ngày lễ ở Việt Nam vào rằm tháng 8 âm lịch From Wikipedia, the free encyclopedia
Tết Trung thu (tiếng Trung: 中秋節 (Trung thu tiết); Tiếng Hàn: 한가을 축제; Tiếng Nhật: お月見の日、中秋節(ちゅうしゅうせつ)) còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, là một lễ hội truyền thống được kỉ niệm ở văn hóa của Việt Nam. Một văn hoá lâu đời mà chưa rõ nguồn gốc, nhiều người tin rằng nó bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đến hiện tại đã phát triển thành ngày trẻ em của Việt Nam. Vào ngày lễ này, các gia đình thường ăn bánh nướng, bánh dẻo, uống trà hoặc rượu, trẻ em thì đeo mặt nạ, rước đèn lồng. Cúng rằm cũng là một hoạt động trong ngày lễ này.
Tết Trung thu | |
---|---|
Tên chính thức | Tết Trung Thu |
Tên gọi khác | Tết Thiếu nhi, Tết Trẻ con[1] |
Kiểu | Lễ hội văn hóa, quốc gia. |
Bắt đầu | Nhà Đường (?) |
Ngày | Ngày 15 tháng 8 âm lịch |
Năm 2023 | Thứ sáu, ngày 29 tháng 9 |
Năm 2024 | Thứ ba, ngày 17 tháng 9 |
Năm 2025 | Thứ hai, ngày 6 tháng 10 |
Hoạt động | Làm cỗ cúng gia tiên, làm cỗ thưởng nguyệt, treo đèn, rước đèn, rước sư tử, rước cá chép, hát trống quân.[1] |
Cử hành | Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Đài Loan, Singapore |
Liên quan đến | Trăng tròn |
Lễ hội Trung Thu có lịch sử hơn 3.000 năm,[2] được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch của lịch Mặt Trăng, khi trăng tròn vào ban đêm, tương ứng với giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 trong lịch Gregory.[3] Vào ngày này, người Trung Quốc tin rằng Mặt trăng sáng nhất và tròn nhất, trùng với thời điểm thu hoạch giữa mùa Thu.[4]
Những lồng đèn với mọi kích cỡ và hình dạng tượng trưng cho ánh sáng chỉ dẫn con đường của con người đến sự thịnh vượng và may mắn. Bánh trung thu là loại bánh ngọt thường được làm từ nhân đậu đỏ, lòng đỏ trứng gà, thịt hoặc nhân sen, và thường được ăn trong lễ hội này.[5][6][7] Lễ hội Trung Thu dựa trên truyền thuyết về Hằng Nga, nữ thần Mặt trăng trong thần thoại Trung Quốc.
Các lễ tương tự được tổ chức ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore...
Tết Trung thu bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, Nhà Đường, và chú Cuội trong cổ tích Việt Nam.
Người Trung Hoa đã ăn mừng thu hoạch vào ngày trăng tròn mùa thu kể từ thời Thương (c. 1600–1046 TCN)[8][9].
1. Từ "Trung thu" (中秋) xuất hiện đầu tiên trong Chu Lễ, bộ sách tổng hợp các nghi lễ từ thời Tây Chu (1046–771 TCN)[10]. Trong triều đình, Trung thu là lễ tế thần Thái Âm Tinh Quân (太陰星君). Điều này vẫn đúng trong Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Quốc.
2. Việc chào đón Tết Trung thu như một lễ hội chỉ trở nên phổ biến từ thời nhà Đường[10]. Truyền thuyết kể rằng Hoàng đế Đường Thái Tông bắt đầu tổ chức lễ hội Trung Thu do thân tử ông có vị tướng Trình_Giảo_Kim rất thích ăn tết nên ông tổ ngày tết giữa mùa thu 中秋.
3. Truyền thuyết về Đường Huyền Tông và Vương Quý Phi khi bà múa dưới ánh trăng trong đêm Trung thu đây cũng là truyền thuyết về "Nghê thường vũ y khúc" nỗi tiếng.
Tết Trung Thu sau đó được truyền vào Việt Nam, từ thời nhà Lý đã có tổ chức Tết Trung thu như một lễ hội.
