chiến tranh giữa Cộng hòa Venezia với Đế quốc Ottoman từ năm 1645 tới năm 1669 From Wikipedia, the free encyclopedia
Chiến tranh đảo Crete (tiếng Hy Lạp: Κρητικός Πόλεμος, chuyển tự Kritikós Pólemos, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Girit'in Fethi), còn được gọi là Chiến tranh Candia (tiếng Ý: Guerra di Candia) hay Chiến tranh Ottoman–Venezia lần thứ năm, là một cuộc xung đột kéo dài từ năm 1645 đến năm 1669 giữa Cộng hòa Venezia và các đồng minh (đứng đầu trong số đó là Hiệp sĩ Malta, Lãnh địa Giáo hoàng và Pháp) chống lại Đế quốc Ottoman và Nhà nước Barbary, mục đích nhằm tranh giành đảo Crete, khi ấy đang là lãnh thổ hải ngoại lớn nhất và giàu có nhất của Venezia.
Chiến tranh Crete (Chiến tranh Ottoman–Venezia lần thứ năm) | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến tranh Ottoman–Venezia | |||||||||
Bản đồ Crete thuộc Venezia | |||||||||
| |||||||||
Tham chiến | |||||||||
Venezia Hiệp sĩ Malta Lãnh địa Giáo hoàng Pháp | Đế quốc Ottoman | ||||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||||
Andrea Corner Niccolò Ludovisi Tommaso Morosini † Giovanni Battista Grimani Giacomo da Riva Alvise Mocenigo Leonardo Foscolo Lorenzo Marcello † Lazzaro Mocenigo † Francesco Morosini Almerigo d'Este François, Công tước xứ Beaufort † |
Ibrahim I Mehmed IV Silahdar Yusuf Pasha Koca Musa Pasha † Gazi Deli Hüseyin Pasha Voinok Ahmed Pasha Kara Murad Pasha Köprülü Mehmed Pasha Köprülüzade Fazıl Ahmed Pasha | ||||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||||
30.985 quâna | 118.754 quâna | ||||||||
^ Chỉ tính tổn thất tại Candia, dựa trên báo cáo phía Venezia, không bao gồm mặt trận Dalmatia, trên biển hay các chiến dịch ban đầu tại Crete. Nếu bao gồm, tổng tổn thất có thể gấp đôi.[1] |
Chiến sự diễn ra ở Crete, biển Aegea và Dalmatia. Phần lớn lãnh thổ đảo Crete đã bị Ottoman đánh chiếm trong vài năm đầu nhưng thủ phủ Candia vẫn tiếp tục kháng cự trong thời gian dài. Nội bộ đế chế bất ổn và cuộc chiến ở châu Âu khiến Ottoman không có cơ hội giành thế thượng phong. Thế trận vây hãm Candia buộc cả đôi bên phải tập trung vào nguồn cung ứng. Hy vọng thắng lợi duy nhất của Venezia là việc Ottoman bị cạn kiệt nguồn tiếp trợ quân lương, do đó mặt biển trở thành chiến trường quan trọng. Trong suốt cuộc chiến, Venezia với đồng minh là Hiệp sĩ Malta, các Lãnh địa Giáo hoàng và Pháp duy trì được ưu thế trên biển, nhưng không cắt đứt được đường vận quân lương tiếp viện của Ottoman đến Crete. Chiến tranh kéo dài giáng đòn kinh tế lên Venezia vốn dựa trên giao thương với phương Đông thông qua các cảng thuộc Ottoman.
Đến thập niên 1660, Venezia đã mòn mỏi vì cuộc chiến. Ottoman liền thực hiện đợt chinh phạt lớn cuối cùng do Đại Vezir trực tiếp chỉ huy vào năm 1666. Cuộc bao vây kéo dài hơn hai năm, cuối cùng Candia phải đầu hàng. Hòa ước sau đó trả lại cho Venezia một số pháo đài đảo biệt lập gần đảo Crete và phần lãnh thổ ở Dalmatia. Mười lăm năm sau, Venezia lại phát động chiến tranh để báo thù nhưng không bao giờ lấy lại được Crete. Đến năm 1897, đảo vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ottoman.
Nguồn sử liệu chính từ châu Âu liên quan đến các sự kiện trong cuộc chiến do nhiều đối tượng khác nhau viết ra. Trong số đó có hồi ký của những người tham gia (Georg Rimpler, Ghiron Francesco Villa, François d'Aubusson de La Feuillade), báo cáo chiến trường (Da Villa, báo cáo khai chiến của Morosini, báo cáo hải chiến sơ bộ, thư từ Candia và những vùng khác), thư từ ngoại giao (như của đại sứ Morosini tại Pháp năm 1669).[2]
Về phía Ottoman, đầu tiên là các biên niên sử có mô tả về cuộc chiến này như Lịch sử Naima, Lịch sử Silahdar Findiklili Mehmed Agha, Lịch sử Rashid, Seyahatname của Evliya Çelebi. Thứ hai là những nguồn về chính Chiến tranh đảo Cretee như "Lịch sử đảo Crete" (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Tevarih-i Cezire-i Girid) của Hasan-efendi, "Chuyện chiến dịch Candia" (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Hikayet-i Azimet-i Sefer-i Kandiye), "Lịch sử chinh phạt Candia" (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Girid Fethi Tarihi), Ravzatul Ebrar (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Ravzatü'l Ebrar), Jevahirut-Tevarih (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Cevahirü't-tevarih), "Lịch sử Fazıl Ahmed Pasha" (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Tarih-i Fazıl Ahmed Paşa).[3]
Năm 1211, sau Thập tự chinh thứ tư, Crete bị tước khỏi Đế quốc Đông La Mã. Đảo trở thành lãnh thổ hải ngoại đầu tiên của Venezia. Sau khi đảo Cyprus bị mất trong Chiến tranh Cyprus, Crete là đảo duy nhất còn lại của Venezia. Vị trí chiến lược khiến đảo Crete trở thành mục tiêu rõ ràng cho quân Ottoman.[4][5] Diện tích rộng lớn, đất đai màu mỡ, pháo đài phòng thủ xuống cấp khiến mục tiêu này khả thi hơn Malta, nơi quân Ottoman thất bại năm 1565.[6]
Đầu thế kỷ 17, nền kinh tế Venezia vốn dựa trên buôn bán mặt hàng gia vị, đã bị ảnh hưởng do các tuyến thương mại mới đến Ấn Độ cũng như đánh mất thị trường Đức trong Chiến tranh Ba Mươi Năm.[7] Ngoài ra, Venezia còn bị lôi kéo vào một loạt cuộc chiến miền bắc Ý và dịch bệnh năm 1629-1631 làm cho suy yếu.[8] Người Venezia hiểu rõ yếu điểm của mình trong quan hệ phụ thuộc thương mại vào Istanbul nên cố gắng không gây hấn với Ottoman. Trong hơn 60 năm, Venezia luôn tuân thủ thỏa thuận với Ottoman.[9] Tất nhiên, đôi lúc cũng phát sinh một vài xung đột, như năm 1638, hạm đội Venezia tấn công hạm đội hải tặc Barbary đang trú tại cảng Vlorë của Ottoman, nã pháo cả vào thành phố.[10] Trong cơn thịnh nộ, sultan Murad IV đe dọa xử tử tất cả người Venezia đang hiện diện trên Đế quốc Ottoman, cũng như cấm nước Cộng hòa này được sử dụng các thương cảng của mình.[11] Tuy nhiên, khi đó sultan thời điểm đó đang tham gia chiến tranh tại Ba Tư và không muốn phân tán lực lượng. Sự cố tạm lắng khi Venezia đồng ý bồi thường 250.000 ducat.[9][12]
