From Wikipedia, the free encyclopedia
Mộng Sơn (1916-1992) nguyên danh Vũ Thị Mai Hương[1] là một nhà văn, nhà báo, nhà thơ Việt Nam, nổi danh thời tiền chiến. Theo Từ điển Văn học (bộ mới), thì bà chính là người phụ nữ đầu tiên tham gia vào giới phê bình văn học Việt[2]. Bà có những bút hiệu là Sơn Tiên, Vũ Thị Mai, Mộng Sơn.
Mộng Sơn sinh ngày 20 tháng 12 năm 1916 tại làng Trung Lao, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Bà học bậc trung học tại Trường Đồng Khánh (Huế) và Hà Nội. Bà thích đọc sách, viết văn và làm thơ. Năm 17 tuổi (1933), bà đã có bài (bút ký Đời Nhật Anh) đăng trên báo Phụ nữ thời đàm.
Sau đó, bà về sống ở Chũ (Phủ Lạng Thương), nơi cha bà đang làm việc, và tiếp tục sáng tác thơ văn, viết bài cho các báo: Đông Phương, Phụ nữ thời đàm, Văn học tạp chí, Bắc Hà, Tiến bộ, Đông Tây, Mai, Tân Việt Nam, Tri Tân, Bạn đường, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Thanh nghị,...
Năm 1935, bà bắt đầu được bạn đọc chú ý kể từ khi bài thơ Viếng mồ lữ khách được đăng trên Văn học tạp chí (số ra ngày 10 tháng 8 năm 1935).
Trong phong trào thơ mới, Mộng Sơn tích cực tham gia trường phái thơ Bạch Nga[3] do Nguyễn Vỹ khởi xướng.
Năm 1937, bà về sống ở Hà Nội và giữ chức Chủ bút báo Việt nữ của Bùi Xuân Hạc.
Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1938), Mộng Sơn viết bài về phong trào Mặt trận Bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà viết loạt bài phóng sự Vất vưởng, ghi lại nỗi khổ của những đứa trẻ lang thang, không ai nuôi dưỡng.
Năm 1940, bà kết hôn với nhà văn Nguyễn Uyển Diễm, rồi giữ mục Đàn Bà đọc sách trên tờ tuần báo Đàn bà, do nhà văn Thụy An chủ trương. Sau này, bà tập hợp lại những bài viết đó làm thành quyển Văn học và triết luận (1944).
Năm 1952, Mộng Sơn cho xuất bản tập bút ký Vượt cạn và tập truyện ngắn Làm nũng.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Mộng Sơn làm biên tập viên cho nhà xuất bản Văn học, và cộng tác với tuần báo Văn Nghệ.
Năm 1957, bà tham gia Hội nhà văn Việt Nam và được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành khóa I.
Nhờ tích cực đi thực tế, nên trong thời kỳ này bà lần lượt cho xuất bản thêm nhiều tác phẩm nữa, như: Giận nhau (tiểu thuyết, 1957), Gỡ mối (truyện vừa, 1959), Một khoảng trời xanh (tập truyện ngắn, 1960), Tuổi mười ba (tập truyện ngắn, 1983)...
Mộng Sơn mất ngày 4 tháng 5 năm 1992 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.
Theo Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ), thì bà còn có thêm:
Thi sĩ Nguyễn Vỹ kể:
Phần lớn thơ của Mộng Sơn thiên về những cảm xúc riêng tư, đồng thời thấm đẫm một khí vị u hoài cổ kính và bâng khuâng...
Cuốn "Văn học và triết luận", tuy còn thiếu một độ sâu cần thiết, nhưng tác phẩm này rất đáng trân trọng, vì đây là một đóng góp đầu tiên của một phụ nữ trong phê bình văn học. Nhưng tên tuổi của bà lại gắn liền với hai tập truyện ngắn: "Vượt cạn" và "Làm nũng". Nhờ những trải nghiệm đớn đau của chính bản thân, khi mất đứa con đầu lòng cùng với những điều mắt thấy tai nghe về những cảnh đời ngang trái của bạn bè, mà bà đã thể hiện được thực trạng cuộc sống cùng những diễn biến trong tâm tư tình cảm của giới phụ nữ dưới chế độ thực dân và phong kiến.
Đề cập riêng quyển "Vượt cạn", thi sĩ Nguyễn Vỹ viết: Tôi chưa thấy một nữ sĩ Việt Nam nào viết được một quyển sách về phụ nữ mà cảm động, thấm thía và sâu sắc như quyển "Vượt cạn" của Mộng Sơn. Đây quả là tiếng kêu vừa não nuột, vừa mỉa mai chua chát, và đầy uất hận cho số phận của người đàn bà phải sinh đẻ trong các trường hợp đau thương...
Nhìn chung, tác phẩm văn xuôi của Mộng Sơn thiên về kể, tả với một văn phong hồn nhiên, mộc mạc. Bố cục, kết cấu, nhân vật cũng đã được tác giả chú ý nhưng chưa mấy thành công, chưa vươn đến một ý nghĩa sâu sắc mang tầm khái quát. Tuy nhiên, những trang viết hiền lành, chân chất của bà vẫn hấp dẫn người đọc bởi một thứ tình cảm dịu dàng, nhân hậu, đầy nữ tính[5].
Thơ Mộng Sơn, chỉ đăng rải rác trên các báo thời bấy giờ, không in thành tập. Năm 1969, lần đầu tiên Mộng Sơn được giới thiệu trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến do Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng biên soạn và xuất bản tại Sài Gòn. Ngay năm sau (1970), Nguyễn Vỹ đã dành những lời lẽ hết sức trân trọng và cảm động, để giới thiệu bà một lần nữa trong quyển Văn thi sĩ tiền chiến của ông. Ở đây trích giới thiệu vài đoạn thơ của Mộng Sơn, người nữ thi nhân mà thi sĩ Nguyễn Vỹ đã gọi là con bạch nga duyên dáng kêu vang dưới ánh hồng trên hồ Hoàn Kiếm[6].
|
|
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.