tướng lĩnh, khai quốc công thần nhà Nguyễn From Wikipedia, the free encyclopedia
Lê Chất (chữ Hán: 黎質, 1774 - 1826[1]), còn có tên khác là Lê Tông Chất (黎宗質), Lê Văn Chất (黎文質), Lê Công Chất (黎公質) dân gian thường gọi Hậu quân Chất, là tướng lĩnh, khai quốc công thần nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Lê Chất là người huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định[2][3]. Ban đầu ông đầu quân cho nhà Tây Sơn, làm Đô đốc dưới quyền của Đại Tư lệ là Lê Trung, lập được nhiều chiến công và được Lê Trung đem con gái là Lê Thị Sa gả cho. Sử nhà Nguyễn ghi nhận rằng Lê Chất ở trong đám giặc rất là thiện chiến, chư tướng của ta đánh với Chất thường bị thua.
Từ sau khi vua Quang Trung mất (1792), nội bộ triều Tây Sơn rơi vào lục đục do những tranh chấp quyền hành, chúa Nguyễn Ánh ở Nam Hà thừa cơ mưu việc khôi phục. Năm Đinh Tị (1797), chúa Nguyễn chiếm được thành Diên Khánh, cử tiên phong doanh là Nguyễn Văn Tính chống giữ ở đó, để tính việc tiến lên các tỉnh còn lại. Lê Chất biết rằng triều Cảnh Thịnh chẳng sớm thì chày cũng sẽ bại vong, nhiều lần khuyên với Lê Trung đầu hàng chúa Nguyễn, nhưng Trung vẫn chần chừ không quyết. Lê Chất bèn gửi thư riêng cho Nguyễn Văn Tính, xin được làm nội ứng, dự định trong ngoài phối hợp, bắt hiếp Lê Trung phải đầu hàng. Tính đem thư đó dâng lên Nguyễn vương, Vương bảo với các tướng rằng[2]
Sau đó Trung biết được mưu của Chất, chỉ mặt mà mắng hỏi. Chất sợ việc đó tiết lộ ra, bèn thôi không làm nội ứng nữa.
Năm Mậu Ngọ (1798), Lê Văn Trung đóng quân giữ ở Trà Khúc thì gặp lúc trong triều có biến, Tiểu triều Nguyễn Bảo là con của Nguyễn Nhạc[4] căm giận vua Cảnh Thịnh chiếm thành Quy Nhơn để cho Nhạc uất ức mà chết, định bỏ về hàng chúa Nguyễn. Cảnh Thịnh sai bắt Nguyễn Bảo dìm xuống sông cho chết, lại nghe lời gièm pha nói rằng Lê Trung có dự vào trong việc ấy, mới triệu Trung về Phú Xuân, sai võ sĩ điệu ra pháp trường chém đi, rồi lại sai người đến lùng bắt Lê Chất. Chất bèn đem một người có khuôn mặt giống mình, cho uống thuốc độc chết, việc kín đáo đến nỗi bà mẹ của Chất là Đào thị vẫn tưởng là thật, khóc thương hết lời, mà lính Tây Sơn cũng tin là Chất đã chết[2]. Mấy hôm sau, Chất trốn về đem mẹ và vợ con vào trong núi ở Trà Bồng lẩn tránh. Có người bạn của Chất quen biết với tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh, bảo với Thanh rằng Chất có tài làm tướng sao không dùng để giúp một tay, Thanh đáp rằng Chất đã chết rồi. Người bạn mới bảo rằng[2]
Rồi đem sự thật kể lại cho Thanh biết, sau dẫn Chất vào gặp Thanh. Thanh đùa bảo rằng Chất hay ma đấy, mày chết lâu rồi, ai đắp thịt vào xương mày làm lại xác mày mà đến đây, nói thế rồi dắt tay lên ngồi cùng uống rượu lưu cho ở dưới trướng, cho làm Quản binh[2].
