Remove ads
quyền bác bỏ một văn bản hoặc hành động chính thức, thường là dự luật From Wikipedia, the free encyclopedia
Quyền phủ quyết là quyền đơn phương bác bỏ một hành động chính thức. Ví dụ: tổng thống hoặc vua phủ quyết một dự luật. Ở nhiều quốc gia, quyền phủ quyết được quy định trong hiến pháp. Các cấp chính quyền khác, chẳng hạn như chính quyền tiểu bang, tỉnh hoặc địa phương, và các tổ chức quốc tế cũng có quyền phủ quyết.
Một số quyền phủ quyết có thể bị đa số tuyệt đối bác bỏ. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, ít nhất hai phần ba số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ có thể bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống. Tuy nhiên, một số quyền phủ quyết là tuyệt đối và không thể bị bác bỏ. Ví dụ: năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết tuyệt đối đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Trong nhiều trường hợp, quyền phủ quyết chỉ có thể được sử dụng để bác bỏ một quyết định. Một số quyền phủ quyết cũng cho phép thực hiện hoặc đề xuất thay đổi. Ví dụ: tổng thống Ấn Độ có thể sử dụng quyền phủ quyết để đề xuất sửa đổi dự luật.
Quyền phủ quyết luật là một trong những công cụ chính của chính phủ trong quá trình lập pháp cùng với quyền trình dự luật.[1] Quyền phủ quyết thường được quy định trong tổng thống chế và bán tổng thống chế.[2] Trong thể chế nghị viện, nguyên thủ quốc gia thường có quyền phủ quyết yếu hoặc không có quyền phủ quyết.[3]
Quyền phủ quyết bắt nguồn từ các chức vụ quan chấp chính và quan bảo dân của La Mã cổ đại. Mỗi năm hai quan chấp chính được bầu ra với nhiệm kỳ một năm, mỗi quan chấp chính có thể ngăn chặn hành động quân sự hoặc dân sự của quan chấp chính kia. Quan bảo dân có quyền ngăn chặn hành động của quan chính vụ hoặc các sắc lệnh của Viện nguyên lão La Mã.[4]
Định chế quyền phủ quyết (intercessio ) được Cộng hòa La Mã thiết lập vào thế kỷ 6 TCN để cho phép các quan hộ dân bảo vệ quyền lợi của bình dân khỏi sự xâm phạm của quý tộc, là tầng lớp chi phối Viện nguyên lão. Quyền phủ quyết của quan hộ dân tuy không ngăn cản Viện nguyên lão thông qua dự luật nhưng không cho phép dự luật có hiệu lực. Quan hộ dân cũng có thể sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn dự luật được đưa ra trước Hội đồng bình dân. Quan chấp chính cũng có quyền phủ quyết vì việc ra quyết định thường phải có sự đồng ý của cả hai quan chấp chính. Nếu một quan chấp chính không đồng ý thì có thể sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ hành động của quan chấp chính kia. Quyền phủ quyết là một thành phần thiết yếu trong quan niệm của người La Mã rằng quyền lực không chỉ được sử dụng để quản lý nhà nước mà còn để điều tiết, hạn chế quyền lực của các quan chức và thể chế cấp cao của nhà nước.[5]
Khi cuộc cải cách ruộng đất do quan hộ dân Tiberius Gracchus khởi xướng vào năm 133 TCN bị quan hộ dân Marcus Octavius phủ quyết, Gracchus thuyết phục Hội đồng bình dân bãi nhiệm ông với lý do rằng ông là quan hộ dân nhưng không bảo vệ quyền lợi của dân. Tuy nhiên, Gracchus và một số người ủng hộ bị các thành viên Viện nguyên lão phản đối cuộc cải cách giết hại, dẫn đến một thời kỳ nội loạn ở Roma.[6]
Theo hiến pháp của Liên bang Ba Lan và Lietuva vào thế kỷ 17 và 18, dự luật phải được nghị viện (Sejm hoặc Seimas ) nhất trí thông qua. Nếu một nghị sĩ sử dụng quyền phủ quyết tự do (liberum veto ) thì dự luật đó và tất cả các luật được thông qua tại kỳ họp đều bị bãi bỏ và kỳ họp đó bị bế mạc. Trong "nền dân chủ Ba Lan", quyền phủ quyết tự do bắt nguồn từ quan điểm rằng mọi quý tộc người Ba Lan đều bình đẳng bất kể giàu nghèo. Tuy nhiên, quyền phủ quyết tự do làm tê liệt quyền lực của nghị viện và cộng với một loạt các vị vua bù nhìn yếu kém dẫn đến sự phân chia Ba Lan vào cuối thế kỷ 18.