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục.[11]
Tục rước đèn có từ đời nhà Tống, do tục truyền rằng: Trong đời vua Tống Nhân Tông, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên biến thành con gái để đi hại người. Bấy giờ có viên quan Bao Công mới hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá giống như hình của nó rồi đem mang ra chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người.[11]
Cũng theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), "nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân".[11]
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, "dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".[11]
Đồ chơi trẻ em trong Tết Trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,....Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.[11]
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.[12] Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa.[13]
Tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn. Tại Phan Thiết (Bình Thuận), người ta tổ chức rước đèn quy mô lớn với hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học cơ sở diễu hành khắp các đường phố, lễ hội này được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Đây là lễ hội rước đèn trung thu truyền thống có từ hàng trăm năm nay, và quy mô của lễ hội tại Phan Thiết mỗi năm một hoành tráng và to lớn hơn, tuy nhiên cũng có tính "thương mại" hơn.[14] Tại Tuyên Quang cũng có lễ hội rước đèn lớn, huy động hoàn toàn từ sự sáng tạo của người dân, từng làng từng xóm và chưa bị thương mại hóa.
Múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử), gõ trống và múa hát ca thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15.[cần dẫn nguồn]
Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo mũm mĩm, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được.
Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng với cây đa của mình. Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử là các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Tại Việt Nam, những nơi như tỉnh Tuyên Quang[15], thành phố Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh (phố lồng đèn Lương Nhữ Học ở Quận 5) nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. Ngoài ra còn có các mô hình tàu thủy đồ chơi, Lân rô bốt. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...
Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.
Từ truyền thống đến hiện đại, bánh trung thu ngày càng đa dạng khi các nhà sản xuất sáng tạo trong sử dụng các nguyên liệu và thực phẩm khác nhau đưa vào nhân bánh; dập khuôn kiểu dáng bánh thành nhiều hình thù sinh động; đóng gói với bao bì mẫu mã đẹp mắt. Tuy nhiên, dựa theo công thức làm vỏ bánh thì chỉ có hai loại bánh trung thu là bánh nướng và bánh dẻo.
Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt (thường các nhà làm bánh sau tết trung thu nấu nước đường, cất kỹ để tới tận mùa sau mới dùng). Trước kia tại Việt Nam nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xường.
Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng. Quy trình nướng chia làm hai giai đoạn trong đó khoảng 2/3 thời gian nướng là giai đoạn đầu tiên. Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp 1/3 thời gian còn lại.
Bánh Pía
Loại bánh có vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy nhân. Da ngoài dày thường in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo. Ở Việt Nam, Bánh Pía là đặc sản của Sóc Trăng, phổ biến ở nhiều tỉnh, thành miền Nam mà đặc biệt là Tây Nam Bộ.
Bánh Pía được gọi là bánh trung thu của miền Tây, mang ý nghĩa đón trăng rằm tháng 8. Càng về sau bánh pía lại trở thành món ăn tinh thần, tượng trưng sự sum vầy của gia đình.[16].
Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi.[17] Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.
Tết ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vần tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.
Tết Trung thu người ta thường tặng quà cho nhau. Quà thường là các hộp bánh, lồng đèn, áo quần, tiền. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng tặng quà cho khách hàng, cán bộ công nhân viên có khi mua cả xe tải bánh trung thu. Nhiều công ty có hàng ngàn công nhân, đặt hàng ngàn hộp bánh với số tiền hoa hồng hậu hĩnh[18].
Tính trên tổng lượng bánh trung thu tiêu thụ năm 2006 (thống kê từ các nhà sản xuất) ước khoảng 6.500- 6.800 tấn, lấy mức giá bình quân của 1 hộp bánh loại 220 - 250gr khoảng 100.000 - 130.000đ, người tiêu dùng đã tiêu pha hết hơn 800 tỉ đồng cho khoảng 7 triệu hộp bánh.[19] Và các hộp bánh đắt như vàng, người nghèo không sao mua nổi[20] cứ chạy lòng vòng từ người nọ sang người kia.
Đối tượng tặng quà của người lớn thường là các bề trên như cha mẹ, cấp trên, những người cần nhờ vả, thầy cô giáo hoặc cũng có thể hàng xóm, bạn bè hoặc con cháu trong nhà. Thường đối tượng nhận quà càng quan trọng thì giá trị món quà phải càng cao. Việc tặng quà Trung thu là một thói quen phổ biến khi đời sống khá lên sau Đổi Mới, nó có thể là một hình thức tiêu cực khi giá trị món quà quá lớn.
