sử liệu Tam Quốc 189-280 của Trần Thọ From Wikipedia, the free encyclopedia
Tam quốc chí (giản thể: 三国志; phồn thể: 三國志; Wade-Giles: Sanguo Chih; bính âm: Sānguó Zhì), là một sử liệu chính thức và có căn cứ về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc từ năm 189 đến năm 280, do Trần Thọ (陳壽) biên soạn vào thế kỉ thứ 3. Tác phẩm này hình thành từ các mẩu chuyện nhỏ kể về các nước Ngụy, Thục và Ngô của thời đại này, đồng thời là nền tảng cho cuốn tiểu thuyết lịch sử rất phổ biến là Tam quốc diễn nghĩa được viết vào thế kỉ 14. Tam quốc chí là một phần trong bộ Tiền tứ sử của tổng tập Nhị thập tứ sử, cùng với Sử ký, Hán thư và Hậu Hán thư.
Tam quốc chí | |||||||
Phồn thể | 三國志 | ||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Giản thể | 三国志 | ||||||
|
Nhị thập tứ sử | |||
---|---|---|---|
STT | Tên sách | Tác giả | Số quyển |
1 | Sử ký | Tư Mã Thiên | 130 |
2 | Hán thư | Ban Cố | 100 |
3 | Hậu Hán thư | Phạm Diệp | 120 |
4 | Tam quốc chí | Trần Thọ | 65 |
5 | Tấn thư | Phòng Huyền Linh (chủ biên) | 130 |
6 | Tống thư | Thẩm Ước | 100 |
7 | Nam Tề thư | Tiêu Tử Hiển | 59 |
8 | Lương thư | Diêu Tư Liêm | 56 |
9 | Trần thư | Diêu Tư Liêm | 36 |
10 | Ngụy thư | Ngụy Thâu | 114 |
11 | Bắc Tề thư | Lý Bách Dược | 50 |
12 | Chu thư | Lệnh Hồ Đức Phân (chủ biên) | 50 |
13 | Tùy thư | Ngụy Trưng (chủ biên) | 85 |
14 | Nam sử | Lý Diên Thọ | 80 |
15 | Bắc sử | Lý Diên Thọ | 100 |
16 | Cựu Đường thư | Lưu Hú (chủ biên) | 200 |
17 | Tân Đường thư | Âu Dương Tu, Tống Kỳ | 225 |
18 | Cựu Ngũ Đại sử | Tiết Cư Chính (chủ biên) | 150 |
19 | Tân Ngũ Đại sử | Âu Dương Tu (chủ biên) | 74 |
20 | Tống sử | Thoát Thoát (chủ biên) | 496 |
21 | Liêu sử | Thoát Thoát (chủ biên) | 116 |
22 | Kim sử | Thoát Thoát (chủ biên) | 135 |
23 | Nguyên sử | Tống Liêm (chủ biên) | 210 |
24 | Minh sử | Trương Đình Ngọc (chủ biên) | 332 |
- | Tân Nguyên sử | Kha Thiệu Mân (chủ biên) | 257 |
- | Thanh sử cảo | Triệu Nhĩ Tốn (chủ biên) | 529 |
Trần Thọ từng làm quan cho nhà Thục Hán, sau khi Thục Hán diệt vong, ông đến Lạc Dương làm quan cho nhà Tây Tấn. Trần Thọ đã căn cứ vào các sử liệu cơ bản như Ngụy thư của Vương Thẩm, Ngụy lược của Ngư Hoạ, Ngô thư của Vi Chiêu... để viết Tam quốc chí[1], thuật lại lịch sử Trung Quốc từ khởi nghĩa Khăn Vàng vào cuối thời Đông Hán đến khi Tây Tấn thống nhất Trung Quốc, tức từ năm Trung Bình thứ nhất đời Hán Linh Đế (184) đến năm Thái Khang thứ nhất đời Tấn Vũ Đế (280). Tam quốc chí được chia làm 4 phần gồm 66 quyển: Ngụy quốc chí 30 quyển, Thục quốc chí 15 quyển, Ngô quốc chí 20 quyển, ngoài ra còn có 1 quyển Tự lục (lời tựa) nhưng đến nay đã bị thất truyền[2]. Lúc đầu ba tác phẩm Ngụy chí, Thục chí và Ngô chí tồn tại riêng rẽ, đến năm Hàm Bình thứ 6 thời Bắc Tống (1003) hợp nhất đổi tên thành Tam quốc chí.
