From Wikipedia, the free encyclopedia
Tàu Amiral Latouche-Tréville (phiêm âm: Tàu La-tu-sơ Tơ-rê-vin), còn được gọi là tàu Đô đốc Latouche-Tréville, là một thương thuyền của Công ty Vận tải đường biển Chargeurs Réunis (Compagnie Maritime des Chargeurs Réunis) của Pháp. Nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận rằng một thanh niên trẻ người Việt tên Văn Ba đã từng phục vụ trên tàu từ năm 1911 đến 1913 với vai trò phụ bếp, người mà về sau nổi tiếng với tên gọi Hồ Chí Minh.
Cần tránh nhầm lẫn với 3 chiếc tàu cùng tên khác của Hải quân Pháp. Các tàu này được đặt tên theo một Đô đốc người Pháp, Louis-René Levassor de Latouche Tréville (1745–1804).
Tàu Amiral Latouche-Tréville thuộc quyền sở hữu của hãng tàu Chargeurs Réunis, còn gọi là Hãng Năm Sao do biểu trưng của hãng có hình 5 ngôi sao trên cột ống khói. Đây là một trong 6 chiếc tàu mang danh hiệu của Amiral của hãng Chargeurs Réunis, gồm Latouche-Tréville, de Kersaint, Nielly, Orly, Ponty và Magon.
Chiếc tàu được đặt theo tên của Đô đốc hải quân Pháp Louis René Latouche-Tréville (1745-1804), mang số hiệu 5601960, do Hãng đóng tàu Loire (Pháp) khởi công đóng vào 21 tháng 9 năm 1903 và hạ thủy vào tháng 2 năm 1904 tại Nantes. Tàu có kích thước dài 118,7m, ngang 15,2m, trọng tải 5.572 tấn, tải trọng tối đa 7.200 tấn, vận hành bằng hơi nước, sức chứa tối đa có thể đạt đến 1.100 người (kể cả thủy thủ đoàn).
Sau khi được hạ thủy, tàu được hãng Chargeurs Réunis đưa vào khai thác từ năm 1904 đến 1929. Thời kỳ Thế chiến thứ nhất, tàu từng được dùng đưa Lữ đoàn viễn chinh của Nga, do tướng Lokhvitsky chỉ huy, từ Mãn Châu Lý sang Marseille để tham chiến cùng đồng minh Pháp. Ngày 27 tháng 2 năm 1925, tàu va chạm với tàu hơi nước Anna Skogland của Na Uy tại Havre và bị hư hỏng nhẹ. Ngày 11 tháng 3 năm 1929, tàu được cho nghỉ hưu và tháo dỡ tại Dunkerque chỉ sau 25 năm hoạt động.
Đầu thập niên 1920, văn phòng hãng Chargeurs Réunis ở Sài Gòn được đặt đối diện bờ sông Bến Nghé, ngay góc phố Catinat, bây giờ là Đồng Khởi, trên lầu một tiệm cà phê có bảng hiệu là La Rotonde.[1] Ngày 2 tháng 6 năm 1911, tàu Amiral Latouche Tréville, với thuyền trưởng Louis Édouard Maisen và đoàn thủy thủ 69 người, từ Hải Phòng vào cập bến Sài Gòn. Trong dịp này, hãng Chargeurs Réunis tuyển thêm một số nhân sự làm việc trên tàu.
Trong số những người xin việc, có một thanh niên mảnh khảnh làm nghề khuân vác ở bến tàu (docker),[2] rất siêng năng và thường giao tiếp với các thủy thủ trên bến, đã đến văn phòng hãng tham dự phỏng vấn. Người thanh niên trẻ này biết tiếng Pháp, khai tên là Văn Ba (hay Nguyễn Văn Ba), được nhận vào chân phụ bếp (kiêm tạp vụ), nôm na gọi là bồi và xuống tàu làm việc kể từ ngày 3 tháng 6 năm 1911 tại cảng Sài Gòn (Port de Saigon) đối diện Bến Nhà Rồng, nơi cầu tàu Charner (appontement de Charner), nay là đầu phố Nguyễn Huệ.[3] Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tàu nhổ neo rời Sài Gòn để thực hiện cuộc hành trình đến Singapore.
