh sửa và hoàn thiện nghị quyết qua hơn hai mươi bản dự thảo.[83]
Tại Hội nghị Trung ương 15 mở rộng, tổ chức vào tháng 1 năm 1959, Lê Duẩn trình bày bản dự thảo cuối cùng. Nghị quyết đề xuất kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang nhằm chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm, với lập luận rằng Diệm đã vi phạm Hiệp định Genève khi từ chối tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.[84] Tuy nhiên, để dung hòa với quan điểm thận trọng trong Đảng, văn kiện vẫn giữ lập trường phòng thủ, nhấn mạnh rằng chỉ khi bị đàn áp bằng bạo lực, cách mạng mới tiến hành vũ trang để tự vệ và phản công.[85] Ngay sau hội nghị, Lê Duẩn thực hiện một chuyến đi bí mật vào miền Nam để khảo sát thực địa. Tại đây, ông ghi nhận tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng của chính quyền Sài Gòn, đặc biệt sau khi ban hành Luật 10/59 – cho phép áp dụng hình phạt tử hình đối với bất kỳ ai bị nghi ngờ có hành vi chống đối. Những ghi nhận này củng cố quan điểm của ông về tính tất yếu của con đường đấu tranh vũ trang.[86] Đến tháng 5 năm 1959, sau nhiều cuộc thảo luận, Trung ương Đảng chính thức phê chuẩn việc triển khai Nghị quyết 15 và thành lập Đoàn 559 – đơn vị chuyên trách tổ chức tuyến vận tải quân sự chiến lược dọc dãy Trường Sơn, về sau được biết đến với tên gọi Đường mòn Hồ Chí Minh.[87]
Remove ads
Lãnh đạo đảng (1960–1986)

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần III năm 1960, Lê Duẩn chính thức được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (thay cho chức danh cũ là Tổng Bí thư, theo mô hình tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô).[c][89] Đây là cương vị tương đương với chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng, khiến ông trở thành người lãnh đạo trên thực tế của Đảng, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ chức Chủ tịch Đảng.[88] Việc Lê Duẩn được bầu vào vị trí này giúp Đảng Lao động Việt Nam tăng cường chỉ đạo trực tiếp đối với miền Nam, trong bối cảnh tình hình khu vực này ngày càng xấu đi trước chính sách chống cộng quyết liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm. Giới lãnh đạo Đảng lo ngại phong trào cách mạng có nguy cơ bị đẩy lùi hoặc mất kiểm soát, do đó việc Lê Duẩn — người có kinh nghiệm ở miền Nam và chủ trương đường lối cứng rắn — đảm nhận vị trí lãnh đạo được xem là giải pháp nhằm củng cố mối liên kết với các lực lượng cộng sản tại đây và khôi phục thế chủ động trên chiến trường.[90]
Dù lý do bổ nhiệm Lê Duẩn làm Tổng Bí thư vẫn còn là chủ đề tranh cãi, có nhiều dấu hiệu cho thấy Hồ Chí Minh đã ủng hộ quyết định này. Việc chuyển giao vai trò điều hành cho Lê Duẩn cho phép ông rút lui khỏi công việc quản trị thường nhật, để tập trung hơn vào đối ngoại, các vấn đề của khối xã hội chủ nghĩa và công việc viết lách.[91] Tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò biểu tượng có ảnh hưởng trong bộ máy lãnh đạo. Các nhân vật chủ chốt như Lê Duẩn, Tố Hữu, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng thường xuyên "dùng cơm tối" với Hồ Chí Minh để trao đổi công việc, phản ánh mô hình lãnh đạo tập thể, trong đó Lê Duẩn luôn tỏ rõ sự tôn trọng và duy trì uy tín chính trị của Hồ Chủ tịch.[92]
Củng cố quyền lực
Từ giữa thập niên 1960, vai trò thực quyền của Lê Duẩn ngày càng nổi bật trong bối cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu suy giảm sức khỏe.[93] Từ năm 1964, khi Hồ Chí Minh lâm bệnh, Lê Duẩn dần tiếp quản phần lớn công việc điều hành thường nhật của Đảng.[94] Ông giữ vị trí chủ chốt trong Bộ Chính trị, kiểm soát các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước, đồng thời xây dựng một hệ thống an ninh nội bộ nhằm bảo đảm sự trung thành trong hàng ngũ lãnh đạo.[95] Lê Duẩn cùng các đồng minh thân cận như Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Nguyễn Chí Thanh từng bước chi phối việc hoạch định chính sách chiến lược trong Đảng.[96] Sau khi Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2 tháng 9 năm 1969, nguyên tắc lãnh đạo tập thể vẫn được duy trì về mặt hình thức, nhưng Lê Duẩn nổi lên là người nắm quyền lãnh đạo thực tế trong Bộ Chính trị.[97] Ông giữ vai trò Trưởng ban tổ chức lễ tang và là người đọc điếu văn chính thức tại Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.[98]
Một số quan sát viên phương Tây cho rằng từ năm 1965, giữa Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã xuất hiện những khác biệt trong cách tiếp cận chính sách. Lê Duẩn, cùng các cộng sự thân tín, được cho là đã gia tăng ảnh hưởng và từng bước làm lu mờ vai trò của Hồ Chí Minh cũng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong quá trình ra quyết sách.[99] Một số tài liệu cũng ghi nhận rằng vào năm 1963, Hồ Chí Minh từng bí mật liên lạc với Tổng thống Ngô Đình Diệm để tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm thống nhất đất nước, trong khi Lê Duẩn lại chủ trương sử dụng đấu tranh vũ trang như con đường chính để đạt được mục tiêu này.[77]
Sự tập trung quyền lực của Lê Duẩn không phải là quá trình đột ngột, mà đã được chuẩn bị từ trước. Sau Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, cùng với việc mở rộng thẩm quyền của Ban Bí thư theo Điều lệ Đảng mới, Lê Duẩn dần kiểm soát nhiều lĩnh vực chủ chốt trong hệ thống chính trị, bao gồm tuyên truyền, giáo dục, khoa học, công nghiệp và quốc phòng.[100] Các đồng minh chính trị thân tín của ông cũng nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo: Lê Đức Thọ đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương – cơ quan phụ trách công tác cán bộ toàn Đảng; Nguyễn Chí Thanh lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; còn Tố Hữu phụ trách mảng tư tưởng, văn hóa và truyền thông đại chúng.[4] Ngoài bộ máy hành chính chính thức, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ còn xây dựng một mạng lưới bảo trợ chính trị gồm các đồng minh và thân tín tại cả trung ương lẫn địa phương.[101] Chẳng hạn, em trai của Lê Đức Thọ là Đinh Đức Thiện từng giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong nhiều năm và sau đó được kế nhiệm bởi Đồng Sĩ Nguyên, một nhân vật thân cận với Lê Duẩn. Tại miền Nam, Mai Chí Thọ, bạn thân của Lê Đức Thọ, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1978–1985. Tuy nhiên, phần lớn các thân tín trong mạng lưới này không vươn tới các vị trí cao nhất trong Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư.[102]
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, Lê Duẩn kêu gọi thành lập một mặt trận nhân dân tại miền Nam Việt Nam. Đề xuất này được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, với nghị quyết xác định nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam là "đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đồng thời thúc đẩy cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam." Ngày 20 tháng 12 năm 1960, ba tháng sau Đại hội, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập. Theo tuyên bố của Lê Duẩn, tổ chức này có nhiệm vụ "tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước nhằm lật đổ chính quyền Diệm [ở miền Nam] và từ đó tạo điều kiện cho việc hòa bình thống nhất Tổ quốc."[103] Để đảm bảo trật tự nội bộ trong bối cảnh chuyển hướng sang chiến tranh cách mạng miền Nam, ông củng cố vai trò của Bộ Công an, đặc biệt là Cục Bảo vệ Chính trị và lực lượng An ninh Quân đội. Những đơn vị này được trao quyền giám sát không chỉ cán bộ, sĩ quan cao cấp và trí thức, mà cả dân chúng. Dưới sự chỉ đạo của Lê Duẩn, mạng lưới an ninh hoạt động như một công cụ giám sát chính trị toàn diện.[104]
Chiến tranh Việt Nam
Trong bối cảnh chia rẽ Trung – Xô, nội bộ Đảng tồn tại sự phân hóa giữa các nhóm lãnh đạo có xu hướng thân Liên Xô, thân Trung Quốc và cải cách ôn hòa.[105] Từ năm 1956 đến 1963, Lê Duẩn đóng vai trò dung hòa giữa hai phe. Tuy nhiên, sau sự kiện Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ông chuyển sang lập trường cứng rắn hơn.[93] Trong suốt cuộc chiến, Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1965, Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức cho Hà Nội.[106] Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất, Lê Duẩn – đại diện tiêu biểu cho xu hướng thân Liên Xô – cùng Lê Đức Thọ từng bước loại bỏ các nhân vật có khuynh hướng thân Trung Quốc như Hoàng Văn Hoan và Chu Văn Tấn khỏi bộ máy lãnh đạo.[107] Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976 tiếp tục củng cố quyền lực của Lê Duẩn khi các nhân vật thân tín của ông chiếm ưu thế trong Bộ Chính trị, trong khi những tiếng nói ôn hòa hoặc chủ trương cải cách kinh tế bị gạt khỏi vị trí lãnh đạo chủ chốt.[108]
Khác với Hồ Chí Minh — người vẫn tìm kiếm giải pháp hòa bình — Lê Duẩn theo đuổi quan điểm kiên quyết giành "thắng lợi cuối cùng". Một số nghiên cứu phương Tây cho rằng giữa hai người tồn tại khác biệt về phong cách lãnh đạo và mức độ cứng rắn trong chính sách, đặc biệt về đối ngoại và quan hệ với Trung Quốc. Theo sử gia Howard Jones, vào năm 1963, Lê Duẩn đã bác bỏ chính sách đối ngoại mềm dẻo mà Hồ Chí Minh đề xuất đối với miền Nam,[109] đồng thời ông cũng nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, quốc gia khi đó lên tiếng phản đối đường lối "chung sống hòa bình" của Liên Xô.[110] Tuy nhiên, sử gia William J. Duiker cho rằng không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Hồ Chí Minh phản đối đường lối của Lê Duẩn trong giai đoạn cuối đời, dù ông có thể giữ thái độ dè dặt với một số biện pháp quyết liệt mà Lê Duẩn áp dụng sau năm 1965.[95]
Ngay từ cuối thập niên 1950, Lê Duẩn đã xác định rằng cách mạng miền Nam không thể giành thắng lợi nếu chỉ dựa vào đấu tranh chính trị, mà cần kết hợp với bạo lực vũ trang theo hướng một cuộc chiến tranh trường kỳ. Trong bức thư gửi Nguyễn Văn Linh năm 1961, ông vạch rõ chiến lược bao gồm khởi nghĩa từng phần, xây dựng căn cứ cách mạng, tiến hành chiến tranh du kích và cuối cùng là tổng khởi nghĩa với sự kết hợp giữa lực lượng chính trị và quân sự. Theo ông, hình thái chiến tranh này là "con đường cách mạng kiểu Việt Nam".[111] Lê Duẩn đặc biệt thận trọng trước nguy cơ Hoa Kỳ can thiệp sâu hơn nếu miền Bắc thúc đẩy chiến tranh quy mô lớn quá sớm. Ông yêu cầu các lực lượng miền Nam không đánh chiếm thành phố, mà tập trung củng cố vùng giải phóng ở nông thôn và xây dựng phong trào quần chúng, từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng một cách bền vững.[112] Tuy nhiên, trước việc Hoa Kỳ gia tăng can thiệp từ năm 1965, chiến lược quân sự của miền Bắc được điều chỉnh. Trong thư gửi Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn dự báo cuộc chiến sẽ "dữ dội và kéo dài hơn", song khẳng định bản chất xung đột không thay đổi.[113] Theo ông, chính quyền miền Nam thiếu sự ủng hộ của người dân, do đó việc kết hợp chiến tranh du kích với các đợt tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn là chiến lược chủ đạo. Bộ chỉ huy miền Nam được chỉ thị tránh giao tranh quy mô lớn với Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ưu tiên các đợt tấn công nhỏ nhằm làm suy yếu tinh thần đối phương. Lê Duẩn cho rằng giữ quyền chủ động trên chiến trường sẽ quyết định thắng lợi, đồng thời bác bỏ khả năng Hoa Kỳ tấn công miền Bắc, vì cho rằng điều này sẽ dẫn đến xung đột với toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa.[113]
