hoàng đế Việt Nam From Wikipedia, the free encyclopedia
Hồ Quý Ly (chữ Hán: 胡季犛; 1336 – 1407), tên chữ Nhất Nguyên (一元), là vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi vị Hoàng đế từ năm 1400 đến năm 1401 tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng (國祖章皇), sau đó giữ ngôi Thái thượng hoàng từ năm 1401 đến năm 1407.
Hồ Chương Hoàng 胡 章 皇 | |||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Vua Việt Nam | |||||||||||||
Hoàng đế Đại Ngu | |||||||||||||
Trị vì | 22 tháng 3 năm 1400 - 18 tháng 1 năm 1401 302 ngày | ||||||||||||
Tiền nhiệm | Sáng lập triều đại | ||||||||||||
Kế nhiệm | Hồ Hán Thương | ||||||||||||
Thông tin chung | |||||||||||||
Sinh | 1336 Thanh Hóa, Đại Việt thời Nhà Trần | ||||||||||||
Mất | 22 tháng 10, 1407 tuổi) Quảng Tây, Đại Minh | (70–71||||||||||||
An táng | Trung Quốc | ||||||||||||
Thê thiếp | Thái Từ Hoàng hậu Mẫn Dương quý phi | ||||||||||||
Hậu duệ |
| ||||||||||||
| |||||||||||||
Tước vị |
| ||||||||||||
Triều đại | Nhà Hồ | ||||||||||||
Thân phụ | Lê Quốc Mạo | ||||||||||||
Thân mẫu | Phạm Phu nhân | ||||||||||||
Tôn giáo | Nho giáo |
Hồ Quý Ly được xem là một nhà cải cách trong lịch sử Việt Nam và cũng là một nhân vật gây tranh cãi với những luồng ý kiến khen chê khác nhau. Các sử gia hiện đại đánh giá ông là người có đầu óc mạnh dạn, muốn xoay chuyển thời thế, nhưng khi thực hiện lại mắc nhiều sai lầm, làm mất lòng dân dẫn đến hoạ mất nước. Hồ Quý Ly để lại bài học cho lịch sử nhiều hơn là cái ông làm cho lịch sử.[cần dẫn nguồn]
Thời niên thiếu, Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường triều Trần sau khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ. Hồ Quý Ly có hai người cô ruột là vợ của vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông còn người kia sinh ra Trần Duệ Tông, do đó ông được sự tín nhiệm khi Trần Nghệ Tông lên làm vua. Năm 1372, ông được phong làm Tham mưu quân sự. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành bị tử trận, Hồ Quý Ly kinh hãi, bỏ chạy về trước, nhưng vẫn được tha tội. Năm 1380, Hồ Quý Ly làm Thống lĩnh quân Đại Việt để chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành. Năm 1387, ông được phong làm Tể tướng. Từ đó, ông có quyền lực gần như tuyệt đối trong triều, các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ sự thống trị của Quý Ly nhưng ông đều giành chiến thắng và đã có nhiều người bị hành quyết sau đó.
Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được 1 năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền. Hồ Quý Ly đã đề ra những cải cách về hành chính, giáo dục khoa cử, kinh tế, quân sự, trong đó bao gồm việc phát hành tiền giấy và đã chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Nhưng các cải cách đó phần lớn là thất bại, khiến nhà Hồ mất sự ủng hộ của người dân.
Vế đối ngoại, mười tháng sau khi lên ngôi, ông đã phát binh thảo phạt Chiêm Thành, qua hai lần phát binh, chiếm được hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy (1402). Năm sau (1403), ông còn cho đại quân bao vây Đồ Bàn nhưng không thắng. Đến năm 1406, nhà Minh đưa quân xâm lược Đại Ngu. Do không được lòng dân, binh sỹ bất mãn nên quân nhà Hồ thất bại nhanh chóng, lui dần về phía nam và thất bại toàn cục năm 1407 khi cha con Hồ Quý Ly đều bị quân Minh bắt và giải về Trung Quốc.
Hồ Quý Ly trước có tên là Lê Quý Ly (黎季犛), biểu tự Lý Nguyên (理元). Ông sinh năm Bính Tý (1336), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa). Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Chiết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán (947-950) sang sinh sống ở Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu, Nghệ An). Đến thời loạn 12 sứ quân họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy Nguyệt Đích Công chúa, sinh ra Nguyệt Đoan Công chúa. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ.[1]
Theo sách Việt sử tiêu án: Quý Ly tìm kiếm được dòng máu họ Hồ, muốn trở lại họ cũ, bèn lấy tên Hồ Cương làm người tâm phúc.[2] Theo Minh thực lục, Lê Quý Ly xưa vốn là con của một cựu võ quan là Lê Quốc Mạo hoặc Lê Quốc Kỳ, sau khi cướp ngôi, Lê Quý Ly đổi tên thành Nhất Nguyên (一元).[3][4][5]
Hồ Quý Ly thuở nhỏ theo học võ Nguyễn Sư Tề, sau đỗ thi Hương, rồi đỗ khoa Hoành từ.[6] Hai chị em bà cô của Hồ Quý Ly đều làm cung nhân của Trần Minh Tông; bà Minh Từ Hoàng thái phi sinh ra Trần Nghệ Tông; bà Đôn Từ Hoàng thái phi sinh ra Trần Duệ Tông. Do đó, Trần Nghệ Tông mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly, lại đem em gái mới góa chồng là Huy Ninh công chúa gả cho.[7]
Năm 1369, vua Trần Dụ Tông mất, do không có con, ra chiếu cho người con của cố Cung Túc Đại vương Trần Dục tên Nhật Lễ lên ngôi. Nhật Lễ vốn là con của người làm trò trong hoàng cung tên Dương Khương. Vợ Dương Khương làm con hát trong cung, đương khi mang thai Nhật Lễ thì Trần Dục lấy làm thích, cưới về làm vợ, nhận Nhật Lễ làm con. Nhật Lễ lên ngôi, chỉ lo rượu chè dâm dật, hát xướng, tôn thất nhà Trần và các quan đều thất vọng. Năm 1370, người con thứ ba của vua Trần Minh Tông liên kết với các tôn thất và các quan làm binh biến, các tướng đem quân hàng, rốt cuộc bắt được Nhật Lễ, lên làm vua, tức Trần Nghệ Tông.[8]
Do là anh em bên ngoại nên Hồ Quý Ly được vua Nghệ Tông tín nhiệm. Năm 1371, Quý Ly được làm Khu mật viện đại sứ và được vua gả em gái vừa góa chồng là công chúa Huy Ninh cho. Thời bấy giờ, nước Chăm do Chế Bồng Nga làm vua cường thịnh, thường đem binh đánh cướp Đại Việt. Năm 1371, quân Chiêm đánh vào tận kinh đô, cướp bóc, đốt phá, nhà vua phải lánh sang Đông Ngàn tránh.[9] Tháng 8 năm 1371, vua Nghệ Tông sai Quý Ly đi tới Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ về biên giới, đến tháng 9, gia phong làm Trung Tuyên Quốc thượng hầu.
Tháng 11 năm 1372, Trần Nghệ Tông xuống chiếu nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức là Trần Duệ Tông, còn bản thân lên làm Thái thượng hoàng. Trần Duệ Tông là con của Đôn Từ Thái phi, cũng là cô của Lê Quý Ly. Trần Duệ Tông lấy Lê Quý Ly làm Tham mưu quân sự.[10] Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn. Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Duệ Tông quyết định thân chinh đi đánh. Tháng 12 năm 1376, Duệ Tông cầm 12 vạn quân đánh Chiêm Thành.[11] Tháng giêng năm 1377, quân Đại Việt tiến vào cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Quân Việt bị quân Chiêm phục kích, Duệ Tông. Hồ Quý Ly thân mang đại binh không dám ứng cứu khiến Duệ Tông thọ nạn[12]
Năm 1377, Trần Nghệ Tông thấy Duệ Tông tử trận, nên chiêu hồn chôn ở Hy Lăng và cho lập con trưởng của Duệ Tông là Kiến Đức Đại vương Trần Hiện 16 tuổi lên làm vua, tức là Trần Phế Đế, tôn hiệu Giản Hoàng.[12][13] Theo nhận xét của sử quan Ngô Sĩ Liên: vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay.