Trần Thọ là quan nhà Tấn, do đó phải lấy triều đại đã nhường ngôi cho Tấn là Tào Ngụy làm chính thống.
Đồng thời để tôn trọng sự thống trị của nhà Tấn, Tam quốc chí không viết liệt truyện về các nhân vật Tư Mã Ý, Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu (do được Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm truy tôn là Tấn Tuyên Đế, Tấn Cảnh Đế, Tấn Văn Đế)[4]. Ngoài ra, tác giả cũng lược bỏ không viết liệt truyện về nhân vật Khổng Dung.
Vào thời Đông Hán, sử học tiếp nhận ảnh hưởng từ trào lưu đơn giản hóa của kinh học nên xuất hiện trào lưu giản lược hóa các tài liệu lịch sử. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện Tam quốc chí của Trần Thọ với nội dung giản lược về thời đại Tam quốc. Sau khi Trần Thọ mất hơn trăm năm, nhiều sử liệu về thời Tam quốc xuất hiện, Tống Văn Đế thời Nam-Bắc triều thấy nội dung của Tam quốc chí quá sơ lược nên đã ra lệnh cho Bùi Tùng Chi chú thích[5]. Bùi Tùng Chi đã tập hợp các sử liệu để bổ sung các phần mà Tam quốc chí không chép hoặc chép thiếu bằng 6 phương pháp:
Các tài liệu chủ yếu mà Bùi Tùng Chi sử dụng để chú giải Tam quốc chí có thể kể đến là:
Các tài liệu khác được Bùi Tùng Chi sử dụng để chú thích Tam quốc chí bao gồm:
|
|
Theo thống kê của một số học giả, thì số tư liệu mà Bùi Tùng Chi dùng để chú giải Tam quốc chí là khoảng 240 loại, gấp 3 lần so với nguyên bản Tam quốc chí. Mã Niệm Tổ trong tác phẩm Thủy kinh chú đẳng bát chủng cổ tịch dẫn dụng thư mục vị biên cho rằng số tư liệu mà Bùi Tùng Chi sử dụng là 203 loại. Hiện nay, theo thống kê bản hiệu đính Tam quốc chí tại Trung Hoa thư cục đã phát hiện phần chính văn của Trần Thọ có 366657 chữ và phần chú thích của Bùi Tùng Chi có 320799 chữ. Tống Văn Đế đương thời gọi công việc chú thích của Bùi Tùng Chi là "bất hủ". Các sử gia đời sau như Tư Mã Quang (thời Bắc Tống) khi biên soạn Tư trị thông giám đã tổng hợp các truyện ký trong Tam quốc chí của Trần Thọ và phần chú thích của Bùi Tùng Chi để miêu tả trận chiến Xích Bích.
Bản Tam quốc chí do Bùi Tùng Chi chú thích là bản thông dụng nhất hiện nay, còn gọi là Trần chí, Bùi chú.
Lư Bật (1876 - 1967) đã tập hợp các phần chú thích, hiệu đính và khảo chứng Tam quốc chí của nhiều học giả ở các thời đại khác nhau, biên soạn thành Tam quốc chí tập giải.
Tam quốc chí tuy gọi là "chí" nhưng thực chất chỉ có bản kỷ và liệt truyện chứ không chép gì về địa lý, kinh tế và chế độ chính trị.