Năm 1644 vào thời Ibrahim I lại xảy ra một biến cố khác. Ngày 28 tháng 9 năm 1644, hải đội Hiệp sĩ Malta bắt giữ tàu Ottoman của thuyền trưởng Ibrahim-çelebi. Trên tàu chở trưởng hoạn quan (kyzlyar-aga) và nhiều nô lệ, mẹ con nhũ mẫu vua Mehmed IV, cùng một số cung nữ của sultan đang trên đường hành hương. Ngoài ra còn có tổng đốc Bursi Mehmed Efendi đến Mecca nhậm chức. Cả thảy có 600 đàn ông và 30 phụ nữ trên tàu.[5] Du thuyền cần đi nhanh mà pháo thì nặng nên chỉ trang bị có bốn khẩu. Khi giáo đoàn Malta nhận được tin rằng con tàu giá trị hướng về Ai Cập mà chỉ được phòng vệ sơ sài, liền sắp sẵn sáu thuyền mai phục neo đậu trong vịnh khuất trên đảo Karpathos. Dù tại Rhodes, trưởng hoạn quan đã cảnh báo có thể gặp nguy hiểm, tàu vẫn tiếp tục hành trình. Ngay khi đến đảo Karpathos, tàu bị tấn công.[13] Thuyền trưởng và trưởng hoạn quan bị giết, còn mẹ con nhũ mẫu do trang phục sang trọng hơn những người khác nên bị các hiệp sĩ Malta nhầm lẫn thành vợ con của sultan nên được đối xử theo nghi thức hoàng gia.[14] 350 người bị bắt để bán làm nô lệ. Nhóm hiệp sĩ mang người đến Crete và đổ bộ lên bờ biển phía nam không có đồn gác để lấy thêm nước ngọt. Provveditore (tổng đốc) Venezia tại Crete nghe tin, đoán trước được những phức tạp có thể xảy ra nên đích thân yêu cầu họ rời đảo. Đoàn tàu cũng cố gắng cập vào các cảng khác nhau trên đảo nhưng bị từ chối thẳng. Cuối cùng, họ bỏ tàu Ottoman và trở về Malta. Như vị provveditore tiên đoán, Istanbul đã thông tri ngay cho Venezia. Hai nước đã có thỏa thuận chung về chống hải tặc và việc tàu chở đoàn tùy tùng quốc vương bị cướp hiển nhiên nằm trong điều khoản này.[15] Một người tham gia chiến tranh giai đoạn đầu là Evliya Çelebi nêu rõ quan điểm của Ottoman: "Lũ Malta đã chiếm giữ tàu và lái đến thả neo tại Canea của Candia, việc này đã phản lại thỏa thuận đã ký kết với Hayruddin Pasha, theo đó những kẻ phi Hồi giáo[lower-alpha 1] phải cấm tàu do kẻ thù của Đế quốc Ottoman bắt giữ được neo vào trong cảng. Tuy vậy, bọn Venezia đã nghiêng về phía Malta, thậm chí còn cho phép bán tất cả ngựa và tài sản của viên trưởng hoạn quan xấu số tại Canea."[16]
Ibrahim I nổi giận khi nghe tin số phận con tàu[17] và ngay lập tức ra lệnh xử tử tất cả Kitô hữu trên toàn bộ đế quốc Ottoman. Được can gián, vua hủy bỏ lệnh này. Tuy nhiên, tình hình lại nóng lên khi một số thủy thủ Ottoman từ Crete thoát về Istanbul kể rằng các Hiệp sĩ Malta ở lại Crete tận hai mươi ngày để bán chiến lợi phẩm và bổ sung lương thực thực phẩm. Đàm phán ngoại giao kéo dài đến năm 1645, và bất chấp Đại Vezir Mehmed Pasha ra sức khuyên ngăn,[18] sultan quyết định khai chiến.[19] Sử gia đương thời Mustafa Naima chép rằng đầu tiên Ibrahim muốn đánh Malta, nhưng vua cho rằng ngay cả Suleiman vĩ đại cũng không thể hạ nổi; do đó hiệu quả hơn là trả thù Venezia bằng cách chiếm Crete, một vị trí hàng hải thuận lợi cho đế chế.[20]
Ottoman bắt đầu phân bổ ngân quỹ chiến tranh và chuẩn bị lượng gỗ lớn chuyển về, đồng thời trưng dụng hàng loạt thợ mộc để đóng tàu. Các xưởng đóng tàu bên ngoài Istanbul được lệnh đóng nhiều chiến thuyền. Thông điệp được truyền đến các beylerbeyi[lower-alpha 2] và sanjakbey[lower-alpha 3] tại Rumelia, Anatolia, Karaman và Sivas, Tunis, Algers và Tripoli để chuẩn bị khai chiến mùa xuân, phải sẵn sàng mang tàu gia nhập hạm đội. Thessaloniki và Çeşme được chọn làm nơi hội quân, và Yusuf Mašković được bổ nhiệm làm Kapudan-i Derya (đại đô đốc) thủy binh cũng như tổng tư lệnh bộ binh.[21] Ibrahim I ban hôn ước cho Yusuf với công chúa mới hai tuổi con mình để nâng cao vị thế tướng cầm quân.[20] Sultan hàng ngày đến Tersâne-i Âmire để giám sát công tác chuẩn bị cho chuyến viễn chinh.[22]
Ngày 30 tháng 4 năm 1645, Istanbul được nghỉ lễ để xuất hành "Viễn chinh Malta" (đặt tên khác để tránh lộ mục tiêu thực sự), Yusuf Pasha chính thức nhận nắm hạm đội. Đoàn thuyền dong đến Khios.[16][22][23]
Ngày 27 tháng 5 năm 1645, tại cảng Terme (Termesis) trên bán đảo Peloponnesos, beylerbeyi Hasan Pasha của Rumelia gia nhập đoàn quân.[22] Ngày 7 tháng 6, hạm đội Ottoman cập cảng Navarino, 8 thuyền galê của beylerbeyi Abdurrahman Pasha tại Tunis và Tripoli gia nhập hạm đội. Sau 13 ngày kiểm tra lại tàu thuyền sẵn sàng chiến đấu, hạm đội tiếp tục hành trình vào ngày 20[24] hoặc 21 tháng 6.[25] Yusuf Pasha có trong tay hơn 50.000 quân và 416/460 tàu:[26] 82 thuyền galê, 20 tàu cao và 300 thuyền chèo, 7.000 cấm vệ quân janissary, 14.000 kỵ binh Timariots và 3.000 lính công binh mở đường.[lower-alpha 4][28] Tác giả Evliya Çelebi đi trên thuyền của thuyền trưởng Durak Bey.[16]
Mặc dù có được chỉ huy mới là Andrea Corner nhưng hệ thống phòng thủ của Venezia vẫn trong tình trạng kém.[29] Các hàng công sự trên đảo đã bị lãng quên một thời gian dài và Cornaro phải rất nỗ lực cho tiến hành tu sửa lại.[30] Lo ngại về việc Ottoman chuẩn bị chiến tranh, cuối năm 1644, nước Cộng hòa củng cố lại Crete, gửi thêm 2.500 quân cùng với quân nhu, cũng như trang bị cho hạm đội. Giáo hoàng Urbanô VIII và Đại công tước Toscana Ferdinando II de' Medici cũng hứa trợ giúp nếu chiến tranh nổ ra.[31]
Mục tiêu chính của Ottoman là Candia nhưng nơi này được phòng vệ chặt chẽ, cách không xa là đảo Diya có 6 vịnh, nơi hạm đội Venezia có thể neo đậu. Do đó, lúc đầu Ottoman quyết định chỉ bao vây Candia trên đất liền và đánh chiếm những pháo đài khác tại Crete.[27] Ngày 23[23] tháng 6 năm 1645,[lower-alpha 5] hạm đội đến nơi, dừng lại giữa Aii Theodori và Crete. Binh lính đổ bộ tấn công Canea.[32] Quân Ottoman trước tiên xông vào các làng và cướp được nhiều chiến lợi phẩm. Để thu phục dân địa phương, đô đốc sai thả hết tù nhân và cấm binh lính đốt làng.[33]
Trong khi ấy, châu Âu vẫn quan sát và tranh đoán về hướng đi của hạm đội Ottoman tới Malta. Thậm chí các quan tướng Ottoman cũng tin rằng mục tiêu viễn chinh là đánh Malta. Chỉ sau khi rời Navarino, Yusuf Pasha mới mời các thuyền trưởng đến để thông báo rằng chiến dịch nhắm vào đảo Crete. Đồng thời, lệnh của hội đồng divan (quân sư) được truyền đến để bắt giữ đại sứ (bailo) và cấm giao thương với Venezia.[24] .