Năm Kỷ Mùi (1799), quân nhà Nguyễn tiến đánh thành Quy Nhơn, Chất bèn đem 200 tên thủ hạ đến cửa quân của Võ Tánh xin hàng, xin được vì triều đình mà tận lực[5][6][7]. Nguyễn vương để Chất ở dưới quyền Võ Tánh, sai đưa mẹ Chất là Đào thị cùng những thân thuộc khác đang đồn Nhạn Tử về Gia Định, cấp cho tiền gạo để nuôi. Từ ngày về với nhà Nguyễn, Lê Chất thường đánh trận lập chiến công. Lúc bấy giờ tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Ứng giữ thành Quy Nhơn bị tấn công dữ dội, mưu bỏ thành dẫn quân voi theo thượng đạo trốn di. Chất biết việc ấy đem báo cho Tánh biết, Tánh sai Chất quản quân đánh giặc ở Kỳ Đáo, phá được giặc, thu được quân voi nhiều vô kể. Quân nhà Nguyễn lập vòng vây ở Quy Nhơn, tổng quan Lê Văn Thanh, Thượng thư Nguyễn Thái Phước vì chống giữ cô thành không có cứu viện quân, phải mở cửa thành ra hàng. Nguyễn vương tiến vào thành, cho đổi Quy Nhơn làm Bình Định. Lại chọn lính 3 huyện đặt làm 5 đồn ngự lâm, cho Chất Tá đồn Đô thống chế, theo Võ Thành lưu giữ thành ấy[2].
Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu nghe tin Bình Định đã mất, vội đem lính thủy bộ đến mưu toan chiếm lại. Bấy giờ Võ Tánh có ý nghi Lê Chất có bụng phản phúc, bèn giả tờ chiếu sai Chất đem lính bộ về Gia Định và trình bày việc ấy cho Nguyễn vương được biết. Nhờ đó mà Lê Chất thoát được nạn, bởi vì sau đó Trần Quang Diệu đã thu phục được Quy Nhơn năm 1801, và Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu đều chết trong chiến dịch lần đó.
Năm Canh Thân (1800), Nguyễn vương đem quân cứu Bình Định, Chất phụng mệnh quản lĩnh quân tiền đạo tiến đến núi Ải Thạch. Quân Tây Sơn từ trên núi bắn súng xuống, Chất bị trúng đạn bị thương nhưng vẫn cố đánh, đẩy lùi được giặc, rồi truy khích theo đến La Thai. Mỗi khi giao chiến, Chất đều liều chết mà đánh. Khi đó thế quân Tây Sơn còn mạnh, lại có tướng đã về hàng là Từ Văn Chiêu lại trở cờ về với Tây Sơn, khiến tướng hiệu tả đồn cũng nhiều người trốn đi, quân tình sợ hãi. Chất trong lòng không yên, làm tờ biểu tâu với Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh dụ rằng[2]:
Chất nghe lời ấy càng cảm động cố gắng đánh giặc. Nguyễn Ánh cũng thường sai sứ đến quân yên ủi hỏi han Chất, và cho người thăm nom hỏi hạn gia quyến Chất ở Gia Định.
Năm Tân Dậu (1801), Tham đốc nhà Tây Sơn là Phạm Văn Điển đánh Phú Yên, giết tướng Nguyễn là Lưu Tiến Hòa, và cho lính mai phục chẹn đường chuyển lương của nhà Nguyễn. Nguyễn vương bèn sai Chất tiến đánh, phá tan quân giặc ở Hội An, từ đó đường chuyển lương được hanh thông[2].
Mùa hạ năm đó, Nguyễn vương đích thân đem thủy sư vượt biển đánh Phú Xuân, sai Chất cùng Lê Văn Duyệt lĩnh tiền phong, gặp phò mã của Quang Trung là Nguyễn Văn Trị phòng giữ ở núi Hán Môn. Lê Chất bèn kế cho Lê Văn Duyệt đem quân lên bộ đánh úp đằng sau, vào được cửa biển Tư Hiền. Vua Tây Sơn là Quang Toản (Cảnh Thịnh) chạy trốn ra Bắc Thành. Nguyễn vương sai Lê Chất đem bộ binh, Nguyễn Văn Trương dẫn thủy binh đuổi theo, nhưng khi quân của nhà Nguyễn đến châu Nam Bố Chính thì Quang Toản đã sang sông đi rồi. Chất dẫn quân về, mang theo 2 quả ấn lấy được. Trong các tướng có người nói Lê Chất tưởng nhớ đến chủ cũ, nên không hết lòng, đánh trống đi thong thả để cho Quang Toản trốn thoát, là bởi người chứ không phải bởi trời, nhưng Nguyễn vương vẫn tin tưởng ông.
