From Wikipedia, the free encyclopedia
Đấu roi là một môn thi đấu kỹ thuật đánh roi (trường côn) của võ thuật cổ truyền Việt Nam, chủ yếu ở miền Trung. Khởi đầu từ một trong những môn thi đấu bắt buộc để tuyển võ quan thời Nguyễn, ngày nay, đấu roi trở thành một môn thi đấu thể thao văn hóa truyền thống của vùng miền Nam Trung Bộ.
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra với sự tham gia của nhiều nông dân Nam Trung Bộ, đặc biệt là vùng Bình Định, nơi vốn có truyền thống luyện tập võ thuật để phòng chống giặc cướp và thú dữ. Vì vậy, sau khi lên ngôi và thống nhất đất nước, để phòng ngừa hậu hoạn, Gia Long đã ra chỉ dụ hạn chế khắt khe việc luyện tập trong dân gian đối với các môn võ sử dụng binh khí như kiếm, đao, nhất là với võ phái nổi tiếng thời Tây Sơn. Vì vậy, ngoài các môn quyền cước ra, người dân Bình Định chỉ còn sử dụng các loại vũ khí làm bằng cây, gỗ. Họa hoằn mới có thứ bọc thép nơi mũi nhọn. Nếu có dùng đao kiếm thì phải lén lút, cất giấu kỹ.
Trong những kỹ thuật được bảo tồn đấy, kỹ thuật sử dụng trường tiên (mà người Bình Định thường gọi là "roi"), được lưu giữ ngoài phạm vi hạn chế của triều đình. Nguyên thủy kỹ thuật này xuất phát từ kỹ thuật sử dụng thương đánh trận hay sử dụng trên ngựa, được tháo đầu nhọn để không vi phạm quy định của triều đình. Nhờ thế, kỹ thuật này được bảo tồn và phát triển, thậm chí đến nửa cuối thế kỷ 19, bộ môn này còn được đưa vào như những môn thi đấu chính thức để tuyển quan võ của triều đình.
Theo như võ sư Đỗ Hóa trong quyển "Miền đất võ" thì kỹ thuật roi "là bí mật của hệ thống huấn luyện ngắn ngày của quân Tây Sơn. Những thể thức Chiến này rất ít động tác nhưng được nghiên cứu kỹ càng, để khi nhập trận là có ngay kết quả, chỉ có cái chết mới ngăn được người lính này ngừng lại. Không có gì lạ, khi mỗi lần xuất quân, binh sĩ Tây Sơn thường tiêu diệt cả đoàn quân đối phương, từ 2 vạn cho đến 20 vạn cũng vậy. Các võ sư già còn lại ở Nghĩa Bình vẫn còn một vài người biết mấy đường roi này, với một cây roi trong tay võ sỹ có thể đâm xuyên qua cả bao cát. Khó có thể giải thích nguồn gốc các đường roi này, trong khi để chứng minh về các yếu tố vật lý, khoa học. Trông mấy đường roi này như gẩy rơm, tát nước hay đốn củi, chọc lò vậy. Thật đơn giản nhưng hiệu quả là ghê gớm".
Một trong những nơi bảo tồn và phát triển kỹ thuật roi mãnh mẽ nhất là tại thôn Thuận Truyền, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tại đây, nhiều võ đường lưu giữ các tuyệt kỹ đánh roi qua nhiều thế hệ, đến nỗi lừng danh thuật ngữ "Roi Thuận Truyền" không thể không nhắc tới khi nói đến nền võ thuật Bình Định.
Một trong những cao thủ lừng danh trong lịch sử kỹ thuật roi là ông Bầu Đê (người Tuy Phước, Bình Định), với hai tuyệt kỹ đánh văng roi và đâm so đũa đến nay vẫn được nội gia chân truyền trong làng võ Thuận Truyền. Đòn đánh văng roi là phép mượn sức người đánh người theo kiểu dùng bốn lạng đẩy ngàn cân. Nếu đánh xuôi chiều thì cây roi sẽ vuột bàn tay mà văng ra, nếu đánh ngược chiều thì roi trong tay đối phương tuy không bị tuột nhưng sẽ gãy tiện gần vị trí hổ khẩu và đối phương có thể bị đánh ngã đến bất tỉnh. Đâm vào nách đối phương là một kỹ thuật thượng thừa, nhằm vào nơi đối phương giữ kín nhất mà lách vào. Đường roi đi thường nương theo chính thân roi của đối phương mà luồn tới, ngay khi ấy dù ngọn roi đối phương có nhanh đến mấy thì người đánh chỉ cần nghiêng lưng và xoay đốc roi đẩy qua, đồng thời ghìm ngọn roi của mình là trúng đích. Với 2 tuyệt kỹ này, ông từ đả bại rất nhiều vị tiến sĩ võ của triều đình.
Đầu thế kỷ 20, làng Thuận Truyền nổi tiếng với võ sư Hồ Ngạnh, tên thật là Hồ Nhu. Ông không chỉ kế thừa các kỹ thuật bí truyền của gia đình, mà còn có công tập hợp các kỹ thuật gần như thất truyền, đào tạo nhiều thế hệ võ sư võ cổ truyền, góp công lớn trong việc gìn giữ và bảo tồn nền văn hóa võ thuật dân tộc, làm vẻ vang cho làng võ Thuận Truyền.