Sau khi đánh bại Trần Duệ Tông, vua Chăm Pa Chế Bồng Nga biết binh lực nhà Trần suy nhược nên liên tục phát thủy binh Bắc tiến. Trong vòng chỉ hai năm (1377–1378), quân Chăm Pa tiến công hai lần bằng đường biển, hai lần đều vào được thành Thăng Long giết người cướp của rồi rút về.
Năm 1379, Hồ Quý Ly được vua lấy làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ như cũ. Hồ Quý Ly tiến cử con của thầy học mình là Nguyễn Đa Phương làm tướng quân, Phạm Cự Luận làm quyền đô sự. Người đương thời cho rằng Hồ Quý Ly có phương viên tá lự, tức có người giúp mưu tính kế vuông tròn.[14]
Đầu năm 1380, vua Chăm Pa phát quân đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An. Tháng 3 năm đó, Lê Quý Ly được lệnh thống lĩnh quân thủy, Đỗ Tử Bình chỉ huy quân bộ đi vào Thanh Hóa để chống giữ. Quý Ly đem quân đến sông Ngu (nay là sông Lạch Trường ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), ra lệnh cho binh sĩ đóc cọc gỗ ở giữa lòng sông.[15] Tháng 5 cùng năm, Quý Ly dẫn viên tướng chỉ huy quân Thần Vũ là Nguyễn Kim Ngao và tướng chỉ huy quân Thị vệ là Đỗ Dã Kha ra đánh. Kim Ngao quay thuyền trở lại để tránh mũi nhọn của giặc. Quý Ly chém Ngao để thị uy trước ba quân, rồi ra lệnh quân sĩ nổi trống hò reo mà tiến. Vua Chiêm Chế Bồng Nga chống cự không được, phải rút chạy về nam. Kể từ đó Đỗ Tử Bình cáo ốm, không giữ binh quyền nữa. Chỉ có Quý Ly giữ chức Nguyên Nhung hành Hải Tây Đô thống chế.[16]
Sang năm 1382, quân Chiêm lại Bắc tiến đánh vào Thanh Hóa. Lê Quý Ly đem quân đóng đồn ở núi Long Đại ở Thanh Hóa (tức núi Hàm Rồng), Nguyễn Đa Phương đóng cọc giữ cửa biển Thần Đầu. Quân Chiêm hai đường tiến đánh. Khi thủy quân Chiêm lại gần, Đa Phương không đợi lệnh Quý Ly, cho mở cọc cắm cừ, tiến ra giao chiến. Quân Chiêm trở tay không kịp, quân Đại Việt dùng hỏa khí ném vào làm thuyền Chiêm bị cháy đắm gần hết. Quân Chiêm thua to, phải bỏ chạy vào rừng núi. Quân Việt vây núi ba ngày, quân Chiêm nhiều người bị chết đói. Thủy quân Chiêm còn lại bỏ chạy về nước. Quân Việt đuổi theo đánh đến Nghệ An. Sau đó Nguyễn Đa Phương được thăng làm Kim Ngô vệ Đại tướng quân.[17]
Kể từ khi giành toàn thắng trong các trận sông Ngu và cửa Thần Đầu, quân thế Đại Việt đã tốt hơn nhiều. Do vậy, tháng 1 năm 1383, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Lê Quý Ly đem quân vào đến Lại Bộ Nương Loan (ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay) nhưng gặp phải bão đánh nát mất nhiều thuyền chiến, vì vậy lại phải rút quân về. Sang tháng 6, Chế Bồng Nga cùng với đại tướng La Khải đem quân đi đường núi ra đóng ở đất Quảng Oai (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Trần Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn đi đánh, nhưng bị quân Chiêm bắt. Nghệ Tông sợ hãi, chạy khỏi Thăng Long, người học trò Nguyễn Mộng Hoa mặc nguyên quần áo lội xuống nước cản Thượng hoàng hãy ở lại chống quân Chăm Pa nhưng Nghệ Tông không nghe. Nguyễn Đa Phương ngày đêm đốc suất quân sĩ dựng rào chắn bảo vệ kinh thành, tháng 12 quân Chiêm dẫn quân về.[18]
Năm 1384, nhà Minh đánh vùng Vân Nam, sai người sang Đại Việt đòi lương thực cấp cho quân lính ở Lâm An. Nhà Trần đồng ý cấp lương thực, các quan sai đi nhiều người nhiễm bệnh mà chết. Đến năm 1385, 1386, nhà Minh lại đòi cấp tăng nhân, các giống hoa quả, lại sai bọn Cẩm Y vệ sang mượn đường đánh Chiêm Thành, đòi 50 con voi.[19] Quan Tư đồ, Chương túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn, đem con là Mộng Dữ gửi gắm cho Quý Ly. Quý Ly đem công chúa Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ. Lúc này Hồ Quý Ly nắm quyền hành lớn, các tôn thất và quan lại tỏ ra lo lắng. Năm 1387, Hồ Quý Ly được thăng làm Đồng bình chương sự, Thượng hoàng ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề tám chữ Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức, Quý Ly làm một bài thơ cảm tạ.
Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tuy nắm giữ đại quyền, nhưng việc gì cũng do Quý Ly quyết định. Quý Ly tìm cách phát triển thế lực riêng, nhưng Nghệ Tông vẫn không hề nghi ngại. Lúc đó, lòng các quan lại, tôn thất phần nhiều đã chán nản, rã rời, nhiều người biết trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần như Trần Nguyên Đán liền kết thông gia với họ Hồ, mong được phú quý và toàn mạng sau này.[20] Tuy nhiên, Nghệ Tông hết lòng tin rằng Quý Ly vẫn trung thành với triều Trần, nên trao cho ông gươm và một lá cờ có đề "Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức".[21]
Bấy giờ, Hoàng đế thấy Thượng hoàng quá tin dùng Quý Ly, mới bàn với Thái úy Trang Định vương Trần Ngạc (là con trưởng của Thượng hoàng) rằng nếu không trừ đi ắt thành vạ to. Không ngờ rằng, người hầu vua học là Vũ Như Mai biết được chuyện này, liền báo cho Quý Ly biết trước. Nguyễn Đa Phương khuyên Quý Ly nên tránh ra núi Đại Lại (ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) để chờ đợi biến động. Trong khi đó, Phạm Cự Luận lại can rằng:[21][22]
Quý Ly nói:
Cự Luận nói:
Quý Ly nghe vậy, bèn bí mật vào yết kiến Thượng hoàng rồi cứ y tâu như lời Cự Luận.[23] Thượng hoàng nghe vậy, bèn giả vờ vi hành về Yên Sinh, rồi sai người gọi Đế hiển đến bàn việc nước. Đế hiển đến, lập tức bị bắt rồi bị giam vào chùa Tư Phúc. Các tướng chỉ huy các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân Thiết Giáp là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách định đem quân vào cướp lấy vua đem ra. Đế hiển viết hai chữ "Giải giáp" đưa cho các tướng và răn bảo họ không được trái ý Thượng hoàng, các tướng mới thôi. Lát sau, Nghệ Tông đưa vua xuống phủ Thái Dương và cho thắt cổ cho chết. Bấy giờ Lê Á Phu cùng các tướng Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Lê Lặc, Nguyễn Bát Sách và người học trò Lưu Thường vì cùng mưu với Đế hiển nên đều bị giết cả; chỉ có Nhập nội Hành khiển tả ty Lê Dữ Nghị là bị đày ra Trại Đầu. Về sự việc này, sử gia Ngô Sĩ Liên trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư có nói rằng:[24]
“ |
Khi ấy khí thế của họ Hồ đang mạnh, mọi người đều biết là nó sẽ cướp ngôi, Trang Định vương Ngạc là Thái úy, lại là con của Nghệ hoàng, thấy xã tắc sắp nghiêng đổ, nếu biết hướng vua làm điều phải, gây niềm tin ở vua cha, hiệu lệnh nghiêm ngặt, để nhiều người theo về mình, khiến cho Nghệ Tông già lẫn phải tỉnh lại. Giản hoàng nhút nhát phải tự lập, quyền bính về tay hết, mệnh lệnh ban từ trên, thì lòng gian của họ Hồ cũng phải tự ngừng lại. Trang Định không mưu tính đến việc đó, Á Phu không lường được vu mình chẳng có tài cương đoán, lại khuyên vua giết Quý Ly, mà cơ mưu không cẩn mật, để cho nó biết trước. Trang Định lại không sớm quyết đoán, bỏ lỡ cơ hội, đến nỗi công việc thất bại, thân mình bị giết, lại giết lây cả đến những quân tướng tài giỏi, thực đáng than thở biết bao! Có người hỏi: Họ Hồ trên được vua tin, dưới nắm binh quyền, dẫu đến Nguyên Đán là người có kiến thức, lại lão luyện sự đời còn không làm gì được, huống chi là Trang Định! Xin thưa: Cứ xem nói trong lòng lo sợ mà định tự tử, thì việc chế ngự Quý Ly cũng dễ thôi! Trước hết hãy trừ bọn Đa Phương, Cự Luận để chặt vây cánh của nó đi, thì thế nó phải cô ngay. |
” |
Theo Minh thực lục, khoảng cuối tháng 12 năm 1388, Lê Nhất Nguyên (黎一元) giết vua Trần Vĩ (tức Trần Phế Đế) rồi chôn ở phường Đại Dương ngoại thành Thăng Long. Lê Nhất Nguyên sau đó lập Trần Nhật Hỗn (tức Trần Thuận Tông), con Trần Thúc Minh (tức Trần Nghệ Tông) (陳叔明) lên thay.[3]
Vua Trần Phế Đế bị buộc cổ cho chết, Trần Nghệ Tông lập người con út là Chiêu Định vương Ngung làm hoàng đế, tức vua Trần Thuận Tông, vào năm 1388, đổi niên hiệu là Quang Thái, đại xá, tự xưng là Nguyên Hoàng. Một năm sau, vua lập con gái lớn của Quý Ly làm Hoàng hậu. Cùng năm đó, Hồ Quý Ly lấy người tâm phúc của mình là Phạm Cự Luận làm Thiêm thư Khu mật viện sự, Cự Luận tiến cử cho Quý Ly người em là Phạm Phiếm cùng Vương Khả Tuân, Dương Chương, Hàn Tử Tây, Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư, Nguyễn Cảnh Chân và Đỗ Tử Mãn, đều là người tài giỏi.[25]
Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại đánh lên Thanh Hóa, tiến vào hương Cổ Vô. Nghệ Tông lại sai Lê Quý Ly dẫn quân chống cự. Quân Chiêm đắp ngăn sông Bản Nha ở thượng lưu, quân Đại Việt đóng cọc dày đặc đối địch, giữ nhau 20 ngày. Quân Chiêm đặt sẵn quân và voi, giả vờ bỏ doanh trại rút về. Hồ Quý Ly chọn những quân tinh nhuệ, dũng cảm làm quân cảm tử truy kích quân Chiêm. Thủy quân Đại Việt nhổ cọc ra đánh, quân Chiêm phá đập nước, tung voi trận xông ra. Quân tinh nhuệ đã đi xa, quân thủy bị ngược dòng không tiến lên được. Kết quả quân Đại Việt bị thua to, hàng trăm tướng tử trận. Quý Ly để tỳ tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về Thăng Long. Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương chống giữ ở Ngu Giang, biết mình thế yếu, bèn dùng kế giương nhiều cờ xí, buộc thuyền lớn vào cọc, sai người canh giữ, đang đêm dong thuyền nhẹ rút lui.[25] Về việc này, Việt sử tiêu án có ghi rằng:
Việc này Quý Ly trốn trước, Đa Phương trốn theo, thế mà còn cho rằng: toán quân đi giữ gìn sau cùng, là công của mình, có vẻ khoe khoang, thế là những người thua bỏ chạy 50 bước cười người chạy 100 bước, lại không xấu hổ với quân lính buộc thuyền giữ cây gỗ đó hay sao? Còn tài cán gì mà khoe khoang.[26]
Quân Chiêm không dám đuổi theo. Quân Đại Việt rút lui trọn vẹn không bị tổn thất. Trở về kinh thành, Nguyễn Đa Phương cậy công lớn có ý lên mặt, công khai chê Quý Ly là bất tài. Quý Ly căm tức, nói với Nghệ Tông rằng trận thua này là do nghe lời Đa Phương. Nghệ Tông nghe vậy bèn cách chức Đa Phương. Quý Ly lại bảo Nghệ Tông nên giết Phương vì sợ Phương đi hàng Chiêm, khiến Đa Phuơng phải tự vẫn.
Bấy giờ, quân nổi loạn khắp nơi, Nguyễn Thanh làm loạn ở Lương Giang, Phạm Sư Ôn nổi dậy ở Quốc Oai. Về việc này, Việt Nam sử lược ghi rằng:
Bấy giờ trong triều thì Lê Quý Ly chuyên quyền, chọn những chân tay cai quản các đội quân để làm vây cánh, ngoài các trấn thì giặc giã nổi lên nhiều lắm. Ở Thanh Hóa có tên Nguyễn Thanh tự xưng là Linh Đức vương làm loạn ở Lương Giang; tên Nguyễn Kị tự xưng là Lỗ vương làm loạn ở Nông Cống. Ở Quốc Oai thì có người sư tên là Phạm Sư Ôn nổi lên đem quân về đánh Kinh sư. Thượng hoàng, Thuận Tông và triều đình phải bỏ chạy lên Bắc Giang. Phạm Sư Ôn lấy được Kinh sư, ở ba ngày rồi rút về Quốc Oai. Bấy giờ có tướng quân là Hoàng Phụng Thế đóng ở Hoàng Giang để phòng giữ quân Chiêm Thành, nghe tin Sư Ôn phạm đất Kinh sư mới đem quân về đánh lẻn bắt được Sư Ôn và phá tan giặc ấy.