Mậu Thân 1968
Năm 1967, bất chấp sự phản đối từ một số lãnh đạo Đảng, Lê Duẩn cùng nhóm chủ trương đường lối cứng rắn đã phê duyệt kế hoạch tác chiến do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất. Kế hoạch này nhằm phát động một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam, tập trung đánh vào lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa và các cơ quan chính quyền. Lê Duẩn tin rằng một đòn tiến công bất ngờ vào các thành phố lớn, đặc biệt là Sài Gòn và Huế, sẽ kích động phong trào nổi dậy của quần chúng và làm sụp đổ chính quyền Sài Gòn từ bên trong, đồng thời gây áp lực với Hoa Kỳ trong tiến trình đàm phán. Mặc dù một số tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự thận trọng, Lê Duẩn vẫn kiên quyết thông qua kế hoạch sau khi loại bỏ — thậm chí bắt giữ — những người phản đối.[114] Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân bắt đầu vào dịp Tết Nguyên Đán năm 1968 – thời điểm mà đối phương ít cảnh giác nhất.[115]
Cuộc tổng tiến công được triển khai vào cuối tháng 1 năm 1968, với các mũi tấn công vào hơn 100 đô thị và thị xã trên khắp miền Nam.[115] Về mặt quân sự, chiến dịch không đạt được mục tiêu mong đợi.[116][114] Lực lượng cách mạng chịu tổn thất lớn và các cuộc nổi dậy trong lòng đô thị không nổ ra như dự đoán. Tuy nhiên, xét về tác động tâm lý và chính trị, Tết Mậu Thân lại tạo ra tác động chiến lược sâu rộng khi gây chấn động dư luận quốc tế và làm suy giảm đáng kể quyết tâm của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến.[117] Các đợt tấn công tiếp theo vào tháng 5 và tháng 8 cùng năm không đem lại kết quả khả quan, đồng thời gây tổn thất lớn về nhân lực cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau thất bại quân sự của Tết Mậu Thân, Lê Duẩn buộc phải điều chỉnh chiến lược. Ông tuyên bố quay trở lại nhấn mạnh hình thái chiến tranh lâu dài, chuyển trọng tâm về nông thôn, củng cố các căn cứ chiến khu, phục hồi lực lượng và từng bước mở rộng ảnh hưởng chính trị.[118] Ngày 5 tháng 4 năm 1969, Trung ương Cục miền Nam đã ban hành Chỉ thị số 55, yêu cầu các đơn vị trực thuộc không được mạo hiểm dốc toàn bộ lực lượng vào những chiến dịch quy mô lớn. Thay vào đó, chiến lược được điều chỉnh theo hướng ưu tiên bảo toàn lực lượng nhằm phục vụ cho các chiến dịch lâu dài về sau.[119]
Chiến tranh kết thúc
Từ năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết và quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, Lê Duẩn và các tướng lĩnh chủ chốt như Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà bắt đầu triển khai kế hoạch chuyển hóa từ chiến tranh cục bộ sang tổng tấn công. Lê Duẩn đánh giá rằng mâu thuẫn nội tại của chế độ Sài Gòn đã lên đến đỉnh điểm, và quân đội đối phương sẽ không còn khả năng trụ vững nếu bị tấn công đồng loạt từ nhiều hướng. Do đó, ông chủ trương "đánh nhanh để thắng nhanh", tránh sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài vốn có thể tạo điều kiện cho Hoa Kỳ quay trở lại can thiệp.[120] Đến tháng 7 năm 1974, sau khi Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho miền Nam. Sự kiện Hoa Kỳ cắt giảm cam kết quân sự ở Việt Nam, cùng với việc quân đội Sài Gòn ngày càng sa sút về tinh thần và hậu cần, đã tạo điều kiện cho Hà Nội tính đến phương án phá vỡ các ràng buộc của Hiệp định Paris và đẩy nhanh chiến dịch quân sự tổng lực. Giới lãnh đạo miền Bắc cho rằng việc thống nhất đất nước sớm không chỉ kết thúc cuộc chiến mà còn giúp Việt Nam củng cố vị thế chiến lược, tạo lợi thế trong việc đối phó với ảnh hưởng của cả Trung Quốc lẫn Liên Xô trong giai đoạn hậu chiến.[121]
Kế hoạch này được cụ thể hóa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với sự phối hợp hiệp đồng giữa các binh đoàn chủ lực từ miền Bắc và các lực lượng vũ trang địa phương ở miền Nam. Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam được tái bố trí khẩn trương để tạo ưu thế tuyệt đối về quân số và hỏa lực tại các mặt trận chiến lược như Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và cuối cùng là Sài Gòn. Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo Bộ Chính trị thông qua quyết định không chờ đến mùa mưa mà tấn công ngay trong tháng 3 và tháng 4 năm 1975, với lập luận rằng "thời cơ có thể chỉ đến một lần trong đời".[122] Chỉ trong vòng 55 ngày, quân Giải phóng đã lần lượt đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, và tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, chấm dứt sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa. Không những tránh được một cuộc chiến kéo dài, chiến thắng còn đạt được với tổn thất tương đối thấp so với quy mô chiến dịch.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Lê Duẩn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong bài diễn văn mừng chiến thắng, nhấn mạnh rằng Đảng là "người lãnh đạo duy nhất và toàn diện" của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.[123] Đồng thời, ông ca ngợi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam — được thành lập năm 1969 — vì vai trò chủ lực trong việc "giải phóng miền Nam". Tuy nhiên, chính quyền này tồn tại không lâu. Năm 1976, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, đánh dấu việc thống nhất hai miền Nam - Bắc dưới một chính thể duy nhất.[124] Sau chiến thắng, Lê Duẩn cho triển khai chính sách thanh lọc các cựu binh và viên chức của chế độ cũ. Khoảng 300.000 người bị đưa vào các trại cải tạo, bên cạnh đó là các "phần tử bất đồng chính kiến" bị giam giữ tại những cơ sở khác.[125] Đồng thời, chính quyền thực hiện chính sách tịch thu tài sản của cộng đồng người Hoa, dẫn đến làn sóng di cư lớn ra nước ngoài. Sự kiện này sau đó trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo, được biết đến với tên gọi "thuyền nhân Việt Nam".
Kinh tế
Định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa

Trong những năm chiến tranh, điều kiện phát triển kinh tế ở Việt Nam bị hạn chế nghiêm trọng. Công nghiệp gần như không tồn tại ở cả hai miền, khiến cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa đều phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Lĩnh vực thiết yếu nhất là hạ tầng nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.[126] Tại miền Nam, hậu quả chiến tranh để lại đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 20.000 hố bom, 10 triệu người tị nạn, 362.000 thương binh, 1 triệu góa phụ, 880.000 trẻ mồ côi, 250.000 người nghiện ma túy, 300.000 người hành nghề mại dâm và 3 triệu người thất nghiệp.[127]
Sau năm 1975, giới lãnh đạo Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Duẩn, thể hiện thái độ lạc quan về triển vọng tái thiết đất nước. Theo ghi nhận từ một ủy viên Trung ương, tinh thần lúc đó được mô tả là "giờ đây chẳng còn gì có thể cản trở nữa".[128] Năm 1976, Lê Duẩn cam kết trước nhân dân rằng trong vòng mười năm, mỗi gia đình sẽ sở hữu một bộ radio, tủ lạnh và tivi.[129] Ông tin tưởng rằng việc hòa nhập xã hội tiêu dùng của miền Nam vào nền kinh tế miền Bắc sẽ diễn ra thuận lợi. Cùng năm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đề ra mục tiêu hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa trong hai thập niên. Tuy nhiên, những kỳ vọng này nhanh chóng bị thực tế kinh tế khó khăn phủ nhận.[126]
Dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, chính quyền Việt Nam triển khai một chiến lược phát triển kinh tế mang đậm màu sắc xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô, với mục tiêu xây dựng một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, thống nhất mô hình phát triển trên phạm vi toàn quốc. Đây được xem là "giai đoạn thứ hai" trong tầm nhìn cách mạng lâu dài của Lê Duẩn, sau khi nhiệm vụ giải phóng miền Nam đã hoàn thành.[130] Trung tâm của chiến lược là chủ trương phát triển sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trên cơ sở công hữu, kế hoạch hóa tập trung và cơ chế kinh tế trao đổi hiện vật.[131] Nhà nước chi phối toàn bộ nền kinh tế, từ phân phối vật tư, điều tiết sản xuất đến lưu thông hàng hóa.[132] Cơ chế thị trường bị thu hẹp.[133] Giá cả, tiền tệ và tỷ giá được quy định hành chính và tách rời thực tế thị trường.[134] Tư tưởng "làm chủ tập thể" do Lê Duẩn khởi xướng đóng vai trò cốt lõi, cho rằng nhân dân phải là chủ thể trong sản xuất, phân phối và quản lý nhà nước.[135][136] Tư tưởng này được cụ thể hóa thông qua các chiến dịch hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư nhân: Nhà nước thúc đẩy hình thành hợp tác xã cấp cao,[137] quốc hữu hóa toàn bộ tài sản sản xuất tư nhân ở đô thị và nông thôn.[138]

Trong lĩnh vực phân phối, chính quyền Việt Nam áp dụng chế độ tem phiếu như một công cụ kiểm soát kinh tế kế hoạch hóa. Người dân chỉ được mua hàng tiêu dùng khi xuất trình tem phiếu tại các cửa hàng quốc doanh.[139] Hệ thống này được vận hành theo lệnh hành chính thay vì quy luật cung cầu, tạo nên tình trạng khan hiếm hàng hóa, xếp hàng dài và xuất hiện thị trường chợ đen – nơi giá hàng hóa cao gấp nhiều lần so với giá chính thức.[140] Ngoài ra, một trong những chính sách đáng chú ý là chiến lược phát triển "mỗi huyện 20 vạn dân", với mục tiêu xây dựng mỗi huyện thành một đơn vị kinh tế tự chủ về nông – công nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng bị đánh giá là thiếu khả thi và phi thực tế.[141] Trong khi đó, nhà nước vẫn duy trì độc quyền ngoại thương, cấm đoán toàn bộ hoạt động giao dịch ngoài quốc doanh. Tỷ giá hối đoái bị duy trì ở mức xa rời thực tế, làm tê liệt các quan hệ thương mại quốc tế.[142]
Năm 1975, theo số liệu của Liên Hợp Quốc, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ đạt 101 USD, giảm còn 91 USD vào năm 1980 và chỉ tăng nhẹ lên 99 USD vào năm 1982. Thủ tướng Phạm Văn Đồng thừa nhận rằng thu nhập không có sự cải thiện so với mười năm trước.[143] Tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng. Theo Bộ Y tế Việt Nam[143] và báo cáo của tờ International Herald Tribune, khoảng 6 triệu người lâm vào cảnh thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, buộc chính phủ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).[144] Chính sách kinh tế thời Lê Duẩn, cùng với tác động từ các cuộc xung đột với Campuchia (1976–1979) và Trung Quốc (1979), đã khiến đời sống nhân dân suy giảm đáng kể. Tại miền Bắc, thu nhập bình quân hàng tháng giảm từ 82 USD vào năm 1976 xuống còn 58 USD vào năm 1980.[145]
Khủng hoảng kinh tế
Kế hoạch 5 năm lần II (1976–1980), được khởi xướng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, đặt ra ba mục tiêu chủ yếu. Cụ thể, kế hoạch nhấn mạnh:[146]
- Tập trung phát triển nông nghiệp nhằm tạo bước nhảy vọt, đẩy mạnh công nghiệp nhẹ
- Khai thác công nghiệp nặng hiện có và xây dựng thêm các cơ sở mới để hỗ trợ nông nghiệp và công nghiệp nhẹ
- Đồng thời cơ bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam.
