Máy bay vận tải chiến lược đa năng hạng trung của Hoa Kỳ From Wikipedia, the free encyclopedia
Lockheed C-130 Hercules là một máy bay vận tải đa năng hạng trung bốn động cơ tuốc bin cánh quạt không vận chiến lược của nhiều lực lượng quân sự trên toàn thế giới.Hơn 40 phiên bản và biến thể khác nhau đã và đang hoạt động ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.Tháng 12 năm 2006 C-130 là chiếc máy bay thứ ba (sau chiếc English Electric Canberra hồi tháng 5 năm 2001 và Pháo đài bay B-52 tháng 1 năm 2005) kỷ niệm 50 năm hoạt động liên tục trong không quân Hoa Kỳ.
C-130 Hercules | |
---|---|
C-130 | |
Kiểu | Máy bay vận tải quân sự,tác chiến điện tử |
Quốc gia chế tạo | Hoa Kỳ |
Hãng sản xuất | Lockheed Lockheed Martin |
Chuyến bay đầu tiên | 23 tháng 8 năm 1954 |
Bắt đầu được trang bị vào lúc |
9 tháng 12 năm 1957 |
Tình trạng | Hoạt động tích cực |
Trang bị cho | Không quân Hoa Kỳ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Không quân Hoàng gia Không quân Nhân dân Việt Nam |
Số lượng sản xuất | Trên 2.300 chiếc tính đến năm 2009[1] |
Giá thành | 62 triệu USD 66,5 triệu USD (C-130J)[2] |
Biến thể | AC-130 Spectre/Spooky Lockheed DC-130 Lockheed EC-130 Lockheed HC-130 Lockheed Martin KC-130 Lockheed LC-130 Lockheed MC-130 Lockheed WC-130 Lockheed L-100 Hercules |
Phát triển thành | Lockheed Martin C-130J Super Hercules |
Có khả năng Cất hạ cánh đường băng ngắn (STOL) từ các đường băng dã chiến, C-130 ban đầu được thiết kế như một máy bay vận tải, cứu thương và vận chuyển quân. Thân có thể thay đổi khiến loại máy bay này đáp ứng được nhiều vai trò, gồm máy bay vũ trang hạng nặng, tấn công trên không, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và máy bay cứu hoả. Các loại máy bay Hercules có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử. Trong hơn 50 năm hoạt động, các dòng máy bay này đã tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự, dân sự và cứu trợ nhân đạo.
C-130 là loại máy bay vận tải hạng trung, thân rộng với cánh nâng chính được bố trí ở phía trên thân may báy. Đồng thời cánh chính cũng là nơi thùng chứa nhiên liệu và cũng là nơi đặt 4 động cơ của máy bay. Ở khoảng giữa 2 động cơ của máy bay ở mỗi bên cánh còn có 2 móc treo các móc treo này dùng để treo 2 thùng nhiên liệu phụ hoặc thiết bị ECM, C - 130 được trang bị 1 cánh đuôi đứng lớn và cánh thăng băng đơn được bố trí ở phía trên phần đuôi của máy bay. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực tuabin cánh quạt với cánh quạt 3 hoặc 4 lá tuy theo phiên bản máy bay, C - 130 được trang bị 3 bộ càng đáp với càng đáp phụ được đặt ngay dưới khoang lái của máy bay, 2 càng đáp chính được bố trí tại phía dưới của gốc cánh. C - 130 có tất cả 14 bánh đáp với 2 ở càng trước và 12 ở 2 càng sau, điểm đặc biệt là độ cao của thân máy bay so với mặt đất có thể điều chỉnh được việc này tao ra thuận lợi cho việc bốc xếp hàng hóa lên máy bay.
C - 130 được bố trí 3 cửa, 2 cửa bên thân máy bay và 1 cửa ở phía đuôi máy bay đồng thời cũng là cầu dẫn tạo thuận tiện cho các xe nâng hàng và các vũ khí tự hành có thể cơ động vào trong khoang chứa hàng của máy bay. Khoang chứa hàng của máy bay có chiều rộng 3m, phía trong được bố trí cần cẩu di động để bốc xếp hàng hóa cũng như các thiết bị điều khiển phục việc đóng mở cầu dẫn.
