trường đại học công lập tại Việt Nam From Wikipedia, the free encyclopedia
Học viện Hàng không Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Aviation Academy – VAA) là một trường đại học công lập định hướng nghề nghiệp ứng dụng trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổ chức ra đời vào ngày 24 tháng 3 năm 1979 với tên gọi ban đầu là Trường Sĩ quan và Trung cấp nghiệp vụ Hàng không, đến ngày 17 tháng 7 năm 2006, cơ sở được nâng cấp lên thành học viện và từ đây chính thức đào tạo hệ giáo dục bậc cao các chuyên ngành về lĩnh vực hàng không dân dụng.
Học viện Hàng không Việt Nam | |
---|---|
Vietnam Aviation Academy (VAA) | |
Địa chỉ | |
Trụ sở: 104 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 8, Quận Phú Nhuận , , | |
Tọa độ | 10,7969°B 106,6737°Đ |
Thông tin | |
Tên cũ | Trường Sĩ quan và Trung cấp nghiệp vụ Hàng không Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Hàng không Trường Hàng không Việt Nam |
Loại | Học viện công lập |
Khẩu hiệu | Let Your Dreams Fly |
Thành lập | Ngày truyền thống: 24 tháng 3 năm 1979 Ngày thành lập: 17 tháng 7 năm 2006 |
Trạng thái | Đang hoạt động |
Cơ quan giáo dục | Bộ Giáo dục và Đào tạo[1] |
Mã trường | HHK[2][3] |
Quản lý | Bộ Giao thông Vận tải |
Màu | Grayish Yellow Brown |
Website | vaa |
Ngày 24 tháng 3 năm 1979,[a] Trường Sĩ quan và Trung cấp nghiệp vụ Hàng không trực thuộc Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam – một tổ chức nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng tại thời điểm đó,[6] được thành lập dựa trên công văn số 290/QĐ-QP do Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm ký xác nhận. Đơn vị giảng dạy chịu trách nhiệm huấn luyện các sĩ quan sơ cấp trong giai đoạn này.[7][8]
Ngày 14 tháng 11 năm 1994, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Hàng không được chuyển đổi thành Trường Hàng không Việt Nam trực thuộc Cục Hàng không Dân dụng theo văn bản số 2318/QĐ-TCCCB-LĐ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Bùi Danh Lưu ký phê duyệt.[9] Tổ chức nhận nhiệm vụ đào tạo bậc dưới đại học các nghề về chuyên ngành hàng không, và kể từ đây ngôi trường chính thức nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia.[7]
Ngày 17 tháng 7 năm 2006, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tiếp tục ký ban hành quyết định số 168/2006/QĐ-TTg thành lập Học viện Hàng không Việt Nam (VAA),[10][11] cơ sở dạy học tại thời điểm này đã có tư cách pháp nhân, sở hữu con dấu và tài khoản riêng.[12] Đến cuối tháng 10 trong cùng năm, trường tiếp tục nhận chỉ thị về việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và định hướng cơ cấu tổ chức, từ đây học viện chính thức được cấp phép đào tạo hệ giáo dục bậc cao và hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.[4][9][13] Năm 2007 là một cột mốc quan trọng khi trường được Bộ Giáo dục phê duyệt kế hoạch tuyển sinh đại học khóa đầu tiên với hai ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông.[14]
Năm 2012 đánh dấu một bước ngoặt khi lần đầu tiên trong lịch sử hàng không dân dụng Việt Nam,[15][16][17] Trường Phi công Bay Việt đã phối hợp với VAA và Học viện Hàng không ESMA của Cộng hòa Pháp tổ chức thí điểm đào tạo phi công cơ bản cho mục đích thương mại, trong đó bao gồm huấn luyện bay một phần trên vùng trời Việt Nam tại Sân bay quốc tế Cam Ranh.[18][19][20] 23 phi công nằm trong khóa đào tạo thứ hai này của Bay Việt chỉ có duy nhất một nữ học viên, đó là Nguyễn Thị Ngọc Bích, cô đã vượt qua 120 ứng viên, phần lớn trong số đó là nam giới để được nhận vào trường,[21] và cô cũng chính là nữ phi công dân dụng đầu tiên của Việt Nam được đào tạo thực hành bay trong lãnh thổ quốc gia này.[22] Đến năm 2023, Ngọc Bích đã là cơ trưởng một chiếc Airbus A321 của Vietnam Airlines với hơn 6.000 giờ bay.[23][24]
