Họ Lá bỏng hay họ Trường sinh, họ Cảnh thiên (danh pháp khoa học: Crassulaceae) là một họthực vật mọng nước, thân thảo trong bộ Tai hùm. Họ này ở Việt Nam hiện có 4 chi với 10 loài trong số 34 chi 1.370 loài toàn thế giới[1]. Họ này phổ biến khắp thế giới, nhưng chủ yếu có mặt tại Bắc bán cầu và miền nam châu Phi, thông thường trong các khu vực khô và/hoặc lạnh, những nơi khan hiếm nước.
Thông tin Nhanh Phân loại khoa học, Giới (regnum) ...
Không một thành viên nào của họ này là cây trồng có tầm quan trọng kinh tế, nhưng nhiều loài là các loại cây phổ biến trong nghề làm vườn; với nhiều thành viên có bề ngoài hấp dẫn kỳ lạ, sống khỏe, thường chỉ cần sự chăm sóc tối thiểu. Một số loài quen thuộc với những người làm vườn như phỉ thúy (Crassula ovata) và trường sinh blossfeld (Kalanchoe blossfeldia).
Quang hợp CAM (viết tắt từ Crassulacean Acid Metabolism nghĩa là trao đổi chất axít cảnh thiên) được đặt tên theo họ này, do cách thức quang hợp kiểu như vậy lần đầu tiên được phát hiện trong các loại cây cảnh thiên.
Lá: Lá đơn, dày, mọng nước, mọc đối, mọc cách hay mọc vòng.
Hoa: Cánh hoa rõ, nhị có khi đẳng số và xen kẽ với cánh hoa, lá noãn rời.
Phân loại trong họ này gặp khó khăn do nhiều loài đã lai ghép với nhau, cả trong thiên nhiên lẫn trong gieo trồng. Một số phân loại cũ đưa họ này vào bộ Rosales, nhưng các phân loại mới hơn xếp nó trong bộ Saxifragales. Theo truyền thống, họ này chia thành 6 phân họ là Crassuloideae, Cotyledonoideae, Echeverioideae, Kalanchoideae, Sedoideae và Sempervivoideae, về cơ bản dựa trên cấu trúc hoa. Theo phân loại phát sinh loài thì họ này chia ra thành 2 phân họ (như GRIN)[2] là Sedoideae (gồm 2 tông Kalanchoeae và Sedeae. Tông Sedeae chia ra thành 2 phân tông là Sedinae và Telephiinae) và Crassuloideae, hoặc thành 3 phân họ (như APG)[1] là Crassuloideae, Kalanchoideae và Sempervivoideae.