Giới lãnh đạo Việt Nam kỳ vọng đạt được các mục tiêu này thông qua viện trợ từ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) và vay vốn từ các tổ chức quốc tế. Đại hội IV cũng xác định rõ định hướng xã hội hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Theo Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Ban cải tạo nông nghiệp miền Nam, các chỉ tiêu đề ra hầu như không thể hoàn thành trước năm 1980. Thực tế cho thấy đến thời điểm đó, khoảng 10.000 trong tổng số 13.246 hợp tác xã nông nghiệp xã hội chủ nghĩa đã tan rã ở miền Nam. Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, công khai chỉ trích các cán bộ cơ sở về những thất bại trong cải tạo nông nghiệp. Việc tập thể hóa đã dẫn tới sản lượng lương thực sụt giảm trong các năm 1977 và 1978, buộc Hội nghị Trung ương 6 phải tiến hành điều chỉnh chính sách.[147]

Trong lĩnh vực công nghiệp nặng, chủ trương của lãnh đạo Đảng thể hiện sự thiếu nhất quán. Trong bản báo cáo chính trị tại Đại hội IV, Lê Duẩn từng khẳng định rằng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ưu tiên sẽ dành cho phát triển công nghiệp nặng, nhưng phải dựa trên nền tảng của nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, ở một đoạn khác của chính báo cáo này, ông lại nhấn mạnh vai trò ưu tiên của công nghiệp nhẹ. Về phía Chính phủ, lập trường của Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cũng không rõ ràng hơn là bao.[148] Dù vậy, trên thực tế, công nghiệp nặng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phân bổ vốn đầu tư nhà nước. Kế hoạch 5 năm lần thứ hai dành 21,4% vốn đầu tư cho lĩnh vực này, tỷ lệ này tăng lên 29,7% trong kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981–1985). Ngược lại, công nghiệp nhẹ chỉ nhận lần lượt 10,5% và 11,5% vốn đầu tư.[149] Giai đoạn 1976–1978, sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng nhất định, song đến năm 1979–1980 đã sụt giảm nghiêm trọng. Tính chung cả kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mức tăng trưởng công nghiệp chỉ đạt 0,1%. Trước thực tế đó, Hội nghị Trung ương 6 phê phán quan điểm coi sở hữu nhà nước là hình thức duy nhất đối với tư liệu sản xuất.[150]
Đến đầu thập niên 1980, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng: sản xuất đình trệ, lạm phát tăng cao, thiếu hụt lương thực và hàng hóa tiêu dùng. Mặc dù có một số đề xuất cải cách từ nội bộ, Lê Duẩn vẫn giữ lập trường kiên định với mô hình xã hội chủ nghĩa tập trung, phản đối mọi hình thức "xét lại" hay "tự diễn biến" theo mô hình cải cách của Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình.[151] Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V diễn ra vào tháng 12 năm 1983, Lê Duẩn bắt đầu thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang lâm vào tình thế khó khăn, dù tại thời điểm đó, Đảng chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện cải cách.[152] Từ năm 1979, ông mới bắt đầu công khai thừa nhận các sai lầm trong chính sách kinh tế do lãnh đạo Đảng và Nhà nước gây ra.[153]
Cho đến trước Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI diễn ra vào tháng 7 năm 1984, các nhà hoạch định kế hoạch vẫn giữ vai trò chủ đạo trong điều hành kinh tế. Tuy nhiên, tại hội nghị này, Đảng đã công khai phê phán các phương thức quản lý cũ, đồng thời khẳng định rằng từ nay nền kinh tế quốc dân phải vận hành theo các "quy luật khách quan".[154] Lần đầu tiên, mối quan hệ giữa kế hoạch và thị trường được đưa ra thảo luận công khai. Cùng với đó, vai trò của kinh tế hộ gia đình và kinh tế tư nhân được nhìn nhận tích cực hơn, một số mức giá thị trường bắt đầu được chính thức công nhận và nhận sự điều tiết, hỗ trợ từ phía Đảng.[154] Lê Duẩn bày tỏ sự ủng hộ đối với những cải cách này tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V năm 1982. Trong các bài phát biểu, ông nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đồng thời củng cố cả nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung lẫn kinh tế địa phương.[155] Trong Báo cáo chính trị, Lê Duẩn thẳng thắn thừa nhận rằng Kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã thất bại trên phương diện kinh tế.[156]
Tuy nhiên, những cải cách ban đầu không đem lại hiệu quả rõ rệt trong thực tế. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự phản ứng từ giới hoạch định kế hoạch theo lối cũ, cùng với tâm lý hoang mang và dè dặt trong đội ngũ cán bộ các cấp. Mặc dù từ năm 1981 đến 1984, sản xuất nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng đáng kể, song chính phủ lại không tận dụng được cơ hội này để thúc đẩy sản xuất các yếu tố đầu vào thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu, cũng như các mặt hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân. Đến những năm cuối thời kỳ cầm quyền của Lê Duẩn, đặc biệt trong giai đoạn 1985–1986, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Lạm phát phi mã, vượt mức 100% mỗi năm, khiến cho việc hoạch định và điều hành chính sách kinh tế trở nên vô cùng khó khăn.[154]
Khủng hoảng người Hoa (1978)
Sau năm 1975, Lê Duẩn nhanh chóng áp dụng các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm quốc hữu hóa tài sản và doanh nghiệp tư nhân, trong đó cộng đồng người Hoa — vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giới thương nhân ở miền Nam — trở thành đối tượng chính.[157] Khoảng 4% dân số Việt Nam lúc bấy giờ là người gốc Hoa, với hơn 1,5 triệu người tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) và chỉ khoảng 250.000 người sống ở miền Bắc.[158] Ở miền Nam, Hoa kiều nắm giữ vị trí kinh tế vượt trội: họ kiểm soát hơn 80% cơ sở sản xuất công nghiệp, 100% hoạt động bán buôn, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sự áp đảo về kinh tế này khiến chính quyền lo ngại. Bện cạnh đó, việc nhiều hộ gia đình người Hoa cho treo quốc kỳ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông trong khu vực Chợ Lớn càng làm dấy lên những nghi ngờ rằng cộng đồng người Hoa có thể trở thành "đạo quân thứ năm" của Bắc Kinh nhằm gây sức ép hoặc phá hoại từ bên trong.[159] Trong bối cảnh lạm phát tăng vọt (80% vào năm 1977), thiếu lương thực trầm trọng và căng thẳng địa chính trị gia tăng, chính phủ Việt Nam ngày càng coi Hoa kiều là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hơn là vấn đề thuần túy nội bộ.[160]
Bắt đầu từ năm 1977, chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách "thanh lọc", buộc những cư dân gốc Hoa phải quay trở lại phía Trung Quốc. Đỉnh điểm căng thẳng diễn ra vào năm 1978. Sau khi người Hoa ở Chợ Lớn biểu tình đòi giữ quốc tịch Trung Quốc, chính quyền Việt Nam thực hiện chính sách cứng rắn: quốc hữu hóa triệt để tài sản của họ. Trong các tháng 3 và 4 năm 1978, khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của người Hoa bị quốc hữu hóa.[161] Cộng đồng tư sản Hoa kiều bị xoá sổ về mặt kinh tế. Song song với đó là các biện pháp cưỡng chế khác như cưỡng bức di cư vào vùng kinh tế mới, buộc phải chọn quốc tịch Việt Nam hoặc ra đi.[159] Những chính sách này khiến khoảng 450.000 người Hoa rời bỏ Việt Nam từ năm 1978–1979, hoặc vượt biên sang Trung Quốc, hoặc trở thành thuyền nhân.[162] Riêng trong Sự kiện ải Hữu Nghị tháng 8 năm 1978, khoảng 2.500 người Hoa bị quân đội và công an Việt Nam cưỡng chế đưa qua biên giới sang Trung Quốc.[163] Khủng hoảng người Hoa làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung.[164] Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội thực hiện chính sách "diệt chủng" đối với cộng đồng người Hoa, cho rằng chính quyền Việt Nam cố ý biến biển cả thành "phòng hơi ngạt của người nghèo". Trung Quốc tuyên bố rằng từ 50 đến 70% thuyền nhân người Hoa đã thiệt mạng trên đường trốn chạy. Tuy nhiên, con số này bị thổi phồng vì trên thực tế, tỷ lệ tử vong được ước tính chưa đến 10%.[165] Đáp trả, Trung Quốc cắt toàn bộ viện trợ và ngừng quan hệ thương mại – vốn chiếm tới 70% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam – và tăng cường quân sự ở biên giới.[166]
Chính sách tôn giáo
Tuy là một người cộng sản, nhưng ngay từ thời kỳ còn làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ trong gian đoạn chiến tranh Đông Dương, Lê Duẩn đã nhận thức rõ vai trò đặc thù của tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Nam Bộ.[167] Trong bối cảnh khu vực này xuất hiện nhiều tôn giáo bản địa như Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo, cùng với sự hiện diện lâu dài của các tôn giáo ngoại nhập như Công giáo, Lê Duẩn xác định rằng tôn giáo không chỉ đơn thuần là vấn đề tín ngưỡng mà còn là một yếu tố chính trị - xã hội quan trọng. Ông đánh giá Công giáo ở Nam Bộ có xu hướng "ôn hòa" hơn so với miền Bắc và miền Trung, trong khi các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo từng đóng vai trò quân sự đối lập với lực lượng cộng sản.[168] Trên cơ sở đó, ông đề ra chủ trương vận động nhằm phân hóa nội bộ các giáo phái, trong đó tập trung tranh thủ và thu hút các bộ phận tín đồ có khuynh hướng ủng hộ cách mạng mà ông gọi là "tín đồ yêu nước", đồng thời cô lập và đấu tranh với các phần tử mà ông xem là "phản động".[169]
Từ sau Hiệp định Genève năm 1954, chính sách này tiếp tục được thực thi. Trong các văn kiện như Đề cương cách mạng miền Nam và qua thực tiễn hoạt động, Lê Duẩn chỉ đạo đẩy mạnh công tác "Cao Đài vận", "Hòa Hảo vận", coi đây là nhiệm vụ trọng yếu nhằm mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.[168] Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như sau năm 1975, các chủ trương mềm dẻo này vẫn tiếp tục được áp dụng, góp phần hạn chế xung đột tôn giáo và tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia vào quá trình tái thiết đất nước thời hậu chiến.[170]