Lúc đó, quân Việt và quân Chiêm cầm cự nhau ở sông Hoàng giang (khúc sông Hồng ở Hà Nam). Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân lúc đó đang nắm quân Long Tiệp đi chống quân Chiêm. Đến năm 1390, Chế Bồng Nga bị tướng Trần Khát Chân cho quân dùng súng bắn chết. Quan quân đánh đuổi tàn quân rồi cắt lấy đầu Chế Bồng Nga đem về dâng triều đình. Nghệ Tông thấy đầu Chế Bồng Nga, tự ví mình như Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ.[27]
Năm 1391, Lê Quý Ly đi tuần Hóa châu, xét duyệt quân ngũ, sai tướng coi quân Thánh Dực Hoàng Phụng Thế đánh quân Chiêm. Quân Chiêm mai phục, quân Thánh Dực tan vỡ, Phụng Thế đầu hàng, khi quân chạy về, Quý Ly sai chém 30 viên đội phó.[28]
Trước đây, khi Trần Nghệ Tông giết vua Trần Phế Đế, định lập Trần Ngạc làm vua, nhưng Quý Ly lại lừa Nghệ Tông khiến cho Nghệ Tông lập vua Thuận Tông. Ngạc có hiềm khích với Quý Ly, sợ bị giết, liền bỏ chạy ra Nam Định. Thượng hoàng Nghệ Tông sai tướng Nguyễn Nhân Liệt bắt về. Quý Ly ngầm ra lệnh Liệt giết Trần Ngạc, về sau Thượng hoàng tỉnh ngộ, hỏi ai ra lệnh giết Trần Ngạc, Nguyễn Nhân Liệt sợ nên thắt cổ chết.[29]
Đến năm 1392, tôn thất Trần Nhật Chương lập mưu giết Quý Ly, Thượng hoàng sai người giết Nhật Chương. Có người học trò Bùi Mộng Hoa dâng sớ có ý khuyên Thượng hoàng trừ Quý Ly, Thượng hoàng đem tờ tâu ấy cho Quý Ly xem, sau Quý Ly nắm đại quyền, Mộng Hoa lánh không ra nữa. Quý Ly dâng sách mình soạn, tên Minh đạo, gồm 14 thiên dâng lên, Quốc tử trợ giáo Đoàn Xuân Lôi cho là không đúng, bị đày đi xa.[30]
Năm 1394, tháng 2, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ban bức tranh Tứ phụ cho Quý Ly. Trong tranh ấy vẽ Chu công giúp vua Chu Thành vương, Hoắc Quang giúp Hán Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hậu chủ, Tô Hiến Thành giúp vua Lý Cao Tông, gọi là tranh Tứ phụ, ý nói nên giúp vua Thuận Tông cũng nên như thế.[31]
Thượng hoàng ban đêm nằm mơ thấy Duệ Tông về đọc cho bài thơ, Thượng hoàng suy ngẫm về bài thơ, cho đó là điềm Quý Ly lấy mất ngôi vị nhà Trần, nhưng không thể làm gì được nữa. Tháng 4, Thượng hoàng Nghệ Tông gọi Quý Ly vào:
Quý Ly cởi mũ, khấu đầu khóc lóc mà thề rằng:
Tháng 12, năm 1394, Thượng hoàng Nghệ Tông băng hà. Năm sau, Lê Quý Ly lên làm Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung Vệ quốc Đại vương, đeo lân phù vàng. Ông cho người dịch thiên Vô Dật[33] ra chữ Nôm để dạy Thuận Tông và tự xưng là Phụ chính Cai giáo Hoàng đế. Vua cho Quý Ly ở bên hữu sảnh, đài gọi là Họa lư.[31]
Đến năm 1397, Quý Ly sai viên quan Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, ý muốn di chuyển kinh đô về Thanh Hóa. Phạm Cự Luận và Nguyễn Nhữ Thuyết can, Quý Ly không nghe. Quý Ly bỏ Nguyễn Nhữ Thuyết không dùng, điều mưu sĩ Phạm Cự Luận đi đánh quân phản loạn ở Tuyên Quang, người này bị thua trận chết. Như vậy khi đã nắm đại quyền, hai người tâm phúc, là tướng quân Nguyễn Đa Phương và mưu sĩ Phạm Cự Luận đều bị Lê Quý Ly trừ bỏ. Đến tháng 11, Quý Ly bức vua Thuận Tông dời kinh đô về Thanh Hóa, cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm nói mật với vua rằng dời đô thế nào cũng bị cướp ngôi, Quý Ly cho giết cả.[34]
Theo Lê Quý Đôn, thể lệ của nhà Trần, dùng người trong tộc họ Trần làm Tể tướng, dẫu nắm công việc trong nước, cũng không được quyền cai quản quân đội, quyền bính trong nước do quan Hành khiển giữ. Vua Nghệ Tông phá lệ, không dùng người họ Trần, phong Hồ Quý Ly làm Bình chương Phụ chính, lại cai quản cả quân đội, khiến cho quyền Hồ Quý Ly to lớn, mới gây ra họa cướp ngôi.[35]
Năm 1398, Hồ Quý Ly bức vua Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử An, tức vua Trần Thiếu Đế; lúc ấy Thái tử mới có 3 tuổi. Còn mình tự xưng Khâm đức Hưng liệt Đại vương. Đến năm 1399 lại sai Xa kỵ vệ thượng tướng quân Phạm Khã Vĩnh giết vua Thuận Tông. Ít lâu sau, Thái bảo Trần Nguyên Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân cùng Phạm Khả Vĩnh lập mưu giết Quý Ly, sự việc không thành, những người đồng mưu gồm 370 người đều bị giết.[36]
Tháng 6, năm 1399, Quý Ly tự xưng làm Quốc tổ Chương hoàng, vào ở cung Nhân Thọ, điềm nhiên mặc áo vàng, ra vào hoàng cung theo lệ như Hoàng đế, dùng 12 cái lọng vàng. Con thứ là Hán Thương xưng là Nhiếp thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên. Con cả là Nguyên Trừng làm Tư đồ. Bảng văn thì đề là Phụng Nhiếp chính Quốc tổ Chương hoàng, chỉ xưng là "dư" mà chưa dám xưng "trẫm".
Tháng 2 năm 1400, Quý Ly lúc ấy đã 64 tuổi, bức vua Trần nhường ngôi, buộc các quan và tôn thất ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ ba lần từ chối, nói: Ta sắp xuống lỗ rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa. Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, đổi thành họ Hồ.
Chưa được một năm, theo cách nhà Trần, ông nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi công việc. Về phần Trần Thiếu Đế, do là cháu ngoại nên ông chỉ phế làm Bảo Ninh Đại vương và giam lỏng.[37]
Để dò xét ý hai con là Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng, Hồ Quý Ly ra câu đối "Phiến đá kỳ lạ này, có lúc làm mây làm mưa để làm tươi mát cho dân sinh." Nguyên Trừng biết ý phụ hoàng, đối lại "Ba tấc gỗ thông đây, một ngày kia sẽ làm rường làm cột giúp xã tắc.", tỏ ý sẽ hết lòng phò trợ Hán Thuơng. Dù vậy, giữa Hán Thương và Nguyên Trừng vẫn có điều bất hoà. Viên cận thần Nguyễn Ông Kiều biết chuyện, đi nói cho người ngoài nghe, bị Hồ Quý Ly giết chết.[38]
Năm 1397, Hồ Quý Ly làm Phụ chính Thái sư, đã sửa đổi chế độ hành chính, nhằm tăng cường tổ chức của các khu vực hành chính, chia cả nước làm lộ và trấn; lộ hay trấn thống hạt phủ, phủ thống hạt châu, châu thống hạt huyện, huyện thống hạt xã. Để tăng cường sự thống nhất, nhà Hồ đặt các trạm dịch từ Thăng Long, phía bắc đến Lạng Sơn, phía nam đến Thăng Hoa.[39] Đổi Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô, Quốc Oai làm trấn Quảng Oai, Đà Giang làm trấn Thiên Hưng, Nghệ An làm trấn Lâm An, Trường Yên làm trấn Thiên Quan, Diễn Châu làm trấn Vọng Giang, Lạng Sơn phủ làm trấn Lạng Sơn, Tân Bình phủ làm trấn Tân Bình. Sang đời Hồ, khi chiếm được hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy đã đặt làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, gồm làm lộ Thăng Hoa, tức miền Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Cùng năm 1397, Quý Ly bức vua Trần dời đô vào Thanh Hóa, đặt Thăng Long (hay Đại La Thành) thành Đông Đô, gọi thành mới xây ở núi An Tôn thuộc Thanh Hóa là Tây Đô.[40]
Thành nhà Hồ xây dựng ở vị trí đặc biệt hiểm yếu, nằm giữa hai con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vây quanh là hệ thống núi non hiểm trở: Đốn Sơn, Yên Tôn, Hắc Khuyển, Xuân Đài, Trác Phong, Tiến Sĩ, Kim Ngọ, Ngưu Ngọa, Voi. Có lẽ Hồ Quý Ly cũng nhận ra rằng lòng dân - nhất là ở Thăng Long, không ủng hộ việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nên đã lui về Tây Đô. Ngoài ra, việc dời đô còn nằm trong chiến lược phòng thủ đối với nhà Minh.[cần dẫn nguồn]