Trần Quang Diệu đương ở Bình Định nghe tin quân nhà Nguyễn tiến đánh Phú Xuân, sai Tư khấu là Định đem 5000 quân về ứng cứu. Vương sai Chất và Duyệt đón đánh, bắt được đồ đảng là Lê Văn Từ, các binh lính đều đầu hàng. Lê Văn Từ nguyên là con trai của Lê Trung, anh vợ Lê Chất. Từ ngày Từ đầu hàng, những quan lại của Tây Sơn trốn tránh cũng theo đó mà ra thú rất nhiều. Hơn 10 ngày sau, ông cùng Lê Văn Duyệt và bọn Tống Viết Phước đem quân vào cứu Bình Định, khi đến Quảng Ngãi phá tan một cánh quân Tây Sơn ở Trà Khúc, lại tiến đến đóng đồn ở Thanh Hà. Khi đó Lê Văn Duyệt thường lấy khí thế ức hiếp người ta, tướng sĩ đều sợ. Lê Chất tự nghĩ mình mới về hàng, nên uốn mình nghe theo Duyệt, Duyệt cũng trọng Chất là người có mưu lược, hai bên mới kết giao với nhau, dần trở nên thân thiết[2].
Bấy giờ đại quân nhà Nguyễn tiến đến sông Gianh, Chất xin với Duyệt để về Phú Xuân đợi sai khiến, Nguyễn Ánh dụ lưu Chất ở lại và nói rằng
Mùa thu năm 1801, Lê Chất được phong tước Quận công[8], chia quân theo đường rừng Bình Định quanh ra sau lưng giặc xem chỗ yếu hại lập đồn cùng với quân Nguyễn Văn Thành hợp lại để bức bách giặc, giặc bỏ thành trốn, quân nhà Nguyễn lấy lại Bình Định, để Nguyễn Văn Thành ở lại trấn thủ, còn Lê Chất phụng mạng trở về Phú Xuân.
Tháng 5 năm 1802, Nguyễn vương đặt niên hiệu là Gia Long, thăng Chất làm Khâm sai chưởng Hậu quân Bình Tây tướng quân, cùng Lê Văn Duyệt lĩnh quân bộ tiến đi trước, quân Nguyễn đến dinh Vĩnh Định đồn Tiên Lý, gặp quân Tây Sơn ở đâu đều đánh tan được. Không lâu sau nhà Nguyễn lấy được cả Bắc Hà, vua tôi Tây Sơn đều bị kết cục thảm hại. Triều Tây Sơn chấm dứt.
Lê Chất là người mới về hàng sau này, mà lại được tước Quận công lại đeo ấn Bình Tây tướng quân, khiến nhiều tướng khác thấy không phục. Lũ Đặng Trần Thường thường bàn riêng với nhau rằng[2]
Lê Chất cảm thấy không yên lòng mới dâng biểu nói rằng
Vương ra lời yên ủy, vẫn cho giữ chức cũ, lại cho thêm mẹ Chất mỗi tháng 40 phương gạo. Năm Gia Long thứ 2 (1803), Lê Chất cùng với Nguyễn Văn Khiêm, Phạm Văn Nhân đốc suất việc xây dựng Hoàng thành Huế[9].
Tháng 8, ông theo hầu Nguyễn Vương ra tuần thú Bắc Thành. Khi đến Thanh Hoa thì nghe tin Quảng Yên có giặc biển. Bắc Thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đem việc tâu lên, Vương sai Chất cùng Nguyễn Văn Trương đi trước đánh giặc, Chất nói với Trương rằng địa phương có giặc là phận sự của quan địa phương, mà nay Nguyễn Văn Thành đem giặc đưa cho ta, tướng quân sao không nói rõ (với Vương thượng), Trương nói rằng tạm đợi việc xong, nói cũng chưa muộn gì. Khi Trương đến Quảng Yên, thì giặc đã trốn trước, bèn cùng uống rượu với Thành, đem lời Chất nói ra, vì thế Thành đem lòng giận Chất.