Ngoài thiết bị lái cơ khí, C - 130 còn được trang bị hệ thống lái điện tử (fly-by-wire). Hệ thống bay tự động (Auto pilot), cùng ra đa dẫn đường Doppler, hệ thống cảm biến cảnh báo khi bị hệ thống PK đối phương bắt bám. Máy bay được trang bị hệ thống máy tính hàng không tương tự hoặc kỹ thuật số tùy vào phiên bản của máy bay ngoài ra C - 130 còn được trang bị các hệ thống phụ trợ cho việc chỉ huy dẫn đường tác chiến điện tử và điều khiển UAV hệ thống tiếp dầu và vũ khí đối đất trên các phiên bản chuyên dùng. Máy bay cũng được trang bị hệ thống thông tin liên lạc đối đất đối không và cả thiết bị liên lạc vệ tinh, ngoài ra máy bay còn được trang bị thiết bị nhận diện địch ta. Trên phiên bản hiện đại hóa C - 130J khoang lái của máy bay các đồng hồ cơ khí và màn hình CRT đơn sắc được thay bằng các màn hình hiển thị đa chức năng LCD.
Chiến tranh Triều Tiên đã cho thấy những loại máy bay vận tải thời Thế Chiến II—C-119 Flying Boxcar, C-47 Skytrain và C-46 Commando không đáp ứng được nhu cầu của chiến tranh hiện đại. Vì thế, ngày 2 tháng 2 năm 1951, Không quân Hoa Kỳ đã mở gói thầu về một loại máy bay vận tải mới cho không lực, Boeing, Douglas, Fairchild, Lockheed, Martin Company, Chase Aircraft, Airlifts Inc, North American và Northrop được mời tham gia đấu thầu. Chiếc máy bay mới phải có sức chở 92 người, hay 64 quân dù, tầm hoạt động 1.100 hải lý (2.000 km), khả năng cất cánh từ các đường băng ngăn và dã chiến, ngoài ra phải có khả năng bay khi một động cơ ngừng hoạt động.
Fairchild, North American, Martin và Northrop từ chối tham gia. Năm công ty còn lại đưa ra tổng cộng chín bản thiết kế: Lockheed hai, Boeing một, Chase ba, Douglas ba, Airlifts Inc một. Cuộc cạnh tranh diễn ra giữa hai bản thiết kế của Lockheed (tên định danh dự án ban đầu L-206) và một mẫu thiết kế bốn động cơ cánh quạt của Douglas. Đội thiết kế của Lockheed do Willis Hawkins lãnh đạo khởi đầu với đề xuất dày 130 trang cho loại Lockheed L-206 và hai loại động cơ cánh quạt lớn hơn khác.[3] Hall Hibbard, phó chủ tịch và là kỹ sư trưởng của Lockheed, xem xét bản đề xuất và chuyển nó cho Kelly Johnson, người đã ghi chú sau khi xem, "Nếu ông ký bản đề xuất này, ông sẽ tiêu diệt Lockheed Company."Bản mẫu:Unclear Cả Hibbard và Johnson đều ký vào đó và công ty nhận được bản hợp đồng cho dự án với tên định danh mới Model 82 ngày 2 tháng 7 năm 1951.[4]
Chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu YC-130 được thực hiện ngày 23 tháng 8 năm 1954 từ nhà máy của Lockheed tại Burbank, California. Chiếc máy bay, có số hiệu 53-3397, là nguyên mẫu thứ hai nhưng là chiếc đầu tiên cất cánh. Hai phi công điều khiển YC-130 là Stanley Beltz và Roy Wimmer trong chuyến bay dài 61 phút tới Căn cứ Không quân Edwards; Jack Real và Dick Stanton là kỹ sư máy. Kelly Johnson bay hộ tống trên một chiếc P2V Neptune.[5] Các cuộc thử nghiệm tiếp theo được kéo dài cho tới 1956 thì kết thúc, C - 130 được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị cho Không quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoa Kỳ.