Hồ Chí Minh về sau này đã thuật lại về quãng đời của mình khi làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville thông qua quyển sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên. Rời Sài Gòn, chiếc tàu lần lượt đến Singapore, băng qua eo biển Malacca, rồi Ấn Độ, Ceylon, Djibouti (sừng châu Phi), vào Biển Đỏ, Port Said, lại ra Biển Đỏ, vào Địa Trung Hải và cập cảng Marseille (Pháp) ngày 6 tháng 7 năm 1911. Cuộc hành trình nghìn dặm xuyên qua nhiều lục địa khá vất vả, công việc trên tàu cũng không nhàn hạ, dậy sớm thức khuya, đầu tắt mặt tối, phải làm đủ mọi thứ, từ lau chùi, quét dọn trên bong, đến tiếp tế nhiên liệu (than), phục vụ hành khách, phụ bếp (lặt rau, gọt vỏ, rửa chén,v.v), nhưng đối với anh Văn Ba, thì chẳng qua đó chỉ là những thử thách mà người thanh niên này phải phấn đấu nếu muốn vượt được chặng đường vạn dặm trong lần xuất dương đầu tiên trong đời mình, anh vui vẻ chấp nhận số phận mà anh coi đó như là một cơ may hiếm có. Mặc dù thể lực yếu ớt (những đồng nghiệp thủy thủ thường trêu chọc gọi anh bằng "thư sinh"), nhưng anh không lấy thế làm buồn, những lúc rảnh rỗi, vào giờ tan ca buổi tối, anh thường dành thì giờ để đọc sách, trong lúc bạn bè tụ tập, quây quần chơi bài thư giãn.
Trong khoảng thời gian ngắn tàu lưu ở Marseille, Văn Ba được phép lên bờ, thăm viếng bến Cảng Cannebière. Sau đó tàu nhổ neo đi tiếp đến Le Havre ngày 15 tháng 7 năm 1911 để rồi đến Dunkerque để sửa chữa tu bổ trong hơn 40 ngày. Tại đây, Văn Ba được thuyền trưởng Louis Édouard Maisen cho phép được tự do ít ngày, sau đó về tư gia của ông tại Sainte Adresse để phụ việc làm vườn. Cũng trong dịp này, Văn Ba có lần đến Paris với mục đích tìm gặp cụ Phan Châu Trinh để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Sau khi tàu Amiral Latouche-Tréville được tu bổ xong, Văn Ba lại theo thủy thủ đoàn của Louis Édouard Maisen tiếp tục cuộc hành trình đi Châu Mỹ, qua ngả bờ tây Châu Phi, nơi tập trung đa số các thuộc địa Pháp (Bờ Biển Ngà, Gabon, Mauritanie, Sénégal,v.v), mỗi nơi sẽ phải cập cảng khá lâu, nên Văn Ba lại có dịp tham quan thoải mái các nước thuộc địa này. Rời châu Phi, con tàu lại vượt biển xuôi Nam, qua Mũi Hảo Vọng để men theo bờ đông châu Mỹ, lần lượt viếng Argentina, Uruguay, Paraguay kế đó là Brazil, rồi tiểu Antilles, để cuối cùng đến Mỹ vào đầu tháng 12 năm 1912. Tại Mỹ, Văn Ba đã gởi một bức thư từ New York cho Khâm sứ Trung Kỳ ngày 15 tháng 12, ký tên Paul Tatthanh. Rời New York, tàu cập cảng Boston và quay về Le Havre vào đầu năm 1913, Tất Thành qua Anh quốc và lưu ngụ bên đó trong bốn năm (1913- cuối 1916).
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.