Đối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân việc không có quà Tết biếu có thể bị đánh giá là lơ đễnh hoặc coi thường vì vậy đây là chi phí không nhỏ khi đến dịp trung thu. Chi phí tặng quà thường được chi từ chi phí tiếp khách bằng tiền. Do mức hoa hồng hoặc chiết khấu của các hiệu bánh cao (có thể lên đến 35%)[21] nên nhiều người thích dùng tiền cơ quan biếu xén để hưởng lợi.
Việc tặng quà trung thu đắt tiền là dịp "ơn nghĩa" của người lớn. Không ít người thường lợi dụng dịp này để biếu xén quà cáp nhằm mua quan bán chức. Những hộp bánh Trung thu đặc mà bên trong nhân bánh "là vàng", "là đô la" đã làm mờ mắt nhiều quan tham và biếu xén trong dịp Tết Trung thu là một lệ của những thành phần này.[22]
Người ta thường ngắm trăng vào đêm trung thu vì thời điểm này là tốt nhất để ngắm trăng, vào giữa đêm
Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
Trung Thu vốn là nguốn cảm hứng lớn cho các thi sĩ từ xưa đến nay, trong đó có nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ với bài Trung thu:
Bản dịch của Thái Giang:
Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung thu với các câu thơ:
Bài Chiếc đèn ông sao: (Nhạc sĩ: Phạm Tuyên)
Bài Đêm trung thu: (Nhạc sĩ:Phùng Như Thạch)
Bài Rước đèn tháng tám: (Nhạc sĩ Đức Quỳnh (tên thật là Vân Thanh)
Nhạc sĩ Lê Thương cũng có bài Thằng Cuội viết về chủ đề này, trong bài hát có đoạn "Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ.....Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...".
Nhạc sĩ Y Vân cũng có tác phẩm Múa lân về ngày Tết Trung thu cho các em thiếu nhi: "Còn gì vui hơn chơi rằm tháng tám, còn gì hay hơn chơi trò múa lân..."
Tại Triều Tiên và Hàn Quốc, ngày này là lễ tạ ơn (Chuseok), ngày mà người nông dân làm lễ tạ ơn tổ tiên vì đã cho một mùa màng bội thu, và là ngày tết lớn thứ hai trong năm và ngày nghỉ lễ quốc gia kéo dài 3 ngày. Người Hàn về thăm lại quê quán và ăn những món truyền thống. Trong khi đó ở Nhật Bản mỗi dịp Trung Thu, người dân tụ tập làm những món bánh truyền thống của mình, sau đó họ những khay bánh ở kế bên hiên nhà, gần cửa sổ hay bất cứ chỗ nào để có thể nhìn trăng rõ nhất. Đặc biệt, theo quan niệm của người dân Nhật Bản là nếu có trẻ em đến tự ý ăn bánh nhà mình thì họ sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm. Tết trung thu là dịp mà những người nơi xa xứ trở về, cùng nhau liên hoan và làm những món ăn truyền thống. Họ còn chuẩn bị cho mình những trang phục đẹp để đi lễ hội.
Tại Đài Loan, ngày Tết Trung Thu là ngày nghỉ lễ chính thức cho cả nước và những buổi nướng thịt ngoài trời đã trở thành dịp để thắt chặt tình cảm giữa gia đình và đồng nghiệp trong công ty.[25] Đến năm 2011, thành phố Đài Bắc chỉ định 11 công viên ven sông để làm nơi nướng thịt ngoài trời cho công chúng.[26] Tại Hồng Kông và Ma Cao, ngày tiếp sau rằm tháng 8 là ngày nghỉ lễ chính thức, bởi vì có rất nhiều sự kiện lễ hội được tổ chức vào đêm trước. Những năm gần đây, bảo vệ môi trường đã trở thành một mối quan tâm của công chúng, nhiều nhà sản xuất bánh trung thu tại Hồng Kông đã áp dụng việc giảm vật liệu đóng gói để giới hạn rác thải. Các nhà sản xuất bánh trung thu cũng tạo ra các loại mới của bánh trung thu, chẳng hạn như bánh trung thu kem và bánh trung thu da tuyết.