Quyền phủ quyết hiện đại bắt nguồn từ quyền ngự phê của các quân chủ châu Âu, trong đó dự luật phải được quân chủ phê chuẩn để có hiệu lực. Quyền ngự phê phát triển từ việc luật lệ từng do quân chủ ban hành, ví dụ như ở Anh cho đến thời trị vì của Edward III vào thế kỷ 14.[7] Quân chủ Anh ngừng sử dụng quyền từ chối ngự phê tại Anh sau năm 1708, nhưng tiếp tục sử dụng rộng rãi quyền hạn này ở các thuộc địa. Việc lạm dụng quyền từ chối ngự phê được đề cập trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ.[8]
Sau Cách mạng Pháp, hàng trăm đề xuất thay đổi quyền phủ quyết của quân chủ được đưa ra.[9] Hiến pháp Pháp 1791 quy định Quốc vương Louis XVI không còn quyền phủ quyết tuyệt đối mà chỉ có phủ quyết tạm thời có thể bị quá nửa số thành viên Hội đồng Lập pháp bác bỏ trong hai kỳ họp liên tiếp trong thời hạn từ bốn đến sáu năm.[10] Sau khi chế độ quân chủ bị phế bỏ vào năm 1792, vấn đề quyền phủ quyết của quân chủ trở nên vô nghĩa.[10]
Quyền phủ quyết của tổng thống được những nhà tư tưởng cộng hòa cổ điển đề ra vào thế kỷ 18 và 19 như một công cụ hạn chế quyền lực của quốc hội.[11] Tuy nhiên, một số nhà tư tưởng cộng hòa như Thomas Jefferson cho rằng quyền phủ quyết là một tàn tích của chế độ quân chủ phải bị bãi bỏ.[12] Ban đầu, hầu hết các quyền phủ quyết của tổng thống, chẳng hạn như quyền phủ quyết ở Hoa Kỳ, đều là quyền phủ quyết có điều kiện mà cơ quan lập pháp có thể bác bỏ để tránh tập trung quá nhiều quyền lực vào tổng thống.[12] Có một số ngoại lệ: hiến pháp Chile 1833 trao cho tổng thống Chile quyền phủ quyết tuyệt đối.[12]
Hầu hết các quyền phủ quyết hiện đại đều nhằm mục đích kiểm soát quyền lực nhà nước hoặc một cơ quan nhà nước, thường là cơ quan lập pháp. Trong những nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực phân lập, quyền phủ quyết có thể được phân loại theo cơ quan sử dụng quyền phủ quyết: quyền phủ quyết hành pháp, lập pháp hoặc tư pháp.
Quyền phủ quyết đã được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp hoặc nhóm người. Ở các thuộc địa Anh, thống đốc tiếp tục sử dụng quyền từ chối ngự phê sau khi quân chủ Anh đã ngừng sử dụng, có tác dụng cân bằng quyền lực giữa các thể chế nhà nước.[7] Ở La Mã cổ đại, quan hộ dân sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ quyền lợi của bình dân khỏi sự xâm phạm của quý tộc.[13] Trong quá trình bãi bỏ chế độ apartheid, "quyền phủ quyết da trắng" được đề ra để bảo vệ quyền lợi của người Nam Phi da trắng nhưng không được thiết lập.[14] Gần đây, có đề xuất trao quyền phủ quyết cho người bản địa đối với các dự án công nghiệp trên đất bản địa sau khi Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa được thông qua vào năm 2007. Tuy nhiên, nhiều nước chưa quy định quyền phủ quyết này.[15]
Quyền phủ quyết được phân loại dựa trên việc quyền phủ quyết có thể bị bác bỏ hay không và phương thức bác bỏ. Quyền phủ quyết tuyệt đối không thể bị bác bỏ. Quyền phủ quyết có điều kiện có thể bị đa số tuyệt đối bác bỏ, chẳng hạn như hai phần ba hoặc ba phần năm. Quyền phủ quyết tạm thời có thể bị đa số bác bỏ và chỉ có tác dụng trì hoãn hiệu lực của luật.[16]
Quyền phủ quyết toàn phần có tác dụng phủ quyết toàn bộ một đạo luật. Quyền phủ quyết một phần cho phép nguyên thủ bác bỏ một số phần cụ thể của luật nhưng vẫn giữ nguyên phần còn lại. Quyền phủ quyết một phần tạo vị thế đàm phán mạnh hơn quyền phủ quyết toàn phần.[2] Quyền phủ quyết sửa đổi có tác dụng gửi trả luật về cơ quan lập pháp kèm với các đề xuất sửa đổi mà cơ quan lập pháp có thể chấp nhận hoặc bác bỏ. Tác dụng của quyền phủ quyết không bị cơ quan lập pháp bác bỏ tùy thuộc vào chế độ: dự luật bị phủ quyết có thể không được ban hành hoặc tự động trở thành luật. Quyền phủ quyết sửa đổi thường được coi là một quyền phủ quyết đặc biệt mạnh vì cho phép nguyên thủ tham gia vào quá trình lập pháp.