Sau khi hai nguyên mẫu được hoàn thành, việc sản xuất được chuyển tới Marietta, Georgia, nơi hơn 2.000 chiếc C-130 đã được chế tạo.[6]
Model sản xuất đầu tiên, C-130A, sử dụng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt Allison T56 với cánh quạt ba lá. Việc giao hàng bắt đầu vào tháng 12 năm 1956.
Model C-130B được hãng Lockheed Martin giới thiệu vào năm 1959, về hình dáng khí động học của phiên bản này không có gì khác biệt so với phiên bản trước đó. Điểm khác biệt nằm ở cánh máy bay, C - 130B được trang bị 1 bộ cánh nâng mới nhỏ hơn phiên bản đầu tiên nhưng có sức chịu tải lớn hơn cánh của C - 130 đời đầu tiên. Đồng thời bộ cánh mới của C - 130B cũng cho lực nâng tốt hơn, bộ cánh mới này có lực nâng 3.000 so với 2.050 lbf/mm2 của cánh máy bay C - 130 đời đầu. Đồng thời C - 130B cũng được trang bị bộ cánh quạt tạo lực đẩy 4 lá thay vì 3 lá trên C - 130 đời đầu, bộ cánh quạt tạo lực đẩy 4 là cho hiệu suất lực đẩy tăng lên và cũng hoạt động ổn định hơn bộ cánh quạt 3 lá. Cũng trên phiên bản C - 130B này máy bay được trang bị thêm 2 thùng nhiên liệu phụ đặt dưới cánh nâng chính.
Model C-130D về cơ bản là máy bay C - 130B, tuy nhiên C - 130D được thiết kế để hoạt động trong điều kiên băng tuyết vì nó được sử dụng trong bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ phiên bản này được thay các bánh đáp bằng các ván trượt tuyết, giúp cho máy bay có thể cất và hạ cánh trên các tảng băng ở vùng cực. Đặc biệt là bay tiếp vận cho trạm radar cảnh giới tại đảo Greenland nơi gần như quanh năm đóng băng.
Model C-130E với tầm hoạt động lớn hơn đi vào phục vụ năm 1962. Phiên bản này đặc biệt nhấn mạnh tới việc tăng tầm hoạt động của máy bay, C - 130E được trang bị thêm 2 thùng dầu phụ lớn hơn 2 thùng dầu phụ của C - 130B. 2 thùng dầu phụ của C - 130E có tổng sức chứa lên tới 5000l, đồng thời C - 130E cũng được trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực Allison T-56-A-7A cho công xuất lớn hơn so với 2 phiên bản trước đó. C - 130E cũng được cải tiến hệ thống điện tử hàng không đặc biệt là hệ thống radar dẫn đường, thiết bị cánh báo bị hệ thống phòng không đối phương bám bắt... Máy bay còn được trang bị thêm hệ thống bẫy nhiệt có tác dụng đánh lừa đầu dò của tên lửa không đối không và đất đối không tầm nhiệt.
Máy bay tiếp dầu KC-130, ban đầu được chuyển đổi từ C-130F phục vụ trong Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC) từ năm 1958 (với tên định danh GV-1) được trang bị một thùng nhiên liệu 13.626 lít (3600 US gallon) có thể tháo rời bằng thép không rỉ bên trong khoang chở hàng. Vòi tiếp dầu lắp và phao phễu ở hai cánh có khả năng tiếp 19 lít nhiên liệu mỗi giây (tương đương 300 US mỗi phút) cho đồng thời hai máy bay khác, cho phép tiếp dầu nhanh cho nhiều máy bay bay trong đội hình, (một kiểu đội hình tiếp dầu đặc trưng cho bốn máy bay trong thời gian chưa tới 30 phút). Chiếc C-130G của Hải quân Mỹ là một nhánh của C - 130E được gia cố khung thân để tăng sức chở các loại hàng hóa hạng nặng, máy bay được thiết kế đặc biệt như vậy là vì nó chuyên dùng cho các không đoàn vận tải của hải quân.