Tính đến năm 2017, VAA là tổ chức quốc doanh duy nhất trong hệ thống giáo dục quốc gia Việt Nam chuyên giảng dạy về hàng không.[25][26] Theo sau là sự xuất hiện của hàng loạt các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cùng ngành được ghi nhận trong năm 2022 như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Học viện Hàng không Vietjet, Tập đoàn Vingroup...[27] Năm 2020, học viện là cơ sở đào tạo duy nhất trong nước cung cấp nguồn nhân lực hai ngành cử nhân Quản lý hoạt động bay và kiểm soát viên không lưu cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).[28] Bên cạnh đó, đến năm 2024, ngôi trường vẫn tiếp tục là tổ chức giáo dục đại học hệ chính quy duy nhất tại Việt Nam đào tạo ba chuyên ngành về Quản lý hoạt động bay,[29][30] Xây dựng và Phát triển Cảng hàng không cùng với Quản lý và Khai thác Cảng hàng không.[31][32]
Cuối năm 2015, học viện là một trong hai trường đầu tiên của Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải chọn làm đơn vị thí điểm cổ phần hóa.[33][34][35] Nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện ngay sau khi thông tin được công bố, một bên cho biết cơ sở giảng dạy sẽ được hưởng lợi trong vấn đề kinh tế,[36] phía đối nghịch thì quan ngại lợi nhuận sẽ bị đặt lên trên cả chất lượng đào tạo.[37] Một năm sau, trường gửi đơn kiến nghị xin dừng tiến trình chuyển đổi,[38] nguyên nhân được cho là nội bộ viện không đồng nhất quan điểm và đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động sang định hướng tự chủ tài chính, đồng thời viện dẫn một nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã truyền thông rõ chỉ được phép "cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học".[26] Giá trị thực tế của trường tại thời điểm này là 241,3 tỷ đồng, trong đó vốn góp nhà nước đã chiếm đến 220 tỷ.[39] Đến năm 2019, hàng loạt ban lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương điều tra và đi đến kết luận vướng nhiều "vi phạm nghiêm trọng" xuyên suốt quá trình thực hiện cổ phần hóa,[40][41] bản thân học viện nằm trong chuỗi kế hoạch cổ phần của bộ này được cho là một quyết định đã vượt quá khung luật,[42][43] riêng ông Đinh La Thăng – vị bộ trưởng Bộ Giao thông là người trực tiếp yêu cầu và phê duyệt đề án cổ phần hóa học viện trước đó,[44][45] phải "chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu" về những vi phạm của bộ.[41] Đến năm 2022, VAA là một trong những trường đại học công lập đầu tiên của Việt Nam tiến hành việc chuyển đổi số toàn diện hệ thống quản trị và vận hành nội bộ, qua đó cắt giảm hơn một nửa quy trình và số hóa hàng nghìn văn bản tài liệu.[46][47]
Theo quy định của Luật giáo dục Đại học 2018 yêu cầu các cơ sở đào tạo bậc cao phải hoạt động theo mô hình mới nhằm đảo bảo quyền tự chủ,[48] học viện đã được Bộ Giao thông Vận tải ký quyết định thành lập hội đồng trường đầu tiên vào ngày 14 tháng 5 năm 2020.[28][49]
Trong chiến tranh Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nghĩa – nguyên giám đốc kiêm hiệu trưởng học viện, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công cấp ACE,[50] là thành viên đầu tiên trực thuộc Không quân Việt Nam đã bắn hạ thành công chiếc máy bay McDonnell Douglas F-4 Phantom II của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trong chiến dịch Linebacker II.[51][52][53][54] Ông cũng là người đã đặt những nền móng đầu tiên để ngôi trường được nâng cấp lên thành học viện vào năm 2006 và nghỉ hưu một năm sau đó.[52][55]