Thành nhà Hồ có chu vi trên 3,5 km, rộng khoảng 150 hécta được xây dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tháng, có thể thấy được sự khó nhọc, vất vả của binh lính, người dân bị điều đi làm phu xây dựng thành. Nhà Hồ đã không quan tâm đến việc khoan thư sức dân, liên tục bắt binh lính, phu phen xây dựng các công trình, trong đó đỉnh cao là Thành nhà Hồ, bất kể đời sống người dân lúc ấy vô cùng khốn khó. Câu chuyện về nàng Bình Khương có chồng là dân phu bị chết khi xây dựng Thành nhà Hồ, nàng đã đập đầu chết theo và được dân chúng lập đền thờ, phần nào cho thấy sự oán hận của người dân đối với các công trình xây dựng của nhà Hồ[41].[cần dẫn nguồn]
Tháng 8 năm 1402, Hồ Hán Thương cho đắp đàn Nam Giao, hôm tế, Hán Thương ngồi kiệu Vân Long, từ cửa Nam đi ra, các cung tần, mệnh phụ, quan văn, quan võ trong triều theo thứ tự đi sau. Mũ áo của đàn bà kém chồng một bậc, nếu bản thân là tôn quý thì không phải kém. Đàn Nam Giao chính là nơi biểu hiện quyền lực tinh thần của vương triều trước trời – đất và lịch sử dân tộc, nhà Hồ coi mình là Thiên tử, không khác gì với các vị vua Trung Quốc.[42]
Hồ Quý Ly bãi bỏ quốc hiệu Đại Việt mà lấy Quốc hiệu “Đại Ngu”, hàm ý hướng về Nghiêu Thuấn ở Trung Quốc, quê hương gốc gác họ Hồ. Chữ “Ngu” có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”, và có nghĩa là "con trâu". Nhiều sử gia như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đều chê cười việc làm này của Hồ Quý Ly, gọi đó là "Không phải mả nhà mình mà cúng là siểm nịnh", "... họ hàng xa xôi, các đời biến đổi, khó mà tin được. Quý Ly lại nhận là dòng dõi xa của Hồ Công Mãn, tế Ngu Thuấn làm thủy tổ, thì cái tội dối đời để tiếm ngôi thực không gì to bằng".[cần dẫn nguồn]
Một trong những cải cách nổi bật của Hồ Quý Ly là phát hành tiền giấy. Đây được cho là loại tiền giấy đầu tiên ở Việt Nam.[43]
Từ năm 1396, trước khi lên ngôi, Hồ Quý Ly đã cho phát thứ tiền giấy gọi là Thông bảo hội sao. In xong, ra lệnh cho dân cả nước đến đổi 1 quan tiền đồng lấy 1 quan 2 tiền giấy. Cấm tiêu riêng, chứa riêng tiền đồng; số tiền đồng thu hồi chứa ở kho Ngao trì kinh thành và trị sở các huyện. Phạm tội chứa tiền đồng hình phạt cũng như làm tiền giả. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ nào làm tiền giả bị xử tử, tài sản bị tịch thu. Lại cho đánh thuế các thuyền buôn, chia ra 3 mức: thượng, trung, hạ.[44][45]Tuy nhiên, việc dùng tiền giấy không được sự ủng hộ của dân chúng và nhà Hồ đã thất bại trong cuộc cải cách tiền tệ này. Thực tế, đến năm 1403, tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, và do nhà nước cấm tiền đồng, nhân dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng. Nhà nước đã phải định giá tiền giấy cho trao đổi, lập điều luật định tội không tiêu tiền giấy.[cần dẫn nguồn]
Lý do quan trọng nhất là tiền Thông bảo hội sao của nhà Hồ rất dễ làm giả (thời đó chưa có các công nghệ chống làm tiền giả phức tạp như ngày nay). Ví dụ, Nguyễn Nhữ Cái nổi loạn ở núi Thiết Sơn đã chế tạo tiền giả để tiêu dùng.[43] Ngoài ra, mực in tiền thời đó cũng không bền, chỉ cần dính mưa, dính nước là nhòe không tiêu được nữa, người chủ coi như mất tài sản (tiền đồng thì không sợ ướt như vậy). Như vậy việc dùng tiền giấy thời đó đã đi ngược nguyên tắc phát hành tiền tệ, đó là phải có đủ cơ sở để nhân dân tin tưởng vào giá trị giao dịch của đồng tiền. Một lượng lớn tiền giả được tung ra tất yếu dẫn tới việc tiền giấy bị mất giá, tức là lạm phát. Ngoài ra, nếu triều đình lạm dụng việc in tiền giấy để bù đắp thiếu hụt ngân khố thì lạm phát càng nghiêm trọng.
Một số học giả đương đại ca ngợi cải cách của Hồ Quý Ly về phát hành tiền giấy là "đi trước thời đại", nhưng thực ra chính sách phát hành tiền giấy đã được nhà Tống (Trung Quốc) áp dụng từ 3 thế kỷ trước đó, nên cũng không thể coi đây là "phát minh" của Hồ Quý Ly. Vấn đề là nhà Tống đã nhận ra những nhược điểm của tiền giấy vào thời kỳ đó (dễ làm giả, người dân không tin tưởng) nên không áp dụng với quy mô lớn, phần lớn tiền tệ của nhà Tống vẫn là tiền đồng. Sau này nhà Nguyên kế tiếp nhà Tống, thời Nguyên Vũ Tông (cai trị 1307 – 1311) do bị thiếu hụt ngân khố nên đã hạ lệnh in rất nhiều tiền giấy, kết quả là tiền giấy bị mất giá trị nghiêm trọng, đời sống nhân dân xáo trộn. Hồ Quý Ly cũng giải quyết vấn đề ngân khố theo cách làm của Nguyên Vũ Tông, và kết quả là cũng thất bại giống hệt như vậy.[cần dẫn nguồn]
Cũng có quan điểm cho rằng việc Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy, cấm tiêu tiền đồng không chỉ vì vấn đề ngân khố, mà còn để thu về tiền đồng nhằm lấy nguyên liệu đúc vũ khí (súng thần công thời đó đúc bằng đồng). Đây là một sáng kiến xuất phát từ nhu cầu phục vụ chiến tranh chứ không phải nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa. Một số học giả đương đại cho rằng chính sách phát hành tiền giấy nhằm phát triển trao đổi thương mại, nhưng thực ra họ đã nhầm lẫn lớn về mục đích thực của Hồ Quý Ly.
Theo Phan Huy Chú bình trong sách Lịch triều hiến chương loại chí:
Năm 1403, đặt ra chức Thị giám tức người coi chợ, ban hành các đồ đo lường (cân, thước, đấu, thưng), định giá tiền giấy cho mua bán với nhau. Bây giờ phần nhiều người buôn bán chê tiền giấy, lại đặt ra luật lệ để xử tội ai không tiêu tiền giấy.[46] Chính sách này càng làm hạn chế hoạt động kinh doanh buôn bán trong đời sống xã hội[47].
Nhà Hồ ngoài việc dùng pháp luật cưỡng bức còn đưa ra nhiều biện pháp khác cố làm cho đồng tiền đó được lưu hành rộng rãi trong nhân dân. Năm 1401 đặt ra kho thường bình, nghĩa là luôn luôn cân bằng, phát tiền giấy cho các lộ, theo giá cả mua thóc chứa vào kho, nhằm bình ổn giá thóc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bây giờ số quan lại ở các phủ, châu, huyện có sự thay đổi nên không làm được.[48]
Chính vì vậy, chế độ sử dụng tiền giấy không tồn tại lâu. Sau khi nhà Hồ mất, tiền giấy cũng mất theo.[43]
Định lại các lệ thuế và tô ruộng, triều trước mỗi mẫu thu 3 thăng thóc nay thu 5 thăng. Bãi dâu, triều trước mỗi mẫu thu 9 quan hoặc 7 quan, nay thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy; hạng trung 4 quan tiền giấy, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy. Tiền nộp hằng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiểu theo số ruộng, người nào chỉ có 5 sào thì thu 5 tiền giấy; từ 6 sào đến 1 mẫu thì thu 1 quan; 1 mẫu 1 sào đến 1 mẫu 5 sào thu 1 quan 5 tiền; từ 1 mẫu 6 sào đến 2 mẫu thu 2 quan; từ 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sào thu 2 quan 6 tiền, từ 2 mẫu 6 sào trở lên thu 3 quan. Đinh nam không có ruộng, trẻ mồ côi, bà góa dẫu có ruộng cũng được miễn trừ.[46]
So sánh với chính sách thuế khóa thời Trần có thể thấy đây là chính sách thuế khá tiến bộ. Có thứ tăng có thứ giảm. Nhìn vào cách đánh thuế khá chi tiết trên từng đinh cho thấy Hồ Quý Ly muốn tạo ra một hệ thống thuế hiệu lực, hiệu quả nhằm nâng cao sức mạnh bộ máy nhà nước. Đồng thời những thứ thuế tăng lại tập trung đánh vào những người giàu có nhiều ruộng đất. Tư tưởng đánh thuế này được cho là công bằng hơn nhằm xóa bỏ bớt khoảng cách giàu nghèo, mang tiền bạc, của cải của nhà giàu về cho nhà nước để xây dựng vào các công trình phục vụ dân sinh và quốc phòng. Xóa bỏ những chính sách thuế không nhân đạo với những tầng lớp bần cùng trong xã hội.
