Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy
xã thuộc Cai Lậy From Wikipedia, the free encyclopedia
xã thuộc Cai Lậy From Wikipedia, the free encyclopedia
Ngũ Hiệp là một xã thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Gần như toàn bộ xã nằm trên cù lao cùng tên, cù lao Ngũ Hiệp hay còn gọi là cồn Ngũ Hiệp.
Ngũ Hiệp
|
|||
---|---|---|---|
Xã | |||
Xã Ngũ Hiệp | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Tỉnh | Tiền Giang | ||
Huyện | Cai Lậy | ||
Trụ sở UBND | Ấp Hòa Hảo[1] | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°18′5″B 106°7′57″Đ | |||
| |||
Diện tích | 27,80 km²[2] | ||
Dân số (2013) | |||
Tổng cộng | 16.117 người[2] | ||
Mật độ | 580 người/km² | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 28516[3] | ||
Số điện thoại | 0273.3.812.900 | ||
Xã Ngũ Hiệp gồm cù lao Ngũ Hiệp và một cù lao nhỏ là Cồn Tròn.[4] Vị trí nằm giữa dòng sông Tiền, là xã cuối cùng phía nam của huyện Cai Lậy, về phía tây là cù lao Tân Phong cũng thuộc cùng huyện.[5] Cù lao có hình thoi dài theo hướng tây-đông.[5] Ở hướng đông bắc là cù lao Long Đức thuộc xã Tam Bình.[6] Do nằm giữa sông Tiền đoạn sông phía bắc cù lao do hẹp hơn nên được gọi là sông Năm Thôn.[6][7] Trên cù lao có các con rạch lớn như rạch Bà Kẽm, rạch Ông Dú.[4]
Khác với nhóm đất phèn ở các xã phía bắc của Tiền Giang, đất đai Ngũ Hiệp là đất phù sa ven sông rất màu mỡ.[8]
Xã Ngũ Hiệp có diện tích 27,80 km²[lower-alpha 1], dân số năm 2013 là 16.117 người,[2] mật độ dân số đạt 580 người/km².
Có 8 ấp trong xã, gồm: Hòa An, Hòa Hảo, Hòa Thinh, Long Quới, Tân Đông, Tân Hòa, Tân Sơn, Thủy Tây.[4]
Ban đầu, cù lao Ngũ Hiệp được gọi là cù lao Năm Thôn do có 5 thôn là An Thủy Đông, An Thủy Tây, Long Phú, Hòa An, Tân Sơn. Ngoài ra còn mang tên cù lao Trà Tân, cũng có sách ghi là cù lao Kiến Lợi, là tên một tổng bao trùm gần hết diện tích phía nam huyện Cai Lậy ngày nay.[6] Một tên khác là cù lao Trà Luật.[9]
Năm 1864 trên cù lao chỉ còn 6 hộ gia đình. Sau đó, có một sĩ quan người Pháp tên là Taillefer đã đến chiếm 300 ha đất trên cù lao, tuyên bố lập thành vương quốc. Vị sĩ quan này đã cho xây một nhà máy xay xát, mang các cây giống mía đường, dâu tây, vani lên cù lao để trồng. Năm 1871, Taillefer sạt nghiệp nên đã bán đất cù lao lại cho đốc phủ Trần Bá Lộc. Con trai ông là Trần Bá Thọ sạt nghiệp, tự tử vào năm 1909 nên cù lao được bán cho Đốc phủ Mầu.[6]
Cho đến năm 1970, cù lao trồng đủ loại cây khác nhau. Năm 1970, ông Hai Tôn mang sầu riêng từ Tam Bình lên cù lao trồng, là khởi đầu lan dần cây sầu riêng ra khắp cù lao trở thành cây trồng chủ yếu như hiện nay. Trong khoảng thời gian 1970 đến 1985 vẫn chưa định hình cây trồng chủ yếu, Thường vụ huyện ủy Cai Lậy là Tám Hưng chọn lựa chính sách trồng hồ tiêu cho cù lao Ngũ Hiệp nhưng cuối cùng không hiệu quả.[6]