Năm 2007, một chiếc tàu bay mang số hiệu Boeing 727-200 của Royal Khmer Airlines gặp trục trặc nên phải đỗ lại tại sân bay quốc tế Nội Bài. Mười năm sau, Học viện Hàng Không Việt Nam đã gửi văn bản ba lần đến các cơ quan thẩm quyền đề xuất được tiếp nhận chiếc phi cơ này để làm giáo cụ thực hành sau khi hãng hàng không của Campuchia tuyên bố phá sản và xóa bỏ quốc tịch Boeing 727-200.[59][60] Trường cho biết sẽ chi trả toàn bộ chi phí ước tính khoảng 4-5 tỷ đồng để tháo lắp và vận chuyển máy bay về cơ sở tại Cam Ranh.[61] Đến năm 2021, Cục Hàng không tiếp tục ra công văn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bàn giao tài sản công cho học viện nhưng lại bị từ chối sau đó vì thiếu cơ sở.[62]
Năm 2018, trường đã phối hợp với ba tổ chức CAAV, ENAC và Airbus khai giảng khóa đào tạo cao cấp về quản lý an toàn hàng không do chính các giảng viên ENAC và chuyên gia hàng không của Châu Âu trực tiếp giảng dạy,[63][64] đến giữa năm 2019 thì 26 học viên là các nhân sự cấp cao trong ngành sau đó đã tốt nghiệp.[64] Năm 2020, học viện chính thức gia nhập thành viên liên kết nằm trong chương trình Trainair Plus của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.[65][66] Đây là mạng lưới hợp tác bao gồm chuỗi hệ thống trung tâm huấn luyện trong ngành cung cấp các khóa đào tạo chất lượng dựa trên phương pháp chuẩn hóa cho nhân viên hàng không trên toàn cầu.[67] Hai năm sau, ENAC tiếp tục ký hợp đồng với VAA về đào tạo phi công cơ bản, khóa học cung cấp cho học viên sau khi tốt nghiệp giấy phép phi công thương mại cùng với chứng chỉ bay khí tài trên máy bay nhiều động cơ (CPL-IRME) được cả Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu và Cục Hàng không Việt Nam công nhận.[68] Đến năm 2024, nhằm thu hút sinh viên để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực trước khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, trường cho biết đã dự trù kinh phí 15 tỷ đồng hỗ trợ cho các tân sinh viên đến từ tỉnh Đồng Nai,[69] cụ thể trong suốt giai đoạn 2024–2030, mỗi năm sẽ trao 500 suất học bổng cho học viên cư trú tại khu vực này và đã học ít nhất một năm tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, đồng thời đang theo các chuyên ngành về hàng không dân dụng tại học viện.[70]
Năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức xuất hiện bảng xếp hạng các trường đại học với tên gọi Viet Nam's University Rankings (VNUR).[b][74][75] VNUR là một công ty hoạt động phi lợi nhuận, nhóm nghiên cứu đánh giá bao gồm các chuyên gia, giáo sư và thạc sĩ ngành giáo dục đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở đào tạo hệ bậc cao và cuối cùng lựa chọn ra 100 trường đứng đầu.[74][76] Kết quả cho thấy Học viện Hàng không Việt Nam nằm ở vị trí cuối bảng.[77][78][79] Thông tin sau khi được công bố đã gây sự chú ý trong giới học thuật cùng nhiều luồng ý kiến trái chiều,[80] một bên cho biết sự kiện này sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua theo thành tích,[80] các số liệu xếp loại thì chưa chính xác, riêng nhóm đánh giá lại không chủ động làm việc trực tiếp với trường để thu thập dữ kiện.[76] Bên còn lại thì truyền thông kết quả này khách quan theo nghĩa không bị nguồn thông tin do các cơ sở đào tạo cung cấp thay đổi theo chiều hướng có lợi cho họ,[76][81] qua đó thiết lập như một công cụ định hướng cho học sinh trong việc lựa chọn nơi phù hợp để học.[79][82] Năm 2024, học viện hoàn toàn không có mặt trong bảng xếp hạng của VNUR.[83]
Trên bình diện quốc tế, Vietnam Aviation Academy được Webometrics Ranking of World Universities xếp thứ 118 trên tổng số 190 trường đại học tại Việt Nam, giữ vững hạng 5.995 trong khu vực Châu Á–Thái Bình Dương và cuối cùng đạt vị trí thứ 14.457 trên phạm vi toàn cầu vào năm 2024.[84][85]