Toàn bộ tác phẩm gồm 66 quyển như đã nói ở trên, cụ thể gồm có:
Quyển | Tựa đề | Nội dung |
---|---|---|
1 | Vũ Đế kỷ | Tào Tháo |
2 | Văn Đế kỷ | Tào Phi |
3 | Minh Đế kỷ | Tào Duệ |
4 | Tam Thiếu Đế kỷ | Tào Phương, Tào Mao, Tào Hoán |
5 | Hậu phi truyện | Vũ Tuyên Biện hoàng hậu, Văn Chiêu Chân hoàng hậu, Văn Đức Quách hoàng hậu, Minh Điệu Mao hoàng hậu, Minh Nguyên Quách hoàng hậu |
6 | Đổng nhị Viên Lưu truyện | Đổng Trác (phụ: Lý Quyết, Quách Dĩ), Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu |
7 | Lã Bố Tang Hồng truyện | Lã Bố, Trương Mạc, Trần Đăng, Tang Hồng |
8 | Nhị Công Tôn Đào tứ Trương truyện | Công Tôn Toản, Đào Khiêm, Trương Dương, Công Tôn Độ, Trương Yên, Trương Tú, Trương Lỗ |
9 | Chư Hạ Hầu Tào truyện | Hạ Hầu Đôn (phụ: Hàn Hạo), Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân (phụ: Tào Thuần), Tào Hồng, Tào Hưu, Tào Chân (phụ: Tào Sảng, Hà Yến), Hạ Hầu Thượng, Hạ Hầu Huyền |
10 | Tuân Úc Tuân Du Giả Hủ truyện | Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ |
11 | Viên Trương Lương Quốc Điền Vương Bỉnh Quản truyện | Viên Hoán, Trương Phạm, Trương Thừa, Lương Mậu, Quốc Uyên, Điền Trù, Vương Tu, Bỉnh Nguyên, Quản Ninh |
12 | Thôi Mao Từ Hà Hình Bão Tư Mã truyện | Thôi Diễm, Mao Giới, Từ Dịch, Hà Quỳ, Hình Ngung, Bào Huân, Tư Mã Chi |
13 | Chung Do Hoa Hâm Vương Lãng truyện | Chung Do, Hoa Hâm, Vương Lãng |
14 | Trình Quách Đổng Lưu Tưởng Lưu truyện | Trình Dục (phụ: Trình Hiểu), Quách Gia, Đổng Chiêu, Lưu Diệp, Tưởng Tế, Lưu Phóng |
15 | Lưu Tư Mã Lương Trương Ôn Giả truyện | Lưu Phức, Tư Mã Lãng, Lương Tập, Trương Ký, Ôn Khôi, Giả Quỳ |
16 | Nhâm Tô Đỗ Trịnh Thương truyện | Nhâm Tuấn, Tô Tắc, Đỗ Kỳ, Đỗ Thứ, Trịnh Hồn, Thương Từ |
17 | Trương Nhạc Vu Trương Từ truyện | Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng (phụ: Chu Linh) |
18 | Nhị Lý Tang Văn Lã Hứa Điển nhị Bàng Diêm truyện | Lý Điển, Lý Thông, Tang Bá, Tôn Quán, Văn Sính, Lã Kiền, Hứa Chử, Điển Vi, Bàng Đức, Bàng Dục, Diêm Ôn |
19 | Nhâm Thành Trần Tiêu vương truyện | Tào Chương, Tào Thực, Tào Hùng |
20 | Vũ Văn thế vương công truyện | Con của Vũ Đế: Tào Ngang, Tào Thước, Tào Xung, Tào Cứ, Tào Vũ, Tào Lâm, Tào Cổn, Tào Huyền, Tào Tuấn, Tào Củ, Tào Cán, Tào Thượng, Tào Bưu, Tào Cần, Tào Thừa, Tào Chỉnh, Tào Kinh, Tào Quân, Tào Cấc, Tào Huy, Tào Mậu; Con của Văn Đế: Tào Hiệp, Tào Nhuy, Tào Giám, Tào Lâm, Tào Lễ, Tào Ung, Tào Cống, Tào Nghiễm |