Model C-130H dùng động cơ phản lực cánh quạt Allison T56-A-15 cải tiến, phần ngoài cánh được thiết kế lại, hệ thống điện tử hiện đại hơn cũng như một số cải tiến nhỏ khác. Các model H sau này có vùng tâm cánh mới, với khả năng chống mỏi tốt hơn và cải tiến này cũng đã được áp dụng cho các model H trước đó. Model H vẫn được sử dụng rộng rãi trong Không lực Hoa Kỳ (USAF) và nhiều lực lượng không quân khác. Những chuyến giao hàng đầu tiên bắt đầu năm 1964 (cho Không quân Hoàng gia New Zealand), vẫn được chế tạo cho tới tận năm 1996. Một chiếc C-130H cải tiến đã được giới thiệu năm 1974.
Từ năm 1992 tới 1996 C-130H được Không quân Hoa Kỳ gọi là C-130H3. 3 có nghĩa là biến thể thứ ba của bản thiết kế cho loạt model H. Các cải tiến gồm buồng lái kính một phần (các thiết bị ADI và HSI), radar xung dupler APN-241 với màn hình hiển thị là màn hình CRT màu, đây là lần đầu tiên loại màn hình hiển thị này được áp dụng cho công nghiệp hàng không, thiết bị ngắm ban đêm và một hệ thống điện tử cải tiến sử dụng các Bus Switching Unit cung cấp năng lượng 'sạch' cho các yếu tố cải tiến nhạy cảm hơn.
Model tương đương để xuất khẩu sang Anh Quốc là C-130K, được Không quân Hoàng gia (RAF) gọi là Hercules C.1. C-130H-30 (Hercules C.3 trong Không quân Hoàng gia) là phiên bản kéo dài của loại Hercules cũ, thêm vào 100-inch (2.54 m) ở phía cuối buồng lái và 80-inch (2.03 m) phía sau thân. Một chiếc C-130K duy nhất đã được Met Office mua sử dụng cho các chuyến bay nghiên cứu khí tượng của họ. Chiếc máy bay này được chuyển đổi rất nhiều (đặc tính đáng chú ý nhất là thiết bị thăm dò khí tượng màu đỏ và trắng ở mũi) tới mức nó được đặt tên định danh W.2, nhằm phân biệt với loại C.1 nguyên bản. Chiếc máy bay này, được đặt tên là Snoopy, đã được cho ngừng hoạt động năm 2001. C-130K được RAF Falcons dùng để thả quân dù.
HC-130N & P là các biến thể tìm kiếm cứu hộ tầm xa được Air Rescue Service của Không lực Hoa Kỳ sử dụng. Được trang bị để triển khai lính cứu hộ đường không (PJs), thiết bị y tế, và tiếp dầu trên không cho các máy bay trực thăng chiến đấu cứu hộ (xem KC-130H), chúng thường là máy bay chỉ huy tại trận địa cho các phi vụ Tìm kiếm Cứu hộ. Các phiên bản ban đầu được trang bị hệ thống phục hồi đất đối không Fulton, được thiết kế để kéo người lên khỏi mặt đất sử dụng dây buộc từ một quả bóng khí helium. Bộ phim The Green Berets của John Wayne có cảnh quay về chức năng này. Hệ thống Fulton sau này được bỏ đi khi việc tiếp dầu trên không cho các máy bay trực thăng cho thấy an toàn và linh hoạt hơn. Bộ phim The Perfect Storm thể hiện một phi vụ Tìm kiếm cứu hộ thực sự có cảnh tiếp dầu trên không của một chiếc HC-130.
C-130R và C-130T là những model USMC của Hải quân Mỹ, cả hai đều được trang bị các thùng nhiên liệu ngoài. C-130T tương tự, nhưng có nhiều cải tiến điện tử hơn so với model R và tương thích hoàn toàn với hệ thống ngắm đêm. Trong cả hai model, máy bay USMC được trang bị động cơ Allison T-56-A-16. Các phiên bản USMC được đặt tên định danh KC-130R hay KC-130T khi được trang bị các mấu cứng hay thiết bị tiếp dầu dưới cánh.