Để khống chế Canea, cần phải kiểm soát đảo Agioi Theodoroi cách đó khoảng ba dặm.[33] Trên đảo có hai pháo đài cách nhau một dặm.[34] Pháo đài Turlulù xây trên đồi đối diện với đảo Crete, dùng để kiểm soát mặt biển. Tuy nhiên, từ vị trí pháo đài không quan sát được bờ biển Crete, nên cần pháo đài thứ nhì được gọi là Ayia Theodori, Ayia Todori hoặc San Todero.[35] Tường pháo đài rộng 50 thước Anh và cao 12 thước. Bên trong được trang bị súng, đạn dược và lương thực dồi dào.[34]
Venezia bị bất ngờ khi chiến hạm Ottoman xuất hiện tại Crete vì vẫn đinh ninh rằng Malta mới là mục tiêu của người Thổ.[19] Lính gác Agioi Theodoroi nhận thấy hạm đội Ottoman tiến lại và hiểu rằng sẽ bị tấn công. Họ để trống pháo đài phía trên và tập trung tất cả trong pháo đài bên dưới vững chắc kiên cố hơn.[34]
Yusuf Pasha cho quân đổ bộ lên bờ biển Crete, quân chủ lực tiến về Canea, còn beylerbeyi Amasya Ahmed Pasha và Bey Terkhale Ahmed mang quân cấm vệ và lính Tunis, Tripoli qua Agioi Theodoroi. Đêm 27 tháng 6, quân Ottoman tiếp cận pháo đài trên cao, thấy không một bóng người liền đóng binh lại. Sáng hôm sau, họ vây hãm đồn phía dưới và bắn phá từ hai phía. Hai khẩu pháo được tháo ra khỏi tàu và lắp vào tường pháo đài. Theo sử gia Ottoman Naima, đích thân Yusuf Pasha ra trận tham chiến.[23][34] Quân bảo vệ pháo đài nằm dưới tình thế vô vọng, một số đã giương cờ trắng đầu hàng. Nhưng chỉ huy đồn Biagio Giuliani đã quyết tử cho nổ tung pháo đài và toàn bộ quân đồn trú để ngăn không rơi vào tay quân Ottoman.[36]
Naima tin rằng cờ trắng là âm mưu dụ để giết được nhiều lính Ottoman:
“ | Một kẻ thù nguy hiểm bước ra, bàn tay đáng nguyền rủa cầm khăn trắng và vẫy. Khi đến đúng vị trí, mìn được cài từ trước liền bị kích nổ. Những người gần đó bị hất tung và thiêu cháy như thịt nướng. Nhiều thi thể của những chiến binh cao quý của chúng ta và lũ vô tín thấp hèn đều trở thành mồi cho ngọn lửa.[34] | ” |
Một ngày sau khi đổ bộ lên Crete, quân Ottoman đã đứng trên những ngọn đồi đối diện với thành Canea.[36]
Thành Canea được xây dựng kiên cố và có bảy pháo lũy cao. Mỗi pháo lũy trang bị 21 khẩu pháo và 1.000 lính. Tường lâu đài rộng đến nỗi năm[33] đến bảy[37] kỵ sĩ có thể đi cạnh nhau. Thành ngoại có chín chốt phòng thủ, mỗi chốt đặt 15 khẩu đại bác. Hào sau tường thành sâu 15 thước và rộng 75 thước.[38] Cảng Canea chứa 27 thuyền galê. Sáng 27 tháng 6, cùng với hỏa lực pháo, 80.000[39] quân Ottoman bắt đầu tấn công.[40] Tàu chiến Venezia bị Ottoman khóa chặt trong cảng và bị bắt giữ sau hai ngày.[39] Sử gia Naima theo quan điểm Ottoman đã đánh giá "lũ vô tín đáng kinh tởm đã chiến đấu dũng cảm tuyệt vời". Trong ngày thứ mười hai vây hãm, Yusuf Pasha suýt chết vì đạn pháo Venezia khi đến gần khẩu đội để nâng cao sĩ khí. Do đó, ngày thứ mười ba được tăng cường an ninh, đào thêm chiến hào mới và bổ sung thêm pháo.[40]
Nhận tin Canea bị vây, tỉnh Crete cử 500 binh sĩ đến giúp. Cùng với 400 binh sĩ từ Souda, đợt tiếp viện này tổng là 900 quân.[41] Quân tiếp viện tấn công nhằm mở rộng vòng vây cho Canea nhưng bị đánh bại. Ngày thứ 13, hơn 100 chiến binh đột kích ra ngoài đánh vào nhóm Ottoman đang đắp lũy nhưng không thành công mấy.[42] Ngày thứ 25, quà tặng từ Ibrahim I được gửi đến, giúp nâng cao sĩ khí quân bao vây. Yusuf Pasha lệnh cho quân đổ đất trước bờ tường để dựng bờ kè làm giảm chiều cao tiếp cận của tường thành. Quân Ottoman lắp pháo trên bờ kè và pháo kích vào thành. Ngày 6 tháng 8, tức ngày thứ 41 vây hãm, quân Ottoman đào hầm vào mạn trái pháo lũy, sau đó chuyển 150 thùng chất đầy thuốc súng (mỗi thùng 56,5 kg) vào đường hầm. Một vụ nổ lớn đã phá hủy tường thành và pháo lũy[43] nhưng không dứt điểm được và thế trận bao vây vẫn tiếp tục. Cuối cùng, ngày 19 tháng 8, Canea bắt đầu tiến hành đàm phán và đầu hàng. Trận vây hãm kéo dài 54 ngày. Theo thỏa thuận đầu hàng, dân thành được đảm bảo một lối thoát an toàn mà không bị cản trở. Ngày 22 tháng 8, ba thuyền galê Ottoman chuyển dân chúng tới Candia.[44] Kết quả trận chiến, quân phòng vệ đã chống trả được 7 đợt xung phong, khiến Ottoman mất 40.000 quân.[39] Đổi lại, theo sử gia Ottoman Kyatib Çelebi, quân Ottoman thu được 395 khẩu pháo.[44] Nhà thờ Thánh Nicholas của Thiên Chúa giáo biến thành nhà thờ Hồi giáo Hyunkar, hai nhà thờ nữa cũng trong tình trạng tương tự. Tin Canea đầu hàng bay về thủ đô, Istanbul tổ chức lễ hội ba ngày ba đêm.[45] Cảng Canea có tầm quan trọng lớn đối với người Thổ vì đây là căn cứ lý tưởng để cung ứng tiếp viện cho các chiến dịch đánh Crete.[39]
Tin Canea về tay Ottoman gây ra làn sóng lớn ở châu Âu.[45] Các nước như Lãnh địa Giáo hoàng, Toscana, Malta và Napoli ngay lập tức thực hiện lời hứa. Tháng 9, cháu trai Giáo hoàng Innôcentê X là Niccolo I Ludovisi bỏ lỡ cơ hội đánh tan hạm đội Ottoman. Ngày 1 tháng 10, hạm đội Thiên Chúa giáo 90 tàu cố gắng tái chiếm Canea, nhưng do phối hợp không tốt cũng như các chỉ huy Ottoman đã hành động quyết đoán nên nỗ lực thất bại.[46] Đến tháng 10 (hoặc 11), đại đô đốc Yusuf Pasha rời đảo về Istanbul, trao lại quyền chỉ huy cho beylerbeyi Morea Kuchuk Hassan Pasha.[47] Về đến nơi, không những không được nghênh đón, Yusuf lại bị các đối thủ âm mưu hãm hại và bị xử tử[48] ngày 21 tháng 1 năm 1646.[49] Về sau, Ibrahim I được cho là đã hối hận về quyết định này.[50] Sau khi Yusuf Pasha bị hành quyết, Koca Musa Pasha được phong làm Kapudan-i Derya[lower-alpha 6] (đô đốc) thay thế.[51]
Venezia lại gặp vấn đề với việc bổ nhiệm chỉ huy. Thượng viện chọn Francesco Erizzo 80 tuổi làm chỉ huy đầu tiên. Sau khi Erizzo qua đời, Giovanni Cappello 73 tuổi nhậm chức tổng chỉ huy hạm đội.[52] Cappello thể hiện sự thận trọng có tiếng của mình: tránh đụng độ với hạm đội Thổ, thường coi khó khăn là lý do chính đáng để tránh hành động.[53] Tháng 6, Cappello khởi đầu thất bại khi không ngăn cản nổi quân Ottoman tiếp viện dưới tài cầm quân của những chỉ huy mới là serdâr[lower-alpha 7] Koji Musa Pasha[51][53] và Đại Vezir Sultanzade Mehmed Pasha. Mehmed Pasha ra lệnh hủy diệt pháo đài Suda, vì đây là điểm trung chuyển Venezia dùng để kết nối với đảo Crete. Pháo đài Suda nằm trên đảo ở cửa vịnh nên không dễ dàng chiếm được. Mehmed Pasha bị sốt rét và qua đời, Delhi Hussein Pasha được chỉ định thay thế. Ngày 10 tháng 3 năm 1646, Hussein Pasha chiếm được pháo đài Kissamos ở phía tây đảo. Dân địa phương nhanh chóng đầu hàng.[51] Tháng 8, Cappello tổ chức tấn công hạm đội Ottoman trên vịnh Canea nhưng bị đẩy lui.[53]