21 | Vương Vệ nhị Lưu Phó truyện | Vương Xán (phụ: Từ Cán, Trần Lâm, Nguyễn Vũ, Ưng Sướng, Lưu Trinh), Vệ Ký, Lưu Dị, Lưu Thiệu, Phó Hỗ |
22 | Hoàn nhị Trần Từ Vệ Lư truyện | Hoàn Giai, Trần Quần (phụ: Trần Thái), Trần Kiểu, Từ Tuyên, Vệ Trăn, Lư Dục |
23 | Hòa Thường Dương Đỗ Triệu Bùi truyện | Hòa Hiệp, Thường Lâm, Dương Tuấn, Đỗ Tập, Triệu Nghiễm, Bùi Tiềm |
24 | Hàn Thôi Cao Tôn Vương truyện | Hàn Kỵ, Thôi Lâm, Cao Nhu, Tôn Lễ, Vương Quán |
25 | Tân Bì Dương Phụ Cao Đường Long truyện | Tân Tì, Dương Phụ, Cao Đường Long |
26 | Mãn Điền Khiên Quách truyện | Mãn Sủng, Điền Dự, Khiên Chiêu, Quách Hoài |
27 | Từ Hồ nhị Vương truyện | Từ Mạc, Hồ Chất, Vương Sưởng, Vương Cơ |
28 | Vương Vô Khâu Gia Cát Đặng Chung truyện | Vương Lăng, Vô Khâu Kiệm, Gia Cát Đản, Đường Tư, Đặng Ngải, Chung Hội |
29 | Phương kỹ truyện | Hoa Đà, Đỗ Quỳ, Chu Kiến Bình, Chu Tuyên, Quản Lộ |
30 | Ô Hoàn Tiên Ti Đông Di truyện | Ô Hoàn, Tiên Ti, Phù Dư, Cao Câu Ly, Ốc Trở, Ấp Lâu, Uế, Tam Hàn (Mã Hàn, Thìn Hàn, Biện Hàn), Nụy |
Quyển | Tựa đề | Nội dung |
---|---|---|
31 | Lưu nhị mục truyện | Lưu Yên, Lưu Chương |
32 | Tiên chủ truyện | Lưu Bị |
33 | Hậu chủ truyện | Lưu Thiện |
34 | Nhị chủ phi tử truyện | Hoàng hậu của tiên chủ: Cam Hoàng hậu, Mục Hoàng hậu; hoàng hậu của hậu chủ: Kính Ai Hoàng hậu, Trương Hoàng hậu; con của tiên chủ: Lưu Vĩnh, Lưu Lý; thái tử của hậu chủ: Lưu Tuyền |
35 | Gia Cát Lượng truyện | Gia Cát Lượng (phụ: Gia Cát Kiều, Gia Cát Chiêm, Đổng Quyết) |
36 | Quan Trương Mã Hoàng Triệu truyện | Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung, Triệu Vân |
37 | Bàng Thống Pháp Chính truyện | Bàng Thống, Pháp Chính |
38 | Hứa My Tôn Giản Y Tần truyện | Hứa Tĩnh, My Chúc, My Phương, Tôn Càn, Giản Ung, Y Tịch, Tần Bật |
39 | Đổng Lưu Mã Trần Đổng Lã truyện | Đổng Hòa, Lưu Ba, Mã Lương, Mã Tốc, Trần Chấn, Đổng Doãn, Trần Chi, Lã Nghệ |
40 | Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện | Lưu Phong, Bành Dạng, Liêu Lập, Lý Nghiêm, Lưu Diễm, Ngụy Diên, Dương Nghi |
41 | Hoắc Vương Hướng Trương Dương Phí truyện | Hoắc Tuấn, Hoắc Dặc, Vương Liên, Hướng Lãng, Hướng Sủng, Trương Duệ, Dương Hồng, Phí Thi, Vương Xung |
42 | Đỗ Chu Đỗ Hứa Mạnh Lai Doãn Lý Tiều Khước truyện | Đỗ Vi, Chu Quần, Đỗ Quỳnh, Hứa Từ, Mạnh Quang, Lai Mẫn, Doãn Mặc, Lý Soạn, Tiều Chu, Khích Chính |
43 | Hoàng Lý Lã Mã Vương Trương truyện | Hoàng Quyền, Lý Khôi, Lã Khải, Mã Trung, Vương Bình, Trương Ngực |
44 | Tưởng Uyển Phí Y Khương Duy truyện | Tưởng Uyển, Phí Y, Khương Duy |