Năm 1804, nhân việc ban giao với phương Bắc đã ổn định, Nguyễn vương ban yến cho quần thần, triệu Chất đến hỏi việc năm trước, và đứng ra hòa giải cho ba người. Cùng năm ấy, Chất cùng Vương trở về Huế, xây dựng cung điện, xây đắp hoàng thành, tu lý các lăng, Chất cùng các đại thần chia nhau đốc suất làm các việc ấy. Chất cùng Duyệt vốn tốt với nhau, thường đi lại bàn bạc, có Nguyễn Văn Tài làm tướng dưới quyền Duyệt, mật tâu Duyệt cùng Chất âm mưu làm phản, triều đình xét thấy là vu cáo, và Nguyễn Văn Tài bị xử chết[2].
Năm 1806, Vương lên ngôi Hoàng đế, tức là Thế Tổ Cao hoàng đế. Năm 1810, Tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Văn Thành xin nghỉ chịu tang mẹ, vua cho Nguyễn Huỳnh Đức lên thay, để Lê Chất làm Hiệp Tổng trấn, Phạm Như Đăng làm Tham hiệp tổng trấn. Lại dụ bảo rằng[2]
Năm 1811, ở Bắc Thành có bọn giặc là Đặng Trần Siêu, Vũ Đình Lục họp đảng hơn 1000 người thường đi cướp bóc, Lê Chất phát quân đi đánh, sai Cai cơ Ngô Văn Tiến làm quân tiền du, quân đến xã Yên Vỹ gặp quân phục, Tiến bỏ chạy trước, Chất đem chém Tiến để răn quân sĩ, lại sai Trấn thủ Sơn Nam hạ là Nguyễn Văn Xuân tiến quân đến xã Thức Cốc đánh phá tan được quân giặc. Năm sau, bọn Siêu lại hội họp ở Sơn Âm, cướp bóc các huyện Tống Sơn, Phụng Hóa, Chất đi kinh lược Thanh Bình (sau là Ninh Bình), đi đến dâu bọn giặc vỡ tan. Chất đóng quân ở xã Mai Vy chiêu tập thổ mục, tuyên thị uy đức triều đình, sai chư quân đóng chỗ yếu hại đặt đồn phòng bị, lại đặt thêm đồn Chi Nê để chẹn đường giặc đi, từ đó quân cướp tan vỡ[2].
Năm 1813, triều đình lập ra cục Bảo tuyển, Chất được kiêm lĩnh Giám đốc. Trong năm đó, Đặng Trần Thường bị nghị tội, Lê Chất vì hiềm khích lúc trước, mới bới những việc sai phạm của Thường như khi ra coi tàu binh ở Bắc Thành, có giấu thuế đầm ao và dinh điền[10]. Thường lại bị bắt giam. Trong ngục, Trần Thường tỏ ý mỉa mai, đến tai đình thần, nên khi kết án, đình thần xử tội giảo[2].
Năm 1818, vua thăng Chất làm Tổng trấn Bắc Thành. Ông dâng sớ từ chức ấy và xin vào chầu, vua xuống tờ chiếu khen tốt nhưng không cho vào chầu. Năm sau, Chất lại xin vào chầu, vua dụ rằng việc thành còn nhiều, cho ngươi xếp đặt vài tháng nữa, trẫm sẽ tuyên triệu, chưa muộn gì. Năm đó ông đi kinh lược đồn Mỹ Nương, gặp Cai đội là Hồ Tiên Lộc cho quân nghỉ việc, Chất chém đi, đem việc tâu lên. Vua nói rằng như thế là đúng phép[2].
Mùa đông năm 1819, vua Gia Long băng hà. Thái tử Đảm lên nối ngôi, tức là Thánh Tổ Nhân hoàng đế, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Lê Chất dâng sớ xin vào kinh viếng tang. Vua Minh Mạng cho rằng phương Bắc là trấn quan trọng, nên hạ chiếu khước từ.
Năm 1820, vua mới cho Chất vào kinh, ban cho mẹ Chất là Đào thị đã hơn 70 tuổi các món bạc, lụa, trâu và rượu[2]. Tháng 4, triều đình xây sơn lăng cho Cao hoàng đế và Cao hoàng hậu, sung Chất làm Tổng hộ sứ, rồi sai Chất đi đốc xây Trấn Hải Đài. Khi vua mới lên ngôi đương lưu ý văn trị, tiến dụng nho thần, sai bọn Trịnh Hoài Đức tra điển lễ, điều tấu thi hành. Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt mỗi khi vào chầu, tâu việc nhiều lúc không hợp lễ, thường vu cho là lũ Hoài Đức sinh sự ton hót vua, rồi chỉ trích, vua nghĩ lũ Duyệt là huân cựu đại thần hãy cứ để đấy, đối đãi bằng lời âm sắc vui, chưa nỡ bắt tội.