Khi Musa Pasha đến bờ Rumelia để lấy lương thực, Hussein Pasha là chỉ huy Ottoman duy nhất ở Crete. Ông nhận thấy sẽ mất nhiều thời gian đánh chiếm pháo đài Suda nên quyết định chưa bao vây vội. Thay vào đó, ông dồn lực lượng phong tỏa Rethymno.[51] Cappello tiếp tục thất bại trong nỗ lực phá vỡ bao vây, và kết quả là Rethymno thất thủ ngày 20 tháng 10, dù tường thành vẫn duy trì được đến giữa tháng 11 (ngày 13[54][55]/15[25]/21[56]). Quân Ottoman đào đường hầm lớn dưới cổng pháo đài, và vào ngày bao vây thứ 39, cho thuốc súng nổ tung trong hầm. Cư dân bị bao vây đến kiệt quệ nên đề nghị hòa bình ngày hôm sau, Ottoman cho phép họ di tản đến Candia.[55] Thông tin điệp báo cho Hussein Pasha biết tàu thuyền Venezia đang tập hợp tại cảng Candia và Suda, cũng như tuyển mộ 15.000 binh sĩ Hy Lạp để phối hợp tấn công Canea từ đường bộ và đường biển. Hussein Pasha liền quyết định tấn công phủ đầu. Giữa tháng 6 năm 1646, ông chiếm được pháo đài Esterni là đồn lũy cuối cùng tiến tới cảng Suda.[57]
Bất chấp khủng hoảng chính trị tại Istanbul, thay đổi cả Sultan lẫn Đại Vezir, Ottoman vẫn kiên trì mục tiêu đánh chiếm đảo Crete. Ở phía bên kia, Venezia lại huy động tài lực, nhân lực và tìm kiếm đồng minh trong tuyệt vọng quyết chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, phần lớn châu Âu đã sa lầy trong Chiến tranh Ba Mươi Năm nên không thể trợ giúp.[58] Chiến phí là vấn đề lớn cho Venezia: ngoài việc tăng thuế còn phải bán tước vị quý tộc để lấp đầy ngân khố.[59]
Mùa đông năm 1646-1647, hai bên đều phải gánh chịu thảm cảnh dịch hạch. Suốt mùa xuân năm 1647 coi như đình chiến. Nhưng đến giữa tháng 6 năm 1647, một tiểu đội quân Ottoman đánh bại đội lính đánh thuê của Venezia, sau đó Hussein Pasha đã chiếm nửa phía đông của đảo, ngoại trừ pháo đài Sitia.[60] Phía Venezia chịu thiệt hại nặng nề: đến năm 1648, gần 40% dân số đảo Crete chết vì bệnh tật hoặc chiến tranh.[61] Năm 1677, dân số trên đảo là 80.000 người (trước chiến tranh là 260.000 người).[62] Đến đầu năm 1648, ngoại trừ Candia và một vài pháo đài, hầu hết Crete đều đã nằm trong tay đế quốc Ottoman.[48]
Sau khi chiếm được gần như toàn bộ đảo Crete, quân Ottoman bắt đầu bao vây Candia. Đợt bao vây kéo dài có những giai đoạn đứt quãng 1648-1669. Tính ra, chỉ có chiến cuộc người Moor vây hãm Ceuta (1694-1727) là kéo dài lâu hơn trận Candia.[lower-alpha 8] Trong những năm 1649, 1656 và từ 1666 đến 1669 là thực hiện bao vây toàn diện, thời gian còn lại quân Ottoman chỉ tiến hành phong tỏa mà không tiến hành công phá tích cực.[63]
Khoảng cuối tháng 4 cho đến đầu tháng 5 năm 1648, quân Ottoman bắt đầu pháo kích các chốt lũy Giêsu và San Marie. Suốt mùa hè, quân Ottoman đào các hệ thống đường hầm, xuyên đến chân vòng tường bảo vệ ngoài hào.[27] Hussein Pasha cắt đường cấp nước cho thành phố từ các suối trong hẻm núi Agia Irini.[5] Nhưng các tàu vận tải và tiếp viện Ottoman cũng bị hạm đội Thiên Chúa giáo chặn lại trong biển Aegea dẫn đến thiếu lương thực và quân viện trợ. Ngoài ra, Ibrahim I thiên lệch và liên tiếp xử trảm các vị quan to dẫn đến khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Đỉnh điểm là hè 1648, Ibrahim I bị phế truất, ngôi vị chuyển cho con trai mới sinh của ông là Mehmed IV.[64] Đầu năm 1649, Ottoman phải tạm dừng bao vây do không cung ứng được quân lương. Cho đến tháng 6 năm 1649, hạm đội Ottoman cập được cảng thì mới mở lại các đợt tấn công. Nhưng ngay sau đó, một số trung đoàn janissary tự ý bỏ về Istanbul. Hussein Pasha không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dùng đội quân còn lại tiếp tục duy trì phong tỏa hết mức có thể.[65]
Các hoạt động thương mại của Venezia bị tác động nặng nề, chiến tranh làm cho đất nước mệt mỏi. Venezia gửi phái viên đi gặp sultan để hòa đàm, nhưng lại khó chấp nhận yêu cầu nhượng toàn bộ Crete. Trong dự thảo hòa ước trình trước cho Đại Vezir năm 1649, Venezia không đưa vào điều khoản chuyển giao đảo Crete cho Ottoman. Đại Vezir Sofu Mehmed Pasha nổi giận tống giam sứ thần Soranzo vào Yedikule và hành quyết viên thông ngôn Grillo. Toàn sứ bộ bị bắt giữ[66] và chiến tranh tiếp diễn.[67]
Đến năm 1650, Ottoman bắt đầu xây dựng các công sự để kiểm soát việc tiếp cận Candia. Tháng 11 năm 1650, Melek Ahmed Pasha trở thành Đại Vezir, và tuyển chọn 3.000 quân janissary trợ giúp cho Delhi Hussain.[16] Năm 1652, Ottoman có được doanh trại kiên cố với 5 chốt lũy ở mặt nam thành phố. Venezia hoàn toàn bất lực trên đất liền nên mất hầu hết các phần trên đảo vào năm 1656. Bất chấp hạm đội Venezia khóa chặt eo biển Dardanellia và những khủng hoảng chính trị ở Istanbul, quân Ottoman ở Crete vẫn đủ mạnh để chống trả các đợt tấn công, chỉ là không đủ lực dứt điểm Candia. Năm 1653, Hussein Pasha chiếm pháo đài đảo Selino ở vịnh Suda và gia cố pháo đài San Todero đã chiếm được trước đó ở vịnh Canea.[68] Những năm sau, quân Ottoman mở nhiều cuộc tấn công vào Candia nhằm chiếm pháo đài San Dimitar, đặc biệt là các năm 1653, 1654, 1655.[5]
Tháng 8 năm 1660, tận dụng thời điểm bao vây gián đoạn, hạm đội chung gồm các tàu của Lãnh địa Giáo hoàng, Malta và Pháp đánh chiếm pháo đài Santa Veneranda và cố gắng thu hồi Canea. Nhưng quân Ottoman đã kịp thời chuyển từ Candia đến Canea để ngăn chặn. Cùng lúc, quân đồn trú Candia tận dụng thời gian chủ lực đối phương tạm thời vắng mặt để xuất kích nhưng cũng thất bại, tổn thất 1.500 lính.[69]
Tuy hạm đội Venezia thắng lợi trên mặt biển, Candia vẫn bị bao vây. Ottoman duy trì những đợt truy quét trên đảo cho đến khi bổ sung lực lượng mới vào năm 1666.[69]
Các vấn đề trong đế quốc Ottoman khiến cho xung đột kéo dài mà không đạt kết quả. Trước tiên là giai đoạn phụ nữ lũng đoạn Vương quốc Hồi giáo, tình hình chỉ ổn định trở lại khi có Đại Vezir từ gia tộc Köprülü lên nắm quyền ngày 14 tháng 9 năm 1656.[70] Vấn đề nữa là chiến tranh Áo-Thổ nổ ra năm 1663, kết thúc tháng 8 năm 1664 khi Vezir thứ hai từ gia tộc Köprülü là Ahmed ký Hòa ước Vasvár ở thế dưới. Nhờ đó, ông rảnh tay hướng toàn lực vào Crete.[5]