Một truyền thống độc đáo được tổ chức đặc biệt tại thành phố đảo Xiamen. Trong lễ hội này, gia đình và bạn bè tập trung để chơi trò chơi Bo Bing, một trò đánh bạc sử dụng 6 con xúc xắc. Mọi người lần lượt tung xúc xắc trong một tô sứ và kết quả sẽ quyết định giải thưởng mà họ nhận được. Con số 4 chủ yếu quyết định giải thưởng lớn hay nhỏ.[10]
Ở Hồng Kông và Ma Cao, ngày sau Lễ Trung thu là ngày nghỉ lễ chính thức thay vì ngày của lễ hội (trừ khi ngày đó rơi vào Chủ nhật, lúc đó thứ Hai cũng là ngày nghỉ lễ), bởi vì nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra vào buổi tối. Có nhiều hoạt động lễ hội như thắp đèn lồng, nhưng bánh trung thu là yếu tố quan trọng nhất ở đây. Tuy nhiên, người ta thường không mua bánh trung thu cho chính mình, mà mua để tặng cho người thân. Mọi người bắt đầu trao đổi những món quà này từ trước lễ hội một thời gian. Do đó, bánh trung thu được bán trong những hộp sang trọng để trình diễn. Ngoài ra, giá của những hộp này không rẻ - một hộp bánh trung thu gồm bốn chiếc với nhân hạt sen và lòng đỏ trứng, thường có giá từ 40 đô la Mỹ trở lên.[27] Tuy nhiên, vì môi trường bảo vệ đã trở thành một vấn đề quan tâm của công chúng trong những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất bánh trung thu ở Hồng Kông đã áp dụng các biện pháp để giảm thiểu vật liệu đóng gói đến mức hợp lý.[28] Các nhà sản xuất bánh trung thu cũng nghiên cứu và tạo ra các loại bánh trung thu mới, như bánh trung thu kem và bánh trung thu vỏ mờ.
Ở Hồng Kông cũng có những truyền thống khác liên quan đến Lễ Trung thu. Các khu phố trên khắp Hồng Kông tổ chức triển lãm đèn lồng ấn tượng với các buổi biểu diễn truyền thống, gian hàng chơi game, bói toán và nhiều hoạt động lễ hội khác. Những lễ kỷ niệm trọng đại nhất diễn ra tại Công viên Victoria (Hồng Kông).[29] Một trong những nghi lễ sáng sủa nhất là Múa rồng lửa, được ghi nhận là một phần của di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc.[30][31] Rồng lửa dài 200 feet cần hơn 300 người tham gia và thay nhau thực hiện. Người dẫn đầu múa rồng lửa sẽ cầu nguyện cho sự bình an, may mắn thông qua các lời chúc trong tiếng Hạc Gia. Sau nghi lễ, rồng lửa sẽ được ném vào biển cùng với đèn lồng và thẻ giấy, điều này có nghĩa là rồng sẽ trở lại biển và mang đi những điều bất hạnh.[31]
Trước năm 1941, cũng có một số lễ kỷ niệm Lễ Trung thu diễn ra tại các làng nhỏ ở Hồng Kông. Sha Po sẽ tổ chức Lễ Trung thu vào ngày 15 của tháng Tám âm lịch.[32] Người ta gọi Lễ Trung thu là Lễ Quang Tân, họ tổ chức Pok San Ngau Tsai tại Hồ Đà Đồng ở Sha Po. Pok San Ngau Tsai là một sự kiện kỷ niệm Lễ Quang Tân, mọi người sẽ tập trung xem. Trong suốt sự kiện, có người chơi nhạc cụ gõ, một số người làng sau đó sẽ giả điên và tự gọi mình là "Maoshan Masters". Họ đốt cháy cây nhang và đánh nhau với kiếm và giáo thật.
Ở Đài Loan, cùng với các hòn đảo thuộc ngoại ô như Penghu, Kinmen, và Matsu, Lễ Trung thu là một ngày lễ công cộng. Tiệc nướng ngoài trời đã trở thành một sự kiện phổ biến để bạn bè và gia đình tụ tập và thưởng thức sự hiện diện của nhau.[34] Trẻ em cũng làm và đội những chiếc mũ được làm từ vỏ bưởi. Người ta tin rằng Trường Sinh, nàng tiên trên Mặt Trăng, sẽ nhận ra những đứa trẻ mang trái cây yêu thích của mình và ban phước may mắn cho họ.[35]
Các truyền thống tương tự được tìm thấy ở các vùng khác của châu Á và cũng xoay quanh mặt trăng tròn. Những lễ hội này thường diễn ra vào cùng một ngày hoặc xung quanh Lễ Trung thu.
