Remove ads
From Wikipedia, the free encyclopedia
Quách Mạt Nhược (郭沫若; 16 tháng 11 năm 1892 - 12 tháng 6 năm 1978) là một kịch tác gia, thi sĩ, phê bình gia, sử gia, kí giả kiêm chính khách Trung Quốc, Phó Chủ tịch Toàn quốc Chính hiệp, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.[1]
Quách Mạt Nhược | |
---|---|
Chức vụ | |
Nhiệm kỳ | 15 tháng 9 năm 1954 – 12 tháng 6 năm 1978 23 năm, 270 ngày |
Nhiệm kỳ | 21 tháng 9 năm 1949 – 21 tháng 12 năm 1964 15 năm, 91 ngày 26 tháng 2 năm 1978 - 12 tháng 6 năm 1978 106 ngày |
Phó Chủ tịch Chính phủ Nhân dân (Xếp hạng ba) | |
Nhiệm kỳ | 1 tháng 10 năm 1949 – 15 tháng 9 năm 1954 4 năm, 349 ngày |
Chủ tịch Liên hiệp Nghệ thuật Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 1949 – 12 tháng 6 năm 1978 |
Tiền nhiệm | chức vụ thành lập |
Kế nhiệm | Chu Dương |
Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 1949 – 12 tháng 6 năm 1978 |
Tiền nhiệm | chức vụ thành lập |
Kế nhiệm | Phương Nghị |
Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 1958 – 12 tháng 6 năm 1978 |
Tiền nhiệm | chức vụ thành lập |
Thông tin cá nhân | |
Quốc tịch | Trung Quốc |
Sinh | năm 1892 Lạc Sơn, Tứ Xuyên, Đại Thanh | 16 tháng 11
Mất | 12 tháng 6 năm 1978 (85 tuổi) Bắc Kinh, Trung Quốc |
Dân tộc | Khách Gia |
Tôn giáo | Nho gia |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản |
Bạn đời | Vu Lập Quân Trương Quỳnh Hoa Sato Tomiko |
Con cái | 12 |
Tặng thưởng | Giải thưởng Hòa bình Stalin |
Quách Mạt Nhược vốn ấu danh Văn Báo (文豹), nguyên tên là Khai Trinh (開貞), tự Đỉnh Đường (鼎堂), hiệu Thượng Võ (尚武), bút danh Cao Nhữ Hồng (高汝鸿), Mạch Khắc Ngang (麦克昂), Dịch Khảm Nhân (易坎人), Cốc Nhân (谷人), Ái Mưu (爱牟), Đỗ Thuyên (杜荃), Thạch Đà (石沱). Ông có sinh quán Lạc Sơn, Tứ Xuyên nhưng phát tích ở tận phủ Đinh Châu, Ninh Hóa, tỉnh Phúc Kiến. Cụ thủy tổ Quách Phúc nguyên là hậu duệ Phần Dương quận vương Quách Tử Nghi.[2]
Sinh thời, Quách Mạt Nhược vốn khá nổi tiếng đối với giới sân khấu miền Bắc Việt Nam thập niên 1950-70, nhưng ở quê hương Trung Hoa thì ông được coi là học giả hơn nghệ sĩ. Những trứ tác được coi là ưu tú nhất của ông lại tập trung ở thập niên 1930-40, thường được gọi "hoàng kim thời đại" của văn nghệ Trung Hoa đại lục thế kỉ XX, mà trung tâm của nó lại không phải Bắc Bình, Nam Kinh mà là Thượng Hải.[3] Tuy nhiên giai đoạn đó, Quách Mạt Nhược không phải tác gia nổi trội giữa rừng văn nghệ sĩ như Lỗ Tấn, Tiêu Hồng, Tiêu Quân, Đoan Mộc Hống Lương, Đinh Linh, Lạc Tân Cơ, Nhiếp Cám Nỗ, Thư Quần, La Phong, Tương Tích Kim, Hồ Phong, Châu Kình Văn, Mao Thuẫn, Vu Nghị Phu, Ngải Thanh, Bạch Lãng... hay thậm chí Kim Kiếm Khiếu. Danh trạng Đỉnh Đường tiên sinh chỉ cất cánh là qua mối tâm giao với Mao chủ tịch, và bắt đầu trở nên tác gia hàng đầu khi chính phủ nhân dân thành lập.
Thoại kịch Hổ phù (虎符) là tác phẩm văn chương đầu tay được tác gia Quách Mạt Nhược khởi thảo vào năm 1942 và chính thức thủ diễn năm 1943, nghĩa là ở những năm cuối cùng của thời đại hoàng kim văn nghệ Thượng Hải. Nhưng chừng như cũng giống số phận Lôi vũ, Nhật xuất, Bắc Kinh nhân... mà Hổ phù sớm chìm vào quên lãng ở Trung Hoa đại lục (nơi mà vốn chuộng ca kịch hơn), và hóa ra trở nên rất phổ biến trên kịch trường Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc. Riêng trường hợp Hổ phù còn được dựng lại thành tuồng cổ, tuồng cải lương và chèo. Có lần vào cuối thập niên 1990, chương trình Sân Khấu VTV1 cũng chiếu thoại kịch này do Nhà hát Kịch Việt Nam diễn, vở này cũng vừa giành huy chương vàng hội diễn sân khấu toàn quốc năm đó.
