chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ chuyên môn gà chiên From Wikipedia, the free encyclopedia
Kentucky Fried Chicken, thường được biết đến với tên gọi tắt là KFC, là một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ chuyên về các sản phẩm gà rán có trụ sở đặt tại Louisville, Kentucky. Đây là chuỗi nhà hàng lớn thứ hai thế giới (xếp theo doanh thu) và chỉ đứng sau McDonald's với tổng cộng gần 20.000 nhà hàng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến tháng 12 năm 2015). Đây là một trong những thương hiệu trực thuộc Yum! Brands, một tập đoàn cũng sở hữu chuỗi nhà hàng Pizza Hut và Taco Bell.
Loại hình | Công ty con |
---|---|
Ngành nghề | Nhà hàng |
Lĩnh vực hoạt động | Thức ăn nhanh |
Thành lập |
|
Người sáng lập | Harland Sanders |
Trụ sở chính | 1441 Gardiner Lane Louisville, Kentucky Hoa Kỳ |
Số lượng trụ sở | 18,875 (2013)[1] |
Thành viên chủ chốt |
|
Sản phẩm |
|
Doanh thu | 23 tỉ đô-la (2013)[3] |
Công ty mẹ | Yum! Brands |
Website | www |
KFC ban đầu được thành lập bởi doanh nhân Colonel Harland Sanders. Ông bắt đầu công việc bán gà rán từ một nhà hàng nhỏ tại Corbin, Kentucky trong thời kỳ Đại khủng hoảng. Sanders đã sớm nhận thấy tiềm năng từ tổ chức nhượng quyền nhà hàng này, và thương vụ nhượng quyền "Kentucky Fried Chicken" đầu tiên được xuất hiện ở Utah vào năm 1952. KFC sau đó đã nhanh chóng phổ biến hóa các thực phẩm chế biến từ gà trong ngành công nghiệp thực phẩm thành đồ ăn nhanh và cạnh tranh với sự thống trị của hamburger trong thị trường lúc bấy giờ. Bằng việc tự xây dựng thương hiệu cho bản thân dưới cái tên "Colonel Sanders", Harland đã trở thành một hình tượng nổi bật trong lịch sử văn hóa Mỹ, và hình ảnh của ông vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong các quảng cáo của KFC cho tới ngày nay. Tuy nhiên, việc mở rộng nhanh chóng của hệ thống cộng với những căn bệnh tuổi già đã khiến ông không thể kiểm soát nổi chuỗi nhà hàng và phải bán công ty lại cho một nhóm nhà đầu tư được dẫn đầu bởi John Y. Brown Jr. và Jack C. Massey vào năm 1964.
KFC là một trong những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên mở rộng thị phần quốc tế, với nhiều cửa hàng ở Canada, Vương quốc Anh, Mexico và Jamaica vào giữa những năm 60. Trong suốt thập niên 70 và 80, KFC phải trải qua nhiều sự thay đổi về chủ quyền sở hữu công ty hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh nhà hàng. Đầu những năm 70, KFC được bán cho Heublein, trước khi sang nhượng lại cho PepsiCo. Năm 1987, KFC trở thành chuỗi nhà hàng phương Tây đầu tiên được mở ở Trung Quốc, và ngay lập tức mở rộng thị phần tại đây. Đó chính là thị trường lớn nhất của công ty. Sau đó, PepsiCo đã chuyển hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh, bao gồm cả nhãn hiệu KFC, sang một công ty về nhà hàng độc lập Tricon Global Restaurants, sau này đổi tên thành Yum! Brands.[4]
Sản phẩm gốc của KFC là những miếng gà rán truyền thống Original Recipe, được khám phá bởi Sanders với "Công thức 11 loại thảo mộc và gia vị". Công thức đó đến nay vẫn là một bí mật thương mại. Những phần gà lớn sẽ được phục vụ trong một chiếc "xô gà" - đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt của nhà hàng kể từ khi giới thiệu lần đầu tiên bởi Pete Harman vào năm 1957. Kể từ đầu những năm 90, KFC đã mở rộng thực đơn của mình để cung cấp cho thực khách những món ăn đa dạng hơn ngoài món gà như bánh mì kẹp phi lê gà và cuộn, cũng như xà lách và các món phụ ăn kèm, khoai tây chiên và xà lách trộn, các món tráng miệng và nước ngọt, sau này được cung cấp bởi PepsiCo. KFC được biết đến với câu khẩu hiệu "Finger Lickin' Good" (Vị ngon trên từng ngón tay), hay "Nobody does chicken like KFC" (Không ai làm thịt gà như KFC) và "So good" (Thật tuyệt).
Việc kinh doanh đã phát triển, vượt quá tầm kiểm soát nên ông đã bán lại cho một nhóm người. Họ lập nên Kentucky Fried Chicken Corporation và mời ông Sanders làm "Đại sứ Thiện chí".