Lễ hội xem trăng của người Nhật, được gọi là o-tsukimi (お月見, "xem trăng"), cũng được tổ chức vào thời điểm này. Mọi người dạo chơi và uống rượu sake dưới ánh trăng tròn để kỷ niệm mùa màng.
Chuseok (추석; 秋夕; [tɕʰu.sʌk̚]), có nghĩa là "Đêm thu", trước đây được gọi là hangawi (한가위; [han.ɡa.ɥi]; từ tiếng Hàn cổ có nghĩa là "giữa mùa thu lớn"), là một lễ hội mừng mùa màng lớn và một kỳ nghỉ ba ngày ở Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, được tổ chức vào ngày 15 của tháng 8 âm lịch Trung Quốc, tức ngày trăng tròn. Nó đã được tổ chức từ thời kỳ Tam Quốc ở triều đại Silla. Như một dịp kỷ niệm mùa màng tốt, người Hàn Quốc thăm thú quê hương tổ tiên, tưởng nhớ tổ tiên trong một buổi lễ gia đình (차례), và cùng nhau thưởng thức một bữa tiệc với các món ăn truyền thống của Hàn Quốc như songpyeon (송편), tohrangook (토란국), và các loại rượu gạo như sindoju và dongdongju.
Nhiều lễ hội xoay quanh trăng tròn cũng được tổ chức ở Campuchia, Lào và Myanma. Giống như Lễ Trung thu, những lễ hội này có nguồn gốc từ Phật giáo và xoay quanh trăng tròn. Tuy nhiên, khác với các quốc gia Đông Á, những lễ hội này diễn ra nhiều lần trong năm tương ứng với mỗi trăng tròn thay vì chỉ một ngày duy nhất trong năm. Các lễ hội diễn ra trong tháng âm lịch Ashvini và Kṛttikā thường xuyên diễn ra vào thời điểm Lễ Trung thu.[36][37]
Ở Campuchia, lễ hội này thường được gọi là "Lễ hội Nước và Trăng" Bon Om Touk.[38] Lễ hội Nước và Trăng được tổ chức vào tháng 11 hàng năm. Đây là một lễ hội kéo dài ba ngày, bắt đầu bằng cuộc đua thuyền kéo kéo dài hai ngày đầu của lễ hội. Các chiếc thuyền đua được sơn màu sắc tươi sáng và có nhiều thiết kế khác nhau, trong đó thiết kế neak, con rồng biển Campuchia, là phổ biến nhất. Các đàn ông Campuchia tham gia chèo thuyền và đua thuyền trên sông Tonle Sap. Khi đêm xuống, đường phố được lấp đầy người mua đồ ăn và tham dự các buổi hòa nhạc khác nhau.[39] Buổi tối là lễ Sampeah Preah Khae: sự chào đón ánh trăng hoặc cầu nguyện đến ánh trăng.[40] Người Campuchia sắp xếp một loạt các vật phẩm cúng rất được ưa chuộng, chẳng hạn như trái cây và món ăn truyền thống gọi là Ak Ambok trước cửa nhà họ, kèm theo nhang đang cháy để cầu mong ánh trăng.[41] Người Campuchia tin rằng có một truyền thuyết về Con Thỏ và Mặt Trăng, và rằng một con thỏ sống trên Mặt Trăng chăm sóc người Campuchia. Đúng nửa đêm, mọi người lên chùa để cầu nguyện và ước nguyện, và cùng thưởng thức Ak Ambok. Người Campuchia cũng tự làm những chiếc đèn lồng thủ công thường có hình hoa sen hoặc các thiết kế hiện đại khác. Nhang và nến làm sáng lên những chiếc đèn lồng và người Campuchia cầu nguyện rồi thả chúng xuống sông để lời nguyện và ước mong được nghe và nhận được ban cho.[42][43][44]
Ở Lào, nhiều lễ hội được tổ chức vào ngày trăng tròn. Lễ hội phổ biến nhất được biết đến là Lễ hội That Luang, liên quan đến truyền thuyết Phật giáo và được tổ chức tại đền Pha That Luang ở Viêng Chăn. Lễ hội thường kéo dài từ ba đến bảy ngày. Một cuộc diễu hành diễn ra và nhiều người đến thăm đền.[45]
Ở Myanmar, nhiều lễ hội được tổ chức vào ngày trăng tròn. Tuy nhiên, Lễ hội Thadingyut là lễ hội phổ biến nhất và diễn ra vào tháng Thadingyut. Nó cũng diễn ra xung quanh thời điểm Lễ Trung thu, tùy thuộc vào lịch âm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở Myanmar sau lễ Tết Nguyên đán Thingyan. Đây là một lễ hội Phật giáo và nhiều người đến chùa để tôn kính các vị sư và cúng thức ăn.[46] Đây cũng là dịp để tri ân và tôn vinh các vị sư Phật giáo, giáo viên, cha mẹ và người cao tuổi.[47]
Dù không phải là một ngày nghỉ chính thức của chính phủ, ngày Lễ Trung thu vẫn được quan sát một cách không chính thức tại Singapore.
