From Wikipedia, the free encyclopedia
Văn hóa Cucuteni-Tripillia, văn hóa Cucuteni-Tripolye, văn hóa Cucuteni, văn hóa Trypillia, văn hóa Tripolye, là các tên gọi khác nhau cho một nền văn hóa Hậu đồ đá mới đã thịnh vượng trong khoảng thời gan từ khoảng 5400 TCN tới 2750 TCN tại khu vực Dnister (Nistru) - Dnepr thuộc Moldova, România và Ukraina ngày nay. Tại Ukraina, thay thế cho dân cư của nền văn hóa này là các cư dân gốc Ấn-Âu của văn hóa Yamna.
Nền văn hóa này được phát hiện lần đầu tiên tại làng Cucuteni, quận Iaşi (đông bắc Romania, gần giáp biên giới với Moldova), khi người ta tìm thấy các cổ vật đầu tiên gắn với nền văn hóa này vào năm 1884 và các công cuộc khai quật được tiến hành từ năm 1909. Giai đoạn từ năm 1896-1899, một nhóm các nhà khảo cổ học do Vicentiy Khvoika, một nhà khảo cổ người Séc chỉ huy, cũng đã khai quật được các cổ vật tương tự tại làng Tripillia (tiếng Ukraina: Трипiлля; tiếng Nga: Триполье) bên bờ sông Dnepr, thuộc tỉnh Kiev, đế quốc Nga, cách thành phố Kiev khoảng 40 km về phía nam đông nam. V. Khvoika đã lập tài liệu về phát hiện này trình lên Đại hội lần thứ 11 của các nhà khảo cổ học năm 1897, và năm đó được coi là năm chính thức cho sự phát hiện ra nền văn hóa này. Di chỉ tại Tripillia cũng là di chỉ điển hình của nền văn hóa này[1]. Tuy nhiên, tại Romania và một số nước phương Tây, người ta gọi nền văn hóa này là văn hóa Cucuteni, trong khi tại Liên Xô trước đây và hiện nay là Nga và Ukraina người ta gọi nó tương ứng là văn hóa Tripolye hay văn hóa Tripillia. Trong bài này sẽ dùng tên gọi thỏa hiệp là văn hóa Cucuteni-Tripillia.
Văn hóa Cucuteni-Tripillia đã từng được gọi là văn hóa đô thị đầu tiên tại châu Âu nhưng nguồn gốc phát sinh của nền văn hóa này chưa được xác định; về cơ bản là các bộ lạc thời kỳ đồ đá mới, trong đó đóng vai trò đặc biệt thuộc về những đại biểu của văn hóa Boian, văn hóa Criş, văn hóa gốm dải thẳng, văn hóa Vinča và văn hóa Tisa. Các lĩnh vực chính của nền kinh tế là trồng trọt và chăn nuôi.
Các nhà nhân chủng học lưu ý tới chủng tộc Dina trong số các đại diện của văn hóa Cucuteni-Tripillia. Chủng Dina có nguồn gốc tối thiểu là từ dân cư châu Âu thời đại đồ đá giữa và giai đoạn sớm của thời đại đồ đá mới mà đối với chủng này là rất đặc trưng.
Đối với văn hóa Cucuteni-Tripillia các đặc trưng chính của nó là mức độ phát triển cao của nền kinh tế và các quan hệ xã hội. Trong thời gian của nền văn hóa này đã diễn ra sự gia tăng đáng kể mật độ dân số trong phạm vi phổ biến của nó. Các khu dân cư Tripillia thông thường nằm trên các cao nguyên, được gia cố bảo vệ bằng tường đất và hào rãnh. Các làng có sớm nhất chứa khoảng 10-15 nghìn người. Trong thời kỳ cực thịnh của nền văn hóa này, các khu định cư mở rộng để bao gồm vài trăm nhà làm từ gạch sống, đôi khi tới 2 tầng. Các làng mạc Tripillia thường phân bố trên các khu vực có độ dốc thoai thoải, thuận lợi cho trồng trọt và gần với nguồn nước. Diện tích mỗi làng thường đạt vài chục, trong một số trường hợp - tới 200-450 ha. Chúng hợp thành từ các ngôi nhà làm bằng đất sét trộn rơm dựng trên mặt đất, đôi khi được phân chia bằng các vách ngăn bên trong. Một phần của ngôi nhà, phục vụ làm nơi ở, được sưởi ấm bằng lò sưởi, có bếp lò, cửa sổ tròn, phần còn lại được dùng làm kho chứa đồ. Trong những ngôi nhà như thế, rất đáng tin cậy, là một hay nhiều gia đình cùng sinh sống.
Các công cụ lao động và vũ khí được làm từ xương động vật, đá lửa và đá, đôi khi từ đồng.
Người ta đã xác nhận rằng nền văn hóa này dựa trên nông nghiệp cũng như chăn nuôi gia súc-gia cầm, chủ yếu là bò, nhưng dê/cừu và lợn cũng có chứng cứ cho thấy là được nuôi. Các động vật hoang dã săn bắt được cũng là một phần thường xuyên của các dấu tích động vật còn lại. Đồ gốm gắn với văn hóa đồ gốm dải thẳng. Đồng cũng được nhập khẩu nhiều từ khu vực Balkan. Các bức tượng khai quật được tại các di chỉ Cucuteni-Tripillia được cho là đại diện cho Nữ thần Mẹ.
Tôn giáo - thờ phụng nông nghiệp, trong đó là sự tôn sùng Nữ thần Mẹ.
Tại khu vực thuộc Liên Xô cũ, theo sự phân chia giai đoạn của T. S. Passek người ta chia văn hóa này thành 3 giai đoạn phát triển:
Vào năm 2003, khoảng trên 1.200 di chỉ của văn hóa Cucuteni-Tripillia đã được nhận dạng tại Romania, Ukraina và Moldova[2]. J.P. Mallory thông báo rằng:
Nền văn hóa này được xác nhận từ trên một ngàn di chỉ trong dạng của mọi thứ từ các làng nhỏ tới các khu định cư lớn chứa hàng trăm người sinh sống được bao quanh bằng nhiều lớp hào rãnh[3].
Trung tâm của nó nằm ở khoảng từ giữa tới thượng nguồn sông Dnister với sự mở rộng về phía đông bắc tới sông Dnepr.
Tại đế quốc Nga, các cuộc khai quật bắt đầu trong thập niên 1870 tại Galicia. Cuộc khai quật đầu tiên các di tích của văn hóa Tripillia tại khu vực Podneprovye do Vicentiy Vyacheslavovich Khvoika thực hiện năm 1894. Các kết quả nghiên cứu các điểm dân cư và lăng mộ Tripillia được công bố trong các bài báo và chuyên khảo của T. S. Passek, E. K. Chernysh, S. N. Bibikov, G. P. Sergeev, V. I. Markevich, V. A. Dergachyov, V. G. Zbenovich, N. M. Shmagliy, V. A. Kruts, I. I. Zaitsev, Yu. N. Zakharuk, T. G. Movshi, E.V. Tsvek, I. I. Zaitsev, S. N. Ryzhov, A. G. Korvin-Piotrovky, S. Gusev, T. N. Tkachuk, E. A. Yakubenko v.v.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.