RC-130 là phiên bản trinh sát. Một chiếc duy nhất được sử dụng bởi Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Lockheed L-100 (L-382) là một biến thể dân sự, tương đương model C-130E không có mấu cứng dưới cánh hay thiết bị quân sự. L-100 cũng có hai phiên bản kéo dài: L-100-20 có thân được kéo dài thêm 8.3 ft (2.5 m) và L-100-30 được kéo dài thêm 15 ft (4.6 m). L-100 không được sử dụng nhiều trên thị trường dân sự.
Trong thập niên 1970 Lockheed đã đề xuất một biến thể C-130 với động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy chứ không phải động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt, nhưng Không quân Mỹ thích tích năng cất cánh của loại máy bay hiện tại hơn. Trong thập niên 1980 C-130 đã được dự định thay thế bằng dự án Advanced Medium STOL Transport (Vận tải hạng trung cất hạ cánh đường băng ngắn hiện đại). Tuy nhiên, dự án này đã bị hủy bỏ và C-130 vẫn tiếp tục được chế tạo.
C-130J Super Hercules là phiên bản mới nhất của dòng Hercules và là model duy nhất vẫn được chế tạo. Vẻ ngoài tương tự như những chiếc Hercules trước kia, nhưng model J là loại máy bay rất khác biệt. Máy bay được trang bị máy tính số hóa, hệ thống hiển thị trung tâm HUD cùng các màn hình hiển thị thông tin bay đa chức năng LCD, cùng các hệ thống lái điện tử fly-by-wire kỹ thuật số, hệ thống thông tin liên lạc đối không và đối đất kỹ thuật số ngoài ra máy bay còn được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS. Hệ thống tác chiến điện tử ECM, C - 130J sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt Rolls-Royce Allison AE2100 và được trang bị các cánh quạt hình đao chế tạo bằng vật liệu composite. Phi hành đoàn cũng giảm xuống chỉ còn 2 phi công, không cần hoa tiêu và kỹ sư máy. Máy bay cũng được tăng độ tin cậy, và giảm chi phí hoạt động tới 27%. C-130J cũng có thể được chế tạo với chiều dài tiêu chuẩn hay kéo dài với biến thể -30. Lockheed đã nhận được đơn hàng model J từ Không quân Hoàng gia, số lượng 25 chiếc, chuyến giao hàng đầu tiên bắt đầu năm 1999 với tên gọi Hercules C. Mk 4 (C-130J-30) và Hercules C. Mk 5 (C-130J).
Bên sử dụng lớn nhất model mới này sẽ là Không quân Mỹ, họ đang đặt hàng với số lượng ngày càng tăng, dù tới năm 2005 Hạ viện đã thông báo số lượng đặt hàng C-130J sẽ bị cắt giảm nhiều. Các bên sử dụng C-130J hiện tại là Không quân Mỹ, Thủy quân lục chiến Mỹ (KC-130J tiếp dầu), Phòng không Quốc gia Mỹ, Phòng vệ bờ biển Mỹ, Không quân Hoàng gia, Không quân Hoàng gia Australia, Không quân Đan Mạch và Không quân Italia. Tổng số lượng đặt hàng C-130J đã lên tới 186 chiếc ở thời điểm tháng 12 năm 2006.[7]
Lockheed cũng đã đề nghị cho thuê bốn chiếc C-130J cho German Luftwaffe (Không quân Đức), lực lượng này đang chờ đợi những chiếc Airbus A400M, để sử dụng vào năm 2010, nhưng đã bị từ chối.