Theo truyền thuyết, hồi tản cư ở thủ đô kháng chiến Trùng Khánh, căn gác trọ của Quách Mạt Nhược - lúc ấy có công việc chính là dịch sách và soạn chuyên luận - ở kế bên một dãy phố buôn đồ cổ, nên những khi rảnh ông thường ra ngắm. Một hôm, Đỉnh Đường tiên sinh bắt gặp hai mảnh đồng đen đẽo hình hổ, mặt ngoài có chữ đại triện Tần Dương Lăng hổ phù (秦阳陵虎符),[4] nhưng đương thời không ai biết nghĩa gì. Ông hỏi giá, người bán đáp "10 tệ" ; đận ấy vì chiến sự leo thang nên vật giá đang lạm phát rất cao, vậy nên 10 tệ có thể đổi lấy 100 kí gạo. Thế nhưng vì thị hiếu nghiên cứu văn hiến cổ truyền, Quách Mạt Nhược vẫn nghiến răng mua. Cũng vì giai đoạn này vùng trung lưu Hoàng Hà chịu hạn nặng nên dân chết đói kể đến hàng vạn, những kẻ sống sót phải di tản nhanh về Tây Vực vốn cũng cằn cỗi chẳng kém, cũng là để tránh tai họa chiến tranh. Giới gian thương Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam cũng tung ra "vốn tự có" không chỉ lương thực mà cả cổ vật, treo cái giá cắt cổ để kiếm lời trên xương máu đồng bào. Nhưng cũng nhờ thế, nhiều di vật cổ đại mới có cơ hội ra khỏi vùng tối lịch sử.
Theo dật sự, chiếc bùa hình hổ nằm trong số tín vật Tần Thủy Hoàng cho làm hàng trăm cái phát cho tướng lĩnh, về sau các bại tướng đem dâng Hán vương Lưu Bang để chuộc tính mạng. Khi chính phủ cộng hòa nhân dân thành lập, các đoàn khảo cổ cũng khai quật được thêm nhiều di vật tương tự, còn chiếc bùa họ Quách được hiến cho quốc lập bác vật quán bảo tồn. Ngày nay, chiếc hổ phù này thường được coi là nguồn cội vở thoại kịch. Vậy hổ phù là cái gì ? Từ triều Tây Châu do giặc cướp nổi lên như ong, nên nhà vua sai làm cái bùa hình hổ bằng đồng. Theo thông lệ, hổ phù hoặc binh phù là tín vật của vua và tượng trưng cho quyền lực nhà vua, nên hễ người nào được vua ban thì có thể tùy nghi điều binh khiển tướng ở nơi xa. Cũng vì thế nên đôi lúc có truyện, hàng quân tan vỡ vì tướng cầm đầu đánh rơi hổ phù. Lịch sử hồ phù có nhẽ kết thúc ở triều Tống, sau này triều Nguyên là ngoại tộc lên thì không tiếp thu lệ ấy nữa, nên nó chỉ còn là kí ức trong thư tịch và cũng rất ít người biết. Chiếc hổ phù được coi đẹp nhất là ở di chỉ lăng Văn Vương nhà Triệu nước Nam Việt. Trước đây tỉnh Thái Bình có địa danh Phù Ngự (符御村), xưa là thái ấp quan thái sư Trần Thủ Độ, cửa lăng có làm con hổ bằng đá mà đuôi thì vuông, kì thực cũng chỉ là mô phỏng hổ phù, với cái ý rằng ông làm quan đầu triều và trên ông chỉ có vua mà thôi. Cũng nói thêm, thời Tống còn chế ra ngư phù hay còn gọi ngư đại, vốn là tín vật bằng gỗ buộc chỉ thao bên hông các quan lớn, ngư phù càng to đẹp thì chức vụ càng cao. Các quan An Nam khi đi sứ nước Tống thường khoe ngư phù xi vàng khiến ai nấy trầm trồ, duy rằng vì lối ăn chơi xa hoa đó mà về sau văn hiến Lý-Trần suy vong. Nhưng đó là lịch sử... Tác gia Quách Mạt Nhược dựa theo một điển tích trong Sử kí (史記•魏公子列傳), kể về sự đời Tín Lăng quân nước Ngụy - một trong Chiến Quốc tứ công tử. Mà ở trong ca kịch cổ điển, truyện Tín Lăng quân thường được gọi Thiết phù cứu Triệu (竊符救趙). Nhân vật Tín Lăng thoát li lịch sử để trở nên hình tượng hóa tín nghĩa, cho nên sự kiện Hàm Đan chi chiến cũng không nhất thiết nội hàm lịch sử gì nữa mà chỉ là cái cớ để phát huy cá tính mà thôi.