Từ năm 1396, Hồ Quý Ly đã cho thay đổi cách thi tuyển. Ban đầu thời Trần thi Thái học sinh chia ra thượng trại, hạ trại; thi Đình chia ra kinh, trại (Nghệ An, Thanh Hóa thời Trần gọi là Trại) lấy đỗ Tam khôi, văn thể không xác định. Đến đây, dùng phép thi của nhà Nguyên, dùng văn thể bốn trường, bỏ bài ám tả cổ văn. Trường thứ nhất thi một bài kinh nghĩa hạn 500 chữ trở lên, trường nhì thi bài thơ Đường luật, một bài phú dùng thể Ly tao hoặc cổ thể hoặc văn tuyển hạn 500 chữ trở lên; trường tam thi chiếu chế biểu; trường tư thi văn sách, ra đề về kinh sử hạn 1000 chữ trở lên.[49] Sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá: "Phép khoa cử đời Trần đến nay mới đủ văn tự bốn trường, đến nay còn không thay đổi được. Chọn nhân tài bằng văn học không gì hơn phép này." và nhận xét một số người đỗ đạt trong giai đoạn này là "văn chương cự phách một thời".[50]
Năm 1397, Hồ Quý Ly có ban tờ chiếu, nhân danh vua Trần Thuận Tông[51] ra lệnh cho các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Đông đặt một vị học quan, được cấp ruộng công, từ đó thu học trò mà dạy dỗ rồi hàng năm tiến cử cho triều đình. Theo sử gia Ngô Sĩ Liên, tờ chiếu ban ra tốt đẹp, nhưng không thấy thi hành, theo sử gia đó là cách Quý Ly lấy lòng nhân tâm.[52]
Đến năm 1402, Hồ Hán Thương định cách thức thi cử nhân: Tháng 8 năm nay thi Hương, ai đỗ thì được miễn lao dịch, tháng 8 năm sau thi ở Lễ bộ, ai đỗ thì bổ dùng, lại đến tháng 8 sang năm nữa thi Hội, ai đỗ thì sung Thái học sinh, cứ ba năm một khoa. Phép thi theo nhà Nguyên, thi ba trường, lại có kì văn sách là trường tư, một kì thi viết và tính là trường năm.[53]
Hồ Quý Ly ghét lối học vẹt, sao chép kinh điển, nên đã bỏ phép thi ảm tả, cổ văn. Ông còn chủ trì việc dịch Kinh Thi ra chữ Nôm để dạy hậu phi, cung nhân, và tự mình chú giải Kinh Thi theo quan điểm riêng chứ không dập khuôn theo các ý kiến trước đó. Trước đó ít năm, Hồ Quý Ly viết sách Minh đạo, đánh giá lại các vĩ nhân trong đạo Nho, theo đó chỉ xem Khổng Tử là tiên sư và Chu Công mới là tiên thánh. Quan điểm này bị các nhà nho Việt Nam chỉ trích.[54] Một số học giả hiện đại như Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn cho rằng bản ý của Quý Ly là muốn đả phá Tống Nho và quay về lý luận của Nho giáo thời nguyên thủy, đồng thời tìm cách gây dựng bản sắc riêng cho Nho giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên quan điểm của Hồ Quý Ly mâu thuẫn với quyền lợi của tầng lớp địa chủ mới ở Việt Nam nên bị họ đả phá kịch liệt.[50]
So với các cải cách khác, cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly dường như dễ được chấp nhận nhất, xuất phát từ thực tiễn lúc đó, có ý định giảm bớt lối học giáo điều, tăng cường sử dụng chữ Nôm trong giảng dạy và sáng tác.[50]
Có lần Hồ Quý Ly nói với các quan rằng: Làm sao để có 100 vạn quân để chống giặc Bắc? Viên Đồng tri Khu mật sứ Hoàng Hối Khanh dâng lên kế sách, làm sổ hộ tịch trong cả nước, biên hết vào sổ những nhân khẩu từ hai tuổi trở lên và lấy số hiện tại làm thực số, không cho người lưu vong mà vẫn biên tên trong sổ. Yết thị cho các phiên trấn hễ có người kinh[55] nào trú ngụ thì đuổi về nguyên quán. Đến năm 1401, làm sổ hộ tịch xong, tính số người từ 15 tuổi trở lên 60 tuổi trở xuống được gấp bội so với trước, cho nên năm 1402 điểm binh càng nhiều.[56]
Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương lập phép hạn chế gia nô, chiếu theo phẩm cấp được cấp số lượng khác nhau, thừa phải dâng lên triều đình. Bây giờ nhiều sĩ đại phu tham phú quý, muốn được lòng nhà Hồ, dâng thư khuyên giết hại con cháu nhà Trần, giảm bớt số ruộng và nô để nén bớt thế lực của họ.[57]
Vũ khí, thiết bị quân sự vào thời kỳ này đã có những bước tiến quan trọng về mặt kỹ thuật và tính năng. Hồ Nguyên Trừng cải tiến loại súng thần cơ để nâng cao sức công phá, hơn hẳn súng thần cơ thời nhà Trần. Thủy binh đã được trang bị thuyền chiến lớn hơn. Cho đóng nhiều thuyền đinh sắt để phòng quân Minh, có hiệu là Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương, chỉ mượn tiếng là chở lương thôi nhưng bên trên có đường sàn đi lại để tiện việc chiến đấu, bên dưới thì hai người chèo một mái chèo.[58] Bên cạnh đó, nhà Hồ xây dựng các hệ thống phòng tuyến trên mặt đất để phòng thủ quốc gia như thành Tây Đô, thành Đa Bang và cả một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400 km kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình.
Năm 1405, Hồ Hán Thương định quân Nam ban và Bắc ban, chia thành 12 vệ; quân Điện hậu đông và tây chia thành 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân thì 30 đội, trung quân thì 20 đội, mỗi doanh là 15 đội, mỗi đoàn là 10 đội, Cấm vệ đô thì 5 đội, do Đại tướng quân thống lĩnh.[59] Tổng số quân trong 12 vệ Nam Bắc là 4.320 người, trong 8 vệ Đông Tây là 2.820 người; trong mỗi đại quân là 540 người, trung quân là 360 người. Lại đặt hai vệ Thiên Ngưu và Phụng Thần thuộc quân Long tiệp, cùng đặt các chức thủy quân Đô tướng và bộ quân Đô úy. Lại thêm hương binh, chọn người có chức tước tạm cho cai quản. Mộ những kẻ vong mệnh làm quân dũng hãn, đặt chức thiên hộ và bách hộ để cai quản.[60]
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần vào tháng 2 năm 1400, đến tháng 12 phát binh 15 vạn quân đánh Chiêm Thành. Tháng 7, năm 1402, Hán Thương đem đại quân đi đánh Chiêm Thành, chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền dâng một voi trắng, một voi đen, sản vật và đất Chiêm Động để xin rút quân. Bồ Điền tới, Quý Ly ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy, rồi chia đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị; miền đầu nguồn đất ấy thì đặt trấn Tân Ninh. Chiêm Thành thu lấy những dân phụ cận đưa về nước. Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Cảnh Chân dâng thư xin theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường, mộ người nộp thóc rồi ban tước, miễn lao dịch,.. nhằm đủ thóc để phòng bị biên cương. Hồ Quý Ly phê: Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán Đường, thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười mà thôi.[61]