Trên thực tế, các cộng đồng tôn giáo ở miền Nam Việt Nam đã đóng vai trò đáng kể trong việc làm suy yếu tính chính danh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn chiến tranh.[171] Phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 góp phần trực tiếp vào việc lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, trong khi các cuộc biểu tình chống tham nhũng do linh mục Trần Hữu Thanh và các giáo sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức vào năm 1974–1975 cũng gây áp lực lên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau Hiệp định Paris 1973.[172] Nhiều nhóm tôn giáo phản đối giải pháp quân sự và kêu gọi hòa bình, điều này khiến chiến lược quân sự do Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn theo đuổi trở nên thiếu hiệu quả về mặt chính trị – xã hội.[173] Trước thực tế đó, Đảng Lao động Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Lê Duẩn, tiếp tục duy trì chính sách tranh thủ các lực lượng tôn giáo, đồng thời tạm hoãn đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất ở những khu vực có tiềm năng liên minh tôn giáo, nhằm phục vụ mục tiêu thống nhất đất nước và cách mạng miền Nam.[171]
Bên cạnh chủ trương vận động các lực lượng tôn giáo phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, Lê Duẩn còn nhấn mạnh vai trò của tự do tín ngưỡng như một bộ phận cấu thành của đời sống tinh thần nhân dân.[170] Trong một phát biểu năm 1963, ông khẳng định: "Hạnh phúc đối với đồng bào Thiên Chúa giáo là được tự do tín ngưỡng […] chúng ta tôn trọng và bảo đảm hạnh phúc ấy".[174] Cũng trong năm 1963, trong chuyến thăm Hợp tác xã Thành An tại Nam Định, nơi có đông giáo dân sinh sống và gần Đền Thánh Phú Nhai, ông khẳng định rằng niềm tin tôn giáo không đồng nghĩa với phản cách mạng. Ông phê phán quan điểm bài tôn giáo cực đoan, cho rằng hạnh phúc của tín đồ không chỉ nằm ở đời sống vật chất mà còn ở quyền tự do tín ngưỡng được bảo đảm.[175]
Remove ads
Đối ngoại
Quan hệ với Liên Xô
Tháng 10 năm 1975, Lê Duẩn có chuyến thăm chính thức tới Liên Xô. Kết quả chuyến thăm được thể hiện trong một thông cáo chung, trong đó phía Liên Xô cam kết cử các chuyên gia có trình độ sang Việt Nam để đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Ngoài ra, Liên Xô cũng cam kết cung cấp viện trợ kinh tế và hỗ trợ một số dự án trọng điểm của Việt Nam với các điều kiện ưu đãi. Thông cáo nhấn mạnh rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nằm trong "khuôn khổ hợp tác đa phương giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa". Dù tuyên bố này thường được hiểu là một bước tiến tới việc gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON), Việt Nam thời điểm đó vẫn chủ động từ chối, nhằm duy trì vị thế độc lập và tự chủ trong quan hệ đối ngoại.[176] Thủ tướng Phạm Văn Đồng thậm chí còn thể hiện thái độ dè dặt đối với đại sứ Liên Xô trong lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, đồng thời bác bỏ một số chính sách đối ngoại quan trọng của Moskva. Dù chịu áp lực thường xuyên từ phía Liên Xô, Việt Nam vẫn giữ vững lập trường và lựa chọn tham gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng Ngân hàng Thế giới — hai bước đi khiến Liên Xô không hài lòng.[177][178]
Tuy nhiên, đến năm 1978, trong bối cảnh cần nguồn lực để thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ hai,[179] Việt Nam đã điều chỉnh lập trường.[180] Cùng năm đó, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng[181] ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác 25 năm với Liên Xô.[179] Nhờ có sự bảo trợ của Moskva, Việt Nam đã tiến hành can thiệp quân sự vào Campuchia, dẫn tới phản ứng quân sự từ Trung Quốc dưới hình thức cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Để củng cố an ninh, Việt Nam đã cho phép Liên Xô sử dụng một số căn cứ quân sự nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc từng đưa ra yêu sách yêu cầu Việt Nam chấm dứt tiếp nhận viện trợ từ Liên Xô như điều kiện tiên quyết để thiết lập hòa bình. Ở châu Á, Việt Nam đóng vai trò tương tự như Cuba ở Mỹ Latinh, trở thành trung tâm hậu thuẫn cho các phong trào cách mạng và là căn cứ địa của chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Liên Xô. Việt Nam ủng hộ cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan và nhận viện trợ quân sự trị giá khoảng 3 triệu $ mỗi ngày.[182]
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Lê Duẩn tái khẳng định lập trường gắn bó với Liên Xô.[183] Ông tuyên bố: "Đoàn kết và hợp tác với Liên Xô là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta". Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng liên minh này là "bảo đảm cho thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội".[184] Lập trường này nhận được sự ủng hộ từ phía Moskva khi Mikhail Gorbachyov tuyên bố: "Việt Nam có thể tin tưởng vào sự đoàn kết và ủng hộ của Liên Xô".[185] Mặc dù vậy, chính sách đối ngoại của Lê Duẩn không tránh khỏi những chỉ trích.[186] Hoàng Văn Hoan cáo buộc ông đã hy sinh chủ quyền quốc gia để đổi lấy sự bảo trợ từ Liên Xô.[107] Trong dịp Quốc khánh Việt Nam, phái đoàn do Vitaly Vorotnikov dẫn đầu đã tới Hà Nội dự lễ và hội đàm với Lê Duẩn.[187] Sau đó, ông tiếp tục tham dự Đại hội lần thứ 27 của Đảng Cộng sản Liên Xô và có cuộc gặp riêng với Gorbachyov. Khi Lê Duẩn qua đời, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikolay Ryzhkov cùng Anatoly Dobrynin đã tới Việt Nam để dự lễ tang.[188]
Quan hệ với Trung Quốc

Trong Chiến tranh Việt Nam, phía Trung Quốc đánh giá rằng Liên Xô có xu hướng điều chỉnh chính sách theo hướng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, đồng thời dự đoán điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ủng hộ dành cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chu Ân Lai nhận định rằng sự thay đổi này bắt đầu sau chuyến thăm Việt Nam của Aleksey Nikolayevich Kosygin năm 1965. Ngược lại, lãnh đạo Hà Nội không chia sẻ cách nhìn này. Khi tham gia Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXIII, Lê Duẩn mô tả nước này là "tổ quốc thứ hai". Để đáp trả, Trung Quốc ngay lập tức cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo ghi nhận từ Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc, động thái của giới lãnh đạo Bắc Kinh được Hà Nội coi là hành động thù địch. Biểu hiện của sự căng thẳng xuất hiện rõ qua các nghi thức ngoại giao. Năm 1965, nhân kỷ niệm 44 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hà Nội gửi công hàm chúc mừng có chữ ký của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn. Tuy nhiên tại lễ kỷ niệm 45 năm diễn ra năm 1966, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tuy có gửi công hàm, nhưng không có lãnh đạo chủ chốt nào ký tên chúc mừng.[189]
Sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ, mức độ tin cậy giữa Hà Nội và Bắc Kinh tiếp tục suy giảm. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 16 tháng 7 năm 1971, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam xác định chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc là mối đe dọa đối với lợi ích của Việt Nam, ví nó như một "quả ngư lôi" nhắm vào Hà Nội.[190] Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn sau đó thông báo với Chu Ân Lai rằng chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc không phù hợp với các mục tiêu của Việt Nam. Nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Bắc Kinh hủy bỏ cuộc gặp không đạt kết quả. Trong bối cảnh này, Hà Nội quyết định hạn chế chia sẻ thông tin về kế hoạch quân sự với Trung Quốc, đồng thời theo dõi chặt chẽ tiến triển của quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa quan hệ Xô – Mỹ sau đó đã góp phần ngăn chặn khả năng rạn nứt hoàn toàn trong quan hệ Việt – Trung.[191]
Giai đoạn 1973–1975 ghi nhận sự suy giảm nghiêm trọng trong quan hệ song phương. Tài liệu Việt Nam cho rằng Trung Quốc tìm cách cản trở quá trình thống nhất đất nước, trong khi các nguồn Trung Quốc xác định tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa là nguyên nhân chính của bất đồng. Tuy vậy, theo đánh giá từ phía Trung Quốc, mối quan ngại chủ yếu vẫn là xu hướng tăng cường hợp tác giữa Hà Nội và Moskva, vốn được coi là bất lợi cho lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.[192] Khi Lê Duẩn thăm Trung Quốc vào tháng 6 năm 1973, Chu Ân Lai khuyến nghị Hà Nội tuân thủ Hiệp định Hòa bình Paris. Sau khi hiệp định được ký kết, Lê Thanh Nghị khẳng định rằng đường lối của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam gắn bó chặt chẽ với quan hệ với Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tìm cách hạn chế tiến trình thống nhất Việt Nam bằng cách thiết lập các thỏa thuận kinh tế với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN). Nguyễn Hữu Thọ, lãnh đạo CHMNVN, nhận được sự đối đãi tích cực từ phía Trung Quốc. Chính sách này làm sâu sắc thêm bất đồng giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Mặc dù viện trợ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục, quan hệ song phương không được cải thiện.[193]

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, tháng 8 năm 1975, Lê Thanh Nghị dẫn đầu phái đoàn sang Bắc Kinh đề nghị viện trợ nhưng không đạt kết quả. Đến tháng 9, ông cùng Lê Duẩn tiếp tục dẫn phái đoàn sang Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác. Trong chuyến thăm này, Hà Nội tìm cách tái khẳng định mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Bắc Kinh lẫn Moskva. Tuy nhiên, trong diễn văn đón tiếp, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh nguy cơ từ chủ nghĩa bá quyền, ám chỉ Liên Xô, và kêu gọi Hà Nội đứng về phía Trung Quốc. Đáp lại, Lê Duẩn không đề cập trực tiếp đến Liên Xô nhưng khẳng định vai trò quyết định của khối xã hội chủ nghĩa anh em (ám chỉ khối Đông Âu) đối với thắng lợi của Việt Nam, qua đó gián tiếp từ chối đề nghị của Bắc Kinh.[194] Hai hiệp định được ký kết sau chuyến thăm, song không có hiệp định viện trợ không hoàn lại nào được thông qua.[195] Chuyến đi kết thúc sớm hơn dự kiến do hai bên không đạt được đồng thuận.[196] Theo Anne Gilks, sự kiện Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975 được xem là dấu mốc chấm dứt liên minh Việt – Trung.[197] Trong bối cảnh quan hệ ngày càng xấu đi, chính quyền Hà Nội đã tiến hành thanh trừng một số đảng viên thân Trung Quốc.[198]