45 | Đặng Trương Tông Dương truyện | Đặng Chi, Trương Dực, Tông Dự, Liêu Hóa, Dương Hý |
Quyển | Tựa đề | Nội dung |
---|---|---|
46 | Tôn phá lỗ thảo nghịch truyện (nguyên tên là Tôn Kiên Tôn Sách truyện) | Tôn Kiên, Tôn Sách |
47 | Ngô chủ truyện (nguyên tên là Tôn Quyền truyện) | Tôn Quyền |
48 | Tam tự chủ truyện (nguyên tên là Tôn Lượng Tôn Hưu Tôn Hạo truyện) | Tôn Lượng, Tôn Hưu, Tôn Hạo |
49 | Lưu Do Thái Sử Từ Sĩ Nhiếp truyện | Lưu Do (phụ: Trách Dung, Lưu Cơ), Thái Sử Từ, Sĩ Nhiếp |
50 | Phi tần truyện | Phi tần của Tôn Kiên: Ngô phu nhân (phụ: Ngô Cảnh); phi tần của Tôn Quyền: Tạ phu nhân, Từ phu nhân, Bộ phu nhân, Vương phu nhân, Vương phu nhân, Phan phu nhân); phi tần của Tôn Lượng: Toàn phu nhân; phi tần của Tôn Hưu: Chu phu nhân; phi tần của Tôn Hòa: Hà Cơ; phi tần của Tôn Hạo: Đằng phu nhân |
51 | Tông thất truyện | Tôn Tĩnh, Tôn Du, Tôn Hiệu, Tôn Hoán, Tôn Bí, Tôn Phụ, Tôn Dực, Tôn Khuông, Tôn Thiều, Tôn Hoàn |
52 | Trương Cố Gia Cát Bộ truyện | Trương Chiêu (phụ: Trương Phấn, Trương Thừa, Trương Hưu), Cố Ung (phụ: Cố Thiệu, Cố Đàm, Cố Thừa), Gia Cát Cẩn, Bộ Chất |
53 | Trương Nghiêm Trình Hám Tiết truyện | Trương Hoành, Nghiêm Tuấn, Trình Bỉnh, Hám Trạch, Tiết Tống |
54 | Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện | Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông |
55 | Trình Hoàng Hàn Tưởng Chu Trần Đổng Cam Lăng Từ Phan Đinh truyện | Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Tưởng Khâm, Chu Thái, Trần Vũ, Đổng Tập, Cam Ninh, Lăng Thống, Từ Thịnh, Phan Chương, Đinh Phụng |
56 | Chu Trị Chu Nhiên Lã Phạm Chu Hoàn truyện | Chu Trị, Chu Nhiên, Lã Phạm, Chu Hoàn |
57 | Ngu Lục Trương Lạc Lục Ngô Chu truyện | Ngu Phiên, Lục Tích, Trương Ôn, Lạc Thống, Lục Mạo, Ngô Xán, Chu Cứ |
58 | Lục Tốn truyện | Lục Tốn, Lục Kháng |
59 | Ngô chủ ngũ tử truyện (nguyên tên là Tôn Quyền ngũ tử truyện) | Tôn Đăng, Tôn Lự, Tôn Hòa, Tôn Bá, Tôn Phấn |
60 | Hạ Toàn Lã Chu Chung Ly truyện | Hạ Tề, Toàn Tông, Lã Đại, Chu Phường, Chung Ly Mục |
61 | Phan Tuấn Lục Khải truyện | Phan Tuấn, Lục Khải |
62 | Thị Nghi Hồ Tống truyện | Thị Nghi, Hồ Tống (phụ: Từ Tường) |
63 | Ngô Phạm Lưu Đôn Triệu Đạt truyện | Ngô Phạm, Lưu Đôn, Triệu Đạt |
64 | Gia Cát Đằng nhị Tôn Bộc Dương truyện | Gia Cát Khác, Đằng Dận, Tôn Tuấn, Tôn Lâm, Bộc Dương Hưng |
65 | Vương Lâu Hạ Vi Hoa truyện | Vương Phồn, Lâu Huyền, Hạ Thiệu, Vi Chiêu[8], Hoa Hạch |
Ngoài ra còn có quyển 66: Tự lục (nay thất truyền).