Một loạt các vấn đề trái chiều đã xảy ra kể từ khi Học viện Hàng không Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý khu đất công 38 Lam Sơn (cũ) ở quận Tân Bình.[c] Trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1993, được sự cho phép từ các cấp thẩm quyền, trường đã thành lập Hội đồng Nhà đất, Hoá giá và sau đó cấp cho cán bộ mượn đất để xây dựng nhà ở trên phần lớn diện tích viện quản lý.[87] Tuy nhiên cho đến cuối thập kỷ thứ hai trong thế kỷ 21, một chuỗi các sự kiện ẩn khuất mới bắt đầu được đưa lên mặt báo, đầu tiên là Cục Hàng không Dân dụng, tuy không phải là đơn vị chủ quản đất nhưng lại xuất hiện hai văn bản có quyết định trùng số do cơ quan này cấp cho hai cá nhân tại hai thời điểm khác nhau để kiến tạo khu vực cư trú, một trong số đó là ông Chu Hoàng Hà – cán bộ của học viện được trao một diện tích lên đến 235m2 tại địa chỉ 38A Lam Sơn.[86][87][88] Lãnh đạo VAA cho biết trong số 26 hộ gia đình thuộc diện cán bộ được giao đất không có tên ông Hà trong đó, hai năm sau khi xuất hiện tờ giấy cấp đất từ Cục thì Hà mới chính thức trở thành nhân viên của viện vào năm 1995, và trong khoảng thời gian công tác tại đây thì ông tiếp tục được đơn vị đào tạo xác nhận cho mượn đất một lần nữa để đăng ký điện nước sinh hoạt gia đình, trường hoàn toàn không biết Hà đã được cấp đất trước đó vì ông chưa từng nộp tờ giấy của Cục về Phòng hành chính Tổng hợp.[88][89] Trong một công văn trả lời Nhà báo & Công luận, Cục Hàng không khẳng định không tìm được quyết định cấp đất công năm 1993 cho Chu Hoàng Hà trong hồ sơ lưu trữ, từ đây tính chính danh của mảnh đất ông Hà bị đặt nghi vấn và có dấu hiệu làm giả hồ sơ.[86] Tính đến năm 2019, toàn bộ diện tích 227.15m2 tại khu 38 Lam Sơn bị các hộ dân lấn chiếm sử dụng vẫn không được hoàn trả lại nguyên vẹn bất chấp 6 năm về trước đã có công văn từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu quận Tân Bình xử lý. Loạt bài điều tra của báo Công luận dừng lại tại đây, phóng viên cũng không khai thác được thêm thông tin gì từ Ban Giám đốc học viện vì ký giả cho biết họ "chưa chốt được lịch làm việc".[89]
Dòng sự kiện lần này đến lượt cựu kế toán trưởng của trường – ông Ngụy Hữu Bá, đã bị chính học viện đâm đơn kiện lên các cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó vào năm 1993, viện đã cho phép ông Bá mượn 30m2 của trường để làm xưởng mộc nhưng cuối cùng lại bị lấy mất lô đất 87m2. Một thập kỷ sau, ông xin hợp thức hóa và được cấp sổ hồng cho diện tích này tại địa chỉ 38/21 Lam Sơn bằng cách làm giả hồ sơ, khai gian thửa đất thuộc về quân đội và nộp giấy xác nhận trong đó có lời khẳng định ông tự khai phá tài sản, sau đó học viện không thu hồi và đồng ý chuyển nhượng cho gia đình sử dụng để làm nơi cư trú.[89][90] Năm 2004, trường đã gửi đơn phản ánh nhưng bị tòa từ chối vì không đủ điều kiện. Giữa năm sau, tổ chức tiếp tục khiếu nại đến Tổng cục Cảnh sát và đến đầu năm 2006 thì cơ quan này kết luận cả hai giấy xác nhận của trường đều bị Ngụy Hữu Bá làm giả. Tuy nhiên trong khoảng thời gian bốn năm từ 2007 đến 2010, khi vụ việc được chuyển cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra giải quyết thì đến cuối năm 2011, Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra công văn thông báo thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả giấy tờ của ông Bá đã hết hạn từ tháng 6 năm 2008.[89][90][91] Chủ tịch Ủy ban Thành phố lúc bấy giờ là ông Lê Hoàng Quân vào năm 2012 đã trực tiếp yêu cầu ngăn chặn việc chuyển dịch sở hữu tài sản, hủy bỏ sổ hồng đã cấp, lập thủ tục thu hồi nhưng đến tận năm 2019, lô đất vẫn không được hoàn trả về cơ quan quản lý, chủ thể làm giả hồ sơ hoàn toàn không bị truy cứu trước pháp luật còn tài sản trên đất thì vẫn tiếp tục bị luân chuyển cho những người mua sau.[89][90]