Ở Ấn Độ, Onam là một lễ hội thu hoạch hàng năm tại bang Kerala.[48][49] Nó diễn ra vào ngày 22 của nakshatra Thiruvonam trong tháng Chingam của lịch Malayalam, trùng với tháng Tám-Tháng Chín trong lịch Gregory.[48][50] Theo truyền thuyết, lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ Vua Mahabali, linh hồn của ông được cho là đến Kerala vào thời điểm Onam diễn ra.[51][52]
Onam là một sự kiện hàng năm quan trọng đối với người Malayali trong và ngoài Kerala.[53][54][55] Đây là một lễ hội thu hoạch, một trong ba lễ hội Hindu hàng năm quan trọng cùng với Vishu và Thiruvathira, và được tổ chức với nhiều hoạt động vui chơi. Các hoạt động trong lễ hội Onam bao gồm cuộc đua thuyền Vallam Kali, múa hổ Pulikali, Rangoli hoa Pookkalam, lễ thờ cúng Onathappan, vũ điệu Onam Kali, kéo co, múa nhảy Thumbi Thullal của phụ nữ, múa mặt nạ Kummattikali, võ thuật Onathallu, âm nhạc Onavillu, lễ cúng chuối Kazhchakkula, trang phục Onapottan, các bài hát và múa truyền thống Atthachamayam và các hoạt động khác.
Onam là lễ hội chính thức của bang Kerala[48][56] với ngày nghỉ chính thức bắt đầu từ ngày Uthradom (trước ngày Onam). Lễ hội diễn ra tại 30 địa điểm ở Thiruvananthapuram, thủ đô của Kerala. Nó cũng được tổ chức bởi cộng đồng người Malayali trên khắp thế giới. Mặc dù là một lễ hội Hindu, các cộng đồng không Hindu của Kerala cũng tham gia vào lễ hội Onam xem nó như một lễ hội văn hóa.
Sharad Purnima là một lễ hội thu hoạch được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng Ashvin của lịch âm (tháng Chín-Tháng Mười), kết thúc mùa mưa.