Lê Duẩn tiếp tục thăm Trung Quốc từ ngày 20 đến 25 tháng 11 năm 1977 nhằm tìm kiếm thêm viện trợ kinh tế. Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Hoa Quốc Phong khẳng định quan hệ song phương suy giảm do khác biệt đường lối. Ông tuyên bố Trung Quốc không thể hỗ trợ Việt Nam do những khó khăn kinh tế nội bộ. Đáp lại, Lê Duẩn cho rằng điểm khác biệt chủ yếu giữa hai nước nằm ở cách nhìn nhận về Liên Xô và Hoa Kỳ.[199] Ngay sau chuyến thăm, Tân Hoa Xã đăng bài chỉ trích Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON), tổ chức mà Việt Nam vừa nộp đơn xin gia nhập. Trung Quốc sau đó quyết định tạm dừng tất cả các dự án kinh tế từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1978 và rút toàn bộ chuyên gia khỏi Việt Nam.[200][181] Tổng giá trị viện trợ Trung Quốc cho Việt Nam trong giai đoạn này đạt khoảng 300 triệu $.[201]
Mối quan hệ với Khmer Đỏ
Năm 1951, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương giải thể, ba đảng cộng sản riêng biệt được thành lập tại ba nước Đông Dương, trong đó có Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer do Việt Nam hỗ trợ. Trong ba đảng, phong trào cách mạng tại Campuchia được đánh giá là yếu nhất. Khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu viện trợ quân sự chính thức cho Khmer Đỏ vào năm 1970, lãnh đạo Đảng cộng sản Kampuchea (Khmer Đỏ) vẫn duy trì thái độ hoài nghi với Hà Nội. Theo chỉ thị của Võ Chí Công, hai trung đoàn quân được điều sang Campuchia hỗ trợ tác chiến. Võ Chí Công cam kết với Ieng Sary rằng lực lượng Việt Nam sẽ rút lui khi lực lượng cộng sản giành thắng lợi. Việc quân đội Việt Nam tham chiến khiến một số quan chức Việt Nam cho rằng giới lãnh đạo Khmer Đỏ bắt đầu có những lo ngại nhất định.[202] Trao đổi với Phạm Hùng, Lê Duẩn cho rằng dù tồn tại một số khác biệt, "chủ nghĩa quốc tế và thái độ thực sự" của hai bên sẽ đảm bảo sự gắn kết. Tuy vậy, sau khi nghiên cứu báo cáo của Võ Chí Công, Lê Duẩn đánh giá rằng "chủ nghĩa quốc tế" ở Campuchia đang gặp trở ngại. Giới lãnh đạo Việt Nam thời điểm đó kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện, song thừa nhận rằng bối cảnh Campuchia phức tạp hơn so với Lào.[202]
Tình hình trở nên căng thẳng sau năm 1973, khi phe Pol Pot nắm quyền kiểm soát tuyệt đối Đảng Cộng sản Campuchia. Mối quan hệ Việt Nam – Khmer Đỏ nhanh chóng xấu đi. Dù các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục đóng vai trò đồng minh trong cuộc chiến chống chính quyền Lon Nol, họ thường xuyên bị chính Khmer Đỏ tấn công.[203] Đến năm 1976, dù quan hệ hai bên có dấu hiệu bình thường hóa, sự nghi kỵ giữa giới lãnh đạo Việt Nam và Campuchia vẫn tiếp tục gia tăng.[204] Cũng trong năm này, lãnh đạo Việt Nam bao gồm Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng đã gửi điện chúc mừng Pol Pot, Khieu Samphan và Nuon Chea lần lượt đảm nhận các vị trí Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Dân chủ.[205] Đáp lại, Khmer Đỏ gửi công điện chúc mừng chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 7 năm thành lập. Ngày 21 tháng 9 năm 1976, đoàn đại biểu Hội Phụ nữ Việt Nam thăm Campuchia, và cuối năm đó, giới lãnh đạo Khmer Đỏ cũng gửi công văn chúc mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IV.[206]
Giới lãnh đạo Hà Nội khi đó kỳ vọng rằng các yếu tố thân Việt Nam sẽ dần chiếm ưu thế trong nội bộ Khmer Đỏ.[207] Niềm tin này được củng cố khi đài phát thanh Campuchia thông báo việc Pol Pot từ chức.[203] Lãnh đạo Việt Nam, bao gồm Lê Duẩn, đánh giá cao diễn biến này. Trong cuộc gặp ngày 16 tháng 11 năm 1976 với đại sứ Liên Xô, Lê Duẩn khẳng định rằng Pol Pot và Ieng Sary "đã bị loại khỏi quyền lực". Theo đánh giá từ phía Hà Nội, đây là thay đổi tích cực, do hai nhân vật này được xem là đại diện cho "tập đoàn thân Trung Quốc" với chính sách đối nội nghiêm khắc. Ngược lại, Lê Duẩn bày tỏ sự tin tưởng vào Nuon Chea, người được xem là "bạn tốt" của Việt Nam.[203] Trong bối cảnh đó, Hà Nội không chuẩn bị cho khả năng xảy ra đối đầu toàn diện với Phnom Penh, do vẫn giữ quan điểm cho rằng quan hệ song phương có thể được cải thiện. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Dmitry Mosyakov thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, giới lãnh đạo Việt Nam đã đánh giá sai hoàn toàn tình hình Campuchia lúc bấy giờ.[208] Trên thực tế, vào thời điểm Lê Duẩn tuyên bố Pol Pot và Ieng Sary bị gạt khỏi quyền lực, cả hai vẫn duy trì vị thế lãnh đạo tuyệt đối tại Phnom Penh.[209] Dù vậy, Hà Nội tiếp tục tin rằng Campuchia cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa, coi trọng quan hệ với Việt Nam và Liên Xô theo mô hình đã hình thành tại Lào.[210]
Căng thẳng leo thang

Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ Liên Xô, Việt Nam vẫn bị giới lãnh đạo Campuchia Dân chủ đánh giá là quốc gia đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và có xu hướng tránh đối đầu quân sự.[211] Nhận thức này đã thúc đẩy Campuchia gia tăng các hành động gây hấn sau năm 1975.[212] Từ ngày 30 tháng 4 năm 1977, các lực lượng Campuchia Dân chủ bắt đầu tiến hành các đợt tấn công quy mô lớn dọc biên giới Tây Nam Việt Nam. Nổi bật trong số đó là vụ thảm sát Ba Chúc tại tỉnh An Giang vào tháng 4 năm 1978. Bất ngờ trước các hành động này, Việt Nam tiến hành phản công đáp trả.[210] Mặc dù căng thẳng gia tăng, Việt Nam vẫn duy trì nỗ lực cải thiện quan hệ. Khi Pol Pot công khai thừa nhận sự tồn tại của Đảng Cộng sản Campuchia vào ngày 27 tháng 9 năm 1977, Hà Nội đã gửi điện chúc mừng. Trong cuộc trao đổi ngày 6 tháng 10 cùng năm với đại sứ Liên Xô, Lê Duẩn không đưa ra bình luận trực tiếp về các hành động của Campuchia,[213] nhưng mô tả giới lãnh đạo Khmer Đỏ là lực lượng mang "chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ" và chịu ảnh hưởng đáng kể từ Trung Quốc.[214] Ông đánh giá Pol Pot có xu hướng theo chủ nghĩa Trotsky, trong khi xem Ieng Sary là người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thân Trung Quốc. Tuy vậy, Lê Duẩn nhận định sai về Nuon Chea và Son Sen, khi cho rằng hai nhân vật này có lập trường ủng hộ Việt Nam.[214]
Ngày 31 tháng 12 năm 1977, Phnom Penh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hà Nội, yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ lực lượng ra khỏi lãnh thổ Campuchia nhằm "khôi phục bầu không khí hữu nghị giữa hai nước".[215] Trong khi phía Campuchia cáo buộc Việt Nam xâm lược, căng thẳng thực tế liên quan đến quan ngại của Khmer Đỏ về khả năng Hà Nội theo đuổi kế hoạch thành lập một liên bang Đông Dương do Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo. Đến tháng 1 năm 1978, quân đội Việt Nam rút lui, mang theo nhiều tù binh và dân thường Campuchia tị nạn.[215] Tuy vậy, chiến dịch quân sự của Việt Nam không đạt được mục tiêu làm giảm thái độ đối đầu của Khmer Đỏ. Ngược lại, giới lãnh đạo Campuchia coi việc đẩy lùi quân Việt Nam là thắng lợi lớn, so sánh với chiến thắng trước Hoa Kỳ trước đó. Chính quyền Khmer Đỏ không có bất kỳ phản hồi tích cực nào đối với các nỗ lực ngoại giao từ phía Việt Nam mà tiếp tục tổ chức các cuộc tấn công mới dọc biên giới.[216] Đáp lại, Việt Nam bắt đầu hậu thuẫn các lực lượng nổi dậy chống chính quyền Pol Pot[217] và chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn.[218]
Ngày 15 tháng 6 năm 1978, Bộ Chính trị quyết định cử một phái đoàn do Lê Duẩn dẫn đầu sang Moskva nhằm trao đổi với Tổng Bí thư Leonid Ilyich Brezhnev nói riêng và giới lãnh đạo Liên Xô nói chung. Trong cuộc gặp với đại sứ Liên Xô vào tháng 9 cùng năm, Lê Duẩn cho biết Việt Nam dự kiến "giải quyết dứt điểm vấn đề [Campuchia] vào đầu năm 1979".[219] Ông nhận định khả năng Trung Quốc trả đũa là thấp, do những hạn chế về hậu cần và cho rằng việc trì hoãn hành động sẽ chỉ mang lại lợi thế cho Bắc Kinh. Dù Trung Quốc sau đó thực hiện chiến dịch tấn công Việt Nam, mục tiêu lại không phải Campuchia mà là các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Theo kế hoạch, Việt Nam thành lập chín tiểu đoàn gồm các binh sĩ Khmer đào ngũ nhằm hỗ trợ chiến dịch. Trong khi đó, thông tin về Sao Pheum — nhân vật mà Việt Nam tìm kiếm để liên kết với lực lượng đối lập Khmer Đỏ — cho thấy ông đã qua đời ba tháng trước đó. Đến thời điểm này, Lê Duẩn vẫn đánh giá Nuon Chea là nhân vật thân thiện với Việt Nam, bất chấp việc ông ta trước đó có bài phát biểu với luận điệu chống Việt Nam.[220] Trên thực tế, cả Nuon Chea lẫn Son Sen vẫn trung thành với Pol Pot và tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo của Khmer Đỏ cho đến tận thập niên 1990.[221]
Chiến tranh biên giới Tây Nam
Nhận thấy không còn cơ hội đàm phán, Việt Nam mở cuộc tấn công toàn diện vào Campuchia ngày 25 tháng 12 năm 1978. Quân đội Nhân dân Việt Nam huy động 13 sư đoàn với khoảng 150.000 binh sĩ, được yểm trợ bởi pháo binh và không quân, tiến vào Campuchia từ nhiều hướng.[222] Tự tin trước sức mạnh của mình, giới lãnh đạo Khmer Đỏ chủ động đối đầu trực diện với quân Việt Nam bằng lối đánh quy ước. Tuy nhiên, chiến thuật này nhanh chóng khiến quân Khmer Đỏ chịu tổn thất nặng, mất khoảng một nửa quân số chỉ trong hai tuần đầu giao tranh.[222] Trước các thất bại liên tiếp, phần lớn lãnh đạo Khmer Đỏ buộc di tản khỏi Phnôm Pênh, rút về khu vực rừng núi phía tây giáp Thái Lan.[223] Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh. Ngày hôm sau, Cộng hòa Nhân dân Campuchia, một chính quyền thân Việt Nam, được thành lập. Heng Samrin đảm nhận cương vị nguyên thủ quốc gia, còn Pen Sovan giữ chức Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer.[223]
Mặc dù Khmer Đỏ bị đánh bại, tàn quân vẫn rút vào rừng, dựa vào sự hỗ trợ của Thái Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ để tiến hành chiến tranh du kích. Các hoạt động này gây tổn thất đáng kể cho chính quyền mới tại Campuchia và Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi Việt Nam rút bớt quân vào năm 1982, Khmer Đỏ gia tăng hoạt động và tái chiếm một số khu vực. Do lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Campuchia chưa đủ khả năng kiểm soát tình hình, Việt Nam tiếp tục duy trì quân đội tại Campuchia nhằm hỗ trợ chính quyền Hun Sen và truy quét Khmer Đỏ. Trong chiến dịch mùa khô 1984–1985, Việt Nam huy động khoảng 60.000 quân tiến hành truy quét các căn cứ của Khmer Đỏ dọc biên giới Thái Lan.[224] Kết quả, lực lượng Khmer Đỏ mất toàn bộ các căn cứ trên lãnh thổ Campuchia, suy yếu đáng kể và không còn khả năng đe dọa chính quyền Phnom Penh.