Ngày 30 tháng 11 năm 2009, trang web chính thức của Học Viện Hàng Không Việt Nam đã bị tấn công do sinh viên phản ứng gay gắt với hàng loạt các vấn nạn tồn đọng trong nhà trường. Từ việc lịch học không khoa học, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, đến cả những vấn đề nhỏ như nhà vệ sinh, ký túc xá, bãi giữ xe cũng được đề cập đến trên website diễn đàn sinh viên của viện. Hơn một tuần sau, Tiền Phong đã trực tiếp đưa sự việc này lên báo mạng.[92]
Năm 2012, Trung tâm Ngoại ngữ Tin học (ALI) của học viện đã bị tố cáo sử dụng chiêu trò lôi kéo và không trung thực trong vấn đề chuyển đổi học phần.[93][94] Cụ thể cơ sở bồi dưỡng văn hóa này tiếp nhận học viên với lời tư vấn kết quả thi TOEIC tại đây sẽ được chuyển đổi sang học phần chính quy. Tuy nhiên khi phát hiện thông tin chưa có quyết định bằng văn bản nào từ phía nhà trường chấp thuận việc đổi điểm này,[95] gia đình sinh viên cho rằng họ đã bị lừa.[94] Sau khi đơn phản ánh được gửi đến Dân Trí, tờ báo truyền thông trường sẽ tư vấn lại đây là chương trình học không bắt buộc và chấp nhận hoàn trả học phí nếu sinh viên muốn thôi học tại ALI.[94]
Tháng 8 năm 2017, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện ra hàng loạt sai sót liên quan đến công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức tại Học viện Hàng không Việt Nam trong giai đoạn ba năm trước đó.[96] Cụ thể việc bố trí một người thực hiện cả hai nhiệm vụ chấm thi và phúc khảo là "chưa phù hợp" theo quy định của Bộ Nội vụ,[97] viện còn chưa ký hợp đồng làm việc đầy đủ với viên chức, chưa trình kế hoạch bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp người lao động cho cơ quan quản lý phê duyệt, chưa lấy ý kiến cấp ủy Đảng cùng cấp trong công tác đánh giá phân loại cá nhân giữ chức vụ quản lý.[96] Ngay cả những vấn đề như bản lý lịch và phiếu đánh giá viên chức cũng chưa có xác nhận của thủ trưởng,[98][99] không có sổ đăng ký, giao nhận hồ sơ theo mẫu quy định trong khi số lao động hợp đồng lại vượt quá số lượng người làm việc.[100] Bên cạnh đó, thẩm quyền trao tặng danh hiệu cho một vài tập thể trực thuộc cũng bị cho là "thiếu sót".[99][101] Trong văn bản kết luận, không một nhân vật nào bị nêu tên đã trực tiếp gây nên những vấn đề này ngoại trừ việc ban ngành thanh tra yêu cầu trường phải tự "kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm" đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến sự việc.[96][98][101]
Chỉ bốn tháng sau sự kiện trên, học viện tiếp tục bị phản ánh cố tình kéo dài thời gian học của sinh viên hệ trung cấp nghề từ 18 tháng lên đến 3 năm. Từ việc giáo viên không thể đứng lớp vì vướng lịch công tác, nhà trường không thực hiện kế hoạch ôn thi tốt nghiệp đã thông báo từ trước, đưa giảng viên sở hữu bằng luật không có chuyên môn đi dạy nghiệp vụ về chất nổ, an ninh, thiết bị soi chiếu cho đến việc không có một cá nhân, ban ngành nào đứng ra giải thích cho học viên lý do tại sao lại trì hoãn quá trình đào tạo, trong khi đó các nhân viên của phòng chức năng thì không thể đưa ra được câu trả lời rõ ràng khi phụ huynh đến tận nơi để làm việc. Sau khi vấn đề bị đưa lên mặt báo, nguyên nhân được lãnh đạo học viện đưa ra là do số lượng tuyển sinh vượt quá năng lực thực tế của trường, ngoài ra máy chủ của viện cũng bị hacker tấn công khiến điểm số không chính xác nên lộ trình thi tốt nghiệp tạm thời gián đoạn.