From Wikipedia, the free encyclopedia
Lữ Văn Đức (chữ Hán: 吕文德 hay 徳, ? – 1269), xước hiệu là Hắc hôi đoàn (nắm tro đen), người huyện An Phong, Túc Châu [1], là tướng lĩnh kháng Mông cuối đời Nam Tống trong lịch sử Trung Quốc.
Bài viết này có nhiều vấn đề. Xin vui lòng giúp cải thiện hoặc thảo luận về những vấn đề này bên trang thảo luận. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa những thông báo này)
|
Lữ Văn Đức | |
---|---|
Tên chữ | Cảnh Tu |
Thụy hiệu | Võ Trung |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Quê quán | huyện An Phong |
Mất | |
Thụy hiệu | Võ Trung |
Ngày mất | 1269 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Anh chị em | Lữ Văn Tín, Lữ Văn Hoán |
Hậu duệ | Lữ Sư Long, Lữ Sư Quỳ |
Nghề nghiệp | quân nhân, nhà sử học, chỉ huy quân đội |
Quốc tịch | Nam Tống |
Ban đầu Văn Đức bán củi kiếm sống. Năm Thiệu Định thứ 6 (1233), đi theo Hoài Đông chế trí sứ Triệu Quỳ. [2] Không rõ binh nghiệp của Văn Đức trong vài năm sau đó ra sao? [3] Năm Gia Hi đầu tiên (1237), Văn Đức đã làm đến Trì Châu đô thống chế, cứu viện An Phong, cùng Đỗ Cảo giữ thành, đẩy lui quân Mông Cổ. Năm sau, Cảo sai con trai Đỗ Thứ đưa Văn Đức, Niếp Bân soái quân tinh nhuệ mai phục những nơi yếu hại, đẩy lui quân Mông Cổ.
Tháng 3 ÂL năm Thuần Hữu đầu tiên (1241), Văn Đức nhận chức Tri Lư Châu. Đầu năm thứ 3 (1243), được làm Phúc Châu quan sát sứ, Thị vệ mã quân phó đô chỉ huy sứ, tổng chế Lưỡng Hoài quân mã. Từ đây, Văn Đức trở thành chủ tướng trấn giữ một phương của nhà Nam Tống. Cuối năm ấy, triều đình xét công khó nhọc ở Biện, Hào, Giao, Truy, Văn Đức được tiến trật 4 đẳng.
Năm thứ 4 (1244), Văn Đức giải vây cho phủ Thọ Xuân, triều đình cấp trăm vạn xâu tiền để khao quân. Tháng 6 ÂL, Văn Đức kiêm chức Hoài Tây chiêu phủ sứ, Tri Hào Châu, tiết chế quân đội 4 châu Hào, Phong, Thọ, Bạc.
Tháng 2 ÂL năm thứ 5 (1245), Văn Đức đánh bại quân Mông Cổ, giành lại thành Ngũ Hà, được tiến 2 (hoặc 3) trật. Tháng 4 ÂL, được thăng làm Xu mật phó sứ. Tháng 7 ÂL đến tháng 7 ÂL năm sau (1246), Văn Đức nhiều lần tâu lên tình hình đẩy lui quân Mông Cổ, triều đình thưởng tuất cho tướng sĩ; ông cũng được thăng cấp.
Tháng 2 ÂL năm thứ 8 (1248), Văn Đức điều quân giải vây Tứ Châu, được triều đình khen thưởng.
Bấy giờ quân Mông Cổ sau khi chinh phục Thổ Phồn, Đại Lý, bắt đầu tấn công vào mặt tây nam của nhà Nam Tống. Tháng 5 ÂL, Văn được trừ chức Thị vệ mã quân đô chỉ huy sứ, còn lại như cũ, gia chức Bảo Khang quân [4] thừa tuyên sứ, Hữu lĩnh quân Vệ thượng tướng quân, Xu mật viện phó đô thừa chỉ kiêm Tri Hào Châu. Tháng 8 ÂL năm sau (1249), được tiến quan 2 đẳng. Từ đây Văn Đức được triều đình chuyển sang bảo vệ mặt tây nam.