Venezia không thể trực tiếp đối mặt với quân viễn chinh chủ lực của Ottoman tại Crete, nhưng lại có trong tay lực lượng hải quân xuất sắc có thể ngăn trở tàu Ottoman dọc theo các tuyến tiếp vận.[71] Năm 1645, Venezia và đồng minh sở hữu hạm đội gồm 60-70 thuyền galê, 4 tàu ba buồm galleass và khoảng 36 chiến thuyền galleon. Kỹ thuật phía Venezia vượt trội hơn đối phương khi sử dụng hạm đội hỗn hợp thuyền buồm galê và thuyền chèo. Trong khi vào đầu cuộc chiến, Ottoman chỉ có các thuyền galê.[72]
Ngày 30 tháng 3 năm 1645, theo lệnh Girolamo Morosini, hạm đội Venezia cố gắng đánh chặn hạm đội Ottoman đi qua eo biển.[56] Để cắt đứt nguồn tiếp tế của Ottoman cho Crete, Tommaso Morosini chỉ huy 23 tàu cố gắng đánh chiếm đảo Tenedos giữ vị trí chiến lược quan trọng ở lối vào eo biển. Ngày 26 tháng 5, hạm đội 80 tàu chiến của Kapudan Pasha Koca Musa cố vượt eo biển vào biển Aegea nhưng bị đánh bật lại Dardanellia.[73] Ngày 4 tháng 6, do thiếu gió, các tàu Venezia đã không chặn nổi tàu Ottoman cố né tránh để thoát đi, đưa quân lương mới đến được Crete.[74] Nỗ lực của hải quân Venezia chống lại các hoạt động trên bộ Ottoman ở Crete cũng thất bại do chỉ huy thiếu quyết đoán, thiếu kinh phí trả lương cho thủy thủ đoàn và ảnh hưởng của dịch bệnh.[75]
Ngày 27 tháng 1 năm 1647, tại Navarino, tàu chiến Tommaso Morosini chạm trán hạm đội Ottoman 45 thuyền galê.[76][56] Chỉ huy hai bên là Morosini của Venezia và Koca Musa Pasha của Ottoman đều tử trận. Hạm đội Venezia do Giovanni Battista xuất hiện kịp thời cứu nguy cho tàu Morosini.[76] Mặc dù đạt được một số thành công như đột kích Çeşme nhưng nỗ lực của Venezia đã không ngăn được dòng chảy tiếp viện của Ottoman.[77]
Năm 1648, quân Venezia quay lại Dardanellia. Giữa tháng 3[78] (hoặc ngày 7 tháng 3[56]), cơn bão gần Psara đã cướp đi một lượng lớn tàu thuyền. Nhưng suốt năm ấy, hạm đội Venezia vẫn thành công ngăn chặn kẻ thù vượt eo biển. Ottoman xây dựng hạm đội khác ở Çeşme làm phân tán lực lượng Venezia.[79] Năm 1649, hạm đội Ottoman được cùng với sự chỉ huy của Kapudan Pasha Voinok Ahmed đã xuyên qua được hàng rào trên biển. Ngày 12 tháng 5 năm 1649, Da Riva đánh thắng tại Phocaea, bắt giữ và phá hủy một số tàu, nhưng không thể ngăn được hạm đội Ottoman cập cảng Crete.[80] Trận này phơi bày điểm yếu phía Venezia: rất khó để chặn thuyền buồm galê và không đủ tàu kiểm soát cả Dardanellia lẫn eo Chios cùng lúc.[71] Mặt khác, Ottoman cũng củng cố lại hải quân, năm 1648 đã đóng và đưa thuyền galeon vào sử dụng, không còn chỉ dựa vào thuyền galê nữa.[81]
Gần như suốt năm 1650, hạm đội 41 tàu Venezia đã khóa được Dardanellia, ngăn không cho Hyderagazade Mehmed Pasha đến Crete. Cuối năm 1650, sanjakbey Rhodes là Khozamzade Ali Pasha lên thay thế Mehmed Pasha. Đồng thời, do chi phí quá cao, Venezia buộc phải từ bỏ việc thuê tàu nước ngoài đồng nghĩa giảm sức mạnh hạm đội.[82] Ngày 10 tháng 7 năm 1651, trận hải chiến quan trọng đầu tiên diễn ra ở phía nam Naxos, kéo dài ba ngày. Kết quả là 58 tàu Venezia dưới sự chỉ huy của Alvise Mocenigo đã đánh bại hạm đội Ottoman. Ali Pasha đưa tàn quân về Rhodes. Đến mùa đông, thì Ali Pasha mới có thể tới Candia. Ngay sau đó, Leonardo Foscolo lên thay cho Mocenigo. Trong hai năm tiếp theo, cả hai bên đều tránh giao chiến đụng độ.[83]
Năm 1654, Ottoman tập hợp lực lượng, bổ sung các tàu mới đóng tại Sừng Vàng, điều thêm các liên đội từ Tripolitania và Tunis để củng cố hạm đội.[84] Đầu tháng 5, hạm đội rời Dardanellia gồm 79 tàu (40 thuyền buồm, 33 thuyền galê và 6 tàu ba buồm), được tăng cường thêm 22 tàu từ Aegea và 14 tàu từ Barbary bổ sung gần eo biển. Lực lượng này đông hơn rất nhiều so với hạm đội 26 tàu Venezia[lower-alpha 9] dưới quyền của Giuseppe Dolphin có nhiệm vụ ngăn chặn.[85][86] Ngày 16 tháng 5 năm 1654 diễn ra hải chiến Dardanellia kéo dài 8 tiếng với thắng lợi cho Ottoman. Nhưng Venezia tin rằng cũng đã thắng lợi về mặt tinh thần khi thoát khỏi hạm đội đối phương khổng lồ vượt trội mà chỉ mất có hai tàu (Aquila d 'Oro và Orsola Bonaventura). Ottoman cũng mất 2 tàu.[87][88][89]
Được các liên đội tàu Aegea và Barbary tiếp trợ, hạm đội Ottoman đánh đảo Tinos, nhưng phải rút lui ngày 21 tháng 6 sau trận giao tranh với hạm đội Venezia do Alvise Mocenigo chỉ huy. Kể từ đó cho đến hết năm, Kara Murad Pasha luôn tìm cách tránh đụng độ hạm đội Venezia trên biển Aegea. Tháng 9, Murad Pasha quay lại Dardanellia do tình hình các janissary làm loạn.[90] Những tháng cuối năm 1654 diễn ra thay đổi lớn về chỉ huy Venezia, Mocenigo qua đời ở Candia, Francesco thay thế. Fancesco thể hiện xuất sắc trong các trận chiến trước đó, và được nắm binh quyền hải quân. Ông phát động chiến dịch hoạt động mạnh mẽ hơn. Mùa xuân năm 1655, ông dẫn quân đột kích kho lương Ottoman tại Aegina và tấn công phá hủy thành phố cảng Volos trong đêm 23 tháng 3. Đầu tháng 6, Morosini giương buồm đến Dardanellia, chờ đợi giáp chiến nhưng những biến động trong chính trường Ottoman không cho phép hạm đội xuất kích.[91]
Để lại nửa hạm đội (36 tàu) cho Lazzaro Mocenigo canh gác eo biển, Morosini quay lại Cyclades.[92] Một tuần sau tức ngày 21 tháng 6, Mustafa Pasha chỉ huy hạm đội Ottoman 143 tàu xuất hiện.[93] Ngày 21 tháng 6 năm 1655 diễn ra Hải chiến Dardanellia thứ nhì. Lazaro Mocenigo điều động 25 tàu[lower-alpha 10] giáp chiến 36 tàu của Murad Pasha. Quân Venezia giành thắng lợi, chỉ bị đắm 1 tàu (David e Golia), 126 người chết và 180 người bị thương. Phía Ottoman mất 11 tàu.[94] Thời gian còn lại trong năm 1655, hạm đội Ottoman tránh hành động rồi rút lui trong mùa đông. Sau đó, Morosini tiến hành bao vây pháo đài đảo Monemvassia quan trọng về mặt chiến lược nhưng không thành.[95] Tháng 9, Morosini trở thành provveditor mới của Crete, còn Lorenzo Marcello nắm hạm đội.[96]
Dù thường xuyên chiếm ưu thế trong những năm đầu chiến tranh, kiểm soát và bổ sung lực lượng trên biển Aegea,[97] Venezia lại không đạt được mục tiêu cụ thể nào. Tuy thua trận trên biển, Ottoman vẫn đi lại qua biển Aegea để tiếp ứng cho lực lượng tại Crete[98] bằng các đường biển từ Alexandria, Rhodes, Chios và Monemvassia.[99]