Mùa thu năm 1821, vua chuẩn bị Bắc tuần (để đón sắc phong của nhà Thanh), sai Chất về thành trước làm việc. Mùa đông ấy vua đến Bắc Thành, vua ban cho Chất dao vàng Tây dương chạm khắc mạ vàng và súng mạ bạc mỗi thứ một cái. Lúc đó Nhiếp trấn Sơn Nam thượng Lê Duy Thanh ăn của đút lót, vua cho quan Bắc Thành tra bàn, Thanh nhân vào chầu tâu khóc ở trước mặt vua xin đổi giao việc ấy cho nha khác tra xét, để khỏi bị quan Bắc Thành xử nặng, Chất hặc tâu Thanh là tiểu thần dám tứ ngạo vô lễ ở trên triều đình, xin nên chém đầu, để nghiêm kỷ cương triều đình, vua yên ủi hòa giải đi, sai quan Bắc Thành giữ lòng công bằng xét hỏi, Chất cùng Hình tào hội tra, muốn kết án Thanh vào tội tử hình. Án ấy chưa dâng lên thì có lệnh vua, chỉ cách chức của Duy Thanh và phân phối ra Quảng Bình. Chất nghe tin bực tức, muốn chấp tấu, lại sợ vượt chức không dám làm.
Năm 1822, các trấn Bắc Thành duyệt đinh tuyển lính, đinh nhiều thắng số, vua thưởng cho Chất được cấp kỷ lục vải áo đoạn rồng bốn móng, Chất dâng biểu xin về kinh chầu vua. Vua dụ rằng[2]:
Lại nghe mẹ Chất ốm, bèn cho con Chất là Lê Hậu (trước đã về thăm nhà hầu bà, Chất dâng sớ xin trần tình, vua lại lưu Chất ở lại làm việc. Đến tháng 9 năm đó, ở Hưng Hóa có thổ phỉ Lý Khai Hoa tụ quân hơn 1.000 người ngụy xưng là Lý Hoàng, đánh cướp đông Võ Lao, giấy ngoài biên cáo cấp, Chất lập tức sai Chưởng cơ Nguyễn Khắc Tuấn và Trấn thủ Hưng Hóa Nguyễn Đức Niên đều đem quân tiến đánh. Lại hịch cho Tuyên Quang Trấn thủ Đào Văn Thành đem quân đến động Cáo Niên tiếp ứng. Quân họ Lý dựa chỗ hiểm chống giữ quan quân, lũ Tuấn thừa thế đánh dữ, giặc đều giải tán. Liền bắt được tướng giặc Lý Khai Hoa giết đi, địa phương được yên[2].
Năm 1823, Chất được vào chầu vua, ở thành tiêu hết tiền công 3.800 quan, thóc 800 hộc, vua chiếu miễn không đòi[2]. Chất vào chầu ở điện, xin về Bình Định thăm cha mẹ, vua nghe cho. Lại ban mũ áo nhị phẩm cho mẹ Chất là Đào thị. Năm 1824, vua gả em gái thứ 8 là Trưởng công chúa Ngọc Cửu cho con trưởng của Chất là Lê Hậu. Năm đó ông và Lê Văn Duyệt hiện là Tổng trấn thành Gia Định, đều xin từ chức. Vua hỏi lý do vì sao, Chất chần chừ ba bốn lần rồi nói rằng
Vua nghe câu đó rất tức giận nhưng giả bộ bảo rằng đấy là đình thần bàn, không phải ý riêng của trẫm[2]. Bèn cho đem án của Thanh giao cho Chất nghị lại, Chất biết ý vua giận, không dám nói nữa. Thanh lại được y án trước phát đi Quảng Bình hiệu lực[2]. Tháng 4, hai trấn Thanh, Nghệ trấn dân đói, giặc cướp nổi lên, Chất lĩnh 4 vệ lính kinh đi kinh lược[11], những việc lợi nên làm, việc hại nên trừ, đều dược tuỳ nghi điều độ, lại cho chuyển sức viên biền, mộ tập lính cơ. Khi Chất đến nơi, tâu xin đắp các thành phủ huyện là Tĩnh Gia, Diễn Châu, Thạch Hà, và dời đặt phủ lỵ Hà Trung, đều thuê dân làm. Lại tha các tù phạm, chiêu dụ trộm cướp và những lính các cơ Thanh Thuận, An Thuận đi thú Gia Định trốn về, và mộ dân ngoại tịch lập làm Thanh Thuận nhất, nhị 2 cơ, An Thuận nhất, nhị 2 cơ. Lại sai Quản phủ Diễn Châu Chu Văn Quế, Tri huyện Hương Sơn Phan Nhật Thạch lập Thuận An tứ, Thuận An ngũ 2 cơ, xin đều cấp lương tháng chia phái đi đóng đồn giữ và cho theo sai phái. Vua nói rằng trong đám tù phạm cũng có đứa quen thói cố phạm, cũng có đứa bị hiếp theo, bị vu khác nhau, cũng nên phân biệt nặng nhẹ để tỏ pháp điển. Nhưng nay đã bổ sung vào binh ngũ rồi, tạm cho theo lời xin ấy.