Tháng 7 ÂL năm Bảo Hữu thứ 2 (1254), triều đình lấy Văn Đức – đang ở chức Hồ Bắc an phủ, Tri Hạp Châu – làm Tổng thống Giang Lăng, Hán Dương, Quy, Hạp, Tương, Dĩnh quân mã sự, tạm đặt tư ở Công An, cứu ứng các nơi. Tháng 7 ÂL năm thứ 3 (1255), được làm Tri Ngạc Châu, tiết chế Đỉnh, Lễ, Thần, Nguyên, Tĩnh 5 châu.
Tháng 7 ÂL năm thứ 5 (1257), Văn Đức vào Bá Châu [5], triều đình hạ chiếu cho Kinh Hồ quân cấp vạn lạng bạc, nhờ đó ông đắp thành Hoàng Bình. Quân Mông Cổ theo lối Quảng Tây vào Quý Châu đánh Tống, đến đầu năm Khai Khánh đầu tiên (1259), Văn Đức được khen ngợi nhờ công lao đắp thành.
Tháng 3 ÂL cùng năm, Văn Đức được làm Bảo Khang quân tiết độ sứ, Tứ Xuyên chế trí phó sứ kiêm Tri Trùng Khánh phủ. Tháng 4 ÂL, được làm Tứ Xuyên tổng lĩnh tài phú. Tháng 5 ÂL, Văn Đức giao chiến với quân Mông Cổ ở Đạt Châu. Tháng 6 ÂL, Văn Đức chặt đứt cầu nổi, thông đường sang đất Thục, tiến vào Trùng Khánh. Văn Đức thừa thắng xuôi dòng Gia Lăng, hòng tăng viện cho thành Điếu Ngư, bị tướng Mông Cổ là Sử Thiên Trạch đánh bại, chạy về Trùng Khánh. Sau khi Mông Ca hãn băng, Hợp Châu được giải vây, triều đình xét công, cho Văn Đức làm Kiểm hiệu thiếu sư.
Tháng 11 ÂL, Văn Đức từ Trùng Khánh tham gia cứu viện Ngạc Châu, nhân đêm tối vào thành, giúp cho việc phòng thủ càng thêm chắc chắn. Viện quân do Giả Tự Đạo tiết chế, trong quân còn có các tướng Tào Thế Hùng, Hướng Sĩ Bích và Cao Đạt, họ đều xem thường Tự Đạo, riêng Văn Đức nịnh hót ông ta; thành ra Tự Đạo ghét 3 người kia, mà thân với ông. Tháng 11 nhuận, được làm Kiểm hiệu thiếu bảo, Kinh Tây, Hồ Bắc an phủ sứ kiêm chế trí sứ, Tri Ngạc Châu kiêm Thị vệ mã quân đô chỉ huy sứ. Tháng 2 ÂL năm Cảnh Định đầu tiên (1260), Văn Đức được thưởng công cứu viện Ngạc Châu, nhận trăm vạn tiền xâu, trăm khoảnh ruộng tốt ở Chiết Tây. Tháng 4 ÂL, được kiêm chức Quỳ Lộ sách ứng sứ. Tháng 4 ÂL năm thứ 2 (1261), Văn Đức vượt cấp làm Thái úy, Kinh Hồ an phủ chế trí đồn điền sứ, Quỳ Lộ sách ứng sứ kiêm Tri Ngạc Châu, rồi được kiêm Hồ Quảng tổng lĩnh tài phú.
Vì Mông Cổ chủ soái Hốt Tất Liệt từ bỏ Ngạc Châu quay về phương bắc tranh giành đế vị, nội bộ Mông Cổ phân tranh không dứt, nên biên cảnh không có chiến sự gì lớn. Trong khi đó, Văn Đức đố kỵ công lao của bộ tướng cũ của danh tướng Mạnh Củng là Lưu Chỉnh, bức bách Chỉnh dâng Lư Châu đầu hàng Mông Cổ. Thượng cấp của Chỉnh là Du Hưng tấn công Lư Châu, bị Chỉnh đánh bại. Tháng 8 ÂL, Văn Đức được kiêm Tứ Xuyên tuyên phủ sứ, tiến đánh Lư Châu. Tháng 10 ÂL, chiếm được bảo ngoài thành, đắp lũy tính kế lâu dài. Tháng giêng ÂL năm Cảnh Định thứ 3 (1262), Văn Đức giành lại Lư Châu, được tiến chức Khai phủ nghi đồng tam tư.