Năm 1403, Hán Thương sai đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân đội, chia đất cho họ ở. Những người đó đưa vợ con đi theo, bị bão chết đuối, dân oán. Cùng năm, triều đình cho đóng các thuyền đinh nhỏ để đánh Chiêm Thành, dự định phân chia các đất Bản Đạt Lang, Hắc Bạch và Sa Li Nha từ Tư Nghĩa trở về Nam đến biên giới Xiêm làm châu huyện.[62] Hai vua Hồ gia phong Phạm Nguyên Khôi làm Đại tướng quân 2 vệ Thiên Ngưu và Phụng Thần, chỉ huy quân Long tiệp, Hồ Vấn làm phó; Đỗ Mãn chỉ huy quân Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần, quân thủy bộ cộng 20 vạn người, đều theo tiết chế của Nguyên Khôi. Quân Đại Ngu vào đất Chiêm, làm nhiều chiến cụ, vây thành Chà Bàn, sắp lấy được, nhưng vì quân đi đã 9 tháng, hết lương, không thắng phải rút về. Chiêm Thành cầu cứu nhà Minh, người Minh sai 9 chiếc thuyền vượt biển sang cứu, thủy quân Đại Ngu gặp quân Minh ngoài biển, người Minh bảo Nguyên Khôi phải rút quân về, không được ở lại lâu. Nguyên Khôi từ Chiêm trở về bị Quý Ly trách vì không tiêu diệt hết quân Minh.[63]
Năm 1405, nhà Minh sai sứ sang đòi cắt đất Lộc Châu ở Lạng Sơn. Do vụ việc thổ quan phủ Tư Minh, Quảng Tây là Hoàng Quảng Thành báo lên rằng Lộc Châu là đất cũ của phủ ấy. Thượng hoàng Hồ Quý Ly sai Hành khiển Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ. Hối Khanh đem các thôn như Cổ Lâu, gồm 59 thôn trả cho nhà Minh. Khi về triều, Quý Ly trách mắng, lăng nhục Hối Khanh vì trả lại đất nhiều quá. Những thổ quan do bên nhà Minh đặt, Quý Ly đều bí mật sai thổ nhân ở đó đánh thuốc độc giết đi.[64]
Từ năm 1384 nhà Minh xuất binh đánh Vân Nam và các man làm phản ở biên giới. Lại sai sứ sang đòi Đại Việt chu cấp lương thực, voi chiến, nhà sư, đàn bà xoa bóp, người bị thiến hoạn, giống cây trồng... Những hành động gây áp lực về ngoại giao này kéo dài cho đến khi xảy ra cuộc chiến. Đại Việt phía Nam chiến tranh liên miên với Chiêm Thành, trong nước rối loạn, nên phải nhượng bộ.[65]
Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần từ năm 1400, trước và sau khi lên ngôi ông đã cố gắng đưa ra những sách lược nhằm đối phó với nhà Minh, cuộc chiến mà ông biết nó sẽ xảy ra. Mười tháng sau khi lên ngôi, Quý Ly phát động cuộc chiến với Chiêm Thành, nhằm tránh thế phải đối đầu với kẻ địch ở hai mặt. Quân Chiêm thua trận, phải cắt đất hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy cho Đại Ngu. Năm 1395, dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, xây thành ở động An Tôn, cho đào hào, trồng tre gai xung quanh... để phòng thủ. Làm sổ hộ tịch, biên hết vào sổ nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên, không cho phép người lưu vong mà vẫn có trong sổ, làm sổ xong nhân khẩu từ 15 đến 60 gấp bội so với trước, nên từ năm 1402 điểm binh rất nhiều.[66]
Năm 1406, nhà Minh sai hai tướng Hàn Quan và Hoàng Trung đem 10 vạn quân Quảng Tây xâm lược Đại Ngu, mượn cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước. Ngày 8 tháng 4, ở ải Lãnh Kinh (Hà Bắc cũ), quân Minh đấu với quân Đại Ngu, quân Đại Ngu thất bại; sáng hôm sau, quân thủy bộ giao chiến, Nhị vệ đại tướng Phạm Nguyên Khôi, chỉ huy quân Chấn Cương Chu Bỉnh Trung,... bị giết. Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng may chạy thoát lên bờ, do quân Đại Ngu nghĩ quân Minh ít quân, coi thường đối thủ. Duy có Tả Thánh Dực quân Hồ Vấn kéo quân Vũ Cao tới đánh bại quân Minh.[67]
Tướng Minh Hoàng Trung liệu thế, đến trống canh hai nửa đêm trốn về. Tướng Tả Thánh Dực quân Hồ Vấn, chỉ huy quân Thánh Dực Bắc Giang Trần Đĩnh đã chặn ở ải Chi Lăng từ trước. Quân Minh bèn đem giao nộp Trần Thiêm Bình, dân thư hàng xin được tha. Hồ Xạ đồng ý, cho quân Minh trở về Trung Quốc. Vua Hồ Hán Thương thưởng công cho các tướng, tự mình không nhận biểu mừng.[67]
Tháng 9 năm 1406, lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ", nhà Minh sai Trương Phụ, Mộc Thạnh mang 80 vạn quân sang đánh Đại Ngu. Quân Minh chia làm hai đường, cánh quân do Trương Phụ cầm 40 vạn quân đánh vào ải Pha Lũy (tức ải Nam Quan), cánh quân do Mộc Thạnh cầm 40 vạn quân đánh vào ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang).[68]
Về sách lược, viên hàng tướng Chiêm Thành Bố Đông khuyên với Hồ Quý Ly nên đưa quân lên biên giới đón đánh ngay quân Minh, không cho tiến sâu vào, để quân Minh ỷ vào trường binh và thông được đường tiến quân, nhưng các tướng không nghe.[69] Theo K.W Taylor, nhà Hồ đã từ bỏ phần lớn khu vực Đông Kinh (Thăng Long) và phòng thủ ở bờ nam sông Hồng.[70] Trương Phụ viết bảng văn kể tội họ Hồ, cho thả trôi theo dòng nước, nhiều người đọc được, chán nản vì chính sự hà khắc của họ Hồ không còn bụng dạ chiến đấu nữa. Theo Minh sử, gia đình Mạc Thúy, Mạc Viễn, Trần Huân đã dẫn theo 10.000 người ở Đông Kinh mà phản lại họ Hồ, người kinh lộ phần nhiều theo quân Minh phản lại họ Hồ.[68]
Trước các mũi tiến công của địch, quân đội Đại Ngu có chặn đánh ở một vài nơi rồi rút về giữ phòng tuyến Nam sông Hồng. Quân Minh thừa cơ hội đã tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm thành Đa Bang. Cuối năm Bính Tuất (ngày 20 tháng 1 năm 1407) thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của Đại Ngu cũng tan vỡ nhanh chóng. Từ Đa Bang ngày 22 tháng 1 năm 1407, quân nhà Minh tràn xuống chiếm cố đô Thăng Long. Quân Đại Ngu lại một lần nữa rút lui xuống miền hạ lưu sông Hồng. Và sau một vài trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hóa.
Đến Lỗi Giang (Mã Giang) quân Minh đuổi kịp, quân Hồ Quý Ly lại một phen tan tác. Tướng Ngụy Thức thấy thế nguy cấp, bèn tâu:
Hồ Quý Ly giận lắm, bắt Ngụy Thức chém rồi chạy vào Nghệ An. Quân Minh tiếp tục đuổi theo, đến Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Lúc đó là tháng 6 năm Đinh Hợi (1407).