Chất lại xin dồn bớt tổng xã thuộc huyện 2 phủ Diễn Châu, Trương Dương, đổi làm sổ đinh, cất đặt quan lại. Vua lo làm như thế nhiễu dân không cho làm, rồi cho Lê Chất về Bắc Thành. Khi về Bắc Thành, Chất dâng biểu tâu rằng
Trong thời gian ở Bắc Thành, ông có biên soạn bộ Bắc Thành dư địa chí (gồm 12 quyển viết bằng chữ Hán) với sự tham gia của các nho sĩ Bắc Hà[12].
Năm 1825, Lê Chất lại dâng biểu xin cho con là Phò mã Lê Hậu về quê lo việc xây cất mộ phần cho song thân, vua nghe theo và còn thưởng 500 quan tiền. Mùa đông năm ấy mẹ của Chất là Đào thị ốm chết ở quê nhà. Chất xin chọn người thay làm việc để về sửa việc tang mẹ, vua không nỡ cướp tình bèn cho Nguyễn Hữu Thận làm Hiệp Tổng trấn Bắc Thành đi thay Chất, mà Chất vẫn đeo hàm Chưởng Hậu quân về quê để tang mẹ. Lại ban tiền gấm vải lụa đưa đến tận nhà. Hoàng Thái hậu ở trong cung cũng ban cho 3 cây gấm Tống và 50 lạng bạc[2].
Tuy nhiên khi chưa khởi hành về quê thì Lê Chất lại dâng sớ bảo Bắc Thành có trộm cướp nổi lên, xin lưu lại để lo việc. Vua dụ rằng
Chất lúc đó đã có bệnh, lại xin lưu lại Bắc Thành khoảng một tháng để xếp đặt công việc. Vua xuống dụ bảo Chất lập tức phải về quê. Khi ông về đến kinh, vua sai người đến nhà riêng hỏi thăm yên ủi, cho đem liêu thuộc 500 người về quê trị tang mẹ. Lại cho chiếu phần phát lương cho. Khi về đến Bình Định, bệnh cũ lại phát, mùa thu năm 1826, Lê Chất chết ở quê nhà, hưởng thọ 53 tuổi[2].
Vua nghe tin Chất chết, nghỉ chầu 3 ngày, lại ban gấm sa vũ đoạn đều 6 tấm và 3.000 quan tiền, tặng hàm Thiếu phó, thuỵ là Trung Nghị[2][13]. Cấp phu coi mả. Hoàng Thái hậu cũng cho 300 lạng bạc. Mùa đông ấy, Nam Định giặc nổi lên, vua theo đổ lỗi cho Chất làm việc cẩu thả tạm bợ nên bấy giở giặc nổi lên. Lại hỏi Nguyễn Văn Trí rằng
Trí tâu rằng nhân thần được vua tin ai dám nói hở ra, như tôi dẫu bất tài được yêu cũng như thế, chứ cứ một mình Chất đâu. Đó là Minh Mạng thấy Chất cùng Duyệt nắm quyền ở hai trọng trấn, ỷ là khai quốc công thần mà xem thường cả vua, nên từ lâu đã có ý ghét.