Tháng 12 ÂL, Văn Đức sau nhiều lần dâng sớ từ chối kiêm chức Tứ Xuyên tuyên phủ, triều đình đồng ý, nhưng vẫn cho kiêm chức Tứ Xuyên sách ứng sứ. Tháng 2 ÂL năm thứ 4 (1263), Văn Đức đào hào đắp thành ở Ngạc Châu, Thường, Lễ hoàn tất, được triều đình khen ngợi. Tháng 3 ÂL, được làm Ninh Vũ, Bảo Khang quân tiết độ sứ. Tháng 6 ÂL, Văn Đức nhờ chuyên tâm sửa chữa thành trì, được thăng quan 1 chuyến.
Người Mông Cổ dùng kế của Lưu Chỉnh, hối lộ Văn Đức một cái đai ngọc, đề nghị đặt Giác trường bên ngoài Tương, Phàn để tiến hành Hỗ thị, ông đồng ý [6]. Người Mông Cổ lại đề nghị cho đắp tường đất để bảo vệ hàng hóa, ban đầu Văn Đức không đồng ý, về sau nghĩ đến lợi ích từ việc hỗ thị mà đồng ý. Tháng 7 ÂL, người Mông Cổ đắp tường đất, ngoài thì tiến hành hỗ thị, trong thì đắp tường bảo. Từ đây người Mông Cổ có cơ sở để vừa chẹn đường quân Tống chi viện nam bắc, vừa uy hiếp Tương, Phàn, Văn Đức hối hận thì đã muộn.
Năm thứ 5 (1265), Tống Lý Tông băng, Giả Tự Đạo bỏ quan mà đi, sai Văn Đức hoang báo quân Mông Cổ đánh gấp xuống sông Đà (nhánh của Trường Giang). Triều đình cả sợ, Độ Tông và Tạ thái hậu làm chiếu khởi dụng Tự Đạo.
Năm Hàm Thuần thứ 3 (1267), được gia thụ Thiếu phó.
Năm thứ 4 (1268), tướng Mông Cổ là bọn Lưu Chỉnh, A Truật bàn nhau đắp thành ở Bạch Hà khẩu cùng Lộc Môn sơn, hòng chẹn đường vận lương cho Tương, Phàn. Tướng Tống giữ Tương Dương là Lữ Văn Hoán cáo cấp, nhưng Văn Đức chẳng coi ra gì.
Tháng 10 ÂL năm thứ 5 (1269), được tiến phong Sùng quốc công, tăng thực ấp 700 hộ. Tháng 11 ÂL, trí sĩ, được đặc thụ Thiếu sư, tiến phong Vệ quốc công. Tháng 12 ÂL, mất, được tặng Thái phó, ban thụy là Vũ Trung. Tháng 12 ÂL năm Đức Hữu đầu tiên (1275), được truy phong Hòa Nghĩa quận vương.
Văn Đức là tướng lãnh trọng yếu cuối đời Nam Tống, thành ra thân thích, cố cựu cũng được hiển hách. Các em trai Văn Hoán, Văn Tín, em họ Văn Phúc, các con trai Sư Quỳ, Sư Mạnh, Sư Thuyết, Sư Đạo, con rể Phạm Văn Hổ, đồng hương Hạ Quý đều là tướng lãnh, hình thành một tập đoàn quân sự ở biên thùy nhà Tống. Do Văn Đức xu nịnh quyền thần Giả Tự Đạo, tập đoàn quân sự này có thể xem là binh lực của riêng Tự Đạo, góp một tay giúp Tự Đạo khuynh đảo triều chính một thời.
Sau khi Văn Hoán dâng Tương Dương cho nhà Nguyên, con cháu họ Lữ nhanh chóng quy hàng, Phạm Văn Hổ, Hạ Quý sau đó cũng lần lượt đầu hàng.
Tống sử và Nguyên sử không chép truyện về Lữ Văn Đức; Tân Nguyên sử chép phụ vào Lữ Văn Hoán truyện, nội dung sơ sài, không tương xứng với vai trò của ông trong chiến tranh Tống – Mông.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.