[102][103] Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Hàng không Chu Hoàng Hà – một tổ chức trực thuộc VAA,[104] thừa nhận những hạn chế trên là sự thật nhưng bác bỏ thông tin thiếu giảng viên. Ông Hà cho biết kể từ khi bà Nguyễn Thị Hải Hằng lên làm giám đốc học viện, trung tâm của ông tuy thừa khả năng phục vụ lớp học nhưng lại bị chia nhỏ nhiệm vụ, cơ chế quản lý bắt đầu lỏng lẻo khiến việc giảng dạy bị chậm trễ, còn bà Hằng thì phản bác lại và cho rằng đây là quy trình tinh giản biên chế. Người đứng đầu viện cam kết giải quyết dứt điểm vụ việc trong năm 2018 và gửi lời xin lỗi đến gia đình sinh viên vì tiến độ đào tạo đã quá hạn quy định.[102]
Chưa dừng lại ở đó, đến quý cuối năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ra thông báo kết luận điều tra sau khi có đơn tố cáo giám đốc học viện Nguyễn Thị Hải Hằng cùng một số cá nhân, tổ chức trực thuộc.[105] Nội dung cho biết Trung tâm Ngoại ngữ Tin học ALI theo sự chỉ đạo của bà Hằng đã tự ý mang tài sản nhà nước (phòng học và văn phòng) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với một công ty ngoài,[d] riêng ALI chỉ mới nộp về cho học viện 132 triệu đồng trong khi tổng số tiền cần phải thanh toán từ việc cho thuê mặt bằng là 1.036 tỷ.[109][110] Trường giải thích đây là con số nợ lũy kế từ trước khi nhậm chức giám đốc nên bà Hằng không phải là người trực tiếp gây nên hậu quả.[111] Tiếp đến, tổ kinh doanh bãi xe, căng tin do giám đốc thành lập đã mang về lợi nhuận hơn 1.5 tỷ trong hai năm 2016–2017 nhưng phần lớn nguồn thu này lại bị "bỏ quên" ngoài sổ sách,[110][112] lý do được viện đưa ra là chứng từ thu chi chưa được chuyển kịp thời về phòng tài chính kế toán.[111] Kết luận thanh tra cũng khẳng định số tiền 342 triệu đồng do Trung tâm đào tạo phi công của trường ký hợp đồng cho thuê đặt trạm viễn thông với Viettel đã "để quên" ngoài ngân hàng.[110][112] Chính người đứng đầu trung tâm này trong báo cáo giải trình đã yêu cầu kế toán chuyển tiền về tài khoản học viện, riêng cá nhân bà Hằng được trường thông báo không được bàn giao nội dung và cũng không chỉ đạo vụ việc.[111] Cuối cùng thì cả hai khoảng thu 132 và 342 triệu bị buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước,[110][112] bản kết luận còn yêu cầu phải kiểm điểm bà Hằng về những nội dung tố cáo có cơ sở nhưng quá trình xử lý sai phạm lại không được đề cập chi tiết.[109]
Tuy đã có văn bản quy định trước đó của Bộ Giáo dục yêu cầu các trường đại học ngừng đào tạo hệ cao đẳng bắt đầu từ năm 2020,[113][114] Học viện Hàng Không Việt Nam vẫn tiếp tục tuyển sinh trái luật. Bên cạnh đó, 2 trong số 13 thí sinh tuy chưa tốt nghiệp đại học nhưng vẫn được trường thông báo đủ điều kiện tham dự kỳ thi thạc sĩ quản trị kinh doanh cuối năm 2019, chỉ một ngày sau thời điểm kết thúc thi cao học, hai nhân vật này mới nhận được bằng đại học, và đến ngày tiếp theo thì nằm trong danh sách trúng tuyển. Phóng viên Tuổi Trẻ đã đề nghị làm việc trực tiếp với bà Hằng về những sự việc trên, tuy nhiên vị giám đốc truyền thông sẽ trao đổi vấn đề qua email. Khi email được gửi, người đứng đầu viện tiếp tục yêu cầu đưa công văn. Và khi công văn đã trao, đại diện trường hẹn sẽ có văn bản trả lời. Tuy nhiên, phóng viên hoàn toàn không nhận được phản hồi sau đó và thông tin cũng không được cập nhật thêm kể từ đây.[115]