Bố cục:
Thời Vương dục hoàn, xuất lệnh viết"kê lặc", quan thuộc bất tri sở vị. Chủ bộ Dương Tu tiện tự nghiêm trang, nhân kinh vấn Tu:"Hà dĩ tri chi?"
Tu viết:"Phù kê lặc, khí chi như khả tích, thực chi vô sở đắc, dĩ tỷ Hán Trung, tri Vương dục hoàn dã".
Khi Vương muốn rút về, mới ra lệnh rằng"kê lặc", các quan không hiểu ý gì. Quan chủ bộ là Dương Tu liền tự thu xếp hành trang, mọi người kinh ngạc hỏi Tu:"Làm sao ông biết?"
Tu đáp:"Gân gà, bỏ đi thì tiếc, ăn vào thì không ra gì, lấy nó để ví với đất Hán Trung, biết Vương đã muốn lui rồi" (時王欲還,出令曰「雞肋」,官屬不知所謂。主簿楊脩便自嚴裝,人驚問脩:「何以知之?」脩曰:「夫雞肋,棄之如可惜,食之無所得,以比漢中,知王欲還也。」
Tam quốc chí là chính sử ghi chép về thời Tam quốc của Trung Quốc, được xếp vào danh sách nhị thập tứ sử. Đương thời đại thần nhà Tấn là Trương Hoa đánh giá rất cao tác phẩm này. Sau khi Trần Thọ mất, Thượng thư lang Phạm Quân dâng biểu tâu rằng:
“ |
Trần Thọ viết Tam quốc chí, lời văn nhiều chỗ khuyên răn, tỏ rõ mọi điều lợi hại, có ích cho phong hóa, tuy văn không hay bằng Tương Như nhưng chất thì ngay thẳng hơn nhiều, nguyện xin sao lục[10]. |
” |
Lưu Hiệp, người thời Lương (Nam-Bắc triều) đánh giá Tam quốc chí của Trần Thọ như sau:
“ |
Tam quốc chí của Trần Thọ thấm nhuần chất văn, Tuân, Trương đem so sánh với Thiên, Cố chẳng phải là quá lời[11]. |
” |
Thiếu sót lớn nhất của Tam quốc chí là chỉ có bản kỷ và liệt truyện, không có phần chí và biểu, do đó tác phẩm chủ yếu chép về các nhân vật thời Tam quốc chứ không chép về địa lý, kinh tế và chế độ chính trị. Tính khách quan của Trần Thọ khi viết sử cũng còn nhiều ý kiến phê bình khác nhau, như Tấn thư của Phòng Huyền Linh ghi lại rằng:
“ |
Đinh Nghi, Đinh Dị là hai người có tiếng ở nước Ngụy, Thọ bảo con họ rằng:"Nếu tìm cho ta được nghìn hộc lương, ta sẽ vì tôn phụ mà viết truyện cho hay."Họ Đinh không mang đến nên không được viết truyện. Cha Thọ làm tham quân cho Mã Tốc, Tốc bị Gia Cát Lượng giết, cha Thọ cũng bị xử tội cắt tóc, Gia Cát Chiêm lại khinh Thọ. Thọ viết truyện về Lượng, bảo Lượng mưu lược không cao, không có tài ứng địch, bàn luận thì chỉ dựa vào sách vở, tiếng tăm vượt quá sự thực. Người bàn lấy đó để chê[12]. |
” |
Lưu Tri Kỷ trong Sử thông, thiên Trực thư phê bình việc Trần Thọ không đề cập đến việc Tư Mã Ý gặp bất lợi khi tác chiến với Gia Cát Lượng và việc Tào Mao phát binh đánh Tư Mã Chiêu, bị Thành Tế giết:
“ | Lúc Tuyên, Cảnh mới khai sáng cơ nghiệp, khi (họ) Tào và (họ Tư) Mã tranh giành, hoặc dựng doanh trại ở sông Vị, bị thua Vũ hầu, hoặc phát binh ở Vân Đài (đánh Tư Mã Chiêu), bị Thành Tế hại chết, Trần Thọ, Vương Ẩn đều ngậm miệng không nói đến[13]. | ” |
Đường Canh, người thời Bắc Tống phê bình cách xưng hô quốc hiệu Thục Hán của Trần Thọ như sau:
“ |