Ngày nay, làng võ Thuận Truyền vẫn còn nhiều võ đường giỏi về roi như võ đường Lý Xuân Hỷ, Lâm Ngọc Phú, thầy Bửu Thắng ở An Nhơn, võ đường Hà Trọng Sơn, Phi Long Vịnh và phái võ chùa Long Phước ở Tuy Phước, võ đường Phan Thọ, võ đường Hồ Sừng (cháu của Hồ Nhu) ở Tây Sơn…. Tại đây, các tuyệt kỹ như "Không tiên", "Lạc côn", "Đâm so đũa", "Roi đánh nghịch", "Đá văng roi", "Phá vây", "Roi chiến"… vẫn tiếp tục lưu truyền như những bảo vật của võ cổ truyền Bình Định.
Đấu Roi từng là môn thi đấu bắt buộc đối với các võ sinh dự thi Tiến sĩ Võ. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, sau khi nhà Nguyễn chấm dứt các khoa thi võ thì môn thi này trở thành một giải đấu thể thao vào lễ Quốc khánh Pháp hoặc lễ Vạn thọ (sinh nhật vua Bảo Đại).
Sau năm 1945, do điều kiện chiến tranh, một phần bởi các tuyệt kỹ chỉ được truyền dạy theo lối truyền khẩu và bí truyền gia đình, một phần do sự sút giảm ảnh hưởng của nghề võ, đấu roi dần bị thất truyền. Sau chiến tranh, nhiều võ sư đã tìm cách phục hồi lại các kỹ thuật cổ truyền, trong đó có cả đấu roi. Tuy nhiên, việc phục hồi gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều võ sư cao thủ đã qua đời và các tài liệu lưu trữ cũng thất lạc hoặc bị tiêu hủy do chiến tranh. Mãi đến cuối năm 2010, hầu hết các kỹ thuật cũng như luật đấu roi dần được phục hồi. Tết năm Tân Mão 2011, lần đầu tiên, thi đấu Roi trường được giới thiệu trở lại trước công chúng tại Hội Hoa xuân Đà Nẵng. Các võ sư còn tin rằng, trong tương lại, đấu roi sẽ được phục hồi và phát triển trở thành một môn thể thao mang đậm tính dân tộc Việt Nam và giới thiệu ra quốc tế.
Roi chủ yếu được phân làm ba loại: Trường tiên, Trung bình tiên và Thiết bản. Tuy nhiên, trong đấu roi chủ yếu sử dụng loại Trường tiên, còn gọi là trường san, hay roi đấu, có độ dài đến 3m, phần gốc gọi là đốc roi có đường kính 3 cm, nhỏ dần lên đến ngọn còn 2 cm. Cách mút ngọn roi 1,5 cm có bọc vải để tránh sát thương và được thoa mực để đánh dấu.
Thân thường thường làm bằng gỗ, tre, mây, phổ biến là dùng gỗ lim, tre già hoặc song mây. Để làm ra một roi đấu tốt, thường được chế biến qua nhiều công đoạn phức tạp như ngâm bùn, hấp sấy, để có thể tạo ra độ bền vĩnh cửu như sắt thép, có thể để rất lâu mà không bị mối mọt làm hư hại. Ngoài ra, roi đấu còn có thể được làm bằng một cây kiền kiền con, còn nguyên từ gốc đến ngọn để làm, chỉ có như vậy, cây roi mới sử dụng được lâu dài mà không bị gãy.
Đấu trường thường được dựng trên mảnh đất rộng, thường là một vòng tròn (hoặc bát quái) có đường kính 8m hoặc 9m. Trung tâm là vùng giữa màu đỏ là cấm xâm phạm, có bán kính là 1 mét. Vùng tiếp theo màu trắng là vùng các đấu sĩ di chuyển, có bán kính vào tâm là 2 mét, vòng 3 có bán kính vào tâm 4,5 mét.
Các võ sĩ thi đấu mặc giáp xanh - đỏ, đeo mặt nạ bảo hiểm, mang roi đầu bọc vải chấm mực màu, thi đấu theo sự điều khiển của Giám quan (trọng tài). Tất cả đều phục trang theo truyền thống.
Khi bắt đầu giao đấu, các võ sĩ được phép dùng roi tấn công vào người đối phương, nhưng không được đánh vào vị trí hiểm là bộ hạ, ống chân, ống tay và đặc biệt không được đâm vào đầu đối phương vì "phạm Tổ". Đòn đánh tính điểm là giữa bụng, sau lưng, mông, hai bên hông, bắp vai, bắp chân.
Trong khi thi đấu, các võ sĩ chỉ được tấn công khi đứng ở vòng thứ hai. Nếu võ sĩ nào di chuyển ra vòng thứ 3 thì không được phép tấn công, mà chỉ được quyền phòng thủ. Nếu võ sĩ di chuyển vào khu vực trung tâm, hoặc ra khỏi khu vực thi đấu sẽ bị trừ điểm. Nếu bị trừ điểm 3 lần thì sẽ bị xử thua.
Các đòn thế tấn công có thể thực hiện theo cách vụt, đâm, hoặc câu, móc tay, móc chân. Tuy nhiên, số đòn đánh liên tiếp trong một lượt đánh là 5 đòn bao gồm cả vụt, đâm. Nếu đánh nhiều hơn 5 đòn cũng không được tính điểm.
Các võ sĩ thi đấu mỗi trận diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, giữa hai hiệp được nghỉ 1 phút.
Các kỹ thuật roi gồm nhiều động tác riêng rẽ hoặc liên hoàn, có cả tấn công lẫn phòng thủ gồm cách phách (chiêu thức) như sau:
Các chiến thuật cơ bản của đấu roi gồm:
Nguyên tắc cơ bản là
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.