Nguyên rằng, năm đó quân Tần vây kinh sư Hàm Đan, Bình Nguyên quân nước Triệu (tỉ trượng Tín Lăng) xin Ngụy ra quân cứu viện. Ngụy An Ly vương (bào huynh Tín Lăng) mới đầu sai tướng Tấn Bỉ sang giúp, nhưng vừa đến biên thùy thì Tần sứ dọa xua quân sang đánh nốt nước Ngụy. Tấn Bỉ sợ nên án binh bất động. Sau đó Sở Khảo Liệt vương theo hợp tung cũng sai Xuân Thân quân đi, nhưng cũng bị Tần dọa, phải nằm yên ở ngả ba đường. Bình Nguyên quân lần này liều nhờ Tín Lăng quân, dù chẳng còn mấy hi vọng. Tín Lăng cùng hào sĩ giục Ngụy vương, song An Ly cả sợ nên cũng không đá động. Cuối cùng, Tín Lăng quân lập mưu ám sát đại tướng Tấn Bỉ, đem binh phù đi giải vây cho nước Triệu. Ở sát chân thành Hàm Đan, đạo quân Tần dưới trướng tướng Vương Lăng bị liên quân Ngụy-Sở-Triệu đánh tan tác. Tín Lăng quân tự bấy được biệt đãi ở Triệu còn hơn nước Ngụy, đến thời Hán Cao Tổ còn lập bài vị thờ ông làm thượng đẳng phúc thần.
Thập niên 1930-40, thiên tai và cả họa xâm lăng của quân Nhật khiến Trung Hoa hoàn toàn tan rã. Nhưng trong lúc đó giữa người Trung Hoa với nhau vẫn đầy hiềm khích, tiếng là đoàn kết kháng Nhật cứu quốc nhưng thực ra vẫn ngầm triệt hạ nhau, như là hình tượng lục quốc dù đã hợp tung nhưng khi gặp tai họa thì bo bo giữ thân mà thôi. Thế cho nên, chí ít kịch phẩm này cũng là sự đả kích thói quen đọc văn chương cổ điển để giải sầu rất thịnh hành ở Á Đông, trong khi chẳng áp dụng được chút nào vào thực tế quanh mình, tóm lại là quen thói tầm chương trích cú mà chẳng hiểu gì.
Quách Mạt Nhược có thời gian ngắn làm hiệu trưởng Trường nghệ thuật mang tên Lỗ Tấn. Sau ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc. Là nhà sử học chuyên về cổ sử Trung Quốc, Quách Mạt Nhược có nhiều cống hiến trong việc nghiên cứu văn tự cổ (ghi trên mai rùa xương thú) và thể chế xã hội chiếm nô. Ông còn là viện trưởng đầu tiên Viện khoa học xã hội Trung Quốc trong một thời gian dài. Ông từng bị phê đấu trong thời kì Cách mạng Văn hóa.
Quách Mạt Nhược còn từng là Phó chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới. Năm 1951, ông được tặng Giải thưởng Hòa bình Stalin.
Năm 1978, khi nằm trên giường bệnh ở Tổng y viện Bắc Kinh, Quách Mạt Nhược hay tin Mao chủ tịch băng hà và Tứ Nhân Bang bị đánh đổ, bèn cảm tác bài Đè bẹp Tứ Nhân Bang[5] (水调歌头·粉碎四人帮) như sau :
“ | 大快人心事,揪出四人帮。政治流氓文痞、狗头军师张,还有精生白骨,自比则天武后,铁帚扫而光。篡党夺权者,一枕梦黄梁。野心大,阴谋毒,诡计狂。真是罪该万死,迫害红太阳。接班人是俊杰,遗志继承果断,功绩何辉煌。拥护华主席,拥护党中央。 | ” |
Quách Mạt Nhược kết hôn ba lần. Ông có 4 trai 2 gái với bà Sato Tomiko rồi cũng 4 trai 2 gái với vợ sau là Vu Lập Quân. An article published in the 2000s said that eight out of the eleven were alive, and that three have died.[6]
Theo một số thống kê sơ bộ, tác gia Quách Mạt Nhược đã xử dụng khoảng trên dưới 50 bút danh trong suốt hành trình văn nghệ và học thuật : 沫若、麦克昂、郭鼎堂、石沱、高汝鸿、汾阳主人、竹君主人、定甫、夏社、沫、爱牟、鼎堂、高浩然、吴诚、林守仁、杜顽庶、杜荃、杜衎、坎人、易坎人、石沱生、陈启修、李季、阿和乃古登志、蒙其外史、王假维、郭爱牟、蒙其生、蒙侄、谷人、郭石沱、佐藤和夫、安娜、鼎、杨伯勉、杜衍、白圭、戎马书生、牛何之、羊易之、丁汝成、龙子、克拉克、江耦、有孤、藤子丈夫、佐藤贞吉、郭麦弱、高鸣、于硕等.[12][13]
Liệt biểu trứ tác Đỉnh Đường tiên sinh theo ấn phẩm A Selective Guide to Chinese Literature, 1900-1949, do bà Milena Doleželová-Velingerová hiệu đính.[14]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.