Chiến tranh biên giới Việt–Trung

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang tham chiến tại Campuchia, Trung Quốc bất ngờ đưa khoảng 120.000 quân tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam với tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" nhằm đáp trả việc Việt Nam tiến đánh Campuchia.[225] Một ngày trước đó, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập các cán bộ cấp cao để chính thức thông báo về cuộc chiến. Trong cuộc họp này, Đặng Tiểu Bình nêu mục tiêu, cái lợi, hại của cuộc chiến tranh chống Việt Nam, nhấn mạnh đây là một cuộc "phản kích tự vệ",[226] tiến hành để trừng phạt nhà cầm quyền Việt Nam, cụ thể là "bè lũ Lê Duẩn". Chủ tịch Hoa Quốc Phong cũng nhấn mạnh Bắc Kinh cần phải "trừng phạt" Việt Nam vì đã trở nên "kiêu ngạo" và theo đuổi vai trò "tiểu bá" tại Đông Nam Á dưới sự hậu thuẫn của "đại bá" Liên Xô.[227][225]
Chiến dịch quân sự nhanh chóng được triển khai trên toàn tuyến biên giới. Quân đội Trung Quốc lần lượt tấn công và kiểm soát các thị xã trọng yếu như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng cùng nhiều thị trấn và khu vực nông thôn lân cận.[228] Mặc dù vậy, trong quá trình tiến công, Trung Quốc vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các đơn vị quân đội địa phương, dân quân và bộ đội chủ lực của Việt Nam. Giao tranh diễn ra ác liệt với thương vong lớn từ cả hai phía. Ước tính, quân đội Trung Quốc hứng chịu khoảng 26.000 thương vong, trong khi con số phía Việt Nam vào khoảng 30.000 người.[229] Đến ngày 16 tháng 3 năm 1979, sau hơn một tháng giao tranh, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu "trừng phạt" Việt Nam và bắt đầu rút quân. Dù không tiêu diệt được bất kỳ sư đoàn chính quy nào của Việt Nam, Bắc Kinh đã gây ra thiệt hại nặng nề đối với cơ sở hạ tầng và các khu dân cư dọc biên giới. Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược lớn nhất của Trung Quốc nhằm buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia đã không đạt được. Việt Nam vẫn duy trì hiện diện quân sự tại Campuchia trong suốt một thập kỷ sau đó, tiếp tục hỗ trợ chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia non trẻ trước các cuộc đột kích của quân Khmer Đỏ.[230]
Ngay sau khi kết thúc chiến dịch, các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước nhanh chóng rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, Hoàng Văn Hoan, nhân vật thuộc phe thân Trung Quốc vốn bị Lê Duẩn thanh trừng, đã trốn sang Trung Quốc.[107] Tại Bắc Kinh, ông tham dự một cuộc họp báo, công khai ủng hộ hành động quân sự của Trung Quốc và chỉ trích chính quyền Hà Nội. Ông tuyên bố rằng chính quyền Việt Nam đã đối xử với người Hoa còn "tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái".[231] Những phát biểu này đã khiến Hoàng Văn Hoan bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình vắng mặt về tội phản quốc, đồng thời đẩy mối quan hệ Việt – Trung leo thang đến mức căng thẳng cực độ. Tới tháng 12 năm 1979, mọi cuộc đàm phán chính thức bị đình chỉ. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi cả hai bên đều tăng cường binh lực dọc biên giới: Trung Quốc triển khai khoảng 400.000 quân, trong khi Việt Nam duy trì lực lượng từ 600.000 đến 800.000 quân tại các tỉnh phía Bắc.[225] Tình trạng đối đầu vũ trang kéo dài suốt hơn một thập niên sau đó. Các cuộc đụng độ biên giới tuy không diễn ra với quy mô như cuộc chiến năm 1979, song vẫn thường xuyên nổ ra cho đến khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ. Chỉ đến năm 1990, khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và bối cảnh quốc tế thay đổi sau khi Liên Xô sụp đổ, giao tranh mới chấm dứt hoàn toàn. Cùng với đó, quá trình bình thường hóa quan hệ song phương chính thức bắt đầu, đánh dấu sự kết thúc hơn một thập kỷ xung đột.[232][223]
Remove ads
Những năm cuối đời
Vào thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam, bộ máy lãnh đạo đất nước đã trở nên tập trung quyền lực cao độ, biến chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành một chế độ chuyên chế thực sự. Khi đó, năm ủy viên quyền lực nhất của Bộ Chính trị đều đã cao tuổi: Lê Duẩn 74 tuổi, Trường Chinh 75 tuổi, Phạm Văn Đồng 76 tuổi, Phạm Hùng 70 tuổi và Lê Đức Thọ 72 tuổi. Sức khỏe của Lê Duẩn khi ấy đã suy giảm rõ rệt. Ông nhiều lần sang Liên Xô chữa bệnh vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Theo một số nguồn, do lý do sức khỏe, ông không trực tiếp dẫn đầu đoàn đại biểu Đại hội V viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Lê Duẩn lúc này cho thấy ông đã già yếu và gặp khó khăn khi phát biểu trước Đại hội.[233]
Tại Đại hội này, phe cánh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ tiếp tục củng cố quyền lực bằng cách bố trí các thân tín vào những vị trí chủ chốt trong Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư khóa V và Bộ Chính trị khóa V. Nhiều nhân vật ôn hòa, những người thân cận cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng một số cá nhân thân Trung Quốc hoặc gắn bó với Trường Chinh đều bị loại khỏi các cơ quan lãnh đạo. Trường hợp điển hình nhất là Võ Nguyên Giáp, người bị gạt ra khỏi Bộ Chính trị không phải vì bất đồng ý thức hệ mà vì yếu tố chính trị. Ngoài ra, Nguyễn Duy Trinh và Lê Thanh Nghị cũng bị loại vì lập trường ôn hòa; Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương và Nguyễn Văn Linh mất vị trí do có liên hệ với Trường Chinh và được thay thế bởi các quân nhân gồm Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Đồng Sĩ Nguyên. Việc bổ nhiệm Nguyễn Đức Tâm và Nguyễn Cơ Thạch giúp củng cố thêm thế lực của Lê Đức Thọ. Nhờ những điều chỉnh này, liên minh giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nắm giữ thế thượng phong tại Ban Chấp hành Trung ương khóa V.[234]

Bản báo cáo chính trị của Lê Duẩn trước Đại hội V được xem là mang tính tự phê bình sâu sắc. Trong đó, ông thừa nhận những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ trích tình trạng tham nhũng chính trị, kinh tế cũng như hiện tượng bảo thủ trong bộ máy — minh chứng qua việc Ban Chấp hành Trung ương khi đó chỉ có duy nhất một thành viên dưới 60 tuổi.[235] Tình hình nội bộ Đảng lúc này trở nên căng thẳng, đặc biệt tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi xảy ra xung đột giữa các phe phái thực dụng và bảo thủ.[236] Tuy vậy, cũng từ những mâu thuẫn này, Lê Duẩn và các đồng minh bắt đầu xúc tiến những bước đi đầu tiên nhằm mở cửa và cải cách kinh tế.[237]
Sau Đại hội, Lê Duẩn bị đau tim và phải sang Liên Xô chữa trị. Mặc dù vậy, ông vẫn giữ chức Tổng Bí thư cho đến khi qua đời tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 7 năm 1986, hưởng thọ 79 tuổi. Sau khi ông qua đời, Trường Chinh tạm thời đảm nhận vai trò Tổng Bí thư cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12 năm đó, khi Nguyễn Văn Linh được bầu làm người kế nhiệm chính thức.[238]
Remove ads
Tư tưởng
Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo mang tư tưởng dân tộc sâu sắc, đồng thời kiên định với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.[239] Trong thời chiến, ông luôn đề cao khẩu hiệu "ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội", coi đó là phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng bảo vệ nền độc lập quốc gia và xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể tách rời nhau và việc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa phải đi liền với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.[240]
Trong hoạt động thực tiễn, Lê Duẩn thường được đánh giá là người thực dụng và linh hoạt.[241] Ông chủ trương vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin, tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Cách hiểu của Lê Duẩn về chủ nghĩa xã hội mang đậm tính quản lý nhà nước, tập trung cao độ và thiên về điều hành từ trên xuống.[239] Theo ông, chủ nghĩa xã hội phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc thống nhất, tập trung và quản lý cao, nhưng đồng thời phải gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân. Ông thường xuyên nhấn mạnh rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó cán bộ, đảng viên phải chăm lo đầy đủ đời sống cho nhân dân, không phân biệt "bên này, bên kia", vì tất cả đều là công dân nước Việt Nam.[242]
"Ba làn sóng cách mạng"
Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh của hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn liền với 'ba làn sóng cách mạng' của thời đại
Lê Duẩn, Thư gửi đồng chí Bảy Cường về kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị, ngày 10 tháng 10 năm 1974.[243]
Trong khoảng thập niên 1960 và 1970, Lê Duẩn đã xây dựng và phát triển một học thuyết mà ông gọi là "Ba làn sóng cách mạng". Học thuyết này nhấn mạnh rằng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên thế giới đồng thời tồn tại và phát triển mạnh mẽ ba phong trào cách mạng lớn (hay ba "làn sóng") cùng tấn công chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản.[244] Ba làn sóng cách mạng bao gồm: phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn cầu (tiêu biểu là Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu), phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tại các nước tư bản phát triển (các nước Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản) và phong trào giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, trong đó ông đánh giá Việt Nam là trung tâm và là tiên phong của phong trào này.[245]
Theo Lê Duẩn, ba làn sóng cách mạng này không tồn tại độc lập mà tương tác, bổ trợ và cộng hưởng thành một "sức mạnh tổng hợp của thời đại", giúp phong trào cách mạng thế giới chuyển sang thế tấn công chiến lược trước các thế lực đế quốc. Ông lập luận rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất mà cả ba làn sóng này hội tụ đầy đủ, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến với người Mỹ được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định là thắng lợi không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự thắng lợi chung của ba làn sóng cách mạng trên phạm vi toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khác và làm suy yếu hệ thống chủ nghĩa đế quốc.[246]