Ngày 26 tháng 6 năm 1656 diễn ra trận hải chiến Dardanellia thứ ba. Hạm đội 29 tàu Venezia[lower-alpha 11] do Marcello chỉ huy, sát cánh bên cạnh các tàu Malta do Don Gregorio Carafa chỉ huy. Phía Ottoman có 28 tàu, 61 thuyền galê.[101] Hạm đội liên hợp của Marcello đã giáng đòn sấm sét vào Ottoman khiến họ phải chịu "thất bại hải quân tồi tệ nhất từ thời Lepanto":[96] 60 tàu thuyền Ottoman bị đắm hoặc bị bắt giữ, 5.000 nô lệ Thiên Chúa giáo được giải phóng. Tuy vậy, Venezia phải trả cái giá không nhỏ vì tổn thất lớn nhất là đô đốc Marcello tử trận.[102] Sau trận chiến, dù các tàu Malta rời đi, nhưng đại thắng này giúp cho Barbado Doer của Venezia chiếm Tenedos ngày 8 tháng 7 và Lemnos ngày 20 tháng 8.[103] Hai hòn đảo này nằm ngay trên lối vào eo biển, liền được Venezia dùng làm căn cứ giúp cho việc khóa eo biển trở nên hiệu quả hơn. Kết quả là nguồn cung cấp của Ottoman cho đảo Crete hầu như bị cắt, quân viễn chinh bị thiếu lương vào mùa đông tới.[104]
Tình hình Ottoman hỗn loạn khi Mehmed IV bước vào cai trị. Năm 1656, ông làm theo lời khuyên của mẹ để phong Mehmed Köprül làm Đại Vezir, người khôi phục trật tự và kỷ luật quân đội.[67] Kapudan Pasha Topal Mehmed mới lên đã tăng cường sức mạnh hạm đội.[105] Tháng 3 năm 1656, quân Ottoman vượt qua được eo biển và đến Tenedos. Tuy nhiên, lực lượng Venezia đồn trú trên đảo quá mạnh nên Ottoman quyết định không tấn công.[102] Tháng 5, Lazzaro Mocenigo chỉ huy quân Venezia giành được một số chiến thắng nhỏ vào ngày 3 và 18.[106] Được các tàu của Lãnh địa Giáo hoàng và Malta tăng cường, Mocenigo dẫn hạm đội đến Dardanellia đón đánh Ottoman. Các chỉ huy phe Thiên Chúa giáo bất đồng nên đã để Ottoman thoát qua eo biển mà thậm chí không cần tham chiến.[107][108] Trận chiến Dardanellia thứ tư diễn ra ngày 17-19 tháng 7. Trong ba ngày, hạm đội hai bên theo dòng chảy trôi về phía nam và phía tây Dardanellia vào biển Aegea. Các thuyền Venezia xuyên thủng hàng phòng vệ hạm đội tàu Ottoman. Tuy nhiên, tối 19 tháng 7, một vụ nổ phá hủy kỳ hạm Venezia, Mocenigo tử trận, buộc hạm đội đồng minh phải rút lui.[109] Trong trận chiến này, quân Ottoman chịu tổn thất nặng nề hơn nhưng lại đạt được mục tiêu là phá vỡ được hàng chốt trên biển. Dưới sự chỉ huy tài tình của cá nhân Đại Vezir, cũng như tiếp trợ từ các liên đội tàu Barbary,[110] hạm đội Ottoman tái chiếm Lemnos ngày 31 tháng 8, rồi đến Tenedos ngày 12 tháng 11.[111][lower-alpha 12] Tháng 5 năm 1659, hạm đội Venezia chiếm đảo Garabousa gần đảo Crete, đến tháng 6 năm 1660 chiếm đảo Skiathos phía bắc biển Aegea. Ngày 27 tháng 8 năm 1661, hạm đội chung Venezia và Malta đánh bại một đội thuyền galê Ottoman ngoài khơi Milos.[56]
Đối thủ của Ottoman cố gắng lôi kéo Sa quốc Nga tham chiến, đặc biệt là Chính thống giáo Hy Lạp. Năm 1653, Thượng phụ Constantinople Athanasius Patelar trong Ngôi Lời bị khống chế đã kêu gọi Sa hoàng Aleksey mang quân đến Constantinopolis. Đáp lại, Sa hoàng tuyên bố ý định giải cứu Hy Lạp và toàn thể Chính thống giáo khỏi ách thống trị của kẻ thù đức tin. Năm 1655, Tổng giám mục Jerusalem Macarius viết thư cho Sa hoàng rằng Constantinopolis lo ngại bị thuyền Cossack tấn công. Nga liền xuất quân đẩy lùi Cossak và vào thành. Thượng phụ Constantinopolis và những người trong thành tung hô Aleksey là "Hoàng đế Constantinus mới" - Sa hoàng Giải phóng. Tuy nhiên, chiến tranh kéo dài với Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva không cho phép Nga can thiệp mạnh vào cuộc chiến. Dầu vậy, chính quyền Nga vẫn theo dõi và liên tục đưa tin diễn biến chiến cuộc trên báo Kuranty (dành riêng cho Sa hoàng và boyar ở Posolsky Prikaz). Tin chiến sự luôn có mặt trong các số Kuranty thứ hai cho thấy các diễn biến lớn đều được chính quyền Nga nắm chắc.[112]
Năm 1658, đế quốc Ottoman hướng mục tiêu tấn công chính đến Transylvania của Rákóczi II György là chư hầu của Habsburgs dẫn đến xung đột kéo dài.[113] Những năm sau đó, hạm đội Venezia dưới quyền Morosini đã cố gắng khóa chặn eo Dardanellia nhưng không thành công. Morosini cũng tiến hành tấn công các thành trì Ottoman: tháng 8 năm 1658 thất bại khi đánh đảo Lefkada, nhưng năm 1659 được người Maniot trợ giúp, họ chiếm Kalamata, Toron, Karystos và Çeşme. Tuy nhiên, thắng lợi này không có kết quả nhiều vì Venezia không đủ sức trấn giữ những nơi chiếm được.[111] Về phía Ottoman, Köprülü Mehmed Pasha ra lệnh xây dựng hai pháo đài mới về phía châu Âu trên lối vào Dardanellia để ngăn Venezia xâm nhập eo biển.[114] Khi Chiến tranh Pháp-Tây Ban Nha kết thúc, Venezia như được tiếp sức, hy vọng nhận được viện trợ tài lực và nhân lực, đặc biệt từ Pháp là nước vốn có truyền thống tốt đẹp với Ottoman nhưng quan hệ đã xấu đi.[111]
Sự tiếp trợ bắt đầu ngay lập tức, các nhóm quân tình nguyện hoặc đơn lẻ từ khắp Tây Âu đã đến Candia. Các vua chúa Thiên Chúa giáo cũng thấy có nghĩa vụ phải cung cấp nhân lực, lương thực và tàu thuyền.[99] Tháng 4 năm 1660, Công tước Almerigo d'Este chỉ huy 4.200 quân Pháp, cùng lính đánh thuê Đức, bên cạnh các đội quân khác từ Savoy, Malta, Toscana và Pháp. Tuy vậy, các hoạt động của Morosini lại không thành công trong năm 1660. Tháng 8, Venezia thất bại khi cố gắng tái chiếm Canea. Đến tháng 9, tấn công bất thành vào phòng tuyến Ottoman bao vây Candia.[115] Ngay sau khi Công tước d'Este tử trận tại Naxos, quân Pháp trở về nước. Tiếp theo là Morosini qua đời, một người bà con của ông là Giorgio được cử thay thế.[116] Năm 1661, Giorgio Morosini có được một số thắng lợi nhỏ: phá vỡ trận vây hãm Tinos, truy kích và đánh bại hạm đội Ottoman tại Milos. Những năm sau đó, quân Venezia lại không có hoạt động lớn nào. Dù Ottoman đang sa lầy trong cuộc chiến với Áo ở Hungary và hải quân bất hoạt, nhưng Venezia không tận dụng cơ hội để đột phá, ngoại trừ việc đánh chặn đoàn tàu vận tải từ Alexandria ngoài khơi Kos năm 1662.[117]