Công tác bổ nhiệm nhân sự của Bộ Giao thông Vận tải dưới nhiệm kỳ Đinh La Thăng được cho là đã gây ra nhiều sự tranh cãi, cụ thể trường hợp của ông Trần Hoài An là một minh chứng, người đã rớt hai lần trong kỳ thi tuyển các chức vụ lãnh đạo của hai trường đại học.[116] Tháng 5 năm 2015, An có mặt trong danh sách bảy người cạnh tranh chức vụ hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải nhưng không đậu,[117][118] một tháng sau, ông tiếp tục ghi danh vào vị trí giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam,[119] nhưng vừa bước qua tháng 7 thì Bộ Giao thông đã đột ngột bổ nhiệm An giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,[120] trong khi kết quả kỳ thi hoàn toàn không được công bố thì đến tháng 11,[121] bà Nguyễn Thị Hải Hằng được thông báo trở thành tân giám đốc của VAA.[122] Giữa năm 2020, ông An tiếp tục nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng đầu tiên của học viện nhiệm kỳ 2020–2025.[121][49] Cũng trong năm này, trường chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang tự chủ tài chính.[123]
Vị đương kim chủ tịch trên vừa đảm nhận chức vụ được ba năm thì đến ngày 11 tháng 7 năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải ra thông báo kết luận điều tra đơn tố cáo đối với ông Trần Hoài An, trong đó khẳng định một phần nhân vật này đã "lạm quyền",[124] "không chấp hành, làm trái quy định của pháp luật" khi để trường thu học phí sinh viên vượt ngưỡng cho phép liên tiếp hai niên khóa 2021–2023 với tổng số tiền lên đến 56 tỷ đồng (hơn 2.2 triệu Mỹ kim[e]).[127][128] Ngay chính trong giai đoạn Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19,[129][130] và bất chấp cơ quan chủ quản đã có hai công văn truyền thông rõ ràng về mức học phí cùng thu chi trước đó, trường vẫn không tiến hành điều chỉnh.[131][132] Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông An thừa nhận khoản thu vượt quy định 10% trong năm học 2021–2022 đã chậm xử lý trả lại cho người học, tuy nhiên sang khóa tiếp theo, thời điểm Chính phủ Việt Nam ban hành quyết định mới yêu cầu các trường không được nâng chi phí giáo dục nhằm hỗ trợ sinh viên hậu COVID-19 thì viện đã hoàn tất quá trình tăng thu học phí theo nghị định cũ.[130] Gần bốn tháng sau khi Bộ Giáo dục ra văn bản hướng dẫn giải quyết các trường hợp này,[133] người học vẫn chưa nhận được tiền bất chấp học viện đã có thông báo trước đó về việc hoàn trả và khấu trừ học phí trên cổng thông tin điện tử của trường.[134][135] Cho đến khi văn bản kết luận tố cáo được cơ quan chủ quản trực tiếp công bố cuối tháng 7 năm 2023, cơ sở đào tạo mới thông báo "đang" khẩn trương hoàn trả/khấu trừ khoản thu sai lệch trong thời gian suốt hai năm.[136][137][138] Vấn đề tranh cãi đã vượt ra khỏi phạm vi nội bộ trường từ đây và khiến giới truyền thông Việt Nam phải chú ý, một loạt các cơ quan ngôn luận từ trung ương đến địa phương của quốc gia này bắt đầu lên tiếng, trong đó có Công Thương,[139] Đại biểu Nhân dân,[140] Chính phủ,[141] Dân Việt,[142] Sài Gòn Giải Phóng,[143] Tuổi Trẻ,[144] VnExpress.[128] Trong khi Giao Thông,[145] Dân Trí,[146] Công An Nhân Dân,[147] gọi sự việc là hành động "thu lố" thì Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh lại khẳng định không thể tiếp tục để đơn vị "chiếm dụng" khoảng lợi nhuận này, đồng thời tiết lộ chính sinh viên là người đã viết đơn tố cáo ông An và học viện.[131] Ngoài ra Bộ Giao thông cũng cho biết trách nhiệm để xảy ra sự việc này thuộc về ông Trần Hoài An trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng, tập thể lãnh đạo và giám đốc học viện,[148] đồng thời yêu cầu trường phải có kế hoạch cụ thể xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan đến những hạn chế trên và gửi báo cáo kết quả thực hiện kết luận tố cáo về cơ quan này trước ngày 30 tháng 9 năm 2023,[149] tuy nhiên đến cuối tháng 10 cùng năm, khi ký giả Thanh tra trao đổi với Bộ thì được biết học viện vẫn chưa nộp bất kỳ văn bản nào, riêng cá nhân ông An thì hoàn toàn không phản hồi khi phóng viên chủ động đặt lịch làm việc.[150]
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.