Sau năm 1975, lý thuyết ba làn sóng cách mạng không chỉ trở thành nền tảng tư tưởng cho chính sách đối ngoại của Việt Nam, mà còn được Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng rộng rãi để lý giải vai trò, vị thế quốc tế của quốc gia trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, các quốc gia thuộc thế giới thứ ba và phong trào không liên kết.[247] Tuy nhiên, sau Chiến tranh Lạnh và đặc biệt là từ thời kỳ Đổi mới (1986) trở đi, khái niệm này ít được nhắc đến trong các văn kiện chính thức, do bối cảnh quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam có nhiều thay đổi.[248]
Làm chủ tập thể
…Sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cao nhất cho chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa bởi mục đích của Đảng là thiết lập chủ nghĩa xã hội, đem lại quyền làm chủ tập thể cho nhân dân lao động […] Thật vậy, trong thời đại ngày nay, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng đi đầu trong cuộc giải phóng xã hội khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức giai cấp; chỉ có giai cấp công nhân mới tiêu biểu được cho chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, đó là giai cấp gắn liền với nền công nghiệp lớn hiện đại, mà chỉ với lực lượng sản xuất tiên tiến và hùng mạnh này thì mới cải tạo được triệt để xã hội cũ và mới thiết lập được nền tảng vật chất vững chắc cho chế độ mới…
Lê Duẩn, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa IV), tháng 9 năm 1980.[249]
Lê Duẩn kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về chế độ do nhân dân làm chủ, coi đây là nền tảng tư tưởng chính trị quan trọng.[250] Từ Đại hội III Đảng Lao Động Việt Nam (1960), ông đã đề cao vai trò làm chủ của nhân dân lao động.[251] Tại Đại hội IV, ông xác định rõ hai nhiệm vụ trọng tâm: "phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân" và "nắm vững chuyên chính vô sản thông qua việc tăng cường vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và xây dựng Nhà nước vững mạnh".[252] Theo Lê Duẩn là không đơn thuần là một khái niệm chính trị hay kinh tế, mà là một "triết lý đầy nhân đạo".[253] Việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể đồng nghĩa với việc kiến tạo một xã hội trong đó cộng đồng có tổ chức đóng vai trò chủ thể tối cao. Hệ thống quan hệ xã hội, theo ông, phải phản ánh đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.[254] Theo đó, Lê Duẩn đánh giá sự làm chủ tập thể là một bước tiến mới, sáng tạo hơn tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa của Lenin.[135]
Tư tưởng làm chủ tập thể của Lê Duẩn mang tính thứ bậc rõ ràng: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".[138] Ông khẳng định rằng Đảng giữ vai trò lãnh đạo tối cao, song không làm thay nhân dân hoặc tước đi quyền làm chủ của họ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nếu thiếu sự lãnh đạo của Đảng thì không thể thiết lập và duy trì chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.[255] Dù vậy, trên thực tế, Lê Duẩn tỏ ra không ủng hộ những biểu hiện của quyền làm chủ vượt ra ngoài khuôn khổ nhà nước. Trong một số trường hợp, ông phản đối các đề xuất mở rộng quyền lợi kinh tế cho nông dân. Khi một số cán bộ đề xuất tại Đại hội Đảng về việc nâng giá thu mua sản phẩm nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân, Lê Duẩn đã chỉ trích gay gắt ý kiến này.[239] Đối với ông, quyền làm chủ tập thể chỉ có thể được đảm bảo trong khuôn khổ quản lý hành chính và tập quyền của nhà nước.[256]
Quan điểm này được thể chế hóa trong Hiến pháp Việt Nam 1980, nơi tư tưởng làm chủ tập thể trở thành phiên bản riêng về chủ quyền nhân dân do Lê Duẩn đề xuất. Theo hiến pháp, quyền làm chủ tập thể của nhân dân được bảo đảm trên tất cả các lĩnh vực thông qua sự tham gia vào công việc nhà nước và các tổ chức quần chúng. Trên lý thuyết, những tổ chức này đóng vai trò tích cực trong quản lý nhà nước, có quyền đề xuất dự luật trước Quốc hội.[257] Lê Duẩn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tập thể hóa trong nông nghiệp. Theo ông, quyền sở hữu đất đai phản ánh "cuộc đấu tranh giữa hai con đường — sản xuất tập thể và sản xuất tư nhân; sản xuất xã hội chủ nghĩa quy mô lớn và sản xuất nhỏ lẻ, manh mún".[258] Từ đó, ông coi tập thể hóa là phương án tất yếu nhằm thay thế chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.[258]
Tuy nhiên, đến cuối những năm 1970, mô hình hợp tác xã truyền thống bắt đầu bộc lộ hạn chế. Việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp dần trở thành thông lệ và được hợp pháp hóa vào năm 1981. Đối với phe bảo thủ, đây là một sự nhượng bộ, gợi nhớ đến Chính sách kinh tế mới của Vladimir Ilyich Lenin. Trong khi đó, phe cải cách lại coi chính sách khoán là phương thức thích ứng mới để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới, phá vỡ lý luận "hai con đường" mà Lê Duẩn từng khẳng định.[258] Trong thực tế lãnh đạo, Lê Duẩn cũng cho thấy sự linh hoạt nhất định khi điều chỉnh các nguyên lý giáo điều. Ông từng tuyên bố rằng Việt Nam cần "thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp ngay lập tức, ngay cả khi công nghiệp lớn chưa được xây dựng", bởi Việt Nam đang ở vào hoàn cảnh đặc biệt chưa từng có.[259] Theo ông, chìa khóa của chủ nghĩa xã hội không nằm ở công nghiệp hóa đơn thuần mà ở sự phân công lao động mới, với các hợp tác xã gắn kết chặt chẽ với khu vực kinh tế nhà nước, tạo nên nền kinh tế thống nhất dưới sự chỉ đạo của nhà nước.[260]
Trong bài diễn văn mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa VI năm 1976, Lê Duẩn nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thông qua việc xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân và tàn dư của chủ nghĩa tư bản, đồng thời phát động cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam.[261] Tại đây, Đảng sẽ tập trung xóa bỏ tầng lớp tư sản mại bản và những "tàn dư của giai cấp địa chủ phong kiến".[261] Thuật ngữ "tư sản mại bản" mà Lê Duẩn sử dụng để chỉ các tầng lớp làm giàu thông qua buôn bán và giao dịch với người phương Tây.[261] Tuy nhiên, ông không công khai rằng ngoài việc loại bỏ tư sản mại bản và địa chủ, chính quyền mới còn hướng tới xóa bỏ toàn bộ tầng lớp tư sản ở miền Nam.[262]
Dân tộc độc lập
Lập trường kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc thể hiện rõ trong thái độ của Lê Duẩn đối với các cường quốc. Ông từng nhấn mạnh quan điểm "không được sợ Mỹ, đồng thời không sợ cả Liên Xô và Trung Quốc".[263] Trong Chiến tranh Việt Nam, ông nhiều lần từ chối những đề nghị viện trợ có điều kiện từ Trung Quốc. Điển hình là việc ông kiên quyết bác bỏ kế hoạch đưa hai vạn quân Trung Quốc vào Việt Nam, cho rằng đây là âm mưu khống chế và xâm phạm chủ quyền.[264] Trong các cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc, Lê Duẩn luôn giữ thái độ cứng rắn. Năm 1963, tại Vũ Hán, ông được cho là đã đáp lại Mao Trạch Đông rằng Việt Nam đã từng đánh bại quân Nguyên, Minh, Thanh và nếu cần thiết, sẽ tiếp tục đánh bại bất cứ thế lực xâm lược nào, kể cả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.[265] Tại cuộc gặp với Chu Ân Lai năm 1971, ông cũng khẳng định dứt khoát: "Việt Nam là của chúng tôi; không phải của đồng chí".[266]
Theo một số nhà nghiên cứu, Lê Duẩn có thể nhượng bộ về phương diện chiến thuật, nhưng "tuyệt đối không nhượng bộ những điều nguy hại cho an ninh quốc gia". Trong các văn kiện cuối thập niên 1970, tinh thần dân tộc này kết hợp với lý tưởng quốc tế vô sản đã trở thành nền tảng tư tưởng của Lê Duẩn. Theo Stein Tønnesson, ông luôn coi Việt Nam là dân tộc tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đồng thời đề cao niềm tự hào dân tộc như một nguồn động lực mạnh mẽ.[267] Con trai ông, Thiếu tướng Lê Kiên Trung, cũng cho biết Lê Duẩn luôn giữ vững lập trường độc lập. Ngay cả sau chiến tranh, tên ông không xuất hiện trong các hình ảnh biểu trưng cho mối quan hệ Việt – Trung tại cửa khẩu Hữu Nghị. Theo Lê Kiên Trung, điều đó phản ánh quyết tâm của ông trong việc bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ.[268]
Remove ads
Đời tư
Tính cách
Lê Duẩn mô tả là một người "trầm lặng nhưng nghiêm nghị",[269] một nhà tổ chức "đáng gờm", đặc biệt trong giai đoạn chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam những năm đầu tiên của cuộc chiến,[53] và là người "nhiệt thành" với lý tưởng cộng sản.[37] Phong cách lãnh đạo của ông được một số đánh giá xem là "khôn ngoan",[68] "thực dụng",[270] "táo bạo" và "quyết đoán".[271] Trong quá trình lãnh đạo, ông thúc đẩy hình ảnh về một cơ chế lãnh đạo tập thể trong Đảng Lao động Việt Nam, thay vì xây dựng hình thức sùng bái cá nhân.[272] Dẫu vậy, ông vẫn khéo léo duy trì vị trí trung tâm quyền lực của mình và có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hoạch định chính sách và định hướng chiến lược của Đảng.[273] Lê Duẩn đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng bộ máy nhà nước Đảng trị tập trung ở miền Bắc, cho phép ông đàn áp các tiếng nói bất đồng và củng cố quyền lực trong nội bộ Đảng.[274]
Trong đời sống thường nhật, Lê Duẩn được mô tả là người "giản dị", "chân thành", "gần gũi" với quần chúng nhân dân.[275] Sở hữu phong thái nghiêm khắc và ít thể hiện cá tính nổi bật, ông được cấp dưới nhận xét là người "giản dị, không ham danh lợi, địa vị, ghét bệnh phô trương hình thức, ghét thói quan liêu".[276] Theo một số tư liệu, từ nhỏ Lê Duẩn đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ gia đình và môi trường làng quê. Ông được nhận xét là trung thực và giàu lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ người nghèo trong xóm, thậm chí lén mang cơm và gạo chia sẻ với cụ bà hàng xóm neo đơn.[277] Trong sinh hoạt thường ngày, ông giữ lối sống mộc mạc, thường mặc áo dài đen, quần trắng và đi guốc gỗ, thay vì chạy theo phong cách phương Tây như một số bạn bè cùng trang lứa.[278] Khi làm việc tại Sở Hỏa xa Đông Dương ở Hà Nội, ông vẫn giữ lối ăn mặc đơn giản, với áo vải diềm bâu và guốc gỗ, như ghi chép trong hồi ký của Tố Hữu.[279] Trong thời gian hoạt động cách mạng, trang phục của ông chủ yếu là đồ bà ba và quần áo ngủ, với số lượng rất hạn chế.[280] Quan điểm của Lê Duẩn về lối sống cá nhân thể hiện rõ trong một phát biểu được ghi lại bởi Đại tướng Lê Đức Anh: "Anh nào chỉ lo thu vén cá nhân thì suốt đời làm nô lệ cho bản thân mình!"[281]
Gia đình