Ở Sri Lanka, mỗi ngày trăng tròn được gọi là Poya và mỗi ngày trăng tròn là ngày nghỉ lễ. Cửa hàng và doanh nghiệp đóng cửa trong những ngày này khi người dân chuẩn bị cho đêm trăng tròn.[57][cần nguồn tốt hơn] Bên ngoài các tòa nhà được trang trí bằng đèn lồng và người ta thường nấu ăn và đi đến chùa nghe các bài thuyết giảng.[58] Binara Full Moon Poya Day và Vap Full Moon Poya Day diễn ra vào thời điểm gần với Lễ hội Trung thu và giống các nước Á tính theo Phật giáo, các lễ hội này kỷ niệm sự thăng thiên và đạt đến đỉnh cao của chuyến thăm đến thiên đường của Đức Phật, còn với lễ hội Maha, nó cũng đánh dấu mùa canh tác.[59][60][61]
Lễ hội thu hoạch Sukkot của người Do Thái là một lễ kỷ niệm tương tự, bắt đầu vào ngày mười lăm của tháng Tishrei trong lịch âm, đó là tháng thứ bảy trong lịch Hebrew. Do có sự tương đồng giữa lịch này và lịch Trung Quốc, lễ hội này thường trùng khớp với Lễ Trung Thu.[62]
Đến năm 2014, Lễ Trung Thu thường ít được chú ý bên ngoài các siêu thị và cửa hàng thực phẩm Á-Âu,[63] nhưng kể từ đó, lễ hội này đã trở nên phổ biến tại những khu vực có đông đảo người Hoa sinh sống ở nước ngoài, như New York, Chicago, Los Angeles và San Francisco.[64] Khác với truyền thống ở Trung Quốc, các buổi kỷ niệm tại Hoa Kỳ thường giới hạn trong khoảng thời gian ban ngày và thường kết thúc vào sớm tối.[65]
Thành phố | Quận/Hạt | Từ năm | Ref. |
---|---|---|---|
Boston | Phố người Hoa | [66] | |
Chicago | Phố người Hoa | 2005 | [67] |
Los Angeles | Phố người Hoa | 1938 | [68] |
New York | Phố Mott, Quận Flushing, và Sunset Park | 2019 | [64][69] |
Philadelphia | Phố người Hoa | 1995 | [70] |
San Francisco | Phố người Hoa | 1991 | [71] |
Toronto | Các khu mua sắm của Cadillac Fairview | [72][73] | |
Vancouver | Vườn Trung Hoa Cổ điển của Tiến sĩ Sun Yat-Sen | [74] |
Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng. Từ xưa đến nay, hai thành phố Hội An và Sài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. Theo Văn công Lý hiện sống tại Hội An, thì ông tổ ngành làm đèn lồng ở đây tên gọi là Xã Đường. Đèn Hội An độc đáo ít nơi có, đèn lồng Hội An đẹp nhờ có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ. Vải bọc đèn thay giấy là loại lụa Hà Đông nổi tiếng, làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.
Tại Sài Gòn, từ trước năm 1975 tới bây giờ, Phú Bình thuộc quận 11 Đô Thành Sài Gòn, cũng vẫn là một trung tâm sản xuất lồng đèn trung thu lớn nhất miền Nam Việt Nam, cung cấp cho cả vùng. Đây là một làng di cư năm 1954, nguyên gốc từ làng Báo Đáp thuộc tỉnh Nam Định. Làng này ở Bắc Phần vốn nổi tiếng với nghề thợ nhuộm. Khi vào nam, dân chúng vẫn sống quây quần với nhau bằng nghề nhuộm, dệt vải và làm giày dép. Phú Bình sau năm 1975 nằm trên địa bàn của phường Phú Trung, quận Tân Phú và Phường 5, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, cách khu du lịch Đầm Sen chừng nửa cây số. Lúc đầu khi vào Nam, Phú Bình chỉ chuyên sản xuất những loại đèn Trung Thu đơn giản như đèn ống sáo, con cá, ngôi sao... cố ý để cho học sinh vui chơi trong đêm lễ.
Từ năm 1960-1975, Phú Bình mỗi năm sản xuất hơn nửa triệu đèn lồng trung thu, cung cấp khắp các tỉnh thành từ Bến Hải vào tới Cà Mau. Sau này dân chúng ở dây vẫn tiếp tục nghề cũ. Năm 1994, lồng đèn Trung Quốc ồ ạt xâm nhập thị trường Việt Nam, chèn ép đèn Phú Bình, làm cho dân chúng ở đây lâm cảnh điêu đứng đói khổ[cần dẫn nguồn] vì hàng bị ế ẩm bởi lồng đèn Trung Quốc đẹp, kiểu cách mới lạ, lại rất tiện lợi khi ra gió không sợ cháy vì dùng pin, giá thành lại rẻ.
Ở thị trường Việt Nam ngành công nghệ sản xuất đồ chơi cho trẻ em dịp trung thu giúp tạo việc làm và lợi nhuận cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, do nguyên liệu thông dụng và công nghệ đơn giản, vốn ít, sau một thời gian để đồ chơi của Trung Quốc thống lĩnh thị trường đến năm 2006 ngành hàng sản xuất lồng đèn Việt Nam hồi phục và chiếm lĩnh lại thị trường nội địa.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.