Trên từ Sử ký Tư Mã Thiên, dưới đến Ngũ Đại sử, trong khoảng mấy ngàn năm, từ vương bá chính thống đến tiếm ngôi loạn tặc, từ các nước nhỏ, cho đến các nước Man Di Nhung Địch ở bên ngoài, sử gia không bao giờ là không ghi chép quốc hiệu, nhưng Tam quốc chí thì không thế. Cha con Lưu Bị nối tiếp nhau cai trị hơn bốn chục năm, trước sau đều xưng quốc hiệu là Hán, chưa từng xưng là Thục bao giờ, nếu như có xưng Thục thì cũng chỉ là lời tục xưng mà thôi. Trần Thọ phế bỏ chính hiệu, dùng lời tục xưng, làm theo ý riêng của Ngụy Tấn, bỏ đi phép công của người viết sử. Dụng ý như thế, thì những việc thiện ác khen chê trong sách chắc cũng định đoạt luôn, là đáng tin ư![14] |
” |
Đường Canh còn ghi lại lời Vương An Thạch khuyên Âu Dương Tu biên soạn lại lịch sử thời Tam Quốc:
“ |
Trước kia Âu Dương Văn Trung công viết Ngũ Đại sử, Vương Kinh công nói rằng: Chuyện thời Ngũ Đại, không đủ để ghi chép, sao đủ làm phiền đến ông. Những chuyện đáng vui mừng thời Tam Quốc rất nhiều, đều bị Trần Thọ phá hoại. Bây giờ có thể viết lại[15]. |
” |
Tam quốc chí quyển 20: Vũ Văn thế Vương Công truyện có chép việc Tào Xung cân voi, Hà Trác (người thời Thanh) nghi ngờ rằng việc này không chắc đã có thật:
“ |
Tôn Sách chết vào năm Kiến An thứ năm, Tôn Quyền mới lên thay, đến năm Kiến An thứ mười lăm Quyền sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu, Sĩ Nhiếp đem anh em đến vâng theo mệnh lệnh, sau đó (người Ngô) mới có thể biết được loài voi to (ở Giao Châu), còn Thương Thư (tên tự của Tào Xung) thì đã mất vào năm Kiến An thứ mười ba, do đó việc (Tào Xung cân voi) là bịa đặt. Vạch mực nước đánh dấu trên thuyền thì nghi rằng toán thuật cũng có phép này.[16] |
” |
Tam quốc chí quyển 30: Ô Hoàn Tiên Ti Đông Di truyện đã dựa vào các tư liệu từ Ngụy thư của Vương Thẩm và Ngụy lược của Ngư Hoạn để ghi chép về Nhật Bản - quốc gia ở phía đông Trung Quốc. Đây là sử liệu rất quan trọng ghi chép lịch sử Nhật Bản thời kỳ cổ đại.
Vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh, La Quán Trung đã căn cứ vào các truyền thuyết dân gian, thoại bản, hý khúc cùng các tài liệu lịch sử là Tam quốc chí của Trần Thọ và Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi để viết nên tác phẩm Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa (gọi tắt là Tam quốc diễn nghĩa).
Tiểu thuyết này có ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á. Trong khi Tam quốc chí là chính sử, thì Tam quốc diễn nghĩa lại là tiểu thuyết văn học lịch sử, tác giả đã thêm thắt nhiều truyền thuyết, truyện kể dân gian để tăng thêm tính hấp dẫn; do đó Tam quốc diễn nghĩa có tính chất là "thất thực tam hư" (bảy phần thực, ba phần hư cấu), độ tin cậy về lịch sử dĩ nhiên không cao bằng Tam quốc chí.
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.