KFC là công ty con của Yum! Brands, một trong những tập đoàn nhà hàng lớn nhất thế giới. Theo thống kê năm 2013, doanh số của KFC đã cán mốc 23 tỉ đô-la. KFC có trụ sở chính tại 1441 Gardiner Lane, Louisville, Kentucky,[6][7] bao gồm văn phòng điều hành và các cơ sở nghiên cứu phát triển.[8] KFC còn được sáp nhập tại 1209 North Orange St, Wilmington, Delaware.[9] (thông tin cần được giải thích rõ ràng hơn).
Đến tháng 12 năm 2013, đã có 18.875 cửa hàng KFC tại 118 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.[10] Nó bao gồm 4.563 điểm bán hàng tại Trung Quốc, 4.491 tại Hoa Kỳ, và 9.821 ở những nơi khác. Những cửa hàng này được sở hữu bởi nhượng quyền hoặc trực tiếp từ công ty.[11] Mười một phần trăm cửa hàng do công ty đang sở hữu, phần còn lại được chủ sở hữu nhượng quyền thương mại.[12] Mặc dù vốn đầu tư lớn, chủ sở hữu công ty cho phép mở rộng nhiều hơn chuỗi nhà hàng thông qua hình thức chuyển nhượng thương mại.[13]
Hầu hết các nhà hàng đều được trang trí những hình ảnh của nhà sáng lập công ty - Đại tá Harland Sanders.[8] Thay vì ăn tại quán hoặc mang về, nhiều cửa hàng KFC độc lập còn cung cấp dịch vụ mua trực tiếp trên xe.[14] Ngoài ra, KFC cũng có dịch vụ giao hàng tận nơi tại một số thị trường.[14] Bên cạnh những nhà hàng được đặt tại những địa điểm độc lập, KFC còn mở nhiều dịch vụ bán hàng tại các trạm xăng, cửa hàng tiện lợi, sân vận động, công viên và các trường đại học.[14] Trung bình doanh thu hàng năm tính trên đầu người là 1,2 triệu đô-la/người vào năm 2013.[15] Trên thế giới, số lượng đơn đặt hàng trung bình tại một cửa hàng KFC là 250, hầu hết diễn ra vào các giờ cao điểm.[16]
KFC đã bắt đầu khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 1997, tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn Super Bowl. Dù đối mặt với nhiều khó khăn khi khái niệm "thức ăn nhanh" vẫn hoàn toàn xa lạ tại đây, và liên tục chịu lỗ trong suốt 7 năm đầu kinh doanh (17 cửa hàng trong 7 năm),[17] nhưng với chiến lược tiếp cận hợp lý, hệ thống nhà hàng của KFC Việt Nam đến nay đã phát triển tới hơn 140 nhà hàng, có mặt tại hơn 19 tỉnh/thành phố lớn trên cả nước.[18] Hàng năm KFC thu hút khoảng 20 triệu lượt khách trong nước, chiếm khoảng 60% thị trường thức ăn nhanh Việt Nam và góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3 ngàn người lao động.[19]
Trước sức ép ngày một lớn từ các tập đoàn kinh doanh gà rán nói riêng và thức ăn nhanh nói chung tương tự có tại Việt Nam như: McDonald's, Lotteria, Burger King, Jollibee... KFC đã chế biến thêm một số món để phục vụ những thức ăn hợp khẩu vị người Việt như: Gà quay giấy bạc, Gà Giòn Không Xương, Gà giòn Húng quế, Cơm gà, Cá thanh... Một số món mới cũng đã được phát triển và giới thiệu tại thị trường Việt Nam, góp phần làm tăng thêm sự đa dạng trong danh mục thực đơn: Bắp cải trộn, Khoai tây nghiền, Bánh nhân mứt, Bánh trứng nướng cùng nhiều suất ăn cụ thể cho từng nhóm người.[20]
Ngoài khía cạnh tích cực trong việc giải quyết vấn đề ăn uống cho những người bận rộn và tạo thu nhập cho xã hội, gà rán KFC cũng như các thức ăn nhanh khác (chủ yếu với các món rán) đã được coi là có hại cho sức khỏe con người nếu được sử dụng liên tục vì các món rán được coi như một trong những tác nhân gây ung thư, béo phì và bệnh lý tim mạch. Việc hạn chế sử dụng các đồ uống có gas thường bán tại các cửa hàng ăn nhanh cũng được các nhà dinh dưỡng học và bác sĩ khuyến cáo[21][22].
Kể từ khi bước vào thế kỷ 21, thức ăn nhanh đã bị chỉ trích vì những vấn đề xung quanh việc phúc lợi động vật. Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) đã nhiều lần phản đối việc lựa chọn các nhà cung cấp gia cầm trên toàn thế giới của KFC.[23] Tháng 12 năm 2012, chuỗi cửa hàng KFC ở Trung Quốc dính bê bối khi bị phát hiện sử dụng hormone tăng trưởng và thuốc kháng sinh để tăng tốc độ phát triển của đàn gia cầm và vi phạm luật pháp của Trung Quốc.[24] Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hãng ở thị trường Trung Quốc - nơi họ đã thu về gần một nửa lợi nhuận công ty từ đây.[24]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.