Quân đồng minh tiếp viện Venezia giúp tăng cường lực lượng đồn trú phòng vệ cho Candia, ngoài binh lính còn có những kỹ sư xây dựng và chuyên gia công sự. Đại diện cho Thượng viện Venezia, Marquis Da Villa đến Crete với 8.295 bộ binh và 1.008 kỵ binh. Ngày 26 tháng 2 năm 1666, Da Villa đổ bộ lên Crete, thất bại khi định bao vây Canea. Tháng 4 năm 1666, ông kéo quân đến Candia.[69] Tháng 9 năm 1666 bắt đầu gia cố công sự phòng thủ theo công trình của kỹ sư Hà Lan Verned tại Candia. Công sự nổi được sửa lại, hệ thống chống đối phương đào hầm vào được gia cố. 40 ngày sau, công tác củng cố hoàn thiện. Trong khi ấy, Ottoman cũng tăng cường các vị trí: xây dựng các đồn nhỏ đối diện pháo đài San Dimitar, đào chiến hào tới pháo đài San Marie, mũi Thánh Thần và mỏm San Nicola. Ngoài ra, quân Ottoman đổ đất thành lũy phía trước công sự. Da Villa nhiều lần xuất kích đẩy lùi quân Ottoman nhưng ưu thế tổng thể vẫn không thay đổi.[118]
Tháng 11 năm 1666, Đại Vezir Köprülü Pasha dẫn đoàn quân tiếp viện đông đảo tới Canea. Cuộc bao vây tiếp theo kéo dài 8 tháng, với diễn biến chính quanh pháo lũy Panigra.[69] Ngày 22 tháng 5 là bắt đầu giai đoạn cuối của cuộc vây hãm kéo dài đến 28 tháng. 108.000 quân Thổ và 29.088 quân Thiên Chúa giáo tử trận.[119] 25 năm chiến tranh, 280 quý tộc Venezia đã chết, tương ứng với khoảng một phần tư Đại Hội đồng.[89] Ngày 28 tháng 5, quân Ottoman bắt đầu đào chiến hào. Trước mỗi pháo lũy, quân Ottoman đào những hào rộng hình dáng ngoằn ngoèo để di chuyển các khẩu pháo hạng nặng. Tiếp theo, cứ 15-20 nhịp, họ lại đào hào ngang song song với mặt tấn công. Tại chiến hào, công sự nổi sẽ cao hơn đầu người. 30 đường hào song song đã được đào phía trước pháo lũy Panigra. Các đồn nhỏ được lập ở cuối những chiến hào ngang để củng cố. Họ còn đắp ụ đất đặt pháo để phát huy mức công phá tối đa.[118]
Cuộc chiến đào hầm hào diễn ra suốt mùa hè nhưng không bên nào giành được lợi thế. Nửa đầu tháng 9, Da Villa xuất kích, buộc quân Ottoman phải rút lui. Đáp trả, Ottoman tăng số lượng pháo nhắm vào pháo lũy Mocenigo. Mùa thu, quân Venezia gây nổ trong hệ thống chống đào hào làm Ottoman tạm thời bị trì hoãn. Ottoman cho nổ tung phần hào còn lại và chiếm được lũy bán nguyệt đầu tháng 11. Từ đó, quân Ottoman có thể ẩn náu trong chiến hào vây xung quanh. Mưa lớn ngập tất cả hầm hào khiến Ottoman phải hoãn đến mùa xuân. Khoảng cuối năm, quân Ottoman cũng thử đối đầu trực diện, nhưng không thể ẩn thân trong chiến hào đầy nước, cũng như hỏa lực quân phòng thủ khiến đối phương phải từ bỏ ý định. Ottoman có thêm tiếp viện vào mùa đông. Đại Vezir thân chinh dẫn quân tới các đảo. Ông tận dụng cả khoảng thời gian mùa đông ra lệnh dựng bến tàu dài để chặn cảng Candia. Ottoman ý định cắt đường cung ứng quân lương của Candia. Köprülü Pasha chỉ đạo tấn công vào các vị trí ven biển. Kể từ tháng 5 năm 1666 đến lúc này, Ottoman đã tổn thất tới 20.000 quân với 32 lần đánh công sự Candia. Phía đối lại, Candia mất 7.000 binh sĩ, 2.111 phụ nữ và trẻ em, tiến hành 16 đợt xuất kích phản công. 18 lần hai bên va chạm dưới hệ thống hầm hào đào vào nhau.[118]
Cuối tháng 1 năm 1668, Ottoman dọn sạch chiến hào ngập nước, rồi đặt lính canh trong đó.[118]
Cuối năm 1667, qua một hàng binh, quân Ottoman biết được các điểm yếu trong hệ thống công sự của các pháo lũy ven biển San Andrea và Sabionera,[120][121][122] và tập trung khai thác. Đại Vezir cho dựng hai pháo lũy tạm thời cũng như tháp bắn để nã pháo nhắm mục tiêu tàu vào cảng. Cuối tháng 1 năm 1668, quân Ottoman bắt đầu đào chiến hào đối diện pháo lũy San Andrea. Thượng viện Venezia kêu gọi đồng minh với hy vọng ít ỏi được trợ giúp. Cuối tháng 7 năm 1668, bắt đầu pháo kích San Andrea đồng thời đào hào đối diện pháo lũy Sabionera. Ngày 22 tháng 8, Ottoman cho nổ 9 phát trong đường hào xâm lấn, tạo ra lỗ hổng 90 bước chân trên vách pháo lũy. Ngày 26 tháng 8, Ottoman tấn công bất thành, nhưng quân phòng thủ tổn thất rất lớn và tình thế nguy ngập.[118]
Ottoman tiếp tục tấn công trong lúc kinh tế Venezia suy giảm mạnh khiến các signoria phải tìm kiếm giải pháp hòa bình. Năm 1668, dù dự kiến châu Âu sẽ tiếp viện đáng kể, Venezia vẫn bắt đầu tiến hành đàm phán.[123] Venezia hy vọng dùng kế hoạch tiếp viện đó làm điều kiện buộc Ottoman phải nhượng bộ. Đầu tiên, đô đốc Andrea Vallier được bổ nhiệm làm phái viên nhưng do bị ốm nên Alviso da Molin thay thế.[124] Molin cùng sứ đoàn đến Larissa, nơi đặt triều đình Ottoman trong mùa săn bắn của sultan.[125] Ottoman đề nghị Venezia giữ một nửa đảo Crete, nhưng phe signoria từ chối với hy vọng giữ được nhiều hơn.[126] Molina được quân Ottoman đưa đến Canea, và nhận lệnh tiếp tục thương thảo, theo dõi tình hình.[127]
Dalmatia là mặt trận riêng trong giai đoạn đầu chiến tranh. Đối với Ottoman, các lãnh thổ Dalmatia tương đối xa và ít quan trọng, Venezia lại ở gần những căn cứ tiếp tế và khống chế toàn bộ vùng biển một cách chắc chắn.[128] Năm 1646, Ottoman tiến hành tấn công quy mô lớn và gặt hái thành công đáng kể như chiếm được các đảo Krk, Pag và Cres.[129] Thắng lợi lớn nhất của họ là công hạ pháo đài Novigrad vốn được coi là bất khả xâm phạm. Novigrad đầu hàng ngày 4 tháng 7 sau hai ngày bị Ottoman bắn phá.[130] Ottoman trực tiếp đe dọa hai thành trì chính của Venezia ở Dalmatia là Zadar và Split.[131] Năm sau tình thế đổi chiều, provveditor Dalmatia là Leonardo Foscolo chiếm được một số pháo đài, tái chiếm Novigrad, tạm chiếm Knin và Klis.[48][61] Từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 16 tháng 9, Ottoman bao vây bất thành Šibenik.[56][78] Trong những năm sau, chiến sự tạm lắng do nạn đói và bệnh dịch bùng phát ở Zadar của Venezia. Ngoài ra, cả hai bên đều chuyển hoạt động quân sự sang biển Aegea.[132] Ngày 30 tháng 7 năm 1657, quân Ottoman bao vây Castelnuovo nhưng rút lui sau hai tuần.[70] Ngày 1 tháng 9 năm 1660, Venezia chiếm pháo đài Butrint ở Albania, nhưng bị mất lại vào tháng 4 năm 1663.[133] Mùa hè năm 1663, Ottoman bắt đầu chiến tranh với Hungary và ưu tiên các mặt trận khác.[114] Sau khi ký Hòa ước Vasvar, Ottoman mới nối lại tấn công Dalmatia.[133]
Mùa thu năm 1668, quân Pháp đến Candia lần đầu tiên do Công tước Lorraine chỉ huy. Giữa tháng 11, 300 hiệp sĩ Pháp và Malta khác cập bến. Mùa đông năm 1668/1669, do mưa nhiều nên Ottoman không thể đào hào xâm lấn gần hơn. Tận dụng thời gian chiến sự tạm lắng, quân trong thành ra sức sửa chữa gia cố hệ thống phòng thủ và hàng lũy thứ hai cho pháo lũy San Andrea. Xuân 1669, Ottoman nối lại bao vây, cho đến giữa tháng 4, đã xâm lấn sâu vào pháo lũy Sabionera, còn thọc mũi Thánh Thần sâu tới 15 sải rưỡi. Ottoman không vội ồ ạt tấn công mà tiếp tục bắn phá các công sự. Thành bị bao vây khan hiếm lương thực, đạn dược và thiếu binh lính chiến đấu.[118]