Không quân Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu mua sáu chiếc C-130J. Việc mua bán được dự định kết thúc khoảng giữa năm 2007.[8]
Một Request for Proposal (Yêu cầu đề xuất) đã được trao cho Lockheed Martin ngày 9 tháng 8 năm 2007, như một phần của chương trình mua bán nhằm thay thế những chiếc CC-130E và các model H thuộc Không quân Canada bằng 17 chiếc C-130J mới. Lockheed Martin dường như là nhà cung cấp duy nhất trong số ba công ty đã đáp ứng quy trình chào hàng và đánh giá (SOIQ). Vì thế, Lockheed Martin hiện đang trong quá trình đưa ra một gói chào chính thức. Chính phủ chờ đợi một hợp đồng sẽ được ký kết vào mùa đông năm 2007, chuyến giao hàng đầu tiên sẽ diễn ra mùa đông năm 2010. C-130J sẽ được đặt tên định danh chính thức CC-130J Hercules khi hoạt động trong các lực lượng Canada.[9]
Không quân Hoàng gia Na Uy đã quyết định mua bốn chiếc C-130J để tăng cường khả năng vận tải khi họ phát hiện thấy những chiếc C-130 đã bốn mươi năm tuổi không thể hoạt động trong một lần thay đổi cánh.[10]
Hercules giữ kỷ lục là loại máy bay lớn nhất và năng nhất từng hạ cánh trên một tàu sân bay. Trong tháng 10 và tháng 11 năm 1963, một chiếc KC-130F (BuNo 149798), của Thủy quân lục chiến đã tiến hành 21 lần cất hạ cánh trên tàu sân bay USS Forrestal với các trọng lượng khác nhau. Phi công, trung úy James Flatley III, đã được trao huy chương Distinguished Flying Cross vì thành tích này. Các cuộc thử nghiệm rất thành công, nhưng ý tưởng bị cho là quá mạo hiểm cho các chiến dịch "Chuyển hàng trên boong tàu sân bay" (COD) hàng ngày. Thay vào đó, C-2 Greyhound đã được phát triển cho riêng mục đích này. (Chiếc Hercules sử dụng trong thử nghiệm, gần đây nhất hoạt động trong VMGR-352 tới năm 2005, hiện là một phần trong bộ sưu tập của Bảo tàng Không quân Hải quân Quốc gia tại NAS Pensacola, Florida.)
Tuy C-130 tham gia vào các chiến dịch vận chuyển và tiếp tế hàng ngày, nó cũng đã được sử dụng như một phần trong các chiến dịch tấn công:
Một chiếc C-130T nổi bật là Fat Albert, chiếc máy bay hỗ trợ cho đội bay biểu diễn Blue Angels của Hải quân Mỹ. Dù Fat Albert hỗ trợ cho một phi đội của hải quân, nó vẫn thuộc quyền điều hành của Thủy quân lục chiến và phi đội của nó chỉ toàn người của Thủy quân lục chiến. Tại một số triển lãm hàng không có sự tham gia của đội, Fat Albert thực hiện các chuyến bay biểu diễn và thỉnh thoảng cả khả năng cất cánh hỗ trợ phản lực (JATO) của mình.
C-130 nói chung là loại máy bay có độ tin cậy cao. Không quân Hoàng gia ghi nhận tỷ lệ tai nạn khoảng một chiếc trên 250.000 giờ bay trong bốn mươi năm qua, khiến nó trở thành một trong những loại máy bay an toàn nhất từng hoạt động (cùng với Vickers VC10 và Lockheed Tristar là hai loại chưa từng gặp tai nạn nào). Hôm 20/5/2009 xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng đối với máy bay vận tải Hercules C130 tại Madiun, phía Đông Java, Indonesia đã làm 101 người thiệt mạng. [12] Tuy nhiên, hơn 15% số máy bay chế tạo đã mất, bao gồm 55 chiếc C-130, 4 chiếc KC-130 và 6 chiếc AC-130 của Không lực Hoa Kỳ và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ khi hoạt động chiến đấu tại Việt Nam. Ngoài ra, 32 chiếc C-130 mà Mỹ viện trợ cho Không quân VNCH cũng bị phá hủy hoặc bị thu giữ. Tổng cộng Mỹ bị mất 97 chiếc thuộc mọi phiên bản ở Việt Nam.
Các biến thể quân sự đáng chú ý của C-130 bao gồm:
Phần này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Seamless Wikipedia browsing. On steroids.
Every time you click a link to Wikipedia, Wiktionary or Wikiquote in your browser's search results, it will show the modern Wikiwand interface.
Wikiwand extension is a five stars, simple, with minimum permission required to keep your browsing private, safe and transparent.