Năm 1833, Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt tạo phản ở thành Phiên An. Năm 1834, triều đình hặc tội Lê Văn Duyệt, nhân có một tội là vào năm 1825, Duyệt từng làm một tập thơ cầu cho Chất được sống thọ, cả triều đình xôn xao bàn luận. Năm 1836, Tả Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú hặc Lê Chất 6 tội là[2][14]:
Sau lại kể thêm 10 tội nữa[2][15]:
Minh Mạng xuống dụ rằng:[16]
Đình thần bàn với nhau rằng xử tội lăng trì 6 điều, tội trảm 8 điều, tội thắt cổ 2 điều. Nay đã chết thì xin truy thu cáo sắc, bổ quan giết thây, cáo sắc phong cho cha mẹ cũng tịch thu, mà vợ của Chất là Lê Thị Sa cũng phải xử trảm quyết. Vua cho đưa án này cho các địa phương cùng nhau nghị định, sau đó xuống dụ rằng[2]
Lê Chất có con gái là Lê Thị Tường được tuyển vào hầu vua, sinh hoàng tử là Quỳ Châu quận công Nguyễn Phúc Miên Liêu[17], đến đây thị bị phế hết phẩm vị, giam cho đến chết. Con trai trưởng của Chất là Lê Hậu lấy công chúa, nhưng đã chết trước vào năm thứ 11 Minh Mạng. Còn 4 người con khác là Lê Cận, Lê Trương, Lê Thưởng, Lê Kỵ vào kỳ phúc thẩm mùa thu năm thứ 19 Minh Mạng (1838) đều phải tội chém, phu nhân là Lê Thị Sa đưa về nguyên quán làm nô. Các cháu nội là lũ Lê Luận được giảm tội, phát phối đi Cao Bằng sung quân. Năm đầu Thiệu Trị gặp dịu ân xá nên được tha về[2].
Năm đầu Tự Đức, Đông Các đại học sĩ là Vũ Xuân Cẩn xin truy lục cho Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất:[18]
Tự Đức bèn cho cháu của Chất là Lê Luận làm chức Cai đội. Năm sau (1849), lại có Tạ Quang Cự xin rửa sạch tội cho Lê Chất. Vua Dực Tông có dụ rằng[2]
Cho nên, Lê Chất không được xá tội như 2 người kia, chỉ cho phép con cháu đem tấm biển Gian thần Lê Chất phục pháp xứ ra chỗ khác, và sửa sang lại phần mộ. Mãi đến năm 1868, ông mới được truy phong làm Tả đồn đô thống chế[19][20].
Mặc dù có thực tài, lập được nhiều công lao, nhưng mỗi lần Lê Chất được trọng thưởng là mỗi lần ông bị kèn cựa, xoi mói. "Đại Nam chính biên liệt truyện" có chép chuyện ông bị phe phái của tướng Đặng Trần Thường buông lời gièm pha, đến nỗi vua Gia Long đem vụ việc ra cho triều thần bàn nghị là một ví dụ.
Nhưng đại họa - vụ án do Minh Mạng thi hành đối với ông - chỉ xảy đến sau khi ông mất đã 10 năm[21].
Và có lời bình:
Sau này, nhà văn Phan Khôi khi đến viếng mộ Lê Chất, có làm một bài thơ cảm hoài sau[23]:
Sử gia Phạm Văn Sơn có lời đánh giá về vụ án Lê Chất (cũng như Lê Văn Duyệt)[24]:
Lúc còn sống, Lê Chất là quan đồng triều, là bạn thân của Lê Văn Duyệt, và cùng chịu án oan như nhau. Có lẽ đó là lý do chính, khiến Hội Thượng Công Quý Tế lập bàn thờ ông tại Lăng Ông Bà Chiểu[25].
Năm 1910, khi sở công chính Hà Nội đào quãng đường từ đền Quán Thánh đến phủ Toàn quyền Đông Dương để đặt trụ điện, đã cho bốc mộ Lê Chất; và người ta đã tìm thấy cân đai, áo mũ hãy còn nguyên vẹn. Hài cốt của ông sau đó được cải táng ở bên vườn Bách thú Hà Nội. Ông còn chính quyền thời Pháp thuộc đặt tên đường với tên Hậu Quân Chất. Sau Cách mạng Tháng 8, chính quyền Việt Minh đổi tên thành đường Mai Xuân Thưởng.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.