Có thuyết nói ông bị nhà Minh sát hại khi sang Yên Kinh (Bắc Kinh), có thuyết lại nói ông bị đày làm lính ở Quảng Tây và mất sau đó vài năm.[71] Theo Minh thực lục, cha con Hồ Quý Ly được tha tội. Con trai ông là Hồ Nguyên Trừng còn làm chức quan lớn cho triều Minh[72]
Hồ Quý Ly có bài thơ gửi Ngự sử Trung đô úy Đỗ Tử Trừng:
|
|
Ông còn có bài thơ Ký Nguyên quân (Gửi Nguyên quân - Trần Thuận Tông[73]) như sau:
|
|
Khi đã bị nhà Minh bắt giữ, ông đáp lời người Trung Quốc hỏi về phong hóa nước Nam bằng một bài thơ:
|
|
Hồ Quý Ly đã viết các tác phẩm sau:
Trong Kiên biều tập (堅瓠集) của Chử Nhân Hoạch soạn đời nhà Thanh có chép một chuyện về Hồ Quý Ly, được Lê Quý Đôn dẫn lại trong Kiến văn tiểu lục:[74]
“ | 交趾國王。原姓陳氏。後有江西黎季厘。幼時啇販其國。登岸時。見沙上有句云。廣寒官裏一枝梅。厘後夤緣得官。一日陳王避暑於清暑殿。庭有桂千樹。王出對曰。清暑殿前千樹桂。群臣皆未對。厘憶沙上所見。遂以對之。王大驚曰。子何以知我宮中事。厘以實告。王曰。此天數也。蓋王有女。名一枝梅。建廣寒宮以處之也。遂配之。
. Giao Chỉ quốc vương, nguyên là họ Trần. Lúc ấy có người ở Giang Tây là Lê Quý Ly, khi còn bé sang nước ấy buôn bán. Lúc lên bờ, thấy trên bãi cát có câu rằng: Sau, Quý Ly mon men được làm quan. Một hôm Trần vương nghỉ mát ở Thanh Thử điện, sân điện có hàng ngàn cây quế, nhà vua ra câu đối rằng: Bầy tôi chưa ai kịp đối. Quý Ly nhớ lại câu đã trông thấy trên bãi cát khi trước, liền đem câu ấy đối lại. Nhà vua giật mình, nói:「"Sao nhà ngươi biết được việc trong cung của ta?"」. Quý Ly cứ tình thực tâu bày. Nhà vua nói:「"Đấy là số trời"」. Bởi vì nhà vua có một con gái tên là Nhất Chi Mai, dựng cung Quảng Hàn để cho ở. Nhân câu đối ấy, nhà vua liền đem gả cho Quý Ly. |
” |
— Trích phần "Nhất chi mai" (一枝梅) của sách Kiên biều tập[75] |
Sự tích này tương đối nổi tiếng ở thời điểm Việt Nam hiện đại, song lại không phổ biến ở thời xưa và có nhiều mâu thuẫn lịch sử. Dựa vào việc Quý Ly có vợ là Huy Ninh công chúa, nên nhiều người đem "Nhất chi mai" trong truyền thuyết gán vào bà, song Huy Ninh được anh là Trần Nghệ Tông gả sau khi diệt Dương Nhật Lễ, tức Huy Ninh là vai "em gái" của vua Trần, mà không phải "con gái" như trong sự tích nói đến. Lê Quý Đôn khi chép lại chuyện này cũng có đề 「"Chuyện này có phần kỳ lạ"」, theo đó cũng cho thấy đây không những hư cấu, mà đối với người Việt đời Lê khi ấy cũng chưa từng nghe qua, cho nên mới "lạ" như vậy.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, khi chép đến phần đặt tên là: Phụ: Hồ Quý Ly và Hán Thương, chép rằng: Sử cũ đem hai người họ Hồ (tức Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương) chép từng năm thành kỷ, nay truất bỏ và sửa cho đúng. Không rõ bản sách này được chép lại vào năm nào, có quan điểm khác nhau về cha con Hồ Quý Ly đối với sử quan.
Sử gia Ngô Sĩ Liên gọi hai cha con họ Hồ là "loạn thần tặc tử" khi dám làm việc giết vua cướp ngôi, tất yếu phải chịu bại vong:
Phan Huy Chú khi soạn sách Lịch triều hiến chương loại chí đã coi cha con Hồ Quý Ly là phần phụ, phần Nhà Nhuận Hồ, nhuận tức phần thừa, không có tính chính thống.
Sử gia Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam sử lược:[76]
“ |
Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thủy chung (trước sau), thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu. Nhưng vì cái lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền, cướp nước. Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm sự thoán đoạt, và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước An Nam. Cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà đem theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người! Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly? |
” |
Theo một bài báo trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân,[77] bài báo cho rằng:
Nhìn chung, các sử gia thời trung đại đa số đều lên án Hồ Quý Ly. Ngày nay, các học giả đã có nhìn nhận mới về vấn đề cải cách do Hồ Quý Ly tiến hành. Tuy nhiên, khi đánh giá về thất bại của nhà Hồ, tất cả đều thống nhất nguyên nhân là: không được lòng dân. Với tham vọng lớn và tư tưởng cải cách mới mẻ, Hồ Quý Ly đã xây dựng được một quân đội trang bị mạnh, nhưng kết cục lại là mất nước nhanh chóng. Sở dĩ như vậy là vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do “lòng dân không theo”, bởi chế độ lao dịch nặng nề của Hồ Quý Ly làm cho nhân dân bất an, sợ hãi. Nhà Hồ tiến hành cải cách với mục đích bảo vệ vương triều, phục vụ quân sự và chiến tranh là chính, chứ không quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhân dân không được hưởng lợi ích mà còn phải hứng chịu mặt tiêu cực của cải cách, và vô cùng chán ghét khi cuộc sống thường nhật bị xáo trộn. Vào giai đoạn cuối của nhà Trần, thế nước đã suy, nhân dân đói khổ, nhưng Hồ Quý Ly lại không “khoan thư sức dân” mà còn tiến hành chiến tranh với Chiêm Thành và dời đô về Thanh Hóa, bắt dân chúng lao dịch để xây xây thành trì kiên cố, khiến cho dân chúng càng thêm lầm than, oán ghét nhà Hồ. Mặc dù có quân đội mạnh, thành cao, hào sâu nhưng cuộc kháng chiến chống Minh của Hồ Quý Ly chỉ kéo dài được hơn 6 tháng. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (con trai cả của Hồ Quý Ly) cũng nhận ra điều này, khi cả quyết: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”[77]
Theo nguồn Tạp chí Triết học số 2 (177) tháng 2 năm 2006 của Tiến sĩ Triết học Lương Minh Cừ thì từ nửa sau thế kỷ XIV, đất nước Đại Việt thời kỳ cuối vương triều Trần đã lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện trên tất cả các phương diện kinh tế - xã hội. Nhu cầu cần phải cải cách, đổi mới để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng đã trở thành đòi hỏi cấp thiết của lịch sử. Và, dòng tư tưởng cải cách ở thời kỳ lịch sử này đã được hình thành, mà Hồ Quý Ly là một đại biểu xuất sắc. Hồ Quý Ly đã khởi xướng, rồi trở thành người lãnh đạo, tổ chức và thực hiện trực tiếp công cuộc cải cách này. Tư tưởng và hoạt động cải cách của ông được đánh giá là dũng cảm, táo bạo, mạnh mẽ và đầy tâm huyết đối với vận mệnh quốc gia lẫn vận mệnh triều đình lúc đó. Những tư tưởng cải cách của ông được thực hiện từ cuối triều đại nhà Trần cho đến vài năm đầu của nhà Hồ. Sự nghiệp cải cách của Hồ Quý Ly, dẫu chưa trọn vẹn hay hoàn hảo, nhưng đã góp phần mở ra một bước phát triển mới.[78]
Tháng 3 năm Đinh Mão (4-1387), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cho Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự, ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề 8 chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức” (Văn võ toàn tài, vua tôi một dạ). Lời khen ngợi Quý Ly của Trần Nghệ Tông thể hiện ở 8 chữ trên lá cờ ấy, phản ánh một thực tế là Nghệ Tông rất tín nhiệm Lê Quý Ly, có lẽ bởi Quý Ly có năng lực vượt trội trong đội ngũ quần thần của Nghệ Tông. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam quyển 21 Lịch sử Việt Nam xuất bản tháng 8 năm 2020 nhận xét về Hồ Quý Ly không chỉ là người tướng làm tham mưu nơi màn trướng mà còn là người được Thượng hoàng giao trực tiếp cầm quân nơi trận mạc. Nhờ đóng vai trò lớn trên lĩnh vực quân sự, Quý Ly có điều kiện thao túng cả trên lĩnh vực chính trị. Chính Trần Nghệ Tông là người đã mở đường cho Lê Quý Ly tham gia triều chính và cất nhắc Quý Ly giữ những trọng trách. Quý Ly tham gia điều hành chính sự qua các chức Khu mật viện đại sứ, rồi Nhập nội phụ chính thái sư, Quốc tổ nhiếp chính.[79]
Sách Hồ Quý Ly và những cuộc cải cách trong lịch sử của Viện Sử học Việt Nam đã nêu nhận định khái quát về Hồ Quý Ly: Những cải cách của Hồ Quý Ly nhằm mục đích xây dựng một nước Đại Ngu cường thịnh. Tuy nhiên, tư tưởng đổi mới của Hồ Quý Ly và những cải cách của ông thực hiện quá dồn dập trong một thời gian ngắn, không đạt kết quả như mong đợi và đã phản tác dụng, gây ra sự phẫn nộ trong nhân dân; đặc biệt là với các sĩ phu trung thành với nhà Trần.[80]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.