Đình Hòa An tại ấp Hòa An, có từ thế kỷ 19 là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.[10]
Cù lao Ngũ Hiệp là vùng chuyên canh sầu riêng[11][12] ngoài ra còn có chôm chôm, bưởi, chuối, mít,[7]... Cũng như các xã khác của huyện Cai Lậy, cây sầu riêng chủ yếu thuộc giống Monthong, Ri 6,[13] Chín Hóa,[14]...là giống sầu riêng cho năng suất cao. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, cả cù lao có 1.530 ha sầu riêng, với năng suất gần 49.000 tấn/năm.[7] Cù lao Ngũ Hiệp vì vậy được mệnh danh là "vương quốc sầu riêng".[15][16] Ngoài mùa sầu riêng chính ra, nông dân còn xử lý được mùa nghịch, diễn ra vào khoảng tháng 7 và tháng 8 âm lịch, vườn sầu riêng được đậy mủ nilon và xiết nước cho cạn để sầu riêng có thể ra hoa. Sầu riêng mùa nghịch có giá trị cao hơn. Tỉnh Tiền Giang cũng đã đăng ký thương hiệu sản phẩm "Sầu riêng Ngũ Hiệp".[13][14] Ngoài ra dọc theo bờ sông là nhiều cơ sở chăn nuôi bè cá.[17][18]
Trên cù lao các kênh rạch nhỏ khá chằng chịt, có đường giao thông chính hoàn toàn là lộ nhựa đánh một vòng quanh cù lao (hương lộ 70)[lower-alpha 2] và một trục lộ nhựa (tỉnh lộ 868 B) cắt ngang giữa cù lao theo hướng bắc-nam, từ chân cầu Ngũ Hiệp đến phà Thới Lộc, chiều dài khoảng 2 km. Các đường khác trên cù lao đều được nâng cấp thành đường đan. Trước năm 2020 cù lao vẫn còn bị cô lập, việc đi lại chủ yếu bằng phà Ngũ Hiệp, nằm ngay cạnh chợ xã Ngũ Hiệp, chợ lớn nhất cù lao nằm ở phía bắc. Phà Ngũ Hiệp là phà quan trọng, hằng năm có lưu lượng 5,5 triệu lượt người và 2,3 triệu lượt phương tiện qua lại, cùng lưu lượng 460.000 tấn hàng hóa.[7] Ngoài ra còn nhiều bến phà khác như phà Ngũ Hiệp-Tam Bình, phà Long Quới, về hướng nam là phà Cây Dương, phà Thới Lộc, cù lao Ngũ Hiệp nối với cù lao Tân Phong bằng phà Tân Phong-Ngũ Hiệp. Đến năm 2020 thì cầu Ngũ Hiệp dài 285 m xây xong, nối liền tỉnh lộ 868 trên bờ với đoạn lộ 868B trên cù lao, chấm dứt tình trạng cô lập của cù lao.[7][20][21]
Vấn đề nghiêm trọng mà cù lao Ngũ Hiệp phải thường xuyên đối mặt tương tự như cù lao Tân Phong lân cận là tình trạng sạt lở và tình trạng nhiễm mặn chung của vùng.[22][23] Có thời điểm sụt lún gây vỡ cả đê, hư hỏng đường, nước sông ngập các vườn canh tác.[22][24] Tình trạng nước mặn xâm nhập được xem nghiêm trọng nhất trước nay là vào năm 2020, với mức đo lên đến 3,8/1000 điều này đe dọa các cây trồng là kinh tế chủ lực của cù lao.[12] Trong hơn 1500 ha sầu riêng thì 400 ha đã chết, 140 ha thì thiệt hại 30 đến 70%.[25] Các nhà vườn phải thuê xà lan chở nước ngọt lấy từ sông Tiền những đoạn hướng bên trong nội địa ra cứu các khu vườn trồng sầu riêng một cách khẩn cấp.[26]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.