Một số quyền phủ quyết chỉ được sử dụng đối với ngân sách nhà nước (như quyền phủ quyết một phần ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ hoặc quyền phủ quyết tài chính ở New Zealand),[17] các vấn đề không liên quan đến ngân sách nhà nước (như ở Phần Lan) hoặc các vấn đề hiến pháp (như ở Nam Phi). Quyền phủ quyết không bị giới hạn về vấn đề được gọi là "quyền phủ quyết chính sách".[2]
Một loại quyền phủ quyết ngân sách là quyền phủ quyết cắt giảm, được quy định ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ. Quyền phủ quyết cắt giảm cho phép chính phủ cắt giảm các khoản chi ngân sách nhà nước.[17] Thủ tục bác bỏ quyền phủ quyết có thể khác nhau tùy thuộc vào quyền phủ quyết. Ví dụ: tại Illinois, nếu nghị viện không bác bỏ quyền phủ quyết cắt giảm thì dự toán ngân sách nhà nước vẫn có hiệu lực, trong khi nếu nghị viện không bác bỏ quyền phủ quyết sửa đổi thì dự luật không được thông qua.[18]
Quyền phủ quyết ngầm là khi chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia không hành động. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, nếu tổng thống không ký dự luật trong thời gian Quốc hội ngừng họp thì dự luật không trở thành luật.[19] Quyền phủ quyết ngầm không thể bị bác bỏ.[1]
Một số quyền phủ quyết bị giới hạn về phạm vi. Quyền phủ quyết hiến pháp chỉ cho phép phủ quyết dự luật trái với hiến; ngược lại, "quyền phủ quyết chính sách" có thể được sử dụng bất cứ khi nào nguyên thủ không đồng ý với dự luật.[2]
Quyền phủ quyết lập pháp là quyền phủ quyết do cơ quan lập pháp thực hiện đối với chính phủ, như quyền phủ quyết lập pháp của 28 cơ quan lập pháp tiểu bang của Hoa Kỳ.[20] Quyền phủ quyết lập pháp cũng có thể là quyền phủ quyết được một viện của cơ quan lập pháp lưỡng viện thực hiện đối với viện khác, chẳng hạn như quyền phủ quyết của Thượng viện Fiji đối với Hạ viện Fiji trước khi Thượng viện bị bãi bỏ.[21]
Trong một số hệ thống chính trị, một cơ quan cụ thể có thể phủ quyết tư cách ứng cử viên.
Một số quân chủ Công giáo ở châu Âu từng có quyền phủ quyết ứng cử viên giáo hoàng, được gọi là jus exclusivae. Quyền lực này được Franz Joseph I của Áo sử dụng lần cuối cùng vào năm 1903.[22]
Ở Iran, Hội đồng Giám hộ hiến pháp xem xét tư cách ứng cử viên và có quyền phủ quyết luật.
Tại Trung Quốc, sau chiến thắng vang dội của phe dân chủ trong cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông 2019, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thông qua cải cách hệ thống bầu cử vào năm 2021, thành lập Ủy ban thẩm tra tư cách ứng cử viên do đặc khu trưởng Hồng Kông bổ nhiệm, có nhiệm vụ xem xét tư cách ứng cử viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.[23]
Trong tổng thống chế và bán tổng thống chế, quyền phủ quyết là một quyền lập pháp của tổng thống. Trong khi quyền trình dự luật trước quốc hội là một quyền chủ động, quyền phủ quyết là một quyền bị động vì tổng thống không thể phủ quyết một dự luật cho đến khi được cơ quan lập pháp thông qua.[24]
Quyền phủ quyết của nguyên thủ thường được đánh giá là "mạnh" hoặc "yếu" tùy theo phạm vi, thời hạn thực hiện quyền phủ quyết và điều kiện bác bỏ quyền phủ quyết. Đại khái đa số để bác bỏ quyền phủ quyết càng lớn thì quyền phủ quyết càng mạnh.[2]
Trên thế giới, quyền phủ quyết của nguyên thủ đối với cơ quan lập pháp là đặc trưng của tổng thống chế và bán tổng thống chế và quyền phủ quyết mạnh thường đi liền với quyền tổng thống mạnh.[2] Trong thể chế đại nghị, quyền phủ quyết của nguyên thủ quốc gia thường yếu hoặc không tồn tại.[3] Đặc biệt, trong hệ thống Westminster và hầu hết các chế độ quân chủ lập hiến, quyền từ chối ngự phê luật của quân chủ là một quyền hạn dự phòng hiếm khi được sử dụng.
Tổng thống Slovenia không có quyền phủ quyết và quyền phủ quyết của quân chủ Luxembourg bị bãi bỏ vào năm 2008.[84]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.