Trong tháng 5 hoặc tháng 6, Bá tước Waldeck, Công tước Philippe de Navailles và Công tước François de Beaufort đến Candia cùng 2.000 thủy thủ.[39] Ngày 25 tháng 6,[134] Navailles và Beaufort từ pháo lũy Sabionera đánh ra. Công tước Beaufort tử trận mất xác. Đòn đột kích không làm gián đoạn hoạt động Ottoman, các đợt nã pháo tiếp tục gây áp lực lên pháo lũy San Andrea.[39]
Ngày 25 tháng 7, quân Pháp lại tấn công, riêng hạm đội bắn tới 15.000 quả đại bác. Quân Ottoman bảo vệ hệ thống hầm hào tốt và thiệt hại không đáng kể. Hạm đội Thiên Chúa giáo lại gặp tai nạn, chiến hạm Thérèse của Pháp bị nổ, quân Pháp thương vong đáng kể. Các tàu Venezia ở gần đó cũng dính thiệt hại.[135] Ngày 20 tháng 8, Công tước Navailles rời Candia. Nhận tin quân Pháp rút lui, quân Ottoman tổng tấn công ngày 25 tháng 8.[39] Candia đẩy lui hai đợt, nhưng Morosini hiểu rằng không thể cầm cự nổi nữa.[136] Ngày 27 tháng 8, Candia tổ chức hội đồng quân sự ra quyết định đầu hàng và bắt đầu thương lượng đàm phán.[39] Ngày 5 tháng 9 năm 1669, Candia đầu hàng.[137] Morosini đã có một thỏa ước tương đối ôn hòa với Ottoman:[39][97]
Bên cạnh chiến sự trực diện, Venezia luôn chủ động thực hiện hoạt động tình báo, lên kế hoạch âm mưu ám sát. Năm 1868-1869, sử gia Nga Lamansky tiếp cận kho lưu trữ Venezia, nghiên cứu thư tín Hội đồng Ten và tìm thấy những bức thư trao đổi về các âm mưu như vậy trong Chiến tranh đảo Crete.[139]
Trong thư Foscolo trao đổi với các nghị viên hội đồng (đề ngày 20-27 tháng 6 và 16 tháng 8 năm 1646) có đề cập kế hoạch đầu độc ba giếng gần nơi quân Ottoman sẽ đóng trại. Giữa năm 1649 và 1651, Venezia thảo luận kế hoạch lây nhiễm bệnh dịch cho quân Ottoman.[139] Thư Foscolo cũng nhắc đến bác sĩ Do Thái người Croat Michel Angelo Salomon hai lần. Salomon đề xuất tạo ra chất lỏng hoặc bột ("tinh cốt của bệnh dịch") từ "lá lách, mụn thịt và bắp thịt của người bệnh". Foscolo đề nghị "gieo mầm bệnh này trong các trại kẻ thù ở Rethymnon, Canea và San Todero". Cách thực hiện là đổ vào qua mũ fez hoặc y phục. Chủ tịch Hội đồng Ten phúc đáp đã gửi lại loại thuốc độc này được bao bọc đúng cách cho Salomon để thực hiện. Nhưng rồi bác sĩ nhất quyết từ chối.[140]
Ngày 15 tháng 4 năm 1652, Hội đồng bàn thảo đưa ra quyết định cần phải ám sát chỉ huy quân đội Ottoman ở biên giới Albania. Họ cũng xem xét các sát thủ vì có hai nhóm đưa ra đề nghị cùng với chi phí đi kèm. Ngày 8 tháng 6 năm 1654, giám quản Dalmatia Lorenzo Dolphina thông báo kế hoạch đầu độc hai con Pasha của Bosna và yêu cầu gửi chất độc tới để thực thi. Ngày 8 tháng 8, Dolphina báo đã nhận được thuốc độc. Ngày 15 tháng 4 năm 1663, provveditore Dalmatia Cornet yêu cầu gửi thuốc độc để đầu độc "Beiko-beya người Thổ", kẻ cầm quân bao bao vây Scutari. Ngày 8 tháng 6, chất độc được gửi đi.[139]
Bất chấp những vấn đề về bộ binh janissary và kỵ binh sipahis, quân đội Ottoman đã chuẩn bị tốt cho chiến tranh. Năm 1650, huynh trưởng Robert Solaro viết rằng rằng quân Ottoman ở Crete là những "bông hoa Thổ Nhĩ Kỳ", "đừng tin rằng 200 lính châu Âu sẽ đánh bại 1.000 lính Thổ, mà thực tế 1.000 lính Thổ sẽ hạ 2.000 lính châu Âu".[141]
Sĩ quan Brunswick-Lüneburg Johann Bernard Scheiter phàn nàn rằng các pháo thủ hầu hết đều ngu dốt và thiếu kinh nghiệm. Sĩ quan gốc Ireland Jacob Richards viết rằng tàu Venezia "giống như nhà chứa nổi hơn là tàu chiến".[142]
Một trong những vấn đề lớn nhất của chỉ huy quân đội Venezia là thiếu đoàn kết. Anh trai Jacob là John Richards cho rằng Candia thất thủ là do cơ cấu hành chính của nước cộng hòa hoàn toàn không phù hợp với thời chiến, "mọi mệnh lệnh hội đồng thường phải qua tay rất nhiều người, đến khi thực thi được thì nó đã cũ quá rồi".[142] "Không nghi ngờ gì nữa, nguyên nhân chính dẫn đến Candia thất thủ là do... không có một bộ chỉ huy thống nhất mạnh mẽ trên biển và trên bộ".[143]
Venezia thất bại trong việc thiết lập chuỗi tiếp vận cho Candia. Tu sĩ Robert Solaro viết những người lính Candia kiệt sức vì đói đến nỗi "quên bắn súng hỏa mai". Họ ngủ trên nền đất trống, nhiều người bị mất thị lực (do độ ẩm cao).[144] Mặt khác, dù mạnh gấp đôi hải quân Ottoman,[145] hải quân Venezia lại không chặn được nguồn tiếp tế của đối phương.[143]
Mối quan hệ giữa Venezia với cư dân Hy Lạp ở Crete cũng đóng một vai trò quan trọng, chính quyền tham nhũng và áp bức tôn giáo. Nông dân Hy Lạp không muốn chiến đấu cho Venezia, quý tộc Hy Lạp cũng tỏ ra không muốn hợp tác.[146] Ngày 1 tháng 8 năm 1664, Thủ hiến Antonio Priuli đề nghị nhà nước bỏ Candia khỏi cộng đồng Hy Lạp có ảnh hưởng nhất vì người Hy Lạp ở đây ủng hộ Ottoman. Ngày 28 tháng 11, Priuli còn yêu cầu gửi chất độc tới để trừng trị "kẻ thù của nền cộng hòa".[139]
Sự kiện Candia đầu hàng đã chấm dứt bốn thế kỷ rưỡi Venezia cai trị Crete và trở thành lãnh thổ tạm thời trong Đế quốc Ottoman.[147] Đồng thời, chi phí và tổn thất trong chiến tranh kéo dài này đã góp phần rất lớn vào sự suy tàn của Ottoman cuối thế kỷ 17.[148] Crete vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ottoman cho đến năm 1897 thì được tự trị trong đế quốc Thổ. Ngày 1 tháng 12 năm 1913, đảo Crete chính thức thống nhất với Hy Lạp.[149]
Venezia mất đi thuộc địa lớn nhất và thịnh vượng nhất, kéo theo vị thế giao thương suy giảm ở Địa Trung Hải.[150] Ngân khố cạn kiệt sau khi chi tới 4.253.000 ducat chỉ để bảo vệ riêng Candia.[62] Lãnh thổ Dalmatia thu được không đủ bù đắp cho việc đánh mất đảo Crete và phí tổn chiến tranh. Khi trở về Venezia năm 1670, Morosini bị xét xử vì tội kháng lệnh và phản quốc nhưng được tuyên trắng án. Mười lăm năm sau, ông chỉ huy quân Venezia trong Chiến tranh Morea là cố gắng cuối cùng của nước cộng hòa muốn khẳng định vị thế cường quốc tại Đông Địa Trung Hải.[151] Trong cuộc chiến này, năm 1692, hạm đội Venezia thất bại khi cố gắng tái chiếm Candia.[62] Spinalonga và Souda vẫn thuộc Venezia sau chiến tranh đảo Crete nhưng cuối cùng đã mất vào tay Ottoman năm 1715 trong chiến dịch Peloponnes. Gramvousa bị Ottoman chiếm năm 1692.[152]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.