Năm 1928, khi đang làm việc tại Sở Hỏa xa Đông Dương ở Hà Nội, Lê Duẩn kết hôn với Lê Thị Sương, con gái một gia đình khá giả ở quê nhà. Đây là một cuộc hôn nhân sắp đặt theo truyền thống và phải đến tận ngày cưới, ông mới có dịp gặp mặt vợ lần đầu.[282][283] Sau kết hôn, hai người sống tại Hà Nội và có con trai đầu lòng tên là Lê Thạch Hãn, đặt theo tên con sông quê hương Quảng Trị.[284] Bà Sương sinh thêm 3 người con gái là Lê Minh Cừ, Lê Thị Hồng và Lê Thị Muội.[285] Trong thời gian Lê Duẩn hoạt động cách mạng và bị giam giữ ở Côn Đảo, bà Sương sống tại Quảng Trị, một mình chăm sóc gia đình trong điều kiện khó khăn. Bà được mô tả là người đảm đang, âm thầm gánh vác mọi công việc hậu phương như chăn nuôi, trồng trọt và chăm lo cha mẹ chồng.[285][286] Dù gia đình có người giúp việc, bà vẫn trực tiếp làm hầu hết mọi việc, giữ vai trò trung tâm trong sinh hoạt gia đình. Một số tài liệu ghi nhận bà từng hỗ trợ chồng trong hoạt động bí mật khi còn sống chung tại Hà Nội.[287]
Trong giai đoạn Chiến tranh Đông Dương, do phải hoạt động ở miền Nam, Lê Duẩn không còn tiếp xúc thường xuyên với gia đình của mình. Năm 1950, trong thời gian công tác tại chiến khu U Minh, ông kết hôn lần thứ hai với Nguyễn Thụy Nga, một nữ du kích trong lực lượng phụ nữ cách mạng miền Nam. Hôn lễ được tổ chức trong vùng căn cứ, có sự tham dự của một số cán bộ cấp cao như Lê Đức Thọ và Phạm Hùng. Cuộc hôn nhân thứ hai này diễn ra trong điều kiện chiến tranh, do Lê Đức Thọ làm mai mối và Phạm Hùng làm chủ hôn.[288] Lê Duẩn từng tuyên bố bà Nga là "tình yêu đích thực" của đời mình.[289] Với người vợ hai này, Lê Duẩn có ba người con, trong đó người con gái lớn là Lê Vũ Anh và hai người con trai là Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung.[285]
Sau khi xây dựng gia đình với Lê Duẩn, bà Nguyễn Thụy Nga phải đối mặt với nhiều thách thức không chỉ đến từ hoàn cảnh chiến tranh mà còn từ vị trí "vợ hai" không chính danh bối cảnh xã hội và môi trường chính trị lúc bấy giờ. Tuy được phép kết hôn, mối quan hệ của bà với Lê Duẩn không được công khai rộng rãi, đặc biệt kể từ khi ông giữ cương vị Bí thư thứ nhất của Đảng.[65] Dù được bà Lê Thị Sương chấp nhận và xem như em gái, bà Nga vẫn đối mặt với định kiến từ một bộ phận nữ cán bộ, đặc biệt là thành viên Hội Phụ nữ. Nhiều ý kiến cho rằng hoàn cảnh hôn nhân của bà không phù hợp với nguyên tắc một vợ một chồng vốn được đề cao trong các diễn đàn công khai thời kỳ đó.[74] Ngay trong đời sống riêng tư, bà cũng gặp phản ứng mạnh từ con gái riêng của Lê Duẩn với người vợ trước và bị cô lập trong các dịp lễ nghi hoặc khi có khách quan trọng.[82] Một số lần bà bị yêu cầu rời khỏi nhà và không được giới thiệu là "phu nhân của Bí thư thứ nhất" trước công chúng. Theo hồi ký Bên nhau trọn đời của chính bà Nga, dù nhận được lời khuyên nên chấm dứt cuộc hôn nhân, bà vẫn lựa chọn ở lại và tiếp tục cuộc sống lặng lẽ bên lề sự nghiệp chính trị của chồng.[74]
Năm 1957, để tránh "những ánh nhìn phán xét từ xã hội Hà Nội", Nguyễn Thụy Nga quyết định mang theo các con sang Bắc Kinh du học, trong lúc bản thân đang mang thai người con thứ ba.[82] Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt nơi xứ người đã buộc bà phải gửi hai con lớn phải trở về Hà Nội sau một thời gian ngắn, và người con út cũng được đưa về nước khi lâm bệnh.[289] Một mình ở lại Bắc Kinh, bà tiếp tục việc học trong hoàn cảnh cô đơn. Năm 1960, bà Nga được gặp lại Lê Duẩn khi ông sang Bắc Kinh công tác cùng Trường Chinh và Hồ Chí Minh. Trong chuyến đi, bà được phép ở cùng chồng tại Nhà khách Điếu Ngư Đài. Đây là lần đầu tiên bà xuất hiện bên cạnh các phu nhân lãnh đạo Trung Quốc trong một sự kiện chính thức, theo đề nghị từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc được đứng chung khung hình với Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân Chu Ân Lai) và Vương Quang Mỹ (phu nhân Lưu Thiếu Kỳ) đã mang lại cho bà cảm giác lần đầu tiên được công nhận như một "người vợ chính thức" – điều mà trong suốt thời gian dài trước đó, bà chưa từng có được.[290]
Theo hồi ức của Lê Kiên Thành, dù không phải mẹ ruột, bà Lê Thị Sương vẫn dành tình cảm yêu thương và quan tâm đối với các con riêng của Lê Duẩn với bà Nguyễn Thị Nga. Ông Thành mô tả bà là người "nhẹ nhàng, kín đáo và không bao giờ thể hiện sự phân biệt đối xử", luôn chăm sóc sức khỏe, dạy dỗ và chuẩn bị bữa ăn cho ông với sự tận tụy, không lời than phiền.[285]
Remove ads
Di sản

Lê Duẩn là một trong những nhà tư tưởng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn từ giữa thập niên 1950 cho đến khi ông qua đời năm 1986. Ông thường được đánh giá là nhà lãnh đạo quyền lực và có ảnh hưởng lớn thứ hai trong thế kỷ 20 tại Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.[1] Tuy nhiên, không giống Hồ Chí Minh – người thường giữ vai trò biểu tượng và cố kết dân tộc – Lê Duẩn được xem là kiến trúc sư thực tế của nhiều chính sách lớn, cả trong chiến tranh và thời kỳ hậu thống nhất. Ông là người phát triển học thuyết về "hai nhiệm vụ chiến lược", trong đó nhấn mạnh sự kết hợp giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam bằng đấu tranh vũ trang, một quan điểm đóng vai trò trung tâm trong đường lối của Đảng trong suốt thập niên 1960–1970.[291]
Theo quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông có đóng góp đặc biệt lớn trong việc hoạch định đường lối cách mạng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch quân sự quyết định trong Chiến tranh Việt Nam, đồng thời tham gia định hướng mô hình phát triển kinh tế sau thống nhất. Trong thời kỳ trước và trong chiến tranh, Lê Duẩn được ghi nhận là người khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh vũ trang nhằm thống nhất đất nước. Văn kiện Đề cương cách mạng miền Nam của ông sau này trở thành cơ sở cho Nghị quyết 15 (1959), chính thức mở đường cho phong trào đấu tranh vũ trang.[292] Ông đồng thời giữ vai trò chỉ đạo cao nhất đối với các chiến dịch lớn như Chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).[293] Tuy nhiên, tư tưởng và chính sách của Lê Duẩn để lại di sản gây nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ cho rằng ông là nhà lãnh đạo cứng rắn, quyết đoán, có công lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc và duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh quốc tế phức tạp. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu chỉ trích đường lối kinh tế tập trung quan liêu do ông chỉ đạo đã góp phần dẫn đến khủng hoảng kinh tế kéo dài trong thập niên 1980, đồng thời tạo ra bộ máy hành chính trì trệ và thiếu năng động, khiến xã hội rơi vào tình trạng bế tắc.[294]
Sau năm 1975, Lê Duẩn chủ trương áp dụng mô hình kinh tế tập trung theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với quyết tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc.[295] Tuy nhiên, các chính sách mang tính duy ý chí, xa rời quy luật thị trường đã gây ra tình trạng trì trệ kéo dài: sản xuất đình đốn, năng suất thấp, phân phối hàng hóa không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trong khi cơ chế khuyến khích gần như không tồn tại. Trong nông nghiệp, hệ thống hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả; phân phối tem phiếu phổ biến nhưng không đủ cung ứng hàng hóa thiết yếu. Tình trạng thiếu thốn và suy dinh dưỡng lan rộng, buộc Việt Nam phải tiếp nhận viện trợ lương thực từ quốc tế. Các biện pháp cải tạo xã hội như xây dựng vùng kinh tế mới và trại cải tạo dẫn đến biến động dân cư quy mô lớn.[296] Cùng với đó, làn sóng vượt biên cuối thập niên 1970 tạo ra hiện tượng “thuyền nhân”, làm mất đi một bộ phận nhân lực có kỹ năng và tri thức. Chính sách cứng rắn đối với cộng đồng Hoa kiều, bao gồm quốc hữu hóa tài sản và cưỡng chế di cư,[297] tuy giúp nhà nước loại bỏ ảnh hưởng kinh tế của tầng lớp tư sản người Hoa – vốn chi phối thị trường ở nhiều nước Đông Nam Á – nhưng cũng gây ra đứt gãy mạng lưới thương mại, làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế và khiến quan hệ Việt – Trung leo thang dẫn đến chiến tranh biên giới năm 1979.[298] Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối đời, Lê Duẩn đã bắt đầu thể hiện sự linh hoạt nhất định. Năm 1985, ông đưa khái niệm "kinh tế nhiều thành phần" vào nghị quyết của Bộ Chính trị, đặt nền móng sơ khai cho công cuộc Đổi Mới. Khi ông qua đời năm 1986, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong khủng hoảng sâu sắc, đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới toàn diện tư duy và cơ chế điều hành.[299]
Remove ads
Tặng thưởng
Lê Duẩn được trao tặng một số huân chương và danh hiệu từ nhà nước Việt Nam và các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Năm 1986, chỉ ít ngày trước khi qua đời, ông được trao tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên phương diện quốc tế, ông được trao Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin "Vì sự nghiệp củng cố hoà bình giữa các dân tộc" của Liên Xô vào năm 1980. Ngoài ra, ông cũng nhận được Huân chương Lenin (1982) từ Liên Xô, Huân chương Klement Gottwald của Tiệp Khắc (1982), Huân chương José Martí của Cuba (1982), Huân chương Karl Marx của Cộng hòa Dân chủ Đức (1982), Huân chương Vàng Quốc gia của Lào, cùng với một số phần thưởng từ các nước xã hội chủ nghĩa khác như Campuchia, Mông Cổ, Ba Lan, Hungary và Bulgaria.
Cước chú
- Khoá học năm 1924–1925, Trường Quốc học Huế cho tuyển 20 học sinh. Những ai đỗ từ thứ 21 đến thứ 24 sẽ được học dự thính khoảng 6 tháng. Sau 6 tháng, nếu trong số 20 học sinh thi đỗ chính thức không ai đau ốm hoặc vì lý do chính trị buộc phải thôi học thì những học sinh dự thính cũng sẽ buộc phải nghỉ học.[14]
- Vào năm 1960, Đảng Lao động Việt Nam đổi tên chức vụ lãnh đạo cao nhất từ "Tổng Bí thư" thành "Bí thư thứ nhất", theo mô hình tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Liên Xô, sau cái chết của Stalin năm 1953, chức danh Tổng Bí thư bị bãi bỏ; Khrushchyov được bầu làm Bí thư thứ nhất vào năm 1953, đảm nhận vai trò lãnh đạo thực quyền của Đảng. Việc áp dụng mô hình này tại Việt Nam thể hiện sự phân tách giữa quyền lực điều hành (do Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, nắm giữ) và vai trò biểu tượng, danh dự (do Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng, đảm nhiệm).[88]
Remove ads
Chú thích
Thư mục
Liên kết ngoài
Wikiwand - on
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Remove ads